đắk Nông

Đắk Nông có gì?

Vùng đất đầy nắng gió Tây Nguyên luôn gây được sự hứng thú, tò mò của các phượt thủ. Bầu không khí trong lành, trong không gian tươi mát và những nẻo đường uốn lượn sẽ giúp bạn thoát khỏi sự xô bồ của phố xá. Trong hành trình này, hãy cùng khám phá Đắk Nông – một điểm đến mới còn rất đỗi hoang sơ nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Đắk Nông có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm danh lam thắng cảnh đẹp tại Đắk Nông trong bài viết sau đây nhé.

Công viên địa chất – Đắk Nông

Với hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, sự đa dạng sinh học, cùng nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông là điểm đến lí tưởng cho những ai thích khám phá và trải nghiệm.

đắk nông có gì?

Công viên địa chất – Đắk Nông

Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông có diện tích hơn 4.700km2, nằm trải dài trên địa bàn 6 huyện, thị xã gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông. Với 65 điểm di sản địa chất, trong đó có 7 điểm di sản địa chất tầm quốc tế, Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông hội tụ tất cả các giá trị tiêu biểu cả về địa chất, địa mạo, văn hóa cũng như đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.

Trong thời gian qua, Công viên Địa chất Đắk Nông thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu không chỉ vì khung cảnh độc đáo mà còn vì các giá trị văn hóa lâu đời của các dân tộc. Đến với Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông, du khách được, khám phá, trải nghiệm hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan độc đáo, nguyên sơ vốn được xác lập kỷ lục dài nhất Đông Nam Á; Ngắm nhìn các thắng cảnh hoang sơ, hùng vĩ như núi lửa Băng Mo (huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Gleh R’luh (huyện Đắk Mil); Tham gia hành trình về nguồn tại các buôn làng của người Ê Đê, M’Nông với nhiều nét độc đáo của văn hóa bản địa; tham quan Vườn Quốc gia Tà Đùng với thắng cảnh Hồ Tà Đùng, vốn được ví là “Vịnh Hạ Long trên cao nguyên”…

đắk nông có gì?

Công viên địa chất – Đắk Nông

Điểm nổi bật nhất trong Công viên Địa chất này là hệ thống hang động núi lửa phân bố khu vực dọc sông Krông Nô được phát hiện từ năm 2007, hoàn toàn hoang sơ, chưa có sự tác động của con người. Hệ thống này có hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau, với tổng chiều dài khoảng 25 km từ miệng núi lửa Buôn Choáh dọc theo sông Sêrêpốk đến khu vực thác Đray Sáp. Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật bản đánh giá hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là hang động dung nham dài và đẹp nhất Đông Nam Á. Bên trong các hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng của quá trình phun trào núi lửa như ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm. Giá trị lớn nhất của hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là có nhiều di vật khảo cổ là bằng chứng con người tiền sử sinh sống tại đây từ hậu kỳ đồ đá cũ. Những phát hiện khảo cổ học này cho thấy một loại hình cư trú mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên, từ đó mở ra một hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học hang động núi lửa ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.

Điều làm tăng giá trị cho Công viên Địa chất Đắk Nông là nó nằm giữa vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Ót N’drong, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Vườn Quốc gia Tà Đùng, Rừng đặc dụng, cụm thác Đ’ray Sáp,Trinh Nữ, Gia Long và Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk).

đắk nông có gì?

Công viên địa chất – Đắk Nông

Những ngọn núi lửa hùng vĩ và những thác nước tuyệt đẹp, hệ thống hang động núi lửa bazan vô vùng độc đáo dài nhất khu vực Đông Nam Á làm nên tuyến du lịch độc đáo thứ nhất “Trường ca của lửa và nước” ở Công viên Địa chất Đắk Nông. Điểm đến nổi bật nhất trong hành trình này là Khu vườn âm thanh (Phonofolium), được đặt tại Trung tâm thông tin Công vên Địa chất toàn cầu Đắk Nông. Đây là một công trình nghệ thuật tương tác giữa cây sống phản ứng với những cảm ứng của con người để tạo ra âm thanh. Công trình nghệ thuật này cho phép du khách cảm nhận được mối quan hệ giữa những tác động của cơ thể người với thiên nhiên nhằm đem lại những trải nghiệm mới lạ và độc đáo cho khách tham quan.

đắk nông có gì?

Công viên địa chất – Đắk Nông

Bên cạnh đó, tuyến du lịch thứ hai ở Công viên địa chất Đắk Nông có tên gọi “Bản giao hưởng của làn gió mới”. Đây là hành trình về nguồn, nơi chứa đựng các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc M’Nông, Ê Đê như: Sử thi, nghệ thuật cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống… và các di tích lịch sử thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Với “Âm vang từ trái đất” là tên gọi của tuyến du lịch thứ ba, mang đến những trải nghiệm về cảnh quan thiên nhiên như hồ Tà Đùng, thác nước granit, điểm gỗ hóa thạch… và thưởng thức nhạc cụ truyền thống dân tộc tại nhà trưng bày các nhạc cụ cổ xưa, cồng chiêng người Mạ và nhà triển lãm âm thanh…

Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông đã đem đến cho du khách những khám phá, trải nghiệm rất thú vị về con người, lịch sử, văn hóa, địa chất, địa mạo, nơi đây. Với việc được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, Công viên địa chất Đắk Nông hứa hẹn là một điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế trong tương lai.

Vườn quốc gia Tà Đùng – Đắk Nông

Vườn quốc gia Tà Đùng nằm giữa cao nguyên Đắk Nông và cao nguyên Di Linh. Với những cánh rừng xanh ngát trên các hòn đảo nhấp nhô, xen kẽ các hồ nước mênh mông, nơi đây đang trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách khi đến khám phá Tây Nguyên.

đắk nông có gì?

Vườn quốc gia Tà Đùng – Đắk Nông

Vườn quốc gia Tà Đùng thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Nằm ở phía đông của tỉnh Đắk Nông, phía Tây Nam của dãy núi hùng vĩ Cư Yang Sin, vườn quốc gia này là ranh giới tự nhiên giữa Nam Tây Nguyên với Đông Nam Bộ.

Vườn quốc gia Tà Đùng trước kia là khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Nằm ở độ cao trên 1000m với diện tích hơn 26.000 ha, nơi đây thuộc dãy núi cao nhất tỉnh Đắk Nông. Vườn quốc gia được tạo bởi cánh rừng hoang sơ xen kẽ hồ Tà Đùng. Lòng hồ gồm 47 đảo lớn nhỏ, là nơi bạn có thể đến khám phá.

Vườn quốc gia Tà Đùng có độ đa dạng sinh học cao. Hệ thống động vật phong phú với các loài sinh vật vô cùng quý hiếm như hươu vàng, hổ, báo hoa mai, trăn gấm… Và hệ thực vật phong phú với gần 1500 loài thực vật bậc cao. Thảm thực vật rộng lớn với các rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh là nơi sinh sống của rất nhiều động thực vật..

Vườn quốc gia Tà Đùng trước kia là khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Nằm ở độ cao trên 1000m với diện tích hơn 26.000 ha, nơi đây thuộc dãy núi cao nhất tỉnh Đắk Nông. Vườn quốc gia được tạo bởi cánh rừng hoang sơ xen kẽ hồ Tà Đùng. Lòng hồ gồm 47 đảo lớn nhỏ, là nơi bạn có thể đến khám phá.

Vườn quốc gia Tà Đùng có độ đa dạng sinh học cao. Hệ thống động vật phong phú với các loài sinh vật vô cùng quý hiếm như hươu vàng, hổ, báo hoa mai, trăn gấm… Và hệ thực vật phong phú với gần 1500 loài thực vật bậc cao. Thảm thực vật rộng lớn với các rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh là nơi sinh sống của rất nhiều động thực vật..

đắk nông có gì?

Vườn quốc gia Tà Đùng – Đắk Nông

Sâu trong vườn quốc gia Tà Đùng là vô vàn các dòng suối mát lạnh. Đó là suối Đắk N’teng, Đắk P’lao chảy qua những tảng đá tạo nên những dòng thác hùng vĩ như thác bảy tầng, thác mặt trời, thác Đắk Plao…Một con thác mà bạn không thể không đến nếu muốn cắm trại là thác Digne Klan. Dòng nước mát lạnh với những cây cổ thụ phủ bóng mát rợp trời cùng những tảng đá tự nhiên bằng phẳng là điểm dừng chân lí tưởng để nghỉ ngơi. Đứng từ trên cao, bạn còn nhìn thấy được những buôn làng ở xã Đắk P’lao, Đắk Som hay Đắk R’măng thấp thoáng trong mây trắng.

Qua thác Digne Klan là bạn sẽ đến với khu rừng già nguyên sinh nhiều tầng. Những tai nắng lách qua những tán lá rừng của những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đây là nơi thử thách những nhà mạo hiểm với các cánh rừng già có nhiều động vật bên những dốc cao dựng đứng, hai bên là những vực sâu toàn đá và dây leo chằng chịt.

đắk nông có gì?

Vườn quốc gia Tà Đùng – Đắk Nông

Ngồi thuyền tham quan hồ Tà Đùng và ngắm vườn quốc gia là điều đáng thử nhất khi tới Tà Đùng. Giá thuê thuyền ra hồ Tà Đùng là 1 triệu cho 15 người. Các bạn cũng có thể thuê ghe để có tận hưởng được không gian yên bình khi lướt trên mặt hồ tĩnh lặng. Khi du ngoạn quanh hồ, bạn sẽ bắt gặp nhiều bè nổi của các người dân địa phương sống bằng nghề chài lưới. Ngồi trên thuyền quanh hồ, bạn sẽ bị thu hút bởi hệ sinh thái phong phú, đa dạng và cảnh quan thiên nhiên xanh tươi tuyệt đẹp với vô số ốc đảo nhấp nhô trong làn nước trong xanh.

Du lịch vườn quốc gia Tà Đùng, bạn còn được trải nghiệm tham quan, nghỉ dưỡng và vô số những hoạt động giải trí khác. Bạn có thể du ngoạn trên hồ hay trên đảo, vui chơi dưới dòng thác, thử thách bản thân với những trò chơi mạo hiểm, du lịch tín ngưỡng hoặc dã ngoại nghiên cứu rừng nguyên sinh.

Vườn quốc gia Tà Đùng là nơi để bạn thả mình hòa với thiên nhiên, bỏ quên đi mọi muộn phiền của cuộc sống. Cảnh sắc hoang sơ với hệ sinh thái đa dạng cùng không khí mát mẻ, trong lành là điểm thu hút số một với khách du lịch. Cùng đến ngay với Tà Đùng để khám phá một Vịnh Hạ Long của núi rừng Tây Nguyên thôi nào!

Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung – Đắk Nông

Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 45 km, thuộc địa giới hành chính của 5 xã là Nam Nung, Nâm N’đia, Đức Xuyên (huyện Krông Nô), xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong) và xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song). Với diện tích 12.307 ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung là một quần thể giàu tiềm năng kinh tế du lịch với rừng tự nhiên, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử.

đắk nông có gì?

Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung – Đắk Nông

Phần lớn diện tích của Khu vẫn là rừng nguyên sinh với nhiều chủng loại cây lớn, trong đó chủ yếu là sao đen, bằng lăng, dầu… Hiện tại nơi đây có những cây sao đen lớn, đường kính gốc hàng mét, cao hàng chục mét. Đỉnh cao nhất ở đây và cũng là của cả vùng Nam Tây Nguyên là Nâm Nung (núi sừng trâu) với độ cao 1.500 m. Vì thế, Nâm Nung được xem là “nóc nhà” của Đắk Nông với mái nhà bắc nghiêng về dòng sông Sêrêpốk và mái nhà nam nghiêng về thượng nguồn sông Đồng Nai. Từ đỉnh Nâm Nung, có những suối nước đổ xuống, qua bặc đá tạo thành thác với nhiều bậc nên có thác Ba tầng, lại có thác Bảy tầng tùy theo số lượng bậc thang trên dòng nước.

Nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung còn có Di tích lịch sử cấp Quốc gia là Căn cứ kháng chiến B4 – Liên khu IV, là địa điểm Tỉnh ủy Quảng Đức (cũ) đứng chân trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; là hành lang chiến lược đưa sức người, sức của từ hậu phương ra tiền tuyến; là “bản lề” nối Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ, miền Bắc với miền Nam; là nơi đưa, đón các đồng chí lãnh đạo Trung ương đến chỉ đạo cuộc tấn công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975… Đây cũng là nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách, ghi lại những trang sử hào hùng của đồng bào các dân tộc vùng Nam Tây Nguyên dưới sự lãnh đạo của Anh hùng dân tộc N’Trang Lơng, của N’Trang Gưh… trong các cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp những năm đầu thế kỷ XX.

Nhiều năm nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung đã là điểm du lịch sinh thái – văn hóa – lịch sử thu hút du khách, nhất là từ Thành phố Hồ Chí Minh. Vào tháng Ba hàng năm, nơi đây là địa chỉ để tuổi trẻ các địa phương tổ chức “Về nguồn” với các hoạt động phong phú, ý nghĩa như thi leo núi, triển khai chương trình bảo vệ môi trường, hưởng ứng “Giờ Trái đất”, làm công tác xã hội từ thiện đối với đồng bào địa phương…

Thác Đ’ray Sáp thượng (thác Gia Long) – Đắk Nông

Thác Dray Sáp Thượng nằm trên dòng sông Ea Krông, cạnh buôn Kuôp thuộc địa phận xã Ea Na, huyện Krông Ana, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 18km về phía Nam.

đắk nông có gì?

Thác Đ’ray Sáp thượng (thác Gia Long) – Đắk Nông

Nhìn từ xa, thác Dray Sáp Thượng nổi bật một mà trắng xóa trên mặt nước bàng bạc của dòng sông Ea Krông. Hai bên dòng sông là một màu xanh mênh mông của núi rừng. Ngay khu vực thác, một hình ảnh thật hùng vĩ, gây ấn tượng mạnh mẽ đó là hình ảnh dòng sông Ea Krông, với làn nước trôi nhè nhẹ phía thượng nguồn, bỗng nhiên gấp khúc bởi một thềm đá chắn ngang cả dòng sông, rộng khoảng 70m. Nước sông ào ào dội xuống vực thẳm cao khoảng 08m, vang vọng cả một góc rừng.

Mùa mưa, nước ngập tràn mặt sông, chúng ta chỉ thấy một ngọn thác khổng lồ, dữ dội. Tuy nhiên, đến mùa khô lưu lượng nước sông vơi hẳn, tạo thành 09 ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Trong số 09 ngọn thác, có 05 ngọn thác nằm phía giữa dòng sông cách nhau từ 05 đến 10m, có dòng nước ầm ầm đổ xuống, nhưng có dòng nước lại chảy róc rách nhẹ nhàng. Thác Dray Sáp Thượng từ xa xưa đã trở thành tình yêu và sự gắn bó của người dân bản địa nơi đây. Được thể hiện qua câu chuyện cổ dân giann của người Êđê đầy thi vị, về sự tích của dòng thác Dray Sáp Thượng này.

Chuyện kể rằng: Thuở xa xưa, tại một buôn làng Êđê nọ có một người con gái rất đẹp tên là H’Mi, nàng yêu một chàng trai cao lớn, khỏe mạnh, hiền lành. Hàng ngày, đôi trai gái thường rủ nhau đi làm rẫy. Một hôm, sau khi làm rẫy xong, hai người rủ nhau đến nghỉ trên một tảng đá dưới tán cây cổ thụ xum xuê. Ngồi nghỉ chưa kịp ráo mồ hôi thì họ bổng thấy một con quái vật, đầu to như quả núi, mắt lớn tựa nồi đồng, râu dài mấy sải tay, tóc nhọn như tên, toàn thân phủ một lớp vảy trắng, lấp lánh như bạc. Con quái vật bay lên bầu trời rồi bất thần sa xuống đất như quạ vồ mồi, chân nó đạp mạnh làm cả một khoảng đất rộng lún xuống và tại đó một cột nước khổng lồ phun lên dữ dội, kéo theo cả nàng H’Mi đang khiếp đảm, còn người yêu của nàng thì bị cuốn tung đi nơi khác. Chàng trai như mảnh hổ cố sức giằng kéo người yêu lại nhưng đành tuyệt vọng, nhìn người yêu đang tan biến vào lớp sương mù, cùng những vẩy trắng lấp lánh. Từ đó, chàng trai biến thành một thân cây lớn, gốc cắm sâu vào ghềnh đá, thân mang dáng dấp một người đau khổ đang dang tay than khóc. Còn cột nước khổng lồ thì biến thành ngọn thác Dray Sáp Thượng ngày nay. Và, ở đầu kia nàng H’Mi vẫn thủy chung gào khóc đêm ngày đòi lại người yêu.

đắk nông có gì?

Thác Đ’ray Sáp thượng (thác Gia Long) – Đắk Nông

Ngoài ra, thác Dray Sáp Thượng còn gắn liền với sự kiện lịch sử như sau: những năm 1930 – 1933, thực dân Pháp đã huy động dân phu và tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột lao dịch hết sức cực nhọc, gian khổ dưới đòn roi tra tấn, cực hình của chúng để xây dựng một đoạn đường vòng cung đi qua thác cùng với chiếc cầu treo qua sông Ea Krông. Ngày nay, chúng ta vẫn thấy hai bên còn hai mấu cầu mà thực dân Pháp đã cho xây dựng, đây là minh chứng lịch sử thuyết phục nhất về sự tàn ác của thực dân Pháp lúc bấy giờ, đã có không biết bao nhiêu dân phu và tù chính trị đã bỏ xác nơi rừng sâu, vực thẳm. Và đây, cũng chính là nơi thử thách, rèn luyện tin thần và ý chí đấu tranh cách mạng của những người Cộng sản yêu nước.

Ngày 04/1/1999, Bộ VHTT đã ra quyết định số 01/1999/QĐ-BVHTT công nhận thác Dray Sap Thượng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Diện tích quản lý của thác là 277,5 ha.

Thác Đray Sáp – Đắk Nông

Những ngọn thác như là những bản tình ca vọng về từ đại ngàn của Tây Nguyên đi cùng năm tháng. Nếu có cơ hội ghé chân Đắk Nông thì đừng bỏ qua thác Dray Sáp, một trong những di sản của núi rừng.

đắk nông có gì?

Thác Đray Sáp – Đắk Nông

Thác Dray Sáp thuộc tỉnh Nam Hà, huyện Krông K’No, tỉnh Đắk Nông và có cả phần giao với tỉnh Đắk Lắk. Thác được tạo bởi mảng địa chất tụt xuống từ lâu trước kia, hình thành thung lũng cắt ngang dòng sông tạo thành thác. Hiện nay thác có độ dài khoảng 100m, chiều cao 50m đổ từ trên cao xuống.

Từ trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột ngọn thác cách khoảng 30km về phía Nam. Đây là một trong những ngọn thác đẹp và hùng vĩ của Tây Nguyên, được gọi theo tiếng người dân tộc Ê đê là thác Khói hoặc là thác Chồng, nằm cạnh đó không xa là thác Dray Nur – thác Vợ.

Các điểm đến ở Tây Nguyên đều gắn liền với rất nhiều truyền thuyết được người đồng bào truyền miệng từ đời này qua đời khác. Đến khám phá thác nước Dray Sáp bạn sẽ thường được nghe một truyền thuyết gắn liền với thác về tình yêu của một đôi nam nữ.

Trước đây ở hai bên bờ sông Sê – rê – pok có một đôi nam nữ đem lòng yêu nhau nhưng bị gia đình cấm đoán. Vì muốn ở bên nhau bên họ đã cùng nhau gieo mình xuống sông, từ đó dòng Sê – rê – pok chia thành hai nhánh sông đực và sông cái chính là Dray Nur và Dray Sáp ngày nay.

Khí hậu ở thác Dray Sáp mang theo đặc trưng của khí hậu Tây Nguyên là mùa mưa và mùa khô. Thời điểm du lịch thác Dray Sáp hợp lý là vào mùa mưa, bạn sẽ cảm nhận được rõ hơn hệ sinh thái nhiệt đới ở vùng Tây Nguyên, lúc này dòng nước cũng hùng vĩ hơn. Mùa mưa tạo ra làn nước mờ sương để nơi đây như là một bức tranh của núi rừng.

Nếu không đến được vào mùa mưa, đến được đây vào mùa khô thì bạn sẽ thấy được dòng nước chảy nhẹ nhàng đọng xuống hồ. Thác nước lúc này trong và sạch hơn, phù hợp cho những buổi picnic bên chân thác. Hơn nữa, thời điểm này bạn có thể nhìn thấy cảnh những đàn bướm bay dập dờn khắp nơi.

đắk nông có gì?

Thác Đray Sáp – Đắk Nông

Với người dân bản địa thì độc đáo nhất vẫn là thác Dray Sáp vào mùa lá rụng, lúc này những tán cây thẳng tắp trên trời xanh. Đây cũng là lúc mà bạn có thể thấy được bức tranh đối lập giữa một bên là cành cây khô xám xịt, phía dưới lại là dòng thác xanh mượt, chứng minh cho sức sống tiềm tàng của những người dân đồng bào Tây Nguyên.

Đến với thác Dray Sáp bất cứ ai cũng cảm thấy ngạc nhiên vì giữa đất trời Tây Nguyên lại có một nơi thơ mộng đến thế. Có lẽ vẻ đẹp của thác được tạo nên nhờ sự giao thoa của dòng Sê – rê – pok, là sự hài hòa của thác Chồng và thác Vợ, chính vì thế mà nơi đây còn được gọi là “Tây Nguyên đệ nhất thác”.

Một trải nghiệm nữa cũng được nhiều du khách lựa chọn khi đến du lịch thác Dray Sáp nữa chính là chèo thuyền ở dòng sông dưới thác. Lưu ý là bạn chỉ nên trải nghiệm vào thời điểm mùa khô thác ít nước bởi mùa mưa thì dòng thác khá hung bạo. Khi chèo thuyền cũng cần đảm bảo một số đồ bảo hộ để bảo vệ an toàn cho bản thân nhé.

Như là tiên nữ nằm ẩn mình giữa chốn rừng sâu, thác Dray Sáp luôn là điểm đến mà mọi du khách muốn tìm, muốn chinh phục được khi đến với Đắk Nông. Du khách đến với thác để tìm cái đẹp, tìm khung cảnh thơ mộng và yên bình, trải nghiệm những ngày rời phố thị ồn ào để hòa mình với thiên nhiên.

Thác Liêng Nung – Đắk Nông

Mang một vẻ đẹp hoang sơ và bí ẩn, cảm giác như không có dấu chân người chính là những điều bạn có thể nhận thấy khi đặt chân đến thác Liêng Nung – Đắk Nông.

đắk nông có gì?

Thác Liêng Nung – Đắk Nông

Đến khám phá Đắk Nông, chắc hẳn bất cứ du khách nào cũng không thể bỏ lỡ việc khám phá những ngọn thác Đắk Nông. Các ngọn thác của Đắk Nông góp phần làm nên đặc trưng của vùng Tây Nguyên, đó là những ngọn thác cuồn cuộn nước, nằm ẩn giữa núi rừng hoang sơ. Thác Liêng Nung là một trong những ngọn thác nổi tiếng nằm ở buôn N’Jriêng, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa.

Liêng Nung hay còn được gọi với cái tên là thác Diệu Thanh, nằm cách trung tâm thị trấn Gia Nghĩa khoảng 10km theo hướng Quốc lộ 28. Để đến được ngọn thác bạn phải trải qua rất nhiều đoạn đường khác nhau, có những đoạn nguy hiểm khiến du khách muốn bỏ cuộc nhưng chắc chắn rằng nếu bạn vượt qua được thì sẽ không hối hận vì cảnh sắc tuyệt đẹp nơi đây.

Mỗi ngọn thác ở Đắk Nông đều gắn với từng câu chuyện, truyền thuyết riêng được người đồng bào kể lại. Truyền thuyết kể lại rằng, thác Liêng Nung là ngọn thác duy nhất được bắt nguồn từ dòng Đắk Ninh, nơi có nguồn nước trong vắt và uống vào thì khỏe được bệnh tật. Người dân đặt tên là Liêng Nung có ý nghĩa được hiểu là Liêng là thác, còn Nung là nghỉ ngơi.

Thác Liêng Nung – Đắk Nông

Thác Liêng Nung có độ cao khoảng 30m, vắt dọc trên dốc đá cheo leo. Thiết kế của ngọn thác cũng là điều khiến cho du khách cảm thấy thích thú, nhờ những tảng đá xếp, dòng thác đổ xuống từ vách đá cao, ở giữa là một hõm sâu đầy rêu phong nên dòng nước chảy xuống vô cùng độc đáo.

Bạn nên chọn lựa và xem xét thời gian đến thác, vì sẽ có lúc mùa khô nước rất ít, khó để quan sát được vẻ đẹp của thác. Nếu bạn đến đây vào mùa khô sẽ được nhìn thấy dòng nước chảy xuống trong vắt, kèm theo đó là ánh cầu vồng huyền ảo. Còn vào mùa mưa, dòng thác sẽ chảy cuồn cuộn và mạnh bạo hơn, thời điểm này dù đường trơn trượt khó đi những bạn sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh ngọn thác rõ rệt hơn.

Dừng chân dưới ngọn thác, đừng quên lưu lại cho mình những bức hình sống ảo đẹp mắt. Đứng dưới thác Liêng Nung cũng là lúc bạn có thể lắng nghe trọn vẹn âm thanh của dòng thác, kết hợp với những bọt nước li ti và âm thanh trong trẻo của núi rừng giúp bạn thư giãn và giải tỏa căng thẳng vô cùng hiệu quả.

Xung quanh thác là các buôn làng người dân tộc sinh sống sâu trong rừng với phong tục tập quán vô cùng phong phú và đa dạng. Bạn cũng có thể tranh thủ cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa dân tộc người đồng bào thiểu số để có thêm cho mình những kỉ niệm đẹp giữa núi rừng Tây Nguyên.

Thác Trinh Nữ – Đắk Nông

Nằm cách trung tâm huyện Cư Jút khoảng 3 km và cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 20 km theo quốc lộ 14, Thác Trinh Nữ là một thác nước trên dòng sông Krông Nô một chi lưu của sông Serepôk, thuộc địa phận huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông và là ranh giới với tỉnh Đắk Lắk.

đắk nông có gì?

Thác Trinh Nữ – Đắk Nông

Không hùng vĩ như những con thác khác ở Tây Nguyên, Thác Trinh Nữ nước trong xanh, dòng chảy êm đềm, dịu dàng như những nàng thiếu nữ đang vào độ tuổi xuân thì. Thác Trinh Nữ có nhiều hang đẹp trong một quần thể núi đá hùng vĩ tạo nên sự khác biệt so với những điểm du lịch sinh thái khác ở Tây Nguyên.

Tên thác xuất phát từ một câu chuyện dân gian về một thiếu nữ. Cô gái đã gieo mình xuống dòng nước ngày xưa để giữ trọn tình yêu. Người dân quanh vùng vì cảm động trước hành động đó, đã đặt tên cho dòng thác là Thác Trinh Nữ. Cũng chính vì cái tên thơ mộng, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, và những câu chuyện mang màu sắc liêu trai nên từ nhiều năm qua, Thác Trinh Nữ là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách thập phương đến đây du ngoạn, ngắm cảnh.

đắk nông có gì?

Thác Trinh Nữ – Đắk Nông

Theo những con đường bằng đá uốn lượn quanh ngọn thác, du khách có thể nghỉ chân trong những chiếc chòi mái lá xinh xắn nghe kể câu chuyện về người con gái đã gửi thân mình vào dòng nước bạc khi chuyện tình yêu gặp nhiều trắc trở. Đặc biệt, nơi đây có những tảng đá bazan dạng cột to lớn màu đen có tuổi địa chất từ 2 đến 5 triệu năm giữa dòng sông hoặc nhô ra từ bờ. Chính sự độc đáo ấy mà hiện nay Viện Bảo tàng Địa chất đang tiến hành làm các thủ tục cần thiết để xin Chính phủ Việt Nam công nhận khu vực đá bazan ở Thác Trinh Nữ là di sản địa chất và đang được Bảo tàng Địa chất (Cục địa chất và khoáng sản Việt Nam) nghiên cứu xây dựng thành công viên địa chất.

Đến với Thác Trinh Nữ, du khách có thể cưỡi voi, leo dây vách núi, uống rượu cần giao lưu với đồng bào bản địa Ê đê, thưởng thức các món đặc sản Tây Nguyên như cơm lam, thịt nướng, canh cá lăng với lá giang… Thác Trinh Nữ luôn là sự lựa chọn ẩn chứa nhiều bất ngờ, thú vị cho chuyến hành trình khám phá và trải nghiệm vùng núi rừng Tây Nguyên hoang sơ của bạn.

Thác Đắk G’lun – Đắk Nông

Thác Đắk G’Lun được biết đến là một trong những ngọn thác bạn không nên bỏ lỡ khi du lịch Đắk Nông. Nếu bạn đang phân vân việc lựa chọn điểm đến tiếp theo trong hành trình khám phá Đắk Nông thì thác Đắk G’Lun hùng vĩ sẽ là một gợi ý không tồi.

đắk nông có gì?

Thác Đắk G’lun – Đắk Nông

Thác Đăk G’lun nằm trên dòng suối Đăk R’tih, thuộc thôn 5, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, cách thị xã Gia Nghĩa của tỉnh này khoảng 60 km. Để tới thác Đăk G’lun, từ thị xã Gia Nghĩa theo quốc lộ 14 đi đến thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk G’rlấp rẽ phải đi thêm khoảng 35km. Bạn chạy theo tỉnh lộ 6 đi xã Đăk Bukso, đến ngã ba Bãi 2 rẽ trái khoảng 2km là đến đường nội bộ dẫn xuống thác.

Đường đến thác lắm gian nan cách trở, bạn phải đi dưới những cơn mưa rừng không hề êm ái đến não nề như khúc hát “Mưa rừng ơi mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên…”. Mưa rừng Đắk Nông như lão gác cổng ma mãnh chốn thâm cung, thừa kinh nghiệm để vờn đuổi, dồn ép khách lạ. Bước chân thong dong chưa kịp thưởng cảnh đã cuống quýt lên với trận mưa bất ngờ. Để rồi ngay sau đó, từng cơn mưa rừng cứ thế trút xuống, dội xuống như dằn mặt những kẻ ngông cuồng dám xâm phạm cung cấm.

Thác Đăk G’lun ngự nơi sâu thẳm đại ngàn. Trấn giữ lối vào là những cây cổ thụ hình thù kỳ quái. Đường đi vách đá cheo leo, một bên hang sâu một bên vực thẳm. Vòm đá khổng lồ biến chốn thâm u thành một thánh đường vang vọng tiếng thác. Đường đi gian khó là thế, nhưng hơi lạnh từ nước và đá làm tan biến bao nhiêu mệt nhọc, trước mắt du khách là vẻ đẹp của dòng thác giữa chốn rừng xanh với một dòng trắng xóa ngạo nghễ hát ca giữa muôn loài hoa cỏ.

Thác Đăk G’lun hiện ra tựa một bức tranh thủy mặc huyền ảo. Nước bắt nguồn từ một dòng suối nhỏ gặp ghềnh rồi đổ xuống bên dưới từ độ cao hơn 50m. Bọt nước tung trắng xóa, hơi nước như những hạt mưa phùn, lan tỏa ra xung quanh làm mọi thứ trở nên lung linh hơn, đặc biệt là thảm thực vật xanh mướt phía trong chân thác. Nhìn tổng thể, thác như mái tóc dài của một cô gái xinh đẹp còn vẹn nguyên nét mộc mạc, thơ ngây.

Đến với Đắk G’lun là đến với cảnh non nước hữu tình. Bên trên dòng thác là những khối đá lớn và bằng phẳng tựa những tấm thảm trải rộng. Phía dưới chân thác là những mô đá lớn nhỏ nhấp nhô với muôn vàn dáng vẻ, tựa những vũ khúc điệu đàng. Khi mặt trời lên, những bụi nước lóng lánh làm thành những chiếc cầu vồng lúc ẩn lúc hiện. Thác Đắk Glun được bao bọc bởi hơn 1.000ha rừng đặc dụng nên hệ sinh thái ở thác rất đa dạng và phong phú. Bao bọc xung quanh thác là các loại cây có tán rộng và những bụi le rừng mát mẻ. Nơi đây còn có những bãi đất rộng và bằng phẳng để du khách cắm trại nghỉ qua đêm, hay để thưởng ngoạn mặt trời lên…

đắk nông có gì?

Thác Đắk G’lun – Đắk Nông

Thác Đăk G’lun có chiều rộng khoảng 15 m, độ dốc khoảng 90 độ, quanh năm đổ nước ào ào như sức sống nơi núi rừng biên viễn. Phía dưới chân thác là những phiến đá muôn hình vạn trạng. Đồng bào ở Tây Nguyên còn gọi thác Đắk G’Lun với một cái tên khác là thác Chỉ. Những dòng nước từ trên cao đổ xuống như những sợi chỉ trắng ngần đung đưa suốt ngày đêm khiến những người khéo tưởng tượng cho rằng, đó là sợi chỉ khổng lồ mà tạo hoá tạo ra nối trời với đất.

Thác Đăk G’lun quyến rũ là thế, nhưng bạn cũng đừng quên đến buôn J’riêng – Gia Nghĩa để trải nghiệm cuộc sống nơi đây. Đêm về, mùi nếp mới và thịt nướng thơm lừng tỏa ra từ ngôi nhà làng, phía trước sân, đống lửa bắt đầu cháy bùng lên sau khi già làng hoàn tất phần nghi thức mở hội trong tiếng cồng tiếng chiêng rộn rã, trầm hùng. Một điểm đặc sắc ở buôn J’Riêng: nghệ nhân đánh cồng chiêng chiếm phần đông là nữ giới. Đón khách, chúc sức khỏe, mừng lúa mới, mừng chiến thắng… tiếng cồng chiêng làm nền cho vòng xoang mấy chục người đủ thế hệ trong trang phục M’Nông đã làm sống lại đêm hội cồng chiêng thuở nào.

Bao đời nay, thác Dak G’Lun đã làm say đắm tâm hồn của bao người M’Nông, không những thế, con thác cũng làm những du khách đến đây phải miên man vì vẻ đẹp đầy cuốn hút của mình. Dù hoang sơ, thanh vắng và con đường đi vào còn nhiều khúc khuỷu, thế nhưng bạn hãy đến đây một lần để nhìn thác nước cuộn chảy giữa lòng rừng già Đắk Nông hùng vĩ mà bình yên.

Chư Bluk – hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á – Đắk Nông

Vào cuối năm 2014 vừa qua, một điểm du lịch mới ở tỉnh Đắk Nông mới được công bố, đó là một hệ thống các hang động núi lửa dài và đẹp bậc nhất khu vực Đông Nam Á – Hang động núi lửa Chư Bluk. Với cảnh quan còn khá hoang sơ, hang động núi lửa Chư Bluk hứa hẹn sẽ mang lại cho du khách.

đắk nông có gì?

Chư Bluk – hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á – Đắk Nông

Một trong những điểm trekking lý tưởng của du khách khi đến Đắk Nông hiện nay chính là hang động núi lửa Chư Bluk. Hang Chư Bluk hay còn được gọi là Hang Dơi có chiều dài khoảng 25km, thuộc xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, nằm cách trung tâm huyện Krông Nô khoảng 20km.

Hang động kéo dài từ khu vực thác Dray Sáp tới hang Buôn Choah, bên trong chia thành hơn 100 hang động lớn nhỏ nhờ dòng chảy của nham thạch cách đây hàng triệu năm, ẩn mình trong đá bazan. Theo các nhà nghiên cứu dự đoán, quá trình hình thành các hang lớn nhỏ bên trong diễn ra cách đây 3.700 năm trước bởi quá trình phun trào núi lửa.

đắk nông có gì?

Chư Bluk – hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á – Đắk Nông

Có thể quan sát được hang Chư Bluk từ xa bởi hang nằm ngay giữa một vùng đồi rộng lớn, thế nhưng việc tiếp cận được hang không hề dễ dàng. Với người dân địa phương, trước khi biết đến cái tên Chư Bluk chỉ thân thuộc gọi là Hang Dơi, đây cũng không phải điểm đến lý tưởng mà người dân chỉ cho du khách khi có cơ hội ghé thăm Đắk Nông bởi đường đi khó khăn, dịch vụ chưa phát triển. Cũng chính nhờ điểm này mà cho đến nay khu vực hang động vẫn giữ nguyên được nét hoang sơ và nguyên thủy ban đầu.

Hiện tại các nhà khoa học đang tiến hành đo đạc bên trong hệ thống hang động núi lửa Chư Bluk, trong đó đã tiến hành đo đạc được 5 hang ký hiệu C3, C7, A1, C8, C9. Mỗi hang động mang mỗi vẻ đẹp khác nhau, hang động C7 dài 1.066,5m đã được công nhận là đẹp và dài, lớn nhất Đông Nam Á, sau đó xếp thứ hai là hang C3 có chiều dài 594,4m.

Qua quá trình khảo sát cho thấy, đây là một hệ thống hang động rộng lớn và trãi dài với nhiều hang động. Tỉnh Đắk Nông cũng đang phối hớp với bảo tàng địa chất Việt Nam xây dựng quy hoạch hệ thống hang động này thành công viên địa chất toàn cầu.

Hồ Ea Snô – Đắk Nông

Ea Snô là một hồ nước tự nhiên có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình còn hoang sơ thuộc xã Đắk Rồ, huyện Krông Nô. Ea Snô có diện tích mặt hồ hơn 80ha, là một thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú.

đắk nông có gì?

Hồ Ea Snô – Đắk Nông

Ea Snô là một hồ nước tự nhiên với phong cảnh sơn thủy hữu tình, khung cảnh nơi đây còn khá hoang sơ. Để tìm đến với hồ nước, bạn tìm đến xã Đắk Rồ, huyện Krông Nô. Hồ Ea Snô được hình thành do hoạt động núi lửa với diện tích mặt hồ khoảng 80ha, độ sâu trung bình khoảng 12m; vào mùa mưa diện tích lên đến 100ha với độ sâu khoảng 20m.

Khu vực hồ Ea Snô mang khí hậu chung của Đắk Nông, quanh năm chia thành hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Tuy nhiên đường vào hồ còn khá khó khăn, đường đất đỏ bazan nên nếu bạn đi vào mùa mưa thì sẽ dễ trơn trượt và gian nan hơn. Thời điểm thuận lợi để bạn di chuyển là vào mùa khô, khoảng từ tháng 2, tháng 3 trong năm.

Đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống, mặt hồ tựa chiếc gương bạc khổng lồ lấp lánh, được bao quanh bởi màu xanh của những ngọn đồi nhấp nhô, bóng xa xa là núi rừng hùng vĩ in xuống mặt hồ.Xung quanh bờ hồ là những cánh rừng đặc dụng với nhiều loại cây, loài thú hiếm: rắn, ba ba, khỉ, nai, heo rừng, trăn, khỉ và vô số chim muông về trú ngụ …

đắk nông có gì?

Hồ Ea Snô – Đắk Nông

Khi đến đây, bạn sẽ được du thuyền trên mặt hồ để thưởng ngoạn cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng, thả hồn theo làn gió mát rượi để xua tan những lo toan, vướng bận. Bạn cũng có thể du thuyền từ cửa hồ này ra sông Krông Nô rồi xuôi về bên trái để xuống thác Gia Long, Đ’ray Sap hay ngược dòng để lên buôn Choah thăm quê hương của tù trưởng Nơ Trang Gưh. Bạn cũng có thể theo dòng Krông Nô qua dòng Krông Na để về hồ Lăk hay đến vùng Ea Rbine của Đăk Lăk.

Ngoài việc du ngoạn cảnh hồ, thưởng thức các món ăn đặc sản của núi rừng, sông nước, du khách còn có thể đi tham quan các buôn làng nổi tiếng như buôn Ol, buôn Choah, buôn Leng, nơi lưu giữ nhiều truyền thuyết về hồ Ea Snô, thăm mảnh đất giàu truyền thống cách mạng của dân tộc MNông mà tận đến bây giờ vẫn còn lưu giữ nhiều bia mộ của những người yêu nước Tây Nguyên và nhiều di tích lịch sử, văn hóa vô cùng giá trị.

Di tích Lịch sử Cách mạng Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV – Đắk Nông

Nâm Nung là tên của dãy núi thuộc khu vực ranh giới của hai huyện Krông Nô và Đắk Song, theo tên gọi của dân tộc M’nông thì chữ Nâm có nghĩa là núi; chữ Nung là cái tù và, cái sừng trâu, Nâm Nung có nghĩa là núi Sừng Trâu hay núi Tù Và. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thủ lĩnh N’Trang Lơng – vị anh hùng dân tộc M’nông lấy Nâm Nung làm địa bàn hoạt động.

đắk nông có gì?

Di tích Lịch sử Cách mạng Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV – Đắk Nông

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1959 – 1975. Đảng ta lấy địa bàn Nâm Nung làm chỗ dựa, nơi đặt trụ sở làm việc của các cơ quan “đầu não, là địa bàn hoạt động an toàn của các cơ quan ban ngành Huyện ủy, Tỉnh ủy, Liên tỉnh; là hành lang chiến lược đưa sức người, sức của từ hậu phương ra tiền tuyến, bản lề nối Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, miền Bắc với miền Nam; nơi đưa, đón các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương vào thành lập chủ lực Miền để chỉ đạo cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

đắk nông có gì?

Di tích Lịch sử Cách mạng Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV – Đắk Nông

Trong suốt 59 năm tồn tại di tích hiện còn lưu giữ được rất nhiều dấu tích như: nền nhà Văn phòng Tỉnh ủy B4 – Liên tỉnh IV, Văn phòng Ban cán sự B4, địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ, giao thông hào chiến đấu, hầm trú ẩn… một số dấu tích này đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cắm mốc, cọc tiêu định vị, phục dựng, tôn tạo một số hạng mục như làm hàng rào bảo vệ, đường bê tông, cầu sắt, bếp hoàng cầm, nhà làm việc của Văn phòng Ban cán sự B4, địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ ,… phục vụ khách tham quan trong và ngoài tỉnh.

Di tích gồm có hai địa điểm:

Căn cứ phía Bắc Nâm Nung được hình thành trong giai đoạn 1959 – 1967, trên cơ sở các căn cứ đã có từ thời kháng chiến chống Pháp trải dài trên địa bàn xã Nâm Nung, huyện Krông Nô.

  • Tọa độ: 12023’24,035” vĩ Bắc, 107051’9,414” kinh Đông

Căn cứ phía Nam Nâm Nung được hình thành trong giai đoạn 1967 – 1975, trải dài trên địa bàn thuộc địa phận khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và Lâm trường Đắk N’tao, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong.

  • Tọa độ: 12014’23,27” vĩ Bắc, 107051’9,414” kinh Đông

Ngày 17/03/2005, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia theo Quyết định số 10/2005/QĐ-BVHTT.

Di tích lịch sử ngục Đắk Mil – Đắk Nông

Vào đầu những năm 1940, để mở rộng bộ máy cai trị tại vùng đất Nam Tây Nguyên, thực dân Pháp điên cuồng khủng bố, đàn áp bắt bớ những người yêu nước. Chúng chọn những nơi có khí hậu khắc nghiệt để xây dựng hàng loạt nhà tù. Tại thôn 9A, xã Đắk Lao (huyện Đắk Mil ngày nay), thực dân Pháp đã dựng lên nhà ngục Đắk Mil.

đắk nông có gì?

Di tích lịch sử ngục Đắk Mil – Đắk Nông

Ngục Đắk Mil được xây dựng trên một khoảnh đất nhỏ trong khu rừng già gần trung tâm Đại lý Đắk Mil (tên huyện Đăk Mil lúc bấy giờ), gồm có 9 gian, bao quanh bằng một hàng rào gỗ chồng khít nhau và dây thép gai bên ngoài. Bên trong có 2 dãy sàn gỗ làm chỗ ngủ cho tù nhân, một lối đi ở giữa, có đủ cùm chân, xiềng tay. Trong điều kiện sinh hoạt hết sức khắc nghiệt, hàng ngày lại phải đối mặt với xiềng xích, gông cùm, chế độ lao dịch nặng nề … nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên định lý tưởng đấu tranh. Ngục đã từng lưu dấu chân những chiến sĩ cách mạng ưu tú như: Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực, Nguyễn Tạo, Lê Nam Thắng … sau này làm nên lịch sử bằng những chiến công vang dội khắp Tây Nguyên.

Không khuất phục được nghị lực, ý chí kiên cường của những lao tù cộng sản, không thực hiện được âm mưu xây dựng, mở rông thêm nhà tù, cuối năm 1943 thực dân Pháp đã cho phá hủy Ngục và chuyển toàn bộ số tù nhân về lại nhà đày Buôn Ma Thuột.

Trải qua một thời gian dài, nhà ngục Đắk Mil đã bị đổ nát và trở thành phế tích. Sau nhiều đợt xác minh, sưu tầm các hiện vật và tìm gặp các tù chính trị còn sống, năm 2004 hồ sơ khoa học lịch sử ngục Đắk Mil được xây dựng hoàn thiện và năm 2005 được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 11/2005/QĐ-BVHTT, ngày 17/3/2005.

đắk nông có gì?

Di tích lịch sử ngục Đắk Mil – Đắk Nông

Ngày 31/12/2010, sau hơn hai năm tiến hành trùng tu, tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành việc khôi phục, xây dựng Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Đắk Mil tại thôn 9A, xã Đắk Lao (Đắk Mil). Công trình do Bộ VHTT&DL đầu tư với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng. Toàn bộ di tích nằm giữa khu dân cư đông đúc với diện tích khoảng gần 1 ha, với 2 hạng mục chính là nhà ngục và nhà trưng bày các hiện vật. Nhà ngục đã được tái hiện lại với diện tích tương tự nhà ngục trước đây thực dân Pháp đã dựng nên, hiện vẫn còn nền móng cũ.

Ngục Đăk Mil là địa chỉ đỏ tại Đăk Mil nói riêng và Tây Nguyên nói chung thể hiện tính kiên cường, bất khuất trước kẻ thù của các bậc cha, anh đi trước. Không chỉ mang giá trị lịch sử to lớn và có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, Di tích còn thể hiện tinh thần đoàn kết Kinh – Thượng trong đấu tranh và đặc biệt là trong giai đoạn chống lại âm mưu “Diễn biến hoà bình” hiện nay.

Di tích lịch sử N’Trang Lơng – Đắk Nông

N’Trang Lơng sinh năm 1870 và mất năm 1935, tại bon Bu Par (Pu Pơ) thuộc khu vực suối Đắk Dưr, là người con ưu tú của dân tộc M’Nông, có phẩm chất và tài năng, đã dẫn dắt các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết, cùng khởi nghĩa chống thực dân Pháp kéo dài 23 năm (từ năm 1912 đến 1935), làm nên những chiến thắng vang dội, giải phóng nhiều vùng đất rộng lớn trên Tây Nguyên khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.

đắk nông có gì?

Anh Hùng dân tộc N’Trang Lơng – Đắk Nông

Cuộc khởi nghĩa của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên chống thực dân Pháp xâm lược kéo dài 24 năm (1912-1935) do thủ lĩnh N’Trang Lơng, dân tộc Mnông đứng đầu đã tập hợp và khích lệ các thế hệ người M’nông, Xtiêng, Ê-đê, Mạ, Chăm, Kinh, Cơ-ho… ở Đắk Nông, Đắk Lắc đứng lên chiến đấu chống bọn xâm lược và tay sai của chúng. Đầu mùa mưa năm 1935, trong một trận chiến đấu không cân sức, thủ lĩnh N’Trang Lơng bị trọng thương và rơi vào tay giặc, ông hi sinh vào đêm 23/5/1935.

Ghi nhận, tôn vinh công lao của người anh hùng dân tộc N’Trang Lơng, nhiều thành phố, thị xã trong cả nước đã lấy tên ông đặt tên đường, công trình công cộng. Tháng 9/2006, Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Đăk Nông đã tổ chức Hội thảo khoa học về danh nhân lịch sử N’Trang Lơng. Các báo cáo khoa học đều khẳng định, thân thế sự nghiệp của anh hùng N’Trang Lơng là một bộ phận lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam trước khi có Đảng; là sự nối kết giữa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với công cuộc giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp trên cả nước và khối đại đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Sau khi di tích lịch sử N’Trang Lơng được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 27/8/2007, ngành Văn hóa tỉnh Đăk Nông và các chuyên gia đã và đang thực hiện bảo tồn theo nguyên tắc tôn tạo di tích gắn với phục vụ du lịch, lấy di tích nuôi di tích và xã hội hóa đầu tư tôn tạo di tích. Đồn Buméra được tu bổ, phục hồi theo nguyên mẫu trước kia. Đường vào Đồn được nhựa hóa, trước cổng đồn là tượng đài N’Trang Lơng. Trong khu vực đồn sẽ xây dựng các căn nhà để làm nơi trưng bày hiện vật và khai thác dịch vụ. Hiện nay, các đơn vị chức năng đang bảo quản thành, hào lũy, các cây lớn trong khu vực, phục hồi cổng trạm gác hai góc, nhà chỉ huy, nhà sĩ quan, nhà binh lính…

Tương tự, di tích bon (làng) Bu Nơr cũng được phục hồi nguyên bản như bon cổ xưa kia với khoảng 20-30 ngôi nhà truyền thống người M’nông với các vật liệu gỗ, tre, nứa, lá tranh… Các ngôi nhà sẽ được bố trí, sắp xếp nơi ngủ, bếp ăn kèm theo các vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động hằng ngày; đồng thời phục dựng, giới thiệu một số nghề truyền thống như: đan gùi, dệt thổ cẩm, làm rượu cần… Ngoài ra, khu di tích còn có bức tranh hoành tráng tái hiện cảnh lễ kết nghĩa diễn ra và tiêu diệt đồn trưởng Henry Maitre. Sân lễ, hàng rào, những cây cổ thụ trong khu vực ngôi mộ Henry Maitre cũng đang được bảo vệ, phục hồi.

Việc tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng N’Trang Lơng không chỉ có ý nghĩa tưởng nhớ và tri ân công lao của vị Anh hùng dân tộc M’nông và nghĩa quân các dân tộc thiểu số Tây Nguyên của thế hệ con cháu mà còn mở ra cơ hội phát triển dịch vụ du lịch để tăng nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống cho đồng bào M’nông ở bon Bu Nơr và một số bon gần khu du tích.

Di tích lịch sử N’Trang Gưh – Đắk Nông

Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh thuộc xã Buôn Choáh (huyện Krông Nô) đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 2366/QĐ-BVHTTDL, ngày 02/8/2011.

đắk nông có gì?

Di tích lịch sử N’Trang Gưh – Đắk Nông

N’Trang Gưh tên thật Y Gưh H’Đớk (dân tộc Ê đê), SN 1845, tại buôn Choáh Kplang, nay thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô). Ông là người tài cao, đức rộng, giỏi săn bắn nên trong nhà có rất nhiều của cải quý giá như sừng tê giác, ngà voi. Không những thế, ông còn biết tính toán làm ăn giỏi nên mỗi khi đến mùa luôn thu được nhiều lúa, ngô, nuôi được nhiều trâu, bò, heo, gà…Vì vậy, ông có uy tín trong buôn gần, làng xa, được mọi người yêu quý. Đặc biệt, ông luôn chia sẻ những kinh nghiệm săn bắt, chăn nuôi, trồng trọt và sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo khó.

Năm 1884, quân Xiêm tiến hành đánh chiếm vùng hạ lưu sông Krông Nô và Krông Ana. Hưởng ứng lời kêu gọi của N’Trang Gưh, người dân ở 20 buôn người Bih sống trên lưu vực sông Krông Nô và Krông Ana đã đứng lên chống ngoại xâm. Nghĩa quân do N’Trang Gưh chỉ huy có đến 600 người, không có súng, chỉ dùng các loại vũ khí thô sơ như cung tên, giáo mác…

Nhằm tăng thêm sức mạnh, N’Trang Gưh đã tạo ra một loại nỏ khá đặc biệt, chưa ở đâu có. Nỏ có chiều dài quá đầu người, thành nỏ rộng một gang tay, mỗi lần bắn ra 3 mũi tên. Với thứ vũ khí lợi hại này, cộng với tinh thần dũng cảm, kiên cường và mưu trí, năm 1887, nghĩa quân N’Trang Gưh đã bao vây tiêu diệt toàn bộ quân Xiêm ngay trên cánh đồng buôn Tur và buôn Phok (một làng người Ê đê nằm trên hạ lưu sông Krông Ana). Chiến thắng vẻ vang của nghĩa quân N’Trang Gưh đã đập tan cuộc xâm lược của quân Xiêm, giúp đồng bào yên tâm lao động sản xuất, xây dựng buôn làng.

Những năm đầu thế kỷ XX, bộ máy cai trị của chính quyền thực dân Pháp đã thâu tóm, kiểm soát gần như toàn bộ số buôn, bon của đồng bào bản địa trên vùng đất Tây Nguyên. Buốc Gioa (Bourgeois), công sứ Pháp đầu tiên tại Đắk Lắk đã ngang nhiên dùng vũ lực quân sự xua đuổi người Ê đê, M’nông đi nơi khác, chiếm lấy buôn, bon, đất đai, nương rẫy, bến nước để thiết lập các đồn điền và xây dựng hệ thống đồn bốt.

Quy mô các đồn điền ngày càng mở rộng thì chế độ bắt xâu đối với người Ê đê, M’nông ở các buôn, bon càng ráo riết và tàn bạo. Đồng bào bị bắt vào làm phu trong các đồn điền của Pháp, mỗi ngày phải lao động từ 14 đến 15 giờ. Chính sách thống trị hà khắc, tàn bạo của thực dân đã làm cho người dân vô cùng căm phẫn. Đầu năm 1900, quân Pháp đánh chiếm các buôn của người Bih dọc lưu vực sông Krông Nô và Krông Ana.

N’Trang Gưh đã lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu chống lại quân xâm lược, nổi tiếng nhất là trận tiêu diệt đồn buôn Tur. Vào một buổi sáng năm 1901, dưới sự chỉ huy của N’Trang Gưh, nghĩa quân đã vượt sông Krông Nô bao vây đồn Tur, dùng ná bắn được nhiều tên giặc rồi tấn công vào đồn. Chỉ một thời gian ngắn, toàn bộ quân địch đồn trú tại đây bị tiêu diệt, tên thực dân Buốc Gioa, kẻ có nhiều nợ máu với nhân dân chết gục trước sân đồn. Thừa thắng, nghĩa quân tiếp tục tiến công, lần lượt tiêu diệt các đồn khác của thực dân như đồn buôn Jiăng, đồn buôn Dur…

Từ năm 1901 đến 1913, quân Pháp liên tục mở nhiều cuộc hành quân khá quy mô, truy quét, nhằm tiêu diệt và thôn tính phong trào. Với sự lãnh đạo tài tình và dũng cảm của N’Trang Gưh, nghĩa quân đã chiến đấu trong suốt 13 năm. Năm 1914, do trong hàng ngũ nghĩa quân có người phản bội, địa điểm đóng quân bị tiết lộ, nên N’Trang Gưh bị Pháp bắt, kết án tử hình. Thi thể của ông được đưa về an táng tại quê nhà, nay thuộc thôn 1, xã Buôn Choáh.

Cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của vị thủ lĩnh N’Trang Gưh và đồng bào Bih đã đi vào lịch sử, những dấu tích trên quê hương N’Trang Gưh mãi là niềm tự hào về lịch sử hào hùng của đồng bào bản địa, vừa linh thiêng, trang nghiêm, vừa mang giá trị tinh thần cao cả để giáo dục truyền thống cách mạng, bảo vệ quê hương đất nước; thức tỉnh ý thức chính trị, tinh thần chống ngoại xâm cho thế hệ trẻ. Đồng thời thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự biết ơn sâu sắc của đồng bào địa phương nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung về lòng tôn kính, tri ân công lao to lớn đánh đuổi ngoại xâm, đem lại cuộc sống bình yên cho dân tộc.

Địa điểm chiến thắng Đồi 722 – Đắk Sắk – Đắk Nông

Địa điểm Đồi 722 – Đắk Sắk là địa điểm ghi dấu nhiều trận đánh ác liệt của lực lượng bộ đội chủ lực ta và quân, dân địa phương trong suốt chặng đường lịch sử từ năm 1968 đến 1975 nhằm tiêu hao sinh lực địch, đánh phá hệ thống đồn bốt đang án ngữ phá hoại đường Hồ Chí Minh trên chiến trường nam Tây Nguyên.

đắk nông có gì?

Địa điểm chiến thắng Đồi 722 – Đắk Sắk – Đắk Nông

Địa điểm Đồi 722 – Đắk Sắk là một trại lực lượng đặc biệt Đức Lập (Camp Duc Lap) được Mỹ – Ngụy thiết lập năm 1965, cách trung tâm quận Đức Lập (tỉnh Quảng Đức cũ) khoảng 10 km về hướng đông (nay thuộc địa phận thôn Thổ Hoàng 4, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil). Tại đây địch xây dựng các công sự kiên cố với 12 lớp hàng rào, bên trong là tường đất có ụ chiến đấu, hào sâu cắm chông, gài mìn. Lực lượng địch tại đây là 01 tiểu đoàn được trang bị quân trang vũ khí hiện đại.

Năm 1968, bộ đội chủ lực của ta phối hợp với quân và dân địa phương nổ súng tấn công quận lỵ Đức Lập và một loạt vị trí đóng quân của địch trên toàn tuyến Sapa, Đắk Lao và Đắk Sắk… đồng thời chặn đánh các cánh quân chi viện của địch. Đêm 24/8/1968, căn cứ trại lực lượng đặc biệt Đức Lập – nơi cố thủ cuối cùng của địch đã bị tiêu diệt, đại bộ phận quân chiếm đóng và hệ thống Ngụy quyền từ huyện đến xã tan rã, giải phóng hàng ngàn dân, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ trận địa.

Ta chiếm đóng trại lực lượng đặc biệt Đức Lập được 3 đến 4 ngày thì địch huy động tổng lực quân đội từ Buôn Ma Thuột và các căn cứ quân sự đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Đức tiếp ứng, bao vây tấn công bất ngờ, chúng huy động máy bay B52, dùng hỏa tiễn, pháo 105mm, pháo 155mm, pháo 175mm, gài mìn Claymore và đại liên dội xuống trại lực lượng đặc biệt Đức Lập trong suốt hơn 3 ngày đêm.

đắk nông có gì?

Địa điểm chiến thắng Đồi 722 – Đắk Sắk – Đắk Nông

Sau gần 10 ngày đêm chiến đấu, ta tiêu diệt hơn 1.300 tên địch; bắn hạ nhiều phương tiện chiến tranh và thu nhiều quân trang, vũ khí. Tuy nhiên, do thông tin chậm, lại chưa được chi viện lực lượng và tiếp tế lương thực kịp thời nên ta chỉ chống trả và cầm cự được trong 3 ngày. Trong trận chiến quyết tử đầy khốc liệt này, ta đã hy sinh hơn 200 đồng chí. Địch tái chiếm trại Đức Lập.

Địa điểm chiến thắng đồi 722 – Đắk Sắk được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, theo Quyết định số 4063/QĐ-BVHTTDL ngày 24/10/2012.

Đắk Nông có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Đắk Nông – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Hạnh Ngố

YOLO! Khám phá các huyện ở Đắk Nông

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก