Đắk Lắk

Đắk Lắk có gì?

Đắk Lắk thuộc khu vực Tây Nguyên có địa hình hướng thấp dần từ đông nam sang tây bắc. Vì nằm trong vùng khí hậu cận xích đạo nên chia thành hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Chính điều kiện khí hậu và địa hình, đã làm cho Đắk Lắk có những địa danh tham quan ấn tượng khi du lịch Tây Nguyên. Cộng với văn hóa lâu đời của vùng dân tộc thiểu số đã khiến cho du lịch Đắk Lắk trở thành nguồn khám phá bất tận đối với du khách. Đắk Lắk có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm danh lam thắng cảnh đẹp tại Đắk Lắk trong bài viết sau đây nhé.

Thác Buôn H’Ngô – Đắk Lắk

Thác Buôn H’Ngô thuộc địa phận xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 70 km về hướng Đông Nam.

đắk lắk có gì?

Thác Buôn H’Ngô – Đắk Lắk

Là một ngọn thác đẹp, sơn thủy hữu tình gần kề Buôn H’Ngô nên người dân quanh vùng quen gọi là thác Buôn H’Ngô. Ngoài ra, ngọn thác này còn có tên gọi khác là: Drai Yang Lơng, trong đó Drai là thác, Yang Lơng là thần đá lớn vì tại thác có một tảng đá rất to nằm ngay giữa dòng thác, nhân dân các buôn lân cận rất tôn sùng và gọi tên thần đá là Yang Lơng – vị thần che chở và bảo vệ sự sống của buôn làng.

Buôn Ngô, địa chỉ đỏ về truyền thống cách mạng của huyện Krông Bông trong kháng chiến chống Mỹ: Cuối năm 1965, đầu năm 1966, cơ quan Tỉnh ủy Đắk Lắk chuyển từ căn cứ Čư Jŭ, Dliê Ya về đóng tại vùng rừng núi Čư Yang Sin thuộc H9 (nay là huyện Krông Bông) để tiện lãnh đạo và phát triển phong trào ở phía Nam. Tại căn cứ Krông Bông, được sự che chở, đùm bọc của bà con các dân tộc tại chỗ, Tỉnh ủy đã dần ổn định khu vực hoạt động để lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh phát triển. Trong thời gian 9 năm đóng tại căn cứ cánh Nam, Tỉnh ủy đã tổ chức được ba kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đó là Đại hội III (1965), Đại hội IV (1969), Đại hội V (1971) để kịp thời đề ra những Nghị quyết lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh đấu tranh chống Mỹ cứu nước.

đắk lắk có gì?

Thác Buôn H’Ngô – Đắk Lắk

Buôn H’Ngô đóng vai trò căn cứ địa cách mạng, là nơi đứng chân của Tỉnh ủy, các cơ quan, ban, ngành tỉnh từ 1969 – 1972, là đầu mối của nhiều tuyến hành lang trọng yếu, trên núi đầu nguồn thác là nơi tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ V vào tháng 10 năm 1971.

Ngày nay, địa điểm này là một trong những điểm Di tích có ý nghĩa lịch sử, góp phần giáo dục tinh thần cách mạng cao cả, truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Với cảnh quan thiên nhiên đẹp lại gắn với truyền thống cách mạng của đồng bào dân tộc ở Buôn H’Ngô và Khu di tích căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk 1965 – 1975. Ngày 17/10/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk xếp hạng thác Buôn H’Ngô là Di tích danh thắng cấp tỉnh.

Thác Sơn Long – Đắk Lắk

Thác Sơn Long thuộc thôn Tam Điền, cách trụ sở UBND xã Ea Tam khoảng 7 km về hướng Đông. Đây là một dòng thác đẹp, cảnh thác còn giữ được vẻ nguyên sơ, chưa có sự tác động nhiều của con người.

đắk lắk có gì?

Thác Sơn Long – Đắk Lắk

Ngoài cảnh quan thiên nhiên nên thơ và kỳ vĩ, thác Sơn Long còn thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, với diện tích quy hoạch 20 ha nên hệ thực vật ở hai bên dòng thác rất phong phú, đa dạng.

Xung quanh thác còn có những điểm đến hấp dẫn như làng Quảng Hòa (thôn Tam Điền), nơi này vẫn giữ nguyên vẹn những nét sinh hoạt truyền thống như ở nhà sàn bốn mái, mặc trang phục thổ cẩm truyền thống của người Nùng An (Cao Bằng) hay các nếp sinh hoạt văn hóa, tâm linh…

Với những đặc điểm riêng có, đây là ngôi làng rất phù hợp để phát triển điểm du lịch văn hóa cộng đồng, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo trong Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc được tổ chức thường niên vào tháng Giêng âm lịch ở xã Ea Tam, kết hợp khám phá thác Thủy Tiên (đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 2009)… Tất cả những điểm đó cùng với thác Sơn Long có thể tạo thành một tuyến du lịch bao gồm: du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái, mạo hiểm hấp dẫn của Krông Năng nói riêng và Đắk Lắk nói chung.

Tháp Yang Prong – Đắk Lắk

Tháp Chăm Yang Prong thuộc xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100km về phía Tây, còn có tên khác là tháp Chàm Rừng Xanh. Đây là một trong những tháp Chàm duy nhất ở Tây Nguyên được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII để thờ thần Siva dưới dạng Mukhalinga (vị thần vĩ đại), cầu mong sự nảy nở của giống nòi và ấm no hạnh phúc.

đắk lắk có gì?

Tháp Yang Prong – Đắk Lắk

Tháp Yang Prong hay còn gọi là Tháp chàm Rừng xanh là một ngọn tháp Chàm nằm ở thôn 5 xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Tương truyền, tháp là ngôi mộ của người đứng đầu làng Chăm xưa kia.

Năm 1906, người ta thấy ở trên khung cửa đá của tháp những dòng bia ký cổ của vị Vua Chăm trị vì vào cuối thế kỷ XIII. Những dấu tích vật chất quanh Yang Prông lại như chứng tỏ đây vốn là một khu thành trì dinh thự xưa của người Chăm ở Tây Nguyên. Toà tháp còn khá nguyên vẹn, cao hơn 10m, xây bằng gạch cứng với nhiều kích cỡ khác nhau. Tháp có bình đồ vuông, phần tiền sảnh phía Đông rộng 1,60m. Cấu trúc tháp hình vuông, phía trên nhọn như củ hành, khác với các kiến trúc Chăm thường thấy.

Năm 1990, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã tìm đến và có một số công trình nghiên cứu về tháp. Các nhà khoa học đều khẳng định: Yang Prông được xây dựng vào thế kỷ 13, chứng tỏ cách đây khoảng 700 năm, Tây Nguyên không chỉ có người bản địa mà đã có những dân tộc khác cùng sinh sống. Yang Prông là một di tích có ý nghĩa lớn đối với các nhà dân tộc học, lịch sử, kiến trúc…

đắk lắk có gì?

Tháp Yang Prong – Đắk Lắk

Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII dưới thời Vua Sinhavarman III (Chế Mân), thờ thần Shiva dưới dạng Mukhalinga, cầu mong sự nảy nở của giống nòi, và ấm no hạnh phúc. ThápYang Prong được phát hiện vào quãng những năm 1904-1911 bởi một nhà dân tộc học người Pháp tên Henri Maitre. Nhà khoa học này đã khảo tả về công trình này trong cuốn Les jungles Moi (Rừng Mọi) xuất bản tại Paris năm 1912.

Yang Prông có nghĩa là tháp thờ Thần Lớn, vị thần chuyên cai quản mùa màng theo quan niệm của người Chăm cổ. Đây là một công trình còn dang dở, bởi lẽ khi xây dựng tháp, đồng bào Chăm không bao giờ xây một cái mà thường là một quần thể. Hiện nay, tháp đã được công nhận là Di sản văn hóa cần được bảo tồn. Tuy đã được tôn tạo nhưng nhìn chung tháp vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm của nó.

Tháp Yang Prong là một khối kiến trúc bằng gạch nung đỏ trên nền cao bằng đá xanh. Tháp có chiều cao 9m, đáy vuông mỗi cạnh dài 5m, mỗi mặt tường ngoài là 3 cửa giả, một cửa duy nhất mở về hướng Ðông, nơi ngự trị của các vị thần linh. Phía trên mở rộng và thon vút hình tháp bút, khác biệt với kiến trúc của các tháp Chàm khác ở Trung Bộ. Trong thời gian chiến tranh, tháp bị những kẻ đi tìm vàng đánh mìn nên đã hư hỏng nhiều. Tháp cũng không được xây dựng trên những ngọn đồi cao, núi thấp không bóng cây như những ngọn tháp chàm khác mà lại nằm chìm lấp dưới những tán cổ thụ của rừng già Ea Súp và bên dòng sông Ea H’leo hiền hòa.

đắk lắk có gì?

Tháp Yang Prong – Đắk Lắk

Chung quanh tháp được bao quanh bởi những cây gỗ nhiều năm tuổi, khá rậm rạp, đây cũng là minh chứng cho nỗ lực bảo vệ của chính quyền địa phương. Không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tháp Yang Prông mang sắc thái và văn hóa Chăm cổ xưa huyền bí, cổ kính thâm nghiêm tồn tại vững bền cùng thời gian. Ngày 3 – 8 – 1991, tháp đã được công nhận là Di tích văn hoá kiến trúc cấp Quốc gia.

Đây là tháp của đồng bào Chăm duy nhất được xây dựng ở Tây Nguyên và được công nhận là Di tích kiến trúc cấp quốc gia. Việc trùng tu tháp cổ Chăm Yang Prong được tiến hành với nhiều hạng mục như trùng tu, gia cố khung thép khu vực chung quanh tháp chính, xây dựng tường rào bao quanh, láng nền bằng ximăng với tổng diện tích 1.200m2, trồng cỏ, đặt ghế đá trong khuôn viên khu vực tháp…

Việc trùng tu tháp Chăm Yang Prong góp phần thu hút khách du lịch tham quan Đắk Lắk cũng như phục vụ tốt yêu cầu của các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước mỗi khi đến đây.

Hồ Lăk – Đắk Lắk

Hồ Lăk theo ngôn ngữ của dân tộc Mnông thì từ “Lăk” có nghĩa là “Nước”. Hồ Lăk còn gọi có tên gọi khác là hồ Lạc Thiện, nằm ngay thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk, cách trung tâm Buôn Ma Thuột 56km về phía Nam trên quốc lộ 27 đường đi Đà Lạt.

đắk lắk có gì?

Hồ Lăk – Đắk Lắk

Hồ Lăk có diện tích hơn 500 hecta, đây là một trong những hồ tự nhiên có diện tích lớn nhất ở Việt Nam, phía Tây Nam của hồ thông với dòng sông Krông Ana (Sông vợ) là một trong những nhánh sông lớn của dòng Sêrêpôk, phía Tây hồ Lăk là dãy Čư Yang Sin hùng vĩ như ngực chàng trai cường tráng che chắn cho mặt hồ bốn mùa phẳng lặng dưới chân núi. Từ trên đỉnh đèo Lạc Thiện của buôn Yang Rôk thuộc xã Lăk Yang Tao nhìn xuống chúng ta sẽ thấy cảnh hồ hiện ra với một vẻ đẹp lộng lẫy – Trời mây, nước, đồi núi, đồng ruộng hoà lẫn vào nhau như một bức tranh thuỷ mạc.

Hồ Lăk còn gắn liền với truyền thuyết về lửa và nước của đồng bào Mnông. Chuyện kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa đã lâu lắm rồi, chẳng biết vì nguyên cớ gì thần nước và thần lửa bỗng mâu thuẫn với nhau. Sau một trận kịch chiến, thần nước thua trận phải chui vào một tảng đá. Từ đó hạn hán bắt đầu xảy ra, mấy năm liền không có mưa, cây cối và súc vật chết hết. Dân làng ngửa mặt lên trời, tiếng ai oán dậy đất. Một ngày kia, có một chàng trai nghèo ra đi, với quyết tâm tìm ra nguồn nước cho buôn làng. Chàng cứ đi mãi, đi mãi, một lần mệt quá chàng trai ngồi nghỉ trên một tảng đá có một chú lươn đang nằm cuộn tròn. Chàng bắt chú lươn đó đem về bỏ trong một cái nồi, sáng hôm sau chàng bỗng thấy có những giọt nước từ miệng lươn nhả ra, đọng dưới đáy nồi. Chàng linh cảm rằng: Thần Nước đây rồi!. Chàng bèn thả lươn ra và cứ lần theo dấu lươn trườn mà đi, đi mãi, tới khi lươn biến mất thì cũng vừa lúc một hồ nước mênh mông vụt hiện ra trước mắt. Chàng trai dụi mắt một lần, hai lần, rồi lại một lần nữa mới dám tin rằng không phải mình mơ. Hồ Lăk có từ đấy.

đắk lắk có gì?

Hồ Lăk – Đắk Lắk

Ngày nay, hồ Lăk là một điểm du lịch hấp dẫn, đến đây du khách sẽ được cưỡi voi, chèo thuyền độc mộc, tìm hiểu về phong tục tập quán truyền thống của cộng đồng tộc người Mnông tại buôn Mliêng – một trong những buôn cổ đang được bảo tồn của tỉnh. Bên cạnh đó, hồ Lăk còn là một vựa cá lớn của tỉnh, là nguồn cung cấp thuỷ sản dồi dào phục vụ cho đời sống của nhân dân.

Đặc biệt, trên đỉnh đồi cạnh hồ Lăk đã được vua Bảo Đại xây dựng một Biệt Điện để nghỉ ngơi, ngắm phong cảnh. Biệt Điện hiện được Công ty Du lịch Đắk Lắk trùng tu và khai thác phục vụ khách du lịch.

Ngày 11/5/1993, hồ Lăk được nhà nước công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia.

Di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du (Biệt Điện Bảo Đại) – Đắk Lắk

Di tích số 04 Nguyễn Du (Biệt Điện Bảo Đại) tọa lạc tại số 02 Y Ngông, Tp. Buôn Ma Thuột. Nơi đây trước năm 1905, nguyên là nhà hàng Maison Lefévre, đến năm 1914 Sabatier về làm công sứ tại Đắk Lắk đã chọn địa điểm này để xây dựng công sở được gọi là Toà Đại lý quận trưởng. Năm 1926, sau khi về thay Công sứ Sabatier Công sứ Giran đã cho cải tạo và xây dựng toà nhà như hiện nay, và được gọi là Toà công sứ (Résidence) theo dân địa phương gọi là Sang Ae Prong (nhà ông lớn).

đắk lắk có gì?

Di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du (Biệt Điện Bảo Đại) – Đắk Lắk

Tháng 11/1947 sau khi được chính phủ Pháp bảo lãnh đưa Vĩnh Thụy (Bảo Đại) về nước với danh nghĩa là Quốc trưởng. Bảo Đại đã đến đây ở và làm việc trong khu vực này gần 8 tháng (từ tháng 11/1947 đến khoảng tháng 5/1948). Sau đấy vào những năm 1949 – 1954 hàng năm Bảo Đại thường tới đây vào dịp đầu mùa mưa để nghỉ ngơi và đi săn bắn, do đó ngôi nhà này còn có tên Biệt Điện Bảo Đại.

Biện điện có diện tích tới 7 hecta gồm khuôn viên trồng cây xanh và các khu nhà. Các khu nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Việt Nam truyền thống hơi pha chút kiến trúc Pháp. Đặc biệt, Biệt điện còn mang đậm dấu ấn phong cách nhà dài truyền thống của người dân tộc Ê Đê.

đắk lắk có gì?

Di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du (Biệt Điện Bảo Đại) – Đắk Lắk

Đến với Biệt điện Bảo Đại là đến với sự yên tĩnh, gần gũi kì lạ. Các gian phòng đều được bài trí rất gần gũi, nhẹ nhàng. Tất cả vật dụng trang trí đều nhã nhặn, tinh tế. Không phải kiểu cách sa hoa, quyền quý như những nơi thuộc về vua chúa khác.

Biệt điện Bảo Đại cũng là nơi trưng bày nhiều hiện vật lịch sử. Các hiện vật đều có giá trị của hơn 40 dân tộc anh em đang sinh sống tại Đắk Lắk. Nổi bật nhất phải kể đến là không gian văn hóa cồng chiêng.

Biệt điện Bảo Đại còn là nơi trồng và bảo tồn nhiều loại cây nguyên sinh và cổ thụ trăm năm tuổi. Nhờ đó mà không gian nơi này luôn xanh mát, thoáng đãng. Các loại cây nổi bật như long não, bằng lăng, châm mũi nhọn, cà chít…

đắk lắk có gì?

Di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du (Biệt Điện Bảo Đại) – Đắk Lắk

Các trường học thường tổ chức buổi tham quan cho học sinh của mình đến tìm hiểu về Biệt điện Bảo Đại. Không chỉ là để tham quan, còn là để trải nghiệm và lắng nghe những câu chuyện về một thời lịch sử của đất nước.

Với ý nghĩa và tính chất lịch sử của công trình, ngày 26/01/1999 Bộ Văn hoá Thông tin đã ra quyết định số 02/1999-QĐ/BVHTT công nhận Biệt điện Bảo Đại là di tích lịch sử cấp quốc gia thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Với kiến trúc và cảnh quan đẹp, Biệt điện Bảo Đại thực sự là điểm tham quan lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Ngày nay, Biệt Ðiện trở thành di tích lịch sử, bảo tàng trưng bày hiện vật lịch sử văn hóa các dân tộc Ðắk Lắk. Cảnh thiên nhiên vẫn mang bóng dáng của ngàn xưa đã góp phần làm cho Biệt Ðiện mang đậm nét lịch sử của mảnh đất cao nguyên đầy huyền thoại.

Thác Dray Sáp Thượng ( Thác Gia Long ) – Đắk Lắk

Thác Dray Sáp Thượng nằm trên dòng sông Ea Krông, cạnh buôn Kuôp thuộc địa phận xã Ea Na, huyện Krông Ana, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 18km về phía Nam.

đắk lắk có gì?

Thác Dray Sáp Thượng ( Thác Gia Long ) – Đắk Lắk

Nhìn từ xa, thác Dray Sáp Thượng nổi bật một mà trắng xóa trên mặt nước bàng bạc của dòng sông Ea Krông. Hai bên dòng sông là một màu xanh mênh mông của núi rừng. Ngay khu vực thác, một hình ảnh thật hùng vĩ, gây ấn tượng mạnh mẽ đó là hình ảnh dòng sông Ea Krông, với làn nước trôi nhè nhẹ phía thượng nguồn, bỗng nhiên gấp khúc bởi một thềm đá chắn ngang cả dòng sông, rộng khoảng 70m. Nước sông ào ào dội xuống vực thẳm cao khoảng 08m, vang vọng cả một góc rừng.

Mùa mưa, nước ngập tràn mặt sông, chúng ta chỉ thấy một ngọn thác khổng lồ, dữ dội. Tuy nhiên, đến mùa khô lưu lượng nước sông vơi hẳn, tạo thành 09 ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Trong số 09 ngọn thác, có 05 ngọn thác nằm phía giữa dòng sông cách nhau từ 05 đến 10m, có dòng nước ầm ầm đổ xuống, nhưng có dòng nước lại chảy róc rách nhẹ nhàng. Thác Dray Sáp Thượng từ xa xưa đã trở thành tình yêu và sự gắn bó của người dân bản địa nơi đây. Được thể hiện qua câu chuyện cổ dân giann của người Êđê đầy thi vị, về sự tích của dòng thác Dray Sáp Thượng này.

đắk lắk có gì?

Thác Dray Sáp Thượng ( Thác Gia Long ) – Đắk Lắk

Chuyện kể rằng: Thuở xa xưa, tại một buôn làng Êđê nọ có một người con gái rất đẹp tên là H’Mi, nàng yêu một chàng trai cao lớn, khỏe mạnh, hiền lành. Hàng ngày, đôi trai gái thường rủ nhau đi làm rẫy. Một hôm, sau khi làm rẫy xong, hai người rủ nhau đến nghỉ trên một tảng đá dưới tán cây cổ thụ xum xuê. Ngồi nghỉ chưa kịp ráo mồ hôi thì họ bổng thấy một con quái vật, đầu to như quả núi, mắt lớn tựa nồi đồng, râu dài mấy sải tay, tóc nhọn như tên, toàn thân phủ một lớp vảy trắng, lấp lánh như bạc. Con quái vật bay lên bầu trời rồi bất thần sa xuống đất như quạ vồ mồi, chân nó đạp mạnh làm cả một khoảng đất rộng lún xuống và tại đó một cột nước khổng lồ phun lên dữ dội, kéo theo cả nàng H’Mi đang khiếp đảm, còn người yêu của nàng thì bị cuốn tung đi nơi khác. Chàng trai như mảnh hổ cố sức giằng kéo người yêu lại nhưng đành tuyệt vọng, nhìn người yêu đang tan biến vào lớp sương mù, cùng những vẩy trắng lấp lánh. Từ đó, chàng trai biến thành một thân cây lớn, gốc cắm sâu vào ghềnh đá, thân mang dáng dấp một người đau khổ đang dang tay than khóc. Còn cột nước khổng lồ thì biến thành ngọn thác Dray Sáp Thượng ngày nay. Và, ở đầu kia nàng H’Mi vẫn thủy chung gào khóc đêm ngày đòi lại người yêu.

đắk lắk có gì?

Thác Dray Sáp Thượng ( Thác Gia Long ) – Đắk Lắk

Ngoài ra, thác Dray Sáp Thượng còn gắn liền với sự kiện lịch sử như sau: những năm 1930 – 1933, thực dân Pháp đã huy động dân phu và tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột lao dịch hết sức cực nhọc, gian khổ dưới đòn roi tra tấn, cực hình của chúng để xây dựng một đoạn đường vòng cung đi qua thác cùng với chiếc cầu treo qua sông Ea Krông. Ngày nay, chúng ta vẫn thấy hai bên còn hai mấu cầu mà thực dân Pháp đã cho xây dựng, đây là minh chứng lịch sử thuyết phục nhất về sự tàn ác của thực dân Pháp lúc bấy giờ, đã có không biết bao nhiêu dân phu và tù chính trị đã bỏ xác nơi rừng sâu, vực thẳm. Và đây, cũng chính là nơi thử thách, rèn luyện tin thần và ý chí đấu tranh cách mạng của những người Cộng sản yêu nước.

Ngày 04/1/1999, Bộ VHTT đã ra quyết định số 01/1999/QĐ-BVHTT công nhận thác Dray Sap Thượng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Diện tích quản lý của thác là 277,5 ha.

Đình Lạc Giao – Đắk Lắk

Đình Lạc Giao là một ngôi Đình, thờ Thành Hoàng theo tập quán người Việt và là một di tích lịch sử đã được xếp hạng về công cuộc khai khẩn đất đai của những người Kinh đầu tiên trên cao nguyên Buôn Ma Thuột.

đắk lắk có gì?

Đình Lạc Giao – Đắk Lắk

Là ngôi đình đầu tiên của người Việt trên mảnh đất Tây Nguyên, Đình Lạc Giao tọa lạc tại 67 Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột do nhân dân làng Lạc Giao xây dựng vào năm 1928, với mục đích làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và thờ Thần hoàng làng. “Lạc Giao” có ý nghĩa thể hiện mối giao hảo, lời thề nguyền Kinh – Thượng cùng chung lưng đấu cật chống lại sự áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân.

Đình được xây dựng theo kiểu chữ Môn có diện tích 100m2 nằm trong khuôn viên rộng 700m2, gồm: Đình chính, nhà Tiền hiền (nhà Hiện hữu), nhà Hội quán, nhà Bếp, nhà ở cho từ đình và nhà vệ sinh. Kinh phí xây dựng đều do dân làng Lạc Giao đóng góp. Triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong cho đình thờ Thần hoàng Đào Duy Từ.

đắk lắk có gì?

Đình Lạc Giao – Đắk Lắk

Cách mạng Tháng Tám thành công, Đình Lạc Giao là nơi ra mắt chính quyền cách mạng, những người con của làng Lạc Giao trở thành chiến sĩ vệ quốc đoàn hoặc tham gia chính quyền cách mạng như: ông Hồ Bang – Chủ tịch làng Lạc Giao, ông Lê Văn Tín – Phó chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời thị xã và nhiều đồng bào, đồng chí đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Đây cũng là nơi diễn ra sự kiện ra mắt Uỷ ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột vào ngày 18/3/1975.

Năm 1990, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 168/QĐ-BVHTT, ngày 02/3/1990 xếp hạng Đình Lạc Giao là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Hằng năm, vào các dịp Xuân Thu nhị kỳ, tại Đình Lạc Giao dân làng đều tổ chức các lễ tế: Lễ Tế Xuân (17/01 âm lịch), Lễ Tế Thu (16/8 âm lịch) với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Lễ tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến và đồng bào tử nạn tại Buôn Ma Thuột vào ngày 01/12/1945 (27/10 âm lịch).

Hang đá Dak Tuar – Đắk Lắk

Nằm cạnh dòng thác Dak Tuar cách trung tâm xã Cư Pui (huyện Krông Bông ĐắkLắk) về phía thượng nguồn chừng 6 km có một di tích lịch sử cách mạng, đó là Hang đá Dak Tuar.

đắk lắk có gì?

Hang đá Dak Tuar – Đắk Lắk

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, Hang đá Dak Tuar là nơi đóng quân của Tỉnh ủy ĐắkLắk và các đơn vị bộ đội chủ lực của tỉnh. Dựa vào địa hình hiểm trở, Tỉnh ủy và các cơ quan kháng chiến của ta đã chọn nơi đây để làm đại bản doanh lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong tỉnh đoàn kết kháng chiến. Đế quốc Mỹ nhiều lần dùng máy bay ném bom, tổ chức nhiều cuộc càn quét hòng tiêu diệt căn cứ kháng chiến nhưng đều thất bại thảm hại.

Tháng 5-1965 từ Hang đá Dak Tuar, Tỉnh ủy đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc H9 vùng dậy phá ách kìm kẹp của địch, giải phóng một vùng đất rộng lớn về phía Đông của tỉnh, vùng đất này nay thuộc huyện Krông Bông. Từ vùng căn cứ cách mạng này, Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo quân và dân trong tỉnh kháng chiến, giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975, mở màn cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 3/8/1991, Hang đá Dak Tuar được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử. Sở Văn hóa – Thông tin ĐắkLắk cũng đã có dự án giữ gìn và tôn tạo lại khu di tích gồm : Hội trường Tỉnh ủy trong hang đá; nơi ở và làm việc của đồng chí Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ. Qua khảo sát đã cho thấy khu di tích này có cả một hệ thống hang đá liên hoàn gồm nhiều tầng lớp ăn sâu vào lòng núi đủ chỗ ở cho hàng trăm sư đoàn.

Trong các ngày lễ lớn thanh niên các dân tộc trong tỉnh thường xuyên tổ chức đến Thăm di tích lịch sử này. Hang đá Dak Tuar đã trở thành chứng tích lịch sử Mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Chùa Khải Đoan – Đắk Lắk

Đến thành phố Buôn Ma Thuột, khách du lịch thường đến viếng ngôi chùa lớn và nổi tiếng ở trung tâm thành phố – chùa Sắc tứ Khải Đoan. Chùa tọa lạc ở số 117 đường Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

đắk lắk có gì?

Chùa Khải Đoan – Đắk Lắk

Chùa thường được gọi là chùa Lớn hay chùa Tỉnh, hướng mặt Tây Nam, nhìn xuống suối Đốc Học. Khải Đoan là ngôi chùa Sắc tứ cuối cùng của nhà Nguyễn, là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật giáo thời kỳ Chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở Tây Nguyên, vùng đất Hoàng triều cương thổ thời Bảo Đại. Chùa do Đoan Huy Hoàng thái hậu Hoàng Thị Cúc (chính phi của Vua Khải Định) cùng một số Phật tử phát tâm xây dựng và hiến cúng cho Giáo hội Tăng già Trung Việt. Hòa thượng Thích Trí Thủ cử trưởng tử là thầy Thích Đức Thiệu chỉ đạo việc xây cất chùa trên khu đất rộng gần 7 mẫu 8 sào 28m2 và làm trụ trì đầu tiên.

Năm 1951, chùa xây phần hậu tổ và nhà giảng, đến năm 1953 xây chính điện. Tên Khải Đoan là ghép từ hai chữ Khải Định – Đoan Huy. Ngày 29-6-1953 (19-5 năm Quý Tỵ), ngài Narada Thera (Tích Lan) đã cung thỉnh ngọc Xá lợi Phật dâng đức Từ Cung tại Buôn Ma Thuột. Dự lễ có Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, cùng chư tăng, Phật tử và đông đảo nhân dân chiêm bái Xá lợi Phật và đỉnh lễ cầu nguyện cho đất nước hòa bình.

đắk lắk có gì?

Chùa Khải Đoan – Đắk Lắk

Chùa được xây dựng bởi những bàn tay khéo léo của những người thợ cố đô Huế nên có kiến trúc nhà rường Huế xen lẫn với kiến trúc địa phương. Cổng chính theo hướng Tây Nam nhìn ra đường Quang Trung, hướng về thung lũng ‘Suối Đốc Học’. Trước và sau cổng đều ghi ‘Khải Đoan Tự’. Chánh điện là công trình chính của chùa với mặt bằng 320m2 được chia làm hai phần. Nửa phần trước mang dáng dấp nhà dài Tây Nguyên nhưng cấu trúc cột kèo theo kiểu nhà rường Huế. Nửa sau được xây theo lối hiện đại. Đáng chú ý nhất trong chánh điện là tượng Phật Thích Ca ở giữa và chiếc chuông đồng đặt ở gian bên phải. Tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao 1,1m, đài sen bằng gỗ cao 0,35m được trang trí công phu, chiếc chuông đồng cao 1,15m, chu vi đáy 2,7m, nặng 380Kg được đúc tháng 01.1954 (tức tháng Chạp năm Quý Tỵ).

Trải qua hơn nửa thế kỷ, chùa kế tục bảy đời trụ trì. Hòa thượng Thích Đức Thiệu trụ trì đầu tiên. Kế tục các đời trụ trì là : Hòa thượng Thích Từ Mãn, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Hòa thượng Thích Viên Đức, Thượng tọa Thích Quảng Hương, Hòa thượng Thích Quang Huy. Trụ trì hiện nay là Thượng tọa Thích Châu Quang, đương nhiệm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đắk Lắk.

Năm 1986, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh được thành lập. Chùa được chọn đặt văn phòng Phật giáo của tỉnh cho đến nay. Chùa Khải Đoan là ngôi danh lam bậc nhất trên cao nguyên miền Trung.

Mộ vua săn bắt Voi (Khunjunob) – Đắk Lắk

Mộ vua săn bắt Voi là lăng mộ của một vị tù trưởng đầy quyền lực và được nhân dân khắp vùng kính phục, người đã khai sinh ra Buôn Đôn, có công lớn trong buổi đầu tạo lập và phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nơi đây.

đắk lắk có gì?

Mộ vua săn bắt Voi (Khunjunob) – Đắk Lắk

Khunjunob, tên thật là N’ Thu K’ Nul, sinh năm 1828, một vị tù trưởng đầy quyền lực và được nhân dân khắp vùng kính phục, người đã khai sinh ra Buôn Đôn, có công lớn trong buổi đầu tạo lập và phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nơi đây.

Ông đã săn được hàng trăm Voi, trong đó có một con Voi trắng (Bạch Tượng) mà ông đã mang tặng Hoàng gia Thái Lan năm 1861. Vua Thái Lan rất cảm phục và phong tặng ông danh hiệu Khunjunob (Vua Săn Voi). Cả đời mình, ông đã sống, làm việc, lãnh đạo dân làng Buôn Đôn, rồi chọn chốn này làm nơi yên nghỉ cuối cùng, thọ 110 tuổi.

Sau khi ông trút hơi thở cuối cùng, thông tin về cái chết của ông nhanh chóng được truyền đi khắp vùng. Tang lễ của ông được tổ chức rất long trọng với đầy đủ các nghi thức truyền thống kéo dài nhiều ngày với sự tham dự của nhiều sắc tộc gần xa. Sau khi ông mất, việc hành lễ, bỏ mã, lập mộ cho ông do người cháu (gọi ông bằng cậu) tên là R’ Leo K’ Nul đứng ra lo liệu.

Buôn Đôn lúc bấy giờ đã là một nhóm cộng đồng đa sắc tộc mà thành phần chủ yếu là các dân tộc M’ Nông, Êđê và Lào nên R’ Leo và dân làng đã quyết định xây dựng mộ ông dựa theo kiến trúc M’ Nông – Lào kết hợp để thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với vị tù trưởng quá cố. Kiến trúc nhà mồ theo văn hóa M’ Nông – Lào của ngôi mộ ông thể hiện khá rõ qua mô-típ hình khối được trang trí bằng các búp sen trên bốn góc và đỉnh mộ.

đắk lắk có gì?

Vua săn bắt Voi (Khunjunob) – Đắk Lắk

R’ Leo K’ Nul (cháu của Khunjunob) sinh năm 1877, là người kế quyền lãnh đạo buôn làng sau khi tù trưởng Khunjunob qua đời. Ở thời kỳ này, R’ Leo tỏ ra là một nhà lãnh đạo xuất sắc, biết phát huy các thế mạnh vốn có của địa phương, góp phần không nhỏ trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đặc biệt, ông đã góp phần làm cho mối quan hệ của buôn làng với các nhóm dân tộc lân cận và triều đại phong kiến đương thời (Bảo Đại) ngày càng khắng khít.

Ông cũng đã tặng Bảo Đại một Voi trắng và thành lập cho vị vua này một đội voi săn “Hoàng Gia Bảo Đại”. Ông qua đời năm 1947, thọ 70 tuổi. Ba năm sau khi ông qua đời (1950), lễ bỏ mả cho ông được thực hiện và mộ ông được xây dựng theo kiến trúc đền tháp Campuchia. Đây là mẫu kiến trúc do vua Bảo Đại cho người sưu tầm và cử nhóm đại diện đến trực tiếp thi công. Ngôi mộ được hoàn thành với tổng chi phí ngang bằng giá trị 1 voi có ngà dài vào thời giá lúc ấy.

Bia Lạc Giao – Đắk Lắk

Bia Lạc Giao là một di tích lịch sử nằm ở Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk. Nơi đây ghi lại bao chiến công hiển hách thời chiến tranh của những người con yêu nước. Bia Lạc Giao được dựng trong khuôn viên nhà triển lãm, dưới bóng cây đa cổ thụ với 4 gốc như một kiến trúc tự nhiên che chắn. Nơi đây ngày trước là đồn lính khố đỏ của Thực dân Pháp tại Buôn Ma Thuột. Sau khi Việt Nam giành được độc lập, người Pháp đã trở lại gây hấn và đánh chiếm Tây nguyên và Nam kỳ.

đắk lắk có gì?

Bia Lạc Giao – Đắk Lắk

Lúc ấy hàng ngàn người con ưu tú theo tiếng gọi của đất nước đã hành quân Nam tiến tiếp sức cho đồng bào miền Nam. Một trung đội quân Nam tiến đã vào với chiến trường Buôn Ma Thuột và đóng quân tại đây. Do bất ngờ bị quân Pháp trở mặt gây hấn, chúng tiến đánh vào dây khi trời chưa rạng sáng, lúc ấy trung đội quân Nam tiến vừa vào đến nơi đang nghỉ ngơi sau chặng đường dài vất vả. Do bị bất ngờ, trang bị và quân số thua kém nên dù đã chiến đấu rất anh dũng nhưng gần như toàn trung đội đều đã hi sinh.

Tấm bia được dựng quân dân thành phố Buôn Ma thuột xây dựng để tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ nam tiến đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Họ yên nghỉ vĩnh hằng ở mảnh đất Buôn Ma Thuột Tây nguyên khi còn rất trẻ.

Bia tưởng niệm 100 liệt sĩ Nam Tiến cách ngã sá u chừng 1km.Những hàng chữ khắc trên bia đá uy nghiêm: “Tinh thần chiến đấu bất diệt”, “Ghi nhớ các chiến sĩ đã quá cố vì công cuộc giải phóng cho nước nhà mà bỏ mình tại Nhà lao Buôn Ma Thuột” để nhắc nhở con cháu sau này luôn ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ cách mạng đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của dân tộc.

Nhà đày Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk

Nhà đày Buôn Ma Thuột tọa lạc tại số 18 đường Tán Thuật – phường Tự An – thành phố Buôn Ma Thuột. Được xây dựng trong những năm 1930 – 1931, Nhà đày là nơi giam giữ, đày ải tù chính trị chủ yếu ở các tỉnh Trung kỳ…

đắk lắk có gì?

Nhà đày Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk

Nhà đày Buôn Ma Thuột tọa lạc tại số 18 đường Tán Thuật – phường Tự An – thành phố Buôn Ma Thuột. Được xây dựng trong những năm 1930 – 1931, Nhà đày là nơi giam giữ, đày ải tù chính trị chủ yếu ở các tỉnh Trung kỳ. Tên gọi Nhà đày Buôn Ma Thuột một mặt bắt nguồn từ tên gọi do thực dân Pháp đặt: Pénitencier de Ban Mê Thuột, mặt khác là do tính chất, loại hình các nhà giam của thực dân Pháp. Nhà đày được xây dựng với tổng diện tích gần 2ha, với 4 bức tường bao quanh cao 4m, dầy 40cm, 4 góc đều có vọng gác và có lính canh 24/24 giờ. Phía trong có 6 dãy lao tập thể, các dãy xà lim… đây là nơi giam cầm, đày ải và thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng với một chế độ hết sức khắc nghiệt và tàn bạo.

đắk lắk có gì?

Nhà đày Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk

Thế nhưng, vượt lên trên tất cả sự tàn bạo dã man của kẻ thù là tinh thần và ý chí đấu tranh kiên cường những người tù cộng sản. Họ đã biến nơi đày ải thành mặt trận đấu tranh mới, thành trường đào tạo về văn hóa, chính trị, lý luận quân sự. Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng là một trong những nơi ươm mầm hạt giống cho cách mạng. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã trưởng thành từ nơi này như đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Phan Đăng Lưu… Năm 1980 Nhà đày được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

đắk lắk có gì?

Nhà đày Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk

Trải qua năm tháng lịch sử, Nhà đày được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, vì vậy cảnh quan và cơ sở vật chất cũng có những thay đổi, xuống cấp, nên đã được trùng tu lại 2 lần vào năm 1992 và 2006.

Hiện nay nhà đày Buôn Ma Thuột thường xuyên mở cửa đón khách tham quan đến học tập tìm hiểu về lịch sử của Đắk Lắk nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Đắk Lắk có gì? Một phố núi dịu dàng và tĩnh lặng nhưng lại vô cùng quyến rũ bởi những dãy núi đồi hùng vĩ. Những cánh rừng cà phê xanh bạt ngàn, xen lẫn là những ngôi nhà sàn của người dân tộc. Phong cảnh ở Đắk Lắk rất tuyệt vời bởi sự kết hợp hòa giữa nét đẹp hoang sơ của núi rừng pha lẫn sự hiện đại của phố thị. Du lịch Đắk Lắk chắc chắn sẽ là một chuyến đi mang lại cho bạn nhiều thú vị.

Đăng bởi: Nguyễn Thị Hường

YOLO! Khám phá các huyện ở Đắk Lắk

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก