Bình Phước

Bình Phước có gì?

Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, không chỉ nổi tiếng với những rừng cao su xanh bạt ngàn, những miệt vườn điều, Bình Phước còn được biết đến với phong cảnh hoang sơ, hùng vĩ. Bình Phước có gì? Hãy cùng chúng tôi điểm danh các danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại Bình Phước qua bài viết này nhé!

Núi Bà Rá – Bình Phước

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Bình Phước là địa bàn chiến lược quan trọng, lập nên những chiến công hiển hách, ghi dấu ấn đặc biệt vào những trang sử vàng của dân tộc. Một trong những địa danh lịch sử ở Bình Phước là núi Bà Rá. Theo tiếng X,tiêng, Bà Rá là Bơnom Brah, nghĩa là ngọn núi thần. Đây là ngọn núi mang trên mình những chiến công nhưng cũng đầy những dấu tích bi hùng của thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

bình phước có gì?

Núi Bà Rá – Bình Phước

Núi Bà Rá nằm ở phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Tọa giữa vùng đồi núi nhấp nhô, Bà Rá nổi bật với chiều cao 736m so với mực nước biển, diện tích khoảng 307.325m2. Người dân bản địa gọi là ngọn núi thần mang trong mình những chiến công lừng lẫy gắn với thời kỳ kháng chiến chống Pháp của dân tộc.

Quần thể danh thắng núi Bà Rá được Bộ Văn hóa – Thông tin chứng nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 4/10/1995. Khu cảnh đẹp hùng vĩ với nhiều địa danh nổi bật thu hút du khách thập phương ghé thăm. Bao quanh núi là rừng cây xanh bạt ngàn có hệ động thực vật phong phú, nhiều loại được xếp vào quý hiếm.

Đi từ đồi Bằng Lăng bước khoảng 1.767 bậc tam cấp mới lên được tới đỉnh núi. Dọc đường đi cảnh đẹp, không khí mát mẻ dễ chịu mang lại trải nghiệm vô cùng thú vị. Vào 3/2010, quản lý khu đã hình thành hệ thống cáp treo nên du khách có thể đi ngắm cảnh quanh núi từ trên cao đẹp tuyệt vời.

bình phước có gì?

Núi Bà Rá – Bình Phước

Tại núi Bà Rá, bạn có thể đi tham quan dấu tích sân bay trực thăng của Mỹ, ngọn ăng ten có chiều cao đến 48m thuộc Đài Phát thanh truyền hình Bình Phước, gần đó là ngôi miếu thờ thánh mẫu Thiên Hậu và bà Chúa xứ. Cứ độ đến ngày rằm hay ngày vía bà Chúa xứ (diễn ra vào 24 âm lịch mỗi tháng) nhiều người lại đến dâng hương và viếng bà Chúa xứ. Nếu có dịp du lịch núi Bà Rá – Thác Mơ Bình Phước bạn nên chinh phục ngọn núi nổi tiếng này và có những trải nghiệm thú vị đó.

Miếu Bà Rá còn có tên gọi khác là Linh Sơn miếu, nằm dưới chân núi. Đây là một công trình thuộc quần thể di tích lịch sử Bà Rá. Vào ngày mùng 1,2,3,4 tháng 3 âm lịch hằng năm, Lễ hội miếu Bà Rá lại được tổ chức thu hút rất nhiều du khách thập phương tụ hội về đây.

Không chỉ có núi non thiên nhiên đẹp nơi đây còn sở hữu hồ Thác Mơ đẹp hùng vĩ. Nếu núi Bà Rá thách thức khả năng chinh phục bởi hàng nghìn bậc thềm cao chót vót thì hồ Thác Mơ lại mang đến vẻ đẹp thơ mộng và yên bình đến lạ kỳ. Nếu núi Bà Rá có nhiều địa danh du lịch hấp dẫn thì Thác Mơ cũng có đến cả chục hòn đảo lớn nhỏ để bạn tham quan.

Núi Bà Rá – Bình Phước ấn tượng với vẻ đẹp huyền bí, thơ mộng hòa hợp với sự hùng vĩ của núi rừng xứng đáng là điểm đến hàng đầu để thư giãn, đắm mình cùng khung cảnh thiên nhiên trong lành. Nếu có dịp tới Bình Phước bạn hãy ghé thăm địa điểm du lịch nổi tiếng này để cùng trải nghiệm nhé.

Sóc BomBo – Bình Phước

Sóc BomBo thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, từ thị xã Đồng Xoài chạy theo quốc lộ 14 hướng về Bù Đăng khoảng 50 km là sẽ đến nơi. Sóc BomBo được hình thành từ những năm kháng chiến chống Mĩ, những anh hùng chiến sĩ du kích thời xưa như Điểu Lên, Điểu Sen nay đều đã thành già làng nhưng vẫn còn sinh sống tại Sóc. Hầu hết chúng ta đều biết đến Sóc BomBo qua bài hát “Tiếng chày trên Sóc BomBo” nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Hồng, hình ảnh của những người dân đồng bào Xê Tiêng ngày đêm giã gạo nuôi quân chống giặc đã đi vào thơ ca và lịch sử như thế.

bình phước có gì?

Sóc BomBo – Bình Phước

Du lịch Bình Phước ghé thăm Sóc BomBo vào mùa nắng thuận tiện đi lại, ít côn trùng tuy nhiên cảnh không đẹp như mùa mưa. Thời điểm đẹp nhất khám phá Sóc BomBo Bình Phước là vào mùa mưa, lúc này bạn sẽ được chiêm ngưỡng những ngọn thác, vườn quốc gia và những trảng cỏ trải dài tuyệt đẹp. Nói là du lịch mùa mưa, tuy nhiên bạn chỉ nên chọn những ngày không mưa và nên xem dự báo thời tiết để tránh đi vào ngày mưa đường trơn trượt đi lại nguy hiểm.

Địa danh Sóc BomBo Bình Phước gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ của đồng bào dân tộc S’tiêng, đã có công đóng góp trong cuộc chiến giành thắng lợi. Khi đó, người dân Bom Bo có tục lệ giã gạo vào ban đêm để cung cấp lương thực phục vụ cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, vào những năm thực dân Mỹ càn quét khiến dân ta phải chịu cảnh đói khát, lúc này người dân Sóc BomBo đã huy động cả dân làng ngày đêm giã gạo để phục vụ quân dân chiến đấu. Sóc BomBo Bình Phước đã tạo cảm hứng cho thơ ca, nhạc sĩ Xuân Hồng đã sáng tác nên bài hát “Tiếng chày trên Sóc BomBo” nổi tiếng.

Hai vật dụng là chày và cối dùng để giã gạo được làm từ những dụng cụ thô sơ là gỗ, dưới đôi bàn tay cần cfu và tỉ mỉ của đồng bào dân tộc S’tiêng ở Sóc BomBo Bình Phước đã đóng góp to lớn cho cuộc chiến thắng của dân tộc. Hiện nay, cả hai vật dụng này chỉ được sử dụng trong nhà truyền thống và không còn quen thuộc với đồng bào người S’tiêng như trước đây.

bình phước có gì?

Sóc BomBo – Bình Phước

Đặc biệt, vào ngày lễ đặc biệt người dân Sóc BomBo tổ chức cuộc thi giã gạo để tưởng nhớ về quá khứ hào hùng và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Không còn là những con đường đất đỏ cách đây hàng chục năm, hiện nay Sóc BomBo được thay mới bằng những con đường bê tông phẳng, hệ thống giao thông phát triển và đời sống của người dân được cải thiện.

Sóc BomBo Bình Phước là điểm đến lý tưởng để tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào dân tộc S’tiêng, tìm hiểu văn hóa, thưởng thức thịt nướng, uống rượu cần và cùng người dân nơi đây quây quần bên bếp lửa hồng hát hò, nhảy múa. Đến với nơi đây khách du lịch sẽ cảm nhận hồi tưởng lại những năm tháng sôi động nơi đây những âm thanh của tiếng cồng chiêng kết với với những tiếng chày giã gạo vang lên trong ánh lửa hồng, uống rượu cần và thưởng thức những món ăn nổi tiếng nơi đây. Chắc chắn sẽ đem lại cho các bạn những giây phút thật khó quên những trải nghiệm cho một chuyến đi tham quan của các bạn.

Vườn Quốc Gia Cát Tiên – Bình Phước

Vườn Quốc gia Cát Tiên được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập Khu rừng cấm Nam Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Cát Tiên và Khu Bảo tồn tê giác Cát Lộc, nằm trên địa bàn của 3 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Lâm Đồng.

bình phước có gì?

Vườn Quốc Gia Cát Tiên – Bình Phước

Diện tích khu vực trung tâm của vườn là 71.920 ha, trong đó, 39.627ha thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, 27.850ha thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng và 4.443ha thuộc địa phận tỉnh Bình Phước.

Vườn Quốc gia Cát Tiên là khu vực hiện bảo tồn được nhiều loại động, thực vật quý hiếm; là vùng quan trọng để duy trì hệ sinh thái rừng thường xanh lá rộng – môi trường sống duy nhất (hiện còn) của loài tê giác một sừng ở Việt Nam, khu vực Đông Dương cũng như trên thế giới.

Độ che phủ của rừng tự nhiên trong khu vực này lên tới 80%, với hệ sinh thái đa dạng: rừng thường xanh ẩm, đồng cỏ và ngập nước. Địa hình tự nhiên xen kẽ các bàu, đầm, suối, cộng với hơn 90km sông Đồng Nai đã tạo nên cảnh quan đặc trưng cho vườn Cát Tiên, với những ghềnh, thác, các khu đất ngập nước và bán ngập nước,… Những dấu tích về địa chất, địa mạo minh chứng cho quá trình biến đổi của thiên nhiên ở khu vực này hàng triệu năm trước.

bình phước có gì?

Vườn Quốc Gia Cát Tiên – Bình Phước

Hiện nay, Vườn Quốc gia Cát Tiên là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, đã được UNESCO ghi danh. Theo số liệu thống kế, trong Vườn Quốc gia Cát tiên có 1.610 loài thực vật và 1.568 loài động vật. Trong đó, 31 loài thực vật và 84 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, 50 loài chim được ưu tiên bảo vệ ở mức độ toàn cầu và được ghi vào Sách Đỏ IUCN, 2008). Đặc biệt, có 3 loài và phân loài thuộc đặc hữu của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong là chà vá chân đen, tê giác một sừng Việt Nam và hoẵng Nam Bộ.

Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, khu vực này bị chất độc da cam của quân đội Hoa Kỳ hủy hoại nặng nề. Những khu vực bị rải chất độc da cam ngày nay chỉ có các loại tre, cỏ mọc, không có các loại cây lớn, cụ thể cho thấy số lượng thú rừng trước và sau chiến tranh giảm đáng kể. Ngoài ra, các dân tộc sinh sống quanh rừng đã đốt, phá rừng để làm nương rẫy gây ảnh hưởng không nhỏ đến rừng.

Ngoài ra, khu vực Cát Tiên còn là địa bàn luôn hấp dẫn các nhà nghiên cứu, khám phá những bí ẩn về thế giới thiên nhiên và hệ sinh thái, là trường học thực tế quan trọng trong việc nghiên cứu về hệ động, thực vật, địa chất, địa mạo cho học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu của Việt Nam và thế giới.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012).

Thác Đứng – Bình Phước

Thác Đứng ở Bình Phước được thiên nhiên kiến tạo độc đáo, mang đậm vẻ hoang sơ, và được mệnh danh là một trong những thác đẹp của tỉnh Bình Phước. Vị trí thác nằm trên dòng chảy của suối Đắkwoa, thuộc địa phận xã Đoàn Kết và xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng.

bình phước có gì?

Thác Đứng – Bình Phước

Thác Đứng Bù Đăng cao chừng 4 – 6m, rộng khoảng 10m, tuôn chảy qua tầng đá với nhiều khối đá hình lục lăng xếp chồng lên nhau, cùng các cột đá lớn hình trụ ghép nối với nhau một cách tự nhiên tạo thành vách dựng đứng, có lẽ cái tên thác ra đời từ đặc điểm đó.

Giữa màu xanh bạt ngàn của rừng cây và nương rẫy, cách thác Đứng tỉnh Bình Phước chừng vài trăm mét du khách đã nghe thấy tiếng thác nước reo. Tuy thác không cao nhưng có dòng chảy mạnh mẽ, ầm ào đổ xuống những tảng đá phía dưới, tung lớp bụi mù hơi nước.

Vào mùa mưa, đến tham quan thác Đứng bạn sẽ thấy ngọn thác toát lên vẻ hùng mạnh, cuộn trào dòng nước chở nặng phù sa, tiếng thác âm vang cả một góc rừng. Nhưng đến mùa khô, thác lại có dáng vẻ hiền hòa hơn, đều đặn đổ xuống dòng nước trắng xóa, uốn lượn quanh những khe đá.

bình phước có gì?

Thác Đứng – Bình Phước

Dưới chân thác Đứng Bình Phước còn có muôn vàn tảng đá lớn nhỏ, nhấp nhô theo dòng Đắkwoa trải dài như vô tận. Hai bên bờ là những thảm cỏ, tán cây cổ thụ che rợp bóng mát, điểm tô lác đác những chùm hoa phong lan, hay những khóm hoa dại li ti khoe sắc thắm… Không nối tiếp thành hàng, cũng chẳng theo một trật tự nhất định, nhưng những tảng đá này còn là một chiếc cầu để du khách có thể qua lại đôi bờ vào mùa nước chảy nhẹ.

Ngoài ra, khu vực thác cũng là nơi bà con đồng bào dân tộc S’Tiêng bản địa thường chọn làm địa điểm tổ chức các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng. Đầu năm 2014, di tích thác Đứng đã được UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng danh thắng cấp tỉnh.

Nhằm khai thác có hiệu quả vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch, tỉnh Bình Phước đã đầu tư xây dựng thuỷ điện nhỏ kết hơp với du lịch sinh thái tại thác Đứng. Trong tương lai nơi đây sẽ trở thành khu du lịch sinh thái với nhiều loại hình vui chơi giải trí phong phú, hấp dẫn.

Khu căn cứ quân ủy bộ chỉ huy Miền Tà Thiết – Bình Phước

Theo quốc lộ 13, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 130km, cách trung tâm thị trấn Lộc Ninh 17 km là địa danh Tà Thiết nằm trên địa bàn xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Ngày trước, người dân trong vùng quen gọi nơi này là “rừng chính phủ” – chính là căn cứ của Quân ủy và Bộ Tư lệnh các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam và Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, thường gọi là Căn cứ Tà Thiết (gọi theo tên hành chính Sóc Tà Thiết).

bình phước có gì?

Khu căn cứ quân ủy bộ chỉ huy Miền Tà Thiết – Bình Phước

Đồng chí Võ Nguyên Giáp viết “Nói đến đấu tranh vũ trang, đến xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng thì không thể không nói đến vấn đề căn cứ địa cách mạng, vấn đề hậu phương của chiến tranh cách mạng”. Vì vậy, chúng ta có thể thấy trong suốt quá trình lãnh đạo chiến tranh cách mạng, Đảng ta luôn đặt vấn đề hậu phương và căn cứ địa lên vị trí hàng đầu và là một trong những vấn đề cơ bản quyết định sự thành bại sống còn. Căn cứ Bộ Chỉ quân giải phóng miền Nam Việt Nam hay còn gọi là “Rừng Chính phủ” (căn cứ Tà Thiết) là minh chứng cho điều đó.

Tiền thân nơi đây là sở Chỉ huy tiền phương của chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ Sóc Con Trăng (Tây Ninh) về đóng tại Tà Thiết. Lý do là: so với vùng Bắc Tây Ninh, khí hậu ở đây ít khắc nghiệt hơn, có rừng giải phóng rộng lớn; đặc biệt, Lộc Ninh là điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh nên có điều kiện để nắm bắt nhanh mọi diễn biến về chính trị, quân sự và rất thuận lợi cho sự chỉ đạo, lãnh đạo và tiếp nhận vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến trường miền Nam. Việc chọn Tà Thiết cũng gây bất ngờ đối với địch, vì lâu nay, các căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền thường đóng ở rừng sâu, nay chuyển dịch ra ở một khu vực có dân, có rẫy (tuy không nhiều). Việc chọn Tà Thiết làm căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền, có những lý do vừa giống vừa khác các thời kỳ trước. Giống, vì Tà Thiết vẫn thuộc khu B, có những lợi thế của khu B. Khác vì nó tiến sát đoạn cuối đường Hồ Chí Minh hơn, thuận lợi cho việc tiếp nhận những tiếp tế hậu cần chiến lược và liên lạc ra Bắc.

Cuối tháng 1/1973, các đơn vị công binh của Miền bắt đầu mở các con đường mới cho 3 cục tham mưu, chính trị, hậu cần (Bộ chỉ huy Miền) di chuyển về căn cứ Tà Thiết. Ngày 8/2/1973, các con đường ở đây đã nhanh chóng được hoàn tất.

Đầu tháng 3/1973, căn cứ Tà Thiết bắt đầu được xây dựng và được xác định đây là căn cứ cuối cùng của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

bình phước có gì?

Khu căn cứ quân ủy bộ chỉ huy Miền Tà Thiết – Bình Phước

Cuối quý 1 năm 1973, tất cả các cơ quan trong Bộ Chỉ huy Miền và các đơn vị trực thuộc đã ổn định xong nơi ăn, ở. Tại đây, dưới những tán cây lớn, xung quanh là những rừng le đan chằng chịt là những công trình nhà làm việc của các đồng chí chỉ huy cao cấp trong Bộ Tư lệnh Miền: Tư lệnh Trần Văn Trà, phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Lê Đức Anh…riêng nhà ở và làm việc của thượng Tướng Trần Văn Trà lại được dựng ngoài một trảng trống theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Khơmer. Cùng với nhà ở và làm việc là hệ thống các công trình phục vụ khác như bếp Hoàng Cầm, hầm giao ban, hội trường… tất cả đều được xây dựng theo lối nhà bán âm (nửa chìm nửa nổi) để về đêm hạn chế ánh sáng đèn phát ra ngoài; bên trên được lợp bằng lá trung quân để tránh bị máy bay địch phát hiện, bốn xung quanh mỗi công trình đều có hệ thống giao thông hào để thoát hiểm. Các hầm trú ẩn thường được làm kế cận nhà, chìm vào lòng đất, trên đặt mái bằng. Những hầm đặc biệt như hầm chỉ huy, hầm thông tin, hầm quân y… thường được làm khá rộng để tiện hoạt động, phòng khi trên mặt đất không an toàn.. Giao thông hào chỉ dành cho một số hầm đặc biệt nói trên, không phổ biến toàn căn cứ. Các hạng mục cách nhau từ 50 đến 200 mét.

Ngày 20/7/1974, tại Hội nghị quân chính Miền ở căn cứ Tà Thiết, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố Quyết định thành lập quân đoàn 4, gồm 2 sư đoàn bộ binh 7 và 9, các trung đoàn 24 pháo binh, 71 phòng không, 429 đặc công và 3 tiểu đoàn thông tin. Đồng chí Hoàng Cầm được bổ nhiệm Tư lệnh quân đoàn 4. Đây là sự kiện quan trọng làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ vì nó đánh dấu bước trưởng thành mới của chủ lực Miền.

bình phước có gì?

Khu căn cứ quân ủy bộ chỉ huy Miền Tà Thiết – Bình Phước

Căn cứ Tà Thiết sau đó còn mang những sự kiện lịch sử đặc biệt hơn. Thứ nhất, đây là nơi từng diễn ra các cuộc hội họp và tiếp các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ trưởng tham mưu – Trung ương Cục miền Nam. Thứ hai, đặc biệt hơn, cũng tại hội trường này, ngày 8/4/1975, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết 7 của Trung ương Đảng về việc thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Thứ ba, để có một tên gọi xứng tầm với một chiến dịch lớn nhất và có ý nghĩa nhất kết thúc cuộc chiến tranh trường kỳ 21 năm chống Mỹ, Bộ Chỉ huy chiến dịch đề nghị Trung ương đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Đáp ứng nguyện vọng đó, Bộ Chính trị đồng ý đổi tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định thành chiến dịch mang tên Bác – chiến dịch Hồ Chí Minh, bằng bức điện 37 TK do Tổng Bí thư Lê Duẩn ký. Bức điện lịch sử đó đã được phổ biến cũng tại Hội trường này.

Như vậy, Căn cứ Tà Thiết đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử là căn cứ cuối cùng của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền; không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển các hoạt động của Bộ Chỉ huy Miền, một căn cứ dự trữ hậu cần chiến lược, mà còn là căn cứ cơ bản của Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ quá trình hình thành và phát triển các căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền trong cuộc chiến tranh chống Mỹ là một đóng góp thiết thực vào kho tàng tri thức quân sự của ông cha ta và của quân đội ta trong quá trình giữ nước.

Khu di tích lịch sử này có địa bàn rộng, bằng phẳng, không gian yên tĩnh, không khí trong lành. Đến đây, chúng ta được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, hiện vật, tư liệu sinh động của một thời không thể nào quên.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn, ngày 16/11/1988 Bộ Văn hóa công nhận xếp hạng Căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết) là di tích lịch sử quốc gia. Ngày nay, di tích là địa chỉ đỏ du lịch về nguồn đầy ý nghĩa của các đoàn khách tham quan trong và ngoài tỉnh.

Đến ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Phú Riềng Đỏ – Bình Phước

Phú Riềng đỏ là một trong những phong trào công nhân đầu tiên ở Việt Nam được diễn ra ở đồn điền cao su Phú Riềng (trước đây thuộc làng Phú Riềng, quận Bà Rá ([1]), nay thuộc địa phận xã Thuận Phú, Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Đây là phong trào gây tiếng vang lớn trong lịch sử, đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân, đồng thời góp phần vào sự phát triển của các phong trào công nhân Việt Nam tham gia chống thực dân Pháp.

bình phước có gì?

Phú Riềng Đỏ – Bình Phước

Đồn điền cao su Phú Riềng thuộc Công ty Michelin được thành lập tại làng Phú Riềng, quận Bà Rá, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc Công ty Cao su Đồng Phú). Khi đầu tư khai thác và phát triển cao su tại đây, tư bản Pháp đã tuyển mộ hàng trăm nghìn người từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào Nam để làm dân phu. Dưới sự hỗ trợ của bộ máy chính quyền thuộc địa, tư bản Pháp đã bóc lột nặng nề và tàn nhẫn sức lao động của những người dân phu. Bị tra tấn tàn bạo, vô cùng hà khắc, không nhân quyền, không chỗ ở, đói cơm, thiếu áo… sống trong cảnh “Địa ngục trần gian”, nơi mà “Mỗi cây cao su mọc lên là có một người công nhân ngã xuống”. Bị đánh đập, cúp phạt tàn nhẫn nhưng mỗi phản ứng chống lại của công nhân dù lớn hay nhỏ đều bị đàn áp khốc liệt.

Trong quá trình phát triển các đồn điền cao su của tư bản Pháp, dưới sự hỗ trợ của bộ máy chính quyền thuộc địa, bọn chủ Tây đã bóc lột thậm tệ và tàn nhẫn sức lao động của những người công nhân cao su Việt Nam. Lúc bấy giờ người ta thường ví đồn điền cao su ở miền Đông Nam bộ nói chung và Phú Riềng nói riêng như “địa ngục trần gian”, nơi mà mỗi cây cao su mọc lên là có một người công nhân Việt Nam ngã xuống. Công nhân cao su Phú Riềng hồi đó có câu vè: “Lỡ lầm vào đất cao su/ Chẳng tù thì cũng như tù chung thân”. Tuy vậy, “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, chân lý ấy đã thể hiện rất rõ ở đội ngũ công nhân ngành cao su Việt Nam ngay từ khi mới ra đời.

Đêm 28-10-1929, bên bờ con suối nhỏ trong khu rừng sau lưng Làng 3 của đồn điền cao su Phú Riềng (thuộc địa bàn xã Thuận Lợi, nay là xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú), được sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, đại diện của Ban chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng (thành lập ngày 17-6-1929) đồng chí Nguyễn Xuân Cừ thành lập chi bộ Phú Riềng Đỏ. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên ở đồn điền cao su Đông Nam bộ. Sự kiện này đã đánh dấu một mốc son lịch sử của ngành cao su Việt Nam.

Kể từ đây phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân cao su đã có một sự biến đổi nhảy vọt về chất. Từ những cuộc đấu tranh lẻ tẻ, tự phát đòi quyền sống sơ đẳng nhất của những người phu cao su, thì nay phong trào đấu tranh của công nhân cao su đã được tổ chức chặt chẽ, có mục tiêu và phương pháp đấu tranh cách mạng đa dạng phong phú. Họ đấu tranh đòi những quyền lợi thiết thực về ăn, ở; đòi giảm giờ làm việc, tăng lương, chống cúp phạt, chống đánh đập công nhân, yêu cầu điều động bọn xu cai ác ôn đi nơi khác, cho thành lập nghiệp đoàn, hội ái hữu… Nổi bật nhất là cuộc bãi công của gần 5.000 công nhân đồn điền Phú Riềng kéo dài từ sáng mồng Một tết năm Canh Ngọ, tức là ngày 30-1-1930 cho đến ngày 6-2-1930.

bình phước có gì?

Phú Riềng Đỏ – Bình Phước

Chỉ 3 tháng sau ngày thành lập, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Phú Riềng Đỏ, đồng chí Trần Tử Bình đã tổ chức và lãnh đạo công nhân đồn điền cao su Phú Riềng tiến hành bãi công, mít tinh phản đối chính sách bóc lột dã man, tàn ác của bọn chủ Tây. Ngay sau cuộc đấu tranh thắng lợi đó, tiếng vang của Phú Riềng Đỏ lập tức lan tỏa đến những đồn điền cao su lân cận như: Dầu Tiếng, Quản Lợi, Lộc Ninh… đồng thời còn có sức ảnh hưởng và động viên to lớn đối với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân lao động cả nước. Và cũng kể từ đây, đội ngũ công nhân ngành cao su Việt Nam đã hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc.

Từ chiếc nôi “Phú Riềng Đỏ” đã ươm mầm, giáo dục và rèn luyện nên biết bao tấm gương hy sinh kiên cường, đấu tranh bất khuất của các thế hệ công nhân cao su Bình Phước, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của ngành cao su Việt Nam. 84 năm đã đi qua, Phú Riềng Đỏ năm xưa đã trở thành mảnh đất lành với bạt ngàn cao su, đóng góp “vàng trắng” xây dựng và kiến tạo quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, công nhân cao su nói riêng, quân và dân Bình Phước nói chung đã lập nên những chiến công hiển hách, tô thắm thêm trang sử vàng của vùng quê “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Phú Riềng Đỏ mãi mãi là mốc son lịch sử trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng và phát triển ngành cao su, với truyền thống Phú Riềng Đỏ năm xưa đã có hàng ngàn cán bộ, công nhân không ngừng lao động, học tập, sáng tạo và nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến mủ cao su. Hiện nay, họ vẫn đang ngày đêm hăng say lao động, sản xuất, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Tinh thần “Phú Riềng Đỏ” sẽ mãi được hun đúc, là truyền thống, niềm tự hào của ngành cao su và của nhân dân tỉnh Bình Phước anh hùng.

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập – Bình Phước

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập thuộc địa phận Bình Phước, nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan xanh đẹp, thích hợp cho du khách tìm về dã ngoại, trải nghiệm thiên nhiên nguyên sơ với những hoạt động thú vị.

bình phước có gì?

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập – Bình Phước

Với diện tích hơn 26ha, vườn Quốc gia Bù Gia Mập không chỉ được xem là một trong những nơi sở hữu hệ sinh thái lớn nhất khu vực phía Nam. Mà nơi đây còn được xem là một trong những rừng phòng hộ đầu nguồn bảo vệ nguồn nước cho các hồ thủy điện: Cần Đơn, Srok Phu Miêng, Thác Mơ.

Tại đây, hiện lưu trữ và bảo tồn hàng loạt các động, thực vật có nguồn gen quý hiếm. Đồng thời nó cũng được xem là nơi có rất nhiều vị thuốc quý trong dân gian. Bước chân vào rừng, bạn như lạc vào thế giới cổ tích của ngôi nhà Display với màu xanh bạt ngàn của cổ thụ, mùi thơm nhẹ của gỗ tùng, hương…

Đặc biệt hơn cả, đó là Bù Gia Mập vẫn giữ được nguyên vẻ đẹp hoang sơ với những dòng cây họ dầu và học đậu quý hiếm: Gỗ Đỏ, Cẩm Lai… Đồng thời tại đây có hệ nguyên sinh đa dạng từ cây tầng thấp cho đến tầng cao tạo thành tầng tầng lớp lớp cây xanh đầy bắt mắt.

Nơi đây còn sở hữu tuyến đường biên giới tuyệt đẹp với đủ hệ thực vật khác nhau. Nó không chỉ mang đến trải nghiệm thú vị cho hành trình khám phá thiên nhiên của nhiều người. Mà nó còn là nơi cho bạn được chiêm nghiệm về cuộc sống, được thử thách và khám phá khả năng sinh tồn, băng rừng lội suối của bản thân.

bình phước có gì?

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập – Bình Phước

Mặt khác, hiện nay Bù Gia Mập sở hữu trên 20 dòng suối, thác và hang động lớn nhỏ khác nhau: thác Lưu Ly, hang Nai, hang Dơi… Chính vì thế đến với nơi đây bạn sẽ cảm nhận được sự mát lạnh của thiên nhiên. Thoang thoảng đâu đó là tiếng nước chảy róc rách, tiếng khướu kêu lảnh lót… Tất cả quyện lại mang đến một trải nghiệm đầy tươi mới và thú vị về thiên nhiên, cây cối và sự sống.

Theo thông tin chính thống từ trung tâm bảo tồn thiên nhiên quốc gia, vườn quốc gia tại Bình Phước Bù Gia Mập hiện đang là một trong 2 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam và là một trong những vùng sinh thái thuộc hành lang ưu tiên bảo tồn của của Tiểu vùng Mekong. Nơi đây không chỉ là địa điểm tập trung đa dạng các sinh vật, thực vật và động vật quý hiếm của Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Mà nó còn là nơi bảo tồn của nhiều loại động vật quý hiếm, là địa điểm nghiên cứu, tìm tòi của nhiều nhà khoa học trên thế giới mỗi khi muốn khám phá về thiên nhiên.

Đặc biệt, Bù Gia Mập còn được coi là một trong những nơi cư trú của nhiều động vật quý hiếm trong sách đỏ: gấu ngựa, gấu chó, bò tót, báo gấm, gà tiền mặt đỏ, sói lửa,…

bình phước có gì?

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập – Bình Phước

Có thể nói, ngoài giá trị về cảnh quan thiên nhiên, Bù Gia Mập còn được xem là một trong những khu di tích lịch sử quan trọng ghi lại những năm tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc, Nơi đây được xem là một trong những lãnh địa chứng kiến nhiều trận chiến ác liệt của quân và dân Đông Nam Bộ. Nơi hàng trăm con người đã ngã xuống vì màu xanh của tổ quốc và hy vọng. Nơi con cháu tìm về với cội nguồn và lịch sử dân tộc.

Đồng thời, Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn là nơi giáp ranh biên giới với Campuchia. Chính vì thế, nếu không có người dẫn đường, kiểm lâm theo cùng, rất nguy hiểm khi đi một mình vì bạn có thể lạc trong rừng hay thậm chí lạc qua nước khác.

Có thể nói với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ đầy kỳ bí, vườn quốc gia Bù Gia Mập xứng tầm là một trong những điểm đến lý tưởng mà bất kỳ một nhà thám hiểm, nhà du lịch hoặc lữ hành nào cũng nên ghé qua. Nó không chỉ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị mà nó còn là nơi cho bạn thỏa sức khám phá về thiên nhiên, khám phá về lịch sử và con người Bình Phước.

Bình Phước có gì? Trên đây là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Bình Phước. Hi vọng qua bài viết này sẽ giúp được các bạn hiểu rõ hơn về những địa điểm nơi đây chọn được cho mình những địa điểm du lịch nhé. Chúc các bạn có chuyến du lịch vui vẻ.

Đăng bởi: Trâmm Nguyễn

YOLO! Khám phá các huyện ở Bình Phước

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก