Châu Á

Thưởng trà vòng quanh châu Á

Trà không đơn thuần chỉ là một loại thức uống phổ biến tại các nước châu Á. Việc thưởng trà còn được coi là cả một nghệ thuật tinh tế. Nghệ thuật uống trà của các nước châu Á mỗi quốc gia khác nhau và có cách thưởng thức khác nhau.

Trà đạo Trung Hoa

Diện tích lãnh thổ rộng lớn và điều kiện khí hậu thuận lợi đã giúp Trung Quốc trồng được nhiều loại trà ngon nổi tiếng như trà Ô Long, trà Phổ Nhĩ, trà Long Tỉnh,… Từ đó, Trung Quốc trở thành cái nôi của trà đạo và việc thưởng trà đã trở thành nét văn hóa ngàn năm của quốc gia này.

Trà đạo Trung Hoa có thể được xem là văn hóa “tam giáo đồng nguyên”, là sự tổng hoà ba hệ tư tưởng lớn Nho – Phật – Lão, đề cao sự cân bằng, hài hoà, trọn vẹn và gắn kết với tự nhiên. Vì vậy, không gian thưởng trà thường là phòng khách hoặc hoa viên. Trong phòng khách được xông hương trầm nghi ngút, tường treo câu thơ, câu đối, tranh thủy mặc hay những lời giáo huấn của các bậc thánh nhân. Để khi nhâm nhi chén trà, người ta cùng đàm đạo về những triết lý nhân sinh hay bình phẩm về một tác phẩm nghệ thuật, đôi khi tức cảnh sinh tình mà sáng tác nên đôi câu đối hay ngâm một bài thơ, đàn một bài nhạc.

Có thể nói, nghệ thuật thưởng trà Trung Quốc đã được nâng lên tầm đỉnh cao của sự thoát tục và thanh khiết.

thưởng trà vòng quanh châu á

Trà đạo Nhật Bản

Vào thế kỷ 12, có một vị cao tăng người Nhật tên là Eisai đã sang Trung Hoa để học đạo. Ông chính là người viết ra sách “Khiết trà dưỡng sinh khí” về các thú uống trà. Khi trở về nước, vị sư này đã mang theo một loại bột trà xanh gọi là matcha và một số hạt trà về trồng trước sân chùa.

Từ khởi đầu là việc uống trà đến cách pha trà, nghi thức thưởng trà rồi đúc kết thành trà đạo là cả một quá trình không ngừng nghỉ của người Nhật nhằm biến tục uống trà du nhập từ Trung Hoa trở thành nghệ thuật thưởng thức của chính dân tộc mình.

Khi nói đến trà đạo Nhật Bản, hầu như ai cũng biết đến hình ảnh phòng trà với đầy đủ bộ dụng cụ cùng những nghi thức vô cùng độc đáo. Triết lý về trà của Nhật Bản được xem là chuẩn mực với 4 nguyên tắc “Hòa, Kính, Thanh, Tịch” tượng trưng cho “hòa hợp, tôn trọng, thuần khiết, yên tĩnh”. Người Nhật cho rằng đó không đơn giản là những phép tắc uống trà mà qua đó còn mong muốn hòa vào thiên nhiên, thanh lọc tâm hồn, tu sửa tâm, nuôi dưỡng tính và đạt tới giác ngộ.

Nhật Bản có đến hơn 10 loại trà như Matcha, Sencha, Bancha, Ryokucha, Konacha, Genmaicha,… Mỗi loại lại mang một hương vị rất riêng, có loại dùng để uống hàng ngày, có loại dùng để mời khách và có loại cả năm chỉ uống một vài lần. Trà thường được dùng cùng các loại bánh ngọt wagashi để cân bằng lại vị đắng chát vốn có.

thưởng trà vòng quanh châu á

Trà Việt Nam

Tuy không thể xác định chính xác thời điểm trà xuất hiện tại Việt Nam, nhưng từ xa xưa, thú thưởng trà đã xuất hiện trong văn chương thời nhà Trần. Khác với văn hóa Nhật Bản hay Trung Quốc xem trà là “đạo”, đối với người Việt, thưởng trà là một trong những cách sinh hoạt tinh thần rất đỗi bình dị và thanh tao, không phân biệt giai tầng giàu sang hay nghèo hèn.

Ngoài những loại trà vốn đã quen thuộc như trà xanh hay trà đen, Việt Nam còn nổi tiếng với các loại trà cổ thụ vùng Tây Bắc như trà Suối Giàng, trà Phìn Hồ, trà Tà Xùa,… với tiền vị đắng chát, hậu vị ngọt dài lâu.

Người Việt thường dùng trà mộc – trà chưa được ướp với nguyên liệu để bảo toàn hương thơm tự nhiên. Ngày xưa, để có nước tinh khiết dùng pha trà, người ta cẩn thận chắt nước từ sương đọng trên lá sen, búp sen vào lúc mặt trời chưa lên cao. Ngoài ra, các bậc tiền nhân pha trà bằng nước mưa để hậu vị chén trà thêm ngọt.

Với người thưởng thức trà thì “nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”, tức là những yếu tố làm nên chén trà ngon được sắp xếp theo thứ tự nằm ở nước dùng để pha trà, loại trà, chén trà, rồi đến bình trà và cuối cùng là bạn trà. Để tìm được bạn cùng uống trà đôi khi lại khó hơn cả bạn rượu. Vì bạn trà là người tri kỉ cùng nhau thưởng thức trà và đàm đạo với nhau những chuyện trên đời, ngồi ngâm thơ, đối đáp. Bạn trà phải thực sự hợp nhau, hiểu nhau thì mới có thể khiến buổi trà đạo này trở nên có ý nghĩa.

thưởng trà vòng quanh châu á

Trà Ấn Độ

Trà là thức uống gắn kết mọi người theo cách tự nhiên nhất, như người bạn tâm giao của con người khi có tâm sự vui hay buồn. Trà được sử dụng trong tất cả những ngày lễ lớn như cưới hỏi, ma chay, cúng giỗ hay đơn giản là một ngày thường cũng có thể thưởng thức nó.

Người Ấn Độ biết đến trà từ giữa thế kỷ XIX và bắt đầu thói quen uống trà từ những năm đầu thế kỷ XX, sau khi người Anh thiết lập những nông trại trà đầu tiên. Và đến thời điểm hiện tại, trà đã trở thành một trong những thức uống phổ biến nhất ở Ấn Độ.

Ấn Độ nổi tiếng có các loại trà đen, trà Darjeeling, trà Wallah,… nhưng nổi bật nhất là trà Assam và trà Chai. Nếu Assam gây ấn tượng với hương mạch nha và độ đậm đặc, thì trà Chai lại khiến mọi người nhớ đến hương vị tinh tế từ trà đen và các loại gia vị như tiêu, hồi, nhục đậu khấu,… Mỗi ngóc ngách tại Ấn Độ đều có bán trà Chai. Đặc biệt, trà sữa Chai được xem là thức uống quen thuộc mỗi khi có khách đến nhà.

thưởng trà vòng quanh châu á
thưởng trà vòng quanh châu á

Trong văn hóa Ấn Độ, thưởng trà còn được xem là một phong cách sống, là văn hóa và truyền thống. Các gia đình ở Ấn Độ thông qua việc pha trà để thể hiện tình cảm giữa các thành viên.

Đăng bởi: Nguyệt Bùi Thị

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก