Bạc Liêu

Ăn gì khi đến Bạc Liêu?

Bạc Liêu nổi tiếng bởi giai thoại vị công tử Bạc Liêu giàu có một thời hoặc cánh đồng gió đẹp đến ngỡ ngàng. Đến du lịch Bạc Liêu thì chắc chắn không thể nào bỏ qua cơ hội được khám phá nền ẩm thực phong phú và đặc sắc nơi đây. Ăn gì khi đến Bạc Liêu? Nếu như bạn đang có ý định đi du lịch Bạc Liêu trong thời gian tới thì đừng bỏ qua danh sách những món đặc sản Bạc Liêu mà chúng tôi chia sẻ dưới đây nhé.

Bánh tằm Ngan Dừa – Bạc Liêu

Bánh tằm vốn là một món ăn vặt Bạc Liêu nổi tiếng. Dù thực khách cũng có thể tìm kiếm thấy món bánh tằm ở nhiều tỉnh miền Tây nhưng, bánh tằm chính gốc Ngan Dừa Bạc Liêu được xem là công phu, hương vị ngon nhất.

ăn gì khi đến bạc liêu?

Bánh tằm ngan dừa – Bạc Liêu

Bánh tằm Ngan Dừa là một loại bánh truyền thống có từ lâu đời của miền đất này. Bánh được làm từ một loại gạo một bụi đỏ, một loại gạo ngon nức tiếng ở xứ Bạc Liêu nên tạo ra một hương vị rất riêng biệt, khó nơi nào có được.

Bánh tằm Ngan Dừa được làm thủ công, làm thành từng sợi lớn hơn sợi bún, tất cả đều được se bằng tay trên mâm bột. Sau đó được đem lên hấp làm nên từng sợi bánh tằm màu trắng ngà. Chưa hết, bánh tằm Ngan Dừa phải đi kèm với xíu mại. Và xíu mại phải được làm từ thịt ba rọi, từ gan heo kèm với sắn củ băm nhuyễn sau đó được trộn với đường, tỏi, tiêu, bột mì, hành phi vo thành từng viên tròn vừa tay rồi đem đi hấp. Đây cũng chính là công đoạn mà bánh tằm Ngan Dừa khác biệt so với những sợi bánh tằm từ nhiều vùng khác.

Bánh tằm ngan dừa – Bạc Liêu

Bánh tằm Ngan Dừa ăn kèm với một ít nước cốt dừa béo ngậy, với một đĩa dưa leo thái sợi nhỏ, cùng với rau thơm, xà lách, giá đỗ trụng,….Và cuối cùng là một chén nước mắm chua cay đậm đà.

Về thị trấn Ngan Dừa, đi đâu cũng thấy quán bán bánh tằm. Ngồi vào gọi một đĩa, chan xíu mại, thêm nước cốt, cho rau thơm rồi ít muỗng nước mắm chua cay trộn đều và thưởng thức. Những sợi bánh tằm nóng hổi, dai dai, giòn giòn thấm nước cốt dừa béo ngậy, thêm miếng xíu mại đậm đà, vị chua cay của nước mắm, vị dịu nhẹ của xà lách, thơm nồng của tiêu xay tất cả làm nên một món ăn đầy hấp dẫn, khó quên.

Xá Pấu – Bạc Liêu

Xá bấu (củ cải muối) là món ăn có nguồn gốc từ người Trung Quốc nhưng qua bàn tay khéo léo của người Tiều (Triều Châu) ở Bạc Liêu, nó được chế biến khác đi và tạo thành món ăn có hương vị đặc trưng nổi tiếng của miền đất này.

ăn gì khi đến bạc liêu?

Xá Pấu – Bạc Liêu

Tùy từng cách chế biến của mỗi người mà có những hương vị khác nhau nhưng cơ bản món ăn này làm từ củ cải. Để có được những cọng xá bấu giòn, dai, ngọt, bùi, người ta phải tiến hành một công đoạn sơ chế rất công phu và tốn nhiều thời gian. Thường có 2 loại xá bấu ngọt và mặn.

Muốn làm loại mặn người ta rửa sạch củ cải trắng, chẻ ra làm 4, xắt khúc dài khoảng 10cm, ướp muối rồi mang đi phơi nắng cho đến khi teo lại, tránh bị dính nước mưa để củ cải khỏi mốc. Còn cách làm cải xá bấu ngọt chỉ khác là người ta ướp bằng đường, và thường chọn loại củ cải nhỏ. Nhiều thực khách đến miền Tây thường thích ăn loại xá bấu ngọt vì dễ ăn hơn.

Xá Pấu – Bạc Liêu

Một cách làm khác và mang đến hương vị khá lạ cho cải xá bấu là cải được cắt sợi, phơi cho đến khi sợi cải rút gần hết nước thì tẩm nước mắm, đường, bột ngọt. Cách làm này có thể giúp cải để lâu vài tháng mà không hỏng, khi cần đã có thể ăn ngay.

Xá bấu có thể dùng để xào cùng với sả bằm, khi ăn cảm nhận sợi cải giòn sần sật, có vị mặn ngọt quyện lẫn trong mùi thơm của sả, chút cay cay của ớt, ăn kèm với cơm trắng hoặc cháo trắng rất dễ ăn.

Người dân Bạc Liêu thường dùng xá bấu để nấu canh với thịt, đem chiên cùng cơm, xào thịt tôm cũng mang lại cảm giác lạ miệng. Để nấu canh, cải được ngâm trong nước ấm cho bớt vị mặn, sau đó ninh cùng với nước hầm xương heo, khi ăn canh cải có mùi vị đặc trưng, vị ngọt đậm đà. Món này tuy dân dã nhưng thu hút rất đông khách du lịch. Vì vậy khi đến xứ sở của công tử Bạc Liêu, bạn đừng quên thưởng thức món ăn này nhé.

Năn bộp – Bạc Liêu

Trong ẩm thực mùa mưa ở miền Tây Nam Bộ, món năn bộp không thể không được nhắc đến như một đặc sản nổi tiếng. Đây là một loại thực phẩm lấy từ cây cỏ năn ngọt mọc hoang trên những cánh đồng ngập mặn ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,…được thu hái và ăn sống như một loại rau hay chế biến nhiều món ăn.

ăn gì khi đến bạc liêu?

Năn bộp – Bạc Liêu

Cây năn bộp mọc ở nhiều tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cà Mau… song nơi có nhiều nhất có lẽ là vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng. Năn có hai loại: năn kim và năn bộp. Năn kim cọng nhỏ, đầu nhọn như chông, màu xanh đậm, mọc ở vùng nước cạn nhiễm phèn vàng. Còn năn bộp cọng suôn, tròn to cỡ chiếc đũa bếp, màu nâu non, mọc vùng ruộng sâu nhiễm phèn bạc. Gọi là năn bộp vì thân rỗng, khi vỗ vào sẽ phát ra tiếng “bộp” rất vui tai.

Người Bạc Liêu khéo léo chế biến cây năn thành những món ăn dân dã nhưng ngon đến lạ thường từ ba bộ phận kể trên. Đặc sắc và đúng điệu nhất phải kể đến rau năn ăn sống với cá rô đồng rán giòn, cá lóc nướng trui hoặc cá trê nướng dầm nước mắm gừng thì tuyệt không gì bằng.

Những đọt năn sau khi bóc tách hết vỏ để làm rau ăn sống, trộn gỏi, xào, nấu canh, nhúng lẩu, làm dưa… món nào cũng ngon và hấp dẫn. Nhưng đặc sản nức tiếng xứ Bạc Liêu, nhất thiết phải kể đến năn xào tép.

Năn bộp xào tép – Bạc Liêu

Ngoài ra, chồi năn cũng thường được dùng để xào thịt trâu, nghêu, hến, thịt chuột đồng… Để thưởng thức món ăn này, người ta xào để to lửa, đảo nhanh cho chồi năn vừa chín tái thì khi ăn sẽ có độ giòn ngọt.

Còn củ năn bộp, đào lên đem rửa sạch để ăn hoặc ủ đến khi mọc mầm để lấy muối dưa chua – một món ăn được người dân miền Tây Nam Bộ vô cùng ưa thích. Dưa năn bộp có thể muối xổi, trộn dấm đường tỏi ớt và chút muối ăn để khoảng 30 phút là dùng được.

Nếu có dịp về Bạc Liêu, rong ruổi trên những cánh đồng ngập mặn còn thấm đẫm mùi hoang dã, bạn hãy thử một lần khám phá món ăn dân dã nhưng không kém phần quý hiếm này nhé.

Đuông Chà Là – Bạc Liêu

Nếu có dịp đến Bạc Liêu thì bạn ngại gì mà không tìm ăn món đuông chà là? Đây là ấu trùng của một loại côn trùng có cánh gọi là kiến dương. Cứ tháng 10 – 12 âm lịch, là đuông béo múp trở thành món ngon cho người sành ăn.

ăn gì khi đến bạc liêu?

Đuông Chà Là – Bạc Liêu

Đuông chà là là ấu trùng của một loại côn trùng có cánh được gọi là kiến dương. Mùa đuông chà là và béo múp mít là vào cữ tháng mười đến khoảng tháng mười hai âm lịch. Đuông mẹ có cánh mỏ hơi nhọn hai cánh cứng nó có thể khoét được gỗ để vào đẻ trứng. trứng dẻ thành ấu trùng và đây là một thứ đặc sản đệ nhất của vùng Nam Bộ. Đuông chà là thường có trong thân cây dừa, mía, cây chà là và cả trong đất, ngày nay người dân cũng có thể nuôi đuông nhưng có lẽ đuông ngon nhất, béo nhất thì chỉ có ở trong cây chà là.

Người ta có thể chế biến đuông chà là thành nhiều món ăn hấp dẫn như đuông luộc nước dừa, cháo đuông, đuông chiên đậu phộng, đuông nướng lửa than hồng; nhưng phổ biến nhất là đuông chà là lăn bột chiên bơ. Khi ăn, thường chấm đuông chà là với nước tương hoặc nước mắm tỏi, ớt. Bạn sẽ cảm nhận được vị béo ngọt của đuông chà là, vị giòn của bột và bơ thơm cùng vị mặn của nước mắm tạo nên một đặc sản có tiếng.

Đuông Chà Là – Bạc Liêu

Vì vậy đuông được liệt vào “siêu hạng”, vượt lên trên tất cả các sơn hào hải vị khác. Bản thân loài đuông ăn sạch bởi nó chỉ ăn chất béo, mầm non, là những gì ngon lành nhất của cây dừa hay cây chà là. Bởi vậy, thưởng thức món đuông không đơn thuần chỉ là ăn một con sâu, mà là ăn những gì tinh túy nhất của cây dừa, cây chà là. Nếu có dịp đến Bạc Liêu thì bạn nhớ đừng quên nếm thử món đuông chà là nhé.

Mắm chua không xương Vĩnh Hưng – Bạc Liêu

Vùng đất Vĩnh Hưng- Bạc Liêu sông nước với nguồn thủy sản dồi dào và người dân cần cù, chân chất, mộc mạc nơi đây đã nghĩ ra cách chế biến món ăn từ các loại cá, có thể dùng lâu được đó mắm chua không xương Vĩnh Hưng vô cùng hấp dẫn.

Mắm chua không xương Vĩnh Hưng – Bạc Liêu

Để làm mắm chua người ta phải chọn cá sông tươi vừa mới được đánh bắt về làm ruột, đánh vảy, cắt đầu. Cá để làm mắm chua thường là cá rô đồng, cá sặc không nên chọn những con cá to, mà nên chọn cá nhỏ có xương mềm, để khi ăn có thể nhai luôn mà không cần bỏ xương.

Sau khi đã xử lý cá xong, rửa sạch để ráo nước, rồi ướp gia vị, mắm có ngon hay không phụ thuộc vào công đoạn ướp này. Công thức ướp được nhiều người giữ làm bí quyết, để tạo ra vị ngon riêng chỉ có mắm của mình mới có, thu hút người người mua. Nếu muối không đúng cách cá sẽ không chín và mắm rất dễ bị hỏng. Phải ướp làm sao cho đường, muối, tiêu, tỏi, ớt, riềng và cả thính gạo rang với liều lượng hài hòa không chỉ cho ra mùi vị mắm ngon, mà màu sắc của mắm trông bắt mắt. Quá trình ướp gia vị không đơn giản như mọi người nghĩ mà đòi hỏi cần có sự tỉ mỉ và công phu thì mới cho ra mắm chua Vĩnh Hưng đặc sản Bạc Liêu đúng chất được.

ăn gì khi đến bạc liêu?

Mắm chua không xương Vĩnh Hưng – Bạc Liêu

Khi mắm chín, bạn dở hủ mắm ra sẽ tận hưởng được mùi thơm vô cùng hấp dẫn, mắm vẫn còn hình dạng nguyên con nhưng toàn bộ xương thì đã mềm. Chính vì vậy, khi ăn cảm giác rất thích thú cứ thoải mái cắn vào còn con cá mà chẳng sợ phải hóc xương.

Khi mắm đã dùng được, người ta thường ăn kèm mắm chua không xương với dĩa thịt ba chỉ lát mỏng, gói cùng dưa leo, rau thơm, chuối chát, khóm, khế, húng quế… Vị mặn ngọt bùi của mắm chua, vị ngọt đạm của thịt heo và vị thanh mát, chua của các loại rau ăn kèm đã khiến cho món mắm chua càng đậm đà khó tả.

Thời gian gần đây, mắm chua Vĩnh Hưng đã có mặt ở nhiều nhà hàng và chọn làm món ăn khai vị được ưa chuộng, được nhiều người biết đến như món ăn ngon, đặc sản của vùng miền tại các hội chợ trong tỉnh. Điều này đang là cơ hội tốt để mắm chua Vĩnh Hưng khẳng định thương hiệu và phát triển hơn nữa trong lĩnh vực ẩm thực văn hóa miệt vườn. Nếu có dịp đến Bạc Liêu thì bạn nhớ đừng quên món mắm chua không xương này nhé.

Bánh củ cải – Bạc Liêu

Với vị hăng hăng của củ cải, ngọt đậm đà của tôm, thịt, bánh củ cải là món ăn lạ miệng trong những ngày hè nắng nóng mà bạn nên thử khi đến Bạc Liêu.

ăn gì khi đến bạc liêu?

Bánh củ cải – Bạc Liêu

Đến Bạc Liêu, bạn sẽ nhìn thấy những chiếc bánh củ cải theo chân người bán hàng rong dạo khắp các con phố. Nhìn qua bánh giống như há cảo của Trung Quốc nhưng có kích thước lớn hơn, màu trắng đục, lộ rõ phần nhân màu hồng qua lớp vỏ trông rất bắt mắt.

Để làm lớp vỏ ngoài, đầu bếp phải ngâm bột từ đêm trước. Khâu pha bột rất quan trọng bởi phải có lượng nước vừa đủ để khi bánh nguội, lớp vỏ không quá cứng cũng không bị nhão. Thường vỏ bánh được làm từ bột mì pha lẫn bột củ cải trắng xay nhuyễn rồi cán thành miếng mỏng.

Tùy theo cách chế biến của người làm mà bánh củ cải có nhiều loại khác nhau. Có nơi cán nhuyễn ra rồi cắt lát như bánh ướt, có nơi cuốn lại như há cảo… Tuy nhiên nguyên liệu không thay đổi, nhân gồm tôm, thịt, củ cải, cà rốt thái sợi xào qua cho ngấm gia vị rồi đặt vào lòng vỏ bánh, cuốn lại rồi đem hấp trên bếp chừng 30 phút.

Bánh củ cải – Bạc Liêu

Bánh hấp chín có màu trắng đục bọc bên ngoài lớp nhân màu hồng đỏ. Nước chấm cũng được pha chua ngọt đặc trưng. Du khách sẽ cho miếng bánh củ cải vào nước chấm chua ngọt, thơm mùi tỏi băm, sẽ cảm nhận vị ngọt thơm của tôm hòa quyện trong bột bánh bùi bùi, hăng của củ cải. Điều này đã tạo nên hương vị đặc trưng của vùng đất Bạc Liêu.

Trên đây là những đặc sản của Bạc Liêu bạn nên thử khi được đến thăm vùng đất này. Chỉ với những món ăn dân dã quen thuộc nhưng mang lại những mùi vị đặc trưng khó quên cho du khách khi được thưởng thức. Hy vọng sau bài viết này bạn không còn thắc mắc “Ăn gì khi đến Bạc Liêu?” Chúc bạn có một chuyến du lịch Bạc Liêu trọn vẹn và nhiều niềm vui!

Đăng bởi: Nguyễn Thị Thúy Hằng

YOLO! Khám phá các huyện ở Bạc Liêu

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก