Cẩm Nang Châu Á

Cẩm nang du lịch châu Á mùa đông: Đi đâu, chơi gì, mặc thế nào?

Đón năm mới tại bữa tiệc Full Moon Party xuyên đêm trên bãi biển ở Koh Phangan, Thái Lan là một trong những trải nghiệm thú vị khi du lịch mùa đông. 

Du lịch châu Á vào mùa đông có một số lợi thế đặc biệt, bao gồm nhiều ngày lễ lớn và lượng khách tham quan thưa thớt hơn. Nếu không phải là người yêu thích những ngày đông buốt giá, âm u và thiếu ánh nắng mặt trời, bạn có thể lựa chọn các điểm đến ở Đông Nam Á, nơi thời tiết ít khắc nghiệt và có thể nắng đẹp trong mùa khô. Trong khi đó, hầu hết quốc gia Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) sẽ phải đối phó với cái lạnh buốt da thịt và thậm chí có tuyết vào mùa đông.

Điểm đến dịp Tết Nguyên đán

Từ tiếng Anh chỉ Tết Nguyên đán là “Chinese New Year”, tuy nhiên điều đó không có nghĩa bạn phải đến Trung Quốc mới có thể tận hưởng không khí của kỳ nghỉ này. Ngoài Việt Nam, một số điểm đến châu Á khác cũng trở nên rộn ràng hơn thường lệ vào những ngày cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 (mồng 1 tháng 1 âm lịch), bao gồm Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc…

 

cẩm nang du lịch châu á mùa đông: đi đâu, chơi gì, mặc thế nào?
Thean Hou, ngôi đền Trung Quốc ở Kuala Lumpur, Malaysia treo đèn lồng đỏ trong dịp Tết nguyên đán. Ảnh: Getty Images

Bạn hãy lên kế hoạch từ sớm để đặt vé máy bay, bởi giao thông dịp này rất phức tạp khi đa số người dân muốn về quê ăn Tết hoặc tận dụng kỳ nghỉ để du lịch ở quốc gia khác. Ngay cả Sri Lanka cũng chứng kiến sự gia tăng của khách du lịch Trung Quốc trong dịp lễ này. 

Mùa đông ở Ấn Độ

Khoảng tháng 10, sau khi kết thúc mùa mưa, Ấn Độ bắt đầu tận hưởng nhiều ngày nắng hơn, từ đó thu hút khách du lịch đông hơn trong suốt mùa đông. Ngoại lệ của quy luật tự nhiên này là ở miền bắc Ấn Độ, nơi tuyết phủ kín dãy Himalaya và chặn các đèo núi ở vị trí cao. Mùa trượt tuyết sẽ bắt đầu ở Manali, bang Tamil Nadu vào cuối tháng 11 hàng năm.

Bạn sẽ cần trang bị giày ủng và quần áo thật ấm khi đến khu vực dãy Himalaya. Nếu muốn đi trốn mùa đông, bạn nên đến bang Rajasthan với phần lớn diện tích là sa mạc, đăng ký một tour cưỡi lạc đà. Các bãi biển phía nam, đặc biệt là ở Goa, trở nên bận rộn vào tháng 12 với các bữa tiệc mừng Giáng sinh, do đó bạn có thể chuẩn bị những trang phục đi biển nhẹ nhàng và sặc sỡ.

 

cẩm nang du lịch châu á mùa đông: đi đâu, chơi gì, mặc thế nào?
Du khách đón Giáng sinh trên bãi biển ở Goa. Ảnh: Lost With Purpose

Mùa đông ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản

Những quốc gia này chiếm một phần rộng lớn trên lãnh thổ Đông Á, do đó bạn sẽ tìm được vài điểm đến hấp dẫn ở khu vực phía nam để tránh rét. Chẳng hạn, Okinawa và một số hòn đảo khác ở Nhật Bản có thời tiết dễ chịu quanh năm.

Tuy nhiên, đa số khu vực thuộc Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chịu cảnh gió tuyết và giá rét vào mùa đông, nhất là ở các vùng núi. Thủ đô Seoul ở Hàn Quốc cũng thường xuyên ở nhiệt độ rất thấp. Cá biệt, tỉnh Vân Nam ở miền nam Trung Quốc vẫn sẽ hạ nhiệt vào ban đêm (4 độ C), khiến du khách muốn quây quần bên lò sưởi ở nhà nghỉ để tìm chút hơi ấm.

 

cẩm nang du lịch châu á mùa đông: đi đâu, chơi gì, mặc thế nào?
Tuyết rơi ở Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc. Ảnh: Barcroft Media

Do cả ba quốc gia chủ yếu tập trung ở phía bắc và trung đông châu Á, bạn sẽ cần mang theo quần áo đủ dày để giữ ấm trước những cơn gió lạnh từ Bắc cực. Ngoài áo khoác và giày bốt, bạn nên chuẩn bị cả găng tay, mũ len và nhiều đôi vớ.

Mùa đông ở Sri Lanka 

Mặc dù là một hòn đảo tương đối nhỏ, Sri Lanka vẫn là điểm du lịch độc đáo với hai mùa mưa rõ rệt. Mùa đông là thời điểm tốt nhất để ngắm cá voi và dạo quanh những bãi biển nổi tiếng ở phía nam như Unawatuna. Trong khi khu vực phía nam của đảo khô ráo vào mùa đông, nửa phía bắc phải hứng chịu những cơn mưa kèm gió mùa. Tuy vậy, bạn có thể chọn di chuyển bằng xe buýt hoặc tàu để tránh mưa.

Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ ở Sri Lanka, bạn sẽ cần mang theo mũ và nhiều áo, nhằm đối phó với thời tiết nóng ẩm của mùa đông ở Nam Á. Sri Lanka nổi tiếng với dừa hoàng đế (king coconut), do đó bạn hãy cân nhắc việc mang theo ống hút có thể tái sử dụng để cắt giảm nhựa khi uống nhiều dừa trong suốt chuyến du lịch.

Mùa đông ở Đông Nam Á

Trong khi hầu hết Đông Á ngập trong tuyết trắng, Đông Nam Á sẽ đắm mình dưới ánh mặt trời. Mùa đông là thời điểm lý tưởng để ghé thăm Thái Lan và một số nước khác trong khu vực trước khi nhiệt độ và độ ẩm tăng vọt vào mùa xuân. Tháng một và tháng hai là thời điểm nhộn nhịp nhưng khá dễ chịu khi ghé thăm Đông Nam Á.

Thái Lan, Campuchia và Lào thường khô hanh trong mùa đông, nhưng các điểm xa hơn về phía nam như Singapore và Indonesia sẽ phải đối phó với mưa giông. Mùa cao điểm của các hòn đảo như Pereaverian ở Malaysia và Bali ở Indonesia là vào những tháng mùa hè khi mưa ít hơn. Tuy vậy, Bali nổi tiếng tới nỗi luôn đón lượng khách ổn định ở bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Những sự kiện lớn vào mùa đông ở châu Á

Châu Á có rất nhiều lễ hội mùa đông thú vị khác ngoài Tết Nguyên đán. Ngoài ra, Giáng sinh và các ngày lễ phương Tây khác cũng ngày càng phổ biến, thể hiện qua hàng loạt đồ trang trí và sự kiện vui nhộn, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị. Nhạc Giáng sinh được bật trên đường phố vào cuối tháng 10 không phải là điều bất thường ở một số nước Đông Á.

Lễ hội Thaipusam: Đây là một cảnh tượng hỗn loạn quy tụ hơn một triệu người theo đạo Hindu tại Động Batu gần thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Một số tín đồ tham dự sẽ thực hiện nghi thức đâm vật nhọn vào da thịt, chịu đau để rèn tính can đảm và cầu mong sức khỏe trong suốt cả năm sắp tới. Lễ hội rơi vào tầm tháng 1, tháng 2 (15/1 theo lịch Tamil).

Lễ hội Setsubun Nhật Bản: Trong dịp lễ vui nhộn và có phần kỳ quặc vào tháng 2, người dân Nhật Bản mừng mùa xuân đang đến bằng cách ném đậu để xua đuổi tà ma.

 

cẩm nang du lịch châu á mùa đông: đi đâu, chơi gì, mặc thế nào?
Đám đông tụ tập trong lễ hội Setsubun. Ảnh: Japan Monthly Web Magazine

Giáng sinh trên khắp châu Á: Các thành phố lớn Hàn Quốc và Nhật Bản kỷ niệm ngày lễ rất rộn ràng. Đường phố và nhiều tòa nhà giăng đèn trang trí, hoạt động mua bán cũng trở nên tấp nập hơn. Dù bạn có theo tôn giáo nào hay không, Giáng sinh vẫn là dịp đáng để chào mừng.

Đêm giao thừa ở châu Á: Ngay cả các quốc gia đón Tết Nguyên đán cũng có thể ăn mừng thời khắc chuyển giao sang năm mới theo lịch dương, tức đêm 31/12 hàng năm. Shogatsu, năm mới của Nhật Bản, diễn ra từ 1/1 đến 3/1 dương lịch, do đó giao thừa là quãng thời gian ý nghĩa dành cho thơ ca, ẩm thực truyền thống và tiếng chuông rung đầy xúc động. Ngoài ra, một lượng lớn du khách phương Tây thường đến Koh Phangan ở Thái Lan để chào đón năm mới tại Full Moon Party – bữa tiệc thâu đêm trên bãi biển.

 

cẩm nang du lịch châu á mùa đông: đi đâu, chơi gì, mặc thế nào?
Khách tây hào hứng trong đêm hội Full Moon Party. Ảnh: Shutterstock

Thùy Linh – dulichvietnam.com.vn
Theo Báo Thể Thao Việt Nam

Đăng bởi: Vũ Hùng

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก