Bình Định

Nhớ hương vị Tết xưa nơi quê nhà Bình Định

Trong tâm trí của tôi, Tết xưa luôn có hương vị thật đặc biệt. Đó không chỉ gói gọn về mặt hữu hình như tràng pháo, bánh tét, bao lì xì,…, mà còn là thứ gì đó vô hình nhưng luôn hiện hữu, thiêng liêng và không thể nào quên.

Khi guồng quay của cuộc sống trở nên hối hả hơn bao giờ hết trong những ngày cuối năm âm lịch, thì trí nhớ của tôi bỗng lội ngược dòng như muốn tìm về với những ký ức xa xưa của cái Tết hơn hai mươi năm về trước, nơi quê nhà thân thương. Quê tôi ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn (nay là phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn), tỉnh Bình Định – một tỉnh nhỏ thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ. Tết trong ký ức của tôi thường bắt đầu bằng câu nói giỡn chơi của má, khi tờ lịch trên tường dần được xé đi, bước vào những ngày hăm (như hăm mốt, hăm hai,…) của tháng mười hai âm lịch:

– Tết tới Quy Nhơn rồi! (Quy Nhơn cách nhà tôi hơn 80 cây số)

Vài ngày sau, trong lúc chộn rộn quét tước sân nhà, tay quơ cây chổi lên quét mạng nhện, má tôi lại nói:

– Tết tới Phù Mỹ rồi! (Phù Mỹ cách nhà tôi hơn 30 cây số)

Cứ như vậy, má vô tình đã nhen nhóm trong trí óc của chúng tôi sự đợi mong về Tết. Dù lúc đó, gia cảnh nhà nào cũng nghèo như nhau, bình thường lo cho đủ ăn đủ mặc đã cực nhọc lắm rồi, huống hồ là lo cho sự đủ đầy của ba ngày Tết.

Nhưng với sự khéo thu vén của má, và cũng như của những người phụ nữ trong các gia đình xung quanh, chúng tôi luôn có một cái Tết đầy đủ và vui vẻ. Trước Tết, nhà nào cũng thơm lừng mùi bột, mùi vani, mùi dầu chuối, mùi sên nước đường,… vì các loại bánh và mứt Tết. Bánh thuẫn làm từ bột và trứng được nướng vàng, ngon nhất là khi vừa mới ra lò nóng hôi hổi, kích thích những chiếc bụng đói và luôn thòm thèm đồ ăn vặt của chúng tôi. Mứt me chua chua ngọt ngọt, nhưng đó là thành phẩm sau khoảng thời gian mỏi tay mỏi lưng ngồi lột và xăm từng trái, lại còn phải khéo léo tách bỏ hạt mà vẫn giữ nguyên hình hài của trái me. Mứt gừng cay thơm nồng. Mứt dừa béo ngậy. Mứt bí đao cà rốt giòn thanh. Nhà nào sang hơn thì làm cả mứt hạt sen, hay “hạt sen” là những viên tròn bọc trong giấy kính sặc sỡ làm từ đậu xanh đãi vỏ xay nhuyễn.

Thời đó, hầu như ít ai mua bánh mứt sẵn có, mà tất cả đều tự làm ở nhà. Ngoài những thứ bánh mứt thường thấy, riêng quê tôi còn có thêm món bánh táp-lô mà nhà nào cũng phải có để đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên ông bà. Viên bánh hình hộp chữ nhật, làm từ bột, đường và mè rang, được gói thẳng thớm góc cạnh như những viên táp-lô xây nhà, bọc trong những tờ giấy in hoa đủ màu sắc. Thứ bánh này tuy đẹp, nhưng trong Tết ít ai ăn nổi vì rất ngán. Được cái, bánh này để được rất lâu. Thường thì sau Tết, các ông, các chú sẽ lấy xuống nhấm nháp dần sau bữa ăn, bên bình trà ấm nóng.

Thường thì dịp Tết quê tôi khá là lạnh. Chúng tôi rất ngán việc phụ người lớn dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Những chiếc lư đồng trên bàn thờ phải được lau chùi bằng tay cùng với gói bột hóa chất nào đó, làm cho sáng bóng mới thôi. Thời đó, người ta chưa có máy để làm những việc này. Rồi phụ sơn tường nhà, chà rửa bàn ghế, giặt giũ mùng mền áo gối. Toàn là những công việc đụng nước trong tiết trời lạnh lẽo. Nhưng không vì thế mà chúng tôi sợ Tết hay ngán Tết. Ngược lại, tôi còn rất thích không khí hối hả chuẩn bị cho ba ngày Tết của mỗi gia đình. Tuy mệt nhưng thật vui!

Nhà tôi có phong tục cúng tiễn ông táo về trời vào đêm hăm hai Tết. Sau khi cúng ông táo là đã thấy Tết thật gần kề. Và người ta cũng hay thêm từ “Tết” khi nói về thời gian sau ngày cúng ông táo: hăm ba Tết, hăm bốn Tết,…

Sau ngày cúng ông táo, má tôi sẽ bận rộn hơn trong việc đi chợ mua dần các thứ cần thiết cho ba ngày Tết và những thứ cần cúng kiếng. Đồ dùng trong nhà xem thứ gì hư hỏng cần mua thay thế. Lại phải chuẩn bị nguyên liệu để nấu bánh tét.

Khoảng hăm lăm Tết, ba tôi sẽ đi ra chợ coi hoa và thể nào cũng chở về hai chậu bông cúc vạn thọ. Má tôi hay nói (hổng biết là thiệt hay giỡn), rằng ba mày thích sống thọ. Ba sẽ săm soi chậu bông xem đặt ở đâu thì đẹp, rồi cuối cùng cũng đặt ở hai bên bàn thờ, trong gian phòng ngay đằng trước nhà.

Nhớ hương vị Tết xưa nơi quê nhà Bình Định

Chợ hoa Tết quê tôi

Nhà tôi thường nấu bánh tét vào trước ngày cuối cùng của năm, và hiếm khi nấu qua đêm vì trông coi mệt quá. Trước ngày nấu bánh, má tôi đã phải ngâm đậu xanh, rồi lo đãi vỏ, lau và phơi lá chuối, còn ba thì chuẩn bị dây cột bánh từ những vạt lá dừa trong vườn nhà. Đến ngày nấu bánh, má tôi thức dậy thiệt sớm gói bánh, trong khi chúng tôi còn cuộn mình trong chiếc chăn ấm sực mà say ngủ. Năm nào siêng thì chúng tôi thức dậy cùng, phụ má cột bánh, chứ người gói chính vẫn là má, điều mà chúng tôi không thể nào làm tốt được. Gói bánh xong, ba tôi chuẩn bị ba cục gạch đem ra khoảng sân rộng phía sau nhà làm bếp, nổi lửa, đặt lên cái nồi to, bắt đầu nấu. Suốt ngày hôm đó, chúng tôi thay phiên nhau canh lửa, thêm nước. Đến khoảng bảy, tám giờ tối thì vớt bánh. Rồi ba má lại phải dọn dẹp cho tới tận khuya mới đi ngủ.

Nhớ hương vị Tết xưa nơi quê nhà Bình Định

Nồi bánh tét

Ngày cuối cùng của năm, má tôi xách giỏ đi chợ, tranh thủ mua những thứ quên chưa mua trước đó, và chủ yếu là thịt cá cho mấy ngày Tết, cùng với đồ cúng rước ông bà. Mâm cúng rước đơn sơ nhưng vẫn đủ đầy thường được thực hiện vào buổi trưa. Trong khi đó, ba tôi còn có thêm công việc kiếm tiền Tết là bán cổ nhơn – một trò chơi dân gian chỉ có vào dịp Tết ở quê tôi. Cổ nhơn tương tự như sổ số, nhưng ở đây gồm ba mươi sáu con vật, có câu thơ đề ẩn chứa con vật đáp án, mỗi ngày hai đề, thường được cấp phép chơi trong năm, hay sáu ngày, từ ba mươi âm lịch cho tới hết mồng bốn, hay mồng năm Tết, tùy năm. Đây là trò chơi rất được mong chờ vào dịp Tết ở quê tôi. Có thể nói, nếu thiếu cổ nhơn thì Tết quê không còn là Tết nữa.

Cũng bắt đầu từ ba mươi Tết, lần lượt từng nhà sẽ đốt pháo Tết vui cửa vui nhà. Bọn trẻ con chúng tôi sợ pháo, nhưng vẫn trông ngóng mỗi khi có nhà nào đó treo tràng pháo ra trước cửa nhà và đốt. Sau đám khói, chúng tôi tranh nhau lượm những viên pháo chưa được đốt hết bị văng ra, để trong Tết đi đốt chơi.

Trước giao thừa, ba tôi sẽ sắp một mâm nhỏ gồm hoa quả, bánh trái để cúng giếng (tương tự như cúng thổi địa). Chúng tôi thường rủ nhau thức đợi đến thời khắc giao thừa, nhưng năm nào cũng tỉnh giấc khi đã bước sang sáng mùng một.

Ngày mùng một thiêng liêng chúng tôi thường e dè trong cách nói chuyện, vì sợ nói trúng điều xui xẻo nào đó thì sẽ bị má la. Chúng tôi cũng sẽ không quét dọn nhà cửa trong ngày hôm đó, mãi cho đến tận tối khuya, vì sợ phạm vào điều cấm kỵ xui xẻo – những điều tốt lành, tiền bạc sẽ theo rác mà ra khỏi nhà!!! Thường thì sau khi chuẩn bị đồ cúng buổi sáng cho ông bà tổ tiên (vài lát bánh tét, dĩa rau sống), chúng tôi sẽ cùng ăn sáng do má chuẩn bị, rồi thay quần áo mới kéo nhau đi viếng mộ ở nghĩa trang. Mùng một Tết, nghĩa trang chính là nơi đông vui nhất, thường bị kẹt xe do có nhiều người chung mục đích viếng mộ. Sau đó, chúng tôi sẽ ghé chùa thắp nhang, rồi trở về nhà, đón tiếp khách tới thăm nhà. Ba tôi sẽ lại bán cổ nhơn suốt mấy ngày Tết. Nhưng vào buổi tối rảnh, ông sẽ cùng má đi đến nhà bà con, họ hàng, người quen để chúc Tết.

Nhớ hương vị Tết xưa nơi quê nhà Bình Định

Viếng mộ ngày mồng 1 Tết

Từ mồng hai, chúng tôi có thể sẽ được đi về nhà ngoại (ở Quy Nhơn), hoặc đi thăm thầy cô, đi hội chợ Tết chơi tự do.

Sáng mồng ba, má tôi lại xách giỏ đi chợ đầu năm, mua đồ tươi cần thiết cúng đưa ông bà, không quên mua ít trầu cau xem như rước lộc về nhà. Xong bữa cúng đưa là coi như hết Tết. Và bọn trẻ con chúng tôi phải quên đi bánh mứt, lì xì, lo chuẩn bị bài vở để bắt đầu một học kỳ tiếp theo. Cái Tết ý nghĩa, kỳ nghỉ hấp dẫn trong năm đã trôi qua thật nhanh…

Nhớ hương vị Tết xưa nơi quê nhà Bình Định

Chợ đầu năm thường họp vào mồng 3

Có lẽ với bất cứ ai, Tết xưa luôn là những ký ức thật đẹp, mang hương vị linh thiêng nuôi dưỡng tuổi thơ của mỗi chúng ta. Người ta thường trách Tết giờ không còn vui nữa, không còn thú vị hay đáng để mong chờ như ngày xưa. Nhưng liệu có thật là Tết nay đã thay đổi, hay chính bản thân chúng ta mới là người thay đổi?

Nguyễn Thị Bình An

Nhớ hương vị Tết xưa nơi quê nhà Bình Định

Đăng bởi: Ông Cò đen

YOLO! Khám phá các huyện ở Bình Định

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก