Bắc Giang

Ăn gì khi đến Bắc Giang?

Bắc Giang chỉ giản đơn là một vùng quê núi đồi yên bình, mang đậm nét văn hóa miền đồng bằng Bắc Bộ, ngoài ra Bắc Giang còn có rất nhiều món đặc sản ngon nổi tiếng để các bạn thưởng thức khi tới tham quan du lịch. Hôm nay chúng ta cùng ngược về Bắc Giang để khám phá xem nên “ăn gì khi đến Bắc Giang?” nhé!

Bánh hút Lục Ngạn – Bắc Giang

Bánh hút Lục Ngạn được làm từ bột gạo nếp, mật mía và rau cải cay (cải xanh). Bánh có vị ngọt thơm của mật mía hòa quyện với gạo nếp rất thơm ngon.

ăn gì khi đến bắc giang?

Bánh hút Lục Ngạn – Bắc Giang

Loại bánh nghe lạ tai này được làm từ bột gạo nếp, rau cải canh và mật mía. Cách làm bánh cũng rất đơn giản. Rau cải được rửa sạch rồi giã nhỏ vắt lấy nước, sau đó nhào nước đó cùng với bột gạo nếp cho dẻo bột rồi nặn thành bánh.

Bánh nặn chỉ to cỡ chừng chiếc bánh trôi rồi chiên vàng. Khi bánh vàng thì vớt ra thật nhanh tay rồi thả vào nồi mật mía đun nhỏ lửa. Khi đó viên mật sẽ tự hút mật căng tròn bên trong. Vớt bánh ra và lăn qua một lớp bột gạo nếp. Bánh có vị ngọt thơm của mật mía, lại có mùi cay cay của cải hòa quện với vị thơm của bột nếp, tạo nên một hương vị rất đặc biệt.

Người dân tộc thiểu số miền núi của huyện Lục Ngạn – Bắc Giang thường làm món bánh rất đặc biệt này để tiếp khách. Nếu có dịp lên vùng cao Lục Ngạn lúc đầu xuân, bạn chớ để lỡ dịp thưởng thức món bánh Hút độc đáo này nhé.

Bánh tro Đa Mai – Bắc Giang

Đã đến Bắc Giang, ghé thăm làng Đa Mai (xã Đa Mai, TP Bắc Giang) các bạn đừng quên thưởng thức món bánh tro dân dã, giản dị nhưng mang đậm hương vị dân tộc ở nơi đây.

ăn gì khi đến bắc giang?

Bánh tro Đa Mai – Bắc Giang

Bánh tro được làm từ những nguyên liệu đơn giản, bằng gạo nếp và tro của một số cây sẵn có ở vùng đất này như rơm nếp, củ chuối phơi khô, cây tạp nhạp… Nguyên liệu đơn giản nhưng để hoàn thành một mẻ bánh lại cần sự công phu và khéo léo của người làm bánh.

Gạo nếp cái hoa vàng được đãi sạch, nhặt bỏ sạn, gạo tẻ lẫn trong đó rồi để ráo. Những cây tạp nhạp, rơm khô… được phơi khô đốt lấy tro. Dùng tro đó pha với vôi để lắng lại rồi lấy nước trong. Nước tro phải có màu vàng hổ phách bánh trông mới ngon và bắt mắt. Sau đó cho gạo đã đãi sạch vào ngâm qua một đêm, vớt ra, để ráo. Lá gói bánh thường được dùng lá dong hoặc lá ỏng. Dây cuốn bánh thường dùng dây lạt, buộc bánh không chặt quá, để khi luộc hạt gạo nở đều. Bánh gói xong xếp vào nồi luộc 5-6 giờ là được.

Bánh tro luộc chín, bóc từng lớp vỏ ngoài thấy hiện lên một màu vàng nâu, trong như hổ phách, chưa cần thưởng thức cũng đã quyến rũ người ăn. Bánh tro thường được chấm với nước mật hoặc với đường. Cắn một miếng thấy được vị thanh mát, dẻo thơm của hạt gạo quyện lẫn với vị ngọt của đường, cảm nhận được sự tài hoa, khéo léo của những người thợ làm bánh. Đơn sơ, giản dị nhưng bánh tro Đa Mai nồng ấm tình người như chính con người nơi đây.

Cua da – Bắc Giang

Nếu có dịp về với đất Yên Dũng (Bắc Giang) vào cữ gió heo may về, thế nào bạn cũng sẽ được chiêu đãi một trong những món ngon và hiếm bởi lòng hiếu khách của người dân nơi đây được chế biến từ Cua Da.

ăn gì khi đến bắc giang?

Cua da – Bắc Giang

Theo lý giải của người dân Yên Dũng, sở dĩ gọi là cua Da vì chúng có lớp da trên càng, cũng có người gọi là “cua ra” vì gắn với câu tục ngữ “Tháng Chín cua ra, tháng Ba cua vào”, song cua Da vẫn được gọi phổ biến hơn cả. Loại cua này sống chủ yếu trong các ghềnh đá dọc sông Thương và một phần sông Cầu chảy qua địa phận các xã: Đồng Việt, Đồng Phúc, Đức Giang, Thắng Cương…

Về hình thức, cua Da gần giống cua đồng nhưng kích thước và trọng lượng tối đa lớn gấp 3-4 lần (trung bình 0,8-2 lạng/con). Chân cua dài, hai càng có lớp lông giống như rêu bám vào. Mùa cua Da chỉ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch.

So với cua đồng, cua biển, hay ghẹ, thịt cua Da ngọt, đậm hơn; mai mềm, mỏng; khi chế biến vỏ vàng óng trông rất hấp dẫn, bắt mắt; ăn không phải dùng kìm để bẻ mai, càng. Cua Da có thể chế biến thành nhiều món như hấp bia, rang muối, rang me, nấu canh, làm lẩu riêu… song có lẽ món cua hấp bia cùng xả, gừng, bột canh chấm mù tạt hấp dẫn hơn cả.

Cua da – Đặc sản Bắc Giang không hổ danh khi làm nên những món ăn ngon và bổ dưỡng. Đặc biệt loại cua này mang lại nét văn hóa và tăng giá trị thu nhập cho con người nơi đây. Đến Bắc Giang nhất định bạn phải thử qua loại đặc sản thú vị này.

Gà đồi Yên Thế – Bắc Giang

Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến mảnh đất Yên Thế thì ắt hẳn không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món gà đồi Yên Thế, một đặc sản đã tạo nên thương hiệu cho vùng quê này.

ăn gì khi đến bắc giang?

Gà đồi Yên Thế – Bắc Giang

Huyện Yên Thế có địa hình đồi núi dốc thoai thoải, với diện tích tương đối rộng, nhiều tán cây lâm nghiệp như keo lai, bạch đàn, cây vải thiều… Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kiểu chăn thả. Trong đó, gà đồi được xác định là một trong những vật nuôi thế mạnh của địa phương.

Do được chăn thả trong môi trường đồi núi tự nhiên nên gà đồi Yên Thế có vị thịt ngọt, đậm, thơm và chắc, không mềm và nhão như gà nuôi công nghiệp. Do đó, món ăn từ gà đồi không chỉ xuất hiện trong các bữa ăn hàng ngày hay dịp cỗ bàn, hội họp mà còn là một trong những thực phẩm được các doanh nghiệp và nhà hàng kinh doanh lựa chọn nhiều nhất để chế biến các món ăn phục vụ thực khách.

Gà đồi Yên Thế được nuôi đúng quy trình với thời gian sinh trưởng 7 – 8 tháng với 02 giống chủ lực là Ri lai và gà Mía lai được đánh giá là giống có ngoại hình đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, được chăn thả trên đồi cây, chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học và VietGAP.

Gà đồi Yên Thế còn có lợi thế lớn khi có thể chế biến được rất nhiều món, từ xáo, luộc, hấp, quay, nướng, lẩu… Kinh nghiệm của những người Yên Thế sành gà đồi cho biết để thưởng thức món gà đồi ngon nhất chỉ nên luộc chín tới, thịt gà còn chắc, giòn để chấm với muối trộn lá chanh, nước luộc ngọt lịm dùng để ăn kèm với cơm. Công phu hơn thì quay, nướng làm chả gà.

Hoặc nếu có điều kiện hơn thì làm món thịt gà hầm thuốc bắc, một vị thuốc quý trong dân gian để chữa các bệnh về dinh dưỡng; hay món gà nướng ngũ vị vừa ngọt, đẹp mắt, lại vừa thơm mùi đặc trưng của ngũ vị hương; món gà hấp bia thơm mát, bổ dưỡng ngày hè; món gà xáo gừng nhiều dinh dưỡng, cho người ăn thêm ấm cúng trong tiết trời giá lạnh; món lẩu gà đồi kết hợp với rau xanh hấp dẫn người ăn nhờ mùi thơm nóng hổi… Đây là những món ăn vô cùng hấp dẫn và được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.

Gỏi cá mè Hiệp Hòa – Bắc Giang

Vùng Lý Viên, xã Bắc Lý, Huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang là một vùng quê ven sông Cầu, là nơi cực nổi tiếng với món đặc sản dân dã gỏi cá mè. Hương vị đậm đà đặc sắc nơi đây khiến ai ăn một lần cũng sẽ nhớ mãi không quên.

ăn gì khi đến bắc giang?

Gỏi cá mè Hiệp Hòa – Bắc Giang

Thường để làm gỏi ngon nhất thì nên chọn những con cá nhỏ tầm 3 lạng là ngon nhất. Cá phải câu hoặc đánh lưới được nuôi trong ao sạch, không có chất tăng trọng thì mới làm nên món ngon được. Cá đem về được rửa sạch, bóc bỏ mang, vớt ra rổ cho ráo nước rồi mới đến quy trình chế biến.

Cá sau khi được làm sạch, lột da rồi thái thành lát mỏng vừa ăn. Dùng giấy thấm bản để thấm cá cho ráo, như vậy thì ướp gia vị ăn gỏi mới ngon. Ướp cùng thịt cá mè sẽ là thính thơm được làm từ bột xay, riềng giã mục để khi ăn cuốn với rau vừa thơm vừa bùi.

Phần đầu cá được để riêng để nấu hạt. Hạt là nước sốt để chấm cá mè đặc trưng của người Bắc Giang. Đầu cá được băm nhỏ (như xay bột) nhưng không được xay, làm thế thịt cá sẽ chín trước khi chế biến mất vị ngon. Sau đó đem nấu cùng nước riềng, tương, mẻ, muối vừa trên bếp rất nhỏ lửa cho đến khi đặc như bánh đúc thì múc ra. Đây là món chấm rất đặc trưng của gỏi cá, không có nó không thành gỏi cá mè xứ Bắc Giang.

Ăn gỏi cá mè không thể thiếu các loại rau thơm làm gia vị như: lá đinh lăng, lá sung, lá cây mưng (cây lộc vừng), lá diếp cá, lá ngò tàu, lá ổi, lá mơ, lá Vọng canh, lá cây Lúc lác..

Khi ăn thì cuốn hết các nguyên liệu vào miếng bánh đa nem, chấm vào thứ mắm hạt sệt sệt, nhai thật từ tốn để cảm nhận hết vị ngọt của cá, vị bùi của lạc rang, cả vị thơm nồng béo ngậy, mùi hăng hăng của rau, vị chát từ chuối xanh khiến không ai có thể quên được. Đến huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang bạn nhớ đừng quên thưởng thức món ăn độc đáo này nhé!

Nham Vân Xuyên – Bắc Giang

“Thơm, bùi, béo ngậy’‘ đó là đặc trưng hấp dẫn không thể cưỡng lại của món Nham cá dân dã nhưng đã trở thành đặc sản nổi tiếng khắp vùng của người làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.

ăn gì khi đến bắc giang?

Nham Vân Xuyên – Bắc Giang

Nguyên liệu chính để làm Nham cá Vân Xuyên gồm: Trám đen nấu bỏ hạt lấy cùi; thịt ba chỉ áp chảo thái chỉ; thịt cá sông (đánh bắt từ sông Cầu) nướng. Ba thứ đó theo tỉ lệ 1:1:1, đem trộn với gia vị như lạc rang, quả núc nác nướng, rau thơm, khế chua, nêm mắm muối vừa đủ.

Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu thì đem trám đen (đã om chín và ngâm trong nước muối loãng) dã nhỏ; thịt ba chỉ áp chảo thái chỉ; cá nướng gỡ xương lấy thịt, rau mùi gai, húng quế, tía tô, khế chua thái nhỏ, đặc biệt không thể thiếu lá gừng tươi và lá hẹ thái nhỏ, tất cả trộn đều và rắc thêm vừng hoặc lạc rang giã rối… khi ăn dùng bánh đa nem cuốn ngoài.

Thưởng thức đặc sản này, thực khách sẽ cảm nhận được vị bùi, béo của trám đen; ngọt đậm của cá và hương thơm của các loại gia vị rau thơm, vừng, lạc… tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị đặc trưng rất lạ, khó quên. Nếu có dịp du lịch Bắc giang bạn nhớ đừng bỏ bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn dân dã, hấp dẫn này nhé.

Xôi trứng kiến Lục Ngạn – Bắc Giang

Xôi trứng kiến được xem là món ăn đặc sản vang danh đất Bắc Giang, gắn liền với đặc trưng văn hóa ẩm thực của người dân tại đây và là một trong những món ăn gây thương nhớ cho du khách ngay từ lần đầu thưởng thức.

ăn gì khi đến bắc giang?

Xôi trứng kiến Lục Ngạn – Bắc Giang

Để làm xôi trứng kiến Lục Ngạn Bắc Giang người ta thường sử dụng hai nguyên liệu chính là gạo nếp nương và trứng kiến đen kèm theo các loại gia vị như hành phi, mỡ gà.

Theo kinh nghiệm được truyền lại thì mặc dù trong rừng có rất nhiều loại kiến nhưng chỉ một loại là có thể ăn được trứng đó là loại kiến đen có kích thước to gấp 3 đến 4 lần các loại kiến đen thông thường chuyên sống và làm tổ trên cây. Những người đi rừng lâu năm cho biết những tổ kiến có màu đen bạc, thớ của tổ lớn và cành cây hơi trĩu sẽ cho nhiều trứng, những tổ đen sì và xốp thì không cần bắt vì ít trứng nên để gầy cho mùa sau.

Trứng kiến được kiếm về sau đó mang làm sạch để khô, bắc chảo cho trứng kiến vào phi với hành khô, nêm gia vị vừa ăn rồi để nguội. Gạo nếp thơm sau khi được đồ trong chõ đất mang ra rắc trứng kiến xào lên, hương vị của hai thức này hòa quyện vào nhau tạo thành vị rất độc đáo, bùi béo, thơm ngon khiến thực khách như muốn ăn mãi.

Nếu bạn đã từng thưởng thức món xôi trứng kiến độc đáo hấp dẫn này là đặc sản ngon nổi tiếng tại Bắc Giang, hẳn bạn sẽ còn muốn quay trở lại Bắc Giang thêm nhiều dịp nữa.

Chè đỗ đãi Mỹ Độ (Chè kho) – Bắc Giang

Đến với Bắc Giang bạn không chỉ thưởng thức vải thiều Lục Ngạn, bánh đúc Đồng Quan, mì chũ… Bạn sẽ không thể bỏ qua món chè kho Mỹ Độ nổi tiếng từ rất lâu rồi.

ăn gì khi đến bắc giang?

Chè đỗ đãi Mỹ Độ (Chè kho) – Bắc Giang

Chè đỗ đãi hay còn gọi là chè kho, được coi là một trong những món ăn truyền thống vào ngày tuần rằm hay dịp lễ tết. Chỉ với nguyên liệu chính là đỗ xanh, đường cát thêm chút vừng rang, hương va ni, tất cả hoà quện vào nhau tạo nên một món ăn mà từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân Mỹ Độ.

Chè đỗ đãi Mỹ Độ có màu vàng hơi sậm – màu của đỗ với những hạt vừng tấm trắng rang thơm được rắc lên mặt đĩa chè như là vì sao sa. Hương đậu xanh, hương vừng, vị ngọt thanh của đường kính, vị béo thoang thoảng của mỡ, chất đậm đà của đậu xanh hòa quyện vào nhau. Ăn một miếng chè đỗ đãi ta thấy cái cảm giác thật khó tả: vị ngòn ngọt tan từ từ trong miệng.

Để có được một đĩa chè như vậy là khá công phu. Làm được 1 đĩa chè đỗ đãi ngon nhất thiết phải cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu tới quá trình làm. Toàn bộ quy trình chế biến này kéo dài từ 6 – 8 giờ đồng hồ tùy tay nghề của mỗi người.

Trở thành món ăn nổi tiếng, chè đỗ đãi Mỹ Độ ngày này đã trở món quà quê độc đáo để người Bắc Giang giới thiệu với bạn bè gần xa… Du lịch Bắc Giang, bạn đừng quên thưởng thức món ăn độc đáo này nhé.

Bánh đúc Đồng Quan – Bắc Giang

Nếu ai có dịp thưởng thức món bánh đúc Đồng Quan ở thôn Đồng Quan, xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang (Bắc Giang) chắc hẳn đều lưu lại trong mình dư vị của một món ăn dân dã, đậm đà hương vị quê hương, không nhiều nơi có được.

ăn gì khi đến bắc giang?

Bánh đúc Đồng Quan – Bắc Giang

Bánh đúc Đồng Quan được làm rất đơn giản, không hề có công thức cầu kỳ hay đòi hỏi nguyên liệu phức tạp. Thành phần chính là làm nên món ăn này là bột gạo tẻ loại ngon, nước vôi, lạc rang…

Gạo tẻ để làm bánh đúc Đồng Quan sẽ được ngâm kỹ trong 3 ngày và mỗi ngày đều phải thay nước mới đến khi hạt gạo trở nên nát khi bóp nhẹ mới có thể mang đi xay thành bột. Nước vôi để làm bánh cũng cần trải qua công đoạn sơ chế bằng cách nướng cục vôi, sau đó hòa vào nước gạn lấy phần nước trong rồi đem hòa với nước bột gạo đã xay.

Trước khi nấu người ta phải chuẩn bị một cái nồi lớn đã được tráng mỡ, sau đó đổ bột gạo hòa nước vôi trong vào. Tiếp đến, bắc nồi lên bếp chỉnh lửa vừa và lấy một đôi đũa lớn quấy liên tục để bột không bị vón, bị khê hay sát nồi.

Thời gian khuấy bánh tùy vào cảm quan của người làm, với kinh nghiệm nhiều năm người ta sẽ biết nên khuấy bánh đến khi nào thì có thể đậy vung, tắt lửa và om bánh ở trên bếp. Khi bánh đã gần được sẽ cho thêm lạc rang và dừa đã xát mỏng vào và đánh đến khi bột đã quánh lại, nhấc đũa lên thấy bánh chảy róc đũa là đã được.

Món bánh đúc Đồng Quan chín thì đem đổ ra mẹt có lót thêm lá chuối tươi, rồi cho vào từng bát nhỏ. Khi bẻ miếng bánh không dính tay là đã có thể thưởng thức. Có thể ăn bánh đúc Đồng Quan với nhiều thứ, từ mật ong, riêu cua cho đến mắm tôm. Nhưng với người Đồng Quan, bánh đúc nơi đây chỉ ngon nhất khi chấm với tương bần, một loại đặc sản cũng rất nổi tiếng. Du lịch Bắc Giang và thưởng thức món bánh đúc Đồng Quan là một trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời mà du khách không nên bỏ lỡ.

Bánh vắt vai – Bắc Giang

Người Cao Lan ở Bắc Giang ngày tết ngoài món bánh chưng truyền thống dân tộc còn có một món bánh đặc trưng không phải nơi nào cũng có đó là món Bánh vắt vai.

ăn gì khi đến bắc giang?

Bánh vắt vai – Bắc Giang

“Bánh vắt vai” tên gọi này xuất phát từ việc bánh có thể vắt lên vai khi đi đường và thưởng thức bất kỳ thời điểm nào. Đây là loại bánh truyền thống của người Cao Lan tại Bắc Giang.

Nguyên liệu làm món này giống như bánh chưng, bánh tét gồm gạo nếp, đậu xanh. Ngoài ra còn có lá chuối, đường và đặc biệt không thể thiếu rau ngải cứu. Chính thứ rau này mang đến mùi vị khác lạ và đặc biệt cho bánh. Không phải gạo nếp nào cũng làm được bánh ngon mà phải là nếp Phì Điền nổi tiếng ở huyện Lục Ngạn. Nhờ chất đất và khí hậu đặc trưng, nếp cái hoa vàng Phì Điền có vị dẻo, hương thơm.

Gạo nếp được xay nhỏ bằng cối đá. Ngải cứu luộc cùng với nước vôi cho bớt vị chát và đắng rồi xay nhỏ, trộn cùng với bột gạo nếp. Sau đó, người làm nặn thành những viên bột, nhân gồm đậu xanh được xào qua với đường. Để bánh ngon và dậy vị thơm, phải chọn lá chuối tươi, non mỡ màng rồi nướng qua trên bếp lửa, sau đó đem gói. Bánh được đặt ở hai bên đầu lá chuối, để có thể gập vào được và vắt lên vai. Bánh cho vào nồi luộc khoảng 2 tiếng là được, mùi thơm của ngái cứu lan tỏa.

Bánh vắt vai có vị của đậu xanh, vị ngọt của đường, bùi của gạo nếp và chút hương ngai ngái của ngải cứu khiến món bánh trở nên đậm đà, quyến rũ. Đến Lục Ngạn vào mùa tháng 3 âm lịch hay dịp gần Tết, người Cao Lan vắt vai đi biếu họ hàng nội ngoại ở xa. Bạn sẽ dễ dàng tìm mua bánh trong các chợ quê hoặc được người Cao Lan mời ăn trong mỗi dịp lễ hội.

Trên khắp đất nước Việt Nam, miền quê, tỉnh thành nào cũng có những món ăn đặc sản riêng. Nếu bạn là người yêu thích ẩm thực Việt Nam nhưng lại chưa được đến vùng đất Bắc Giang thì hãy nhanh chân đến với vùng quê này nhé. “Ăn gì khi đến Bắc Giang?” Hy vọng bài viết trên sẽ giúp các bạn biết thêm được các món ăn nổi tiếng ở Bắc Giang. Chúc bạn có chuyến du lịch Bắc Giang đầy trọn vẹn vui vẻ.

Đăng bởi: Thảo Nguyên

YOLO! Khám phá các huyện ở Bắc Giang

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก