Kỹ Năng Phái Mạnh

Đặng Lê Nguyên Vũ xứng danh bậc thầy marketing?

Mấy hôm nay trên mạng xuất hiện clip “full không che” dài 4 phút 30 giây ghi lại phát ngôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ về tầm nhìn Trung Nguyên. Nghe cũng khá “massage não” đấy, nhưng khi được hàng loạt “dân trong nghề” tôn vinh Đặng Lê Nguyên Vũ là “bậc thầy marketing”, là người tiên phong nơi “cuộc cách mạng marketing 3.0” với tất cả mỹ từ mà chẳng hề nhận ra sự nhầm lẫn, đi sau, thiếu nghiên cứu thị trường, quá sức (hay còn gọi là “hoang tưởng”), thiếu nhất quán thì tôi thực sự lo cho chính mình. Không lẽ từ ngày rời khỏi phòng marketing, đã có nhiều giá trị bị đảo lộn đến vậy ư?

đặng lê nguyên vũ, kiến thức, marketing, nhận định, trung nguyên, đặng lê nguyên vũ xứng danh bậc thầy marketing?

Đặng Lê Nguyên Vũ xứng danh bậc thầy marketing? (nguồn ảnh: facebook)

Nói trước nhằm tránh mâu thuẫn nhé: Tôi chỉ phân tích những “khó hiểu” của bản kế hoạch theo góc nhìn cá nhân để khảo nghiệm lại kiến thức bản thân, chứ không bàn về thân phận ông Vũ ạ, bởi dù ông có là người như thế nào đi chăng nữa thì cũng chẳng liên quan gì đến cuộc đời tôi.

1. Những nhầm lẫn tai hại của Đặng Lê Nguyên Vũ

“Xe cộ mua vẫn còn đó, vẫn còn 500 tỷ, 700 tỷ, 1.000 tỷ, vẫn còn tài sản ở đó hết, không mất đi đâu. Cái đó là sự thông minh, trí tuệ. Chứ không phải làm chiết khấu hết, sự kiện hết là thôi, là biến mất”. Sai lầm thứ nhất: Xe tuy còn nhưng giá sẽ mất thê thảm và nhanh chóng, nhất là với siêu xe. Tức là vẫn phải tính chiết khấu, chưa kể chi phí duy tu bảo dưỡng cực tốn kém nữa, bởi ông là người nhiều siêu xe nhất Việt Nam! Hơn nữa, mỗi lần ông “khoe xe” vẫn phải chạy sự kiện, chạy truyền thông mà. Như vậy nếu khẳng định đây là “đỉnh cao thông minh trí tuệ” liệu có hơi quá không ?

Mở rộng thêm chút nữa, trong kế hoạch ông có nói về việc phụng sự cộng đồng, mà nổi bật là tặng 200 triệu cuốn sách và phim trong 5 năm (2018-2023) với tổng nguồn lực chi phí 5 tỷ USD. Sai lầm thứ hai: Nhưng thực tế với việc in số lượng lớn như vậy lại không tính lợi nhuận, mỗi cuốn sẽ chỉ có giá khoảng 2 USD, tức tổng 400 triệu đô Mỹ. Kể cả có tính các chi phí khác nữa như bản quyền, truyền thông, đào tạo thì con số này cũng quá chênh lệch so với dự toán. Hy vọng ông không tung con số cho phù hợp với sự “cuồng vỹ” vốn có của mình!

Đến lúc này chúng ta mới thấy cần biết bao sự tính toán chi tiết mà thiên hạ vẫn gán cho danh xưng “con buôn” của vợ ông. Bởi nếu giao cho chồng mà dự trù kinh phí cứ bị lệch nhiều lần như này thì sớm vỡ trận mất thôi.

đặng lê nguyên vũ, kiến thức, marketing, nhận định, trung nguyên, đặng lê nguyên vũ xứng danh bậc thầy marketing?

Đặng Lê Nguyên Vũ xứng danh bậc thầy marketing? (nguồn ảnh: internet)

2. Chiến lược Marketing của Trung Nguyên đi sau nhiều doanh nghiệp khác

Nếu phải lên núi thiền định 5 năm mới có thể nghĩ ra kế hoạch hướng đến và phụng sự cộng đồng như này thì tôi nghĩ chỉ cần qua tham khảo bên Vinamilk, Vingroup,… vài tháng là “giác ngộ” rồi! Cách đây 6 năm khi còn là Kiến trúc sư ở Vĩnh Tường, tôi đã đọc rất rõ cũng như cùng công ty triển khai giá trị cốt lõi này.

Tất nhiên tôi chưa bao giờ đánh giá thấp ý tưởng nhân văn và hiệu quả ấy, nhưng thay vì tôn vinh ông Vũ do đã tiên phong thì nói rằng Trung Nguyên đi quá chậm có lẽ sẽ đúng hơn ? Như vậy Đặng Lê Nguyên Vũ không sáng tạo ra, mà đơn giản là định lại hướng đi cho doanh nghiệp theo xu hướng chung mà thôi.

Và cũng tất nhiên, tôi không đánh giá thấp đạo hay thiền nhé, chỉ nhận xét là kế hoạch kia chẳng được sớm như tung hô.

3. Thiếu nghiên cứu thị trường

Ý tưởng về “café đạo” thì tôi rất ủng hộ, và mong chờ từ rất lâu rồi một không gian để anh em có thể “ngộ đạo” cùng nhau, hoặc với chính mình.

Nhưng vụ tặng sách thì… e hèm, tôi sợ là chưa đúng thời điểm.

Tôi có cơ hội chơi với khá nhiều bạn bè làm văn hóa doanh nghiệp, chính tôi cũng là một thằng “quẫy” nhiều năm trời trong mảng đó, với không ít thành tựu. Tuy nhiên khi nhắc về việc tạo lập phong trào đọc sách chắc ít người dám vỗ ngực hô “dễ dàng”. Ngay trong những môi trường có cả phát động lẫn phần thưởng mà còn khó vậy thì ra ngoài sẽ ra sao đây ?

Nhìn rộng ra, mỗi năm 1 người Việt mới đọc chưa đến 1 cuốn sách (không tính sách giáo khoa và giáo trình). Nhiều bạn trẻ nói ngay rằng thay vì tặng họ sách thì có thể thay bằng ly trà sữa ?!

Đau xót lắm…

Tôi là thằng mê đọc, ai chơi với tôi đều biết rõ việc này. Năm 2016, tôi cũng có nhận được quà tặng là cuốn “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách” (xuất bản từ 2015) trong chính “Bộ sách đổi đời” của Trung Nguyên. Trân trọng lắm!

Nhưng cũng bấy nhiêu năm, khi nhìn lại sự biến chuyển của thói quen đọc, rất ít thay đổi tích cực xuất hiện, thậm chí bi quan hơn là thời gian cho đọc sách đã bị chiếm trọn bởi chơi game, mạng xã hội, tạp chí, phim ảnh,…

Ngại đọc là tâm lý chung hôm nay, các bài viết ngày càng phải ngắn lại. Phân tích này của tôi chỉ vọn vẹn trong 4 trang A4 mà rất nhiều người sẽ không thể đọc đến một nửa.

Chưa kể “sách” còn là miếng mồi béo bở của nhiều nhà xuất bản nữa. Liệu họ có bình chân để xem ông và Trung Nguyên đi tặng “miếng ăn” đấy cho người người nhà nhà?

Tôi biết kỳ vọng của ông Vũ là giải quyết được “vấn nạn” này cho nước Việt, là “minh chủ” đứng lên hiệu triệu toàn dân theo phong trào “đọc để khai sáng”, là qua ảnh hưởng của kế hoạch này nhiều người sẽ biết đến Trung Nguyên, có cảm tình và tin dùng sản phẩm hơn.

Nhưng về bản chất, Trung Nguyên vẫn là một doanh nghiệp cần lợi nhuận trước lúc dám nghĩ đến phụng sự. Liệu đây có phải canh bạc liều lĩnh không khi miệng đã trót tuyên bố con số 5 tỷ USD trong 5 năm tới ?

đặng lê nguyên vũ, kiến thức, marketing, nhận định, trung nguyên, đặng lê nguyên vũ xứng danh bậc thầy marketing?

4. Đặng Lê Nguyên Vũ với kế hoạch quá sức, màu sắc hoang tưởng

Thời điểm hiện tại, ngay cả khi Trung Nguyên được “lên sàn” thì tổng giá trị mới chỉ đạt tối đa 16.000 tỷ VNĐ (800 triệu USD, giá trị hiện tại khoảng gần 6.000 tỷ VNĐ), với quy mô doanh số năm kỳ vọng là 5.000 tỷ VNĐ (250 triệu USD, hiện tại là hơn 3.000 tỷ VNĐ). Không biết có bao nhiêu chuyên gia tài chính dám giới thiệu công thức hợp lý để sau 5 năm nữa, công ty có thể chạm ngưỡng 5 tỷ USD (110.000 tỷ VNĐ) giữa bối cảnh thị trường này đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt, và công ty thì tái cơ cấu, “tạm dừng việc khai thác thương hiệu để tập trung đầu tư” ?!

À tôi quên mất, nếu đúng theo lời chia sẻ của ông Vũ, chi phí Marketing sẽ chỉ rơi vào 10-15% doanh số, tức là tổng doanh số trong 5 năm tới sẽ cần đạt từ 33-50 tỷ USD ? Xa hơn rất nhiều so với viễn cảnh “đế chế café 20 tỷ USD” của ông!

Tất nhiên, ông có thể giải thích rằng vai trò chính của Trung Nguyên là đứng lên hiệu triệu, nhưng với oai danh “minh chủ”, không lẽ công ty chẳng bỏ ra được 1/10 (tổng doanh số phải đạt 3.3-5 tỷ USD) ? Còn nếu chỉ dùng vốn người ngoài để quảng bá cho mình thì e rằng các tổ chức, doanh nghiệp khác cũng khó “happy” (hạnh phúc) được với ông lắm đâu.

Để vượt qua thách đố vừa phân tích, mong rằng ông đã “có lời giải thông suốt cho mọi vấn đề trong thế giới”, mặc dù ông vẫn đang loay hoay với câu hỏi “Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này ?”

đặng lê nguyên vũ, kiến thức, marketing, nhận định, trung nguyên, đặng lê nguyên vũ xứng danh bậc thầy marketing?

5. Chiến lược Marketing thiếu nhất quán của cà phê Trung Nguyên

Tôi chưa tìm được điểm chung giữa những người mê siêu xe và ham đọc sách.

Tôi chẳng thấy có sự kết nối giữa không gian “café đạo” vốn cần sự bình dị, tĩnh tại với việc “phải thể hiện cho người ta biết mình giàu mới đi dạy làm giàu được”. Ở vế thứ hai, tôi cảm thấy rõ sự thiếu tự tin vào “chất chính mình” khi phải bảo vệ bản thân bằng tiền bạc, cũng như màu sắc “khoe của”. Nếu tách riêng ra thì đều là những chương trình hấp dẫn đấy, nhưng khi hợp lại giống y như nhâm nhi ly trà giữa vũ trường ạ.

Nếu ông nói luôn mình mê chơi xe lắm, muốn trở thành đại gia ăn chơi số 1 Việt Nam và tranh thủ làm quảng bá cho công ty thì chẳng sao. Nhưng không, ông chia sẻ rõ đó là kế hoạch marketing “thông minh trí tuệ” cho “đạo” trong tương lai. Tự nhiên ký ức mở lại bộ phim “Thiên long bát bộ” với hình ảnh Tinh Tú Lão Quái đi đến đâu hoành tráng đến đấy mới lạ chứ.

Tất nhiên, chiến lược marketing của Trung Nguyên là câu chuyện của riêng họ, tốt ăn kém chịu. Nhưng khi nhiều người tôn vinh lên tầm vóc “bậc thầy” thì tôi nghĩ danh xưng này đã bị lạm dụng quá rồi, để đi đâu cũng thấy nhan nhản “master”. Với tôi, “bậc thầy” phải là nhân vật có khả năng tạo ra cái mới, tạo ra sự đột phá so với đám đông còn lại, và tôi chưa nhận thấy điều đó nơi Đặng Lê Nguyên Vũ qua việc nêu ra 5 khó hiểu vừa rồi.

Nếu quả thực tôi đang nhìn nhận vấn đề hạn hẹp mong được các cao nhân chỉ dạy thêm cho. Nhưng nếu góc nhìn của tôi là đúng thì nhiều anh chị sẽ phải xem lại cách tung hô của mình và xin lỗi cộng đồng mạng, bởi hai lý do sau:

Thứ nhất, chuyên gia là nơi để thế hệ kế tiếp học hỏi, việc chia sẻ phiến diện một chiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến góc nhìn toàn diện sau này của họ. Tôi không hiểu vô tình hay hữu ý, nhưng anh chị đang giúp sức mạnh mẽ che giấu đi bản chất thật sự của chuyện nhà ông Vũ bà Thảo (ông Vũ được lợi hơn bà Thảo đến cả 7.000 tỷ chứ không chỉ 3.000, bà Thảo tài giỏi, tâm huyết hơn rất nhiều so với hình ảnh “con buôn”, “ác quỷ” mà anh chị rêu rao, và ông Vũ “chơi” lắm đấy chứ cũng không phải giản dị đâu). Nếu được thuê thì tôi hết ý kiến vì đó là “lương tâm nghề nghiệp” của anh chị, nhưng nếu lấy danh “khách quan” thì chúng ta nên xem lại ạ.

Thứ hai, ai cũng hiểu những phân tích này ảnh hưởng lớn như nào đến cộng đồng mạng, gián tiếp tác động quyết định của chủ tọa phiên tòa đang diễn ra, cũng như cuộc chiến bình đẳng giới. Nhưng chúng ta đã thấy gì ạ ? Một chiều, coi thường phụ nữ, coi thường đối thủ, phũ phàng phủ nhận quan điểm người trái ý kiểu “cả vú lấp miệng em”.

Tôi vô cùng mong mỏi những sự việc này không hề có bàn tay đạo diễn của ông Vũ, và tôi sẽ cố giữ niềm tin đó bởi nếu câu chuyện ngược lại thì đau xót quá ạ!

Nếu ai định comment theo kiểu “Tôi nhận tiền của bà Thảo à” hoặc “Tôi đã làm được như người ta chưa mà nói” thì tôi khuyên bạn nên dừng lại, nó chỉ thể hiện định kiến cũng như dấu hiệu lười đọc, lười nghĩ của bạn. Phản biện xã hội là quyền và nghĩa vụ của bất cứ ai. Nếu cứ theo cách bạn nói, có lẽ chỉ còn cách mời những người giỏi – giàu hơn ông bà Vũ Thảo về mới xử được thôi. Tôi sẵn sàng phản biện, nhưng là với người hiểu biết, thiện chí nhé.

Quảng cáo (bạn có thể không đọc, nhưng đừng tiếc vì mất đi cơ hội giúp đỡ người khác ạ): À, hai bìa và không ít nội dung bên trong “bộ sách đổi đời” có rất nhiều thông điệp quảng bá cho Trung Nguyên, tôi thấy khá hay nên cũng tranh thủ áp dụng nơi bài viết này: Kêu gọi những ai quan tâm đến việc định hướng tương lai cho học sinh nghèo tham gia dự án cùng chúng tôi nhé, mỗi người một phần nhỏ thôi sẽ giúp nhiều số phận được đổi đời đấy ạ. Quy mô nhỏ hơn anh Vũ rất nhiều, mới hướng đến 200 em học sinh nghèo thôi.

Theo tác giả: Trần Ngọc Thiện

Đăng bởi: Ngô Thị Hạ

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก