Nội Thất Top

Top 10 điều nhà thầu không muốn bạn biết khi làm nhà khung thép

Mục đích đúng mà cách thực hiện sai chính là bạn cố gắng đến ga xe lửa thật sớm để đón máy bay. Cũng như vậy thì làm nhà thép có rất nhiều lợi ích, có vô vàn cái hay mà các tư vấn viên hay nhân viên kinh doanh vẽ ra cho chủ nhà khi quyết định lựa chọn phương án nhưng cũng có quá nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến một công trình, tổng tiền chi trả và thật không may nó lại hơi hàn lâm, mang tính chuyên môn và sẽ khá mất thời gian để tìm hiểu. Thực ra bạn chỉ cần nắm thóp được những điểm chính yếu mà thầu thi công thường hay ẩn đi không muốn bạn biết là bạn có thể yên tâm xây dựng ngôi nhà mơ ước của mình rồi. Chính vì vậy, hãy đọc ngay những tips nhỏ được liệt kê trong bài viết này để không còn là những "tay mơ", biết được những mánh khóe, những điều mờ ám có thể "mua rẻ bán đắt", những chiêu trò mập mờ rút ruột công trình đằng sau mỗi bản báo giá với những con số rẻ, hấp dẫn giật mình trên thị trường.

Công trình tốt phải bắt nguồn từ một thiết kế chất lượng kèm với dự toán đúng

xây dựng, xây dựng dân dụng, xây nhà khung thép, nhà thép, nhà thép tiền chế, nhà thép đẹp, top 10 điều nhà thầu không muốn bạn biết khi làm nhà khung thép

Không phải cứ thiết kế tốt thì sẽ có công trình tốt, nhưng nếu là một công trình tốt thì chắc chắn phải bắt nguồn từ một thiết kế chất lượng. Cần phải hiểu rõ một thiết kế tốt không phải là thiết kế thừa thãi mà phải là một thiết kế đúng và đủ. Đúng là đúng với mọi yêu cầu sử dụng của chủ nhà, về việc nhu cầu quy mô mấy tầng, tương lai có nâng tầng hay không, đúng với công trình ở ven biển ( nơi có vùng gió lớn) hay ở vùng cao nguyên, miền núi (nơi hay có động đất). Tất cả những điều này đều được quy định rõ ràng và chi tiết trong các tiêu chuẩn thiết kế đã được ban hành và việc của thiết kế là phải đúng với yêu cầu của chủ nhà, đúng với điều kiện đặc thù của địa phương là cần đúng.

Tuy nhiên “đủ” lại là điều ảnh hưởng then chốt đến túi tiền của chủ nhà bởi vì việc cho thừa gấp 1,5 đến gấp 2 lần cần thiết thực chất là việc cả đơn vị thi công và thiết kế đều rất thích. Thiết kế nhà dân thích thiết kế dư để yên tâm, để bốc thuốc đỡ mất công bởi tiền không phải của họ và thiết kế cũng có thể biện hộ rằng bản thân chủ nhà đôi khi tự ý thay đổi công năng từ sân phơi sang kho chứa đồ lúc nào không biết. Phần thi công thì đương nhiên tính sắt theo kg để lấy tiền thì đương nhiên khối lượng lớn đồng nghĩa với tiền vào túi họ nhiều hơn có ai lại phản đối ? Có một số trường hợp làm nhà trọn gói thì chi phí đầu tư lại tính theo m2 thì khi đó ” đủ” ở đây lại càng quan trọng khi tổng mức tiền nhận được thì không đổi nên bên nhà thầu sẽ bằng mọi giá giảm đến tối thiểu, giảm đến mức chấp nhận nhà rung một chút, ồn một chút để tiết kiệm chi phí sản xuất vận chuyển lắp đặt công trình hoặc để có được báo giá rẻ mạt vào được thi công cạnh tranh bằng mọi giá.

Có một thiết kế “đúng và đủ” còn là điều kiện phải có để bạn có được một bản báo giá dự toán chính xác cho công trình. Sẽ rất phiền phức, khi bạn chọn một báo giá có con số tổng thấp nhất với khối lượng thép chỉ khoảng 20 tấn nhưng đến khi quyết toán bạn phải trả tiền cho 25 tấn thép với lời bào chữa các cụ có câu ” làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn” thì nghĩa là bạn đã rơi vào bẫy của đơn vị cáo già nào đó. Đừng cố gắng mặc cả khi bạn biết chính xác số lượng thép cần sử dụng cho công trình của mình bởi vì cố gắng mặc cả một vài trăm đồng trên một kg là con số quá nhỏ bé so với một hai tấn thép mà thiết kế hoặc thi công đưa vào sử dụng thừa mà bạn phải trả tiền.

Thật không may việc thiết kế thừa một chút luôn rất phổ biến với lời bào chữa rằng “chủ nhà nhiều khi thay đổi công năng không báo lại thiết kế nên dư ra một chút cho an toàn”. Chính vì thế mà biết chắc chắn rằng có trong tay bản thiết kế ” đúng” và cái ” đủ” mà vô cùng quan trọng, nếu có thừa thì hãy đảm bảo rằng đó là chủ ý của bạn.

Chú ý tới các loại bu lông móng và biện pháp lắp đặt

xây dựng, xây dựng dân dụng, xây nhà khung thép, nhà thép, nhà thép tiền chế, nhà thép đẹp, top 10 điều nhà thầu không muốn bạn biết khi làm nhà khung thép

Quá trình đặt bu lông móng

Bu lông móng là điểm chính yếu của tất cả các công trình. Mặc dù so với công trình thì những thanh sắt dài tròn ấy chỉ như ” que tăm cắm củ khoai” nhưng hãy nhớ rằng chủ yếu khối lượng, nội lực của toàn bộ công trình khi chịu tải trọng đều truyền xuống móng thông qua những ” que tăm” ấy.

Bu lông móng có rất nhiều hình dạng được chỉ định bởi thiết kế. Điều quan trọng nhất bạn phải kiểm chứng được là cấp độ bền của bu lông móng mang về cho công trình phải đúng với báo giá hay thiết kế chỉ định. Hiểu một cách tương đương thì cấp độ bền của bu lông móng cũng coi như là khả năng nâng tạ của mỗi người, có người nâng được 60kg, 70kg, 100kg hay như thi olympic hơn 200kg và thường thì cấp độ bền càng cao thì số lượng bu lông móng cũng giảm đi. Bạn cần phải chắc chắn bạn được dùng đúng loại có cường độ chỉ định nhưng không thể bằng cách quan sát hay tin vào các giấy tờ chất lượng hay chứng chỉ xuất xưởng do các đơn vị mang đến. Hãy báo trước cho nhà thầu và khi bu lông nhập về kho công trình, sau đó rút ngẫu nhiên lấy 2 bộ ( 1 bộ bao gồm thân bu lông, đai đệm ốc đầy đủ) và mang ra một phòng thí nghiệm bất kỳ nào đó mà bạn biết ( mà không biết cũng không sao, chỉ cần đó không phải là của nhà thầu chỉ định là được). Và việc còn lại là việc của phòng thí nghiệm trả kết quả đối chiếu với chỉ định thiết kế là được. Các thí nghiệm này còn đơn giản hơn chúng ta đi viện để xét nghiệm máu và chi phí một vài trăm ngàn bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng bởi nếu bị tráo đổi cường độ bu lông, thì bạn có thể rút ruột từ 20.000 – 25.000 VNĐ/1kg tức là ít nhất cũng vài triệu một công trình.

Tiếp đó là việc kiểm tra công tác lắp đặt bu lông móng. Việc triển khai đặt thì có nhiều cách và nhiều biện pháp để lắp đặt như căng dây, bắn toàn đạc.v.v… Nhưng đơn giản nhất là bạn yêu cầu thiết kế cho khoảng cách từ tim bu lông này đến tim bu lông khác và bạn đo ngẫu nghiên thực tế vài vị trí, tốt nhất là hãy đo như đo hai cạnh và đo đường chéo của một hình chữ nhật. Có một bảng dung sai cho phép theo tiêu chuẩn, nhưng bạn chỉ cần hiểu đơn giản rằng mọi sai số > 5mm, đều tiềm ẩn rủi ro phải cắt, khoét thổi công trình của bạn sau này.

Còn nếu bạn không có chuyên môn, hay không có thời gian thì hãy mặc định từ đầu với nhà thầu thi công rằng bạn sẽ không nghiệm thu lắp đặt bu lông móng. Và rằng bạn sẽ không chấp nhận mọi công việc khoan cắt thổi hàn chỉnh sửa gì hết tại công trình cả, như vậy nhà thầu sẽ chủ động công việc của họ và biết rõ yêu cầu của bạn hơn.

Bu lông liên kết và biện pháp kiểm tra

xây dựng, xây dựng dân dụng, xây nhà khung thép, nhà thép, nhà thép tiền chế, nhà thép đẹp, top 10 điều nhà thầu không muốn bạn biết khi làm nhà khung thép

Hướng dẫn sử dụng cờ lê lực

Tương tự như bu lông móng, bu lông liên kết cũng có cấp bền và thời điểm cũng là bạn lấy ngẫu nhiên khi đưa bu lông về nhập kho tại công trình. Số lượng lấy mẫu cho nhà dân dụng bạn thường lấy 3 tổ của các loại bu lông liên kết cột, dầm chính, dầm phụ ( mỗi tổ 3 bộ) để đem đi kiểm tra( ít hơn tiêu chuẩn quy định, nhưng với nhà dân thì quan điểm của mình như vậy là đủ) và để phần việc còn lại là việc của các phòng thí nghiệm kết luận xem đúng với bu lông chỉ định thiết kế hay không. Bu lông sử dụng cho công trình dân dụng thường là bu lông mạ kẽm để không bị xâm hại ảnh hưởng bởi môi trường và cũng bởi vì chúng không đắt hơn nhiều so với bu lông không mạ.

bu lông liên kết khi lắp dựng xong, phải được kiểm tra lực siết. Đừng bao giờ tin vào “bàn tay to khỏe” của các bác thợ vặn cật lực hay tin vào ” máy siết ốc” mua ở chợ Trời đã siết căng tay để khẳng định bu lông đã được siết đủ chặt. Theo kinh nghiệm của tôi, có đến 70% công trình dân dụng, đang được trốn tránh kiểm tra lực siết vì tốn nhiều công siết ốc, máy móc thiết bị yếu hay là chủ nhà không biết. Nhưng nếu bạn biết rằng, các liên kết bu lông cũng như các khớp trên cơ thể bạn thì dù xương chắc khỏe “nhiều can xi” đến đâu mà khớp cơ yếu đuối thì cũng là một cơ thể bỏ đi thôi.  Chỉ cần có dụng cụ kiểm tra thì học cách kiểm tra bằng cờ lê lực có rất nhiều hướng dẫn cụ thể trên internet mà bạn đọc có thể tham khảo và nắm được đơn giản. Vậy nên hãy kiểm tra lực siết ngẫu nhiên bằng cờ lê lực khoảng 10% tổng số bu lông được lắp đặt cho công trình và bỏ ngoài tai tất cả những lý giải ” nghe có vẻ hợp lý” về việc không kiểm tra lực siết.

Kiểm soát vật liệu thép nguyên liệu đầu vào

xây dựng, xây dựng dân dụng, xây nhà khung thép, nhà thép, nhà thép tiền chế, nhà thép đẹp, top 10 điều nhà thầu không muốn bạn biết khi làm nhà khung thép

Làm nhà thép, thì việc kiểm soát thép dùng cho cột, dầm đương nhiên cũng là chuyện phải làm. Nếu bạn không muốn đặt lòng tin vào nhà thầu phụ, không quá hi vọng vào các giấy chứng nhận xuất xưởng, giấy chứng nhận chất lượng mà đơn vị thi công đưa cho thì khi bắt đầu sản xuất hay xuống nhà máy sản xuất. cho cắt mẫu các loại tôn thép có chiều dày sử dụng cho công trình của mình 3-5 tổ mẫu ( lưu ý số lượng này ít hơn nhiều so với quy định tiêu chuẩn, nhưng với công trình dân dụng và quan điểm người viết thì như vậy là phù hợp kinh tế ). Chuyển về phòng thí nghiệm và để phòng thí nghiệm ra kết quả đối chiếu với chỉ định của thiết kế ( tất nhiên là phòng thí nghiệm do bạn chỉ định).

Quy cách lấy mẫu, số lượng, gia công mẫu, quy trình lấy mẫy, quy trình đánh số ký hiệu, quy trình thí nghiệm lại là một công việc tương đối là chuyên môn và dài để có thể qua một vài lời nói hết được, do đó tôi khuyên các bạn nên gọi luôn một nhân viên của phòng thí nghiệm mình tin tưởng đi để quán xuyến các công tác kỹ thuật. Chi phí cho một chuyến đi lấy mẫu, thí nghiệm là không cao đặc biệt là khi so với việc bị đổi mác thép vì điều này không những có thể chênh lệch hàng trăm triệu đồng mà còn có thể ảnh hưởng đến khả năng chịu lực và an toàn cho ngôi nhà của chính bạn.

Sơn kết cấu thép

xây dựng, xây dựng dân dụng, xây nhà khung thép, nhà thép, nhà thép tiền chế, nhà thép đẹp, top 10 điều nhà thầu không muốn bạn biết khi làm nhà khung thép

Một trong những điều lo lắng mà chủ nhà luôn đặt câu hỏi là: ” làm nhà thép có bị han gỉ không”. Câu trả lời nằm ở lớp sơn kết cấu.

Một là: Sơn kết cấu cần phải phù hợp với môi trường sử dụng: Ví dụ như ở vùng ven biển thì có thể chuyển sang loại sơn tàu biển, ở trong các nhà máy sản xuất có nồng độ axit hay bazơ cao thì nên chuyển sang sơn epoxy hoặc sơn Polythane ( PU). Còn đối với công trình nhà thép dân dụng thì có thể chỉ cần sơn gốc alkyd là hoàn toàn đủ điều kiện sử dụng bền vững, thậm chí một số công trình bọc toàn bộ cột dầm thì có thể chỉ cần sơn chống gỉ cũng có thể chấp nhận được.

Hai là: Sơn kết cấu cần phải đủ số lớp, chiều dày được quy định rõ trong TCVN 8789:2011 và được kiểm tra bằng máy đo chiều dày sơn. Và thường thì với công trình dân dụng yêu cầu tối thiểu là sơn 3 lớp và dày hơn 80mcr.

Ba là: Trước khi sơn, kết cấu phải được đánh gỉ thật tốt để chuẩn bị bề mặt nhám giúp sơn bám dính tốt nhất. Tối thiểu hiện tại, các nhà máy sản xuất lớn đều trang bị những máy phun bi làm sạch còn nếu không thì bạn nên yêu cầu phải sử dụng bàn chải sắt để đánh thật sạch bề mặt trước khi sơn chống gỉ kết cấu.

Các cấu kiện, vật tư được mạ kẽm bằng phương pháp gì

xây dựng, xây dựng dân dụng, xây nhà khung thép, nhà thép, nhà thép tiền chế, nhà thép đẹp, top 10 điều nhà thầu không muốn bạn biết khi làm nhà khung thép

Các vật tư dùng cho kết cấu thép như bu lông liên kết, thanh ren hay sàn deck, speed deck thường được mạ kẽm để sử dụng cho công trình. Tuy nhiên, điều được ẩn đi đằng sau đó là phương pháp mạ sẽ quyết định đến độ bền và túi tiền của bạn. Có ba phương pháp lần lượt với mức độ tốt cũng như giá cả tăng dần là Mạ kẽm lạnh, mạ kẽm điện phân và mạ kẽm nhúng nóng.

Hãy lưu ý trong các báo giá chi tiết này, hãy yêu cầu làm rõ nếu như nhà thầu ghi chung chung là mạ kẽm. Và lời khuyên của tôi là yêu cầu mạ kẽm điện phân trở lên sẽ đảm bảo mức trung bình tốt cho công trình của bạn.

Công tác nghiệm thu sản xuất

xây dựng, xây dựng dân dụng, xây nhà khung thép, nhà thép, nhà thép tiền chế, nhà thép đẹp, top 10 điều nhà thầu không muốn bạn biết khi làm nhà khung thép

Nhiều người nghĩ rằng Chủ đầu tư nghiệm thu kết cấu thép tại nhà máy là để kiểm tra sự đúng sai trong chế tác cấu kiện, chiều dài, mã gá,rồi thì đường hàn thì cứ phải kiểm tra siêu âm xem có rỗ không?.v.v.. Không, hoàn toàn không vì đó là việc của KCS, của người có trách nhiệm kiểm soát chất lượng nhà máy và nếu bạn cố gắng làm điều đó là bạn đang tự “mua dây buộc mình” rồi. Tôi đã chứng kiến tỷ lệ lên đến 90% các vụ việc kiểm tra siêu âm đường hàn cho tư vấn giám sát xem là “làm màu”, ” làm thủ tục”, tôi cũng thấy được các mánh khóe của kỹ thuật viên siêu âm làm ra sao để cho kết quả siêu âm đường hàn luôn đạt tiêu chuẩn. Cho nên việc đầu tiên là đừng sa đà vào thứ mà các nhà thầu đang “dắt mũi” ta đi như vậy và việc của chúng ta đơn thuần là dùng mắt thường xem có đạt thẩm mỹ hay không thôi.

Hãy nhớ rằng có không dưới 8 phương pháp để kiểm tra mối hàn, và phương pháp kiểm tra phải phù hợp với trạng thái làm việc của mối hàn ấy. Cái mà kết cấu thép dân dụng cần là khả năng chịu lực của đường hàn vậy thì bạn chỉ cần cho hàn đối đầu, hàn chữ T rồi mang đi phòng thí nghiệm kéo nén uốn là được. Đừng cố siêu âm mối hàn, kiểm tra thẩm thấu như các cấu kiện bồn bể chịu áp lực làm gì ( vì để đạt được tiêu chuẩn đó thì bạn phải trả cái giá cao hơn rất nhiều) để rồi lại phải xem các diễn viên thí nghiệm di di cái máy siêu âm rồi gật gù khen là đường hàn tốt thật. Ngoài ra nếu có tinh mắt thì xem đường hàn có bằng phẳng, đều hay không là được ( phải kiểm tra trước khi sơn), đối với công trình nhà dân dụng thì đừng cố làm gì hơn thế nữa vì bạn không cần thiết hoặc cũng không đủ tài chính trả cho yêu cầu cao hơn như thế đâu.

Còn với độ chính xác kỹ thuật, đừng xác nhận gì cả. Hãy nói trước và mặc định với nhà sản xuất rằng nếu xảy ra sự cố, vướng mắc không lắp dựng được thì nhà máy vẫn có trách nhiệm sửa chữa khắc phục do sai sót sản xuất ảnh hưởng tới thi công. Đừng cố đo đạc kiểm soát kỹ rồi ký vào biên bản nghiệm thu sản xuất để rồi sau đó lên công trường không lắp được thì bạn – chủ nhà cố tỏ ra am hiểu và cẩn thận – lại là người phải chi tiền hay đưa ra các biện pháp sửa chữa. Các KCS kinh nghiệm hay nhà máy lớn đến đâu cũng không thể chắc chắn 100% sản phẩm không có lỗi, vậy bạn kiểm tra rồi đặt bút ký nghiệm thu xác nhận cho nhà máy làm gì. Hãy đẩy trách nhiệm ấy về bên sản xuất và kéo trách nhiệm của họ tới khi lắp dựng xong ổn thỏa công trình.

Còn một điều quan trọng, là bạn cần xác nhận nhà máy đã sản xuất xong toàn bộ cho công trình. Bởi vì sau khi đi kiểm tra và trước khi xuất xưởng thường thì 90% chủ đầu tư sẽ yêu cầu bạn thanh toán trước khi ra khỏi nhà máy. Bạn sẽ phải lãnh rủi ro nếu như chuyển tiền theo hợp đồng để rồi sau đó phát hiện nhà máy chưa sản xuất xong hết theo đơn đặt hàng của bạn.

Nghiệm thu công tác lắp dựng kết cấu

xây dựng, xây dựng dân dụng, xây nhà khung thép, nhà thép, nhà thép tiền chế, nhà thép đẹp, top 10 điều nhà thầu không muốn bạn biết khi làm nhà khung thép

Ngoài công tác nghiệm thu siết bu lông liên kết phía trên, thì bạn xác định công tác nghiệm thu lắp dựng kết cấu thép bao gồm các yếu tố ngang bằng thẳng phẳng. Biện pháp nghiệm thu cũng đa dạng, có thể bằng quả rọi tự chế, có thể bằng máy laser, có thể bằng máy toàn đạc tùy vào điều kiện thiết bị và kỹ thuật nhà thầu nhưng miễn sao phải ra được kết quả là đỉnh cột đang nghiêng ra đổ vào chính xác là bao nhiêu mm.

Tiêu chuẩn cốt lõi thì bạn có thể nhớ một cách đơn giản thì cột <10m thì cột sai số phải 10m thì sai số < 0,1% và dưới 15mm và đây là điểm chính yếu mà các đơn vị lắp dựng rất khó đạt được. Cột không thẳng đứng sẽ ảnh hưởng tới việc xây tường chèn bao quanh hoặc ghép các vật liệu bao che của công trình thậm chí gây lồi lõm nghiêng mất thẩm mỹ.

Còn cos nền nhà hay các tầng thì bạn có thể cho kiểm tra cos chân cột hoặc cos mặt trên dầm tầng 2 để kiểm tra ngẫu nhiên xem phù hợp với thiết kế hay không, chủ yếu độ chính xác cos các tầng sẽ ảnh hưởng tới khu vực cầu thang của công trình.

Nghiệm thu công tác thi công sàn liên hợp hay sàn lắp ghép

xây dựng, xây dựng dân dụng, xây nhà khung thép, nhà thép, nhà thép tiền chế, nhà thép đẹp, top 10 điều nhà thầu không muốn bạn biết khi làm nhà khung thép

Trên thị trường tràn ngập các loại sàn với tên thương hiệu khác nhau, nhưng cơ bản sẽ có 3 loại sàn thường được sử dụng với kết cấu thép mà tùy vào đặc điểm công trình của bạn mà sử dụng.

Một là các loại sàn phải đổ bê tông như: Sàn deck, sàn speed deck, sàn bê tông nhẹ Xuân Mai…Đây là các loại sàn chế tạo sẵn, mang về công trường cẩu lên và lắp đặt sau đó đổ bê tông. Ưu điểm là độ toàn khối cao, chống thấm tốt, chịu tải trọng tốt nhưng nhược điểm là nặng nề, tiến độ không cao trong các loại sàn lắp ghép phù hợp với công trình nhà hàng, nơi tập trung đông người, nhà cao tầng, nhà ở.

Hai là các loại sàn lắp ghép bê tông: Sàn bê tông khí chưng áp ALC, sàn bê tông siêu nhẹ EPS… Đây là các loại sàn chế tạo sẵn, mang về công trường cắt ghép và thi công, liên kết với nhau bằng vữa và ghim xuống sàn bằng phụ kiện. Ưu điểm là khối lượng chỉ bằng 35% so với sàn bê tông, thi công nhanh, chịu tải trọng trung bình nhược điểm là độ toàn khối công trình trung bình, chống thấm trung bình phù hợp với nhà dân từ 5 tầng trở xuống, công trình cần tiến độ, công trình nhà trọ.

Ba là các loại sàn ghép như ghép bằng coppha phủ phin, sàn cemboard duraflex của Vĩnh Tường… độ bền vật liệu có thể lên đến 50 năm. Ưu điểm là tiến độ siêu nhanh, siêu nhẹ, dễ thi công tuy nhiên cần hệ khung xương thép hộp riêng, chịu tải trọng kém, không chống thấm được và chỉ phù hợp với các công trình nhà trọ, nhà cải tạo nâng tầng, nhà thấp tầng hay các công trình hạn chế và suất đầu tư công trình.

Hãy kiểm soát các khối lượng vật tư, vật liệu ngay từ đầu

xây dựng, xây dựng dân dụng, xây nhà khung thép, nhà thép, nhà thép tiền chế, nhà thép đẹp, top 10 điều nhà thầu không muốn bạn biết khi làm nhà khung thép

Đa số các công trình làm nhà thép đều được quyết toán qua kg. Do đó, ngay từ khi bu lông liên kết, bu lông móng đưa về công trình hãy cho cân kiểm lại và hãy giữ biên bản bàn giao rõ ràng, đối với sàn deck, khung kết cấu thép hãy cho cân kiểm tra lại tại trạm cân mà bạn tin tưởng rồi so sánh với dự toán bóc tách mà thiết kế đưa ra (khối lượng bóc bazem) nếu số liệu chênh lệch nhau quá 2% thì bạn bắt đầu phải chú ý lý do vì sao chênh lệch. Đối với kết cấu thép việc chênh lệch khối lượng cân tại nhà máy và công trường có thể do vài lý do khách quan như: trời mưa, bánh xe dính bùn đất, xe đi đổ thêm dầu giữa lúc bốc hay hạ hàng…. còn lại thì bóc bazem là cách cuối cùng để phân định con số nào là hợp lý cuối cùng.

Hãy bảo vệ công trường hợp lý, đừng bỏ mặc một vài chục con bu lông rơi vãi trên mặt đất hoặc vài thanh sắt bị mang ra làm việc khác bởi khi đưa về công trường và bạn ký nhận tức là khối lượng ấy sẽ được tính tiền cho bạn. Để rồi sau đó nếu có mất mát hay hao hụt vật tư thì nhà thầu lại nhập bổ sung lên công trình và rồi người sau đó trả tiền không ai khác lại chính là bạn một lần nữa.

Khi tiến hành xây nhà người ta vẫn truyền tai nhau câu nói “Mưu thầy, mẹo thợ”. Có thể hiểu rằng, thợ dù học vấn không cần cao nhưng bằng cái tinh nhanh của nghề thì thợ không thiếu những mánh khóe, những mẹo vặt để qua mắt chủ nhà. Nhưng ta cũng biết rằng mưu thì phải học hành, phải suy ngẫm và biến hóa không lường còn mẹo thì có thể học mót được. Vậy nên hãy nắm lòng bàn tay những lưu ý trên, điều đó không giúp bạn tránh được hết các rủi ro nhưng chắc chắn bạn sẽ hiểu và kiểm soát chất lượng tốt hơn rất nhiều cho ngôi nhà mơ ước của mình.

Đăng bởi: Trần Đức Tân

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก