Khám Phá Trải Nghiệm

Bài học từ chuyện tuyển trợ lý của Tổng giám đốc

Sự chuyên nghiệp và ân cần của sếp Tổng làm cho 5 ứng viên rất cảm kích, ai cũng thầm hy vọng.

Công ty ăn nên làm ra. Sếp lệnh cho phòng hành chính ra Sở kế hoạch đầu tư, đưa thêm chữ Tập đoàn vào tên công ty, tức là đổi thành Công ty Cổ phần Tập Đoàn Sung Mãi, và lệnh cho phòng Nhân sự tuyển gấp trợ lý Tổng Giám Đốc.

Ngoài những yêu cầu bình thường của một Executive Assistant to CEO, mà phòng Nhân sự có thể search trên Google hay hỏi đồng nghiệp thì người Trợ lý này phải làm việc “hoà hợp” với Ban Giám đốc, gồm 3 Phó TGĐ và 4 GĐ.

Danh tiếng công ty Sung Mãi đang lên cao, lại thêm sự nổi tiếng của sếp Tổng nên hồ sơ ứng cử lên đến số 117.

Phòng Nhân sự lọc bỏ đi các hồ sơ kiểu showbiz (Hình CV mà mặc 2 dây, khoe hàng họ); các CV khô cứng, kiểu Nhà nước: Dùng hình Căn cước làm hình CV, hoặc khai tên cha mẹ vào lý lịch cá nhân; các hồ sơ ảo tưởng kiểu mới tốt nghiệp hay đi làm mới có 3 năm, không có kỹ năng vượt trội, không có thành tích gì nổi bật. Các hồ sơ được các thành viên BGĐ hoặc đối tác gởi cũng bị loại ra. Hồ sơ gởi dùng cho các chức danh khác chứ không thể dùng cho chức danh quan trọng này.

Còn 28 hồ sơ. Đích thân Giám đốc Nhân sự sơ tuyển, test rồi phỏng vấn sâu, chọn tới chọn lui còn 7 hồ sơ. Thức thêm 3 đêm trằn trọc mùa Covid, lọc bớt 2 còn 5 ứng viên sáng giá.

Vòng tiếp, toàn bộ BGĐ gồm 3 Phó TGĐ và 4 GĐ phỏng vấn theo kiểu Panel interview, 60- 90 phút cho 1 ứng viên.

Mỗi người có một bảng đánh giá chi tiết, xếp từ 1 đến 10, cho các tiêu chí: Kiến thức nền về QTKD, chỉ số thông minh, chỉ số trí tuệ, tư duy logic, kỹ năng sáng tạo, giải quyết vấn đề, ra quyết định, tinh thần hợp tác, ứng biến, tính cách…

Sau 5 buổi phỏng vấn, Giám đốc Nhân sự mời BGĐ họp, và trình bày xếp hạng của 5 ứng viên, 3 nữ 2 nam này.

5 bộ hồ sơ chỉn chu được đưa lên sếp Tổng.

Buổi phỏng vấn cuối cùng, sếp Tổng áp dụng hình thức phỏng vấn đặc biệt. Năm ứng viên được mời vào phòng họp lớn, có quay video life. Mỗi ứng viên tự trình bày 1 đề tài do Nhân sự soạn sẵn và trả lời câu hỏi của các ứng viên còn lại. Và ngay sau đó sếp Tổng, dựa vào kết quả của các vòng trước, và phần trả lời qua lại này để phỏng vấn các ứng viên. Kịch bản là phỏng vấn chung và phỏng vấn riêng, nếu cần thiết.

Đúng với phong cách của mình, nhanh gọn nhưng hiệu quả, sếp Tổng xuất hiện một cách trang trọng nhưng cũng rất thân thiện trong phòng họp trong 10 phút. Sếp hầu như không nói nhiều chỉ hỏi mỗi người 2 câu hỏi mở (Open questions).

Cái hay là sếp khuyến khích và gật gù. Sếp không ngắt lời ứng viên như vẫn thường ngắt lời BGĐ, các nhân viên thuộc quyền. Sau đó sếp cám ơn các ứng viên và mong sẽ được làm việc với một người trong chức vụ Trợ lý TGĐ và những người khác với các vị trí khác của công ty. Sự chuyên nghiệp và ân cần của sếp Tổng làm cho 5 ứng viên rất cảm kích, ai cũng thầm hy vọng.

Buổi họp nội bộ sau đó, sếp Tổng rút 1 hồ sơ ra và nói với BGĐ “Đây là người tôi chọn làm Trợ lý TGĐ.” Phòng họp ồ lên, à thì ra là Ms Mỹ Phương. Hồ sơ cô được BGĐ xếp hạng tổng quát 4/5.

Dù ý sếp không trùng với ý mình nhưng, mọi người, theo thói quen đã nằm trong máu thịt từ làm cho Sung Mãi, cùng khen nức nở “Chủ tịch có mắt thần”, “Chủ tịch đúng là Lãnh đạo tài giỏi”, “Chủ tịch luôn cao hơn bọn em hai cái đầu”.

Phó Tổng GĐ phụ trách Sales và Marketing là người vui nhất, vì cậu ta đã cho điểm Ms Phương khá cao một số tiêu chí đặc biệt là trí thông kinh xúc cảm, kỹ năng hoà hợp…

Cậu cứ tắm tắc khen sếp Tổng, Chủ tịch đã sắt bén chọn đúng ứng viên.

Sau buổi họp, Phó TGĐ phụ trách Đầu tư, cũng là một người bạn lâu đời của sếp Tổng, và là đồng sáng lập công ty, dù vốn ít hơn nhiều so với sếp Tổng, nán lại làm ly cà phê với sếp Tổng như thường lệ.

Anh Phó Tổng nheo nheo mắt “Ông chả phỏng vấn gì. Ông chọn em Phương vì em xinh đẹp, dễ nhìn phải không?”

Sếp Tổng bật cười ha hả, “Đúng là chỉ có ông hiểu tui. Cô Phương có ánh mắt quá đẹp, ông à”.

kỹ năng, bài học từ chuyện tuyển trợ lý của tổng giám đốc

Chuyện vui, trà dư tửu hậu. Không định ám chỉ bản thân mình hay bất kỳ ai cả.

Một số bài học tếu được rút ra như sau:

– Thua cuộc chưa hẳn là do mình yếu, hay dở mà đôi khi chỉ là chưa “phù hợp”. Hiểu được việc này 4 ứng viên còn lại sẽ không quá buồn. Việc cần làm là chọn công ty họ dùng năng lực cốt lõi của mình, chứ kg phải ánh mắt đẹp.

– Sếp tuy biết nhân viên nịnh, nhưng vẫn vui. Nó nịnh là nó còn sợ mình. Nhân viên Mãi Sung cũng biết thế nên tăng cường nịnh để được lợi. Chừng nào hết lợi thì hết nịnh.

Tuy vậy sếp nên duy trì văn hoá làm việc chuyên nghiệp, không nịnh bợ, chỉ nói lời dễ nghe, thì sẽ tốt hơn cho DN trong dài hạn.

– Làm sếp hay làm lính cũng vậy. Hãy luôn bám theo mục tiêu. Ở đây quy chế tuyển ứng viên khá bài bản và phức tạp, nhưng đã không làm sếp Tổng lệch đi mục tiêu của mình “Tuyển trợ lý xinh đẹp có ánh mắt đẹp!”

    Đăng bởi: Duyên Triệu Thị

    ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก