Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc có gì?

Là một trong những trung tâm kinh tế và du lịch của đồng bằng sông Hồng, Vĩnh Phúc vốn bao gồm tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên trước đây. Vì nằm ở vùng đỉnh của châu thổ sông Hồng nên Vĩnh Phúc có khí hậu khá mát mẻ, chưa khai thác du lịch nhiều nên thiên nhiên ở đây còn khá hoang sơ. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều danh thắng tuyệt đẹp, không khí nơi đây quanh năm trong lành, mát mẻ nên sẽ là địa chỉ lý tưởng cho những ai muốn nghỉ ngơi, thư giãn. Vĩnh Phúc có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Vĩnh Phúc trong bài viết sau đây nhé.

Núi Sáng – Vĩnh Phúc

Dãy Sáng Sơn nằm giữa núi tổ Nghĩa Lĩnh, núi mẹ Tam Đảo và núi cha Ba Vì. Hiện tại, dãy Sáng Sơn thuộc hai huyện Sông Lô và Lập Thạch (Vĩnh Phúc), cách tỉnh lỵ Vĩnh Yên chừng 30km về phía Tây Bắc. Sáng Sơn nằm sát Tam Đảo, nối tiếp núi Lịch (Sơn Dương – Tuyên Quang). Đỉnh núi Sáng cao 640m so với mặt nước biển và hợp với hàng chục ngọn núi to nhỏ khác thành một dãy dài gọi là dãy Sáng Sơn. Đây là một món quà của thiên nhiên ban tặng cho vùng quê Sông Lô, nó như viên ngọc xanh điểm tô cho con sông Lô – dải lụa bạc hiền hòa chảy dưới chân núi Sáng.

vĩnh phúc có gì?

Núi Sáng – Vĩnh Phúc

Núi Sáng còn ẩn giấu trong thẳm sâu màu xanh cây lá và vẻ trầm mặc của một cảnh quan kỳ vĩ và rất ngoạn mục, trải dài trên hàng loạt địa danh. Những địa danh khu vực Núi Sáng thường gắn liền với những huyền thoại ly kỳ từ thuở hồng hoang dựng nước của cha ông ta như: Thác Bay, núi Hình Nhân, bãi Bách Bung,…

Đi sâu vào trong núi, ta sẽ gặp một tập hợp nhiều thác nước. Trong đó có một ngọn thác được coi là cao nhất, đẹp nhất. Nước thác dội từ trên cao xuống tung bọt nước thành bụi nhỏ li ti bay lan tỏa như sương, như khói. Vì vậy, nó được người dân trong vùng đặt cho cái tên thật giản dị “Thác Bay”. Đây là thác nước được tạo nên bởi một dòng suối chảy xuống từ đỉnh núi Sáng. Dòng chảy bao đời từ đất núi miên man đổ xuống đã tạo ra nhiều thác ghềnh. Cho đến lúc này, người dân trong vùng vẫn chưa xác định cụ thể có bao nhiêu ngọn thác trong hệ thống thác Bay. Lúc là bốn, có khi đến năm bảy ngọn, rồi có người dân bản địa lại khẳng định có tất cả chín bậc thác. Các thác nước nối nhau liên tiếp, càng lên cao, các bậc thác càng cao, tạo nên một cảnh trí ngoạn mục. Thác Bay là tên gọi của ngọn thác cao nhất và được coi là tên chung của cả hệ thống thác này.

vĩnh phúc có gì?

Thác Bay – Vĩnh Phúc

Muốn đến Thác Bay, bạn phải đi đến bờ hồ Bò Lạc – một hồ chứa nước được người dân địa phương xây dựng nên bằng trí tuệ, sức lao động và lòng quyết tâm cao hơn núi từ những năm 80 của thế kỷ trước. Từ đây, để chiêm ngưỡng được hết vẻ đẹp huyền ảo của tất cả các ngọn trong hệ thống Thác Bay, du khách không nên đi đường mòn trên núi mà lội ngược theo dòng suối. Theo cách này, tuy sẽ mạo hiểm và khó khăn hơn nhiều, nhưng bù lại, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng núi, của thác nước từ một góc khác, hoang sơ, quyến rũ vô cùng.

Đi qua thác Bay, từ đó ngược lên cao, ta sẽ đến bãi Bách Bung, nơi Đế Thuấn ngày xưa cấy lúa. Trên núi Sáng tự thuở nào có một ngọn mang tên gọi Bách Bung. Sách Vân Đài loại ngữ có ghi: “Núi Sáng là ngọn cao nhất trong dãy núi Lịch. Đỉnh núi có dăm sáu chỗ bằng phẳng như cung điện, có đền thờ Đế Thuấn.

Núi Sáng có nguồn nước dồi dào chảy quanh năm tạo ra nhiều ghềnh thác, hồ nước đẹp và cung cấp nguồn thủy lợi, thủy sản. Những đoạn suối lớn là môi trường sống của nhiều loại thủy sản (cá bống, cá trê, cá rô, trạch chấu, tép, tôm, cua, …). Những người đi núi thường câu cá nướng tại chỗ. Một bếp lửa, một bầu rượu, dăm ba xiên cá làm nên bữa tiệc cho những du khách yêu cuộc sống thiên nhiên. Hiện nay, chính quyền địa phương đã cho đắp những dòng suối lớn tạo ra các con đập giữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phục vụ du lịch sinh thái. Đó chính là hồ Bò Lạc ở phía Nam, hồ Suối Sải ở phía Bắc núi Sáng.

Sáng Sơn nằm gần quần thể các địa danh với nhiều loại hình du lịch: sinh thái dã ngoại (vườn cò Hải Lựu), thăm quan di tích văn hóa lịch sử (tháp Bình Sơn), thăm quan địa danh lịch sử (ghềnh Khoan Bộ), làng nghề chế tác đá Hải Lựu, du lịch lễ hội (chọi trâu Hải Lựu). Sự kết hợp của các điểm du lịch nói trên sẽ góp phần làm tăng lượng khách đến với Sông Lô – một vùng đất chứa đựng trong mình nguồn tài nguyên du lịch quý giá.

Núi Sáng – Thác Bay, món quà thiên nhiên ban tặng hiện còn nguyên vẻ sơ khai, vẫn còn như “đang ngủ” trong lời hát ru của dòng thác. Tiếng nước reo ngày đêm như lời mời gọi bàn tay con người khai phá nơi này thành điểm du lịch thiên nhiên hấp dẫn. Chắc chắn một ngày không xa, cả quần thể danh lam quanh núi Sáng như: Thác Bay, hồ Bò Lạc, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, hang Đề Thám,… sẽ là sự lựa chọn khám phá của nhiều du khách.

Đầm Rưng – Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi, với rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Đến Vĩnh Phúc để thưởng ngoạn phong cảnh nơi đây mà chưa đến được Tam Đảo,Tây Thiên hay Đền thờ Hai Bà Trưng… thì thật đáng tiếc và còn tiếc hơn nếu chưa được thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của Đầm Rưng.

vĩnh phúc có gì?

Đầm Rưng – Vĩnh Phúc

Đầm Rưng thuộc xã Tứ Trưng cách thị trấn Vĩnh Tường 2 km về phía Tây Bắc, cách trung tâm thành phố Vĩnh Yên 20km về phía Tây Nam. Theo tài liệu ghi lại Đầm Rưng là do dòng sông Kỳ Giang đổi dòng tạo nên. Hiện nay diện tích Đầm còn khoảng 330 mẫu. Buổi sáng thức dậy được dạo quanh Đầm Rưng ta sẽ được tận hưởng mùi thơm ngan ngát của hương Sen, được thả mình và hít thở bầu không khí trong lành đã được thanh lọc bởi “ một cái điều hòa khổng lồ” của Đầm Rưng như làm ta quên đi mọi mệt mỏi của một ngày bộn bề công việc. Gió quện vào với hương Sen thoang thoảng bên Đầm tạo ra một hương vị rất riêng như một đặc trưng của vùng đất này.

Song gió Đầm Rưng không phải lúc nào cũng tĩnh lặng có khi ào ạt làm mặt nước xao động, tạo ra những lớp sóng xô bờ đến dữ dội, bọt tung trắng xóa. Cũng có khi mặt nước Đầm Rưng phẳng lặng nhìn như một tấm thảm lớn bao quanh Đầm. Nước Đầm Rưng trong xanh quanh năm. Và điều lạ lùng là, theo lời kể của người dân nơi đây nước Đầm chưa bao giờ cạn đến tận đáy. Chỉ vào mùa hạ, khi nắng nóng gay gắt và hạn hán lâu ngày thì nước có vơi đi chút ít. Những lúc ấy người dân có thể dễ dàng đánh bắt được rất nhiều hải sản.

Một điều lạ nữa là không biết từ bao giờ ở giữa lòng Đầm Rưng lại nổi lên một gò đất lớn mà người dân quen gọi đó là một “ốc đảo” nhỏ của Đầm. Mùa hè nắng gắt mà được đáp thuyền tới “đảo” thì thật tuyệt vời. Ngồi trên “đảo” mà thả tầm mắt nhìn quanh Đầm ta cảm như lạc vào một vùng đất nào rất hoang sơ của thời tiền sử.

Xung quanh Đầm là những hàng cây xanh mát rượi, trải dài bao quanh lấy Đầm. Tĩnh tại để thả hồn vào với thiên nhiên Đầm Rưng ta được nghe những âm thanh ríu rít của các đàn chim gọi nhau về tổ, những đàn cò trắng về trú ngụ trên những bụi tre ven Đầm. Buổi chiều đến Đầm Rưng không tĩnh lặng mà sôi động bất ngờ, người ta ngỡ rằng nơi đây như một bãi tắm của một vùng biển nào đó của nước ta. Rất nhiều người đã đến đây để được đắm mình vào dòng nước mát, được đi trên bãi cát trắng tinh lấp lánh. Nằm trên chiếc phao bơi, bồng bềnh cùng những con sóng lăn tăn của Đầm Rưng ta ngỡ mình như quên mọi vất vả của đời thường. Đầm Rưng thật sự đẹp khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời như “lòng đỏ trứng gà” đang từ từ xa xuống mặt Đầm làm ta có cảm giác như Đầm Rưng đang ôm choàng lấy mặt trời vào lòng mình để làm nguội đi cái nắng như thiêu như đốt của một ngày mùa hạ.

Đến Đầm Rưng để được ngồi trên một con đò nhỏ nhỏ bằng gỗ với cây sào tre rất dài có thể đưa du khách đi xung quanh Đầm. Lúc đó sẽ thả sức mà nhìn ngắm phong cảnh làng quê yên ả. Đâu đó là những giếng nước bắng đá trong veo, mùi hăng của đỗ, lạc, mùi thơm của lúa nếp vừa gặt…

Đến với Đầm Rưng một lần, không chỉ được thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình nơi đây mà còn được ghé thăm và tưởng niệm Đền thờ danh tướng Nguyễn Văn Nhượng ( hay còn gọi là Đền Đức Ông). Đền thờ Đức Ông nằm ngay trên bờ Đầm Rưng. Theo sử sách xưa có ghi: Năm 1176, thời Lý Cao Tông, danh tướng Nguyễn Văn Nhượng đã xuất trận đánh tan giặc Ai Lao xâm lược, gìn giữ non sông, được vua ban cho nhiều ấn tín. Lúc Ông mất được vua cho xây lăng và lập đền thờ phong Đông Kinh Thông Phán Đại Vương Thượng Đẳng. Đến thăm Đền du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều di vật quý hiếm như: đồ gỗ, di vật giấy, đồ xứ, đồ đồng, di vật đá…

Đắm mình cùng với phong cảnh nơi đây, lặng mình trước danh tướng xưa, nhưng khi ra về du khách có thể đem theo về những món quà quê có ở chợ Rưng, cũng nằm ngay bên cạnh bờ Đầm. Thật tuyệt vời với sự kết hợp của Đầm – Đền – Chợ đã tạo nên một cảnh quan vô cùng quý giá của một vùng đất Tứ Trưng “ Địa linh nhân kiệt”. Một thoáng Đầm Rưng để rồi nhớ mãi.

Hang Dơi – Vĩnh Phúc

Hang Dơi thuộc xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, là một hang động lớn nơi trú ngụ của hàng ngàn con dơi. Nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ vốn có với cảnh đẹp mà tạo hóa đã ban tặng với những vách đá cao chênh vênh, xếp chồng lên nhau không theo trình tự, dòng thác mát lạnh rì rào suốt ngày đêm.

vĩnh phúc có gì?

Hang Dơi – Vĩnh Phúc

Trên hành trình đến với hang Dơi, du khách sẽ lội qua những dòng suối mát lạnh, trong vắt nhìn được cả từng viên đá cuội dưới đáy. Không gian yên ắng, tĩnh mịch, chỉ có tiếng suối, thi thoảng lại nghe tiếng chim hót véo von phá tan sự yên tĩnh. Cho dù trong thời tiết nắng gay gắt nhưng quý khách vẫn được che phủ bởi tán cây rừng, dưới chân là con suối róc rách chảy, nửa thơ mộng, nửa huyền bí mát lạnh, đưa tay vớt từng nắm nước té lên mặt sẽ khiến du khách sảng khoái, quên đi nỗi mệt nhọc đường xa và cảm thấy yêu thích cảnh trí thiên thiên thoáng đãng nơi đây. Đến với danh lam thắng cảnh ở Vĩnh Phúc này du khách sẽ có dịp gần gũi với cảnh quan thiên nhiên vẫn còn hoang sơ, nước suối trong, mát và sạch, đặc biệt không có rác thải của con người.

Thú vị biết bao khi “khám phá” và “chinh phục” được hang Dơi. Nói như vậy bởi vì nơi đây sẽ là thử thách với du khách bởi con đường đến với điểm du lịch ở Vĩnh Phúc này tuy không quá hiểm trở, nhưng cần đến sự khéo léo khi trèo, thậm chí phải bò, trườn nếu cần thiết bởi đoạn đường khá dốc với những tảng đá to. Có đoạn phải bám vào dây mới có thể lên được, giống những nhà leo núi chuyên nghiệp vậy.

Sau khi vượt qua chặng đường khó khăn dài chừng 3km là đến tới cửa hang, trước mắt chúng ta là một thác nước mát lạnh, hai bên có vách đá cao đầy kiêu hãnh. Hang Dơi hiện ra thật ấn tượng, không gian tĩnh mịch bốn bề, trước cửa hang vách đá dựng đứng, xung quanh cây mọc um tùm,… Sau khi đã trút hết mọi mệt mỏi trên người dưới dòng nước chúng ta vào trong hang. Theo kinh nghiệm du lịch Vĩnh Phúc bạn nên đi giày thể thao vì trong đó rất tối và nhiều chỗ trơn trượt. Chúng ta sẽ thấy bất ngờ khi tận mắt ngắm những chú dơi to, bay lại như thách thức, như đón chào. Trong bóng tối, chúng có phần dữ tợn để chứng tỏ bản lĩnh của mình. Không như những hang, động khác, hang Dơi hầu như còn nguyên vẹn vẻ tự nhiên của nó, không khí trong hang mát lạnh, từng giọt nước rơi tí tách từ trần hang xuống tạo nên một phong cảnh nên thơ.

Hang Dơi rất thích hợp cho các kỳ nghỉ cuối tuần của du khách, phù hợp với tất cả các đối tượng khách, các bạn trẻ năng động ưa khám phá, mạo hiểm hay chỉ những du khách muốn thưởng thức một không gian trong lành yên tĩnh, muốn tinh thần thư giãn đắm say với thiên nhiên hãy đến hang Dơi chắc chắn sẽ làm hài lòng chuyến đi của du khách. Ngoài ra hang Dơi còn là đối tượng nghiên cứu của các ngành hang động học, thực vật học, khảo cổ học, khí tượng học….nhằm tìm kiếm, phát hiện ra những bí mật của thiên nhiên chưa được khám phá.

Di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên – Tam Đảo – Vĩnh Phúc

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên – Tam Đảo (Khu danh thắng Tây Thiên) thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Tây Thiên nằm trong thung lũng lòng chảo của sơn hệ Tam Đảo, có độ cao từ 54m đến 1.100m so với mực nước biển, phạm vi phân bố khoảng 11km2 với cảnh quan đẹp và hùng vĩ. Tam Đảo dùng để chỉ 3 ngọn núi (trong dãy núi) liền nhau đột ngột nổi lên, bồng bềnh trong mây, tựa như 3 hòn đảo trong biển mây phủ, theo địa chí cổ đó là Phù Nghì cao 1.250m; Thiên Thị (Kim Thiên) cao 1.585m; Thạch Bàn cao 1.585m.

vĩnh phúc có gì?

Di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên – Tam Đảo – Vĩnh Phúc

Khu di tích và danh thắng Tây Thiên nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo trong khoảng chiều dài 11km, chiều ngang 1km, là một quần thể di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh, bao gồm hệ thống các đình, chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ như đền Thượng, đền Thõng, đền Mẫu, đền Cậu, đền Cô… Nơi đây tập trung mật độ lớn dấu vết cũ cũng như các công trình văn hóa, các địa chỉ có giá trị nghiên cứu khảo cổ học nằm ẩn mình dưới những cánh rừng già dọc theo con suối Tây Thiên… Vì thế, đây không chỉ là nơi hấp dẫn du khách đến thưởng ngoạn phong cảnh mà còn là một biểu tượng cho đời sống tâm linh, tín ngưỡng tại Việt Nam.

vĩnh phúc có gì?

Đền Thõng

Đền Thõng: là kiến trúc khởi đầu cho cả hệ thống di tích Tây Thiên. Đền nằm ở chân núi, trên một nền cao rộng, được dựng theo phong cách cổ truyền. Hệ thống bậu đá chạy dài suốt mặt trước, với ba lối lên, phân cách bởi bốn rồng lớn. Tiếp theo là nghi môn tứ trụ, mới được dựng lại theo kiểu thức truyền thống, với chất liệu bằng đá. Sau nghi môn trụ là sân đền, rất rộng, được lát đá. Ngôi điện chính có kết cấu mặt bằng hình chữ Đinh, gồm tiền bái, với ba gian hai chái lớn, phần “chuôi vồ”, nơi đặt bàn thờ của Thánh Mẫu có ba gian dọc.

vĩnh phúc có gì?

Đền Cậu

Đền Cậu: Vượt qua đền Thõng bằng con đường đá xếp gập ghềnh men theo bờ suối khoảng hơn 1km tới đền Cậu. Ở nơi đó đã từng có một miếu nhỏ, nay được thay bằng một căn nhà có vẻ đơn sơ làm nơi thờ. Trung tâm của chính điện, có tượng của ba cậu bé cửa rừng đặt trong khám. Đền Cậu khởi nguồn là khe Trường Sinh, tương truyền là nơi “Cậu” ngự lại chiêu mộ và nuôi quân để đi theo phò Quốc Mẫu. Đền được tu sửa lại vào năm 1993.

vĩnh phúc có gì?

Đền Cô

Đền Cô: Cách đền Cậu khoảng 2km, gần thác Bạc, bên dòng Giải Oan (phần trên suối Trường Sinh), để chúng sinh rũ bỏ bụi trần mà nhẹ tâm tiếp bước lên miền thánh thiện. Đền Cô cũng có niên đại lâu đời và hiện đang thờ Cô Bé, tương truyền là một vị con nhà Trời đã cùng Quốc Mẫu giúp dân giúp nước. Cảnh sắc nơi đây thanh nhã, khoáng đãng và yên bình với thảm thực vật phong phú cùng khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ. Dòng suối Giải Oan cùng giếng nước cổ sát chân đền tăng thêm vẻ tịch mịch và thanh tĩnh cho không gian nơi đây. Nếu ai lấy nước từ đó dâng lên cùng lễ vật rồi uống sẽ thấy trong lòng thư thái, thanh thản và tịnh tâm đến lạ lùng.

Khu vực đền Thượng: Hiện nay, đây là khu vực tâm linh chung của cả tín ngưỡng dân gian và tôn giáo, mà trung tâm là điện thờ Quốc Mẫu Tây Thiên.

Đền Thượng: Những tầng bậc xen nhau của mạch núi nơi đây đã tạo nên nền của các điện thờ khác nhau, trong đó, đền Thượng nằm ở chính tâm, lưng tựa vào ngọn Thạch Bàn, hai bên là hai tay núi chạy xuống, phía trước rộng thoáng. Nơi đây, mây vờn núi, cây cối tốt tươi, chim muông tụ hội, khe suối reo vui, tạo thành một trong những miền Thánh địa của dãy núi Tam Đảo. Đền Thượng quay mặt về hướng Tây – Nam; Nghi môn được kết cấu theo kiểu tứ trụ, có tường nối giữa trụ lớn và trụ bên, chỉ để một cửa giữa cho khách hành hương ra vào. Trên các tường này đắp thanh long (rồng xanh), bạch hổ (hổ trắng) và cây cỏ tượng trưng cho bốn mùa. Sân lát đá ở giữa có thần đạo, tạc ba chữ lớn Phúc, Lộc, Thọ (nối dọc) dẫn vào bậc thềm lên điện. Kiến trúc này có mặt nền kiểu chữ Đinh, kết cấu ba gian, hai chái lớn. Nhìn mặt trước, kiến trúc khá cân đối với hai tầng “chồng diêm” tám góc mái cong duyên dáng. Ở phần “chồng diêm” gian giữa treo một bức hoành phi lớn, đề “Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên” bằng Quốc ngữ. Trên chính điện chỉ một pho tượng Bà ngồi ở trên bệ trung tâm, mang dáng vẻ uy nghi, sang trọng, hai chân buông thẳng, hai tay tì trên gối, tay phải cầm quạt gấp.

Ngoài ra, tại khu vực này còn có các công trình mới xây dựng như: miếu Sơn thần, đền Cô Chín, đền Địa Mẫu, đền Tam tòa Thánh Mẫu, Tả/ hữu vu.

vĩnh phúc có gì?

Chùa Tây Thiên

Chùa Tây Thiên: Ngôi chùa cổ đã được thay bằng một chùa mới, dấu xưa chỉ còn lại một ngôi tam quan cổ, khá đẹp, cùng bức hoành phi ghi tên chùa là “Tây Thiên thiền tự”. Kết cấu tam quan theo dạng tam sơn, với sự kết hợp cả yếu tố Phật và Nho. Ngôi tam quan này gần như theo dáng hiện có của tam quan chùa Kim Liên (Nghi Tàm, Hà Nội), song nhỏ và đơn giản hơn, chủ yếu theo hình thức bào trơn đóng bén, mang phong cách nghệ thuật vào khoảng thế kỷ XIX.

Ngôi chùa mới dựng hiện nay, cách nền cũ về bên trái khoảng trên dưới 20m, với một tam quan khác xây bằng vật liệu mới. Toà chùa chính có hình thức truyền thống, song cơ bản, cũng bằng vật liệu mới. Cách bài trí hệ thống tượng đã tương đồng với ngôi chùa dưới đồng bằng. Nhà Tổ mới dựng kiểu nhà sàn, cấu kiện và họa tiết trang trí kết hợp truyền thống và hiện đại. Sau chùa là vườn tháp với 3 tháp còn bia ghi: Cương Sơn Thiền sư, Cúc Khê Thiền sư, Giác Nghĩa. Sau vườn tháp khoảng 100m là địa điểm Thạch Bàn, đây là một khối đá lớn nằm độc lập trong quá trình tạo sơn khu vực này, trên thạch bàn có khắc 1 bàn cờ, truyền thuyết các vị tiên thường xuống đây đánh cờ.

vĩnh phúc có gì?

Đền thờ thần núi Tam Đảo

Đền thờ thần núi Tam Đảo: Từ chùa, con đường quanh co lượn theo sườn núi đưa khách hành hương tới thăm đền thần núi Tam Đảo. Sự tích kể rằng, thần đã âm phù cho cuộc cầu đảo dưới thời Trần Nhân Tông (1279 – 1293) nên được vua phong là “Thanh Sơn Đại Vương”. Đến thời Lê Sơ, đời vua Nhân Tông, niên hiệu Thái Hoà thứ 8 (1450), vua sai đại thần Lê Khắc Phục lên tế thần, ông có để lại tấm bia ma nhai (khắc vào vách núi) ghi lại sự kiện này (cách đền khoảng gần 700m theo lối mòn). Hiện nay, đền thần vẫn khá nhỏ, được kết cấu theo kiểu một gian hai chái, nền cao gần như vuông, hai tầng tám mái, không chuôi vồ.

Bia đá chữ: một di vật lịch sử có giá trị, là tấm bia ma nhai ở khu vực mà người dân địa phương gọi là Bia đá chữ. Tấm bia này trước đây được nhiều người biết đến nhưng chưa ai công bố bởi những khó khăn trong việc đi lại tiếp xúc với hiện vật. Qua khảo sát thực tế, đó là bài văn bia được khắc trực tiếp vào giữa một phiến đá màu ngà, chiều dài khoảng 5m, cao khoảng 3m. Cả phiến đá nằm nghiêng bên bờ suối, tạo ra hình vòm, tựa như hàm ếch, khiến cho phần chữ của bia khắc ở giữa hàm ếch không bị bào mòn bởi mưa nắng. Bia đá chữ có tổng cộng 121 chữ Hán, chữ khắc theo hàng dọc, phân bố trên 11 dòng, dòng nhiều 16 chữ, dòng ít 3 chữ. Chữ dùng theo thể khải thư, với đặc điểm chữ khắc sâu, dễ đọc. Duy ba chữ Bát nhã tuyền (Suối Bát nhã) đặt ở cuối bia được khắc to.

Như vậy, Tây Thiên không chỉ là một vùng sinh thái thắng cảnh thiên nhiên trời phú, mà nơi đây còn gắn với những bước đi đầu tiên của người Việt trên con đường tiến xuống khai thác vùng châu thổ, là một điểm sáng mang tính khởi đầu của sự dung hội giữa Phật giáo có yếu tố nguyên sơ với tín ngưỡng dân gian, thông qua vị anh hùng văn hoá. Qua các tài liệu lịch sử, các nhà khoa học đã nhận định: Đạo Phật truyền bá vào đất nước ta từ thời Hùng Vương. Đoàn hoằng pháp đầu tiên ở nước ta là hai ngài Sona và Uttara do vua A Dục và Đại lão Hoà thượng Moggaliputta Tissa phái đi và Tây Thiên là nơi đầu tiên Phật giáo vào nước ta, nơi đây đã trở thành cái nôi của Phật giáo Việt Nam.

Các phát hiện về khảo cổ học ở khu vực Tây Thiên là những minh chứng cho thấy quá trình tồn tại của di tích kéo dài từ các thế kỷ XIII – XIV đến các thế kỷ XIX – XX, nhưng tập trung nhất là thời Trần. Những hiện vật được tìm thấy như những mảnh tháp đất nung (vốn là tháp mộ các thiền sư có nhiều tầng bằng đất nung mang phong cách Lý – Trần), những vật liệu kiến trúc, các mảnh gốm sứ Việt Nam từ thời Trần đến thời Nguyễn (nổi bật là gốm sứ Trần)… Qua đây, có thể đưa ra nhận định, từ rất sớm Tây Thiên đã là một trung tâm Phật giáo lớn với những ngôi chùa có diện tích lên đến vài ngàn mét vuông mặt bằng, với nhiều nền cấp khác nhau tùy thuộc địa hình.

Với giá trị tiêu biểu trên, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên – Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015).

Chùa Hà Tiên – Vĩnh Phúc

Chùa Hà Tiên ở phố Chùa Hà, thành phố Vĩnh Yên, trên trục đường 2B đi Tam Đảo. Diện tích khuôn viên rộng 6,2ha. Chùa Hà Tiên được xây dựng từ năm Quý Mùi (1703), niên hiệu Chính Hoà thứ 24, đời vua Lê Hy Tông Duy Hiệp. Khuôn viên cổ này còn 5 cây bảo tháp, loại 3 tầng. Riêng Tháp Sư tổ được cây đa hơn 300 tuổi phủ rễ, bọc kín gần như cả 4 phía. Ngày 13/12, năm Ất Dậu, tức là ngày 20/01/2006, chùa đươc khởi công trùng quang lại để có quy mô hoành tráng và to đẹp hơn giữa lòng thành phố.

vĩnh phúc có gì?

Chùa Hà Tiên – Vĩnh Phúc

Qua cổng Tam quan từ phía Đông Nam tới tả hữu môn, vòng quanh hành lang tới Tam Bảo, kiến trúc không gian mô phỏng toà Bảo tháp 3 tầng. Từ sân lên đến hiên chùa, phải trèo qua 9 bậc thềm, gọi là “Cửu trùng”. Mái chùa uốn cong 4 góc, trên nóc có “Lưỡng long triều nguyệt”. Phía sau là nhà thờ tổ, đối xứng hai bên có nhà tiếp khách và phòng trưng bày. Các công trình khác bao gồm: thư viện, trai đường, vườn tháp, giếng ngọc…

Phật đường và nhà Mẫu cao lồng lộng, uy nghi, thể hiện sự vĩnh cửu và quảng bá, thanh tĩnh và thiêng liêng.

Mặt tiền sảnh là toàn bộ cánh cửa bức bàn bằng gỗ tứ thiết, chạm trổ rất công phu. Phía trên cửa đặt chấn song con tiện. Bên dưới tạc phù điêu tứ quý cách điệu. Ván bưng áp mái, chạy suốt mặt tiền đại điện, có 5 khuôn chữ lớn, nét khắc tinh xảo và mẫu mực. Ba mặt tiền sảnh, tả vu và hữu vu chùa đều có hành lang và dựng cột đá lập phương liền khối, chạm trổ hoa văn uyển chuyển. Dưới chân cột có ghi tên người công đức một cách khiêm tốn. Cả 10 cột đá đều khắc câu đối. Cung Thánh Mẫu có 3 bậc thềm rải rộng. Ngoài tiền sảnh có 2 câu đối ở 4 cột 2 gian giữa. Chữ khắc lối khải thư, chân phương mà mềm mại. Chùa Hà Tiên xứng đáng là một đại danh lam của thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tháp Bình Sơn – Vĩnh Phúc

Thời Lý – Trần, ở Vĩnh Phúc đã có nhiều tháp. Tháp là một bộ phận, một phần công trình nghệ thuật quan trọng của chùa. Cùng với chùa, tháp là nơi thờ Phật có tính chất tưởng niệm và là nơi để hài cốt các nhà sư. Các tầng của tháp tượng trưng cho từng bước tu hành để lên cõi Niết Bàn của các phật tử.

vĩnh phúc có gì?

Tháp Bình Sơn – Vĩnh Phúc

Trong số tháp còn lại hiện nay chỉ có tháp Bình Sơn là cao nhất, tên chữ là tháp chùa Vĩnh Khánh, tục gọi là chùa Then ở xã Tam Sơn (Lập Thạch). Tương truyền tháp có 15 tầng. Cứ theo các cụ ở địa phương thì trước kia, trên nóc tháp có một hình khối búp hoa sen chưa nở, bằng đất nung, tạo cho toàn thân tháp một dáng vươn lên khá đẹp. Hiện nay chỉ còn 11 tầng tháp và 1 tầng bệ, tất cả cao 16,5 mét. Tháp hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn, Cạnh cửa tầng dưới cùng là 4,45 mét; cạnh cửa tầng thứ 11 là 1,55 mét. Tháp được xây bằng 13.200 viên gạch nung, gồm 2 loại: một loại hình vuông có kích thước là 0,22m x 0,22m, một loại hình chữ nhật có kích thước có kích thước 0,45m x 0,22m. Phần ruột tháp có một khoảng trống nhỏ chạy suốt chân tháp lên ngọn. Bên ngoài, xung quanh tháp được ốp một lớp gạch vuông, mỗi cạnh dài 0,46m, phủ kín thân tháp. Mặt ngoài của gạch ốp này đều có trang trí hoa văn rất phong phú như hoa chanh, hình lá đề, sư tử vờn cầu, rồng uốn khúc … Có viên gạch được khắc một hình trang trí, có hình lại do 2 viên hoặc 4 viên ghép lại mới thành. Đường nét trang trí ở đây rất tinh tế, phóng khoáng, hình dáng chắc khỏe, mang đầy sinh khí của nghệ thuật dân tộc thời kỳ phong kiến tự chủ cường thịnh thời Lý – Trần (thế kỷ XII – XIII).

Những khảo sát và nghiên cứu gần đây cho thấy gạch dùng để xây dựng tháp Bình Sơn được nung với độ lửa cao. Để cho các viên gạch có thể đứng với nhau theo một chiều cao dựng đứng mà không cần vôi vữa, những người xây dựng tháp đã sáng tạo những phương pháp lắp ghép khá độc đáo. Viên gạch được chế tác có mấu và có gờ chỉ để giữ lấy nhau, đó là phương pháp xây gạch khẩu ở chân bệ. Còn có cách khác là mỗi viên gạch có một lỗ hình thang, hai viên gạch xếp sát nhau, tạo thành một mộng cá và người ta đổ chì vào mộng cá đó để giữ 2 viên gạch với nhau, đó là phương pháp xây bằng cá chì dùng để dựng chân tháp.

Chân tháp có nhiều vành đai cánh sen chồng lên nhau làm cho khách tham quan có cảm tưởng như tòa tháp được mọc lên từ một bông sen lớn. Tầng tháp thứ nhất cao 2,27 mét, cạnh 3,30 mét, bốn mặt đều hình tổ tò vò và có sáu chữ nhật dọc, đế nào cũng có ba ô tròn trạm rồng nổi, thân rồng uốn tròn, nằm trên một nền cúc dây. Các ô rồng này lại được đặt nằm trong khung khắc chìm các cánh hoa cúc có hình dấu phẩy. Các đế có hình rồng này được trang trí là đề, hoa dây cuốn nổi. Tầng tháp thứ hai cao 1,68 mét, cạnh 2,27 mét, có một hàng cánh sen ngửa đỡ lấy những hàng gạch. Bốn khung cửa tò vò của tầng tháp này đều có mỗi bên tám khung hình chữ nhật, mỗi khung có hình đắp nổi một ngôi tháp nhỏ 5 tầng tỏa ánh hào quang với những đường chỉ chiếu ra bốn phía. Ngoài bình tháp nhỏ, ta lại gặp nhưng mô típ trang trí lá đề, cúc dây, hoa dây cuốn nổi. Ở tầng thứ tám cũng có trang trí hình tháp nhỏ. Cả 11 tầng tháp đều được trang trí bằng nhiều loại hoa văn với các hình cánh hoa cúc, sư tử vờn cầu, sóng lượn lá đề, hoa chanh … Mỗi tầng tháp đều có nhiều hàng gạch khẩu nhô ra làm mái. Theo lão họa sĩ dân gian Nam Sơn (nguyên là ông từ chùa Vĩnh Khánh) và các cụ già trong vùng thì ở mỗi ô cửa tò vò của các tầng thấp xưa kia đều có tượng Phật Bà.

Hình rồng trang trí ở tháp Bình Sơn là rồng có sừng và cuộn tròn mình, đầu rúc vào giữa, chân đạp ra ngoài, sống lưng có vây như răng cưa, một chân trước đưa lên vuốt tóc. Hình sư tử vờn cầu ở chân bệ tháp đơn giản, hai con sư tử đều không có họa tiết và đồ án trang trí trên thân mà chỉ là hai hình trơn. Cặp sư tử ở đây không quay đầu đối nhau, đưa chân trước vờn cầu như kiểu ở một số chùa khác, mà một con tiến về phía quả cầu, một con đã tiến quá quả cầu, quả cầu nằm trên đuôi nó, còn nó quay đầu ngoảnh lại.

Về niên đại tháp Bình Sơn, một học giả thực dân là Bezacier cho ràng đây là “nghệ thuật Đại La”, có nghĩa là nghệ thuật thuộc văn hóa Đường du nhập sang Việt Nam vào thời Cao Biền làm quan đô hộ xứ giao châu (khoảng thế kỷ thứ VII). Đây là một quan điểm muốn tách công trình nghệ thuật tạo hình tuyệt tác này ra khỏi văn hóa bản địa và mang tư tưởng miệt thị dân tộc ta, đề cao công cuộc “khai hóa” của kẻ xâm lược. Ngày nay, các nhà nghiên cứu nghệ thuật tạo hình Việt Nam đã khẳng định tháp Bình Sơn là một công trình nghệ thuật của Việt Nam, do bàn tay và khối óc của nhân dân Việt Nam sáng tạo vào thời Lý – Trần. Niên đại tuyệt đối của tháp còn là một vấn đề cần được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.

Người dân Lập Thạch, hay các bạn khách xa gần mỗi khi có dịp từ Xuân Hòa ra bến Then, qua sông Lô sang Phú Thọ, hay từ bến Then về Xuân Hòa đi Vĩnh Yên, dẫu không có thời gian vào lễ chùa Vĩnh Khánh, cũng lưu luyến ngắm nhìn tháp Bình Sơn, cây tháp đã trải ngót nghìn năm tuổi vẫn tươi rói màu đỏ gạch nung, không một gợn rêu phong, và vẳng nghe đâu đó lời nhắn nhủ vọng lên từ xa xưa.

Đền Thính – Vĩnh Phúc

Đền Bắc Cung (tên gọi nôm là đền Thính) thuộc xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc là một trong bốn cung đền lớn ở quanh vùng núi Ba Vì và châu thổ sông Hồng thờ đức thánh Tản Viên. Các đền: Tây cung, Nam cung, Đông cung ở bên kia sông Hồng thuộc địa phận Sơn Tây, đây là bốn cung đền được nhân dân xây dựng và bảo tồn tương đối cẩn thận.

vĩnh phúc có gì?

Đền Thính – Vĩnh Phúc

Đền tọa lạc giữa cánh đồng màu mỡ trên khu đất rộng 10.000m2 tựa mình bên những con kênh uốn lượn, bao quanh là làng mạc trù phú, dân cư đông đúc. Từ trung tâm huyện Yên Lạc, du khách theo con đường trải nhựa chừng 300m sẽ đến ngay được khu Đền. Ai đã qua đây một lần sẽ không thể nào quên được sự tuyệt diệu của một không gian Càn Khôn hòa nhập. Một khu vườn cây um tùm quanh năm xanh tốt, những cành cây vươn dài, tán lá xòe ra như bàn tay khổng lồ ôm lấy mái đền cổ kính, uy linh, hương lúa, hương ngô ùa vào đền quện lẫn khói hương trầm ngan ngát. Tiếng chuông trong ngần dội vào thinh không huyền ảo khiến tâm hồn con người vơi bớt nỗi nhọc nhằn nơi trần thế. Hai bên tả mạc, hữu mạc đứng uy nghi và trầm mặc bao lấy khu sân gạch rộng lớn, trông lên một công trình kiến trúc độc đáo.

Đền Thính được khởi dựng cách đây 20 thế kỷ trên nền một ngôi miếu nhỏ thờ đức thánh Tản, nơi trước đó ông đã cho quân nghỉ lại trong một lần vi hành giúp dân khai điền trị thủy. Thần phả truyền lại rằng: Đức thánh Tản (tục vẫn gọi là Sơn Tinh) húy là Nguyễn Tuấn, sinh ngày 15 tháng Giêng năm Đinh Hợi tại động Lăng Xương, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Người mồ côi cha từ nhỏ, ở với mẹ và hai anh em họ là Nhuyễn Hiển, Nguyễn Sùng. Hàng ngày, ba anh em vượt sông Đà, sang vùng núi Ba Vì phát rẫy làm nương, tìm kế sinh nhai. Nơi đây, Nguyễn Tuấn đã gặp bà chúa Thượng ngàn, được bà nhận làm con nuôi và ban cho chiếc gậy đầu tử đầu sinh cùng nhiều phép thuật để cứu nhân độ thế. Sau khi chiến thắng Thủy tinh và cưới được công chúa Ngọc Hoa, Người đã từ chối ngôi báu mà Vua Hùng muốn trao, cùng hai em du ngoạn khắp nơi, giúp dân khai điền, trị thủy và được nhân dân nơi nơi tôn kính. Khi đi ngang qua vùng Tam Hồng, Người đã cho quân nghỉ chân, dạy dân trồng lúa, đánh cá…Sau khi ông đi, dân làng kéo tới nơi Đức Thánh nghỉ chân và thấy ở đó còn sót lại một số gói thính nên sau này, đền có tên gọi là đền Thính. Cũng có sự tích lại kể rằng: khi cho quân nghỉ lại nơi đây, đức Thánh Tản đã dậy dân làm thịt Thính nên dân gian mới gọi tên đền như vậy.

Từ một ngôi miếu nhỏ, đến đời vua Lý Thần Tông (1072-1128) miếu được xây lại thành đền lớn. Đây là nơi vua đến cầu thọ. Đời Vua Minh Mạng (1820-1840) đền lại được tu sửa nhiều lần. Đến đời vua Thành Thái, Tri huyện Yên Lạc cử bần tăng Thanh Ất trùng tu lại đền, công trình kéo dài đến đời Khải Định thứ 6 mới xong (1900-1921). Trải qua bao thăng trầm, đền tiếp tục được nhân dân địa phương gìn giữ và bảo tồn. Ngày 21/1/1992 đền được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá.

Hàng năm, lễ hội đền Thính được mở từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết ngày 20 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội gồm phần lễ tế, rước kiệu của các làng trong và ngoài xã cùng rất nhiều trò chơi dân gian sẽ được tổ chức.

Đình Thổ Tang – Vĩnh Phúc

Đình Thổ Tang thuộc thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, được tạo dựng từ thế kỷ XVII, trải qua thời gian, đến nay còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn kiểu thức kiến trúc thời Hậu Lê.

vĩnh phúc có gì?

Đình Thổ Tang – Vĩnh Phúc

Đình thờ danh tướng Lân Hổ, có công đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Tương truyền, theo lệnh Vua Trần, Lân Hổ đã dẫn quân lên vùng Gia Ninh (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) lập phòng tuyến, bày binh bố trận, chỉ huy quân sĩ chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ kinh đô Thăng Long. Hiện nay suốt một dải từ Dục Mỹ- Sơn Vi (Phú Thọ) đến Vĩnh Tường – Yên Lạc (Vĩnh Phúc) có hệ thống di tích thờ Lân Hổ. ở xã Thổ Tang có Miếu Trúc, đình Thổ Tang, đình Phương Viên, trong đó đình Thổ Tang là trung tâm để tổ chức lễ hội cùng những trò diễn, hèm tục tưởng niệm về vị tướng tài Lân Hổ và cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước của dân tộc ta thời Trần.

Đình Thổ Tang được xây dựng với quy mô đồ sộ, gồm hai toà kiến trúc bố cục theo hình chữ “đinh”. Đại đình 5 gian 2 dĩ 6 hàng chân, hậu cung 2 gian. Toàn đình đếm được 60 cột, làm bằng gỗ tốt đại khoa. Cột cái có đường kính 0,80m, cột con đường kính 0,61m. Nền đình dài 25,80m, rộng 14,20m, bó đá xanh xung quanh. Kết cấu kiến trúc kiểu tứ trụ, chồng rường giá chiêng, gia cố bền chắc.

Đình Thổ Tang hiện còn 21 bức chạm khắc gỗ hết sức tinh tế, được thể hiện trên các thành phần kiến trúc: Thân kẻ, thân bẩy, thân rường, nội dung phong phú, khái quát về chu trình: lao động – làm ăn – hưởng thụ của cư dân nông nghiệp, của nhân dân ta thời Lê Trung hưng. Các bức chạm ở đây được sắp xếp thứ tự theo chu trình đó. Bước vào cửa đình thì thấy ngay bức chạm đầu tiên là “ngày hội xuống đồng” (lễ tịch điền) rồi lần lượt đến các bức “bắn thú dữ” để bảo vệ mùa màng, thôn xóm. Cảnh vui chơi giải trí có: “đá cầu”, “chơi cờ”, “uống rượu”, “người múa”. Cảnh sinh hoạt gia đình có: “trai gái tình tự”, “gia đình hạnh phúc”. Phê phán những thói hư tật xấu có: “đánh ghen”, “vợ chồng lười”. Trang trí thờ phụng gồm các bức: “cửu long tranh châu”, “bát tiên quá hải” và nhiều hình rồng, phượng khác.

Đình Thổ Tang là một trong những ngôi đình đạt đến đỉnh cao về mỹ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian thời Hậu Lê, là di tích được xếp hạng quốc gia sớm nhất ở Vĩnh Phúc, mấy thập kỷ qua luôn thu hút sự quan tâm nghiên cứu của giới khoa học, sự quan tâm bảo vệ tu bổ của Nhà nước các cấp, chính quyền và nhân dân địa phương.

Đình Hương Canh – Vĩnh Phúc

Đình Hương Canh làm thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Đây là ngôi đình có kiến trúc đồ sộ, chạm trổ tinh vi điêu luyện. Cùng với đình Ngọc Canh, Tiên Canh, chùa Kính Phúc (đều đã được xếp hạng Quốc gia) và các điếm, miếu cổ trong một khu vực không rộng của làng gốm cổ Hương Canh – đình Hương Canh tạo thành cụm di tích dầy đặc về mật độ, độc đáo về mỹ thuật kiến trúc gỗ cổ dân gian, rất quý hiếm của tỉnh Vĩnh Phúc, của xứ Đoài và vùng đồng bằng – trung du Bắc bộ.

vĩnh phúc có gì?

Đình Hương Canh – Vĩnh Phúc

Nằm ở vị trí giữa làng, gần 300 năm nay đình Hương Canh vẫn đứng đó như thách thức với nắng mưa, như khoe với thiên nhiên cỏ cây về bộ mái đồ sộ xinh duyên của mình. Lợp bằng ngói mũi hài, mái đình được các hiệp thợ ngoã Hương Canh xếp đặt theo kiểu “đóng óc vẩy rồng” rất chặt chẽ, phẳng đẹp. Bờ nóc được đắp thẳng ke, hai đầu cong lên, các đầu đao cũng vút lên tương tự, toàn bộ mái đình trông như một cánh diều khổng lồ. Nhờ vậy mà đình Hương Canh trông toàn cảnh rất đồ sộ nhưng không nặng nề, to cao mà duyên dáng, không kém phần mềm mại, uyển chuyển.

Xưa kia, đình Hương Canh có 3 toà kiến trúc bố cục theo kiểu chữ “vương”, năm 1964 trong khi tu sửa đã dỡ đi toà cuối cùng, nay còn toà tiền tế và đại đình. Tiền tế đình Hương Canh gồm 3 gian, mái được làm kiểu 2 tầng 8 mái, toà đại đình 5 gian 2 dĩ, dài 26m, rộng 13,50m, 4 mái. Để chống đỡ bộ mái nặng hàng chục tấn ấy, các nhà thiết kế thời bấy giờ đã tạo ra cho đình một bộ khung rất chắc chắn. Riêng toà đại đình với 6 hàng chân – 48 cột gỗ tốt, đại khoa, cột cái có chu vi 2,40m, cao 6m; cột con chu vi 1,80m, cao 4m. Sự tài tình của người thợ ở đây là ngoài việc mộng sàm chặt khít, còn phải tính toán chính xác để phân phối lực đều cho toàn đình, từ đó tạo cho đình một thế cân bằng (nếu không thì đình sẽ bị lật đổ theo kiểu “nặng bồng nhẹ tếch”). Mỗi bộ phận cấu tạo nên đình đều chịu một lực nhất định tương xứng với chức năng của nó. Các xà ngang dọc giằng co với nhau, thu hút lực đưa về ngọn cột để cột chịu lực là chính. Làm được điều đó chắc phải tính toán, đo đạc kỹ lưỡng đến mức nào. ở xó đình bên phải có một đầu bẩy còn cả lỗ sẹo gỗ do người khai thác chặt bằng rìu để luồn dây kéo gỗ về, phần đó thường phải cắt đi nhưng ở đây vẫn được tận dụng hết. Việc làm ngẫu nhiên đó của người xưa nói lên sự tính toán chính xác của họ khi thi công đình này

Là công trình kiến trúc đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian, trong thời gian tới đình Hương Canh không chỉ giới hạn ở sự quan tâm nghiên cứu của giới khoa học, mà còn là địa chỉ đỏ trong những chuyến hành hương tham quan thưởng ngoạn của du khách gần xa.

Đình Ngọc Canh – Vĩnh Phúc

Cách đình Hương Canh chừng 200m, được khởi dựng thời Hậu Lê (thế kỷ XVII), đình Ngọc Canh có kiểu thức kiến trúc tương tự đình Hương Canh, rất đồ sộ, cột lớn kết cấu vững chãi. Hiện đình còn nguyên 3 toà kiến trúc bố cục như hình chữ “vương”, tiền tế 5 gian dài 20m, rộng 7,10m; đại đình 5 gian 2 dĩ dài 24m, rộng 15,50m; hậu cung 5 gian dài 10m, rộng 7,30m.

vĩnh phúc có gì?

Đình Ngọc Canh – Vĩnh Phúc

Về nghệ thuật chạm khắc, đình Ngọc Canh cũng có những bức chạm giống đình Hương Canh như: “đấu vật”, “bơi chải”, “đi săn về” hay những hình rồng phượng, con giống… Tuy nhiên nội dung và nghệ thuật chạm trổ ở đây có những điểm khác với đình Hương Canh. Nếu như ở đình Hương Canh tả nhiều về ngày hội làng, những trò chơi đông người tạo nên không khí vui nhộn thì ở đình Ngọc Canh lại thiên về tả cảnh lao động, những thú vui hàng ngày trong nông thôn. Nếu chạm trổ ở đình Hương Canh đẹp trong không khí nhộn nhịp vui tươi thì chạm trổ ở đình Ngọc Canh đẹp trong không gian trầm lắng, suy tư liên tưởng trước thực tế cuộc sống của nhân dân ta nửa cuối thế kỷ 17, như các bức chạm: “dựng cột buồm”, “uống rượu”, “chơi cờ”, “đến hát nhà quan”. Với lối bố cục chặt chẽ, hài hoà, đường nét phóng khoáng tự do, chú ý khắc hoạ từng chi tiết thể hiện rõ tình cảm, cá tính của từng nhân vật trong bức chạm để rồi có một tác phẩm hoàn hảo, mang nội dung tư tưởng sâu sắc, thể hiện cao độ đề tài định trước. Đó là những thành công nổi bật trong chạm gỗ ở đình Ngọc Canh.

Đình Ngọc Canh, cũng như Hương Canh, Tiên Canh, mỗi đình thuộc một làng, cùng thờ chung 6 vị thành hoàng: Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập – con trai cả của Ngô Quyền, Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn – con thứ của Ngô Quyền, Linh Quang Thái Hậu Dương Thị Như Ngọc – vợ Ngô Quyền, A Lữ nương nương Dương Phương Lan – vợ thứ Ngô Quyền, Thị Tùng phu nhân Phạm Thị Uy Duyên – vợ Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, Đông Ngạc đại thần Đỗ Cảnh Thạc – tướng và là cháu ngoại Ngô Quyền.

Đình Ngọc Canh và các di tích thuộc thị trấn Hương Canh đã và đang được Nhà nước quan tâm lập dự án trùng tu tôn tạo nhằm bảo quản, gìn giữ kiến trúc cổ truyền và các tác phẩm điêu khắc dân gian cũng như việc khôi phục những sinh hoạt hội hè, phát huy giá trị vật thể và phi vật thể của di tích trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước hiện nay.

Chùa Cói – Vĩnh Phúc

Chùa Cói, xưa thuộc làng Cói xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, nay thuộc phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên.

vĩnh phúc có gì?

Chùa Cói – Vĩnh Phúc

Di tích chùa Cói là một tổ hợp đầy đủ của một Phật đường bao gồm: Tam quan, chùa và tháp.

Tam quan chùa Cói với kiến trúc gồm 3 gian nhỏ, gọn, có hệ thống chịu lực chính là 10 cột đá xanh nguyên khối được đẽo gọt công phu, đường kính 0,25m, cao 2,0m, có 3 hàng chân cột, trong đó 2 cột cái gian chính giữa sử dụng cột gỗ lim kéo dài vượt lên làm cột chung cho 2 vì nóc theo lối kiến trúc kiểu chồng rường, thay cho hàng con rường dưới ngoài cùng là đầu bẩy gỗ đua ra đỡ lấy tàu mái, 4 góc mái là các đầu đao cong vút, uyển chuyển ẩn hiện trong vòm lá xanh hữu cảnh đa tình.

Trên 2 cột đá gian chính giữa được vát phẳng một mặt, lần lượt có ghi lạc khoản, tuy qua năm tháng đã phai mờ nhưng quan sát kỹ còn nhận đọc được “Canh Tý, mạnh xuân, cát nhật”. Theo tư liệu của Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam thì tam quan chùa Cói được xây dựng cùng với chùa Cói vào thế kỷ XIII. Chùa xưa còn lưu đôi câu đối về cảnh đẹp và sự tích gốc của chùa, phiên âm:

“Quốc sắc thiên cung thiên hạ hữu
Anh linh thần nữ thế gian vô”

(Về điển tích và xuất xứ đôi câu đối xin được các bậc túc nho, các nhà nghiên cứu cho ý kiến khảo cứu thêm)

Chùa Cói nguyên gốc không còn, nay chỉ còn 12 pho tượng cổ được lưu giữ tại ngôi chùa được xây dựng lại vào năm cuối thế kỷ XX, gồm: 3 pho tam thế Phật, bộ Di đà Tam Tôn ( A Di đà, Quan thế âm và Đại thế chí Bồ tát), tượng A Nan Đà Tôn Giả và Phật Tổ Thích Ca thuyết pháp, tất cả đều bằng gỗ, sơn son thếp vàng, phong cách điêu khắc tượng tròn cuối thế kỷ XVIII.

Tháp: Một loại hình kiến trúc Phật Giáo, một trong những đặc trưng của đạo phật, tháp có thể là nơi chứa đựng Xá Lị, tranh, tượng hoặc có ý nghĩa tượng trưng, ví như: 4 bậc thang lên tháp thể hiện khái niệm là từ – bi – hỉ – xả hay 10 bậc là tượng cho thập địa,…Các tầng tháp thể hiện các phương tiện hoằng hoá phật pháp. Nếu là tháp mộ thì tượng cho mộ tăng hay ni, hoa sen 5 cánh tượng trưng cho “Ngũ Phật”. Tháp Cói có 7 tầng, cao 7,70m, thu dần từ đế lên đỉnh, cứ mỗi tầng thu rút 20cm cả mỗi cạnh vuông và chiều cao (1 cạnh vuông chân đế dài 1,70m) – gạch xây tháp là gạch Bát Tràng, loại gạch bìa vuông, dày 3cm, các viên gạch ở 4 góc tháp đều được tạo vát lên làm cho cây Tháp có dáng cong thanh thoát nhẹ nhàng, vữa kết dính được chế từ vôi vỏ sò trộn mật mía – thân tháp được trát kín một lớp vữa bảo vệ.

Tương truyền. tháp Cói được xây dựng khoảng giữa thế kỷ XVIII, có liên quan tới sự kiện về cuộc khởi nghĩa của Quận Hẻo (Nguyễn Danh Phương, 1740 – 1751) rằng: Chỉ qua một đêm, Nguyễn Danh Phương cho quân xây xong cây tháp và cả quán Tiên, nhằm gây thanh thế và thu phục nhân tâm chống lại triều đình Lê Trịnh, qua hàng trăm năm, một màu rêu phong cổ kính bao trùm toàn bộ cây tháp càng tăng thêm sự gợi mở mong muốn tìm hiểu về một loại hình kiến trúc phật giáo ở Vĩnh Phúc.

Như vây, chùa Cói được xây dựng từ thế kỷ XIII, đến thế kỷ XVIII sau khi dựng 2 cây tháp (nay chỉ còn một, do chiến tranh huỷ hoại) trở thành một tổng thể kiến trúc có giá trị nghệ thuật được Viễn Đông Bác Cổ xếp hạng là di sản văn hoá có giá trị ở Việt Nam (năm 1939).

Nằm trong một quần thể các di tích: Đình Đông Đạo, Quán Tiên, đình Tiên, chùa Hạ, cầu đá…và ở vị trí trung tâm của thành phố Vĩnh Yên, chùa tháp Cói sẽ là điểm đến tham quan, nghiên cứu của đông đảo du khách gần, xa trong và ngoài tỉnh.

Đền Bạch Trì – Vĩnh Phúc

Đền Bạch Trì ở thôn Long Trì, thị trấn Hợp Hoà, huyện Tam Dương, nằm cách quốc lộ 2B (đi Sơn Dương – Tuyên Quang) 1km, cách ngã ba Tam Dương 7km.

vĩnh phúc có gì?

Đền Bạch Trì – Vĩnh Phúc

Đền Bạch Trì có kiến trúc 3 gian thờ dọc, 2 gian ngoài là tiền tế, gian trong cùng bố trí thượng cung bởi sàn ván gỗ nâng cao cách nền 1,60m. Thượng cung bưng ván xung quanh, phía mặt tiền có cửa võng, tạo thành nơi kín đáo, thâm nghiêm – nơi thần ngự. Diện tích mặt bằng kiến trúc đền là 76m2. Kết cấu vì kèo theo dạng thức “chồng rường giá chiêng”, gồm 5 bộ vì, 4 hàng chân (20 cột gỗ lim) kê trên đá tảng tạo thế vững chãi cho ngôi đền. Đây là loại hình di tích ở vùng đất rộng, người thưa, nơi thờ tự thường được dựng trên một quả đồi – gò nhưng kiến trúc nhỏ, đáp ứng nhu cầu sử dụng phù hợp với địa bàn dân cư thưa thớt.

Tuy vậy, đền Bạch Trì cũng còn lưu giữ nhiều mảng chạm khắc gỗ truyền thống với trình độ kỹ thuật tinh xảo, khả năng tư duy sáng tạo, nghệ thuật sâu sắc và tâm nghề chí thành. Các bức chạm gỗ dân gian về các đề tài “tứ linh” (Long – Ly – Quy – Phượng) với các mô típ: Rồng ổ, phượng càm thư, lân cõng chữ thọ,…được thể hiện rất sắc nét, duyên dáng, uyển chuyển, sống động qua kỹ thuật đục bong, chạm lộng trên các bức cốn nách, xà rồng, bức vỉ ruồi đầu hồi, cửa võng,…đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc gỗ cổ truyền của cha ông ta ở thế kỷ XIX, góp phần tạo nên những giá trị văn hoá truyền thống được lưu giữ tại đền Bạch Trì, làm khuôn mẫu cho lối trang trí kiến trúc thờ tự cộng đồng của vùng quê trung du Bắc Bộ.

Đền thờ tam vị: Đệ nhất Sơn Lạc Đại Vương, đệ nhị Sơn Lạc Đại Vương, đệ tam Sơn Lạc Đại Vương, thường gọi là 3 anh em Lã Lạc, đã giúp Lã Gia (Thừa tướng nhà Triệu mà Triệu Đà là người khởi nghiệp) cùng nhân dân trong vùng và nước âu Lạc chống sự xâm chiếm của triều Tây Hán ở phía Bắc thời kỳ khoảng thế kỷ I trước công nguyên.

Toạ lạc trọn vẹn trên một quả đồi có tên đồi Rừng đền, diện tích khoảng 3ha, cao hơn mặt ruộng xung quanh 30 – 40m. Phía trước đền (hướng Nam) là dòng Sơn Tang (tức sông Phan) lững lờ uốn lượn quanh năm, tạo nên một vùng trũng, rộng, dân địa phương gọi là “Ao Bạch”, cùng rừng cây già có Đại, Sộp, Trám,…, đền Bạch Trì sẽ được quy hoạch, tôn tạo trở thành trọng điểm di tích danh thắng của huyện Tam Dương

Đình Tri Chỉ – Vĩnh Phúc

Đình làng Tri Chỉ nằm ở thôn Tri Chỉ xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, cách thành phố Vĩnh Yên 10km. Theo quyết định số 460/ QĐ-BT ngày 18 tháng 03 năm 1996, Bộ Văn hóa Thông Tin đã cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia cho đình làng Tri Chỉ.

vĩnh phúc có gì?

Đình Tri Chỉ – Vĩnh Phúc

Trong cuốn ngọc phả của đình hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Nhân văn Quốc gia có ghi: Đình Tri Chỉ thờ Khoan Khoáng đại vương. Tương truyền, Khoan Khoáng là con của một thầy địa lý quê ở Thanh Hóa và bà Nguyễn Thị Hằng ở trang Hổ Kỳ (xã Đồng Văn). Khi đó, đất nước ta đang nằm dưới ách thống trị của nhà Lương. Mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân ta với quân Lương ngày càng trở nên trầm trọng. Các cuộc đấu tranh, giành quyền tự chủ nổ ra liên miên, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo (đầu thế kỉ thứ VI). Lý Bí là người văn võ song toàn, có lòng yêu nước thương dân; ông biết liên kết với những người có tài, có khí phách. Vì vậy quân xâm lược đô hộ rất sợ và ráo riết truy lùng ông. Lý Bí phải trốn từ Long Hưng (Thái Bình) lên Long Biên (Hà Bắc), rồi lại lên Gia Ninh (Vĩnh Phúc). Tại đây ông chọn chùa Diến Táo ( Đạo Đức – Bình Xuyên) làm nơi liên lạc với hào kiệt bốn phương. Lúc này, Khoan Khoáng đã đến tuổi trưởng thành, liền triệu tập binh sỹ gia nhập nghĩa quân của Lý Bí tại chùa Diến Táo. Nghĩa quân tổ chức công kích ở nhiều địa phương đánh đuổi quân Lương giành được nhiều thắng lợi. Trên đà thắng lợi, nghĩa quân tiến về vây hãm và giải phóng thành Long Biên. Được tin Long Biên mất, nhà Lương vội đem quân xuống tiếp viện nhưng tới nơi bị đánh đại bại. Nghĩa quân chiếm luôn cả ái Châu và án Châu. Sau hai lần chiến thắng, Lý Bí vững tin ở lực lượng của mình, chuyển sang củng cố chính quyền trên đất Giao Châu. Đầu năm 544, Lý Bí tự xưng là Nam Việt Đế (Lý Nam Đế) niên hiệu Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân. Khoan Khoáng đã có công lao to lớn, giúp nhà tiền Lý đánh đuổi quân Lương xâm lược, nên nhân dân trong vùng đã dựng đền thờ phụng.

Hàng năm, vào mùng 10 tháng 09 âm lịch nhân dân trong làng tổ chức lễ hội, với đầy đủ cả phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có các lễ vật của người dân mang đến thờ cúng Khoan Khoáng đại vương. Phần hội dân làng tổ chức bơi thi ở ao đình. Buổi tối có tổ chức nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc với sự tham gia của đông đảo người dân trong vùng.

Đình làng Tri Chỉ không còn ghi lại được chính xác thời gian khởi dựng. Đình được xây dựng trên một khoảng đất bằng phẳng, với diện tích trên 1.000 m2, ba mặt được bao bọc bởi một dải ao làng, bốn mùa soi bóng tre xanh. Sân đình lát gạch vuông, trồng xen kẽ những cây nhãn lớn, nhìn từ xa đình làng như ẩn mình dưới những vòm lá sum xuê. Đình quay về phía tây nam, có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 5 gian đại bái, 2 gian hậu cung với tổng diện tích là 278 m2. Mái lợp ngói mũi hài, với 4 đầu đao cong vút theo cách tạo dáng truyền thống của đình làng người Việt, thể hiện đầu rồng vươn cao hướng vào trong, phía dưới được trang trí như cánh sen mở ra phía trước. Phần kiến trúc cổ của đình, trải qua thời gian nhưng vẫn còn tương đối chắc khỏe, tất cả có 22 cột gỗ không sơn màu và được bào trơn, đánh bóng. Các cánh cửa được chạm trổ hết sức công phu, làm theo kiểu bức bàn 6 cánh sơn son thếp vàng. Hiện nay, đình làng còn bảo lưu được khá nhiều mảng chạm trổ lớn bằng gỗ tạo nên giá trị khoa học và thẩm mỹ. Căn cứ vào kỹ thuật đục chạm và các họa tiết thể hiện trên gỗ, có thể đoán được đây là các bức chạm thuộc thế kỉ thứ XIX, dưới triều Nguyễn. Dù ở dưới các dáng vẻ khác nhau, ở vị trí nào, đề tài duy nhất của các bức chạm vẫn là tứ linh (long, ly, quy, phượng). Nhìn chung, kiến trúc đình Tri Chỉ tương đối đồ sộ, bề thế, phù hợp với tính chất và yêu cầu của một ngôi đình làng. Đó là nơi thờ tự linh thiêng, nơi gửi gắm tâm linh và cũng là ngôi nhà chung của cộng đồng làng xóm.

Đình làng Tri Chỉ còn giữ được nhiều di vật có giá trị:

Di vật gỗ gồm có: một cỗ ngai thờ sơn son thếp vàng, cao 1,40 m, một cỗ kiệu bát cống không còn nguyên vẹn chỉ còn hai đòn cái, hai đòn nhỡ, và hai đòn con trang trí hình rồng và các hoa văn cách điệu. Một cây quán tẩy cao 0,8m tạo dáng hình long cuốn thủy và các hình lục lăng, thân rồng uốn khúc lao từ trên xuống miệng há rộng hút nước. Bẩy cây nến phao, 4 cây lớn cao 0,9m sơn son, 3 chiếc nhỏ cao 0,4m. Một sập thờ bốn mặt được trang trí chạm thủng, hoa lá cách điệu. Mâm xà gồm 4 chiếc được trang trí khác nhau với các hình lưỡng long chầu nguyệt, rồng chầu chữ thọ. Chín đài nước sơn son vẽ thếp tứ linh, 2 lộc bình gỗ, 1 vòm sắc, 3 bức đại tự.

Di vật bằng đồng gồm có: 2 lư hương cao 0,55m, trang trí hình lưỡng long chầu nhật, sóng nước, hoa văn trên lư hương có đề chữ “Cung tiến đình” hai bên có 2 chữ “Tri Chỉ”. Một đỉnh đồng cao 0,32m, trên có đắp con sư tử ngồi chầu, xung quanh khắc hoa văn. Bốn cây nến phao đồng cao 0,5m có dáng hình nón cụt. Một chiêng đồng kiểu chiêng núm có đường kính 0,5m.

Di vật bằng đá gồm có: 2 bia đá, bia hậu cao 0,5m, rộng 0,35m, ghi tên những người công đức góp phần xây dựng đình. Bia thứ 2 cao 0,7m, rộng 0,5m khắc chữ cả 2 mặt.

Đây là toàn bộ di vật của đình được giữ lại từ xưa đến nay, có giá trị thẩm mỹ và quý của ngôi đình.

Đình Tri Chỉ đã trải qua nhiều lần trùng tu, lần đại tu lớn nhất vào năm 2009, nâng cấp toàn bộ phần mái và mặt tiền. Hiện nay, đình to hơn trước, có kiến trúc như ban đầu xây dựng, chính quyền địa phương đã lập ra ban bảo vệ và tu tạo di tích gồm 7 người cao tuổi nhất trong làng.

Ngày nay, Đình làng Tri Chỉ là điểm văn hóa tâm linh, được người dân địa phương giữ gìn và bảo tồn xứng đáng là di tích lịch sử quốc gia.

Di tích khảo cổ học Đồng Đậu – Vĩnh Phúc

Nằm trọn vẹn trên một quả gò cao khoảng 6m so với mặt ruộng trũng xung quanh, có tổng diện tích 8,5ha, thuộc thôn Đông, thị trấn Yên Lạc. Di tích khảo cổ học Đồng Đậu cách trung tâm huyện lỵ Yên Lạc 1,5km về phía Đông, nằm sát đường 305 tỉnh lộ. Kể từ khi phát hiện (năm 1962) đến nay, di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu vẫn được bảo vệ nguyên vẹn, phục vụ tích cực cho các cuộc khai quật, nghiên cứu, tham quan học tập của các cơ quan khoa học chuyên ngành, các nhà khoa học trong nước, ngoài nước và học sinh các trường tại địa phương.

vĩnh phúc có gì?

Di tích khảo cổ học Đồng Đậu – Vĩnh Phúc

Toàn cảnh khu di tích khảo cổ Đồng Đậu

Qua 6 lần thám sát và khai quật lớn vào các năm: 1965 1966, 1967, 1968 1969, 1984, 1987 và 1999, với tổng diện tích là 758m2, tập trung ở các sườn phía Đông, Nam, phía Tây và đỉnh gò với tầng văn hoá dày trung bình trên 3m (có chỗ tới 6,00m) đã phát hiện được rất nhiều di vật khảo cổ với hàng nghìn tiêu bản hiện vật, hàng tấn mảnh gốm các loại, cực kỳ phong phú về chất liệu, chủng loại, đa dạng về loại hình, kiểu dáng

  • Đồ đá: Các loại công cụ sản xuất có: Rìu, bôn, đục (394 chiếc), bàn mài (249 chiếc) đồ trang sức có: Vòng tay, hạt chuỗi, khuyên tai (488 mảnh).
  • Đồ xương: Mũi giáo, lao, mũi tên, mũi khoan, dùi.
  • Đồ đồng: Rìu, giáo, lao (23 chiếc), lưỡi cày (46 chiếc), dùi, kim, khuôn đúc (10 khuôn), mũi tên (64 chiếc), búa và đũa đồng
  • Đồ gốm: bao gồm đồ đựng, đồ đun nấu, đồ phục vụ sinh hoạt, tín ngưỡngCác loại bình, nồi, vò, chậu, chân chạc, bi gốm, chì lưới, tượng.

Từ các hiện vật phát hiện trong tầng văn hoá, qua phân tích cổ sinh vật học và phân tích bào tử phấn hoa, các loại động thực vật đã được sử dụng làm thức ăn có: Voi, lợn rừng, trâu bò, lợn, gà, chim, chó, cá các loại.

Thực vật có: Lúa gạo, ngô, đỗ các loại, nhiều loại rau xanh, một số loại hạt rừng như: Trám, dẻ, sấu

Từ những di vật khảo cổ được phát hiện, qua quá trình nghiên cứu, đến nay có thể nhận biết cơ bản về di tích khảo cổ học Đồng Đậu như sau:

Là một di chỉ cư trú của người Việt cổ lớn nhất ở trung tâm vùng tam giác châu thổ Bắc Bộ, phạm vi diện tích phân bố rộng nhất, tầng văn hoá dày nhất, chứa đựng khối lượng hiện vật khảo cổ rất lớn và phong phú.

Các giai đoạn văn hoá khảo cổ theo quá trình diễn tiến liên tục tại di tích khảo cổ Đồng Đậu đã khẳng định rất rõ là: Lớp sớm nhất từ Phùng Nguyên, tiếp theo đến Đồng Đậu, Gò Mun và cuối cùng là Đông Sơn. Và cũng chính vì vậy, từ di tích Đồng Đậu mà các nhà khảo cổ học Việt Nam có cơ sở khoa học để xác định tiêu chí cho các giai đoạn phát triển văn hoá vùng lưu vực sông Hồng:

Con người có mặt sớm nhất ở đây thuộc giai đoạn muộn của văn hoá Phùng Nguyên, họ đã đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đá nguyên thuỷ, mài nhẵn, đẹp, các đồ trang sức đá tinh xảo, bắt đầu xuất hiện kỹ thuật luyện kim đồng.

Đồ gốm chế tạo bằng bàn xoay, thanh thoát, cân đối, đẹp, hoa văn tiêu biểu là đồ án khắc vạch, chấm dải, đối xứng.

Nghề trồng lúa nước đã phát triển, phát hiện nhiều hạt thóc, gạo cháy trong tro than.

Tiếp theo là giai đoạn Đồng Đậu với yếu tố đặc trưng là công cụ đá giảm, đồ gốm dày, độ nung cao, hoa văn trang trí với mô típ khuông nhạc, chải thành những đồ án: Chữ S, số 8, đối xứng; đồ xương, sừng phát triển; kỹ thuật đúc đồng trở thành yếu tố chủ đạo.

Lớp thứ 3 thuộc giai đoạn văn hoá Gò Mun, đồ đá còn lại ít, đồ xương sừng hiếm, gốm thô, độ nung cao hơn 2 giai đoạn trước, chủ yếu là loại miệng loe gãy, hoa văn khắc vạch trang trí chủ yếu trên thành miệng.

Lớp trên cùng thuộc giai đoạn văn hoá Đông Sơn, do bề mặt di chỉ đã bị cày xới từ khi chưa được phát hiện nhưng những di vật được phát hiện rải rác thuộc phạm vi di chỉ, chủ yếu là các hiện vật đồng: Rìu xéo, giáo, dao mang tính đặc trưng của văn hoá Đông Sơn

Với 4 giai đoạn văn hoá khảo cổ cùng có mặt trên một di chỉ, diễn biến phát triển liên tục, thể hiện một quá trình định cư ổn định, lâu dài của cư dân Việt cổ để hình thành nên Nhà nước đầu tiên của dân tộc.

Đây chính là giá trị lớn lao nhất của di tích khảo cổ học Đồng Đậu, không riêng cho Vĩnh Phúc mà của cả Việt Nam và vùng Đông Nam á.

Vĩnh Phúc có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Vĩnh Phúc – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Chá Chá

YOLO! Khám phá các huyện ở Vĩnh Phúc

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก