Vĩnh Long

Ăn gì khi đến Vĩnh Long?

Vĩnh Long là một trong những điểm dừng chân yêu thích của du khách trong hành trình khám phá vẻ đẹp sông nước miền Tây Nam Bộ. Bởi chăng, mảnh đất này luôn khoác lên mình một vẻ đẹp của miền sông nước mênh mông, hấp dẫn với văn hóa chợ nổi Vĩnh Long trên sông Cổ Chiên, say mê với những câu hò vọng cổ ngọt ngào,… và thiên nhiên đã ưu đãi cho Vĩnh Long nguồn sản vật cây trái phong phú, thủy hải sản đa dạng. Ẩm thực nơi đây dựa chủ yếu vào nguồn lợi thiên nhiên đem lại. Người dân Vĩnh Long đã tận dụng và sáng tạo ra những món ăn tuy dân dã mà hấp dẫn vị giác bất cứ ai được thưởng thức. Ăn gì khi đến Vĩnh Long? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các món ăn ngon nổi tiếng của Vĩnh Long khi có dịp ghé thăm vùng đất này nhé!

Bánh xèo hến Cù lao Dài – Vĩnh Long

Cù lao Dài thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Món bánh xèo hến ở đây nổi tiếng mới lạ mà người dân địa phương vô cùng ưa thích. Nguyên liệu của món bánh xèo này rất khác biệt với bánh xèo thông thường. Bánh xèo có nhân là hến thay vì thịt heo bầm thông thường. Để món ăn thêm ngon có thể cho ít tôm những vị hến vẫn là đặc trưng. Song song đó, thay cho củ sắn là măng mạnh tông. Đây là loại măng to, non mềm và mọc nhiều ở khu vực này. Măng ăn thoạt đầu sẽ có vị đắng nhưng về sau sẽ ngọt, giòn rất ngon. Bên cạnh đó cũng không thể thiếu những loại rau rừng ở địa phương.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Bánh xèo hến Cù lao Dài – Vĩnh Long

Bánh xèo hến Cù lao Dài thích hợp nhất là ăn vài mùa mưa. Lúc này, măng mọc tươi tốt và cũng ngon hơn những mùa khác. Bánh xèo nóng hổi vừa mới đổ xong, cuốn cùng với rau xanh chấm nước mắm mặn mặn cay cay ăn giữa trời mưa lạnh thì đúng là hoàn hảo.

Bánh tét ba nhân – Vĩnh Long

Nếu như bánh chưng là đặc sản của miền Bắc thì đặc sản của miền Nam chính là bánh tét. Đặc biệt là ở các tỉnh miền Tây, bánh tét được biến tấu nhiều kiểu khác nhau như: bánh tét Trà Cuôn, bánh tét lá cẩm Cần Thơ còn ở Vĩnh Long thì nổi tiếng với bánh tét ba nhân. Nói là chỉ có ba nhân tuy nhiên người chế biến có thể thêm vào đó nhiều loại nhân như chuối, dừa, đậu xanh, mỡ để cho bánh thêm phần độc đáo.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Bánh tét ba nhân – Vĩnh Long

Khi gói bánh tét, người ta dùng các nguyên liệu như dừa khô, chuối, đậu xanh cà, nếp dẻo thơm mỡ, lá chuối phơi khô, dây từ cọng lá chuối để buộc bánh. Khi gói xong, bánh được cho vào nồi nấu chín, tất cả các nguyên liệu hòa quyện vào nhau tạo nên vị ngọt lành khó quên của bánh tét ba nhân Vĩnh Long. Chắc chắn phải thử qua món bánh tét ba nhân tại Vĩnh Long nha.

Đuông dừa – Vĩnh Long

Đuông dừa là loài ấu trùng sống trong cây dừa. Phần ngon và non nhất của cây dừa bị chúng chọn làm thức ăn đó là củ hũ dừa. Đây cũng chính là trái tim của dừa nên khi sự xuất hiện của đuông nếu không can thiệp kịp thời có thể bỏ cả cây. Phá hoại là vậy, thế nhưng đừng vội nghĩ đuông dừa là thứ bỏ đi. Đằng sau lớp da mềm nhũn hay ngọ nguậy đó là sự béo nguậy khó tả.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Đuông dừa – Vĩnh Long

Đuông dừa có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Nhưng cứ nhắc đến miền Tây người ta lại nhớ đến món đuông nhún nước mắm. Những con đuông còn nguyên đầu đuôi đang bơi lội trong vị mặn có thể khiến nhiều người ghê sợ. Ấy thế mà cái vị béo bùi, ngọt lịm như lòng đỏ trứng gà lan tỏa dần trong miệng làm người ta say như điếu đổ. Ngoài ra, còn có đuông chiên, đuông nướng, đuông nấu cháo…món nào cũng thỏa lòng du khách thập phương.

Ve sầu – Vĩnh Long

Khi cái nắng oi nồng của mùa hè xuất hiện cũng là lúc dàn đồng ca ve sầu bắt đầu râm ran. Không chỉ góp nhạc cho ngày hè ve sầu còn trở thành món đặc sản của Vĩnh Long nhiều năm trở lại đây.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Ve sầu – Vĩnh Long

Ve sầu dùng chế biến món ăn những con ở giai đoạn “ve sầu sữa”. Thời điểm này ve sầu vừa lột nên rất mềm và có màu xanh. Vì quá trình này diễn ra rất nhanh nên ngưòi bắt ve sầu phải canh chỉnh thời gian chính xác. Chỉ cần chậm một tí là cánh ve cứng lại ăn không ngon.

Để làm sạch người ta ngâm ve sầu bắt được qua nước muối, vặt cánh rồi chần sơ qua nước sôi. Ve sầu ngon nổi tiếng nhất là đem chiên giòn. Thịt ve sầu béo bùi, nguậy vừa phải nên không chóng ngán. Ve sầu chiên giòn ăn kèm với rau và nước mắm tỏi ớt là ngon nhất.

Ngày nay, ve sầu ở Vĩnh long có giá không hề rẻ. Thế nhưng độ ngon của nó luôn khiến người ta không tiếc tiền mà mua cho bằng được mớ ve sầu về nhà.

Lẩu gà nòi – Vĩnh Long

Món đặc sản tiếp theo chính là lẩu gà nòi. Đây là món đặc sản ai cũng muốn thử khi đến Vĩnh Long. Giống gà này là loại gà thả vườn, ăn sâu bọ, thóc, gạo chứ không cho chúng ăn cám nên khi nấu thịt gà dai, thơm ngon, ngọt hơn loại bình thường.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Lẩu gà nòi – Vĩnh Long

Khi nấu lẩu gà nòi, người ta cho thêm những hạt đậu phộng vào nấu chung, bạn sẽ được thưởng thức cái hương vị bùi bùi, béo ngậy của đậu phộng. Rau tươi, xanh, sạch được đem vào làm đồ nhúng, rau được làm chín trong nồi nước lẩu với độ chín vừa phải, không quá cứng mà cũng không bị nát sẽ giúp bạn tận hưởng trọn vị của món ăn.

Lẩu cua đồng – Vĩnh Long

Lẩu cua đồng Vĩnh Long chưa bao giờ hết hot đối với du khách mỗi khi ghé đến, được mệnh danh là món ngon không thể chối từ. Cua thường được bắt ngoài đồng về nên rất chắc thịt và nhiều gạch, cho 1 nồi nước lẩu đúng vị.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Lẩu cua đồng – Vĩnh Long

Nồi lẩu của đồng gồm có cua, sườn bò, đậu hủ, rau, nấm hương dựa vào sở thích của mỗi người. Nồi lẩu được nấu sôi tỏa mùi hương thơm phức cùng với lớp gạch cua nổi lên trên khiến bạn không khỏi bồi hồi chờ đợi để được thưởng thức.

Ốc lác hấp lá gừng – Vĩnh Long

Là một món ngon dân dã, ốc lác hấp lá gừng non không những dễ làm mà còn dễ dàng tìm nguyên liệu. Nếu bạn ngại tìm mua thì hãy chịu khó mò vớt trong mương vườn, trên ruộng là có ngay những rổ ốc lác loại bằng đầu ngón chân cái. Đem ngâm chúng trong nước vo gạo chừng vài tiếng đồng hồ, hoặc ngâm trong nước sạch chừng 24 giờ để ốc nhả cặn. Sau đó đem rửa sạch ốc rồi cho vào nồi luộc chín với ít lá sả, bưởi, ổi cho thơm.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Ốc lác hấp lá gừng – Vĩnh Long

Khi ốc chín thì vớt ra rổ, lau khô mình ốc. Lấy phần thịt ốc đem thái hạt lựu nhỏ và để riêng, còn thịt nạc vai thì băm nhuyễn, nấm rơm ngâm nở rồi cũng thái nhỏ. Riêng gừng một phần thái chỉ ngâm nước, phần còn lại giã nhỏ, với lá gừng thì cũng rửa sạch để ráo. Tiếp theo, bạn trộn thịt ốc với một chút nước gừng và các gia vị như hạt tiêu, bột ngọt, ớt băm nhỏ, nấm hương, nạc vai, bún tàu. Sau đó nhồi nhân cho dẻo rồi để ngấm chừng 10 phút.

Đặt lá gừng ngang miệng ốc, nhồi nhân vào bên trong sao cho đầy ngang miệng ốc, thoa đều mặt nhân cho mịn rồi mới xếp ốc vào lồng hấp cách thuỷ khoảng 15 phút là đủ. Khi ốc nhồi chín, bạn lấy ra bày vào đĩa, rắc gừng thái chỉ, ớt tỉa. Để ăn được cũng chưa dễ, cần phải cầm hai đầu lá gừng kéo thịt nhồi ra, ăn nóng chấm ốc nhồi với nước mắm chua cay để tận hưởng mùi thơm đặc trưng của ốc với lá gừng non, vừa lạ vừa ngon mà cũng hấp dẫn vô cùng.

Cá út nấu canh chua – Vĩnh Long

Thông thường khi nhắc đến du lịch miền tây người ta sẽ nghĩ đến món canh chua cá lóc truyền thống. Tuy nhiên bên cạnh đó, có nhiều loại cá khác nấu canh chua cũng rất ngon và cá út là một trong số đó. Cá út là loại cá sông, có kích thước nhỏ, con lớn nhất cũng không dài quá 15cm. Chúng thường sống thành từng bầy và xuất hiện nhiều sau tết. Ngày xưa, ở Vĩnh Long loại cá này khá nhiều nhưng ngày nay đã ít dần đi.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Cá út nấu canh chua – Vĩnh Long

Cá út nấu canh chua ngon nhất là nấu với rau muống. Canh chua cá út ngày xưa có hương vị ngon hơn vì người ta sử dụng rau muống mọc tự nhiên. Ngày nay dù vẫn là hương vị đó nhưng người ta vẫn thấy thiếu vì mất đi những sản vật tự nhiên. Bên cạnh rau muống còn có thêm cà chua và ít rau thơm. Nồi canh chua đơn giản chỉ có vậy nhưng từ hình thức đến mùi vị đều khiến người ta nhớ mãi.

Cá cóc kho nước dừa, cá cóc nấu canh chua – Vĩnh Long

Với điều kiện có nhiều sông, rạch, mương nhỏ… nên cá cóc sinh trưởng ở Vĩnh Long khá tốt. Cá cóc phần lớn sống tự nhiên. Người dân địa phương cho biết loại cá này rất khó nuôi chính vì vậy mà giá trị của nó lại càng được nâng cao thêm.

C

ăn gì khi đến vĩnh long?

Cá cóc kho nước dừa, cá cóc nấu canh chua – Vĩnh Long

ác cóc có nhiều cách chế biến khác nhau nhưng ngon nhất và cũng được nhiều người ưa chuộng nhất chính là món cá cóc kho nước dừa và nấu canh chua.

Với món cá cóc kho nước dừa, các sau khi làm sạch sẽ được ướp với nhiều nguyên liệu khác nhau như nước màu, tiêu, đường, muối , bột ngọt… Sau đó cho vào nước dừa và kho cho đến khi các chín mềm và nước dừa hơi sệt lại. Vì kho bằng nước dừa nên thịt cá đặc biệt ngọt và mềm hơn khi kho với nước dùng thông thường.

Phần đầu cá nếu nấu canh chua sẽ hoàn hảo hơn. Cũng là những loại rau đặc sản miền tây như bông súng, bông điên điển… kết hợp với đầu cá cóc sẽ tạo ra món canh chua vừa ngon lại vừa thanh đạm. Hai món trên thường được người dân địa phương sử dụng trong các bữa cơm hàng ngày.

Cá lăng nấu ngót – Vĩnh Long

Vùng đất Vĩnh Long có một món ăn bình dân và đặc biệt dễ làm mang tên cá lăng nấu ngót. Bạn có thể ăn kèm cùng dưa leo, rau sống, ngó sen, dưa bồn bồn hay bông súng bóp dấm để chấm đều rất tuyệt vời. Thường cá lăng nấu ngót phù hợp nhất khi ăn nóng cùng cơm hoặc bún.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Cá lăng nấu ngót – Vĩnh Long

Để làm món cá lăng nấu ngót, đầu tiên bạn chọn mua cá lăng nghệ tươi, loại này có bán ở các chợ miền Tây, rửa sạch, cắt làm ba khúc (đầu, bụng, đuôi) riêng biệt rồi để ráo, sau đó ướp muối, tiêu khoảng 20 phút cho cá ngấm đều gia vị là được. Các loại cần tây, hành lá cũng rửa sạch, cắt khúc; riêng cà chua thì thái miếng nhỏ.

Tiếp đến, bạn bắc nồi lên bếp cho nóng, đổ dầu hoặc mỡ vào và phi hành củ. Tùy theo lượng người ăn mà bạn đổ nước lạnh vào nồi cho phù hợp, tránh nhiều quá sẽ làm nhạt canh, còn ít quá thì lại không đủ thưởng thức. Sau đó bạn đun thật sôi rồi thả cá đã tẩm ướp gia vị vào và nếm gia vị nước mắm, muối, bột ngọt vừa miệng.

Khi cá chín và sôi lại lần nữa thì bạn mới cho cà chua, cần tây vào vì chúng rất nhanh chín và dễ nát. Để đủ gia vị thì bạn nên vắt chanh để vị chua của chanh, kết hợp cùng vị ngọt của cá và các loại gia vị khác sẽ mang đến cho bạn một món ăn ngon miệng, mang đậm hương vị đồng quê.

Canh cá rô – Vĩnh Long

Ngoài những cách kho truyền thống như: nồi đất đặc trưng hay chiên nước mắm, cá rô còn được người ta nấu canh với bông so đũa. Chỉ cần 1kg bông so đũa và khoảng độ chục con cá rô cỡ nhỏ là đủ nấu thành nồi canh ngon hấp dẫn.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Canh cá rô – Vĩnh Long

Cá rô trước khi chế biến sẽ đánh vảy làm sạch, giữ lại những phần mỡ béo ở bụng. Nước canh được phi tỏi thơm nấu sôi, sau đó thả cá vào, đợi chín, cho thêm bông so đũa. Thêm các loại gia vị vừa ăn và thêm chút hành ngò, rau thơm là món ăn sẵn sàng để thưởng thức.

Cá tai tượng – Vĩnh Long

Ngon nhất và trở thành đặc sản cá nước ngọt ở đây là con cá tai tượng. Cá tai tượng có mặt khắp ĐBSCL. Nhưng không hiểu sao ở riêng Vĩnh Long nó lại ngon nhất – có lẽ là nhờ cách chế biến. Đặc biệt, món tai tượng chiên xù đã làm nên “danh phận” cho ẩm thực Vĩnh Long.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Cá tai tượng – Vĩnh Long

Đến bất kỳ điểm du lịch vườn nào ở cù lao An Bình, dù bữa ăn có nhiều “sơn hào hải vị”, bạn cũng vẫn “phải” được thưởng thức món tai tượng chiên xù. Món cá dọn ra bàn: con cá còn nguyên trạng, vàng ươm, để dựng đứng lưng trên bụng dưới gọn trên chiếc dĩa hình hột xoài xung quanh sắp bày các loại rau xanh tươi, thấy thích mắt.

Sau khi mãn nhãn, bạn hãy dùng đũa dẽ miếng cá tai tượng còn nóng hổi đặt vào lát bánh tráng mỏng tang rồi chậm rãi đặt thêm lên đó những ngọn rau thơm, rau quế, những sợi bún trắng tinh rồi gói lại sao cho từng ấy thức ăn được cuộn vào gọn ghẽ. Chấm cuốn hỗn hợp ấy vào chén nước mắm chua ngọt có màu hổ phách, cắn một miếng bạn sẽ “nghe” tiếng cá giòn rụm vỡ giữa chân răng. Rồi những sợi bún mềm mại, vị the của rau thơm lẫn với vị ngọt của cá, vị mặn mà chua ngọt của nước chấm ngấm vào thực quản.

Thoạt nhìn, những miếng vây lưng cá tưởng như rất cứng nhưng khi dùng thử, nhiều thực khách không khỏi ồ lên thích thú bởi miếng vây giòn rụm xen lẫn miếng thịt cá béo ngọt khi nhai. Chính vì vậy mà món cá tai tượng chiên xù lúc nào cũng được khách nước ngoài kêu “ồ” một cách thích thú khi nó được dọn lên bàn.

Cá kèo nướng ống sậy – Vĩnh Long

Về miền sông nước còn có một loại cá nữa cũng rất nổi tiếng đó là cá kèo. Cá kèo là các sông có thể chế biến thành rất nhiều món ngon như cá kèo kho tiêu, cá kèo nấu canh chua, cá kèo nấu lẩu hay khô các kèo cũng rất được ưa chuộng. Và đặc sản Vĩnh Long từ cá kèo mà du khách nên thưởng thức nữa đó chính là cá kèo nướng ống sậy.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Cá kèo nướng ống sậy – Vĩnh Long

Để làm món ngon này người ta lựa chọn những con cá kèo còn sống, mập mập. Cá rửa sạch để nguyên con cho vào trong ống sậy sau đó mang đi nướng. Bạn cần lưu ý là phải nướng trên lửa than nhỏ. Dù tốn nhiều thời gian nướng hơn nhưng bù lại cá chín đều và không bị khét. Cá kèo nướng theo cách này sẽ giữ được độ chắc mềm của thịt, cùng với đó thịt cá không bị khô ăn rất ngon.

Cá cháy – Vĩnh Long

Khi những ngọn gió chướng thổi qua làm rạo rực dòng sông Hậu bao la, thổi bung những bông xoài nhú quả xanh non cũng là lúc dòng sông xuất hiện từng đàn cá cháy. Cá cháy là đặc sản của riêng vùng đất nhỏ nằm bên sông Hậu, xã Tích Thiện (Trà ôn – Vĩnh Long), vùng gặp nhau giữa nước trong và nước lợ. Cá cháy nhiều xương nhưng thịt rất ngon. Cá cái có mang cặp trứng to chật cả khoang bụng, ăn rất bổ, béo.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Cá cháy – Vĩnh Long

Giống cá cháy thật lạ kỳ, vừa rời khỏi mặt nước đã vĩnh viễn từ giã cuộc đời, dù người ta có cẩn trọng thả nó ngay tức khắc trong lườn ghe đầy nước. Vì vậy, khi đánh bắt được mẻ lưới khấm khá phải mang ra chợ bán ngay. Muốn có cá ngon phải thức sớm trước khi mặt trời mọc. Những tiếng rao cá cháy vang vang trên sông xa đầy ắp sương mù như mời gọi. Ăn cá cháy có nhiều cách. Cá được kho mặn trên bếp lửa riu riu để xương cá mềm nhừ. Đây là món ăn dài ngày trong gia đình, thậm chí có thể làm quà tặng cho người thân ở nơi xa. Ngoài ra, có thể nấu canh chua với các loại rau thơm như bạc hà (dọc mùng), đậu bắp, giá, bông điên điển hoặc có thể rim cả con, bên dưới đáy nồi lót một lớp mía. Cá cháy cũng có thể dùng để nấu cháo. Cháo nấu nhừ, cho cá cháy nguyên con đã đánh sạch vẩy vào nồi, đun sôi cho đến khi cá chín, gắp ra gỡ thịt, bỏ xương. Cháo cá cháy thường ăn với rau tần ô (cải cúc), rau đắng đất, xà lách, chút lá gừng non xắt nhuyễn.

Món trứng cá cháy cũng rất hấp dẫn. Ai đã được ăn một lần trứng cá cháy sẽ nhớ mãi không quên. Ngoài vị béo không ngậy, hương vị thơm ngon khiến đã ngồi ăn thì không muốn đứng dậy. Gỏi cá cháy là món ăn cầu kỳ. Món này phải có đủ các thức rau ghém, rau thơm, chuối chát, khế chua để cuốn chung với thịt cá cháy, phải có nước chấm riêng biệt dành cho nó. Ngoài sự ngon lành bổ béo của trứng cá và thịt cá cháy, sẽ thú vị hơn nếu bạn được thưởng thức món xoài xanh băm nhỏ thả vào nồi canh cá đang sôi. Chất chua dìu dịu của trái xoài chưa kịp chín như đã ướp tẩm đầy hương thơm trong ngọn gió chướng, kích động mạnh mẽ vị giác, như tăng thêm độ hương nồng của miếng cá và chùm trứng.

Cá lóc nướng trui – Vĩnh Long

Cá lóc nướng trui không bao giờ để cá lên vĩ, bên dưới hừng hực than hồng, như nướng những thức ăn khác mà phải nướng lửa. Ngọn lửa rơm, nếu làm khác đi, miếng cá sẽ mất thơm, không còn hương vị cá nướng trui. Chẻ một que tre tươi, chuốt nhọn một đầu xiên suốt từ miệng đến đuôi cá, cắm đứng thẳng xuống đất, phủ rơm khô trùm lên cá châm lửa đốt.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Cá lóc nướng trui – Vĩnh Long

Cái khéo và tay nghề người nướng cá ở chỗ dù nướng bao nhiêu con, tất cả đều chín một lượt, vẫy cá cháy đều đặn, mùi thơm quyến rũ bốc lên sau khi ngọn lửa vừa tàn chừng ấy người ta nhổ dần từng con cá cháy đem đặt vào dĩa, một tay giữ đầu cá, tay kia cằm đủa xẻ dọc lưng cá từ đầu xuống tận đuôi, tách đôi, trải ra, thịt cá trắng bóng, thơm lừng, nguyên bộ lòng cá được kéo ra, cho ngay vào tô nước mắm tỏi ớt dằm me chín, bên trong rổ rau tươi nhiều chủng loại, trước khi xẻ cá, dùng đôi đủa gạt nhẹ khắp mình con cá, những vẩy cháy rơi đi, còn lại làn da vàng lấm tấm đen và mùi thơm “không chịu nổi”.

Việc nướng cá nghe thì tưởng dễ nhưng nếu không phải là tay thành thạo thì nướng sẽ không được ngon! Cái giỏi của người có tay nghề là rơm phủ chỉ có một lần. Rơm cháy vừa hết thì cá cùng vừa chín đến nơi. Quá chín thì cá hết ngọt, chưa chín tới cá nhão có mùi tanh, chất nhiều rơm cá khét, rơm thiếu cá sống khúc đầu, đốt thêm lửa, khúc giữa và khúc đuôi khô nước mất ngon.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Cá lóc nướng trui – Vĩnh Long

Cá lóc nướng trui thường ăn kèm với bún, bánh tráng nhúng nước, rau thơm, các loại để lên bánh tráng, gắp miếng cá đặt giữa lớp rau xanh cuốn lại thành cuộn tròn chấm nước mắm. Nước mắm thường thì là nước mắm tỏi ớt, chanh đường, giấm hoặc nước mắm dầm me. Rau, trước nhất không thể thiếu rau dấp cá kế đến húng cây, húng lũi, dưa leo, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, đặc biệt các loại đọt non như đọt điều, đọt xoài, đọt cóc kèn ….

Miếng cá vừa thơm vừa ngọt, ăn cho đến da cá thì còn phải tốn thêm vài xị rượu đế làng quê, miếng da vừa giòn vừa thơm nếu bỏ đi là người chưa biết thưởng thức “cá lóc nướng trui”. Không phải lúc nào “Đệ nhất nướng trui” cũng được trang trọng giữa bàn tiệc trong nhà, đôi khi “cá lóc nướng trui” cũng bày ra ngay trên bờ đê giữa ruộng lúa vừa gặt xong. Vậy mà người thích “cá lóc nướng trui” lại khó quên kiểu ăn dân dã ấy, bởi vì nướng hơn chiên ở chỗ giữ được mùi thơm riêng biệt đáp ứng khẩu phần hạn chế dầu mỡ.

Tôm càng xanh – Vĩnh Long

ăn gì khi đến vĩnh long?

Tôm càng xanh – Vĩnh Long

Tôm càng xanh tuy đã giảm nhưng vẫn có thể câu được trong kênh rạch ven bờ sông Hậu. Người dân ven bờ thường chất chà ở những “búng” hoặc những nơi có dòng nước chảy mạnh để bắt tôm càng xanh. Tôm càng ngon nhất là nướng tươi trên bếp than hồng. Đốt một lò than đước, đặt vỉ lên và gắp từng chú “tôm” cho lên vỉ trở đều. Mùi thơm của tôm nướng tỏa ra trong không gian đủ làm kích thích người ta tiết ra dịch vị. Khi nướng, những con tôm từ từ đổi sang màu hồng, rồi đỏ au, sau cùng sem sém lửa là lúc tôm đã chín. Bỏ vỏ, bỏ đầu, lõi tôm chắc nịch sẽ hiện ra. Bạn cứ thế cầm, chấm vào chén muối tiêu chanh rồi từ từ thưởng thức. Vị béo của gạch, vị ngọt của thịt tôm hòa với vị mặn của muối, vị cay của tiêu, vị chua của chanh lan tỏa nơi đầu lưỡi khiến bạn chỉ muốn… tôm đừng vơi đi.

Chuột đồng – Vĩnh Long

Thịt chuột đồng thơm phức trắng như thịt gà và mềm như thịt thỏ, vị của nó thật khó tả, ngọn đậm và thơm. Có lẽ món chuột gắp nướng hấp dẫn hơn cả vì giữ được vị ngọt thịt tươi và mùi thơm đặc trưng không hề lẫn lộn với bất kỳ loại thực phẩm nào. Cách chế biến món chuột nướng cũng đơn giản và nhanh, nên có thể gọi nó là “fast food đồng quê” cho những người sành điệu “chuột đồng 7 món”!

ăn gì khi đến vĩnh long?

Chuột đồng – Vĩnh Long

Hằng năm, từ tháng 10 đến sa mưa (tháng 3 âm lịch) là mùa chuột đồng kiếm được nguồn thức ăn dồi dào nhất nên con nào cũng ú tròn, lông mượt vàng – cũng là mùa dân ruộng săn chuột đồng. Tháng chạp vào thu hoạch lúa mùa thường niên, dân gặt dùng cách cắt lúa xoay cù, rồi bao lưới dí bắt chuột. Khi đồng khô, dẫn chó đi đào hang săn bắt. Những đêm trăng sáng, trai tráng trong xóm rủ nhau ra bưng, lung, đìa (nơi có nhiều cỏ rậm rạp) giậm cù, đặt xà di bắt chuột. Thời bây giờ, khi đồng ruộng tăng vụ sản xuất, ngoài cách đơn giản là làm rập đất, rập lồng để bẫy chuột, người ta còn chế ra cách chất chà, đấp ụ đất để nhử bắt chuột…

Chuột chọn nướng phải còn sống, mập (nhiều mỡ). Sau khi giết, người ta phủ rơm lên thui lông chuột (rơm vừa đủ thui trụi lông và phải là rơm khô, thịt mới giữ mùi); sau đó cời than ra và cắt đầu, lột da, bóc bỏ bộ lòng (chỉ chừa gan). Móc bỏ bộ phận bài tiết và hạch ở bẹn của hai đùi sau và rửa sạch (phải làm thật kỹ, nếu không thịt sẽ khai và hôi mùi chuột). Dùng tre hoặc trúc chẻ que làm gắp nướng. Dưới sức nóng của than củi, thớ thịt chuột sẽ tươm mỡ, cháy xèo xèo. Bạn không cần ướp gia vị nhưng mùi thơm của nó có thể lan xa… khắp xóm! Muốn ăn chuột nướng, bạn nhất thiết phải có rau răm (nó xoá mùi tanh, làm đậm mùi thơm của thịt). Bạn có thể thêm chuối chát, khế và các loại rau mùi khác. Tuy nhiên, không thể thiếu xoài sống: xoài cắt lát để ăn kèm với thịt. Bằm nhuyễn một ít xoài cho vào nước mắm trong loại ngon, thêm một chút ớt cay để làm nước chấm.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Chuột đồng – Vĩnh Long

Chuột đồng còn được người dân miền Tây đem đi quay, chuột quay lu ( hay nướng lu) là một món ăn rất ngon và dễ làm. Sau khi làm lông, chuột gài vào móc sắt, máng vào miệng lu mái đầm, đậy kín nắp. Những con chuột đồng làm sẵn béo ngậy được gài vào móc sắt, móc vào miệng lu mái đầm (lu ba vú), đậy kín nắp lại. Lu đặt trên lớp gạch tiểu cao khoảng 2 tấc trét đất sét thật kín, chừa một lỗ nhỏ để vô than.

Mỗi đợt quay khoảng 45 phút. Canh chừng 30 phút, giở nắp lu, trở bề chuột quay cho chín đều. Chừng 10 phút sau, mùi thịt đồng quê thơm lừng tỏa ra, khiến người khảnh ăn bụng dạ cũng “rạo rực”. Thịt chín tới, phết một lớp nước sốt khiến cả mặt trong và mặt ngoài trở nên bóng lưỡng, vàng tươm trước khi giao chuột quay cho khách. Mùa khô ở miền Tây oi nồng, nhưng sau cuộc đi săn, vào núp dưới bóng râm, dân ruộng thường khoái thưởng thức ngay món chuột nướng. Củi rơm sẵn, rau, trái sẵn trong bờ ruộng, mương vườn, món “fast food đồng quê” sẽ làm họ quên nhanh cảm giác nhọc nhằn. Với dân biết nhậu thì không thể thiếu một chút men cay khi bày ra món này.

Khoai lang mắm sống cuốn lá cách – Vĩnh Long

Khoai lang mắm sống cuốn lá cách là món ăn có từ thời khẩn hoang ở Nam bộ, hiện còn tồn tại ở vùng chuyên canh khoai lang phía Bắc Quốc lộ 1A thuộc huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Khoai lang mắm sống cuốn lá cách – Vĩnh Long

Nằm sát bên dòng sông Hậu, vào mùa nước nổi, tôm cá hội tụ về, người dân ở đây tranh thủ đánh bắt, cá dư thừa làm khô, ủ mắm. Trong đó các loại mắm mà họ làm thì mắm cá trèn, cá linh, cá sặt… là đặc sản nổi tiếng của vùng này. Vào mùa thu hoạch khoai, bà con nông dân thường đem cả hũ mắm ra đồng. Khoai mới dỡ đem luộc cả nồi to tướng. Hái mấy trái dừa rám vỏ (dừa đã cứng vỏ nhưng chưa khô), lá cách, cùng mớ rau cải “quơ” ở quanh ruộng là đã thành một món ăn khoái khẩu trong giữa giờ lao động cho hàng chục người.

Khoai luộc xong bóc bỏ vỏ, cặp với một con mắm sống vàng ươm, thơm lừng, rắc dừa nạo lên cùng rau cải các thứ, thêm chút ớt, sau cùng gói bằng chiếc lá cách to. Món ăn này vừa có vị ngọt bùi của khoai lang, vừa có mùi vị mặn đậm đà của mắm (ngon nhất là mắm cá trèn sông Hậu), vị béo của cơm dừa nạo, vừa có mùi thơm đặc trưng của lá cách, rau vườn, tất cả hòa quyện thành một món ăn dân dã ngon khó tả. Cuộn khoai lang mắm sống lá cách này cứ liên tục được những người lao động vừa ăn vừa ca hát, nói cười rôm rả, thắm đượm tình làng nghĩa xóm. Dần dà món khoai lang mắm sống cuốn lá cách thành món ăn khai vị trong các bữa nhậu, tiệc tùng, đãi khách ở địa phương.

Hiện nay nhiều người ở thành thị sau khi dùng thử món ăn này đều cho rằng: khoai lang sau khi luộc, bóc vỏ nên xẻ thành từng miếng nhỏ; mắm lựa thứ ngon nhất; dừa nạo, rau cải các thứ cuốn lá cách cho đẹp rồi bày ra dĩa trông cũng “lịch sự” lắm chứ. Như thế món ngon dân dã này sẽ nghiễm nhiên có mặt tại các quán ăn, nhà hàng, trở thành món khoái khẩu cho những thực khách hâm mộ món ngon vật lạ.

Nấm mối – Vĩnh Long

Nấm mối là loại nấm mọc tự nhiên. Vào khoảng đầu mùa mưa tháng 6, nấm mối bắt đầu xuất hiện nhiều. Vì mọc tự nhiên nên loại nấm này khá sạch và an toàn. Người dân Vĩnh long rất ưa chuộng loại nấm này nên đã sáng tạo ra nhiều cách chế biến khác nhau.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Nấm mối – Vĩnh Long

Nấm mối xào với mướp hương là cách nấu phổ biến nhất. Bên cạnh đó người ta còn nấu cháo nấm, kho nấm, xào tỏi, xào thịt, nướng… Khi ăn bạn sẽ thấy nấm mối mềm mềm, dai dai rất vui miệng.

Thanh trà – Vĩnh Long

Thanh trà là loại trái cây khác thu hút không kém bưởi năm roi. Cứ nhìn những chùm quả tròn vàng ươm lúc tháng giêng, ba, khó người nào kìm lòng mà không mua vài ký.

ăn gì khi đến vĩnh long?

Thanh trà – Vĩnh Long

Có hai loại thanh trà: chua và ngọt phục vụ khẩu vị từng người. Thanh trà chín chấm muối ớt chinh phục tất cả chị em phụ nữ như rất nhiều loại trái cây chua chua được ưa chuộng xưa nay.

Trong khi đó, món thanh trà dầm đường đá là nước giải khát hữu hiệu. Đang nóng nảy giữa tiết trời nắng mà có ly thanh trà thì mát thơm tận sâu cõi lòng và khoan khoái ngay lập tức. Thanh trà làm mứt tuy có lích kích nhưng cũng là món ăn chơi khác được yêu thích. Vừa đọc sách, vừa tám chuyện thỉnh thoảng nhón miếng mứt ngọt lịm quyến rũ thì thú biết mấy.

Bên cạnh đó, vị chua của thanh trà khác với me hay cơm mẻ là sự đổi món khi các bà nội trợ thích tăng vị cho món canh chua (cá lóc, cá ngát, tép…) hay kho cá (cá rô, cá bông lau…).

Ăn gì khi đến Vĩnh Long? Trên đây là những món ăn đặc sản Vĩnh Long nổi tiếng nhất. Có những món rất dễ ăn nhưng cũng có những món với nhiều người tương đối khó ăn. Tuy nhiên, nếu thử ăn thêm vài lần có thể bạn sẽ rất thích đấy. Nếu bạn có dịp du lịch Vĩnh Long thì đừng quên thưởng thức những món đặc sản Vĩnh Long nổi tiếng mà chúng tôi giới thiệu trên đây nhé.

Đăng bởi: Nguyễn Quý

YOLO! Khám phá các huyện ở Vĩnh Long

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก