đắk Nông

Ăn gì khi đến Đắk Nông?

Các chuyến du lịch núi rừng Đắk Nông luôn có một sức hút mãnh liệt với du khách trong và ngoài nước không chỉ vì phong cảnh núi non hùng vĩ, các lễ hội truyền thống của buôn làng mà còn là vì những đặc sản Tây Nguyên không thể bỏ qua. Nếu là một người đam mê ẩm thực, bạn sẽ không thể nào cưỡng lại sức hấp dẫn từ màu sắc cho đến mùi vị của những món ăn đặc sản Đắk Nông. Ăn gì khi đến Đắk Nông? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các món ăn ngon nổi tiếng của Đắk Nông khi có dịp ghé thăm vùng đất này nhé!

Muối kiến vàng – Đắk Nông

Đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê sinh sống ở Đắk Nông có rất nhiều món ăn truyền thống dân dã như cơm lam, canh thụt, canh bồi… với những nguyên liệu hết sức gần gũi với thiên nhiên; trong đó có món “muối kiến vàng”.

ăn gì khi đến đắk nông?

Muối kiến vàng – Đắk Nông

Muối kiến vàng là một trong những món ăn ưa thích được đồng bào sử dụng trong bữa ăn thường ngày. Cách chế biến cũng khá đơn giản với nguyên liệu chính là kiến vàng (một loại kiến sống bám từng tổ trên cây). Sau khi bắt kiến về để cả tổ ngâm vào nước nóng hoặc bỏ vào chảo rang cho kiến chết, vớt kiến ra để ráo rồi rang chung với muối hạt và ớt xiêm. Tùy theo sở thích của từng gia đình mà cho ớt, muối nhiều hay ít. Khi muối khô và kiến đã chín thơm thì đổ vào cối giã cho đều, bỏ vào hộp dùng trong nhiều ngày…

Muối kiến vàng – Đắk Nông

Muối kiến vàng mang hương vị đặc trưng riêng, vô cùng lạ miệng và hấp dẫn, được đồng bào dùng với cơm trắng khi lên nương rẫy, ăn với rau luộc, chấm xoài xanh hay ăn kèm với các món thịt nướng… Theo đồng bào, kiến vàng chứa nhiều chất dinh dưỡng, có vị chua chua rất dễ ăn. Việc bắt kiến vàng cũng phải theo mùa và chủ yếu vào mùa nắng bởi lúc này kiến chua và mang vị đặc trưng hơn. Ngoài sử dụng kiến để làm muối, đồng bào còn dùng để nấu canh măng, canh lá giang, làm gỏi đu đủ…

Muối kiến vàng thường có mặt trong những bữa ăn của người dân vùng cao nơi đây. Nó có thể dùng thay thế cho muối ớt, chấm ăn kèm với nhiều món khác nhau, nhưng ngon nhất là chấm với các loại thịt nướng.

Cá lăng sông Sêrêpốk – Đắk Nông

Một món ăn khác khi kể tới tại Đắk Nông chính là món cá lăng nướng than, đây cũng là một món ăn mang đậm hương vị núi rừng. Cá lăng thuộc họ cá da trơn thường sống ở nhiều nơi, nhưng nhiều nhất là cá lăng đuôi đỏ thường sống ở sông Sêrêpốk chảy qua địa bàn huyện Krông Nô và huyện Cư Jút.

ăn gì khi đến đắk nông?

Cá lăng sông Sêrêpốk – Đắk Nông

Cá lăng sông Sêrêpốk là một đặc sản của vùng núi Tây Nguyên này. Cá lăng là loài cá da trơn, đầu bẹp như cá trê ở vùng đồng bằng. Do sông Sêrêpôk có dòng chảy quanh năm nên cá lăng sống ở đây có thịt chắc hơn những vùng khác, và có khối lượng nặng hơn cá lăng ở vùng khác. Đây là món quà ẩm thực vô cùng quý giá mà người Đắk Nông được ban tặng bởi dòng sông Sêrêpốk.

ăn gì khi đến đắk nông?

Cá lăng sông Sêrêpốk – Đắk Nông

Cá lăng sông Sêrêpốk có thể làm được nhiều món ăn như nướng, om, làm chả, hấp, xào tỏi hay nấu cháo… món nào cũng ngon vì thịt cá lăng béo, có vị ngọt, giàu dinh dưỡng.

Hiện nay, ngoài đánh bắt cá tự nhiên, người dân Cư Jút đã tổ chức nuôi theo phương thức lồng, bè để tạo ra sản phẩm hàng hóa. Món cá này chấm với muối ớt được làm từ xả, ớt xanh và lá rừng nên khi ăn cùng với cơm lam thì sẽ càng mang lại hương vị đậm đà và rất đặc trưng của ẩm thực Đắk Nông.

Canh thụt – Đắk Nông

Canh thụt là món ăn truyền thống của người M’nông được chế biến từ các nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên. Theo người M’nông, canh thụt có công dụng bồi bổ sức khỏe, trị chướng bụng, đầy hơi, giải rượu, tốt cho mẹ mới sinh, người già sức yếu và những em bé còi xương…

ăn gì khi đến đắk nông?

Canh thụt – Đắk Nông

Nguyên liệu chính để chế biến món canh thụt truyền thống có sẵn trong tự nhiên, bao gồm: lá bép (hay còn gọi là lá nhíp), đọt mây, cà đắng, ớt xiêm rừng, cá suối hoặc thịt động vật. Người M’nông xem đây là những sản vật quý mà núi rừng ban tặng cho họ từ bao đời.

Đầu tiên phải kể đến lá bép (còn gọi là rau nhíp), đọt mây, cà đắng, một số loại rau rừng khác và cá suối. Nhưng nguyên liệu làm nên hương vị đặc trưng nhất của canh thụt phải kể đến ống lồ ô. Đây là vật đựng tất cả các nguyên liệu trước khi để lên bếp nướng cho chín mềm.

Sau khi bếp lửa được nhóm lên, bắt đầu có than, các ống lồ ồ sẽ được để nghiêng trên lửa than để nấu. Khi nấu, lửa không được quá to, ống lồ ô phải được xoay tròn từ từ, liên tục để các nguyên liệu bên trong chín đều, không bị cháy ống. Thời gian nấu thường kéo dài trong khoảng 30 phút. Sau khi nấu chín sẽ cho thêm chút gia vị như muối, bột ngọt…

Canh thụt – Đắk Nông

Trong quá trình nấu, ống lồ ô sẽ tiết nước ra và hòa vào các nguyên liệu bên trong, làm nên hương vị đặc trưng. Sau khi thức ăn được nấu chín, người nấu sẽ dùng thanh tre vót sẵn thụt tới thụt lui cho đến khi tất cả nguyên liệu thật nhuyễn, quyện vào nhau. Đây cũng là lý do món ăn này có tên gọi là “canh thụt”.

Món canh thụt với vị ngọt, bùi, đắng, nhẫn, cay… hài hòa trên mâm cơm truyền thống của người M’nôngLúc gia đình sum họp, người M’nông thường dành một ống canh thụt nấu riêng cho người lớn, thanh niên, trong đó ớt xiêm xanh rất nhiều. Lúc ăn với cơm, chỉ cần nếm một ít canh thụt cũng thấy “sướng”, đủ vị ngọt, đắng, bùi, cay… hấp dẫn vị giác của người thưởng thức. Đặc biệt, khi uống rượu cần mà có món ăn này làm mồi nhấm thì rất thú vị trên mâm cơm truyền thống của người M’nông.

Canh thụt – Đắk Nông

Từ xưa đến nay, hầu như người M’nông nào cũng biết chế biến và xem đây là món ăn “khoái khẩu”, là đặc sản của dân tộc mình. Người M’nông không chỉ nấu canh thụt thưởng thức trong bữa ăn hàng ngày, sum họp gia đình mà còn trân trọng làm lễ vật dâng cúng, không thể thiếu trong ngày lễ, hội truyền thống.

Canh thụt rất phổ biến trong đời sống của đồng bào M’nông. Canh thụt cũng trở thành món ăn gây “thương nhớ”, ấn tượng khó quên cho thực khách gần xa khi đến với tỉnh Đắk Nông.

Khâu nhục – Đắk Nông

Có dịp tham dự Lễ hội Tả Tài Phán (lễ cầu bình an) của đồng bào Hoa tại xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) vừa được tổ chức mới đây, ngoài việc chứng kiến các nghi lễ, chúng tôi còn được biết đến món ăn truyền thống rất độc đáo đó là món Khâu nhục.

ăn gì khi đến đắk nông?

Khâu nhục – Đắk Nông

Theo đồng bào Hoa nơi đây, món Khâu nhục có từ lâu đời và không thể thiếu trong các dịp lễ tết, hiếu hỉ. Ngày xưa, trong các đám cưới của người Hoa, nếu không có món Khâu nhục thì đám cưới ấy xem như không thành và vợ chồng sẽ không đoàn kết, không yêu thương nhau đến bạc đầu. Do đó, vào bất cứ ngày lễ quan trọng nào, dù lớn hay nhỏ đều xuất hiện món ăn này.

Để có món Khâu nhục ngon thì trước hết phải chọn loại thịt ba chỉ không được nạc quá và cũng không nhiều mỡ quá. Các loại gia vị gồm húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, tỏi, ớt, dầu hào, mật ong, xì dầu, rượu, giấm, bột ngọt, hạt tiêu. Thịt ba chỉ phải cạo sạch lông, rửa sạch để ráo nước, cắt miếng to khoảng 0,5kg cho vào nồi luộc chín tới. Thịt sau khi luộc chín, dùng vật nhọn như tăm tre châm vào bì thật kỹ, khi thấy bì chảy mỡ ra thì lau sạch, lấy rượu hoặc giấm (chanh) bôi vào lớp bì cho thấm đều.

Khâu nhục – Đắk Nông

Tiếp theo, thịt được cho vào chảo dầu nóng rán sao cho vàng đều mới vớt ra. Miếng thịt vừa vớt ra khỏi chảo được ngâm ngay vào nước lạnh, rồi vớt ra để nguội. Mỗi miếng cắt khoảng 2cm rồi tẩm các loại gia vị cho thật đều. Sau đó xếp các miếng thịt vào bát, rồi đưa vào nồi hấp cách thủy từ 1 đến 1,5 giờ, cho đến khi thịt mềm nhũn. Khi bỏ ra bát, phần bì quay lên phía trên tạo thành một hình khuôn tròn rất đẹp mắt. Khâu nhục chín có màu vàng đều, hấp dẫn, mùi thơm đặc trưng lôi cuốn người ăn và người Hoa thường dùng kèm với bánh mì, cơm nóng…

Khâu nhục là món ăn truyền thống của dân tộc và luôn có mặt trong các mâm cỗ của gia đình, dòng họ. Cách chế biến vô cùng cầu kỳ nhưng minh chứng cho tình đoàn kết, gắn bó của anh em, vợ chồng, cộng đồng.

Bánh cuốn Tày – Đắk Nông

Nhiều người đến Đắk Nông đã từng biết đến các món ăn như: Gà nướng, thịt nướng, cơm lam, canh thụt của đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê; lợn quay, vịt quay mắc mật của đồng bào Nùng; xôi ngũ sắc của đồng bào Thái… Nhưng có một món ăn ngon còn ít người biết đến, đó là bánh cuốn của dân tộc Tày.

ăn gì khi đến đắk nông?

Bánh cuốn Tày – Đắk Nông

Tại Đắk Nông, đồng bào Tày sinh sống ở hầu hết các huyện, thị xã, nhưng định cư nhiều nhất là ở các huyện: Chư Jút và Krông Nô. Đồng bào Tày có nhiều món ăn ngon, chế biến cầu kỳ, song phổ biến nhất là món bánh cuốn. Trước đây, món bánh cuốn chủ yếu được các gia đình tự chế biến để thưởng thức trong những ngày nông nhàn hay những lúc mưa gió không thể lên nương, rẫy.

Bánh cuốn được làm từ những nguyên liệu chính là gạo tẻ và thịt heo. Bà con thường chọn loại gạo tẻ ngon, dẻo ngâm nước sau đó vớt ra để cho ráo nước rồi cho vào cối đá xay thành bột mịn. Để tạo thành bánh, bà con hòa bột với một lượng nước vừa phải sao cho khi tráng phải kết dính, bánh không quá mỏng hay dày. Công cụ tráng bánh là một nồi nước đun sôi, trên miệng nồi dùng một tấm vải mịn cạp tròn, mặt cong lên trên. Khi ăn, bà con tráng từng chiếc một (tương tự như tráng bánh đa).

Nhân bánh chủ yếu dùng thịt lợn, nhưng muốn nhân ngon phải chọn loại thịt ba chỉ, xay hoặc băm nhuyễn trộn gia vị, rồi phi hành, đảo đều cho đến khi chín tới. Khi ăn, sau khi tráng bánh, bỏ nhân vào dàn đều rồi cuốn lại. Bánh cuốn được ăn kèm với các loại rau thơm, hành tươi và chấm với loại nước chấm làm từ ớt bột ngâm với măng chua. Những người không thích thì có thể chấm với nước mắm ớt hay xì dầu. Cách ăn trên được gọi là ăn khô.

Bánh cuốn Tày – Đắk Nông

Món bánh cuốn còn có một cách ăn khác nữa là ăn nước. Để làm nồi nước dùng, bà con hầm xương heo thật nhừ, sau đó cho các gia vị và không thể thiếu hành, tỏi, sả, thảo quả. Khi ăn, dùng bánh đã cuốn bỏ vào bát nước dùng để ăn cùng với rau sống. Cái thú của món ăn này là phải ăn nóng. Thực khách phải chờ chủ quán cuốn từng chiếc, vừa ăn vừa nhìn bánh nóng hổi, trên bàn tay thoăn thoắt của chủ quán, trông rất ngon miệng.

Hiện nay, các gia đình dân tộc Tày ít khi tự làm bánh. Nhưng tại các chợ vùng sâu ở các huyện Chư Jút, Krông Nô có rất nhiều quán bánh cuốn mang thương hiệu “bánh cuốn Cao Bằng” do người Tày làm chủ. Theo bà con, làm bánh tưởng chừng giản đơn, song để làm ngon không phải là chuyện dễ dàng, ngoài tay nghề còn đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm.

Tại thôn 1, xã Ea Pô (Chư Jút), quán bánh cuốn nhỏ của bà Bế Thị Tâm luôn đông khách bởi bánh bà làm rất ngon, giá cả lại phải chăng. Ngoài người dân ở địa bàn, nhiều người ở các xã lân cận như Nam Dong, Đắk Wil cũng thường về thưởng thức.

Bánh giầy – Đắk Nông

Người Tày thường bảo, mỗi khi trẻ con quấy khóc, chỉ cần “dụ” rằng sẽ làm bánh giầy cho ăn là chúng trở nên ngoan ngoãn, vâng lời. Bánh giầy là món ăn dân gian được làm bằng xôi giã thật mịn, nặn thành hình tròn, dẹt, có nhân bên trong. Loại bánh này thường được người Tày làm vào dịp lễ, tết, cúng mừng vụ lúa mới, lễ cưới hoặc là lúc có khách quý tới chơi nhà…

ăn gì khi đến đắk nông?

Bánh giầy – Đắk Nông

Trên mảnh đất Đắk Nông, nơi được xem là quê hương thứ hai của nhiều hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc đến định cư, trong đó có người Tày. Nhiều thế hệ người Tày đã lớn lên trong mùi bánh giầy thơm ngon của các bà, của các mẹ làm nên. Chiếc bánh như nhắc nhở, cũng như gắn kết cuộc sống, con người Tày với mảnh đất nơi đây.

Nguyên liệu để làm chiếc bánh giầy truyền thống rất đơn giản bao gồm nếp, đậu xanh hoặc vừng đen, đường. Loại nếp được chọn thường là nếp nương hoặc nếp cái hoa vàng. Gạo nếp được đem vo, sau đó ngâm trong nước ấm khoảng 6 – 8 giờ rồi vớt ra để ráo nước, cho vào chõ truyền thống đồ (nấu cách thủy bằng hơi) chín thành xôi. Gạo nếp thường được đồ kĩ từ 30 – 40 phút để xôi thật chín mềm. Khi đồ đến lúc lên hơi, người ta còn tưới thêm nước sôi để khi giã bánh sẽ dẻo hơn. Xôi được đem giã nhuyễn ngay khi còn nóng để bảo đảm bánh mềm, mịn và dẻo.

Người Tày dùng tấm bạt ni lông hoặc cối đá, cối gỗ tốt cùng chày tre nặng, chày gỗ để giã xôi. Đây là công đoạn đòi hỏi sức vóc và nhiều người cùng thực hiện. Trong khi giã phải lưu ý đảo liên tục cho xôi nhuyễn đều. Xôi được giã cho đến khi biến thành bột gạo nhuyễn, dẻo, mịn, hòa quyện vào nhau.

Bánh giầy – Đắk Nông

Bánh giầy người Tày còn có thể làm thành nhiều màu như xanh, đỏ, tím, vàng… từ các loại lá, củ trong vườn. Các loại lá như lá cẩm, lá dứa, củ nghệ, quả gấc… nấu lên tạo màu nước, sau đó đem ngâm với gạo. Như vậy, sau khi đồ xôi rồi giã thành bột, người Tày có thể

Sau giã nhuyễn là công đoạn làm nhân bánh. Tùy theo sở thích của từng gia đình mà nhân bánh có sự khác nhau trong hương vị, nguyên liệu, nhưng phổ biến nhất vẫn là nhân đậu xanh và nhân vừng đen. Cách làm nhân bánh cũng không quá khó nhưng yêu cầu kết hợp số lượng nguyên liệu để tạo nên hương vị chuẩn xác. Nếu làm nhân đậu xanh, người nấu phải chuẩn bị loại đậu xanh đã bóc vỏ, sau đó nấu chín rồi đánh nhuyễn với mật mía. Nhân vừng đen là hỗn hợp đậu phụng rang vàng, hạt mè rang trộn với đường vàng rồi giã nhuyễn.

Sau khi chuẩn bị xong bột nếp và nhân, phụ nữ Tày tiến hành công đoạn nặn bánh. Bột được lấy thành những phần nhỏ cỡ ½ nắm tay người lớn hoặc to bằng chiếc đĩa tùy thuộc vào mục đích sử dụng bánh vào dịp lễ, Tết, cúng tổ tiên, lễ cưới hay bữa ăn gia đình…

Cục bột được dàn mỏng, đổ nhân vào chính giữa kết miệng bánh lại đều xung quanh ôm lấy nhân bánh. Những chiếc bánh giầy hình tròn, dẹt, đường kính khoảng 10 cm gọi là bánh con. Những chiếc bánh cha, bánh mẹ có kích thước lớn, đường kính khoảng 50 đến 60 cm, thường không có nhân. Loại bánh to này thường được làm trong lễ cưới của người Tày. Những chiếc bánh nóng hổi được phết một lớp sáp ong hoặc mỡ lợn để giữ độ bóng, dẻo, thơm và để chúng không dính vào nhau.

Bánh giầy – Đắk Nông

Chiếc bánh nóng hổi bốc mùi thơm dịu của gạo nếp, rất dễ ăn lại không ngấy. Cắn một miếng bánh vào miệng, từ trẻ nhỏ cho đến người lớn đều thích thú với sự dai dẻo của nếp hòa cùng vị ngon ngọt của các loại nhân bánh. Để có một chiếc bánh giầy thơm ngon là hình ảnh mồ hôi của ông cha trên nương rẫy làm nên những hạt gạo căng tròn, là vẹn tròn tình cảm của người bà, người mẹ nặn nên.

Chiếc bánh được dâng cúng thần linh, tổ tiên như thể hiện lòng biết ơn của người Tày đối với cha ông và đất trời. Dù đi đâu, ở đâu, sau mỗi vụ thu hoạch mùa trên nương rẫy, phụ nữ Tày đều lưu trữ các loại nguyên liệu, dùng đôi bàn tay cần cù, khéo léo của mình làm nên những chiếc bánh giầy thơm ngon, gây thương nhớ cho bao thế hệ người Tày.

Pẻng Tải – Đắk Nông

Theo chuyện kể dân gian của người Nùng, thời vua Lý Thái Tông (thế kỷ X), đồng bào Nùng, Tày vùng cao (Cao Bằng) đã làm bánh “tải” cho các chiến binh đem theo làm lương thực ra vùng biên ải đánh giặc ngoại xâm. Bánh được xâu thành từng cặp để đeo trên người cho thuận tiện hành quân nên được gọi là pẻng tải (bánh mang theo). Ngày nay, bánh có nhiều tên gọi khác như bánh đeo, bánh vắt vai, bánh đoàn kết.

ăn gì khi đến đắk nông?

Pẻng Tải – Đắk Nông

Có nhiều cách làm bánh do sở thích, tập quán canh tác, sinh sống của các “nhánh” người Nùng khác nhau như: Nùng An, Nùng Dín, Nùng Phan Slình,… Chung quy lại vẫn từ các nguyên liệu chính như gạo nếp, lá gai, đậu các loại, mè, thịt heo… Người Nùng quan niệm, để dâng lên tổ tiên, biếu cha mẹ, nuôi lớn con trẻ, các nguyên liệu làm bánh đều có sẵn trong vườn nhà và tự trồng, thu hoạch được mới gọi là đáng quý.

Trên mảnh đất Đắk Nông, bánh truyền thống mà người Nùng thường làm trong các ngày lễ cúng có 2 loại, chia theo cách làm bột bánh (phần bọc phía ngoài nhân bánh) là nếp chuối đường và nếp lá gai đường. Nếu làm bột từ nếp và chuối đường phải dùng loại chuối mốc chín thì bánh mới không bị chua và để được lâu. Phần bột mà làm từ nếp và lá gai có phần vất vả, nhiều công đoạn hơn.

Lá gai phải tước bỏ gân lá, phơi khô. Lá khô đem ninh nhừ, vắt ráo nước, thái mịn. Đường phèn hay đường bát đun sôi, trộn với lá gai thành một thứ mật hơi sền sệt. Cho bột vào nhào thật đều với mật này đều rồi đem giã nhuyễn trong cối đá. Bột giã xong nhìn mịn màng, dẻo quánh, màu xanh đen. Mùi nếp, mùi mật, mùi lá gai quyện vào nhau tỏa hương thơm lừng. Nhân của 2 loại bánh này đều làm bằng mè rang giã nát trộn đường bát.

Pẻng Tải – Đắk Nông

Đối với loại bánh ăn thường ngày hay để bán ở chợ thì thường đơn giản hơn với 2 nguyên liệu chính là gạo nếp và đậu. Phụ nữ Nùng dùng gạo nếp ngâm trong 4 – 5 giờ, đem xay thành bột, rồi đựng trong túi vải treo lên giá cho rỉ hết nước để trộn đường. Ban đầu, nhân được làm bằng mè rang, sau này trong quá trình sản xuất, trồng trọt, người dân còn làm từ đậu xanh, đậu phộng, đậu đỏ, đậu đen… để tăng thêm vị và sự bổ dưỡng hơn cho chiếc bánh.

Nhân bánh nếu làm từ đậu phộng được đem rang lên giã trộn đường. Các loại nhân đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen muốn ngon mềm, bùi mà không nhão thì phải ngâm nước nóng khoảng 2 giờ rồi đem hấp chín. Sau đó, thêm đường vào đảo sơ trên bếp, dùng chày giã mịn và vo viên.

Pẻng Tải – Đắk Nông

Các loại “pẻng tải” đều được gói bằng lá chuối phơi khô, hấp trong khoảng 30 phút là chín. Sau khi hấp chín, người ta lấy tăm tre xâu bánh thành từng đôi, treo lên sào nứa nơi góc nhà thoáng mát, để được 3 – 5 ngày không hỏng mốc, ôi thiu. Bánh có vị ngọt thanh của đường, sự dẻo thơm của nếp và ngọt bùi của nhân đậu. Khi để lâu mà bánh bị khô lại, phụ nữ Nùng thường đem nướng sơ trên than hồng hay rán lại cho bánh mềm, thưởng thức thêm được một vị ngon riêng khó tả.

Lúc lên nương rẫy, người Nùng treo bánh lên vai như cách vắt một chiếc khăn mặt ở cổ. Chiếc bánh trở nên gần gũi, quen thuộc trong lối sống của họ. Đặc biệt là trẻ em Nùng luôn yêu thích, lớn lên trong mùi vị béo nhưng không ngấy, thơm ngọt của chiếc bánh.

“Pẻng tải” – bánh đoàn kết trở thành món ăn, đặc sản, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Nùng. Mùi hương thơm thoang thoảng lan tỏa khắp xóm làng như gợi nhớ đến quê hương, truyền thống yêu nước, đoàn kết đánh đuổi giặc ngoại xâm của người Nùng nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.

Thịt gác bếp – Đắk Nông

Người Thái, Dao, Mông, Tày,… trên địa bàn tỉnh cùng có món thịt khô gác bếp (thịt khô) rất độc đáo bắt nguồn từ xa xưa. Món thịt khô không chỉ là một trong những cách bảo quản thịt hữu hiệu mà trở thành đặc sản ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số. Món ăn phần nào nói lên được phong tục và đời sống sinh hoạt thường ngày của các dân tộc.

ăn gì khi đến đắk nông?

Thịt gác bếp – Đắk Nông

Khi chưa có cách bảo quản thịt như ngày nay, đồng bào các dân tộc thiểu số sử dụng cách hun khói (xông khói). Các loại thịt thường dùng là thịt lợn, bò, trâu, nai… Sự khác biệt trong món thịt khô của các dân tộc thường ở công đoạn tẩm ướp.

Các gia vị sử dụng ướp thịt cho ra món ăn mang hương vị đặc trưng của mỗi dân tộc. Thường thì người Thái, Tày tẩm ướp cầu kì, sử dụng nhiều loại gia vị, thảo mộc từ rừng. Người Mông hay Dao lại có cách chế biến đơn giản hơn, giữ lại hương vị nguyên bản của nguyên liệu chính.

Ngoài các loại lá, củ rừng và muối hạt, người Tày còn dùng rượu tẩm ướp thịt. Từng mảng thịt to được lọc ra, rửa sạch, để ráo nước rồi mới thái thành từng miếng dài. Sau khi thái miếng thì không rửa lại bằng nước nữa. Thịt thường sẽ teo sau quá trình hun khói nên các miếng thịt được cắt to, dài (chiều dài khoảng 20 – 30 cm, chiều rộng có thể từ 5 – 15 cm).

ăn gì khi đến đắk nông?

Thịt gác bếp – Đắk Nông

Sau khi sơ chế, tẩm ướp, thịt được xiên từng miếng vào thanh nứa rồi treo lên gác bếp. Bếp lửa đốt cháy liên tục từ 5 – 6 tiếng. Thịt treo trên bếp được hơi lửa, khói mà người Tày nấu ăn hằng ngày hun đến khi nào lớp bì vàng cháy lại, lớp mỡ trong suốt là có thể dùng ăn ngon. Sau khi thịt khô hẳn, người Tày còn gói thịt vào lá chuối khô và cất lên gác bếp để dùng dần.

Cư trú khu vực đồi núi cao, người Mông ưa thích những món ăn ấm nóng để xua bớt tiết trời sương giá bao quanh. Người Mông kể rằng, khi gia đình có việc quan trọng để mổ lợn, phần thịt dư thường được treo trên bếp hun khói. Những con lợn khỏe mạnh, thịt săn chắc, được thả rong trong rừng làm thịt khô là ngon nhất.

Với sức nóng của lửa thịt chín dần, thịt nạc chuyển sang màu đỏ, còn thịt mỡ chuyển dần sang trong suốt, ăn không hề ngán. Lúc này, thịt có thể ăn liền hoặc chế biến thành các món ăn khác nhau bằng cách luộc, nướng, xào cùng với các nguyên liệu khác…

ăn gì khi đến đắk nông?

Thịt gác bếp – Đắk Nông

Bếp củi của các gia đình người Dao thường lúc nào cũng đỏ lửa. Những dải thịt khô treo trên bếp để được quanh năm. Lửa phải điều chỉnh thật khéo, không quá to, cũng không nhỏ quá. Miếng thịt được hun khô bên ngoài, bên trong vẫn còn hơi ướt, mềm thì ăn mới ngon.

Những khi có khách đến nhà, người Dao thường lấy nguyên miếng thịt khô nướng sơ trên than hồng. Đến khi dậy mùi thơm dùng chày đập cho hơi dập làm mềm thịt rồi xé sợi để làm mồi nhấm bên ly rượu đãi khách. Nhìn bên ngoài có vẻ thịt khô, cứng, tuy nhiên khi ăn thịt dậy mùi thơm và vẫn giữ được độ mềm, ngọt. Vào dịp tết, căn bếp của gia đình người dao nào cũng hầu như có một dãy thịt lợn gác bếp.

Với cách “xông khói” trên gác bếp đã làm cho những miếng thịt thơm ngon lạ lùng. Sau những giờ lao động vất vả, những người phụ nữ trở về gian bếp, dùng miếng thịt có sẵn chế biến thành những món ăn hấp dẫn cho bữa cơm gia đình. Ngày nay, thịt khô gác bếp trở thành món ăn đặc biệt trong cộng đồng các dân tộc. Món ăn đặc sản này được nhiều hộ đồng bào thiểu số có tay nghề trên địa bàn tỉnh chế biến, sản xuất thành sản phẩm hàng hóa, phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân và du khách.

Canh chua kiến vàng – Đắk Nông

Từ lâu, người Ê-đê xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) dùng kiến vàng chế biến thành nhiều món ăn dân dã nhưng rất độc đáo, ngon miệng. Trong đó phải kể đến món canh chua kiến vàng, được xem là món ăn truyền thống, đặc sản của người Ê-đê.

ăn gì khi đến đắk nông?

Canh chua kiến vàng – Đắk Nông

Kiến vàng sinh sống trên các cành cây, làm tổ ở những nơi cao. Những ổ kiến vàng có trứng được xem là “lộc rừng”. Đặc biệt vào mùa mưa, từ tháng 5 trở đi, người Ê-đê thường chọn thời điểm này đi “săn” kiến vàng, vì đa phần chúng sẽ làm tổ và đẻ trứng nhiều. Để làm được món canh này phải có các nguyên liệu chính gồm kiến vàng, các loại tôm, cá, cua sông, hoa “djam tang”, ngò gai, nén, gia vị.

Để nấu được món ăn này, người Ê-đê phải đi kiếm tổ kiến vàng. Thay vì dùng me hay lá giang để tạo vị chua cho món ăn, người Ê-đê sẽ sử dụng kiến vàng tạo nên độ chua “độc lạ”. Những tổ đầy ắp kiến vàng và trứng kiến sẽ khiến hương vị của món canh càng đặc biệt và bổ dưỡng.

Với nguyên liệu dân dã, cách nấu canh chua kiến vàng cũng khá đơn giản. Đầu tiên, phụ người ta đặt lên bếp lửa một nồi nước vừa đủ dùng, khi nước sôi sẽ thả vào nồi các loại tôm, cua, cá nhỏ đã sơ chế và củ nén đập dập để tạo độ thơm. Sau khoảng 5 phút, nguyên liệu trong nồi đã đạt độ chín và tạo độ ngọt cho nước thì lần lượt thêm hoa “djam tang” và kiến vàng đã ngâm nước sạch.

Cuối cùng là nêm một chút muối, bột ngọt, thêm vài cọng ngò gai sẽ có được món ăn vô cùng đặc biệt. Tùy theo sở thích người nấu có thể thêm vài quả ớt đã giã nát tạo thêm vị cay cho món canh chua.

Canh chua kiến vàng – Đắk Nông

Người thưởng thức món canh chua kiến vàng nấu hoa “djam tang” sẽ có được ấn tượng khó phai. Vị chua đặc biệt của kiến vàng kích thích vị giác của người nếm. Vị béo ngậy của trứng kiến khiến món ăn càng trở nên lạ miệng, hấp dẫn. Mùi thơm của món ăn đưa hơi cùng vị ngon ngọt từ các nguyên liệu sạch dưới lòng sông Sêrêpốk càng trở nên thú vị.

Đây được xem là một món ăn hấp dẫn của người Ê đê, khi ăn cùng với cơm trắng càng kích thích vị giác người thưởng thức. Từ cách nấu giản đơn nhưng có được sự đậm đà của món canh chua khẳng định được nghệ thuật ẩm thực độc đáo của người Ê đê. Đó là sự kết hợp từ rừng và sông, từ hỏa và thủy, từ mặn và ngọt… một cách hài hòa, không hề đối xứng.

Quả núc nác – Đắk Nông

Với cuộc sống gắn bó từ thiên nhiên nên đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng như đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê ở tỉnh Đắk Nông đều xem những loại cây trái trong tự nhiên đều là sản vật và có thể chế biến thành món ăn ưa thích. Một trong những món ăn từ cây rừng được đồng bào chuộng dùng là quả núc nác.

ăn gì khi đến đắk nông?

Quả núc nác – Đắk Nông

Núc nác là cây thuộc họ cây bồ kết, có quả từng chùm và mọc nhiều ở trong rừng. Theo đồng bào, từ ngọn non tới quả của cây núc nác đều được tận dụng làm bữa ăn hàng ngày.

Các món ăn làm từ quả núc nác không phải ai cũng ăn được, vì nó có vị hơi đắng và hăng. Những ngọn non được luộc chấm cùng nước cốt chanh, hay quả núc nác có thể chế biến làm món xào, luộc, nấu canh nhưng ngon nhất vẫn là món gỏi.

Để có món ăn ngon chế biến từ núc nác, đồng bào thường chọn hái những quả non độ “bánh tẻ”, chưa già, có màu xanh nhạt.

Đầu tiên là nướng quả núc nác trên bếp lửa, cho cháy đen vỏ bề ngoài. Quả chín dần trong quá trình nướng, tạo ra vị thơm đặc trưng của món ăn. Sau đó dùng dao cạo sạch vỏ bị cháy, rồi rửa sạch, để ráo và cắt lát mỏng (nếu cắt dày sẽ bị đắng).

Quả núc nác – Đắk Nông

Để có món gỏi núc nác ngon thì phải có thêm cá khô rang vàng, cá nướng hoặc thịt ba chỉ (tùy theo sở thích của từng gia đình).

Chuẩn bị nước cốt chanh, lạc rang giã nhỏ, rau thơm trộn cùng với cá và núc nác. Khi gần dùng bữa thì mới trộn các nguyên liệu với nhau, sẽ giữ cho mỗi nguyên liệu có vị riêng hơn. Khi ăn, món gỏi có vị nhân nhẫn đắng của quả núc nác, vị cay the thé của ớt, mùi thơm của rau, vị béo của cá, thịt… hòa quyện lại với nhau thành một hương vị hấp dẫn.

Không chỉ dùng làm món ăn mà cây núc nác còn là một vị thuốc quý. Theo những người già ở các bon làng, vỏ thân núc nác có tác dụng thanh nhiệt. Lá, hoa và quả khi còn non đều ăn được sau khi đun nấu.

Đồng bào thường vùi quả non vào trong tro than rồi đem bóc vỏ ngoài, lấy phần trong của quả xào ăn. Hạt, vỏ thân thường được dùng làm thuốc. Hạt dùng trị viêm họng cấp và mạn tính, khan cổ, viêm phế quản cấp và ho gà…

Ngày nay, quả núc nác không chỉ là món ăn yêu thích của đồng bào các dân tộc bản địa mà đã trở thành “đặc sản” của các nhà hàng, khách sạn. Cây núc nác cũng được bà con đưa giống về trồng trong rẫy cà phê và đến khi có trái thì hái mang ra chợ bán.

Cơm lam người Mạ – Đắk Nông

Từ xưa, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Mạ nói riêng có tập quán du canh du cư, sinh sống trên nương rẫy nên thường tận dụng, sáng tạo những nguyên liệu và dụng cụ thô sơ từ rừng để chế biến thức ăn. Cơm lam cũng xuất phát từ đó.

ăn gì khi đến đắk nông?

Cơm lam người Mạ – Đắk Nông

Gạo được cho vào ống lồ ô, tre, dùng nước ở con suối, vách đá chảy ra nấu thành cơm ngay tại rừng. Cách làm cơm này vô cùng đặc sắc vì gạo được nấu trong ống cây bịt kín, giữ nguyên mùi hương và không mất đi chất dinh dưỡng. Đối với người Mạ trên địa bàn tỉnh ta, cơm lam là món ăn phổ biến và không thể thiếu trong các dịp lễ, hội.

Để làm được món cơm lam dẻo thơm đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, khéo léo từ các khâu như: chọn gạo, chuẩn bị ống nấu, cách đặt trên than… Gạo nếp cần chọn loại hạt vừa phải, thuôn dài, trắng, thơm được ngâm trong nước vài tiếng (hoặc 1 đêm). Sau đó đem vo sạch sẽ, trộn thêm ít muối rồi mới cho vào ống lồ ô.

Ống lồ ô không được quá non hay quá già, dài khoảng 1m. Lúc đổ gạo vào các ống không được dồn quá chặt. Dùng các loại lá rừng làm nút bịt ở đầu ống lại. Người Mạ vẫn thường dùng lá dứa rừng để bịt đầu ống lồ ô khi nấu, tạo nên mùi thơm đặc biệt cho cơm lam.

Trước khi nấu, lửa than phải được chuẩn bị thật hồng để cơm không cháy khô và chín đều. Ống cơm không được đặt trực tiếp lên than mà một đầu phải gác trên thanh ngang, một đầu chạm mặt đất tạo nên một góc 45o. Ống cơm phải luôn được trở đều tay cho đến khi vỏ nứa khô. Lúc thấy thoảng mùi thơm của nếp bay ra từ đầu ống thì cơm đã chín. Đặc biệt, lúc cơm gần chín thì phải đục lỗ dưới ống lồ ô để tránh bí hơi, nứt ống, cơm sẽ không ngon…

Cơm lam người Mạ – Đắk Nông

Cơm lam được cắt thành từng khúc dễ ăn và giữ được lớp lụa mỏng màu trắng ngà trong ống lồ ô dính vào những hạt gạo dẻo, nóng hổi, dậy mùi ngọt của hương lá rừng. Chỉ cần mang theo một ít muối vừng, muối ớt, vài đoạn cơm lam (dài chừng 10 – 15cm) trong chiếc gùi là đã có bữa cơm chắc bụng cho người lên rẫy. Điểm nổi bật của cơm lam có thể để được lâu, qua ngày mà không bị ôi thiu.

Từ lúc gieo hạt trên nương cho đến khi thu hoạch, làm ra món cơm lam, người Mạ đã xem món ăn này là kết tinh của đất trời, rừng núi, thần linh ban ơn. Đó còn là sự giao hòa theo nguyên lý âm dương ngũ hành. Gạo được nấu trong ống lồ ô, nứa tre (mộc), dùng nước trong ống thấm ra hoặc từ suối, thác (thủy), có lửa để nấu (hỏa), chế biến và nấu trên mặt đất, nơi núi rừng (thổ)…

Với sự sáng tạo của con người, món ăn dân gian này còn mang theo ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Những ngày lễ hội, có thịt nướng nhất thiết phải ăn cùng với cơm lam. Trên mâm cỗ dâng cúng thần linh của người Mạ, màu trắng ngần của hạt cơm cùng màu vàng sậm của thịt nướng là sự kết hợp vô cùng độc đáo. Sẽ rất thú vị khi được nhâm nhi vị nồng cay của rượu cần, thưởng thức cơm lam dẻo ngọt, cảm nhận vị đậm đà béo ngậy của thịt nướng và nghe người Mạ kể chuyện ông cha đến khai hoang, lập bon làng trên mảnh đất đỏ bazan huyền thoại.

Ăn gì khi đến Đắk Nông? Trên đây là những món ăn đặc sản Đắk Nông nổi tiếng nhất. Có những món rất dễ ăn nhưng cũng có những món với nhiều người tương đối khó ăn. Tuy nhiên, nếu thử ăn thêm vài lần có thể bạn sẽ rất thích đấy. Nếu bạn có dịp đến Đắk Nông thì đừng quên thưởng thức những món đặc sản Đắk Nông nổi tiếng mà chúng tôi giới thiệu trên đây nhé.

Đăng bởi: Hồng Hải Mai Thị

YOLO! Khám phá các huyện ở Đắk Nông

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก