Nhật Bản Văn Hóa

Cách chọn quà, gói quà, nên làm và cần tránh gì khi tặng quà cho người Nhật?

cách chọn quà, gói quà, nên làm và cần tránh gì khi tặng quà cho người nhật?

Tặng quà là một trong những phong tục quan trọng của người Nhật (nguồn ảnh: pixabay.com)

1. Phong tục tặng quà có ý nghĩa như thế nào trong đời sống người Nhật?
Không chỉ đơn giản là một hành động thông thường, phong tục tặng quà ở Nhật Bản đã trở thành một nét đẹp văn hóa gắn liền với đời sống và mang nhiều ý nghĩa đối với người Nhật. Ở Nhật Bản, vào các dịp lễ đặc biệt như ngày kỷ niệm, đám cưới, sinh nhật, tốt nghiệp hay các ngày quan trọng khác như Giáng sinh, Năm mới, người Nhật thường dành rất nhiều tâm huyết vào việc tặng quà cho những người mà mình quý mến và trân trọng. Sự chu đáo và tinh tế trong cách tặng quà không chỉ mang ý nghĩa lưu giữ kỉ niệm, duy trì mối quan hệ gắn bó mà còn thể hiện tình cảm, sự biết ơn, luôn nhớ và nghĩ đến đối phương. Chính vì thế mà đối với người Nhật, giá trị của món quà to hay nhỏ, không quan trọng bằng hình thức trình bày và phong cách cho – nhận. Nếu bạn đã có cơ hội nhận một món quà từ một người Nhật, chắc chắn bạn sẽ không khỏi trầm trồ trước sự cầu kỳ trong phong cách gói quà đặc biệt của người Nhật. Từ giấy, khăn gói cho đến dây nơ, dải lụa bọc bên ngoài đều được lựa chọn rất cẩn thận và gói ghém kỹ càng, đẹp đẽ. Điều này vừa thể hiện tính cách chu đáo của người tặng cũng như bày tỏ tình cảm của họ với người được nhận đó!

2. Cách chọn quà phù hợp
2.1 Tặng quà cho đối tác và khách hàng trong công việc
Xuất phát từ tính chất công việc và đặc thù riêng biệt của các mối quan hệ, việc tặng quà cho đối tác và khách hàng là một phần quan trọng của nghi thức kinh doanh tại Nhật Bản. Để thể hiện sự cầu thị trong kinh doanh, tạo ấn tượng tốt với đối tác và khách hàng, các công ty Nhật sẽ khá “mạnh tay” trong việc lựa chọn những món quà biếu. Khác với việc tặng quà cho người thân, bạn bè,… trong công việc làm ăn, những món quà lớn thường được đánh giá cao hơn cả. Khi chưa có nhiều hiểu biết về đối tác và khách hàng, chúng ta chỉ có thể thể hiện sự chu đáo và quan tâm của mình qua việc lựa chọn những món quà chất lượng, có giá trị. Đó chính là lý do những món quà xa hoa khá phổ biến trong quan hệ kinh doanh, công việc ở nhật Bản. Ngoài bản thân món quà, nghi thức tặng quà đối tác và khách hàng cũng có nhiều điều cần đặc biệt lưu ý:

Thứ nhất, nếu bạn đang trong một chuyến công tác tại Nhật, hãy nhớ mang theo một số món quà để đề phòng trường hợp được đối phương tặng quà thì có thể đáp lại ngay tấm lòng của họ.

Thứ hai, cuộc gặp gỡ hay cuộc họp đầu tiên thường ẩn chứa rất nhiều kỳ vọng. Đây chính là thời điểm vô cùng thích hợp để gây ấn tượng với đối tác, khách hàng làm ăn của mình bằng một món quà được gói ghém thật cẩn thận, chu đáo.

Thứ ba, nếu bạn tặng quà cho cả một tập thể, hãy chắc chắn tất cả mọi người đều có mặt tại đó và biết về việc này. Ngược lại nếu đối phương là cá nhân thì chúng ta nên tặng một cách riêng tư, tế nhị. Điều này có thể bị đánh giá như đang quảng cáo và để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp.  

Thứ tư, để trở thành một người tặng quà tinh tế nhị, hãy chắc chắn rằng món quà mà bạn đem tặng không phải những sản phẩm có logo của công ty bạn.

Cuối cùng, nếu bạn là người nước ngoài và muốn tặng đối tác một món quà đặc biệt mang dấu ấn đất nước, quê hương của mình, hãy đảm bảo rằng trên sản phẩm đó không mang nhãn “made in Japan”. Đối tác và khách hàng tại Xứ sở Phù Tang nhất định sẽ rất vui và ấn tượng nếu món quà của bạn thật sự là những đặc sản địa phương mà bạn đã phải dày công vận chuyển cả một đoạn đường dài đến đó.

2.2 Tặng quà cho cá nhân trong những dịp đặc biệt
Người Nhật cũng rất coi trọng việc tặng quà trong các dịp đặc biệt của cá nhân. Hãy cùng tìm hiểu xem người Nhật sẽ tặng gì cho bạn bè, người thân trong những dịp lễ như thế này nhé!

Các ngày lễ cho trẻ em và thanh niên: Khi có một em bé ra đời, người thân và bạn bè thường sẽ tặng cho bố mẹ của em bé đồ chơi, quần áo và các vật dụng hữu ích khác. Họ hàng và bạn bè thân sẽ mừng tiền, ít nhất là 5000 yên trở lên và nhét vào phòng bì đặc biệt gọi là Goshugi-bukuro ご祝儀袋. Trong ngày lễ Thành nhân, một ngày lễ quốc gia dành riêng cho những người trẻ tuổi đã tròn 20, chuỗi hạt Phật giáo hoặc juzu thường được tặng như một vật kỷ niệm cho dịp này.

Ngày sinh nhật: Người Nhật thường nhận quà sinh nhật từ cha mẹ, những người bạn thân hoặc những người quan trọng khác trong ngày đặc biệt của họ, nhưng hầu hết mọi người không mong đợi được nhận quá nhiều quà tặng. Thay vào đó, bạn bè thường chiêu đãi người có ngày sinh nhật một bữa ăn, trong đó bao gồm một số loại bánh sinh nhật hoặc món tráng miệng. Nếu không đặc biệt thân thiết thì bạn không cần phải tặng ai đó một món quà sinh nhật xa xỉ, vì món quà quá đắt tiền có thể khiến người nhận cảm thấy bắt buộc phải tặng lại cho bạn một món quà đáp lễ – okaeshi.

cách chọn quà, gói quà, nên làm và cần tránh gì khi tặng quà cho người nhật?

Bạn cũng có thể tặng bánh ngọt cho người bạn Nhật vào ngày sinh của họ (nguồn ảnh: pakutaso.com)

Ngày Valentine và ngày Valentine Trắng: Trong ngày lễ tình nhân, phụ nữ Nhật Bản sẽ tặng “chocolate yêu thích”  gọi là honmei choco cho người đàn ông mà cô ấy muốn bắt đầu mối quan hệ nghiêm túc. Đối với đồng nghiệp và những người bạn nam khác, phụ nữ sẽ tặng “chocolate nghĩa vụ” gọi là giri choco. Vào ngày 14 tháng 3 – Ngày ValentineTrắng, đàn ông Nhật sẽ tặng chocolate, kẹo, quần áo và phụ kiện đắt tiền hơn (đắt hơn 2~3 lần món quà đã nhận) cho cô gái đã tặng quà vào Ngày Valentine để đáp lễ.

Đám cưới: Đối với đám cưới, theo phong tục truyền thống của Nhật Bản, khách tham dự sẽ mừng tiền cho cô dâu chú rể giống như đám cưới ở Việt Nam. Tiền sẽ được cho vào một phong bì Goshugi-bukuro và giá trị số tiền nên là một số lẻ gồm các tờ 10,000 yên mới, không nhăn nhúm; thường là 30,000 yên nếu bạn đi dự một mình hoặc 50,000 yên nếu đi theo cặp. Theo quan niệm mê tín ở Nhật, nếu số tiền mừng chia hết cho 2 thì cặp đôi có thể sẽ …chia tay!! Sau tuần trăng mật, các cặp vợ chồng mới cưới sẽ mang về những món quà lưu niệm để tặng cho khách dự đám cưới của họ.

Đi thăm người ốm: Ở Nhật, hoa là món quà thường thấy và cũng là món quà phổ biến nhất để mang đến bệnh viện thăm người ốm. Lưu ý rằng có một số loại hoa và cây không thích hợp để tặng cho người ốm, chẳng hạn như: cây được trồng trong chậu, hoa có màu sắc sặc sỡ hoặc hoa có hương thơm mạnh mẽ và những bó hoa lớn.

2.3 Những ngày lễ tặng quà lớn trong năm
Ở Nhật có hai dịp phổ biến nhất để tặng quà trong năm: Ochugen vào giữa năm và Oseibo vào cuối năm.

Ochugen 御中元 có nguồn gốc là đồ biếu cho các gia đình có người đã qua đời trong nửa năm đầu. Việc tặng quà sẽ diễn ra hai tuần trước Obon, một ngày lễ để tưởng nhớ những người đã khuất. Ngày nay, những món quà được tặng như biểu hiện của lòng biết ơn đối với những người gần gũi như sếp, đồng nghiệp, cha mẹ và họ hàng. Ngoài ra, Ochugen cũng là một cách để bày tỏ sự quan tâm và cầu nguyện cho sức khỏe của người nhận. Các gói quà tặng Ochugen thường sẽ bao gồm lon nước trái cây và các đồ uống khác. Trên bao bì của quà có các biểu tượng đặc biệt được viết trên giấy với dải ruy băng màu trắng và đỏ thắt ở giữa. Theo quan niệm của người Nhật, sự kết hợp của màu trắng và đỏ được coi là biểu tượng của sự ăn mừng.

Hộp quà Ochugen

Oseibo お暮 bắt nguồn từ phong tục đặt đồ cúng trên các ngôi mộ của tổ tiên. Món quà Oseibo thường được tặng cho bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô giáo, đối tác hoặc khách hàng và cho bất kỳ ai mà người tặng mang ơn. Món quà này được tặng đặc biệt để đáp lễ những gì đã nhận được trong năm. Giống như Ochugen, gói quà Oseibo có chữ viết ‘お歳暮’ ở mặt trên của tờ giấy với các dải ruy băng màu đỏ và trắng. Phần dưới tờ giấy có ghi tên người gửi. Một gói quà Oseibo thường sẽ bao gồm đồ ngọt, đồ ăn vặt, bia, cà phê và một số thứ khác. Giá trị của món quà rất quan trọng vì nó thể hiện sự trân trọng các món nợ ân tình. Người nhận có thể xác định chính xác giá trị của mối quan hệ bằng giá trị tiền tệ của món quà. Oseibo thường được gửi vào ngày 20 tháng 12.

Hộp quà Oseibo

Quà tặng trong dịp Ochugen và Oseibo khá đa dạng: từ các mặt hàng bách hóa đến thực phẩm và đồ uống có cồn. Những người nhận quà trong hai dịp này thường thể hiện lòng biết ơn của họ bằng cách viết thư hoặc gọi cho người đã tặng họ.

3. Văn hóa gói quà của người Nhật
3.1 Ý nghĩa của việc bọc quà
Ở Nhật, khi tặng quà, người ta thường quan tâm không chỉ đến nội dung mà cả cách bọc và giấy gói quà. Trong văn hóa Nhật Bản, việc gói quà quan trọng như chính món quà. Nếu việc tặng quà được xem như một hình thức giao tiếp giữa người tặng và người nhận thì cách gói quà đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thông điệp liên quan đến món quà. Tóm lại, gói quà được coi là một phần của chính món quà, phản ánh cả món quà được tặng và cảm xúc đằng sau món quà. Khi nhận được một món quà, việc món quà đó có được bọc gói hay không khá quan trọng. Bạn cũng không nên mở quà ngay trước mặt người tặng, trừ khi đó là người nhà hay bạn bè cực kỳ thân thiết. Người nhận nên đợi đến sau khi mọi người về hết rồi mới mở quà.

Bọc quà có ý nghĩa rất quan trọng trong văn hóa tặng quà của người Nhật

3.2 Màu sắc của giấy gói
Đỏ: Màu đỏ tượng trưng cho những cảm xúc tích cực mạnh mẽ như năng lượng và sức sống nhưng nó cũng có thể là biểu tượng của sự tức giận, nguy hiểm, thô tục, sự quá ngưỡng và đôi khi là ham muốn tình dục. Thông thường, thông báo tang lễ là màu đỏ nên hãy tránh gửi thiệp màu đỏ.

Vàng: Màu vàng tượng trưng cho sự can đảm, vẻ đẹp và tinh tế, sự quý phái và vui vẻ.

Vàng kim loại: Vàng kim loại được sử dụng rộng rãi trong trang trí, tượng trưng cho sự giàu có và uy tín.

Cam: Màu cam tượng trưng cho hạnh phúc và tình yêu.

Hồng: Màu hồng được xem như biểu tượng của mùa xuân, sự nữ tính, tuổi trẻ và sức khỏe tốt.

Xanh lá cây: Xanh lá là một màu sắc tích cực, đại diện cho sự sinh sôi, cuộc sống vĩnh cửu, sự trẻ trung và tươi mới. Xanh ô-liu cũng biểu tượng cho phẩm giá.

Xanh biển: Xanh biển là một màu nhẹ nhàng đại diện cho cuộc sống hàng ngày, sự tinh khiết và sạch sẽ. Nó cũng được coi là một màu sắc nữ tính.

Tím: Màu tím tượng trưng cho đặc quyền, sự giàu có và quý tộc.

Đen: Tương tự như văn hóa phương Tây, màu đen gắn liền với cái chết, sự diệt vong và nỗi buồn. Màu đen cũng là màu của sự bí ẩn và màn đêm. Nó đôi khi được xem là một màu không may mắn.

Nâu: Màu nâu biểu tượng cho Trái đất, sức mạnh và độ bền. Nó cũng là màu của gỗ. Trong tiếng Nhật, từ cha 茶 (trà) là một phần của từ chairo 茶色 (màu nâu).

Trắng: Màu trắng thường đại diện cho sự tinh khiết sạch sẽ và được xem như là một màu may mắn. Nó có thể tượng trưng cho cái chết và sự tái sinh. Đó là một màu phổ biến cho cô dâu và các đám tang. Ở Nhật Bản, cẩm chướng trắng tượng trưng cho cái chết.

Bạc: Bạc được sử dụng trong các công cụ và vũ khí, đại diện cho độ chính xác, nam tính và sức mạnh công nghệ cao.

Đỏ và Trắng: Sự kết hợp giữa màu đỏ và trắng đại diện cho sự ăn mừng và hạnh phục, kết nối năng lượng và sự tái sinh.

Đỏ và Đen: Sự kết hợp của màu đỏ và đen đại diện cho tình dục.

3.3 Các phong cách bọc quà
Người Nhật có nhiều quy tắc về cách gói quà tặng, phần lớn trong số đó liên quan đến cảm xúc đối với người nhận quà và thông điệp đằng sau món quà. Việc gói quà không đơn thuần chỉ để che kín món quà, mà còn để tôn giá trị của những đồ vật bên trong. Người Nhật có hai cách gói quà chính là Tsutsumi và Furoshiki.

Tsutsumi (còn gọi là Origata): Trong tiếng Nhật, tsutsumi – có nghĩa là “bọc gói”. Khía cạnh độc đáo của kỹ thuật này là giấy hoặc vải không bao giờ bị cắt mà thay vào đó, chúng được xếp nếp, gấp và buộc lại. Ở thời cổ đại Nhật Bản, giấy được cho là thần linh nên việc cắt giấy là một điều cấm kỵ. Mục đích của cách gói tsutsumi không phải là để che giấu món quà, mà là để tôn vinh và thể hiện phần nào đó món quà ở trong. Ví dụ, người Nhật thường biếu tặng cho nhau trà hảo hạng. Khi bọc trà đen (kocha), người ta sẽ để hở một khe nhỏ trên giấy gói đỏ rồi phủ một lớp bóng kính để người nhận có thể nhìn thấy một phần những gì ở trong gói.

Furoshiki: Furoshiki là kỹ thuật bọc quà bằng vải. Phong cách này phù hợp với quà sinh nhật, quà ngày lễ, quà mừng cưới, hoặc các món đồ tiếp thị và mua sắm hàng ngày. Ban đầu, furoshiki được sử dụng để bọc quần áo mang đến nhà tắm. Furoshiki được làm với nhiều kích cỡ khác nhau. Nó cực kỳ tiện dụng và có thể được gấp lại sau mỗi lần sử dụng để bọc hoặc mang theo một thứ khác. Bộ Môi trường Nhật Bản đã xúc tiến việc sử dụng furoshiki để thúc đẩy tái chế, vì vải có thể được tái sử dụng cho các dịp khác nhau, giúp giảm lãng phí giấy.

Phong cách bọc quà Furoshiki

4. Những điều nên làm và cần tránh khi tặng quà cho người Nhật
Người Nhật thường tặng quà cho bạn bè, đặc biệt là những người đã giúp đỡ trong quá khứ. Quà tặng không nhất thiết phải là thứ đắt tiền. Trên thực tế, rất nhiều người ngại ngùng khi tặng quà xa xỉ. Nghệ thuật là ở sự cho đi, chứ không chỉ ở món quà. Những món quà tốt nhất vẫn là những món quà có ý nghĩa xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn giữa người tặng và người nhận. Hãy lưu ý những điều sau khi tặng quà cho người Nhật.

– Hãy đặt món quà trong một chiếc túi mua sắm. Điều này để tránh việc người khác chú ý tới món quà trước khi bạn mang nó ra tặng. Nhưng hãy chắc chắn rằng bạn đã bọc quà cẩn thận chứ không chỉ đơn giản bỏ quà vào túi.

– Khi bạn trao quà, hãy nói “Tsumaranai mono desu ga..”, có nghĩa là “Mặc dù đây là món quà tẻ nhạt nhưng…” để biểu hiện lòng khiêm tốn. Tuy nhiên, khi tặng quà cho đối tác và khách hàng của công ty, câu nói này lại thể hiện rằng món quà không đáng giá và coi thường giá trị của người nhận. Thay vào đó, hãy nói “Honno o shirushi de gozaimasu ga…”, có nghĩa là “Đây chỉ là món quà thể hiện lòng biết ơn của tôi…” để bày tỏ sự trân trọng người nhận. Bạn cũng có thể từ chối nhận quà một hoặc hai lần để tỏ ra lịch sự.

– Hãy dùng cả hai tay để trao và nhận quà. Khi nhận món quà, đừng mở ngay lập tức mà hãy đợi khi nào ở một mình thì mới mở ra. Bạn sẽ không phải lo lắng về việc phải phản ứng như thế nào nếu bạn không thích món quà.

– Không tặng quà liên quan đến số 4, 9 và 43. Số 4四 trong tiếng Nhật đọc là shi, đồng âm với 死 – cái chết. Số 9九 đọc là ku, đồng âm với từ 苦 – sự đau khổ. Số 43 四三 đọc là shisan, gần với từ 死産 (shizan) – thuật ngữ để chỉ việc thai bị chết trong bụng mẹ. Tốt nhất là bạn nên tặng quà theo cặp.

– Đừng tặng những món quà giống nhau cho những người ở các cấp bậc khác nhau. Thứ hạng xã hội là điều quan trọng tại Nhật Bản. Nếu bạn tặng một chai rượu sake cho một nhân viên công ty thì đừng tặng món quà y hệt cho cấp trên của người đó.

5. Người Nhật thường tặng hoặc tránh những món quà như thế nào?
Món quà phổ biến để tặng cho người Nhật là đồ ăn như thịt bò hảo hạng hoặc trái cây tươi, tốt hơn cả là món ăn đặc sản của đất nước mình như bánh cốm, ô mai hoặc kẹo lạc. Các loại rượu cao cấp như rượu scotch, cognac, bourbon, hoặc rượu vang cũng là những món quà thường thấy. Ngoài ra, bạn cũng có thể tặng bút, hộp đựng danh thiếp, hoặc đơn giản chỉ là một bức ảnh kỷ niệm với người nhận quà. Để tăng ý nghĩa tốt đẹp của món quà, bạn có thể sử dụng giấy gói hoặc mua món quà có hình các loài vật như bướm (tượng trưng cho niềm vui và sự trường thọ), cá chép (đại diện cho sự may mắn và lòng trung thành), chim hạc (phù hợp để tặng quà cưới vì nó đại diện cho sự trường thọ và may mắn), chim én hay đuôi én (đại diện cho sự may mắn), rùa (tượng trưng cho sự trường thọ, phù hợp làm quà cho tiệc baby shower).

cách chọn quà, gói quà, nên làm và cần tránh gì khi tặng quà cho người nhật?

Rượu hảo hạng là một món quà tuyệt vời (nguồn ảnh: pixabay.com)

Những món quà bạn cần tránh là hoa loa kèn, hoa sen và hoa trà vì những loại hoa này có liên quan đến đám tang. Tốt nhất là bạn nên tránh tất cả những loại hoa có màu trắng. Ngoài ra còn có một quan niệm mê tín cho rằng rằng cây trồng trong chậu sẽ làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn. Bạn cũng không nên gửi thiệp màu đỏ, vì thông báo tang lễ thường được in bằng màu này.

Đăng bởi: Sáo Trúc Minh Lưu

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก