Khám Phá Trải Nghiệm

Có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới

“Nơi mùa đào hoa nở, nơi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây, mùi tỏa ngát hương say”. Tôi chắc bài hát “Chiều biên giới” là về Hà Giang.

Hà Giang là tỉnh địa đầu cực bắc của Việt Nam, toàn bộ biên giới giáp Trung Quốc và cũng là tỉnh duy nhất có cảnh hoa sở nở trắng rừng dọc hai bên đường vào mùa xuân.

  Năm đó, nghe phong thanh tin ở Hà Giang vừa mới phát hiện một loài Bách vàng, tôi tổ chức ngay chuyến đi Hà Giang để được nhìn tận mắt được loài cây này. Kinh phí lấy của dự án Hội sinh vật cảnh. Xe lấy của công ty giống. Xin giấy giới thiệu của Báo Việt Nam hương sắc. Liên hệ mời Cần, một nhà thực vật học có tiếng đã tham gia phát hiện loài cây này ở Hà Giang.   Từ Hà Nội, qua Phú Thọ, Tuyên Quang đến thị xã Hà Giang đường dễ đi. Hà Giang là một thị xã không lớn, nằm trên ngã ba sông Miệm và sông Lô gặp nhau. Nghỉ tại thị xã trước khi đi tiếp. Cả đoàn kéo nhau đi ăn tối thì lại gặp ngay một đoàn của Viện dược học đi vừa đi từ mạn trên về. Ông Cần quen mặt ra nói chuyện. Mọi người đều xôn xao về phát hiện cây Bách vàng ở Hà Giang.  

có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới
  Bách vàng lần đầu được Viện qui hoạch Lâm nghiệp tìm thấy trong khu Bát Đại Sơn. Nhưng cây lại được nhóm của Viện Sinh thái đặt tên và công bố ra thế giới. Bách vàng được xác định không chỉ là loài mới mà còn là một chi cây lá kim mới. Đây là một phát hiện rất có ý nghĩa vì phát hiện tương tự trên thế giới chỉ có cách đây đã 50 năm.   Từ thị xã đi tiếp theo hướng Đồng Văn, dọc theo sông Miệm. Đường đoạn này hẹp, dốc, ngoằn nghèo, hai bên là núi đá của khu rừng cấm Phong Quang. Có chỗ đang nổ mìn làm đường. Suýt nữa thì một tảng đá lớn rơi từ trên dốc nổ mìn xuống dưới đường trúng vào nóc xe. May ông Lan lái xe kịp dừng lại.   Qua Cổng Trời là vào đến đất huyện Quản Bạ, thị trấn Tam Sơn. Đứng trên dốc Cổng Trời nhìn xuống thấy rõ thị trấn nằm trong thung lũng bao quanh bởi ba ngọn núi đá nhỏ. Từ thị trấn Tam Sơn bắt đầu rẽ đường núi vào xã Thanh Vân. Cầm giấy giới thiệu của báo Việt Nam hương sắc vào gặp chủ tịch xã, xin tìm cho người dẫn đường đi rừng. Chủ tịch xã là người Mèo, cử một ông già cũng người Mèo đi dẫn đường.  
có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới
  Để vào đến chỗ có Bách vàng phải đi khá xa. Đi bộ khoảng 3 tiếng vào được nơi tiếng địa phương gọi là “Chung dinh thùng”, hay Đỉnh Hút thuốc. Đây là nơi Thanh Vân tiếp giáp với Bát Đại Sơn và là nơi sinh sống của Bách vàng. Lấy máy ra quay phim nhưng máy quay lại gần hết pin. Quay vội cảnh xung quanh, rồi ngắm nhìn quang cảnh. Xung quanh toàn núi đá. Bát Đại Sơn là khu gồm tám ngọn núi đá lớn. Hệ thực vật thật kỳ lạ, độc đáo. Ngoài Bách vàng nhiều loài cây hiếm khác cũng thấy có ở đây như Thiết sam giả, Dẻ tùng, Thạch bế hồng…   Người dẫn đường kể gỗ Bách vàng rất tốt. Loài này chỉ mọc ở phía đất Việt Nam. Trung Quốc thường cho người đi qua biên giới sang đây chặt trộm mang về. Gỗ Bách vàng chịu chôn, dùng làm quan tài thì hàng chục năm không hỏng. Cũng đúng như vậy. Ở đỉnh núi này có những gốc Bách vàng bị chặt từ thời Pháp mà gỗ đến nay vẫn còn cứng.   Quay ra thì trời đã gần tối. Định đi tiếp lên Yên Minh ngủ cho gần, không ngờ ở Yên Minh không có chỗ trọ. Thế là quyết định đi thẳng lên Đồng Văn, tính là hôm sau sẽ vào Lũng Cú, điểm địa đầu của Việt Nam. Đường đi Đồng Văn hai bên toàn những mặt núi đá tai mèo, lởm chởm, dày đặc như quân Tào Tháo vậy. Trong bóng chiều tà, trông nơi đây càng có vẻ kỳ bí. Đúng là đá Hà Giang.   Ở Đồng Văn người ta chia đất không theo diện tích mà bằng cách đếm số gốc cây ngô mọc được trên núi. Ngô chỉ gieo được vào các hốc đá có đất. Vì thế diện tích lớn hay nhỏ phụ thuộc vào mảnh đất đó có nhiều đất hay không để trồng ngô.   Đến Đồng Văn trời đã tối muộn. Vào nhà khách ủy ban không tìm được chỗ trọ vì phòng đã chật hết cả. Loanh quanh một lúc phải vào một khu nhà trọ cho người đi chợ ở trong thị trấn. Cả đoàn bụng đói, nằm ngủ trong nhà phên vách nứa. Sáng sớm có đôi vợ chồng ở trọ phòng bên dậy mổ lợn đi bán. Lợn bị chọc tiết kêu om cả, không ai ngủ được. Đây là lần đầu ngủ nơi ngay sát chuồng lợn như vậy.   Sáng hôm sau tìm đường vào Lũng Cú. Đường men theo sườn núi, trên núi là đất Việt, bên kia là Trung Quốc.   Vào đến Lũng Cũ trình giấy giới thiệu nhà báo. Nhưng trưởng thôn vẫn đề phòng, bắt phải quay ra trình diện đồn biên phòng. Thế là mọi người đành chụp ảnh xung quanh, nhìn lên cột cờ Lũng Cú, điểm cực bắc của Việt Nam rồi đi ra. Thế là cũng được một lần đến nơi “đầu sông, đầu suối”, tận cùng của đất nước. Yume

Đăng bởi: Lữ Đình Quang Khải

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก