Vĩnh Phúc

Ăn gì khi đến Vĩnh Phúc?

Vĩnh Phúc là một cái tên khá quen thuộc được du khách nhắc tới không chỉ bởi những địa điểm thiên nhiên nổi tiếng như Tam Đảo mù sương, Thiền viện trúc lâm Tây thiên, hồ Đại Lải hay làng gốm Hương Canh… Nhưng không chỉ đơn thuần là những cảnh vật thiên nhiên như vậy nhắc đến Vĩnh Phúc sẽ là thiếu sót lớn nếu không kể đến những món ăn có một không hai tại nơi đây, các món ấy điều mang những hương vị và sắc thái đặc trưng riêng của vùng đất này. Ăn gì khi đến Vĩnh Phúc? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các món ăn ngon nổi tiếng của Vĩnh Phúc khi có dịp ghé thăm vùng đất này nhé!

Bò tái kiến đốt – Vĩnh Phúc

Thịt bò vừa mới mổ xong người ta cắt mỗi miếng từ 1-2kg, sau đó chọn những ổ kiến thật to ở trên cây (kiến ở dưới đất sẽ không đảm bảo vệ sinh) rồi để những miếng thịt vào cạnh tổ kiến, chọc cho lũ kiến bung ra, khi đó tất cả lũ kiến hung dữ sẽ bâu vào miếng thịt và cong đuôi đốt chán chê, thậm chí người ta có thể mang mỗi miếng thịt để vào một tổ kiến khác nhau như vậy khi ăn sẽ có được nhiều hương vị: kiến vống đỏ có mùi thơm chua, kiến vống đen có mùi thơm hắc, kiến bồ nọt có vị cay ngọt, kiến ngạt có mùi thơm…

ăn gì khi đến vĩnh phúc?

Bò tái kiến đốt – Vĩnh Phúc

Tiếp theo, miếng thịt bò được mang xuống rửa sạch bằng nước muối nhạt, để ráo nước, đem nướng chín tái trên bếp than hồng rồi mang ra thái miếng mỏng cho lên đĩa. Nhưng không chỉ có thế, các nguyên liệu ăn kèm và cách ăn cũng rất công phu, ngoài các loại rau sống ăn kèm thì không thể thiếu được chuối xanh và rau ngổ. Chuối xanh rửa sạch, để cả vỏ và thái lát cho vào bát nước cùng với một chút nước cốt chanh.

Cuối cùng là nước chấm. Người dân ở đây dùng một loại tương làm từ ngô và đậu, pha thêm gừng băm nhỏ và một chút đường. Khi ăn dùng tay đặt miếng thịt bò trên rau sống, tiếp theo là một lát chuối nhỏ và một chiếc rau ngổ đặt lên trên sau đó cuốn chúng lại nhúng vào bát nước chấm và thưởng thức. Khi ăn hương vị của mỗi miếng thịt cũng khác nhau vì mỗi loài kiến đốt cho một hương vị riêng biệt. Đó quả là hương vị mà khi ăn xong sẽ còn nhớ mãi về vùng đất này. Ăn thịt bò tái kiến đốt không chỉ tốt cho tiêu hóa mà nó còn là vị thuốc phòng và chữa bệnh thần kinh hoặc thấp khớp. Theo Đông Y thì nọc kiến rừng cũng là một loại thuốc quý.

Cá thính Lập Thạch – Vĩnh Phúc

Ai đã một lần ghé về Lập Thạch – Vĩnh Phúc không thể quên được hương vị của món cá thính (hay còn gọi là cá thính chua) quyện nơi đầu lưỡi, tan chảy trong vị thơm ngậy của cá nướng vàng với mùi thơm của hạt thính li ti vàng vàng bao bọc miếng cá màu hồng hồng chua chua.

ăn gì khi đến vĩnh phúc?

Cá thính Lập Thạch – Vĩnh Phúc

Cá để làm thính có rất nhiều loại và phải chọn cá loại to nhiều thịt mới ngon. Cá mè là loại cá làm thính ngon nhất, vì cá mè to bản và cũng dễ kiếm, tiết kiệm tiền mua, chọn cá mè phải trên 1,5 kg trở lên mới béo và nhiều thịt. Cá mang về rửa sạch, cắt khúc, không cạo vảy, trên mỗi miếng cá khía hai đường nhỏ để dễ việc ướp muối và rắc thính. Thường thì ướp cá với muối rồi cho vào chum đậy kín để khoảng mười ngày cho cá ngấm muối, sau đó lấy cá ra ép hết nước muối và để miếng cá ráo nước, bề mặt cá se se lại.

Thính được làm từ ngô hoặc gạo tẻ, gạo nếp và đỗ tương rang vàng. Thính để làm cá không không được giã thành bột mà là những hạt ngô vỡ nhỏ như hạt tấm, như thế thính mới hút nước trong cá tốt được.

Thích nhất là được ăn cá thính khi được kẹp vào thanh tre tươi nướng trên bếp than củi. Cá khi nướng vàng đều sẽ có mùi thơm của thính, bóc lớp da cá bên trong là thịt cá màu hồng hồng, có vị chua chua, bùi béo ăn vào cảm nhận vị đậm đà nơi đầu lưỡi.

Bây giờ, cá thính ít nướng hơn nên mọi người thường cho vào chảo mỡ sôi để nhỏ lửa rán vàng. Cá Thính rán dậy mùi thơm ngậy, beo béo. Mùi thơm của lớp thính vàng quyện với vị chua của thịt cá cũng tạo nên hương vị rất riêng. Cá thính thường dùng trong những bữa cơm hằng ngày nhất là những ngày mưa ăn với cơm nóng rất hợp.

Lợn đồi nướng xiên – Vĩnh Phúc

Không chỉ sánh ngang với Sa Pa hay Đà Lạt về quang cảnh, tiết trời, Tam Đảo còn nổi tiếng với nhiều món ăn đặc sản, như thịt lợn đồi nướng xiên ăn với bánh cuốn.

ăn gì khi đến vĩnh phúc?

Lợn đồi nướng xiên – Vĩnh Phúc

Nói món này ngon vì có những lẽ riêng của nó. Cách Hà Nội hơn 80 cây số, thị trấn Tam Đảo nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển. Nơi đây, khí hậu quanh năm mát mẻ dễ chịu. Lợn đồi Tam Đảo nướng xiên ngon lạ, với xiên thịt đã chín vàng thơm phức và một chén nước chấm nấu bằng nước mắm, đường, gia vị và giấm được bày ra. Bánh quấn nóng (người ở đây phát âm như vậy) cũng là đặc sản, làm bằng bột gạo – lúa rẫy có pha ít thịt nạc với mộc nhĩ rồi đem tráng mỏng trên nồi nước sôi ùng ục, như bánh cuốn miền xuôi. Cái bánh được gấp lại, rắc lên ít hành phi.

Những xiên thịt tuốt ra trong chén nước chấm đã pha. Thực khách gắp từng cái bánh quấn chấm vào, kèm miếng thịt nướng. Chao ôi nó thơm ngọt lạ lùng giữa phố núi sương mù! Du khách sẽ cảm nhận được đây là món thịt lợn đồi đúng như tên gọi. Nó không như lợn nhà và cũng không như thịt heo rừng, lợn tộc nuôi ở các trang trại dưới đồng bằng.

Tép Dầu Đầm Vạc – Vĩnh Phúc

Tép Dầu Đầm Vạc là một món ăn thông dụng được nhiều người yêu thích và nó nổi tiếng đến mức từ đời trước truyền cho đời sau câu ca:

“Cỗ chín lợn mười trâu

Cũng không bằng tép Dầu Đầm Vạc”

ăn gì khi đến vĩnh phúc?

Tép Dầu Đầm Vạc – Vĩnh Phúc

Tép Dầu Đầm Vạc phần nhiều chỉ bằng cái lá tre, kích cỡ chiều dài của nó từ 5-7cm, chiều ngang chừng 1cm. Tép Dầu là loại cá không cần đầu tư nuôi thả cầu kỳ. Tép Dầu khi trưởng thành bụng đầy ắp trứng. Từ tháng 8 đến hết tháng 10, khi sương chiều như làn khói xanh lam mờ toả trên mặt hồ, tép Dầu làm một cuộc hành trình quanh hồ đề đẻ trứng nhân giống cho tương lai thì người ta đi bắt chúng. Nhưng tép Dầu không thể tiệt chủng vì hàng triệu trứng trong bụng sẽ kế tiếp vòng đời của chúng. Và con tép Dầu có trứng mới là lúc ăn ngon nhất.

Cách chế biến tép dầu đơn giản. Thường có hai cách là kho và nấu canh. Trước khi kho hay nấu đều phải bóp bụng cá cho ra hết ruột rồi lấy nước muối pha loãng hòa nước nóng ấm rửa sạch sẽ. Tép Dầu thường nấu canh với dưa cải chua, dưa rau cỏ chua đồng Cốc hoặc mẻ. Đem kho cứng thì ngon hơn. Có thể kho với các loại rau quả tuỳ khả năng và sở thích của từng nhà, như dưa cải, cà bát muối, trám đen, dọc khoai sọ tươi hoặc đã phơi khô, nhất thiết phải kho bằng tương, nồi kho còn lót lá gừng tươi hoặc dăm lát gừng, tất cả đun nhỏ lửa đến cạn khô. Kho cách này, ăn vừa béo vừa bùi, vừa thơm, giữ được vị đậm, vị ngọt của loài tép này.

Hiện nay, tép Dầu Đầm Vạc vẫn xuất hiện trong các bữa ăn của nhiều gia đình, và là món ăn khoái khẩu được rất nhiều vị khách ở các nhà hàng sang trọng lựa chọn. Tép Dầu Đầm Vạc đã trở thành một đặc sản góp phần tạo nên thương hiệu cho điểm du lịch Vĩnh Yên và là món “ăn một lần có thể nhớ mãi”.

Bánh ngõa Vĩnh Phúc – Vĩnh Phúc

Các cụ cao niên làng Lũng Ngoại cho biết: Ngày xưa các cụ thượng thọ mới được làm một mâm bánh xếp theo hình nón cụt (độ một yến bánh) trên mâm đồng để rước ra đình kính thần. Muốn có mâm bánh đó, gia đình phải mổ một con lợn để mời con cháu trong gia tộc đến phục vụ làm bánh.

ăn gì khi đến vĩnh phúc?

Bánh ngõa Vĩnh Phúc – Vĩnh Phúc

Muốn có được hai chục cái bánh ngõa, phải chuẩn bị: Gạo nếp loại tốt và thơm 1 kg, mật mía hay đường 200 g, đỗ xanh 1,5 kg. Gạo nếp nhặt hết sạn, vo đãi sạch, đề ráo nước, chờ gạo khô nghiền thành bột nhỏ mịn. Đậu xanh xay vỡ đôi ngâm qua nước để vỏ đỗ bong ra, đãi sạch vỏ rồi để đỗ khô, lấy 300g đề riêng dùng nấu nhân. Số đỗ còn lại đem sao trên lửa đến khi hạt đỗ có màu vàng hạt dẻ, giòn là được; để nguội đem nghiền thành bột nhỏ mịn. 300g đỗ kia cho vào nấu với 200g mật thành chè kho.

Trộn nước với bột gạo nếp nhào dẻo thành một cục, chia ra thành hai chục viên nhỏ, rồi dàn mỏng từng cục như cái đĩa con, cho chè kho vào giữa làm nhân rồi vê kín bánh. Đun nồi nước cho sôi sẵn ở nhiệt độ cao rồi thả tất cả hai chục bánh vào luộc; khi thấy bánh nổi lên là đã chín; vớt nhẹ từng cái, chờ ráo nước se mặt, cho bánh vào mâm đã rắc bột đậu làm áo, giở đều hai mặt bánh cho ngấm nhiều bột áo là tốt, cứ lăn chiếc bánh trên mâm bột cho tới khi bánh không dính bột đậu nữa, cầm bánh thấy không dính tay là được…

Bánh ngõa ăn dai dai, bùi bùi, ngọt ngọt, càng nhai càng thấy béo ngậy như bánh được xoa mỡ, đó là nhờ có tinh dầu bột đậu xanh làm áo bánh. Mời các bạn thử một lần đến làng Lũng Ngoại Vĩnh Phúc để thưởng thức món bánh đặc trưng này.

Bánh trùng mật mía – Vĩnh Phúc

Không giống như nhiều món bánh khác, bánh trùng không có nhân mà chỉ có lớp mật mía sánh đỏ màu cánh gián phủ bên ngoài, tạo nên vị ngọt thơm cho bánh và cũng là đặc trưng riêng của loại bánh này. Nếu một ngày ghé qua huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc sau khi thăm những bãi cát vàng chạy dài tới cuối chân trời, tắm hồ Vực xanh mênh mang, thả hồn theo những bãi cỏ lau trắng muốt, bạn đừng quên nếm thử món bánh trùng mật mía đặc sản nơi đây.

ăn gì khi đến vĩnh phúc?

Bánh trùng mật mía – Vĩnh Phúc

Các bà các cụ cao tuổi ở Vĩnh Tường hình như không ai nhớ bánh trùng có từ bao giờ, cũng không kể sự tích gì về món bánh này mà chỉ biết đây là loại bánh “anh em” với bánh trôi, bánh chay vì cách làm gần giống nhau. Cách làm b khá đơn giản, chỉ cần nhìn qua là có thể làm được nên ở đây có những bé mới bảy tám tuổi cũng đã ngồi nặn bánh cùng gia đình.

Khi làm bánh phải chọn gạo nếp ngon không lẫn tạp, hạt trắng đem đãi sạch, ngâm qua đêm để khi nghiền bột khỏi chua và bánh sẽ dẻo lâu hơn. Bột phải để ráo nước, không được cứng quá cũng không được nhão quá, vì nếu bột cứng bánh sẽ không mềm, còn nếu bột nhão khi luộc bánh sẽ nát không đẹp mắt. Sau đó, cứ nắm bột thành những nắm có hình giống quả trám, to hơn viên bánh trôi một chút là được. Để làm ra món bánh trùng mật mía, đặc biệt bột không được đun bằng nước sôi già mà phải với mật mía.

Mật mía làm bánh theo đó cũng phải là mật của làng Tân An – một làng có nghề làm mật lâu đời của huyện Vĩnh Tường. Mật sánh đặc, thơm lừng giống mùi mía nướng, màu đỏ đậm, hạt mật bám chắc vào nhau. Có vậy bánh khi đun với mật mới có màu đỏ cánh gián hấp dẫn và mùi thơm đặc biệt của bánh trùng.

Bánh quấn Tam Đảo – Vĩnh Phúc

Bánh quấn Tam Đảo được làm bằng bột gạo từ lúa rẫy trồng trên non cao. Cách chế biến từa tựa như cách làm bánh ướt dưới đồng bằng. Gạo ngâm xay nhuyễn có pha ít thịt nạc với mộc nhĩ, khi có thực khách, chủ quán đem tráng tròn đều trên một tấm vải mỏng, nấu chín bằng cách hấp hơi trên nồi nước sôi ùng ục.

ăn gì khi đến vĩnh phúc?

Bánh quấn Tam Đảo – Vĩnh Phúc

Công đoạn tráng bánh rất nhanh, chỉ trong chốc lát đã có từng đĩa bánh đem ra bày biện bốc hơi giữa những lá hành phi thơm ngun ngút. Tùy thích mà người dùng có thể ăn bánh quấn với nhiều thức kèm theo. Nào là canh gà, trứng chiên, thịt heo luộc, nhưng ngon nhất có lẽ là ăn bánh quấn với thịt lợn đồi nướng. Đây là loài lợn rừng chính gốc, được săn bắt từ nhiều năm trước rồi họ làm hàng rào thả nuôi trong rừng, lâu ngày sinh sản số lượng nhiều. Thức ăn của chúng là rau củ rễ trong rừng, nên thịt săn chắc.

Khi nướng chọn những chỗ thịt ngon, thái ra từng miếng nhỏ, ướp với gia vị đặc thù riêng rồi nướng bằng lửa than. Toàn bộ thịt nướng chín vàng thơm phức được cho vào một chén nước chấm được nấu bằng nước mắm với đường và giấm. Người ăn cầm đũa gắp từng cái bánh quấn chấm vào chén nước chấm kèm từng miếng thịt nướng mà cảm nhận từng độ ngon ngọt lạ miệng của lần đầu tiên được thưởng thức. Cảm giác ngon và hương vị đặc trưng của miền núi cứ như dần thấm vào vị giác nên món đã ngon lại càng cảm thấy ngon hơn…

Chè kho Tứ Yên – Vĩnh Phúc

Làng Tứ Yên, huyện Sông Lô có đầm Miêng được sử sách ghi là hồ Điển Triệt, nơi mà thế kỷ thứ VI Lý Bí đắp thành chống giặc nhà Lương. Nhân dân thường tiếp tế lương khô, trong đó có món chè kho cho quân lính của Lý Nam Đế. Sau này nhân dân dựng miếu để thờ Lý Nam Đế và hằng năm mở tiệc vào ngày 24, 27 tháng 5 (âm lịch), cỗ cũng phải có món chè kho để tưởng niệm sự kiện lịch sử trên.

ăn gì khi đến vĩnh phúc?

Chè kho Tứ Yên – Vĩnh Phúc

Chè kho nấu bằng đỗ xanh, gạo nếp, mật và pha nước gừng. Đỗ xanh, chọn hạt mẩy, nhặt bỏ hạt lép, hạt nhọn, ngâm đãi bỏ vỏ, cho vào nồi 30 đun sôi, khi hạt mềm bóp vỡ mới đổ vào gạo nếp hoa vàng đãi sạch nấu lẫn đậu xanh. Khi hạt gạo đã mềm, đổ mật giọt vào cùng với ít nước gừng. Hai người con trai khoẻ mạnh, mỗi người cầm một đũa cả đẽo to như cái dầm bơi đò bằng gốc tre dày bản rộng bằng bàn tay, trên đẽo nhỏ thành cán cầm. Đũa cả dài chừng 1m được quấy đều tay liên tục để khỏi bị cháy dưới đáy nồi. Khi chè chín đặc như món xôi vò đổ chè vào các bát loa to. Khi chè nguội, cắt thành từng miếng lấy ra xếp vào đĩa bày cỗ cúng, sau đó chia phần cho dân làng

Bánh hòn Hội Hợp – Vĩnh Phúc

Bánh hòn là một món ăn truyền thống của người dân làng Hội Hợp, xã Hợp Thịnh, tỉnh Vĩnh Phúc.Bánh hòn Hội Hợp có giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn thực hiện cũng lắm công phu.

ăn gì khi đến vĩnh phúc?

Bánh hòn Hội Hợp – Vĩnh Phúc

Đầu tiên, để làm bánh hòn ngon phải chọn được loại gạo ngon. Có gạo ngon thì phải tiến hành giã lại gạo để chỉ lấy phần thân gạo, loại bỏ hai đầu hạt gạo. Khi đã có gạo giã kỹ càng, người ta bắt đầu ngâm gạo trong nước sạch. Đúng 12 tiếng đồng hồ thì chắt nước ra để gạo khô ráo. Sau đó ngâm thêm với nước để đảm bảo hạt gạo nảy mềm. Khi đã có nguyên liệu gạo ngâm, người ta sẽ xay bột. Công đoạn xay bột ngày nay của dân làng Hội Hợp đã được hỗ trợ rất nhiều từ các máy xay, thế nhưng để có món bánh hòn ngon tuyệt thì người ta vẫn bỏ công xay bột bằng cối đá. Người xay bột cũng phải có nghề, khi xay bột phải chú ý đợi bột lắng xuống hết rồi mới từ từ lược bỏ nước chua trên mặt, cứ thế thay nước mới liên tục để bột xay ra được mịn, trong, thơm.

Tiếp tục là cho bột vào nồi đun nóng, khuấy đều cho đến khi bột đặc. Khi bột đặc, người làm bánh hòn sẽ trích từng nắm bột nhỏ vào lòng tay để vo tròn rồi ấn dẹp xuống, nhằm cho nhân bánh vào giữa rồi túm các góc của miếng bột lại thành hình tròn. Cuối cùng, từng viên nhỏ bánh hòn Hội Hợp được thả vào nồi nước sôi, viên nào chín sẽ tự động trồi lên trên mặt nước. Riêng nói về phần nhân bánh, muốn ăn bánh hòn Hội Hợp nhân mặn thì người ta dùng hỗn hợp thịt và hành lá băm nhuyễn. Còn bánh hòn nhân ngọt thì dùng lạc giã nhuyễn. Vị sánh mịn, dẻo dai, trong suốt của lớp vỏ bột bánh như làm nổi bật vị ngọt thịt đậm đà, hay vị ngọt béo thanh tao của lạc trong từng nhân bánh.

Bánh nẳng, bánh gạo rang – Vĩnh Phúc

Vùng Lập Thạch xưa có câu :“bánh nẳng chợ Tràng, bánh Gạo rang Tiên Lữ” để chỉ món bánh ngon nức tiếng xứ này.

ăn gì khi đến vĩnh phúc?

Bánh nẳng – Vĩnh Phúc

Bánh nẳng được làm từ bột nếp cái hoa vàng, gạo đãi sạch, ngôm trong nước Nẳng một đêm,Để có nước Nẳng, người ta phải lấy cành xoan tươi, cành bưởi tươi trã vừn, lá dáng, lá si và không thể thiếu lá tầm gửi cây dọc.Các loại lá trên đem dốt lấy tron, hòa vào chậu nước lất nước trong.Nước nẳng có màu đỏ cờ.Ngâm gạo qua một đêm, vớt gạo ra để ráo nước rồi gói bằng lá chuối chít đã luộc rửa sạch.Luộc bánh trong dăm ba tiếng đồng hồ rồi vớt ra bóc lấy hạt gạo nhừ trong suốt sính vào nhua vàng như sáp ong là được.Ăn bánh Nẳng ngon nhất là vùng chợ Tràng.

ăn gì khi đến vĩnh phúc?

Bánh gạo rang – Vĩnh Phúc

Bánh gạo rang cũng được là từ nếp cái hoa vàng.Gạo ngâm trpng quả vàng dành ruột cỏ bấc đèn, cây dáy và tron thân cây vừng đốt ra,Ngâm trong ba ngày, vớt gạo để khô vcho vào chõ xôi đồ lên. Xoi chín đem ra trộn đều với õ lơn, rải ra nia rồi dùng nhẵm bôi mỡ đập đi đập lại trong vài giờ cho hạt xôi dẹt ra.Sau đó lại phơi khô, đem vào trong bóng râm để nguội rồi lại trộn mỡ đổ vào chảo rang cho nổ bung.Đun sôi mật, nhũng đũa kéo lên thấy mật đỏ rồi mới đổ gạo rang vào đun, quấy đều rồi đổ ra, dàn mỏng trong mâm hoặc thớt vãn nhẵm.Dùng đoạn cây tròn nhẵm lăn đi lăn lại cho bánh được nén chặt.Dùng thước và dao sắc cắt thành từng cái bánh to, nhỏ theo ý muốn rồi đem gói trong giấy bóng kính.Ngày xư vào tiệc làng, dân Tiên Lữ đều làm bánh gạo rang để cúng thần và biếu khách. Đây là món ăn đặc sản vùng quê này.

Su su Tam Đảo – Vĩnh Phúc

Su su thương hiệu Tam Đảo là một giống quý của núi rừng Vĩnh Phúc ban tặng cho con người. Nó là một sản phẩm độc đáo, có giá trị nhiều mặt, xứng đáng sánh vai cùng các sơn hào hải vị trong làng văn hóa ẩm thực của cả nước.

ăn gì khi đến vĩnh phúc?

Su su Tam Đảo – Vĩnh Phúc

Su su là loài cây họ bầu, bí; lá to bằng hai bàn tay người lớn ghép lại, trông gần giống lá mướp nhưng su su lại có mầu xanh nhạt hơn; dây có tua cuốn bám chặt vào giàn; hoa nhỏ đơn tính màu vàng kem; mỗi cuống lá có vài chùm hoa đực và một hoa cái hình quả chùy nhỏ; quả lớn bằng nắm tay hình trái lê, da sần sùi có gai mềm, chứa một hạt lớn bọc trong vỏ mỏng. Quả và ngọn dùng làm thức ăn. Su su gốc Châu Mỹ nhiệt đới, du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XX, được trồng ở tỉnh Vĩnh Phúc gần trăm năm nay.

Tuy là thực vật nhiệt đới nhưng su su rất thích hợp với khí hậu á nhiệt đới và thổ nhưỡng thị trấn Tam Đảo, năng suất, chất lượng cao, không vùng nào trong tỉnh có thể sánh kịp. Từ những tinh chất của núi rừng, các “bàn tay vàng” Tam Đảo đã chế biến ra nhiều món ăn hương vị ngon lành, thú vị như ngọn su su luộc, ngọn su su xào, quả su su luộc, quả su su xào, …Nói chung, khách lên thăm quan hay nghỉ mát Tam Đảo, ai cũng đòi hỏi thưởng thức bằng được món đặc sản su su.

Dứa Tam Dương – Vĩnh Phúc

Tam Dương là huyện trồng nhiều dứa nhất tỉnh. Trước ngày kháng chiến chống Pháp (1949), từ các xã Đại Đình, Tam Quan qua các xã Đồng Tĩnh, Hoàng Hoa đến xã Hướng Đạo có nhiều trang trại trồng dứa; bà con gọi là rừng dứa.

ăn gì khi đến vĩnh phúc?

Dứa Tam Dương – Vĩnh Phúc

Mỗi rừng dứa chiếm một quả đồi; bao quanh là dây mây; bên trong trồng trám đen, trám trắng và cây dọc; dưới bóng cây này là cây dứa, bạt ngàn dứa. Dứa Tam Dương hầu hết là dứa ta: dứa mật, dứa mỡ gà, dứa hướng Đạo…

Dứa mật nhiều nước và rất ngọt. Dứa mỡ gà ruột màu vàng nhạt. vị chua. “Dứa Hướng Đạo” quả nhỏ, ruột dòn, vị ngọt mà dốt dốt chua, ăn ngon nhất. Vào rừng dứa mùa quả chín, trông rất vui mắt. Cây dứa xanh um, lá mọc dài, cạnh sắc như lưỡi cưa đỡ lấy trái dứa vàng nơi chính giữa cứ như một bông hoa xanh khổng lồ mà quả dứa là nhụy với túm tóc xanh xanh dựng đứng trên đầu. Khách vào thăm, bao giờ chủ rừng cũng mời ăn. Có hai kiểu ăn: hoặc gọt hết cả mắt và thịt dứa bên ngoài, chỉ còn ít ruột bên trong (độ nửa quả) mà ăn thì không rát lưỡi; hoặc đập đập dứa vào gốc cây hay thớt gỗ, vừa đập vừa xoay cho cho ruột dứa nát ra nước mật, sau đó dùng dao nhọn khoét một lỗ và ghé miệng vào uống…Xin mời khách cứ ăn hay uống như thế, ăn thoải mái, miễn phí, chán thì thôi; nhưng thực tình cũng không ăn được nhiều vì quá ngọt.

Ăn gì khi đến Vĩnh Phúc? Trên đây là những món ăn đặc sản Vĩnh Phúc nổi tiếng nhất. Có những món rất dễ ăn nhưng cũng có những món với nhiều người tương đối khó ăn. Tuy nhiên, nếu thử ăn thêm vài lần có thể bạn sẽ rất thích đấy. Nếu bạn có dịp du lịch Vĩnh Phúc thì đừng quên thưởng thức những món đặc sản Vĩnh Phúc nổi tiếng mà chúng tôi giới thiệu trên đây nhé.

Đăng bởi: Luân Nguyễn Thành

YOLO! Khám phá các huyện ở Vĩnh Phúc

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก