Khám Phá

Các lễ hội tháng 10 đặc sắc khắp ba miền đất Việt

Lễ hội Trùng Cửu ở Vũng Tàu, lễ hội cốm mới ở Lai Châu hay hội chùa Am – Thái Bình là những lễ hội tháng 10 diễn ra tưng bừng trên khắp dải đất hình chữ S.

Tháng 10 thu sang, tiết trời mát mẻ, trong lành, cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội văn hóa tưng bừng khắp nơi trên thế giới. Bầu không khí sôi nổi, những cuộc diễu hành đường phố đa sắc màu, các trò chơi vui nhộn cùng nét ẩm thực truyền thống là những nét đặc sắc của các lễ hội tháng 10 dọc ba miền Việt Nam thu hút du khách.

Nam Định: Lễ hội chùa Keo Hành Thiện 

Chùa Keo Nam Định thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi. Chùa Keo Hành Thiện từ lâu đã nổi tiếng bởi cảnh quan đẹp, không gian yên tĩnh, và còn thu hút du khách bởi lễ hội chùa Keo đầy ý nghĩa.

 

các lễ hội tháng 10 đặc sắc khắp ba miền đất việt
Ảnh: vietnamcultureguide.com

Hàng năm cứ đến rằm tháng 9 âm lịch nơi đây diễn ra lễ hội Chùa Keo để suy tôn Đức Phật và kỷ niệm ngày sinh của thánh tổ Không Lộ.

Tổ chức từ mùng 8 đến hết ngày 16/9 âm lịch (tức ngày 6 – 14/10 dương lịch), ngoài những nghi thức dâng hương, cầu cúng, tụng kinh,  lễ hội còn là nơi hội tụ của nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc như múa rồng, đua thuyền, bơi chải trên sông Hồng. Chính vì vậy, vào ngày hội không những dân trong vùng mà khách du lịch trong Nam ngoài Bắc đều nô nức kéo nhau về tụ hội.

Thái Bình: Hội chùa Am và đình Lại Trì

Cứ tới tháng 9 âm lịch hàng năm, người dân làng Lại Trì, xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương lại nô nức tổ chức hội chùa Am và đình Lại Trì – lễ hội truyền thống với nhiều nghi thức tế lễ và trò chơi dân gian độc đáo. Chùa Am và đình Lại Trì thuộc xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Nếu di chuyển từ thành phố theo đê hữu ngạn sông Trà Lý xuôi về phía hạ lưu khoảng 6km, đến đầu xã Vũ Tây rẽ phải 2km, du khách sẽ được mục sở thị cụm di tích lịch sử văn hóa này.

 

các lễ hội tháng 10 đặc sắc khắp ba miền đất việt
Ảnh: Báo Thái Bình

Lễ hội chùa Am diễn ra vào ngày 2/9 trong khi đó lễ hội đình Lại Trì kéo dài từ 13/9 đến 15/9 âm lịch, thờ Quốc sư Dương Không Lộ và thân mẫu của người. Đây được xem là ngày hội lớn của những người con Thái Bình nói chung và cả vùng Kiến Xương nói riêng với các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống sôi nổi.

Dân trong vùng truyền rằng: “Nhất vui là hội Lại Trì/Ðêm thì xem hát, ngày thì xem bơi”. Các hoạt động đặc sắc trong lễ hội tháng 10 này phải kể đến chơi cờ người, tổ tôm điếm, bắt vịt, đặc sắc nhất là lễ rước kiệu và hoạt động bơi chải, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quê hương Thái Bình. Năm nay lễ hội diễn ra suốt trong các ngày từ 30/9 đến 13/10 dương lịch.

Lai Châu: Lễ Kin Lẩu Khẩu Mẩu

Tên của lễ hội này khiến không ít người phải tò mò nhưng thực chất đây chính là lễ tạ ơn hay lễ hội cốm mới ở Mường So, Phong Thổ, tỉnh Lai Châu của người Thái. Lễ hội có từ rất lâu đời, thường diễn ra vào rằm tháng 9 khi cánh đồng lúa của bản là một tấm thảm nhung xanh ngắt, những hạt lúa căng đầy. Đúng như ý nghĩa của tên gọi, lễ hội này được người dân tổ chức trước là để tạ ơn vì một mùa vụ bội thu, sau là cơ hội để người dân được giao lưu, vui chơi thoải mái.

 

các lễ hội tháng 10 đặc sắc khắp ba miền đất việt
Người Thái trắng trong trang phục truyền thống. Ảnh: baodantoc.vn

Lễ hội tháng 10 này gồm phần lễ và phần hội. Các món ăn sau khi thực hiện nghi thức cúng sẽ được dân làng chia nhau mỗi người thưởng thức một ít để lấy may mắn, no ấm trong năm. Sau phần lễ là phần được mong chờ nhất, tất cả cùng nhau diễn tấu cồng chiêng, múa xòe, múa sạp, tham gia các trò chơi dân gian như: giã gạo, ném còn, bóng chuyền; thưởng thức các món ăn truyền thống của dân tộc như: khẩu mẩu (cốm mới), khẩu nua (xôi), khẩu lam (cơm lam), chỉn giáng (thịt bò xông khói), pa bỉnh (cá nướng), canh môn, và nhâm nhi chút rượu cần.

 

các lễ hội tháng 10 đặc sắc khắp ba miền đất việt
Ảnh: Twitter.com

Lễ hội tháng 10: Ngày Vía Quan Âm

Đối với các Phật tử khắp nơi trên thế giới, 19/2, 19/6 và 19/9 âm lịch là 3 ngày vía quan trọng nhất trong năm, có ý nghĩa riêng biệt. Trong đó, 19/2 là ngày vía Quan Thế Âm đản sanh, 19/6 là ngày vía Quan Thế Âm thành đạo và 19/9 (năm nay là ngày 17/10 dương lịch) là ngày vía Quan Thế Âm xuất gia, tức khoảng tháng 10 dương lịch.

 

các lễ hội tháng 10 đặc sắc khắp ba miền đất việt
Những người con Phật tử tham gia Ngày vía Quan Âm tại một ngôi chùa ở Lâm Đồng. Ảnh: Gody.vn

Trong ngày này, những người theo Phật giáo sẽ đổ về các chùa miếu có thờ Quan Âm, tại Hà Nội có chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) để dâng hương cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc. Bên cạnh đó là các hoạt động phong phú như: phóng sinh, phóng đăng, lễ bái tụng niệm, thắp nến cúng dàng Mandala, biểu diễn võ thuật và thưởng thức những tiết mục nghệ thuật Phật giáo đặc sắc.

Vũng Tàu: Lễ hội Trùng Cửu

Du lịch Vũng Tàu vào tháng 9 âm lịch, hay tháng 10 dương lịch, bạn sẽ được hòa mình vào lễ hội Trùng Cửu đặc sắc và khám phá một tín ngưỡng dân gian bình dị mà nhân văn. Không có hát múa, rước sắc linh đình lễ hội này chỉ có những dòng người thành kính dâng hương, cầu nguyện, gói gọn trong hai ngày dâng lễ mặn và chay.

 

các lễ hội tháng 10 đặc sắc khắp ba miền đất việt
Người dân và du khách háo hức xem múa lân, múa rồng tại lễ hội Trùng Cửu. Ảnh: youvivu.com

Lễ Tiên Thường kỉnh mặn là lễ cúng các sản vật của bà con nhân dân từ nhiều nơi mang đến cúng lễ. Đến ngày 9/9 âm lịch, tiến hành Chánh giỗ kỉnh chay, tức là chỉ cúng đồ chay. Khách du lịch cùng người dân theo đạo từ Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre… cùng vào dâng hương, cầu nguyện bình an và thành tâm tưởng nhớ đến công đức ông Trần.

Ninh Thuận: Lễ hội Kate

Đây là lễ hội tháng 10 truyền thống lớn nhất, đông vui nhất của đồng bào Chăm ở Ninh, vào ngày 1/7 Chăm lịch, tức khoảng cuối tháng 9 – đầu tháng 10 hàng năm. Thông thường, lễ hội sẽ diễn ra ở 3 khu vực chính gồm đền Po Ina Nagar, Ninh Phước; tháp Po Klaong Garay, Phan Rang; tháp Chàm và tháp Po Rome, Ninh Phước, với ý nghĩa tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc, tổ tiên, ông bà cùng các vị thần linh và vua Pôklông Garai, vua Prôme.

 

các lễ hội tháng 10 đặc sắc khắp ba miền đất việt
Trang phục đầy màu sắc và những hoạt động thú vị tại Lễ hội Kate tô chức ở Ninh Thuận. Ảnh: Báo Du lịch

Năm nay lễ hội đã diễn ra sớm hơn mọi năm, với các nghi thức như lễ rước y trang nữ thần Ponagar, lễ hội là rước y trang lên tháp Pô Klong Garai. Khắp nơi tại các làng, thôn người Chăm sinh sống nhộn nhịp hẳn bởi tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ginăng cùng với điệu múa quạt của những thiếu nữ Chăm với trang phục truyền thống, làm say đắm du khách.

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.

Bình Thuận: Lễ hội Dinh Thầy – Thím 

Dinh Thầy – Thím – một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Việt Nam, tọa lạc tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi, với Lễ hội Dinh Thầy – Thím đã từ lâu trở thành một nét văn hóa đặc sắc riêng của Bình Thuận. Hàng năm, vào các ngày từ 14 đến 16/9 âm lịch, rất đông người dân địa phương và du khách đến Dinh để cầu sức khỏe, hạnh phúc gia đình và công việc làm ăn của mình được thuận lợi.

 

các lễ hội tháng 10 đặc sắc khắp ba miền đất việt
Lễ hội Dinh Thầy – Thím là một trong những lễ hội tháng 10 truyền thống của Bình Thuận. Ảnh: Baomoi.com

Ngoài ra phần hội như với nhiều trò chơi như Chèo Bả Trạo, diễn xướng tích Thầy, biểu diễn võ thuật, thi lắc thúng, gánh cá đi bộ… thu hút đông đảo du khách tham gia lễ hội tháng 10 hấp dẫn này.

Mộc Nhiên (tổng hợp) – dulichvietnam.com.vn
Theo Báo Thể Thao Việt Nam

Đăng bởi: Nguyễn Văn Thương

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก