Leo Núi

Kinh nghiệm leo núi Bà Đen

Leo núi Bà Đen Tây Ninh là một trong những hành trình mà các phượt thủ miền Nam đều không thể bỏ qua. Cách Sài Gòn khoảng 100km và độ cao chỉ trên 900m, núi Bà Đen luôn là nơi thu hút đông đảo các bạn trẻ và khách hành hương vào những ngày cuối tuần. Leo núi, ngắm mặt trời, săn mây,… đều là những trải nghiệm khó quên khi đến đây. Đọc ngay bài viết sau để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về việc lựa chọn cung đường, chuẩn bị sức khỏe, hành lý, và những lưu ý khi leo núi.

Kinh nghiệm leo núi Bà Đen

Lựa chọn cung đường

Lượng sức mình để chọn cung đường phù hợp. Có nhiều đường lên đỉnh, cứ hỏi người dân xung quanh là sẽ ra điểm bắt đầu. Mình liệt kê 03 đường mà nhiều người thường hay lui tới, độ khó tăng dần nha:

  • Đường chùa (nửa đường là bậc thang lên chùa Bà, nửa đường còn lại là đất đá như hình dưới)
  • Đường cột điện (đường thẳng, đất đá như hình, cứ bám theo hướng các cột điện sẽ lên đỉnh)
  • Đường Ma Thiên Lãnh (đường dài nhất, dễ lạc nhất, xa nhất, lời khuyên là lần đầu tiên leo thì đừng đi cung này)

Kinh nghiệm leo núi Bà Đen

Tham khảo thêm bài viết: Kinh nghiệm trekking Tà Năng – Phan Dũng chi tiết từ A-Z

Chuẩn bị sức khoẻ

Khác với các núi khác, núi Bà Đen gần như là đâm thẳng lên trời, nên việc leo núi Bà Đen sẽ chỉ có một hướng đi lên đi lên đi lên và đi lên liên tục, chứ không phải đi lên rồi đi xuống rồi đi lên rồi đi xuống như cách chinh phục các ngọn núi khác. Điều này cần nhiều thể lực của người leo núi. Nên trước khi leo nên chuẩn bị xíu về thể lực, cần lắm đùi khoẻ, bắp chân khoẻ, cổ chân khoẻ, tim khoẻ, cái gì cũng cần phải khoẻ!

Chuẩn bị hành lí

Kinh nghiệm leo núi Bà Đen

  • Một bộ dành riêng cho việc di chuyển trên xe máy (tay dài, quần dài lỡ có té xe thì ít trầy). Tới nơi mình thay bộ đồ leo núi, bỏ bộ đó vào bỏ cốp xe, hôm sau thân xác tả tơi còn bộ đồ quay về nơi thành thị. Ưu tiên quần áo gọn nhẹ, thoáng khí, co dãn tốt, 1 ngày 1 bộ, 2 ngày 2 bộ.
  • Giày tốt, có gai, bám đất. Giày leo núi chuyên dụng thì nhất rồi, sang thì Nike Running, nhưng mình khuyên mang giày bộ đội hoặc Thượng Đình là tốt nhất rồi, nhìn nó cùi cùi vậy thôi chứ giúp ích cho chuyến đi của mình lắm.
  • Găng tay nhé, vì đường đá gần như 90%, không có bao tay thì sẽ dễ té hoặc bị trầy.
  • Nước: 2 ngày thì 4 lít, 1 ngày thì 2 lít. Uống thành từng ngụm, tiết kiệm nước vì bạn không biết hành trình mình sẽ khó khăn và cần nước thế nào đâu. Cách đỉnh tầm 45’ có một trạm dừng chân nhỏ có bán nước, Sting, mì gói các kiểu, có thể tiếp đạn ở đây trước khi đi tiếp.
  • Đi trong ngày thì mang đồ chống nắng, mình khuyên các bạn phượt thủ nên sắm cái bao tay chống nắng, chống trầy xước khi leo, chống côn trùng nữa.
  • Đi đêm thì phải có đồ lạnh, đèn pin.
  • Thuốc chống côn trùng, nếu mà mặc đồ bít bùng toàn thân thì khỏi, nhưng mà trên người mình có chỗ hở thì phải cẩn thận, chỉ cần ngồi nghỉ là muỗi xuất hiện.
  • Thức ăn cung cấp năng lượng, dao, bật lửa, đồ y tế, áo mưa nếu đi vào mùa mưa.

Mình thấy nhiêu đó là đủ cho những hành trình leo núi thông thường, còn những cung đường đặc thù sẽ có những món đồ chơi riêng. Nên nhớ 1kg dưới đất liền, sau vài tiếng leo núi sẽ thành 10kg, nên mình chuẩn bị đủ những thứ cần thiết thôi, không cần màu mè hoa lá hẹ làm gì, lên đó mệt lắm.

“Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”– Trịnh Công Sơn

Kinh nghiệm leo núi Bà Đen

Tây Ninh 365 ngày nắng, mình cùng đồng bọn leo núi ngay ngày mưa, nếu không nói là bão.

Đêm trước mưa lớn từ trưa, cả nhóm vật vã lắm mới được lưng chừng núi, đang tuyệt vọng thì thấy ánh đèn le lói từ chòi bán nước. Hỏi ra mới biết đây là chòi cuối cùng trên đường lên đỉnh. Lân la ly rượu xin tá túc qua đêm. Rồi anh chủ quán xăm kín nửa người gật đầu cho cả đám ngủ lại đêm đó, mừng rơi nước mắt.

Có những lúc mệt, mệt lắm, gần như tuyệt vọng, nhưng ráng bình tĩnh để đưa ra những quyết định sáng suốt nhất có thể. Mình chỉ có thể khuyên vậy thôi.
Lưu ý cần phải cẩn thận

  • Lúc xuống, mưa giăng cả khu vực, nước thì trên đỉnh chảy xuống thành dòng, một lần trượt chân mình té úp mặt vào một hòn đá. Cũng may là chống lại kịp trước khi đầu chạm vào hòn đá định mệnh đó. Đây cũng là lí do mình viết note chia sẻ sau chuyến đi, lần đầu tiên mình làm vậy. Nên mình muốn khuyên là tôn trọng bất kì hòn đá nào bạn đi qua, cẩn thận từng bước từng bước một. Đa số những người đòi leo cung này thường trẻ, mình đi chậm một xíu mình còn cả đời để đi tiếp, đi lại. Đi nhanh một xíu không hơn ai mà có thể để lại nhiều hậu quả khó lường.
  • Sau khi leo lên leo xuống có thể vào khu nhà tắm của chùa Bà để tắm rửa sạch sẽ trước khi xuống núi, ăn cơm chay của chùa, có chỗ ngủ luôn.
  • Vé gửi xe vào chùa ngày-đêm là 8 ngàn, vé vào tham quan 16 ngàn/người lớn, vé cáp treo lên xuống 150 ngàn, kem 3 ngàn, nước suối 5 ngàn, mỡ trăn 5 ngàn 10 ngàn/hũ, ốc xu núi Bà 250 ngàn/kí.
  • Đường đi đến Tây Ninh cũng khá dễ, Cộng Hoà thẳng hoài qua An Sương, Hóc Môn, Củ Chi, Trảng Bàng, Tây Ninh. Cẩn thận đoạn Trảng Bàng có bắn tốc độ xe máy.

Cám ơn Blogger Kim Cang đã chia sẻ bài viết này!

Tham khảo tour trekking hot nhất hiện nay: Trekking Tà Năng – Phan Dũng

Đăng bởi: Hằng Võ

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก