Tây Ninh

Tây Ninh có gì?

Tây Ninh là tỉnh biên giới thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm ở vị trí tiếp giáp giữa vùng núi cao nguyên Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Tây Ninh là một địa bàn chiến lược về kinh tế, quốc phòng, là căn cứ địa của cách mạng miền Nam. Cùng với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, Tây Ninh đang là địa danh được khá nhiều khách du lịch quan tâm dạo gần đây. Tây Ninh có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Tây Ninh trong bài viết sau đây nhé.

Di tích và Danh thắng núi Bà Đen – Tây Ninh

Khu Di tích lịch sử Văn hóa – Danh thắng và du lịch Núi Bà Đen là quần thể di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Nam Bộ. Nằm cách thành phố Tây Ninh 11 km về hướng Đông Bắc, quần thể di tích Núi Bà trải rộng 30 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo – núi Phụng – núi Bà Đen.

tây ninh có gì?

Di tích và Danh thắng núi Bà Đen – Tây Ninh

Với chiều cao 986 m, núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam Bộ, nhìn từ xa như chiếc nón lá úp với hệ thống hang động hoang sơ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mang trong mình truyền thuyết Bà Đen linh thiêng. Nằm rải rác từ chân núi lên đến đỉnh núi Bà Đen là hệ thống quần thể kiến trúc công trình tôn giáo: điện thờ, chùa, miếu, tháp… phản ánh những đặc trưng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Trong đó, nổi bật là chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự) hay còn gọi là chùa Thượng và Điện Bà bên cạnh, nơi đặt bức tượng Bà Đen bằng đồng trong một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành am động. Ngoài ra, còn có một số ngôi chùa khác như: chùa Phật với tượng Phật nhập Niết bàn, chùa Hang (Linh Sơn Long Châu tự), chùa Trung (Linh Sơn Phước Trung tự). Đan xen với hệ thống chùa là rất nhiều hang động: động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, hang Gió, hang Rồng… Dưới chân núi là Khu Du lịch Văn hóa Núi Bà với nhiều khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, nhà nghỉ.

Trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc, núi Bà Đen đã từng là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của quân và dân ta. Để ghi nhớ khoảnh khắc lịch sử oai hùng đó, Khu di tích đã trùng tu và xây dựng 2 địa điểm trưng bày một số hiện vật và hình ảnh về các cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng, đó là động Kim Quang và Bảo tàng dưới chân núi.

Từ năm 2013, hệ thống cáp treo công nghệ Châu Âu đã vận hành song song với hệ thống cáp treo trước đây và kết hợp với hệ thống máng trượt hiện đại, phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, khám phá của du khách, tạo nên một điểm du lịch tâm linh, dã ngoại thú vị.

tây ninh có gì?

Di tích và Danh thắng núi Bà Đen – Tây Ninh

Hàng năm, cứ mỗi dịp xuân về, nhất là ngày rằm tháng Giêng, Khu di tích thu hút khoảng 2,5 triệu du khách trong và ngoài tỉnh hội tụ về khu vực núi Bà Đen để tham quan du lịch, hành hương và lễ bái, đặc biệt là Lễ hội Động Kim Quang, Lễ vía Bà Đen, Hội xuân núi Bà Đen… luôn để lại trong tim từng du khách một núi Bà Đen hoang sơ, hùng vĩ nhưng không kém phần linh thiêng về truyền thuyết Bà Đen.

Đến năm 2020, Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen phấn đấu hoàn chỉnh cơ cấu khu du lịch, một số dự án trọng điểm và mũi nhọn. Đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen cùng với Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng và thành phố Tây Ninh trở thành các điểm đến lý tưởng cho du khách sau khi hoàn thành các dịch vụ vui chơi giải trí như: Khu trường bắn, Khu cảnh quan gắn với Trung tâm đô thị, Khu tổ hợp du lịch Ma Thiên Lãnh, Khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp, Khu cắm trại và các hoạt động dã ngoại, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, Khu vườn thực vật và bảo tồn gen, Trường đua xe mô tô và ô tô địa hình, Làng văn hóa Khmer Suối Đá – Khedol và Khu dịch vụ giải trí trên đỉnh núi.

Tháp Chóp Mạt – Tây Ninh

Tháp Chóp Mạt hay Chót Mạt là một ngọn tháp cổ của nền văn hóa Óc Eo, được các tài liệu lịch sử dự đoán là xây dựng vào thế kỷ thứ 8 nhưng mãi đến giữa thế kỷ thứ 19, cụ thể là năm 1866 thì mới được các nhà khảo cổ Pháp phát hiện ra tại ấp Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, và cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 120km.

tây ninh có gì?

Tháp Chóp Mạt – Tây Ninh

Khi mới được phát hiện thì một phần tháp đã bị sụp đổ và vùi lấp dưới đất, vì thế vào năm 1938 người ta đã bắt đầu tiến hành trùng tu lần đầu tiên, sau đó là năm 2003 và gần nhất là năm 2013 để tòa tháp có được hình dạng nguyên vẹn như hiện nay.

Không chỉ là 1 trong 3 đền tháp cổ hiếm hoi còn tồn tại ở Nam Bộ (cùng với tháp Bình Thạnh ở Trảng Bàng và tháp Vĩnh Hưng ở Bạc Liêu), mà Chóp Mạt còn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1993. Chính vì vậy, nó chắc chắn sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn ở Tây Ninh cho những ai mê khảo cổ đấy nhé.

Khu di tích tháp cổ Chóp Mạt được đặt trên một gò đất cao giữa cánh đồng mênh mông, xung quanh không có một vật cản, nên từ xa nhìn lại nó như một ngọn bút khổng lồ vươn thẳng lên trời xanh. Và càng đến gần thì sự bề thế, hoành tráng của nó lại càng được thể hiện rõ hơn, với phần móng là một hình vuông có cạnh dài 5m và chiều cao tính từ mặt đất lên đỉnh tháp là 10m.

Hơn nữa, toàn bộ công trình được xây bằng đá phiến và gạch nung khổ lớn nên trông rất vững chãi và có màu đỏ cam tương đồng khá nhiều với những tòa tháp Chăm cổ kính ở miền Trung. Tháp Chóp Mạt được thiết kế theo bình vuông, với 3 tầng giật cấp, nhỏ dần lên phía trên và không có chóp. Trong đó, mặt tháp thì xoay về hướng Đông , còn 3 mặt vách phụ thì nhìn về 3 hướng khác nhau là Tây, Nam và Bắc. Điểm đặc biệt là dù không sử dụng xi măng nhưng với chất kết dính độc đáo nào đó, người ta đã khiến các lớp gạch xếp chồng lên nhau khít đến mức dù là những tia nẵng nhỏ cũng không thể xuyên qua được, qua đó ta mới thấy tài nghệ của người Óc Eo xưa “đỉnh cao” đến mức nào.

tây ninh có gì?

Tháp Chóp Mạt – Tây Ninh

Bên cạnh đó, mặc dù đã được cải tạo dựa trên những khuôn mẫu đã có sẵn của đền cổ Chót Mạt xa xưa, nhưng vì các dấu vết đã bị thời gian bào mòn quá lâu nên các kiến trúc mới vẫn không có sự tinh xảo và chi tiết như các họa tiết ban đầu. Điều này được thể hiện rất rõ trên các bức tường, vẫn là những chạm khắc nổi, vẫn là hình ảnh các vị thần, các bông hoa hay các linh vật…nhưng nếu các họa tiết trên vòm cửa giả ở mặt Bắc dù đã nhuốm màu rêu phong nhưng vẫn tinh tế trong từng chi tiết nhỏ, thì các mặt được tu sửa lại khá đơn điệu, rập khuôn và không quá ấn tượng ngay cả khi mới hơn. Dẫu vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận công lao và nỗ lực to lớn của các nhà phục dựng, vì có họ chúng ta mới có thể chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc cổ tuyệt vời, đại diện cho một nền văn hóa hưng thịnh một thời như thế này.

Ngoài ra, nền gạch trong lòng tháp Chóp Mạt cũng là gạch mới lát lại nhưng may mắn rằng, trong quá trình khảo sát toàn bộ khuôn viên, người ta đã tìm thấy rất nhiều các phiến đá – phế tích của các bệ thờ, đã bị rêu phong phủ kín nên toát lên những nét cổ kính và trầm mặc đến lạ.

Đặc biệt, tháp Chót Mạt còn được một người dân trong làng có nhà ngay gần đó trông nom, mỗi khi có khách tới, ông cụ lại lọc cọc chạy vào cùng một chai nước suối và một tờ tài liệu giới thiệu về tháp, vậy nên bạn cũng có thể trò chuyện với ông để hiểu thêm và những điều độc đáo của nền văn minh Óc Eo xưa đấy nhé.

Tháp cổ Bình Thạnh – Tây Ninh

Tháp cổ Bình Thạnh – đặc trưng của nền văn hóa Óc Eo là một trong số những ngôi tháp hiếm hoi còn sót lại ở Đông Nam Bộ. Tháp được đặt tên là Tháp cổ Bình Thạnh, bởi công trình này nằm phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông tại ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Đền tháp Bình Thạnh được xác định ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VIII-IX, thuộc văn hóa Óc Eo. Tháp Bình Thạnh được phát hiện chính thức cùng Tháp Chóp Mạt – Tây Ninh đầu thế kỷ XX qua tài liệu báo cáo khảo cổ học Tây Ninh của thư viện nghiên cứu khảo cổ Đông Dương.

tây ninh có gì?

Tháp cổ Bình Thạnh – Tây Ninh

Tọa lạc trên khu đất cao và bằng phẳng, tháp Bình Thạnh ẩn mình dưới tán lá sum suê của những cây đại thụ tạo nên khung cảnh thơ mộng nhưng không kém phần trang nghiêm. Xung quanh ngôi tháp là những thửa ruộng san sát. Toàn cảnh ngôi tháp như ẩn hiện giữa ruộng lúa bao la và những hàng cây rợp bóng. Để đến được với tháp cổ, du khách phải trải qua quá trình tìm kiếm gian nan, dọc theo Quốc lộ 22B đến trung tâm huyện Gò Dầu, tìm đường tới ngã ba ấp Voi – huyện Bến Cầu rồi xuôi theo huyện lộ 784 không có một bảng chỉ dẫn, chỉ đến khi tìm đến gần sát khu tháp mới thấy được tấm bảng công nhận Di tích lịch sử văn hóa.

Về giá trị lịch sử: Đây là ngôi tháp duy nhất còn tường đá nguyên vẹn (kể từ khi phát hiện năm 1886). Do vậy, kiến trúc đền tháp Bình Thạnh đã trở thành cực kỳ hiếm hoi và quý giá trong di sản kiến trúc dân tộc.

Đền Tháp cổ Bình Thạnh được xây dựng bằng gạch với kỹ thuật tương tự như ở các đền Tháp Chăm nổi tiếng ở miền Trung nước ta. Kỹ thuật xây dựng này đã bị thất truyền từ lâu và vẫn là một thách đố đối với khoa học. Các viên gạch được liên kết với nhau không bởi một chất kết dính nào hiện biết. Chúng liền khít với nhau đến mức cho đến nay vẫn có người nghĩ rằng người xưa đã xếp gạch mọc rồi nung cả khối tháp. Tất nhiên là do quan niệm sai lầm, ngộ nhận, nhưng rõ ràng phương pháp – kỹ thuật xây dựng ấy thật độc đáo, vô tiền khoáng hậu, đã khiến cả thế giới khâm phục.

Tháp có nền hình vuông, cao 10m, mỗi cạnh 5m, được xây dựng đúng bốn hướng, cửa chính mở về hướng Đông, trước mặt là một bàu “hình vuông”, ba mặt Tây – Nam – Bắc đều có cửa “giả” được đắp nổi các hoa văn, trang trí tinh xảo. Cửa chính Đông được xây nhô hẳn ra ngoài khung cửa là bốn phiến đá nguyên được đục, đẽo, mài nhẵn các cạnh, một tấm đặt ngang phía dưới, hai bên khoét hai lỗ tròn để gắn con quay cánh cửa, tấm thứ tư đặt ngang phía trên tạo thành một khung cửa đá vững chắc, rộng 1m, cao 2m.

Về điêu khắc, trang trí đền Tháp Bình Thạnh là những tác phẩm tuyệt mỹ. Các họa tiết phù điêu không chỉ đẹp về tạo hình, tỉ mỉ đến trau chuốt trong tạo tác mà còn mang tính biểu tượng cao. Mặt ngoài tháp trên cửa chính phía Đông gắn trên “mi cửa” là một phiến đá lớn, hình chữ nhật 0,80m x 2m chạm nổi hình hoa cúc cách điệu, hai vách bên cửa chính cũng chạm nổi hai mảng phù điêu. Các mô típ trang trí được xây lặp lại ở các phần thu nhỏ dần lên đỉnh tháp, tạo cho toàn bộ ngôi tháp có nhiều góc, cạnh, cộng thêm vào các bức phù điêu được đắp nổi quanh ngôi tháp nên đã tạo cho toàn bộ công trình tháp là một kiến trúc vững chắc và công phu. Các họa tiết phù điêu này không chỉ đẹp và tỉ mỉ về tạo hình mà còn mang tính biểu tượng cao. Từ đền Tháp cổ Bình Thạnh và các phế tích đền tháp đương đại, chúng ta có thể tìm hiểu về tôn giáo tín ngưỡng và tâm linh người xưa cũng như phong tục tập quán và đời sống văn hóa. Do vậy, kiến trúc Tháp cổ Bình Thạnh mang giá trị lịch sử – văn hóa – kiến trúc – nghệ thuật có sức cuốn hút về mặt tham quan du lịch nghiên cứu khoa học rất lớn đối với khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

tây ninh có gì?

Tháp cổ Bình Thạnh – Tây Ninh

Tổng thể kiến trúc gồm ba tháp chính. Rất tiếc, hầu như toàn bộ công trình chỉ còn lại những mảng chắp vá và dường như là một đống đổ nát. Ngôi tháp giữa với phần nền còn sót lại tuy đã được lợp một mái che nhưng ngổn ngang gạch bụi và những tấm mi cửa bằng đá sa thạch. Tháp phía Bắc thì hầu như mất dạng, chỉ còn xác định được một cái nền vuông thông qua thám sát năm 1994. May mắn hơn hết là tháp phía Nam được trùng tu vào năm 1998, bên trong là những gian thờ chật chội, vỏn vẹn chỉ có một bát nhang và mặt tường bị ám khói loang lổ, dưới sàn vương vãi cát bụi và phân dơi. Hầu hết những hiện vật bên trong di tích đã được mang về Bảo tàng tỉnh Tây Ninh hoặc đã bị lấy cắp trong những năm tháng chiến tranh loạn lạc. Duy chỉ có một tượng Linga bằng đá (được làm mới) đứng chơ vơ giữa lòng ngôi tháp.

Tháp được Hội Nghiên cứu Đông Dương phát hiện năm 1886 và được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993. Năm 1999 Tháp cổ Bình Thạnh đã được trùng tu. Tháp Bình Thạnh được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa năm 1993.

Tòa thánh Cao Đài – Tây Ninh

Tòa Thánh Tây Ninh còn được gọi là Đền Thánh là một công trình tôn giáo của đạo Cao Đài, tọa lạc trong khuôn viên Nội ô Tòa Thánh Tây Ninh tại phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Cách trung tâm Thành phố Tây Ninh khoảng 5 km về phía Đông Nam, thuộc miền Nam nước Việt Nam.

tây ninh có gì?

Tòa thánh Cao Đài – Tây Ninh

Đây là Tổ Đình, tức cơ sở thờ tự cấp trung ương của đạo Cao Đài. Gọi Tòa Thánh Tây Ninh là Tổ Đình, vì đây là nơi phát xuất của Đạo Cao Đài, là nơi đặt các cơ quan trung ương của Hội Thánh Cao Đài, tức Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để điều hành toàn bộ các hoạt động truyền giáo và cứu độ nhơn sanh. Đền Thánh là một ngôi đền đồ sộ, nguy nga, đặc sắc, để thờ phượng Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng đế, các vị Giáo chủ Tam Giáo, Tam Trấn và Ngũ Chi Đại Đạo, cùng các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Một trong những điểm nổi bật thu hút du khách của Tây Ninh là Tòa Thánh Cao Ðài, nơi thờ phượng của một tôn giáo có xuất xứ ngay trong nước với kiến trúc độc đáo, là một công trình nghệ thuật tổng hợp hoành tráng kết hợp hài hòa giữa kiến trúc dân tộc vừa mang nét bề thế nguy nga của phương Tây, lại vừa mang dáng vẻ huyền bí của phương Đông. Tòa Thánh được xây dựng từ năm 1933 đến tháng Giêng năm 1955 chính thức khánh thành, tọa lạc trong một khuôn viên rộng 1 km2, cách thành phố Tây Ninh 5km về hướng Đông. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của Tòa Thánh – Thánh địa của Đạo Cao Đài Tây Ninh.

tây ninh có gì?

Tòa thánh Cao Đài – Tây Ninh

Hàng năm vào các dịp Lễ Vía Đức Chí Tôn vào mùng 9 tháng Giêng Âm lịch và Hội Yến Diêu Trì Cung vào ngày Rằm tháng Tám Âm lịch, nơi đây trưng bày và biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc như múa Tứ Linh và Rồng nhang, triển lãm quả phẩm, biểu diễn trống Chhay-dăm, dàn nhạc dân tộc, đặc biệt quý khách được thưởng thức các món ăn chay được chế biến và trình bày khá độc đáo… Bên cạnh đó, các sinh hoạt tôn giáo hàng ngày với các lễ cúng thời cũng là nét đặc sắc tại Tòa thánh Cao Đài, thu hút số lượng không nhỏ du khách quốc tế đến tham quan.

Đình Thái Bình – Tây Ninh

Đình Thái Bình thờ Thành Hoàng Võ Văn Oai, tọa lạc tại khu phố 4, phường 1, thị xã Tây Ninh. Đình được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số : 3211/QĐ-BT ngày 12/12/1994.
Đình Thái Bình còn lưu giữ sắc phong thần do vua Khải Định ban phong ngày 18/3/1917 (Khải Định, nhị niên, tam nguyệt, Thập bát nhật), nội dung sắc phong như sau:

“Địa hạt Tây Ninh, tổng Thái Bình thờ cúng Thành Hoàng, Vua ban, thần hộ nước, giúp dân, bốn phương đều có linh ứng. Bảo vệ tính mạng, dựng nước giúp dân ,thường xuyên để phụng sự theo lệ cung phụng, thần bảo hộ nhân dân địa phương”.

tây ninh có gì?

Đình Thái Bình – Tây Ninh

Đình Thái Bình thờ Thành Hoàng là người có công đánh giặc bảo vệ quê hương. Ngôi đình kiến trúc kiểu chữ Tam theo phong cách truyền thống Nam bộ. Trước đình là bức bình phong có biểu tượng cuốn thư và thanh gươm; các nghệ nhân xưa đã có ý tưởng nhắc đến một thời binh đao gắn với công cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương.

Kiến trúc đình toát lên vẻ uy nghiêm, vừa mang đậm tính truyền thống kết hợp với tính hiện đại, qua các yếu tố được thể hiện như cột đình tròn, các mảng chạm khắc chìm, nổi tinh tế, thể hiện các họa tiết trang trí như : hoa, lá, tứ linh, lưỡng long chầu nguyệt … cùng các hoành phi, câu đối kết hợp một cách hài hòa của ngôi chính đình.

Hàng năm diễn ra lễ hội Kỳ Yên vào ngày 15-16/11 âm lịch. Một truyền thống lễ hội dân gian với đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” đã thành tục lệ. Đó cũng là nét đẹp truyền thống của nhân dân ta, ở đó, người người đều thành kính dâng hương tưởng nhớ công lao lớp người đã hy sinh xương máu để bảo vệ quê hương.

Đình Hiệp Ninh – Tây Ninh

Đình Hiệp Ninh tọa lạc tại khu phố 4, phường 2, thị xã Tây Ninh. Được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số : 1430/QĐ-BT ngày 12/10/1990. Đình Hiệp Ninh là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng cách nay trên 100 năm, còn lưu giữ nhiều công trình nghệ thuật điêu khắc tinh xảo.

tây ninh có gì?

Đình Hiệp Ninh – Tây Ninh

Đình được xây dựng vào khoảng năm 1880, thờ Thành Hoàng bổn cảnh là người có công di dân khai hoang lập ấp, gìn giữ đất đai, bảo vệ bờ cõi. Đình được trùng tu, sửa chữa bảy lần mới được khang trang như ngày nay (2003) và được Khải Định năm thứ 2 sắc phong Thành Hoàng bổn cảnh ngày 18/3/1917 cùng với mão Thần bằng vải lụa quý, thêu kim tuyến đính hạt châu.

Đình nằm trên khuôn viên rộng 8.000m2, kiến trúc kiểu chữ Tam với ba lớp nhà xây gồm tiền đình, chính đình và hậu đình, với hai hàng cột gỗ, tường gạch mái lợp ngói âm dương chạy từ trước đến sau. Nội thất đình kiến trúc gỗ với trên 50 cột tròn và vuông,  30cm. Toàn bộ nội thất được bố cục hài hòa theo nghi thức đình thần toát lên sự lộng lẫy, uy nghi, nhưng cũng rất gần gũi với đời thường với hai màu sắc chủ đạo là vàng và đỏ của sơn son thếp vàng. Ngoài sự bề thế của kiến trúc, đình còn lưu giữ nguyên vẹn các vật thờ cúng quý hiếm như : Nghi thờ, kiệu sắc phong, chín bức hoành phi đại tự, mười hai bộ liễn đối … nội dung đều ca tụng công đức của các vị được thờ trong đình.

Đình Hiệp Ninh là một công trình điêu khắc gỗ với nghệ thuật chạm nổi, chạm thủy, sơn son, thếp vàng tinh xảo với trình độ tạo tác mỹ thuật cao, lưu dấu lại tài hoa của ông cha ta khi xây dựng công trình này.

Cụm di tích cách mạng miền Nam – Tây Ninh

tây ninh có gì?

Cụm di tích cách mạng miền Nam – Tây Ninh

Cụm di tích cách mạng miền Nam nằm ở phía Bắc và Tây Bắc Tây Ninh, thuộc địa bàn các xã Tân Lập, Tân Bình, huyện Tân Biên. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nơi đây là căn cứ của Trung ương cục miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ban an ninh Trung ương cục miền Nam, Đài phát thanh Giải phóng… được ví như “Thủ đô kháng chiến” trong thời kỳ đó. Hiện nay, đây là một nơi lý tưởng cho du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, cắm trại dã ngoại…

Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, cách thành phố Tây Ninh 64 km về hướng Bắc. Theo Quốc lộ 22B, đến Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát (47 km), rẽ phải theo tỉnh lộ 792 và đường Trung ương Cục khoảng 16 km sẽ đến khu di tích. Tiền thân của Trung ương Cục là Xứ ủy Nam bộ.

tây ninh có gì?

Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Di tích Trung ương Cục miền Nam là di tích lịch sử cách mạng có tầm quan trọng đặc biệt. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam đã đề ra chiến lược, vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ; giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc. Di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

Di tích Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam

Di tích căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, cách thành phố Tây Ninh khoảng 50 km về hướng Bắc. Từ thành phố Tây Ninh, theo Quốc lộ 22B đến Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát rẽ phải sang tỉnh lộ 792 chừng 2 km sẽ đến khu di tích.

tây ninh có gì?

Di tích Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam

Suốt 15 năm chiến đấu, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng gian bảo mật, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử – văn hóa.

Di tích Căn cứ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

tây ninh có gì?

Di tích Căn cứ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 42 km về hướng Bắc. Theo Quốc lộ 22B đi Tân Biên khoảng 38 km (đến km74), rẽ trái đi tiếp 4 km là tới Di tích Căn cứ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nơi đây ghi dấu thời khắc hào hùng đấu tranh chống Mỹ cứu nước, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang trong việc giành lại độc lập. Di tích được Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử – văn hóa.

Di tích Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam

tây ninh có gì?

Di tích Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam

Trên đường đi di tích Căn cứ Trung ương Cục, đến km10 đường Trung ương Cục rẽ trái khoảng 2,5 km là đến khu di tích, tọa lạc tại suối Chò, xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Nơi đây, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tập hợp mọi lực lượng yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân đấu tranh cho sự nghiệp Cách mạng miền Nam toàn thắng 30/4/1975. Di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử – văn hóa.

Di tích Chiến thắng Tua Hai

Di tích chiến thắng Tua Hai thuộc ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nằm về hưóng Bắc cách thị xã Tây Ninh 7 km. Tại đây, đêm 25 rạng 26/01/1960, thực hiện Nghị quyết 15 TW theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, lực lượng vũ trang cách mạng cùng với nhân dân Tây Ninh đã tiến hành trận tập kích tiêu diệt căn cứ Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 ngụy tại Tua Hai – Trận đánh mở màn phong trào đồng khởi vũ trang toàn miền Nam đã đi vào lịch sử và trở thành một di tích lịch sử cách mạng.

tây ninh có gì?

Di tích Chiến thắng Tua Hai

Chiến thắng Tua Hai, mở màn phong trào đồng khởi vũ trang đi vào lịch sử và trở thành cái mốc đánh dấu sự chuyển giai đoạn cách mạng miền Nam, mở ra phương thức đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang, tạo nên thế chiến lược “hai chân, ba mũi, ba vùng”. Sau chiến thắng Tua Hai, phong trào đồng khởi đã lan rộng các tỉnh miền Nam, chứng minh rằng nghị quyết 15 TW Đảng được phát ra đúng thời điểm và thời cơ.

Trận đánh Tua Hai là kết quả của sự chuẩn bị lâu dài, sự tích tụ căm thù của bao hy sinh mất mát bởi quốc sách “Tố cộng diệt cộng và luật phát xít 10/59 của Mỹ – Diệm đã gây cho đồng bao ta. Trận đánh Tua Hai đã làm rệu rã tinh thần của binh lính địch, chúng cho rằng những binh lính tiến công Tua Hai là “Bộ đội chủ lực Bắc Việt”, đánh được Tua Hai thì Việt cộng có khó khăn gì mà không lấy được Thị xã và toàn tỉnh..

Sau trận đồng khởi Tua Hai, phong trào nổi dậy của quần chúng, các lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng ra đời với những trận đánh có hiệu xuất cao, tiêu diệt được nhiều địch. Trận đánh Tua Hai đêm 25 rạng 26/01/1960 ở Tây Ninh trận đánh lớn diệt trên 500 tên địch, thu 1.500 súng các loại, phát huy chiến thắng Tua Hai, nhân dân Tây Ninh đã nổi dậy đồng loạt giải phóng hai phần ba số xã trong tỉnh. Với giá trị lịch sử đó, địa điểm chiến thắng Tua Hai được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 937/QĐ-BT ngày 23/7/1993.

Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát

Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát nằm trên địa phận bốn xã: Tân Lập, Tân Bình, Hòa Hiệp và một phần trên xã Thạnh Tây thuộc huyện Tân Biên của tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh khoảng 30 km về phía Tây Bắc.

tây ninh có gì?

Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát

Với diện tích 18.765 ha vườn quốc gia được chia thành 3 khu: khu bảo tồn nghiêm ngặt khoảng 8.594 ha, khu phục hồi sinh thái khoảng 10.084 ha và khu hành chính dịch vụ khoảng 87 ha. Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát có khu rừng đặc dụng với diện tích rừng chiếm tới 26% tổng diện tích rừng che phủ tự nhiên của tỉnh Tây Ninh.

tây ninh có gì?

Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát

Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát có sông Vàm Cỏ Đông chảy qua và một số kênh rạch nhỏ khác. Sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ Campuchia, là ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia, phần sông chảy qua nước ta tại Lò Gò Xa Mát có chiều dài tầm 20 km, lòng sông rộng 10-20m.

Hệ động thực vật của vườn quốc gia vô cùng đa dạng, phong phú. Hệ thực vật gồm rừng rụng lá trên đất thấp, rừng bán rụng lá và rừng tràm. Gần phía khu vực biên giới tiếp giáp với Campuchia chủ yếu là đồng cỏ đất lầy với các thảm cói lác. Thực vật có tới 696 loài và cây có thể dùng làm thuốc có tới 158 loài, cây cho gỗ là 58 loài, cây làm cảnh 21 loài, cây thực phẩm là 10 loài và cây dùng làm rau là 7 loài.

Đặc biệt ở đây có hệ chim với số lượng lên tới 203 loài trong đó có nhiều loài chim nước quý hiếm như Giang sen, Già đẫy Java, Cò nhạn, Le khoang cổ…. Đây là còn là nơi dừng chân của Sếu Đầu đỏ trong chuyến di cư từ sông Cửu Long về nơi sinh sản là Campuchia. Chính vì vậy đây đóng vai trò là một nơi quan trọng cho việc bảo tồn hệ chim tại Việt Nam.

Tây Ninh có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Tây Ninh – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Ngân Nguyễn

YOLO! Khám phá các huyện ở Tây Ninh

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก