đắk Nông Lễ Hội

Đắk Nông có lễ hội gì?

Đắk Nông là vùng đất hội tụ và giao thoa nhiều vùng văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nơi đây còn lưu trữ nhiều nét văn hoá đặc trưng thể hiện qua các lễ hội gắn với đời sống tâm linh của người dân như là sinh hoạt cồng chiêng, sử thi, văn hoá ẩm thực, các điệu múa dân gian truyền thống. Đắk Nông có lễ hội gì? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các lễ hội dân gian độc đáo, hấp dẫn ở Đắk Nông nhé.

Lễ hội văn hóa thổ cẩm – Đắk Nông

Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông từ ngày 27-30/12/2018 nhằm tôn vinh nghề dệt thổ cẩm. Lễ hội cũng là hoạt động hướng đến kỷ niệm 15 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2019).

đắk nông có lễ hội gì?

Lễ hội văn hóa thổ cẩm – Đắk Nông

Nhắc tới thổ cẩm, người ta nghĩ ngay tới nét giá trị văn hóa giúp phân biệt sắc thái giữa các dân tộc trên mọi miền tổ quốc. Thổ cẩm không chỉ đơn thuần là đồ dùng mà còn là sản phẩm văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Thông qua trang phục truyền thống, người ta có thể nhận biết xu hướng, khả năng sáng tạo, thẩm mỹ của mỗi cộng đồng văn hóa.

Trang phục truyền thống của các dân tộc rất phong phú về mẫu mã cũng như chủng loại. Mỗi bộ trang phục đều có màu sắc, đường nét, hoa văn trang trí riêng biệt, thể hiện quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan sâu sắc trên từng sắc vải. Đây là di sản văn hóa quý giá cần được bảo tồn và phát triển.

đắk nông có lễ hội gì?

Lễ hội văn hóa thổ cẩm – Đắk Nông

Tuy nhiên, di sản này đang dần bị mai một, người dân ít mặn mà với các trang phục truyền thống. Chính vì vậy, việc tổ chức lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam. Lễ hội cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Nông trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Đây cũng là cơ hội để các nghệ nhân các dân tộc thiểu số trong tỉnh và cả nước có dịp giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó và tự hào dân tộc.

Theo kế hoạch, lễ hội bao gồm nhiều chương trình hấp dẫn như: trình diễn trang phục truyền thống và thời trang, thi dệt thổ cẩm, hội nghị tọa đàm về văn hóa thổ cẩm, hội chợ thương mại về sản phẩm thổ cẩm… Lễ khai mạc mang chủ để “Thổ cẩm Việt hội tụ – tỏa sáng năm châu” được tổ chức lúc 20h ngày 27/12 với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc. Lễ bế mạc diễn ra lúc 20h ngày 30/12 với chủ đề “Đắk Nông – Bình minh vẫy gọi”.

Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Đắk Nông. Dự kiến lễ hội sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, quy mô lễ hội dự kiến sẽ được mở rộng dần với việc mời thêm một số tỉnh thành trên cả nước, tiến tới mời thêm một số nước trên thế giới tham gia.

Lễ hội đâm trâu – Đắk Nông

Hàng năm, khi người dân Tây Nguyên kết thúc vụ thu hoạch, cũng là lúc diễn ra lễ hội Đâm trâu – một nét văn hóa của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên thể hiện rõ nét tinh thần dân tộc và đoàn kết của mọi thành viên trong cộng đồng. Năm nay, tại buôn Điêng Đu, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông lễ hội đã diễn ra trong sự xum họp cộng đồng của người M’Nông.

đắk nông có lễ hội gì?

Lễ hội đâm trâu – Đắk Nông

Lễ hội Đâm trâu được tổ chức nhằm tạ ơn và cầu trời đất ban cho người dân mùa màng tươi tốt bội thu, đồng thời gắn kết các cộng đồng dân tộc trên địa bàn lại với nhau.

Lễ hội bao giờ cũng có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Trong đó, Đâm trâu là phần nghi lễ hiến thần quan trọng và là linh hồn của phần lễ. Dũng sĩ đâm trâu được người dân tín nhiệm cử ra phải là người có sức khỏe và uy tín trong bon.

Ngày đầu tiên của lễ hội, tiếng cồng chiêng nổi lên để mời gọi và đón tiếp thần linh cũng như những người tham dự. Cổ vũ để mọi người hoàn thành các bước chuẩn bị cho lễ hội. Trong suốt thời gian này, cồng chiêng liên tục nổi lên để khuấy động không khí.

đắk nông có lễ hội gì?

Lễ hội đâm trâu – Đắk Nông

Các môn thi thể thao thể hiện sức mạnh, đòi hỏi sự khéo léo bền bỉ của phần hội khiến không khí trở nên tưng bừng, náo nhiệt hơn. Người dân đổ dồn sự tập trung, cổ vũ cho các môn thi như: đẩy gậy, ba bố, kéo co, chạy ngậm nước đổ đầy chai…

Sau lễ hội đâm trâu mọi nỗi buồn, hiềm khích, đố kỵ trong dân làng được thần linh mang đi, niềm vui và hạnh phúc được nâng lên gấp bội; ai nấy hăng hái trở lại chuỗi ngày lên nương xuống rẫy dưới mưa dầm nắng gắt, biến những sỏi đá đã khô cằn thành màu mỡ. Nuôi trong họ những hi vọng tết mùa sau với nhiều lễ cúng, nhiều tiếng hát, nhiều tiếng cồng chiêng, đưa con người vào cuộc vui mùa màng bội thu.

Lễ hội Cơm Mới – Đắk Nông

Lễ mừng lúa mới là nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mạ nhằm cầu mong hồn lúa, thần linh che chở và phù hộ cho lúa tốt, được mùa, dân làng ấm no, hạnh phúc. Lễ mừng lúa mới thường được tổ chức sau khi người dân thu hoạch xong lúa trên nương rẫy và đã cất vào kho.

đắk nông có lễ hội gì?

Lễ hội Cơm Mới – Đắk Nông

Trước đây Lễ mừng lúa mới của người Mạ chỉ diễn ra trong gia đình, dòng họ. Theo thời gian, Lễ mừng lúa mới đã trở thành lễ hội chung của bon làng. Nghi lễ còn được tổ chức lớn, nhỏ tùy thuộc vào kinh tế gia đình, lúa thu hoạch được nhiều hay ít.

Sau khi gặt hái, tuốt lúa xong xuôi, già làng sẽ thông báo cho các hộ gia đình trong bon để phân công nhiệm vụ chuẩn bị thời điểm, thời gian và các lễ vật cần thiết để tổ chức Lễ mừng lúa mới. Địa điểm để tổ chức lễ hội thường là ở nhà già làng hoặc nhà cộng đồng của bon. Khi đã chọn được ngày tốt để thực hiện nghi lễ, từ sáng sớm, người già, thanh niên trai tráng trong bon, mỗi người một việc tất bật chuẩn bị các thứ cần thiết cho buổi lễ. Các cô gái thì chuẩn bị các bộ trang phục thật đẹp để dự lễ và trang trí dọn dẹp nhà cửa, cổng bon, lo phần bếp núc để đón khách. Các chàng trai thì vào rừng chọn chặt ống lồ ô ưng ý để nấu cơm lam canh thụt, bắt cá suối, giết lợn để làm lễ và chế biến các món ngon mời khách…

Lễ vật cúng gồm một con heo, một con gà, gạo nếp, ché rượu cần, 1 gùi bông lúa… Sau khi cắt tiết gà trống hiến sinh, già làng sẽ lấy máu bôi lên cây nêu và các vật xung quanh. Rồi sau đó, già làng khấn gọi hồn lúa, các thần linh, đại ý: “Hỡi thần linh! bon làng người Mạ sống không thể thiếu các thần. Thần lúa, thần đất, thần nước, thần núi… đã đem đến những may mắn trong vụ mùa vừa qua, cho thóc, lúa đầy kho để cuộc sống ấm no. Năm nay, già kính nhờ thần linh tiếp tục phù hộ dân làng tôi thu được nhiều lúa hơn năm trước, mọi người khỏe mạnh, không ốm đau, bệnh tât; gia súc đầy đàn; lúa, bắp tốt tươi nhiều bông, nhiều trái…”.

đắk nông có lễ hội gì?

Lễ hội Cơm Mới – Đắk Nông

Sau phần nghi lễ này, già làng còn dâng thần linh một con lợn, các loại nông sản thu hoạch được trong quá trình lao động sản xuất và một ché rượu cần lớn. Sau khi tế lễ xong, già làng sẽ mời khách và người dân trong bon mỗi người ăn một nắm cơm, một miếng thịt nướng để chúc mừng sức khỏe và cảm ơn thần linh đã về chứng giám, ban cho buổi lễ thành công. Khi đó mọi người bắt đầu chuyền tay nhau uống rượu cần theo thứ tự già, trẻ, nam, nữ; cùng tấu lên những điệu chiêng rộn rã; cùng nhịp múa uyển chuyển ăn mừng một mùa bội thu.

Theo già làng K’Măng, bon N’jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), người Mạ có rất nhiều lễ hội quan trọng như Lễ cúng bến nước, Lễ sum họp cộng đồng hay Lễ cúng thần rừng… Trong đó, Lễ mừng lúa mới là nghi lễ quan trọng nhất trong lao động sản xuất xưa kia của người Mạ. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để dân làng tỏ lòng thành kính với các vị thần (đặc biệt là thần hồn lúa) đã ban cho bông lúa tốt tươi, không bị thú rừng phá hoại và cho dân làng có vụ mùa mới gieo trồng thuận lợi, hoa màu tốt tươi. Qua đó, gắn kết thêm tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng người Mạ.

Mùa lễ hội của người M’Nông – Đắk Nông

Mỗi độ mùa lúa chín vàng trên rẫy, thóc thu đầy bồ là tiếng chiêng tiếng cồng lại ngân vang dòn dã trong mỗi bon làng của người M’nông báo hiệu mùa lễ hội của họ đã đến. Mùa lễ hội của người M’nông thường bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa rẫy từ tháng 12 năm cũ và kéo dài đến tháng 3 năm mới dương lịch. Họ gọi đây là “Mùa ăn năm, uống tháng” của dân tộc mình. Mùa lễ hội là sinh hoạt văn hóa thường niên đặc sắc của tộc người M’nông với rất nhiều lễ hội như lễ sum họp cộng đồng, lễ phát rẫy, lễ cúng cơm mới, lễ kết nghĩa, lễ ăn trâu, lễ đặt tên con, lễ cưới, …Các nghi lễ, lễ hội này nằm trong hệ thống lễ hội nông nghiệp, nghi lễ cộng đồng và nghi lễ vòng đời người của người M’nông.

đắk nông có lễ hội gì?

Mùa lễ hội của người M’Nông – Đắk Nông

Cuộc sống của người M’nông sống chủ yếu dựa vào nương rẫy nên cây lúa cùng với rẫy, chòi giữ rẫy đã trở nên thân thiết gắn bó với họ. Họ cho rằng mọi vật đều có linh hồn, đều chịu sự cai quản, chi phối của các vị thần linh (yang, brah) nên hàng năm đến mùa thu hoạch rẫy dân bon làng phải tổ chức nghi lễ vòng cây cối hay còn gọi nghi lễ nông nghiệp để tạ ơn. Khi lúa đã chín trên rẫy, người M’nông tổ chức cúng lúa để báo với các đấng thần linh cho bà con trong bon bắt đầu thu hoạch lúa. Sau đó người người cùng nhau gặt lúa đưa về chòi rẫy rước hồn lúa về nhà và tổ chức lễ ăn cơm mới. Tổ chức lễ mừng mùa, ăn cơm mới nhằm tạ ơn trời đất đã phù họ cho bon làng, gia chủ rẫy làm ăn thuận lợi, mùa màng xanh tốt, ngô lúa, mì trên rẫy không bị chim thú phá hoại, tạ ơn các vị thần linh (yang) đã cho mùa bội thu, mang no ấm đến cho bon làng. Ngày nay nghi lễ cúng mừng mùa còn ở một số địa phương như Quảng Trực, Đắk R’tih, Nhân đạo…

Sau nghi lễ mừng mùa, người dân bon làng M’nông tổ chức lễ cúng thần rừng, cúng bến nước. Đây là những nghi lễ để tạ ơn thiên nhiên đã ban tặng cho bon làng dòng nước ngọt ngào để ăn uống, sinh hoạt, để đồng bào mình lên rẫy trỉa bắp, trồng lúa, kiếm đọt mây lá bép, kiếm củ sắn củ mài. Đồng thời, thông qua lễ hội nhằm giáo dục thế hệ trẻ không được làm vây bẩn, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, không được chặt phá, đốt rừng bừa bãi để duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên đời sau. Vì đất đai, nguồn nước, rừng là tài sản chung của bon có liên quan đến sự sống còn của bon làng, liên quan đến thế hệ con cháu đời sau. Ngày nay, lễ hội này dù mai một nhưng vẫn được tổ chức thường niên ở Quảng Khê, Đắk Som, Nâm Nung, Nhân Đạo, Đắk Nia…

đắk nông có lễ hội gì?

Mùa lễ hội của người M’Nông – Đắk Nông

“Mùa ăn năm, uống tháng” của người M’nông được tiếp nối say sưa trong tiếng chiêng, tiếng cồng rộn rã, ngân vang khắp núi rừng, khắp bon làng M’nông với lễ hội kết nghĩa. Thông thường, giữa các bon làng của các tộc người thường hay xảy ra xung đột tranh giành đất đai, tài nguyên, ngược lại người M’nông thì khác. Họ quý trọng tình làng nghĩa xóm, quan hệ cộng đồng và luôn có ý thức giữ mối giao bang hoà hảo với các bon làng, láng giềng. Điều này thể hiện rất rõ trong lễ kết nghĩa của người M’nông. Tùy từng địa phương, tùy từng nhánh dân tộc M’nông, nhưng thường 2 bon của người M’nông kết nghĩa anh em với nhau, cũng có khi là 3 bon trở lên. Khi đã kết nghĩa bon làng với nhau thì như anh em không tranh dành đất đai, nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên, sống hòa thuận gắn bó mật thiết với nhau, cùng nhau làm ăn canh tác trên vùng lãnh thổ của bon làng.

đắk nông có lễ hội gì?

Mùa lễ hội của người M’Nông – Đắk Nông

Không khí lễ hội cứ được tiếp tục ngày này qua tháng khác. Đầu năm mới, người M’nông tưng bừng với các nghi lễ vòng đời người. Đây là nghi lễ ít mai một nhất của người M’nông. Các nghi lễ này được duy trì từng gia đình người M’nông. Quy mô lớn hay nhỏ tùy thuộc vào kinh tế từng gia đình. Nghi lễ này được bắt đầu từ khi mang thai đến khi chết như nghi lễ có thai, lễ đặt tên con, lễ trưởng thành, lễ tạ ơn sinh thành, lễ cưới, lễ cầu sức khỏe cho các thành viên trong gia đình,…Các nghi lễ này thường tổ chức theo phạm vi gia đình hoặc dòng nên thường mang phần lễ nhiều hơn phần hội. Trong những ngày diễn ra lễ hội này, bà con trong bon bỏ việc lên rừng, lên rẫy, cùng giết heo, giết trâu nấu nướng, khiêng rượu, bày lễ cúng tế và tham gia sinh hoạt cộng đồng đánh chiêng, thổi R’let, M’buốt và cùng nhau thưởng thức hương vị ngọt ngào của rượu cần. Mùa lễ hội của người M’nông được kết thúc khi họ làm lễ cúng cầu các đấng thần linh ban cho mưa thuận, gió hoà, cầu cho cây cối được xanh tốt, mùa màng bội thu, dân làng được no đủ, sống trong cảnh hoà bình đầm ấp.

Có thể nói, mùa lễ hội là một nét văn hoá đặc trưng kết tinh của tộc người M’nông. Dù có nhiều mai một nhưng mùa lễ hội hoà quyện cùng tiếng cồng tiếng chiêng ngân vang dòn dã và hương vị rượu cần nồng nàn đã tạo nên nét văn hoá đặc sắc của người M’nông. Đây là dịp để nhân dân trong bon làng có dịp nghỉ ngơi, vui chơi giải trí sau những ngày tháng lao động vất vả, đồng thời đây cũng là dịp để trai gái hẹn hò, giao lưu, tìm tình duyên, bạn đời.

Lễ sum họp của người M’nông – Đắk Nông

Lễ sum họp cộng đồng thường được tổ chức vào đầu mùa xuân, khi hạt lúa đã đầy bồ, cà phê đã đầy kho. Đây là lễ lớn với sự tham gia của nhiều bon làng, nên phải 3 đến 5 năm mới tổ chức một lần với quy mô lớn từ 5 – 10 bon làng tham gia.

đắk nông có lễ hội gì?

Lễ sum họp của người M’nông – Đắk Nông

Trước lễ hội khoảng 2 tháng, khi vừa thu hoạch xong, già làng của các bon sẽ họp lại, thống nhất địa điểm, quy mô tổ chức lễ. Đến dự lễ, mỗi bon làng đều mang theo các sản vật tự làm ra như heo, gà, lúa gạo, rượu cần; và bon chủ nhà cũng phải chuẩn bị tương tự như vậy để đãi khách.

Trước ngày lễ một tuần, 1 cây nêu lớn sẽ được dựng lên, để thông tin và mời gọi các thần linh biết mà về dự lễ với bon làng. Phần ngọn trên cây nêu được trang trí nhiều bông, hình chim, nai kết bằng tre nứa, được tô vẽ khéo léo, tinh xảo. Thân cây nêu trang trí hoa văn với màu chủ đạo là đen, đỏ và trắng. Ở giữa thân cây nêu là một mâm tre hình vuông bày biện các lễ vật cúng thần như thịt, cơm, bầu rượu cần.

Bên cạnh cây nêu lớn còn dựng một cây nêu thấp hơn bằng cây gòn gai, đầu cây được gọt thành hình mỏ con chim đại bàng với ý nghĩa thông tin cho tổ tiên biết để về dự lễ. Ngay trước hai cây nêu là một hàng rào nhỏ tượng trưng cho ranh giới giữa con người trần tục và thần linh. Quanh hai cây nêu dựng thêm hai nhà dài bằng tre lợp lá, là nơi để mọi người giao lưu, nghỉ ngơi khi đã chu đáo và thành kính chuẩn bị xong mọi thứ.

đắk nông có lễ hội gì?

Lễ sum họp của người M’nông – Đắk Nông

Mở đầu lễ, các giàn chiêng thi nhau tấu lên những bài chiêng chào đón khách; nam thanh nữ tú nắm tay nhau ca hát, nhảy múa vòng tròn quanh cây nêu. Đây cũng là lúc già làng tiến hành nghi thức đâm trâu cầu các thần linh chứng giám, giúp cho bon làng làm ăn phát đạt, dân làng gắn bó.

Sau khi làm lễ đâm trâu để tế thần, thịt trâu được chế biến tại chỗ để mời khách, một phần được chia ra cho mọi người trong bon mang về, người không đi cũng có phần. Cứ thế mọi người vừa thưởng thức món ăn, rượu cần, vừa giao lưu sinh hoạt, hát dân ca, dân vũ, hát đối đáp, các nghệ nhân hát kể Ot’rông quanh đống lửa bập bùng kéo dài tận đêm khuya. Ngày hôm sau, mọi người tiếp tục tổ chức các trò chơi dân gian như bắn nỏ, nhảy bảo bố, đẩy gậy, đi cà khoeo, kéo co… tạo không khí vui tươi, phấn khởi thu hút đông đảo người dân đến xem và đây là dịp tốt để các dân tộc trong tỉnh trao đổi, học tập lẫn nhau về cách bảo tồn các môn thể thao dân tộc.

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội Sum họp cộng đồng, không khí lễ hội rất linh thiêng, sôi nổi và phấn khởi, những người tham gia tái hiện lại lễ hội cũng như người dân đến xem luôn hoà quyện với nhau trong không khí rộn ràng của lễ hội, ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với bon làng mình, cộng đồng mình.

đắk nông có lễ hội gì?

Lễ sum họp của người M’nông – Đắk Nông

Có thể nói, lễ hội Sum họp cộng đồng là một lễ hội lớn có tầm vóc và quy mô lớn của đồng bào M’nông, nó vượt ra khỏi không gian, thời gian và cộng đồng bon làng. Nếu trong phần lễ thể hiện nguyện vọng của đồng bào cầu mong thần linh phù hộ mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng no đủ, xua đuổi ma qũy, thú dữ giữ gìn bình yên cho các bon làng, nhà nhà no ấm thì phần hội là tâm điểm thu hút sự chú ý của mọi người. Đây là một dịp tốt để các nghệ nhân, các thành viên trong các bon làng thể hiện tài năng, sức quyến rũ bởi các tiếng mục mà họ mang tới lễ hội như: diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ, hát đối đáp, hội thi các môn thể thao dân tộc…

Tính cộng đồng trong phần hội này rất cao khi những người đến xem cũng được tham gia nhảy múa, uống rượu cần như những người chủ nhân của lễ hội.

Đắk Nông có lễ hội gì? Trên đây là danh sách những lễ hội Đắk Nông đặc sắc mà bạn nên tham gia khi du lịch tới miền đất này. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn cuộc sống, những phong tục, tập quán của con người nơi đây. Chúc các bạn có những chuyến du lịch trải nghiệm Đắk Nông thật thú vị nhé.

Đăng bởi: Hà Thảo

YOLO! Khám phá các huyện ở Đắk Nông

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก