Thái Nguyên

Thái Nguyên có gì?

Thái Nguyên là một tỉnh nằm ở khu vực trung du phía Bắc của Việt Nam. Đây không chỉ là nơi sản sinh ra loại trà truyền thống nổi tiếng nhất mà còn là nơi sở hữu cả một quần thể di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp, những điểm đến hang động tạo thành một quần thể du lịch hoàn hảo theo sự sắp đặt của tự nhiên, con người, đang thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Thái Nguyên có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Thái Nguyên trong bài viết sau đây nhé.

Hồ Núi Cốc – Thái Nguyên

Nổi tiếng bởi vẻ đẹp non nước hữu tình, gắn liền với câu chuyện tình chàng Cốc nàng Công, Hồ Núi Cốc là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn cho kỳ nghỉ ngắn ngày.

thái nguyên có gì?

Hồ Núi Cốc – Thái Nguyên

Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên, theo tỉnh lộ 270 khoảng 16km sẽ tới khu du lịch Hồ Núi Cốc, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thanh bình, yên ả của vùng đất nơi đây. Thiên nhiên đã vô cùng hào phóng ban tặng cho Hồ Núi Cốc cảnh quan núi non, sông nước hữu tình với những nương chè bạt ngàn xanh mướt, trổ đều từng búp non mỡ màng, những dãy núi trùng điệp được bao phủ bởi màu xanh tinh khiết của cây rừng.

Hồ Núi Cốc nằm giữa khung cảnh thiên nhiên kỳ thú “Sơn thủy hữu tình”. Núi Cốc tên gọi một vùng đất, vùng hồ gắn liền với câu chuyện tình thủy chung chàng Cốc – nàng Công, họ yêu nhau nhưng không thành, một người đau nước mắt chảy thành sông, một người chờ hóa núi… đến ngày nay người dân gọi là Núi Cốc và sông Công.

Với diện tích mặt hồ 25km2, gồm 89 hòn đảo lớn, nhỏ như: Đảo Cò, đảo Dê, đảo Khỉ, đảo Núi Cái,… Hồ Núi Cốc vừa là công trình thủy lợi, vừa là một thắng cảnh tuyệt đẹp giữa núi rừng hoang sơ, kỳ vĩ.

Từ lâu, Hồ Núi Cốc vẫn được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”. Ngày nay, Hồ Núi Cốc không chỉ nổi tiếng là một thắng cảnh đẹp, mà còn là một khu du lịch nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Đến Hồ Núi Cốc, thú vị nhất là được đi du thuyền khám phá lòng hồ, dừng chân thăm đảo Núi Cái. Cách đảo Núi Cái không xa một con đập chính của hồ, dài 480m là công trình thuỷ lợi lớn nhất tỉnh Thái Nguyên.

Thác Khuôn Tát – Thái Nguyên

Thác Khuôn Tát người dân địa phương còn gọi là thác Bảy Tầng, thuộc xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Thác ở không xa các di tích Tỉn Keo, đồi Phong Tướng, lán Khuôn Tát, nhà trưng bày ATK Định Hóa, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa. Bởi vậy nếu có dịp về với “Thủ đô gió ngàn” vào mùa hè du khách đừng quên khám phá và thưởng ngoạn thiên nhiên tại địa điểm này nhé.

thái nguyên có gì?

Thác Khuôn Tát – Thái Nguyên

Thác Khuôn Tát nằm giữa núi rừng hoang vu và khá yên tĩnh, xung quanh thác có nhiều cây cổ thụ. Để vào được thác du khách sẽ gửi xe tại nhà dân ở bên ngoài, sau đó bắt đầu hành trình đi bộ ngược theo dòng suối để khám phá ngọn nguồn của thác. Dọc cung đường du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận một không gian thật tuyệt vời với dòng suối nước chảy trong vắt len lỏi qua những tảng đá lớn, nhỏ nhẵn bóng, những vạt cỏ xanh 2 bên suối cùng nhũng cây cổ thủ trên rừng. Tất cả hòa quện với nhau như muốn níu chân du khách bằng những tấm ảnh kỷ niệm không thể nào quên.

Nhìn từ xa Thác Khuôn Tát với bảy tầng trông giống những bậc thang nhà sàn của cư dân miền núi. Được biết độ cao tính từ đỉnh thác xuống chân thác là trên 20m. Tầng dưới cùng đẹp nhất và cao khoảng 12m, rộng 15m, các tầng còn lại phía trên cao chênh lệch nhau trên dưới 2 đến 3m và chiều rộng thu nhỏ dần lên đỉnh thác. Người ta có thể leo lên các tầng thác, mỗi tầng đều có bóng cây tỏa mát, phía dưới từng tầng, nước đổ xuống tạo thành bồn tắm. Thác Khuôn Tát có nguồn nước trong với nhiều tảng đá bằng phẳng.

Ở chân thác Khuôn Tát, nước dội xuống thành bồn tắm tự nhiên, chỗ nước sâu nhất chừng 2 đến 3m, nông dần ra phía ngoài tạo thành con suối. Đây là nơi bơi lội lý tưởng dành cho du khách. Suối Khuôn Tát chảy ngoài thác độ 100m là bãi cát, sỏi nhỏ và đá tự nhiên nằm giữa dòng chảy với đủ các hình thù như: Hình cá voi, hình con rùa, con trâu đầm… Hai bên suối là bãi cỏ bằng phẳng xanh tươi rất thuận lợi cho việc cắm trại, dựng lều lán nghỉ ngơi, vui chơi cho các đoàn khách du lịch đông người.

Thác Khuôn Tát đã được xếp hạng danh thắng cấp quốc gia vào năm 2002.

Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà – Thái Nguyên

Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà nằm bên quốc lộ 1B (Thái Nguyên – Lạng Sơn) thuộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 45km. Đây là một trong những thắng cảnh đẹp của tỉnh Thái Nguyên.

thái nguyên có gì?

Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà – Thái Nguyên

Để lên được hang, du khách sẽ phải leo khoảng 1.200 bậc đá với khoảng thời gian gần 1 giờ đồng hồ. Hành trình di chuyển khá vất vả nhưng nó có ý nghĩa rất lớn góp phần rèn cho con người ta tính kiên trì, sự bền bỉ (bởi có nhiều du khách bỏ ngang chừng). Chinh phục được quãng đường đó thành quả đến với du khách thật là tuyệt vời. Hang Phượng Hoàng ở trên đỉnh ăn sâu xuống lòng núi, gồm 3 tầng: Tầng thượng là hang Dơi, tầng giữa là hang Sáng, với 3 cửa từ các phía, ánh sáng mặt trời rọi xuống lòng hang. Tầng cuối là hang Tối vì ánh sáng mặt trời không thể lọt xuống hang này. Trong hang có các khối đá, nhũ đá mang nhiều dáng vẻ kỳ thú gắn với nhiều truyền thuyết thỏa sức cho du khách tưởng tượng. Đặc biệt, giữa lòng hang là một nhũ đá cao, nhìn từ nhiều góc độ đều thấy giống một con chim phượng hoàng đang dang cánh trong tư thế bay bổng. Phải chăng, hình tượng này cũng là cái cớ để người dân nơi đây gọi tên hang là hang Phượng Hoàng.

Hang Phượng Hoàng hiện nay có một điểm mới là được trang hoàng bởi hệ thống điện chiếu sáng góp phần tạo cảnh quan trong hang thêm phần hấp dẫn cũng như hỗ trợ hành trình khám phá của du khách. Bởi trước đây chưa có điện du khách vào hang phải chuẩn bị đèn pin và khó có thể chinh phục được hang Tối thì nay du khách có thể khám phá trọn vẹn 3 tầng hang, đặc biệt sự lung linh kỳ ảo vô cùng hấp dẫn trong hang Tối. Nhiệt độ trong hang Phượng Hoàng duy trì khoảng 15 độ, rất mát mẻ. Mùa hè, nhiều du khách vào đây rồi không muốn ra ngoài mà muốn ở lại lâu hơn để tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ trong hang. Đặc biệt trong lòng hang cũng có rất nhiều điểm đẹp để du khách có thể check in cùng bạn bè và người thân.

Không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên, hang Phượng Hoàng còn là một di tích lịch sử gắn liền với sự kiện ngày 27/11/1944, đội Cứu quốc quân II gồm 75 người cùng với 373 hộ gia đình rời bản lên núi chống sự khủng bố của thực dân Pháp. Lòng hang Phượng Hoàng khi đó trở thành một pháo đài vững chắc chống trả sự tấn công của giặc. Với trận địa súng kíp, mìn lưỡi cày, bẫy đá, nỏ, giáo mác và chiến thuật du kích đội cứu quốc quân đã gây thiệt hại nặng một tiểu đoàn giặc Pháp và tay sai có pháo binh yểm trợ.

Có lẽ, kết thúc hành trình chinh phục hang Phượng Hoàng thì cũng đến giờ trưa. Du khách sẽ di chuyển xuống những ngôi nhà sàn của Ban quản lý Khu du lịch Hang Phượng Hoàng để thưởng thức những món ăn rất độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc của địa phương. Sau đó du khách có thể thuê các phòng nghỉ của Ban Quản lý để nghỉ trưa. Hiện ở đây có 32 phòng nghỉ với đầy đủ trang thiết bị đáp ứng nhu cầu của du khách.

Sau khi nghỉ ngơi, đầu giờ chiều du khách có thể di chuyển để khám phá suối Mỏ Gà (ngay ở chân núi Phượng Hoàng) và thỏa thích bơi lội tại các bể bơi. Hang suối Mỏ Gà là một hang nước. Cửa hang suối Mỏ Gà rộng chừng 10m, cao từ 2 – 7m, trong lòng hang có rất nhiều nhũ đá đẹp. Cũng chưa biết suối dài bao hiêu mét, chỉ biết rằng càng vào sâu càng tối và vụng nước càng sâu. Phía ngoài cửa hang có rất nhiều thác nước nhỏ. Hiện ở khu vực này Công ty TNHH MTV Hanh Hạnh đã đầu tư xây dựng hệ thống bể bơi, gồm 3 bể. Tất cả đều từ nguồn nước ở suối Mỏ Gà dẫn ra. Trong những ngày hè nóng bức mà được ngâm mình trong làn nước mát lạnh ở bể bơi hoặc những tầng thác sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm thật thú vị.

Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà một địa điểm kết hợp hoàn hảo giữa du lịch sinh thái và hang động của Thái Nguyên đang thu hút hàng vạn du khách đến trải nghiệm và khám phá. Nếu bạn là một người ưa khám phá, yêu thích loại hình du lịch hang động thì đừng bỏ qua địa chỉ này nhé bởi nơi đây sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm mới mẻ và những ấn tượng không thể nào quên./.

Di tích lịch sử và thắng cảnh chùa Hang – Thái Nguyên

Nhắc đến địa danh chùa Hang tại Thái Nguyên hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến một ngôi chùa thuộc phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên mà ít ai biết rằng trên mảnh đất này còn có một ngôi chùa nữa cũng mang tên chùa Hang nhưng lại thuộc địa phận thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa.

thái nguyên có gì?

Di tích lịch sử và thắng cảnh chùa Hang – Thái Nguyên

Chùa tọa lạc tại xóm Đồng Chùa, thị trấn Chợ Chu, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 60 km về phía Tây Bắc. Đây không chỉ là một di sản thiên nhiên do tạo hóa ban tặng, là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân mà còn là một di tích gắn với vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, chiến khu cách mạng ATK Định Hóa.

Chùa Hang là một hang động tự nhiên chìm sâu trong núi đá, cửa chùa nằm ở lưng chừng núi đá vôi, dãy núi kéo dài khoảng 10km, theo đường vòng cung, dáng núi có hình hai con rồng châu đầu vào nhau nên nhân dân quen gọi là núi “hai đầu rồng”, phía dưới là dòng sông Chu hiền hòa. Chùa là một quần thể kiến trúc gồm: Hang trên, miếu Mẫu, nhà Tam quan, hang dưới, bàn thờ Phật, tấm bia cổ thời Nguyễn và chuông cổ. Từ cửa hang càng vào sâu trong hang càng rộng, điểm độc đáo ở đây là bên trong có những bãi đá bằng phẳng, nước chảy thành bờ vùng, bờ thửa, lưu truyền đó là ruộng của tiên phật. Nhân dân trong vùng gọi là “ruộng cô tiên”. Cho tới nay, chiều dài của hang thông đến đâu vẫn là một bí ẩn.

Không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên chùa Hang còn là một di tích gắn với một sự kiện lịch sử, là nơi Bác Hồ từng ở và làm việc sau khi đi chiến dịch Biên giới Thu Đông (1950). Nơi đây đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 2015.

Hội chùa Hang diễn ra vào 14-15 tháng Giêng hằng năm, luôn thu hút đông đảo du khách thập phương đến lễ phật, cầu may.

Động Linh Sơn – Thái Nguyên

Động Linh Sơn nằm trong lòng núi Hột, thuộc xóm Núi Hột, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 4 km đường chim bay về phía đông bắc. Trong động có rất nhiều nhũ đá đẹp tạo nên một cảnh quan nổi tiếng, một di tích có niên đại cuối triều nhà Lê.

thái nguyên có gì?

Động Linh Sơn – Thái Nguyên

Động Linh Sơn gồm 2 hang đá tự nhiên là hang Thiên và hang Địa. Hang Thiên nền khá bằng phẳng, vòm cao tới 20m có nhiều nhũ đá tạo nên hình tượng phật, hình con voi, con hổ, đôi rồng vờn mây uốn lượn, động thủy tiên, buồng tiên nữ,…Cuối hang Thiên có đường đi lên đỉnh núi Hột, dân gian gọi là đường lên trời, từ đây lại có đường xuyên xuống hang Địa.

Hang Địa có diện tích rộng hơn hang Thiên, nền khá bằng phẳng, hơi nghiêng từ trái sang phải tạo thành những chiếu nghỉ tự nhiên. Trong hang có nhiều nhũ đá, mỏm đá,… cho ta liên tưởng tới hình mẹ bồng con, hình bút tháp,…

Động Linh Sơn rộng rãi, rất mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, lại ở lưng chừng một ngọn núi đá vôi rộng lớn, hùng vĩ nên từ xa xưa đã được người dân nơi đây chọn làm chùa thờ Phật. Cứ vào ngày mùng một, ngày rằm, dân chúng quanh vùng và khách thập phương ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang,… thường đến đây dâng hương lễ Phật.

Động Linh Sơn hiện còn lưu giữ được một tấm bia ma nhai cỡ 1,2m x 0,8m trên vách đá trước cửa động. Bia khắc chữ Hán, đề tựa Trùng tu Linh Sơn Động, có hoa văn mô típ hoa cúc dây liên hoàn xung quanh theo phong cách thời Lê, làm vào ngày “thập ngũ nhật, thập nguyệt, Ất Mùi niên” tức ngày 15 tháng 10 năm Ất Mùi (không xác định được chính xác năm nào), nội dung chính ghi việc công đức tu sửa chùa ở trong động Linh Sơn.

Di tích danh lam thắng cảnh động Linh Sơn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng năm 1999.

Ngày nay, đến tham quan động Linh Sơn, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú hoang sơ của sơn động mà còn được khám phá một miền quê trù phú trên đất Đồng Hỷ, được thưởng thức những đặc sản hấp dẫn của địa phương như: Ổi Linh Sơn, củ đậu núi Hột,… Nếu có dịp đến du lịch Thái Nguyên bạn hãy tham quan động Linh Sơn nhé./.

Đền Đuổm – Núi Đuổm – Thái Nguyên

Núi Đuổm, xưa gọi là Điểm Sơn, nằm kề quốc lộ 3, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 24 km về phía Tây – Bắc. Sách Đại Nam Nhất THống Chí xếp Điểm Sơn là danh thắng của đất Thái Nguyên và tả: “ Điểm Sơn… phía trước núi có phiến đá chỗ lên chỗ xuống như con rồng ngóc đầu, phía dưới có hai phiến đá lớn như hình hai con voi chầu vào. Đỉnh núi và sườn núi đều có đền”.

thái nguyên có gì?

Đền Đuổm – Núi Đuổm – Thái Nguyên

Núi Đuổm thật là danh lam hiếm có. Từ xa nhìn vào, sáu ngọn núi đá tựa sáu đầu rồng. Ngọn ở phía cực Đông như mọc ra một “tháp đá” chọc thẳng lên trời xanh. Các vách đá thẳng đứng, rêu phong cổ kính. Quanh núi, nhiều cây cổ thụ đường kính gốc hơn một mét.

Dưới chân núi, phía đong bắc, có đền thờ nổi tiếng linh thiêng thờ danh nhân Dương Tự Minh – Thủ lĩnh phủ Phú Lương, Phò mã hai đời vua nhà Lí, có nhiều công lao bảo vệ vững chắc miền biên cương phía bắc quốc gia Đại Việt (đền Trung) và hai nàng công chúa Diên Bình và Thiều Dung vợ ông (đền Hạ), than mẫu của ông (đền Thượng).

Đền Đuổm đã được tôn tạo và xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1993. Lễ hội đền Đuổm được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm.

Di tích lịch sử quốc gia Núi Văn – Núi Võ – Thái Nguyên

Di tích lịch sử Quốc gia Núi Văn – Núi Võ nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, thuộc địa phận hai xã Văn Yên và Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi đây gắn liền với tên tuổi và quê hương vị danh tướng Lưu Nhân Chú nổi danh về tài hoa và tinh thần dũng cảm dưới cờ đại nghĩa trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo thế kỷ XV.

thái nguyên có gì?

Di tích lịch sử quốc gia Núi Văn – Núi Võ – Thái Nguyên

Đây cũng chính là nơi Lưu Nhân Chú cùng cha là Lưu Trung và em rể Phạm Cuống đã chiêu mộ người tài, tập hợp những người yêu nước, xây dựng quân đội ra sức luyện tập binh mã chuẩn bị đánh giặc cứu nước. Lưu Nhân Chú đã lập được nhiều chiến công hiển hách và được nhà vua trọng thưởng. Tương truyền các hang sâu thẳm trong lòng Núi Văn – Núi Võ là nơi các Tướng lĩnh trọng Bộ tham mưu quân khởi nghĩa tụ họp để bàn việc lớn, từ đó đưa ra những quyết định thắng lợi trong mọi trận đánh chống lại quân xâm lược phương Bắc.

Di tích lịch sử Núi Văn – Núi Võ là nơi thờ Tướng quốc Tể tướng Lưu Nhân Chú với tổng diện tích khuôn viên khoảng 2,5ha, gồm hai điểm chính và nhiều địa điểm phụ: Núi Văn thuộc địa phận xã Ký Phú, Núi Võ thuộc địa phẫn xã Văn Yên. Các điểm khác gồm: Núi Quần Ngựa, hồ Tắm Ngựa, núi Cắm Cờ, núi Đá Mài và đồi Xem. Để xứng tầm với vị thế của người hùng Lưu Nhân Chú, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng đền thờ ông dưới chân núi Võ với diện tích 57,622m2 với các hạng mục chính: Đền thờ chính, sân lễ hội, nhà tả vu, hữu vu, nhà khách, vườn hoa, cổng, đường vào … Cuối năm 2009 công trình được khánh thành. Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng Giêng tại di tích vẫn diễn ra lễ hội tưởng nhớ, tôn vinh vị anh hùng Lưu Nhân Chú.

Được sự đồng thuận của chính quyền các cấp, ủng hộ của nhân dân địa phương và Lưu Tộc Việt Nam, Pho tượng Lưu Nhân Chú cao 1,85m, nặng 1500kg đã được hoàn thành đúc đồng ngày 20 tháng chạp năm Giáp Ngọ (2/8/2015), do gia đình cụ Lưu Thế Lũy (Đông Anh, Hà Nội) cùng các con công đức, theo thiết kế sáng tác của nhà điêu khắc Bùi Ngọc Lân, họa sĩ Lưu Thiện An và điều hành của tiến sĩ Lưu Văn Thành – Doanh nhân Lưu Vĩnh Phúc.

Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia năm 1981 tại Quyết định số 10-VHTT/QĐ ngày 09/02/1981.

Khu di tích Khảo cổ học Thần Sa – Thái Nguyên

Khu di tích Thần Sa nằm gọn trong địa phận xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 40 km về phía bắc. Nơi đây những di chỉ khảo cổ đồ đá về con người sống cách chúng ta chừng 2 – 3 vạn năm được phát hiện ở hang Phiềng Tung (hang Miệng Hổ), Ngườm thuộc vùng Thần Sa chứng minh rằng tại đây đã tồn tại một nền văn hoá cổ gọi là văn hoá Thần Sa. Đây là nền văn hoá cổ nhất được biết đến cho tới nay ở Việt Nam và cả vùng lục địa Đông Nam Á.

thái nguyên có gì?

Khu di tích Khảo cổ học Thần Sa – Thái Nguyên

Những dãy núi đá vôi dày đặc thuộc phần cuối của sơn hệ Bắc Sơn và những dải thung lũng hẹp dọc theo đôi bờ sông Thần Sa là nét đặc trưng của địa hình Thần Sa. Chính trong các hang động ở Thần Sa, vào những năm 70 – 80 của thế kỉ XX các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được một loạt các di chỉ khảo cổ có niên đại từ trung kì đá cũ đến sơ kì thời đại đồ đá mới (30.000 năm đến 10.000 năm cách ngày nay) như: Phiêng Tung, Ngườm, Nà Ngùn, Thắm Choong, Hạ Sơn1, Hạ Sơn 2…

Từ La Hiên (cây số 22- Quốc lộ 1B Thái Nguyên – Lạng Sơn) đi thẳng đến trung tâm xã Thần Sa, sau đó xuyên qua bản Trung Sơn của người Tày, đi dọc sông Thần Sa, chỉ khoảng 1 km là tới chân núi Mèo. Hàng Phiêng Từng nằm giữa núi Mèo, ở độ cao khoảng 50m so với chân núi. Phiêng Từng nghĩa tiếng Tày là cao và bằng phẳng. Do từ bản Trung Sơn nhìn lên thấy cửa hàng giống như miệng con Hổ đang há ra nên dân trong vùng gọi là hang Miệng Hổ. Hang rộng và thoáng, có hai tầng. Tầng trên nhỏ, không có tầng văn hoá. Tầng dưới cao 10m, rộng 10m, sâu 20m, rất thuận tiện cho người nguyên thuỷ cư trú. Qua 4 đợt khai quật vào các năm 1972, 1973, 1980 các nhà khảo cổ học đã thu thập được 659 công cụ đá với nhiều loại hình công cụ “khác lạ về kỹ thuật chế tác”. Đó là các loại: Công cụ hòn cuội, công cụ mũi nhọn, công cụ mũi nhọn, công cụ mảnh cuội, công cụ mảnh tước.

Mái đá Ngườm, di chỉ quan trọng nhất của khu di chỉ khảo cổ học Thần Sa, nằm trên sườn núi phía Bắc dãy núi Ngườm, thuộc bản Trung Sơn, cách Phiêng Tung chừng 1 km về phía Nam. Đây là một mái đá khổng lồ, chiều rộng chừng 60m, chiều cao 30m, nằm ở độ cao 30m so với mặt sông Thần Sa chảy ngang trước mặt. Hố khai quật của di chỉ Ngườm cho thấy địa tầng có 4 tầng văn hoá khảo cổ. Những di vật đá đặc trưng của nền văn hoá Bắc Sơn, Hoà Bình, Sơn Vi nằm ở tầng 1, tầng 2, ở tầng 3 thuần các công cụ đặc trưng của Ngườm. Và ở tầng văn hoá thứ 4, là hàng vạn công cụ đá kiểu Phiêng Tung. Ở Phiêng Tung và Ngườm, những công cụ mũi nhọn, công cụ nạo và kỹ thuật gia công lần thứ hai giống những công cụ và kỹ thuật điển hình của văn hoá Mút-xchi-ê, nền văn hoá tiêu biểu cho thời đại trung kì đồ đá cũ thế giới và gần gũi với nền văn hoá Trung kỳ đá cũ Ấn Độ Nevasien.

Những phát hiện khảo cổ học ở Phiêng Tung và Ngườm đã giúp các nhà khảo cổ học xác định được: Ở Thần Sa, ở Việt Nam có một nền văn hoá khảo cổ đá cũ – văn hoá Thần Sa. Chủ nhân của nền văn hoá Thần Sa là những người HomôSapien (người khôn ngoan). Lần đầu tiên ở Việt Nam giáo sư Hà Văn Tấn đã xác lập một kỹ nghệ khảo cổ học mới “Kỹ nghệ Ngườm”.

Trong thung lũng Thần Sa, ngoài hai địa chỉ quan trọng nhất là Ngườm và Phiêng Tung, trong vòng bán kính vài cây số kể từ di chỉ Phiêng Tung còn có tới gần 10 di chỉ từng là nơi cư trú của người nguyên thuỷ. Đó là Ranh 1, Ranh 2, Ranh 3, Nà Ngùn, Nà Khù, Hạ Sơn 1, Hạ Sơn 2, Thắm Choong,…Thần Sa là nơi con người nguyên thuỷ đã sống liên tục trong thời gian dài vài chục nghìn năm, từ thời đại đá cũ đến hậu kỳ đá mới, là nơi mà các phát hiện khảo cổ quan trọng đã góp phần chứng minh sự xuất hiện và phát triển liên tục của con người thuộc các nền văn hoá khảo cổ trên đất Việt Nam, từ Núi Đọ qua Thần Sa, Sơn vi, Hoà Bình, Bắc Sơn,… để bước sang thời sơ sử – Thời đại kim khí với nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ. Ở Châu Á chỉ có di tích Lang Giong Riêng của Thái Lan và Bạch Liên Động ở Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng.

Do có một ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học, có một vị trí đặc biệt trong việc tìm hiểu về lịch sử tiến hoá của con người nguyên thuỷ trên đất Việt Nam nói riêng và cả vùng Đông Nam Á lục địa nói chung, khu di tích khảo cổ học Thần Sa được Nhà nước xếp hạng quốc gia năm 1982 và được Bộ văn hoá Thông tin đưa vào mục di tích đặc biệt của quốc gia.

Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa – Thái Nguyên

thái nguyên có gì?

Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa – Thái Nguyên

Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Ðịnh Hóa là một khu di tích rộng lớn, vùng lõi của chiến khu Việt Bắc. Nơi đây, hằng năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan và tưởng nhớ về một thời hào hùng của dân tộc. ATK Định Hóa với hệ sinh thái động, thực vật phong phú, bản sắc văn hóa đậm đà, với vẻ đẹp tiềm ẩn được Đảng, Nhà nước ta khẳng định: Cùng với Pác Bó, Tân Trào, ATK Định Hóa thuộc quần thể di tích Chiến khu Việt Bắc quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20. Năm 1981, ATK Định Hóa được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng ATK Định Hóa là Di tích quốc gia đặc biệt với các di tích thành phần:

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

thái nguyên có gì?

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Điểm đến đầu tiên khi du khách về thăm Khu di tích ATK Định Hóa là Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh đèo De, một công trình trang nghiêm với lối kiến trúc truyền thống cổ kính. Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng và khánh thành nhân dịp kỷ niệm 115 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2005). Công trình được xây dựng trên đỉnh đèo De, mặt hướng về phía đông bắc, bốn bên đều có núi bao bọc. Từ Tứ trụ lên tới Tam quan là 115 bậc gắn với 115 năm Ngày sinh của Bác. Từ tam quan lên tới Nhà tưởng niệm là 79 bậc gắn với 79 mùa xuân của Người. Hai bên là 2 hàng tùng tháp chạy song song như 2 hàng tiêu binh đứng canh giấc ngủ cho Người… Trở về chiến khu xưa nơi có Nhà tưởng niệm Bác Hồ, dâng lên Bác nén tâm nhang thành kính, tưởng niệm vị lãnh tụ kính yêu, người cha của Quân đội Nhân dân Việt Nam; anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất giữa “Thủ đô kháng chiến”.

Di tích đình Làng Quặng

thái nguyên có gì?

Di tích đình Làng Quặng

Đình Làng Quặng thuộc xã Định Biên là nơi diễn ra lễ hợp nhất Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang khác của Đảng trong toàn quốc thành Việt Nam Giải phóng quân vào ngày 15-5-1945. Đây chính là tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Nằm trong di tích lịch sử đình Làng Quặng có điểm di tích Bãi Thàn Mát là nơi đồng chí Tôn Đức Thắng mở trường huấn luyện chính trị cho các cán bộ, đảng viên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đến tháng 6-1948, trường huấn luyện chính trị được chuyển xuống xã Bình Thành (Định Hóa) và sau này phát triển thành Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, tiền thân của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay. Năm 1993, di tích đình Làng Quặng được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Di tích Đồi “Phong tướng”

Đồi Pụ Đồn tại Nà Lọm, hay còn gọi là đồi “Phong tướng”, ở cách đồi Tỉn Keo khoảng 500m về phía đông, bên phải đường ô tô từ trung tâm xã Phú Đình vào Đèo De. Tại căn lán nhỏ Trại thiếu nhi Nà Lọm, ngày 28/5/1948, trong phiên họp thường kỳ của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy quân đội quốc gia Việt Nam và dân quân tự vệ Võ Nguyên Giáp.

thái nguyên có gì?

Di tích Đồi “Phong tướng”

Đến thăm nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ta càng cảm nhận và ngưỡng mộ Đại tướng – Tổng Tư lênh Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng -Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đưa Đại tướng lên tầm cao của các danh tướng thế giới. Đức độ và tài năng của Đại tướng đã đem lại niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và lòng mến mộ của bạn bè quốc tế.

Di Tích Bảo Biên

thái nguyên có gì?

Di Tích Bảo Biên

Những năm 1949 – 1953, văn phòng Bộ Tổng tư lệnh và Tổng quân Ủy – Tổng hành dinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng đầu đã ở và làm việc tại đồi Đỏn Mỵ thuộc thôn Bảo Biên, xã Bảo Linh, cách trung tâm ATK – Phú Đình 12 km. Từ nơi đây đã ra đời nhiều phương án, kế hoạch, quyết định quan trọng tạo nên những thắng lợi quân sự to lớn, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

Di tích Khuôn Tát

thái nguyên có gì?

Di tích Khuôn Tát

Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ 20 đến 28/11/1947; từ 11/01/1948 đến 7/3/1948; từ 5/4 đến 01/5/1948 và một số lần trong năm 1953. Di tích lịch sử Khuôn Tát bao gồm: Suối Khuôn Tát, cây đa Khuôn Tát – ghi dấu nơi Bác cùng anh em bảo vệ tắm giặt, câu cá, chơi bóng chuyền; Lán Khuôn Tát cũng là nơi Bác giao nhiệm vụ cho Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trước khi cầm quân ra mặt trận Điện Biên Phủ (mật danh Trần Đình): “Tướng quân tại ngoại, giao cho chú toàn quyền quyết định”, “Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh…”

Di tích lán Tỉn Keo

thái nguyên có gì?

Di tích lán Tỉn Keo

Lán Tỉn Keo – Một trong những di tích quan trọng nhất trong hệ thống các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến của ATK Định Hóa, của căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Tại đây, ngày 6/12/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, thông qua kế hoạch tác chiến mùa Xuân 1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Lán Tỉn Keo còn in đậm những dấu tích về một giai đoạn hoạt động đặc biệt quan trọng trong cuộc đời cách mạng của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh.

Thái Nguyên có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Thái Nguyên – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Thường Trương

YOLO! Khám phá các huyện ở Thái Nguyên

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก