Vĩnh Long

Vĩnh Long có gì?

Vĩnh Long là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 140km. Phía đông giáp tỉnh Bến Tre, phía đông nam giáp tỉnh Trà Vinh, phía Tây giáp Cần Thơ, phía Tây Bắc giáp Đồng Tháp. Với lợi thế được phù sa bồi đắp, ngành nông nghiệp trồng cây ăn trái phát triển, thêm vào đó loại hình du lịch sông nước cũng là thế mạnh rất hấp dẫn du khách gần xa. Vĩnh Long có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Vĩnh Long trong bài viết sau đây nhé.

Cù lao An Bình – Vĩnh Long

Cù lao An Bình hay còn gọi là cù lao Minh, thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long từ lâu đã trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn cho du khách phương xa mỗi khi có dịp đến thăm vùng đất Vĩnh Long.

Cù lao An Bình – Vĩnh Long

Với diện tích khoảng 60 km vuông, cù lao An Bình nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên gồm 4 xã là An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú. Có thể nhận thấy rằng, cù lao An Bình là nơi hội tụ nhiều yếu tố để phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, là niềm tự hào của người dân địa phương về một vùng đất yên bình, cây lành trái ngọt quanh năm.

Chuyến hành trình khám phá và trải nghiệm cù lao An Bình của du khách bắt đầu bằng tàu du lịch, du khách sẽ có dịp nhìn ngắm cầu Mỹ Thuận trên dòng Cổ Chiên, được xem là biểu tượng của quê hương Vĩnh Long và cảm nhận được không khí thật sự mát mẻ, yên bình của một miền quê sông nước. Cuộc hành trình bắt đầu dừng chân tham quan những cơ sở sản xuất truyền thống của người dân địa phương như cơ sở sản xuất cốm, kẹo, mật ong…du khách sẽ tận mắt chứng kiến sự khéo léo từ đôi bàn tay của người dân địa phương để sản xuất những sản phẩm cốm, kẹo, mật ong theo một quy trình sản xuất truyền thống lâu đời từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sau đó, du khách được thưởng thức những món ăn ngay tại cơ sở và đó cũng là những món quà quen thuộc dành tặng cho người thân, bạn bè mỗi khi đến đây.

Cù lao An Bình – Vĩnh Long

Chuyến hành trình tiếp tục đưa du khách khám phá những con rạch nhỏ bằng xuồng chèo trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương, dừng chân tham quan những vườn trái cây trĩu quả, vùng đất được mệnh danh là xứ sở cây lành trái ngọt. Tại đây, du khách sẽ tự tay hái những quả chín và thưởng thức ngay tại vườn là một trải nghiệm thật sự lý thú mà bạn chẳng thể bỏ qua.

Ngoài ra, hình thức du lịch “homestay” (sống tại nhà dân) rất phổ biến và được du khách ưu tiên lựa chọn nhất. Chính vì lợi thế về du lịch sinh thái nên tỉnh Vĩnh Long đã khuyến khích mô hình “Nông dân – Nhà vườn làm du lịch”. Nhiều hộ dân đã tổ chức vườn nhà mình thành các khu du lịch sinh thái như: nhà ông Năm Thành, Út Trinh, Ba Lình…

Vật liệu nhà nghỉ được làm từ gỗ dừa, phòng đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn khách sạn. Còn gì tuyệt hơn khi được cùng ăn, cùng ở, cùng hòa vào đời sống của người dân địa phương nơi đây? Ngoài mục đích lênh đênh trên sông nước, len lỏi qua các vùng trồng cây ăn trái thì đây còn là cơ hội để khách du lịch có thể tiếp xúc và tìm hiểu các hoạt động văn hóa tinh thần mang đậm nét người dân An Bình.

Các giá trị tinh thần này được tích luỹ qua thời gian dài thăng trầm của lịch sử và trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng đất, từ tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa ẩm thực, thơ ca, hò, vè, đờn ca tài tử đến các mẩu truyện dân gian.

Các bạn sẽ được tách biệt hoàn toàn khỏi cuộc sống bộn bề công việc và mệt mỏi, để thả tinh thần thoải mái chốn yên bình, dân dã, được thuỏng thức các món ăn đặc trưng vùng sông nước như bánh xèo, cá lóc nướng trui, cá tai tượng chiên xù cuốn bánh tráng cùng với rau thơm và khế, ốc đắng cuốn bánh tráng, cá lóc hấp bầu, chuối chát chấm nước mắm tỏi ớt, cháo hến, dừa nạo và rau thơm, gỏi trái cóc, canh chua cá rô….

Nếu thực sự muốn trở thành một nông dân “chính hiệu”, các bạn có thể tự câu cá, bắt ốc, hái rau và tự tay chế biến các món ăn mình ưa thích. Các gia chủ ở đây sẽ khiến cho du khách cảm thấy quyến luến với cảnh vật và con người cực kỳ hiếu khách và thân thiện.

Chùa Tiên Châu – Vĩnh Long

Tiên Châu là một trong những ngôi chùa cổ ở Vĩnh Long, có lịch sử tồn tại khoảng 250 năm, tọa lạc trên một cù lao nhỏ được ôm ấp bởi hai nhánh của dòng Mêkông hùng vĩ là sông Tiền và sông Cổ Chiên, thuộc ấp Bình Lương – xã An Bình – huyện Long Hồ – tỉnh Vĩnh Long.

Chùa Tiên Châu – Vĩnh Long

Chùa Tiên Châu có tên chính thức là Di Đà Tự hay chùa Tô Châu. Gọi là Di Đà Tự vì chùa thờ Phật Di Đà – Giáo chủ cõi Tây Phương cực lạc. Còn gọi chùa Tô Châu là vì làng Bình Lương (nay là ấp Bình Lương, nơi ngôi chùa tọa lạc) xưa kia có những cây liễu rủ bóng xuống dòng sông phẳng lặng, phong cảnh đẹp và thơ mộng, gợi nhớ đến đất Tô Châu – Trung Quốc.

Chùa Tiên Châu do Hòa thượng Đức Hội lập nên vào khoảng thế kỷ XIX, với kiến trúc cổ gồm 4 nóc là tiền đường, chính điện, trung đường và hậu tổ. Các gian được bố trí theo kiểu tứ trụ, nới rộng hai chiều ngang dọc nhờ các kèo đầm, kèo quyết. Bộ giàn trò bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương.

Nội điện chùa được bố trí rất đẹp, giữa tứ trụ là khánh thờ một tượng phật Di Đà rất lớn. Đâu lưng với khánh thờ Phật Di Đà là Phật Di Lặc cũng lớn như tượng Phật Di Đà. Hai bên khánh thờ Phật Di Đà là nơi thờ các vị Tiêu Diện Vương Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thập Điện Minh Vương, Nam Tào Bắc Đẩu, Quan Thánh Đế Quân, Chuẩn Đề Vương Bồ Tát

Trung đường là nơi thờ các vị Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma, Phật Thích Ca Mâu Ni, Tam Tạng, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị tổ sư tiền bối và thiện nam tích nữ đã quá vãng. Đây cũng là nơi tiếp khách nên được treo rất nhiều tranh khuyến thiện với những câu đối mang đầy ý nghĩa thâm trầm của cõi Phật.

Chùa Tiên Châu – Vĩnh Long

Qua thời gian, chùa Tiên Châu đã nhiều lần xuống cấp và cũng ngần ấy lần được trùng tu, sửa chữa. Trận chiến Mậu Thân năm 1968 đã gây thiệt hại không nhỏ cho chùa Tiên Châu. Đạn pháo từ thị xã Vĩnh Long và các tàu chiến khiến chùa loang lổ vết đạn, mái ngói bị đổ sập nhiều nơi. Sau đó, Ban hộ trì Tam bảo kết hợp với Hội Phật giáo Việt Nam quyết định trùng tu lại ngôi chùa. Theo đó, mặt tiền chùa được xây bằng bê-tông, có 3 giàn cửa sắt.

Năm 1994, chùa Tiên Châu được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa. Không chỉ nổi tiếng ở Vĩnh Long, chùa Tiên Châu còn nổi tiếng khắp vùng đồng bằng châu thổ sông Mêkông. Bên cạnh sự nổi tiếng về di tích, danh lam, kiến trúc… Tiên Châu Cổ Tự còn được biết đến bởi truyền thuyết Bãi Tiên.

Theo truyền thuyết, làng Bình Lương ngày xưa phong cảnh hữu tình, khí hậu thuận lợi nên nhiều người đến đây tham gia khai hoang lập ấp. Họ rất lương thiện, cuộc sống cộng đồng rất hòa thuận nên nơi đây được gọi là làng Bình Lương. Người dân làng Bình Lương chủ yếu sinh sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá tôm. Vào một đêm trăng sáng, trai tráng trong làng chèo thuyền ra sông đánh bắt cá. Trên bãi cồn, trong một căn lều nhỏ dưới gốc bần, một cụ già nằm thao thức.

Từng cơn gió mát mẻ và se lạnh nhẹ thổi, mang theo mùi hương thoang thoảng của hoa lá, hòa quyện cùng bản giao hưởng du dương trầm bổng của côn trùng thổn thức trong lòng đất. Cụ nhìn ra bãi cát trắng xóa lấp lánh dưới ánh trăng, chợt thấy những bóng trắng mờ ảo của bao nàng con gái đang thướt tha, uyển chuyển bay lượn, vui chơi trên bãi cát – Tiên giáng trần! Câu chuyện được truyền đi trong làng, sau đó lan xa trong thiên hạ. Từ đó, bãi cát trên khúc sông này được gọi là Bãi Tiên.

Ngày nay, cù lao An Bình không còn bãi cát trắng xóa ngày nào, quang cảnh cũng không còn nên thơ như xưa vì nhà cửa của dân làng đã mọc lên san sát. Tốc độ đô thị hóa và lối sống thị trường phần nào đã làm ảnh hưởng đến vẻ vắng lặng êm ắng của một ngôi cổ tự. Tuy nhiên, những gì chùa Tiên Châu còn giữ được đến ngày nay đã chứng tỏ sự phát triển rực rỡ của một di tích cổ xưa, xứng danh cùng vùng đất đã làm nên lịch sử – Long Hồ dinh.

Có dịp đến Vĩnh Long, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh chùa Tiên Châu, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.

Chùa cổ Long An ở Trà Ôn – Vĩnh Long

Cách trung tâm thị trấn Trà Ôn trên 3km, từ Quốc lộ 54 theo đường nhỏ khoảng 500m, đến chùa cổ Long An. Chùa còn có tên Đồng Đế, tọa lạc tại ấp Mỹ Trung, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Theo các cụ cao niên, cách nay gần hai thế kỷ, nơi đây đồng hoang mọc nhiều cây đế dại, dân cư thưa thớt. Thập niên 1860 có vị tu sĩ từ miền Ngũ Quảng vào chọn nơi đây làm chỗ dừng chân tu hành.

vĩnh long có gì?

Chùa cổ Long An ở Trà Ôn – Vĩnh Long

Sơ khởi là am nhỏ, ông khai hoang mở đất làm rẫy sinh sống. Đến cuối thế kỷ 19, gia tộc ông Cả Lảm là người mộ đạo, hiến 30 công đất để xây chùa và làm tự điền, hằng năm có hoa màu, lúa thóc phục vụ lễ lạc, xây dựng. Chùa được đặt tên là Long An.

Năm 1931 Hòa thượng Thích Khánh Anh đang làm pháp sư tại trường Gia giáo chùa Giác Hoa (Bạc Liêu) được thỉnh về làm trụ trì để hoằng khai đạo pháp. Lúc này tăng đồ và phật tử theo học rất đông. Đến năm 1842 Hòa thượng Khánh Anh về chùa Phước Hậu, các Hòa thượng Thiện Lực, Thiện Trang, Nhựt Liên… lần lượt được trông nom ngôi Tam bảo.

Chùa cổ Long An ở Trà Ôn – Vĩnh Long

Chùa có kiến trúc cổ kính gồm chính điện, hậu liêu, nhà trai trên diện tích khoảng 500m2, nền được cuốn gạch đại cao 0,5m. Tiền điện hướng Đông Bắc nhìn ra QL 54. Bao quanh là khuôn viên rộng thoáng, có cổ thụ sao dầu dương, bờ tre, khóm trúc, cây trái tạo nên cảnh quan đẹp, yên tĩnh. Đến thập niên 1960 chùa do tu sĩ Hồ Văn Lục pháp danh Thích Phước Y chăm sóc. Thời gian này do hoàn cảnh chiến tranh, bom đạn, thiên nhiên tác hại, lại xa khu dân cư, chùa dần dà xuống cấp. Tu sĩ Phước Y thu hẹp chính điện, quay mặt về hướng Đông. Ông vận động phật tử xây nhà Tổ, cổng tam quan, tháp các Tổ, trồng thêm hoa kiểng. Tháng 4 năm 2000 do tuổi cao sức yếu, Ban trị sự Phật Giáo Vĩnh Long điều Đại đức Thích Tuệ Quang là môn đệ của Thượng tọa Thích Thanh Từ về quán xuyến. Chỉ trong thời gian ngắn, chùa đã xây dựng thêm nhà trai, hai thất tịnh, cải bổ lại huê viên, tạo vườn tược quanh chùa đẹp đẽ, trang nhã. Tính từ các Tổ khai sáng mà công dày đạo trọng là Hòa thượng Khánh Anh đến Đại đức Tuệ Quang, ngày nay chùa Long An trải qua bốn, năm đời trụ trì, giám quản và cũng nhiều lần hưng phế…

Các di vật xưa còn lại là hai hoành phi: Long An tự, Đại hùng bửu điện, và các câu liễn đối, có câu với nội dung: Phật tức tâm, tâm tức phật tế độ hữu duyên siêu vạn kiếp. Sắc thị không, không thị sắc quang minh vô lượng chiếu thập phương. Tất cả bằng chữ Hán, móc chìm sơn son thếp vàng, tạo tác khoảng 100 năm. Ở nhà Hậu Tổ có bệ thờ có di ảnh cố Hòa thượng Khánh Anh, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Nhựt Liên. Quanh sân chùa có tháp trì cốt Hòa thượng Thiện Lực, Thiện Trang…

Có lịch sử hình thành lâu đời, chùa Long An còn là điểm dừng chân của các cao tăng nổi tiếng ở Nam bộ: Khánh Anh, Huệ Quang, Khánh Hòa, Pháp Hải… lập nên Liên đoàn Học xã hoằng dương chánh pháp, truyền bá quốc ngữ. Tiếp đến có Thượng tọa Thiện Hòa, Thiện Hoa trở về duy trì chí hướng các Tổ quy tập được tăng đồ, phật tử khá đông. Cũng tại ngôi chùa này ngày 30 tháng Giêng Tân Sửu (16/4/1961) Hòa thượng Thích Khánh Anh viên tịch khi đang đảm nhận trọng trách là Thượng Thủ kiêm Pháp chủ Giáo hội Tăng già toàn quốc. Trong các thời kỳ đấu tranh giành độc lập, khuôn viên chùa là căn cứ địa hoạt động, giao liên của lực lượng cách mạng huyện Trà Ôn. Các tu sĩ giữ chùa hoạt động hợp pháp đóng góp tiền của vật dụng, thuốc men… cho cách mạng.

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long – Vĩnh Long

Cùng với Văn Thánh Miếu ở Biên Hòa – Đồng Nai, Văn Thánh Miếu ở Gia Định xưa kia, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là một trong ba Văn Thánh Miếu của vùng đất Nam bộ từ thế kỷ 19.

vĩnh long có gì?

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long – Vĩnh Long

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long tọa lạc trên một sở đất rộng, cặp bên bờ sông Long Hồ, thuộc phường 4, thị xã Vĩnh Long, cách thị xã khoảng 2km. Người chủ xướng xây dựng công trình này là cụ Phan Thanh Giản và cụ Đốc học Nguyễn Thông. Công trình Văn Thánh Miếu xây dựng hết hai năm (1864-1866).

Bước chân đến cổng Văn Thánh Miếu, du khách bỗng cảm thấy dịu hẳn đi cái oi nồng nhờ ngọn gió từ bờ sông Long Hồ thổi đến. Muốn vào, phải bước qua cổng tam quan, với hai nếp mái, được sơn màu vàng nhạt. Cổng chính lớn hơn hai cổng phụ. Cổng được xây theo hình vòm. Phía trên cổng chính có ba chữ Hán, dưới ba chữ Hán đó là hàng chữ quốc ngữ: Văn Thánh Miếu. Hai bên cột cổng là hai hàng câu đối bằng chữ Hán nói về đức sáng của Khổng Tử, cũng như ca ngợi Văn Thánh Miếu.

vĩnh long có gì?

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long – Vĩnh Long

Vào trong, lòng du khách cảm nhận được sự yên tĩnh và tôn nghiêm như ở chốn thiền môn. Không gian bao la rộng lớn, một con đường tráng nhựa thẳng tắp với hai hàng cây cổ thụ hai bên, có tiếng chim líu lo trên cành, cơn gió từ đâu ập đến, làm rung chuyển những cành cây nghe xào xạc, lòng cảm thấy lâng lâng khó tả. Phía bên tay phải của du khách là Văn Xương Các – nơi dùng để chứa sách, đọc sách và cũng là nơi dành cho các sĩ phu hội họp, học tập, đàm đạo văn chương thi phú… Tầng trên lầu thờ ba vị Văn Xương Đế Quân, là những vị thần chuyên lo việc học hành thi cử. Tầng dưới thờ Sùng đức tiên sinh Võ Trường Toản và cụ Phan Thanh Giản.

Ngoài ra nơi đây còn thờ các vị quan cựu trào ở Vĩnh Long như: Đốc học đường Nguyễn Thông, Đốc bộ đường Trương Văn Uyển, Giáo thọ Nguyễn Trí Mẫn… Thắp ba nén nhang lên bàn thờ chư vị, khói nhang quyện chặt lòng người mà lòng tưởng nhớ đến các vị danh sư đạo cao đức trọng một thời. Từ Văn Xương Các, du khách dời gót, bộ hành theo con đường được tráng xi măng thẳng tắp độ chừng 100m là đến nơi thờ chính của Văn Thánh Miếu. Văn Thánh Miếu này được xây dựng trên nền đá xanh cao khoảng 90cm. Bàn thờ giữa của Văn Thánh Miếu thờ đức Khổng Tử và bốn vị cao đồ như Tống thánh Tăng Tử, Á thánh Mạnh Tử, Phục thánh Nhan Tử và Thuật thánh Tử Tư. Bàn thờ hai bên tả hữu thờ 12 vị cao đồ. Phía bên ngoài là hai ngôi miếu nhỏ, đơn sơ gọi là Tả vu và Hữu vu, thờ 72 vị là học trò giỏi của Khổng Tử hay còn gọi là Thất thập nhị hiền. Nơi đây còn có tấm bia đá được dựng vào năm 1867, có khắc bài ký của cụ Phan Thanh Giản ở mặt trước và công đức của các vị đóng góp xây dựng công trình ở mặt sau.

Rời Văn Thánh Miếu, du khách sẽ cảm thấy hài lòng vì có một buổi tham quan thú vị, vừa thư giãn tinh thần, vừa chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ xưa, được hiểu thêm đôi chút về văn hóa dân tộc.

Vĩnh Long có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Vĩnh Long – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Quỳnh Lê

YOLO! Khám phá các huyện ở Vĩnh Long

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก