Quảng Ngãi

Ăn gì khi đến Quảng Ngãi?

Du lịch Quảng Ngãi bạn không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng những tuyệt sắc thiên nhiên tại đảo Lý Sơn, biển Dung Quất, khu du lịch Thác Trắng Cổng Trời… Quảng Ngãi còn được biết đến với cái tên vùng đất núi Ấn sông Trà, và chính từ trong dòng chảy của con sông, địa hình của rừng núi đã sản sinh ra những sản vật, những món ăn dân dã thân quen, mang đậm dấu ấn của tình đất, tình người nơi đây. Ăn gì khi đến Quảng Ngãi? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các món ăn ngon nổi tiếng của Quảng Ngãi khi có dịp ghé thăm vùng đất này nhé!

Món ăn từ con Don – Quảng Ngãi

Mở đầu cho cuộc hành trình khám phá ẩm thực Quảng Ngãi là một món ăn có tên gọi ngắn gọn và khá mới mẻ. Don là một loại sinh vật thuộc họ nhà hến và kì lạ thay, don chỉ “cư trú” ở sông Trà và sông Vệ Quảng Ngãi nên bổng chốc các món ăn được chế biến từ con don trở thành những nét đặc trưng và tiêu biểu trong văn hóa ẩm thực của Quảng Ngãi.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Món ăn từ con Don – Quảng Ngãi

Để đánh bắt don cũng không phải một công việc dễ dàng khi don thường sống vùi sâu trong cát. Người ta hay đi cào don vào những ngày tháng 4, 5, khi Quảng Ngãi chuyển vào mùa khô chứ mỗi khi gặp con nước to, người dân có ngâm mình cả ngày trong nước cũng chỉ thu hoạch được don đủ gia đình mình ăn chứ không thể đủ bán. Vì vậy để thưởng thức những chú don đặc sản Quảng Ngãi đúng vị ngon ngọt của nó hãy lựa chọn đúng thời điểm để tới với Quảng Ngãi nhé.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Món ăn từ con Don – Quảng Ngãi

Don sau khi được bắt thì đem rửa sạch rồi dùng nước sôi trần qua cho há miệng mở vỏ; sau đó để riêng nước luộc don ra một bát riêng, nêm nếm cho hợp khẩu vị người ăn. Con don cũng được chế biến, đãi lấy ruột, phi với hành tỏi cho có vị béo béo thơm thơm. Bánh tráng được thả vào bát nước don vừa được nêm nếm kĩ càng sau đó đến lượt những chú don được cho vào bát, rắc thêm vài lá hành tây, ớt và một chút hạt tiêu cho bát canh don càng thêm đậm vị. Ngần ấy thứ kết hợp lại với nhau tạo nên một món ăn vô cùng thích hợp cho những ngày hè nóng nữa trên đất Quảng. Dù nắng đổ trên đầu như chỉ cần một bát canh don là mát lòng mát dạ lắm rồi!

Để có cơ hội thưởng thức một bát don ngon lành, đúng vị, bạn có thể tìm đến làng don Nghĩa Hòa – Tư Nghĩa, làng don Nghĩa Phú, Quảng Ngãi. Chỉ với 15.000 đồng là bạn đã có trong canh một món ăn nặng tình quê hương như thế!

Chim mía – Quảng Ngãi

Chim mía là một loài chim cư ngụ trong những rừng mía rộng bao la ngút ngàn ở Quảng Ngãi. Về mới Quảng Ngãi vào những ngày thu hoạch mía rộn ràng, ta sẽ bắt gặp những xâu chim mía được bày bán rộng rãi ở các quán ăn nhỏ ven đường. Nó ăn ngon, bổ lại vô cùng rẻ này chắc chắn không bao giờ khiến cho bạn thất vọng.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Chim mía – Quảng Ngãi

Chim mía được người ta vợt bắt, một phần để đem bán, một phần để phóng sinh. Người ta không hay ăn chim mía nhiều vì sợ mang tội nhưng thịt chim rất thơm, xương lại mềm, ăn còn bổ dưỡng nên vẫn được nhiều khách du lịch ưa chuộng.

Ram thịt nướng – Quảng Ngãi

Ram hay còn gọi chả giò, nhưng Ram thịt nướng của Quảng Ngãi thì đặc biệt hơn nhiều. Bánh tráng dùng để cuốn phải là bánh rất mỏng, nếu bánh được tráng bằng tay thì sẽ ngon hơn bánh được sản xuất bằng máy, khi ăn cảm giác bánh giòn tan và thơm hơn. Nhân bên trong thì có thịt, tôm và hành cắt nhỏ, tẩm ướp gia vị cho vừa ăn, cuốn bánh xong thì được nẹp vào thẻ tre nướng trên bếp than hồng.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Ram thịt nướng – Quảng Ngãi

Một cuốn ram có ngon hay không, phần lớn phụ thuộc vào mùi vị của tôm, tôm tươi phải còn nguyên con, được tẩm ướp gia vị vừa ăn, xào sơ qua trước khi gói ram để nướng. Phần thịt bò cuốn lá phải chọn những lá lốt non, thịt bò được ướp khoảng 1 tiếng đồng hồ cùng với sả, tỏi, tiêu… Món ăn đúng vị không thể thiếu chén nước chấm với hương vị rất đặc trưng.

Nhiều du khách khi đến Quảng Ngãi đều tìm đến quán ram thịt nướng 72 Nguyễn Nghiêm, Tp Quảng Ngãi để thưởng thức các món ăn được chế biến theo công thức gia truyền, với hương vị đậm đà khó quên. Đây là quán ăn nổi tiếng đã mở được trên 50 năm.

Ram bắp Quảng Ngãi – Quảng Ngãi

Ram bắp là món ăn chay ngon lành cho những ngày thanh đạm trên đất Quảng Ngãi. Với món bánh tráng vô cùng thơm ngon, dai giòn nổi tiếng của mình thì để chế biến ra một món ram bắp ngon lành cũng là một điều dễ hiểu. Ram bắp là món ăn vô cùng đặc biệt và người dân xứ Quảng rất tự hào về nó. Bởi chỉ có ở Quảng Ngãi, người ta mới nghĩ ra món ăn độc đáo này.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Ram bắp Quảng Ngãi – Quảng Ngãi

Ram bắp độc đáo ở chính nguyên liệu. Thông thường, các loại ram thường được gói từ thịt, trứng, mộc nhĩ… Còn với ram bắp, nguyên liệu chính lại là… bắp. Thịt có thì ngon hơn, không có cũng… ngon như thường.

Làm món ram bắp khá đơn giản. Trước tiên, cần chọn những quả bắp đã đặc sữa (bắp non quá hay già quá đều không ngon). Sau đó, dùng dao hai lưỡi bào quanh quả bắp. Các nguyên liệu khác như hành lá, hành củ, thịt lợn đều được thái nhỏ. Tiếp theo, trộm bắp đã bào cùng hỗn hợp hành, thịt. Nêm một ít nước mắm, đường, muối, bột ngọt và hạt tiêu cho vừa ăn rồi trộn đều cho thấm. Như vậy là đã có thể gói ram.

Gói ram bắp không quá cầu kỳ. Chỉ cần gói nhỏ, vừa miệng là được. Nhưng để ram bắp ngon thì bánh gói phải là bánh tráng gạo Quảng Ngãi. Bánh tráng nơi khác gói ram bắp thường cứng. Bánh được cắt hình tam giác vuông vức, nhỏ hơn lòng bàn tay để cuốn ram khi gói và chiên xong được vừa miếng và đẹp mắt. Ram được cuốn xong phải chiên ngay vì nếu không, hỗn hợp nguyên liệu sẽ làm bánh tráng bị ướt, chiên sẽ không giòn hoặc bị thủng. Chiên ram bắp cũng không được quá lâu. Khi thấy ram vàng đều thì vớt ra, nếu để lâu hơn ram bị cháy.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Ram bắp Quảng Ngãi – Quảng Ngãi

Ram bắp được chế biến không cầu kỳ nhưng lại có một hương vị thơm ngon vô cùng hấp dẫn. Ram giòn tan, ăn có vị ngọt bùi của bắp vừa đặc sữa, hương thơm dịu của hành lá, hạt tiêu và cái đậm đà của của thịt hòa quyện với nước mắm, hành củ và hạt bắp vừa độ dẻo thơm. Ram bắp thường được ăn kèm với rau sống. Cách ăn cũng rất dân dã: cuốn ram và rau sống bằng bánh tráng đã nhúng nước và chấm vào nước mắm ớt tỏi hơi chua chua, ngọt ngọt.

Món ram bắp rất phổ biến ở Quảng Ngãi. Đây là món ăn chơi vào những khi nhàn rỗi. Tuy nhiên, người rất tự hào về đặc sản này. Bằng chứng là món ram bắp được người xứ Quảng chọn để đặt trên bàn thờ tổ tiên và đãi khách vào các dịp giỗ tết. Người xứ Quảng gặp nhau thường đãi nhau ram bắp, xa quê thì cứ nhớ day dứt món ăn này, cũng như nhớ don, nhớ kẹo gương, bánh nổ.

Bún cá ngừ um – Quảng Ngãi

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Bún cá ngừ um – Quảng Ngãi

Bún cá ngừ um là một món ăn đòi hỏi sự tỉ mỉ, tận tâm trong lúc chế biến mới có thể cho ra được hương vị bún thơm ngon đúng điệu. Món ăn đã làm say lòng biết bao thực khách bởi sự kết hợp hoàn hảo của các hương vị. Khi thưởng thức, du khách sẽ cảm nhận được một chút vị cay của ớt hoà lẫn với vị thanh của rau và vị béo ngậy của thịt cá ngừ trong tô nước dùng. Tuy được chế biến kỳ công nhưng giá của món ăn này không hề đắt chút nào. Chỉ với 25.000 đồng bạn đã có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị của một tô bún ngon hết sẩy.

Bún riêu cua – Quảng Ngãi

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Bún riêu cua – Quảng Ngãi

Thị trấn sông Vệ (Tư nghĩa) là nơi nổi tiếng làm món bún riêu cua ngon nhất ở Quảng Ngãi. Nơi đây từ lâu đã trở thành điểm dừng chân của nhiều khách thập phương khi muốn thưởng thức một tô bún riêu đậm đà hương vị, được chế biến từ cua đồng.Tô bún bắt mắt với những cọng bún nhỏ, trắng, phía trên được phủ lên một lớp chả cua, chả trứng đầy ắp, điểm thêm vài cọng hành lá cắt nhỏ. Khi nếm vào, vị ngọt béo đậm đà của nước dùng đọng trên đầu lưỡi. Tất cả đã làm nên hương vị khó quên trong lòng thực khách.

Cá bống sông Trà – Quảng Ngãi

Một món ăn đặc sản Quảng Ngãi mà người ta không thể không nhắc tới khi nghĩ về Quảng Ngãi đó là những nồi cá bống sông Trà kho tiêu. Cá bống được kho mằn mặn ăn kèm với cơm trắng vừa miệng, thơm ngon, dễ ăn lại không quá cầu kì. Không chỉ đi vào những bữa cơm gia đình đầy ấm cúng, người dân Quảng Ngãi còn đóng vào hộp sạch sẽ để dành tặng cho khách du lịch mang về quê hương mình như một món quà thơm thảo tới từ người dân chân chất miền Nam Trung Bộ.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Cá bống sông Trà – Quảng Ngãi

Cá bống sông Trà được làm theo các kho tiêu như nhiều loại cá khác. Cá được bắt từ sông về còn tươi ngon, được làm sạch, cho vào nồi đất, kho cùng các loại gia vị như tiêu, ớt, tỏi,… Đun liu riu trên bếp lửa khoảng 1 tiếng đồng hồ là nồi cá bống kho được bắc ra, mùi thơm ngào ngạt, ăn kèm với chút cơm trắng lúc cả cơm và cá còn nóng và cảm nhận được tất cả các vị đọng trên đầu lưỡi: Có vị ngọt của cá, vị cay cay của tiêu, của ớt, vị mặn của các loại gia vị nhưng khi ăn kèm với cơm thì hợp một cách kì lạ. Nồi cá kho có màu nâu hấp dẫn vô cùng, rải thêm một chút hành thơm trang trí vài lát ớt là có thể tạo nên một món ăn vừa ngon mắt lại vừa ngon miệng.

Mắm Nhum – Quảng Ngãi

“Anh than cha mẹ anh nghèo

Đũa tre yếu ớt chờ quèo mắm nhum”

Mắm nhum là một loại thức quà đặc sản Quảng Ngãi quen thuộc, đã đi vào dân ca, vào tiềm thức của những người con dân Quảng Ngãi. Nghe có vẻ không có gì đặc biệt nhưng đây là loại mắm dùng để dâng lên cho vua, còn biết tới với cái tên là Mắm Hoàng Đế. Vào đời vua Minh Mạng, mỗi ngày nhân dân phải dâng lên cho vua 12 cân mắm này nên với có câu ca dao như trên.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Mắm Nhum – Quảng Ngãi

Mắm nhum được làm từ nhím biển. Nhum có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau nhưng không cách chế biến nào có vị ngon mà hấp dẫn người ăn như mắm nhum. Biển Quảng Ngãi có nhiều loại nhum nhưng duy chỉ nhum ta với màu đỏ thẫm vô cùng quyến rũ là có thể dùng để chế biến loại mắm này. Người ta bắt những con nhum bám chặt trên những gành đá, khi bắt không được khua nước mạnh, nếu không những con nhum thấy động sẽ bắn gai vào tay người bắn và bám chắc vào đá không thể gỡ ra được.

Những con nhum sau khi bắt về được làm sạch, tạo thịt nhum ra khỏi vỏ rồi cho vào một cái vại lớn rắc muối theo tỉ lệ rồi vùi vào bếp tro hoặc đem phơi ngoài nắng. Sau khi phơi độ hai mươi ngày đến nửa tháng là có thể cho ra lò một vại mắm chum ngon xuất sắc. Mắm chum để càng lâu vị càng đậm đà. Khi chín mắm có màu đỏ như sò Hải Vân, có dạng sệt sệt và mùi thơm lan tỏa ngào ngạt.

Ốc tượng đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi

Lý Sơn được nhiều người biết đến như một “vương quốc tỏi”. Huyện đảo xinh đẹp này hấp dẫn du khách bởi nguồn hải sản thật phong phú và đa dạng, nhất là loài nhuyễn thể. Ðặc biệt loài ốc tượng chỉ ở đảo Lý Sơn mới sản sinh nhiều và được coi là đặc sản ở đây.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Ốc tượng đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi

Ốc tượng thuộc loại ốc to nhất trong các loài ốc ở biển. Dọc theo bờ hải đảo, chúng bám vào các bãi đá ngầm ở tầng sâu nhất, cho nên việc bắt chúng không dễ dàng, hơn nữa, mỗi khi thấy động thì chúng càng bám chặt vào đá. Loại ốc tượng to và ngon nhất phải chọn loại lớn cỡ bàn tay xòe, nặng khoảng nửa ký. Ốc tượng bắt về còn tươi rói, nếu còn sống thì “rộng” vào hồ nước mặn để dự trữ khi cần ăn. Nếu làm món để ăn liền thì đem ốc rửa sạch bằng nước muối hay nước biển sau đó mới cho nguyên cả con vào nồi nước sôi để luộc. Khi ốc vừa chín, vớt ra đem cạy lấy thịt. Thịt ốc trắng và trong như thịt mực hấp, vừa thơm tho lại giòn giòn như gân sụn.

Ăn ốc thường chế biến theo hai cách: nấu cháo ốc và làm món trộn, hay còn gọi là gỏi ốc.

Nấu cháo ốc tượng đơn giản như nấu cháo gà, cháo vịt. Bỏ gạo vào xoong rồi bắc lên lò than hồng. Khi gạo đã hơi nhuyễn thì bỏ thịt ốc vào. Có người thì thích xắt thịt ốc ra từng miếng cho vừa ăn mới bỏ vào cháo, có người thì thích để nguyên cả con như nấu cháo gà, cháo vịt, sau đó mới vớt nguyên con ốc ra ngoài rồi mới xắt nhỏ theo ý của mỗi người. Tô cháo ốc ngon ở gia vị đậm đà, hấp dẫn và ý vị: hành, tiêu, ớt, ngò, nhất là nước mắm nêm phải cho thật ngon.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Ốc tượng đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi

Ăn món gỏi ốc tượng thì làm hơi công phu hơn món cháo. Thịt ốc luộc vừa chín là đem cạy ra khỏi lớp vỏ bọc ngoài, xắt thành từng miếng thật mỏng, sau đó đem trộn chung với đậu phụng rang giã dập, các thứ gia vị như tỏi, ớt, chanh, tiêu, bột ngọt, nước mắm cá cơm (loại đặc sản tại địa phương) và đĩa rau thơm, rau sống đủ loại cộng thêm chồng bánh tráng nướng giòn. Thế là đã có được một bữa nhậu tuyệt vời, khó quên.

Ốc tượng không phải là món dễ tìm. Tuy là ốc biển nhưng không phải biển nào cũng có. Ðảo Lý Sơn có lẽ là quê hương của loài ốc tượng, thế nhưng không được nhiều để cung cấp số lượng lớn cho các nhà hàng, khách sạn. Dù ăn ở nơi sang trọng nhưng cái ngon chắc chắn không thể so sánh được cái ngon dân dã ở làng chài thơ mộng và tuyệt đẹp giữa đất, trời và biển nước bao la ngoài hải đảo.

Cá tào lao – Quảng Ngãi

Cá tào lao hay còn gọi là cá chìa vôi, cá phóng lao sinh sống tập trung ở vùng biển các tỉnh miền Trung. Chúng trú ngụ ở những rạn san hô và săn mồi bằng chiếc mỏ như mỏ vịt, nhưng rất dài đặc trưng của mình nên có biệt danh là “cá tào lao”.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Cá tào lao – Quảng Ngãi

Cá tào lao là loại cá có giá trị kinh tế cao vì giá trị dinh dưỡng của nó lớn, thịt cá giàu canxi, chất béo, chất đạm, vitamin, kali… Cá nung núc thịt, thịt ngọt, béo, dai, thơm lừng, có thể chế biến thành những món như nướng muối ớt, nướng sa tế, nấu lẫu, chiên giòn, làm gỏi…, trong đó món nướng được nhiều người ưa chuộng vì vừa ngon lại dễ chế biến.

Cá niên nướng – Quảng Ngãi

Cá niên nướng mà món quà đặc sản Quảng Ngãi của mùa xuân bởi vào những ngày trời chuyển sắc sang xuân là mùa sinh sản của cá niên. Cá niên có vẻ bề ngoài vô cùng hấp dẫn với những vảy cá ánh lên sáng lấp lánh.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Cá niên nướng – Quảng Ngãi

Có nhiều cách chế biến cá niên như hấp, luộc, làm canh nhưng có lẽ cá niên nướng đọng lại trong tâm thức người ăn một ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc hơn cả. Những con cá niên tươi ngon được bắt tại các sông suối nước trong xanh rồi đem về làm sạch, không cần ướp thêm gia vị gì cả mà mau chóng đem xiên que hoặc cho vào cặp mang lên nướng trên bếp than đang cháy rực hồng kia. Cá niên nướng có vị thơm ngon bùi bùi, lại có chất mặn mà của biển khơi. Khi ăn ta phủi phủi chút tro bám trên thân cá khi nướng rồi gỡ từng lớp thịt vàng giòn, thơm ngon của cá, chấm với nước mắm pha với chanh tỏi ớt là có thể thu được cả một vùng sông nước Quảng Ngãi vào miệng của bạn.

Khách du lịch có thể ngồi bên bờ biển, tạo một đám củi lửa nhỏ rồi cùng nhau ngồi nướng cá, thả mình trong gió biển, nghe mùi hương thơm lừng từ vì cá nướng nhỏ xinh và tận hưởng hết vị mặn của biển khơi vương trên mái tóc cũng như trên đầu lưỡi của bạn.

Chả cá Định Tân – Quảng Ngãi

Thôn Định Tân xã Bình Châu, Bình Sơn nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi bởi món đặc sản nổi tiếng này. Nghề làm chả cá “đỏ lửa” quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng 3 đến tháng 6, vì đây là lúc thu hoạch cá đỏ, nguyên liệu chính của món chả cá.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Chả cá Định Tân – Quảng Ngãi

Để có độ dai, giòn, chả cá Định Tân phải trải qua nhiều công đoạn. Nhưng công đoạn đầu tiên mang tính bắt buộc là phải róc xương, lấy thịt cá bằng phương pháp thủ công, đó là dùng muỗng để nạo thịt. Sau khi ướp các loại gia vị để tăng độ thơm ngon, chả cá bắt đầu được “tạo hình”, từ đây tùy theo nhu cầu của khách mà chả cá được giữ nguyên dạng tươi sống hoặc chế biến sơ trước khi giao hàng.

Gỏi cá cơm – Quảng Ngãi

Cái con cá nghèo hèn đã làm nên món nước mắm Nam Ô trứ danh tại Đà Nẵng, vào đến Quảng Ngãi lên được bàn tiệc, mà lại là gỏi cá sống mới tài. Để làm món ngon trứ danh này, người Quảng Ngãi lấy cá cơm tươi bỏ đầu, bỏ ruột, chẻ cá làm đôi theo chiều từ đầu xuống đuôi để loại bỏ xương, rồi rửa sạch, để cho thật ráo nước.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Gỏi cá cơm – Quảng Ngãi

Chanh trái vắt nước (nếu không có chanh thì dùng giấm, nhưng chanh thì ngon hơn), cho cá vào ngâm khoảng 45 phút đến 1 giờ đồng hồ. Khi nào thấy cá chuyển sang màu trắng trong, dậy mùi thơm là cá đã chín, sau đó vắt cá thật khô, nước vắt giữ lại để làm món tương chấm.

Dùng gạo rang, giã nhuyễn trộn đều vào cá, mục đích giữ cho cá được khô và thơm lâu. Tiếp đó cho hành tây cắt mỏng (đã ngâm muối), gia vị vừa ăn, thêm chút dầu phộng đã phi hành, tỏi, ớt xanh thái nhỏ vào chung với cá đã trộn gạo rang. Chuẩn bị một ít đậu phộng rang chín, giã dập và vài cái bánh tráng nướng.

Ăn gỏi cá cơm không thể thiếu rau xà lách, cải tầu ô, cải canh xanh mướt, dăm trái cà chua chín đỏ và đôi ba trái chuối chát được xắt lát mỏng trộn đều…

Gỏi bòng bòng Lý Sơn – Quảng Ngãi

Mỗi năm, rau bòng bòng chỉ sinh trưởng từ tháng 2-4 âm lịch. Bởi vậy mà đến Lý Sơn những tháng này, du khách mới có dịp thưởng thức món đặc sản tuyệt vời này – món gỏi bòng bòng hay rau cum cúm.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Gỏi bòng bòng Lý Sơn – Quảng Ngãi

Bòng bòng vừa nhổ về, cắt đi phần gốc, rồi ngâm qua đêm trong nước cho bớt vị tanh. Khi cần chế biến, chỉ việc cho mớ bòng bòng qua nước sôi rồi vớt ra để giữ được độ giòn. Sau đó thái nhỏ, trộn dầu ăn đã khử chín cùng các gia vị gồm mắm, chanh, đường, bột nem… sao cho vừa miệng. Khi gần ăn, người Lý Sơn cho thêm các loại rau thơm và đậu phộng rang vào, là đã có món gỏi bòng bòng tuyệt vời để xúc bánh tráng hay ăn cùng cơm. Những cộng bòng bòng dòn sựt, vị rong biển đặc trưng khó lẫn hòa cùng mùi thơm của mắm, chanh và hạt đậu bùi bùi, tạo nên cảm giác ngon khó tả.

Gỏi cá trích Đức Minh – Quảng Ngãi

Món gỏi cá trích chỉ được làm chín bằng thứ duy nhất là nước cốt chanh, nhưng ngon đến lạ kỳ! Cái nôi của món gỏi ngon nức tiếng này là vùng biển xã Đức Minh, huyện Mộ Đức.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Gỏi cá trích Đức Minh – Quảng Ngãi

Chính cái ngon kỳ lạ ấy mà đến mùa cá trích, các quán ăn ở vùng biển xã Đức Minh đông nghẹt khách khắp nơi đến để thưởng thức món gỏi cá trích cho thỏa. Khi thưởng thức, thực khách cầm lên một miếng bánh tráng sống cho vào vài cộng rau thơm rồi cho gỏi cá lên trên quấn lại, chấm với nước mắm. Gỏi cá trích đặc biệt ở mùi thơm, vị ngọt, bùi của cá hòa quyện với mùa thơm của bột gạo làm từ bánh tráng trộn và các loại rau gia vị.

Sò điệp – Quảng Ngãi

Vùng biển Quảng Ngãi với nhiều loại hải sản tươi ngon đã làm say lòng biết bao khách du lịch khi đặt chân tới nơi đây. Một trong những loại hải sản được người ta “săn tìm” nhiều nhất đó chính là sò điệp đặc sản Quảng Ngãi. Ngồi bên bãi biển đầy nắng và gió, nghe tiếng sóng vỗ rì rào bên tai và thưởng thức những chú sò béo ngậy, thơm ngon, bổ dưỡng chắc hẳn sẽ là một kỉ niệm khó quên cho chuyến du lịch của bạn.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Sò điệp – Quảng Ngãi

Có nhiều cách để chế biến sò điệp nhưng sò nướng vẫn là phương pháp được mọi người ưa chuộng nhất. Những con sò vẫn còn tươi nguyên được nướng trên bếp than hồng rực, nghe mùi thơm thơm đến lạ lùng. Sò không cần ướp nhiều gia vị, chỉ cần rắc một chút tiêu, ớt, đậu phộng,… là có thể cho ra đời một bữa tiệc sò nướng hoàn hảo.

Sò điệp được nướng chín, con nào con nấy há miệng, người ta tách một nửa vỏ rồi trang trí cho chú sò bằng những rau thơm, hành lá, đậu phộng,… là món sò điệp của bạn trông sang trọng và “lên đời” hẳn. Dùng thìa múc một miếng sò đưa vào miệng, cảm nhận được những miếng thịt sò đầy đặn, tròn trịa, đẫm hương vị mới thật “đã đời” làm sao. Sò điệp như thổi linh hồn cho bữa tiệc ẩm thực Quảng Ngãi những gia vị đậm đà nhất, tươi ngon nhất, hấp dẫn nhất.

Cúm núm Sa Huỳnh – Quảng Ngãi

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Cúm núm Sa Huỳnh – Quảng Ngãi

Bãi biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi cứ chiều chiều là lại tấp nập người ra biển săn cúm núm. Cúm núm đặc sản Quảng Ngãi là một loại hải sản biển, có hình dáng gần giống con cua, con ghẹ, hay được bắt để nướng. Thịt cúm núm rất thơm ngon, ăn lại bổ dưỡng nên rất được yêu thích. Chiều tới rủ bạn ra biển bắt con cúm núm rồi dựng một bếp lửa ngay bên bờ biển, vùi con cúm núm vào đống lửa rồi thưởng thức kèm với một chút bia thì không còn gì tuyệt vời hơn thế phải không nào?

Mì Quảng Sông Vệ – Quảng Ngãi

Mì Quảng sông Vệ hương vị không giống như mì Quảng ở Quảng Nam mà có hương vị đặc trưng riêng của miền quê Quảng Ngãi. Mì Quảng sông Vệ có nhiều biến thể khác nhau, nào là mì gà, mì tôm, mì thịt, mì trứng, mì bò… nhưng đậm đà hơn cả là mì tôm kết hợp với thịt.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Mì Quảng Sông Vệ – Quảng Ngãi

Tô mì quảng với đủ sắc màu, sợi mì vàng hoặc trắng đục tùy sở thích của khách, kèm theo vài miếng thịt nướng, vài con tôm, rắc tí đậu phụng, lá thơm ăn kèm với rau sống, bánh tráng. Khi trộn đều nước gia vị từ dưới đáy tô lên rồi thưởng thức, vị ngọt của nước thịt, vị cay của tiêu, ớt, độ béo của đậu phụng, giòn tan của bánh tráng… tất cả quyện vào nhau, tạo nên hương vị thật đậm đà khó quên.

Canh rau ranh ốc đá – Quảng Ngãi

Đồng bào miền núi phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có câu: “Rau ranh, ốc đá/ Là cá nậu nguồn”. Vì xa biển nên loại thực phẩm phổ biến được xem như cá của người nậu nguồn nơi đây là rau ranh, ốc đá. Có nhiều cách chế biến ốc đá và rau ranh. Trong đó, thơm ngon độc đáo nhất là món canh rau ranh ốc đá. Ở miền núi xứ Quảng, rau ranh và ốc đá có quanh năm nhưng ngon nhất là vào thời gian từ mùa xuân đến giữa mùa hè.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Canh rau ranh ốc đá – Quảng Ngãi

Làm món canh rau ranh ốc đá khá đơn giản. Nguyên liệu chính chỉ có ốc và rau. Ốc bắt về đem ngâm một ngày cho sạch. Sau khi ngâm, chà ốc cho sạch phần vỏ, chặt bỏ đuôi để dễ hút. Ốc được nêm gia vị (phải có ớt, sả và một ít lá chanh non thì mới ngon) rồi đem xào cho thấm, sau đó cho nước vào nấu. Cho thêm một ít gạo hoặc đậu xanh sẽ ngon hơn. Nước sôi một hồi lâu thì cho rau ranh vào. Đợi canh sôi lại, nêm nếm vừa ăn rồi nhắc xuống là được.

Hến kình sông Thoa – Quảng Ngãi

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Hến kình sông Thoa – Quảng Ngãi

Sông Thoa, chi lưu của dòng Vệ giang, khởi nguồn giữa hai huyện Nghĩa Hành và Mộ Đức. Khi vào địa phận Đức Phổ, dòng sông này lại góp thêm nước của cả ba dòng Trà Câu, sông Trường và Lò Bó trước khi ra biển, nên được xem là sông mẹ. Hến kình là loài thủy sinh thân mềm có hai mảnh vỏ bên ngoài, trông rất giống hến nhưng lớn hơn hến gấp nhiều lần. Vì thế, những người dân nơi đây gọi là hến kình. Sau khi mang về, hến kình được sửa sạch và ngâm trong nước vo gạo vài giờ đồng hồ. Tiếp đến, vớt hến ra rổ rồi sơ chế, bỏ hai mảnh vỏ bên ngoài, lấy phần thân trong rồi rửa sạch. Thân hến dùng để chế biến các món: Nấu cháo, nấu canh, xào, nướng… đậm đà hương vị sông quê. Đơn giản và không kém phần ngon ngọt là món hến luộc chấm với bột nêm vắt thêm ít nước tắc.

Kẹo gương – Quảng Ngãi

Tạm xa rời những món hải sản vô cùng tươi ngon để đến với vị ngọt thấm đẫm đầu lưỡi của những món đặc sản Quảng Ngãi bánh, kẹo nơi đây. Là một vùng đất với những vườn mía trải dài rộng lớn, Quảng Ngãi cũng nổi tiếng với nhiều loại bánh kẹo, đường phèn ngon miệng. Một trong số đó phải kể đến kẹo gương.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Kẹo gương – Quảng Ngãi

Kẹo gương có tên gọi như vậy bởi kẹo trong suốt như một tấm gương, có màu đường thắng, pha trộn nữa màu vàng ươm của đậu phộng và màu trắng của mè. Để làm được kẹo gương, ban đầu người ta cho mè và đậu phộng rang giòn sau đó thắng đường cho tới khi có màu vàng nhạt rồi đổ vào khay có sẵn mè và đậu phộng. Thắng đường chỉ thắng đến khi có màu vàng nhạt, có như vậy kẹo gương mới giòn, khi ăn mới kêu răng rắc thật ngon miệng.

Mít hông – Quảng Ngãi

Người Quảng Ngãi có nhiều món ăn rất độc đáo. Một trong những món đó là món mít hông nổi tiếng mà khi về xứ Quảng, nhiều du khách đã tìm bằng được để thử một lần thưởng thức.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Mít hông – Quảng Ngãi

Mít hông là món ăn dân dã, nhưng từ lâu đã trở thành đặc sản của người dân miền núi xứ Quảng. Món ăn này độc đáo trước hết ở cách chế biến. Đầu tiên, người ta chọn những quả mít vừa chín tới. Mít chín quá khi hông sẽ bị nhão. Mít được chọn thường là loại mít múi to. Sau khi từng múi mít được bóc ra, người ta rạch một đường nhỏ vừa đủ để lấy hạt mít. Đây là nguyên liệu không thể thiếu khi làm mít hông.

Điều thú vị nhất của mít hông nằm ở phần nhân. Nhân mít hông được làm từ chính hạt mít. Hạt mít khi được lấy ra người ta đem luộc, sau đó bóc vỏ và giã nhỏ. Hạt mít giã xong sẽ được nêm gia vị với bột ngọt, hạt tiêu và một ít muối rồi đem xào. Đặc biệt, trước khi xào, dầu phải được khử với củ nén hoặc củ hành thì mới thơm và “đúng bài”. Dầu ăn nếu là dầu đậu phụng (cách gọi dầu lạc của người Quảng Ngãi) ép thủ công thì sẽ càng ngon hơn.

Làm nhân mít hông cũng khá đơn giản. Hạt mít sau khi xào chín được cho vào bên trong các múi mít đã bóc hạt trước đó. Sau đó, mít được đem hông (hấp cách thủy) trong khoảng 15 phút. Không nên hông quá lâu vì sẽ làm mít bị nhão.

Mít hông thường được ăn kèm với dừa nạo và đậu phụng rang. Món ăn này có nguyên liệu và cách chế biến khá đơn giản, nhưng lại thơm ngon rất hấp dẫn. Ăn mít hông phải ăn lúc mít vừa được hông xong mới cảm nhận hết được hương vị thơm ngon quyện với vị ngọt dịu của múi mít cùng vị béo, bùi của nhân bên trong.

Xu xoa Lý Sơn – Quảng Ngãi

Khi đến với Lý Sơn trong những tháng hè nóng bức đều tò mò tìm hiểu và nhiệt tình thưởng thức những chén xu xoa được người dân Lý Sơn bày bán khắp đất đảo, thế nhưng mấy ai biết được rằng để có được chén xu xoa thanh ngọt, là món quà vặt dân dã giúp giải nhiệt trong mùa hè oi nồng phải qua nhiều công đoạn trong quá trình chế biến khá công phu.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Xu xoa Lý Sơn – Quảng Ngãi

Chén xu xoa thanh ngọt được người dân Lý Sơn chế biến từ loại rau có tên là rau đông. Khi mùa mưa đến rau đông mọc trên các gành đá vòng quanh huyện đảo và được người dân thu hoạch từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch hằng năm. Sau khi vớt lên từ biển, rau đông sẽ được người thu mua phơi trên các bờ thành quanh đảo. Sau con nắng đầu tiên, rau đông sẽ được rải ra đầm cho rụng bớt đá bám trên rễ cây.

Rau đông khô ngâm qua một đêm, rửa lại cho sạch tạp chất và nấu cùng nước ngọt, sạch. Sau khi rau tan hoàn toàn trong nước bắt đầu đổ ra chén hoặc các khuôn làm bánh theo sở thích của người nấu và được gọi là xu xoa. Xu xoa chỉ ngon khi ăn kèm với nước đường được sên từ đường vàng hoặc đường muỗng và một ít gừng tươi đập nát sau khi đã được nướng vàng trên lửa.

Bánh Bó (Cây) – Quảng Ngãi

Bánh bó làm từ những nguyên liệu hết sức “mộc mạc” như cà rốt, cà chua, gừng, chuối ép, mấy trái dứa và quan trọng là nếp được dùng làm bột phải là nếp hạng nhất. Nếp sau chế biến giã thành bột, các nguyên liệu còn lại được rim với đường để lửa nhỏ cho đến khi săn lại. Dùng bột cùng các nguyên liệu vừa rim xong bó lại thành cây.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Bánh Bó (Cây) – Quảng Ngãi

Bánh bó thường xuất hiện nhiều dịp tết, người dân ở đây thường tự làm tại nhà để mời khách. Vừa thưởng thức bánh, vừa mâm nhi với tách trà còn gì tuyệt vời hơn.

Bánh thuẩn – Quảng Ngãi

Một loại bánh nhỏ xinh nhưng khiến người ăn nhìn vào là muốn chảy nước miếng. Bánh thuẩn gắn liền với những ngày lễ tết cổ truyền của người miền Trung nói riêng và người Quảng Ngãi nói chung.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Bánh thuẩn – Quảng Ngãi

Qua bàn tay đầy khéo léo và điệu nghệ của những người dân địa phương, những chiếc bánh thuẩn được bày biện đẹp mắt với hình thù hoa văn đẹp mắt, bánh không bị cháy cũng không bị nhão mà có màu vàng vô cùng ngon mắt. Bánh được rất nhiều khách du lịch chọn lựa để làm quà biếu bởi hình dáng đẹp đẽ cũng như vị bánh thơm ngon, béo ngậy, ai ăn cũng phải mê của nó.

Bánh nổ – Quảng Ngãi

Một món ăn truyền thống đặc sản Quảng Ngãi không thể thiếu được trong những dịp lễ tết đó chính là bánh nổ. Bánh nổ được làm từ bỏng ngô trộn chung với đường, gừng giã nhuyễn rồi nén chặt vào khuôn gỗ. Những hạt nếp rang trên bếp lửa tạo nên tiếng nổ như người ta làm bỏng ngô nên có tên gọi là bánh nổ.

ăn gì khi đến quảng ngãi?

Bánh nổ – Quảng Ngãi

Bánh nổ rất hợp khi thưởng thức cùng với một ấm trà nóng. Ăn một miếng bánh, uống một miếng trà và cảm nhận miếng bánh tan dần trong miệng. Bánh nổ có cái giòn rụm của nếp hòa quyện trong hương thơm của đồng lúa Quảng Ngãi, thêm chút vị cay cay của gừng tạo nên một hương thơm rất cuốn hút, ăn hoài cũng không ngán!

Ăn gì khi đến Quảng Ngãi? Trên đây là những món ăn đặc sản Quảng Ngãi nổi tiếng nhất. Có những món rất dễ ăn nhưng cũng có những món với nhiều người tương đối khó ăn. Tuy nhiên, nếu thử ăn thêm vài lần có thể bạn sẽ rất thích đấy. Nếu bạn có dịp du lịch Quảng Ngãi thì đừng quên thưởng thức những món đặc sản Quảng Ngãi nổi tiếng mà chúng tôi giới thiệu trên đây nhé.

Đăng bởi: Quốc Xờ đờ

YOLO! Khám phá các huyện ở Quảng Ngãi

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก