Khám Phá Trải Nghiệm

Đảo Rều

Đảo Rều (còn được gọi là đảo Khỉ) có diện tích 22ha nằm cách cảng Vũng Đục (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả) khoảng 1km. Khác với cảnh tấp nập đang đổi thay từng ngày của đô thị Cẩm Phả, đảo Rều đang tồn tại cuộc sống bán hoang dã của hơn ngàn con khỉ, cùng với một thiên nhiên gần như hoang vu có nhiều cây to hơn vòng tay người ôm cao lớn sừng sững, đan xen với những khu rừng thấp tự nhiên rậm rạp. Đảo Rều là nơi thể hiện rõ nhất cuộc sống của loài khỉ, ồn ào, hoang dã và mãnh liệt.

đảo rều

Đảo Rều – Ảnh: Sưu tầm

Đảo Rều thuộc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế). Trước đây vốn là đảo hoang, chỉ một số cư dân từ đất liền đến đây trồng khoai sắn. Năm 1962, đảo được Bộ Y tế quyết định đầu tư thành trại nuôi khỉ để chiết vaccine phòng bại liệt, viêm gan A, bệnh tiêu chảy ở trẻ em, viêm đường hô hấp và gần đây là thuốc phòng chống H5N1.

đảo rều

Năm 1962, đảo Rều được Bộ Y tế quyết định đầu tư thành trại nuôi khỉ – Ảnh: Sưu tầm

đảo rều

Hoàng hôn trên đảo Rều – Ảnh: Sưu tầm

Trại trưởng trại chăn nuôi khỉ trên đảo Rều là bác sĩ thú y Vũ Công Long. Mặc dù làm nghiên cứu khoa học ở một môi trường cách biệt với cuộc sống bình thường nhưng vị “chúa đảo” này rất vui tính và dí dỏm – trái ngược với hình dung của tôi về anh. Anh Long đã có 29 năm công tác trên đảo nên anh hiểu hơn ai hết về những chú khỉ trên đảo. Anh bảo, khỉ cũng thể hiện đủ cả “ái, ố, hỉ, nộ” như con người, và đặc biệt tình yêu giữa khỉ với khỉ thật mãnh liệt mà chắc chẳng còn loại thú nào trên đời có thể sánh được. Nói rồi anh kể cho chúng tôi một câu chuyện cảm động, xảy ra cách đây đã hơn chục năm. Khi ấy, các cán bộ đảo Rều tách bớt đàn khỉ ra đảo đá cách đảo Rều khoảng 1km. Khi trời xẩm tối, một con khỉ đực trong số được đưa đến đảo mới bỗng tách ra khỏi đàn, chạy ra mép đảo tru gọi thảm thiết về phía đảo Rều. Từ bên đảo Rều một “cô nàng” khỉ cũng chạy ra mép đảo kêu gào đáp lại. Đêm đến, khi có ít tàu thuyền hoạt động qua lại khu vực đảo, con khỉ đực từ đảo đá lao xuống biển bơi hết sức về đảo Rều. Phía bên kia nàng khỉ cái cũng nhảy xuống nước bơi lại. Anh em trên đảo ban đầu nghe tiếng khỉ kêu gào ngỡ là chúng chưa quen với nơi ở mới, nhưng sau không nghe thấy gì nữa thì sinh nghi chạy xuồng đi tuần tra đến sáng thì bắt gặp đôi khỉ đang ôm nhau dưới nước xoắn xít không rời. Họ vớt chúng lên bờ rồi thả ra, đôi khỉ leo tót lên cây rồi lại ôm nhau rất âu yếm. Những ngày tiếp theo nhiều con khỉ khác trên hai đảo cùng kêu gào thảm thiết vang vọng suốt đêm gọi bạn tình. Vì sợ khỉ lại nhảy xuống nước bơi về đảo cũ chết đuối hoặc sa vào tay bọn bắt trộm khỉ, các cán bộ trên đảo buộc phải huỷ bỏ kế hoạch “chia ly đàn khỉ” đưa chúng về sống chung một đảo đến bây giờ.

đảo rều

Những chú khỉ đáng yêu trên đảo Rều – Ảnh: Sưu tầm

Hiện nay, trên đảo có hơn 1.000 con khỉ là giống khỉ lông vàng đuôi ngắn, có tên khoa học là Macaca Mulallata, mỗi năm chúng cho ra đời khoảng 150 khỉ con. Khỉ thường sống theo đàn khoảng 30 – 50 con/đàn, mỗi đàn có một khỉ chúa là con khỉ đực to lớn và có sức khoẻ nhất trong đàn. Mỗi khỉ chúa trên đảo thường sở hữu đến 3 – 4 khỉ cái, và các cô nàng khỉ hầu như cũng thích chuyện “làm thiếp” các anh chàng khỉ chúa hơn là chung tình với một anh chàng khỉ “hãm tài” nào đó. Những cuộc “bầu chọn” khỉ chúa trên đảo cũng là những cuộc đọ sức ác liệt đến rợn người của đám khỉ đực. Chúng xông vào cắn xé lẫn nhau, kẻ chiến thắng thống lĩnh đảm đương trách nhiệm bảo vệ cả đàn, nó có quyền sở hữu bất kỳ nàng khỉ cái nào đó mà nó thích.

đảo rều

Khách du lịch chụp ảnh làm kỉ niệm khi tới thăm đảo Rều – Ảnh: Sưu tầm

đảo rều

Hàng Dừa 50 năm tuổi trên đảo Rều – Ảnh: Sưu tầm

Trại phó Nguyễn Huy Phương bảo: “Tình mẫu tử của khỉ giống như tình mẫu tử ở con người ấy. Chúng sẵn sàng chết để bảo vệ con mình”. Rồi anh kể câu chuyện mới chỉ xảy ra năm trước, trên đảo có nuôi một con chó lớn. Khi con chó đang ngủ, bọn khỉ từ trên cây nhảy xuống kéo đuôi trêu chọc, con chó bực mình thức giấc, đàn khỉ bỏ chạy hết. Vô tình lúc đó có 2 mẹ con khỉ đi qua, con chó tưởng mẹ con khỉ trêu mình nhảy xồ vào cắn. Khỉ mẹ bị bất ngờ nên chỉ còn kịp nằm sấp dùng tấm thân che cho con. Khi các cán bộ của đảo chạy đến nơi gỡ con chó ra thì khỉ mẹ đã bị cắn chết, nhưng nó đã bảo vệ được con mình. Chú khỉ con mất mẹ này được các cán bộ đảo nuôi dưỡng đặc biệt. Chú trở thành thân thiết với con người, hàng ngày chỉ quẩn quanh dãy nhà tập thể của đảo, ai cho cái gì đó mới đi. Khi đủ lớn chú mới chịu gia nhập vào đàn khỉ vào rừng. “Nếu khỉ con không may bị bệnh mà chết, khỉ mẹ vẫn cứ ôm xác con trong lòng không rời. Chỉ đến khi khỉ con trở thành bộ xương trắng, khỉ mẹ mới chịu rời con và chôn khỉ con ở gốc cây nào đó” – Anh Phương kể

đảo rều

Chú khỉ ngủ ngon lành trên cành cây – Ảnh: Sưu tầm

đảo rều

Chú khỉ con đáng yêu đang dòm ngó nếu có cơ hội là đột nhập vào phòng lục lọi – Ảnh: Sưu tầm

Hiện nhân viên trên đảo có 14 người, thì có 4 cặp vợ chồng cưới nhau rồi sinh con đẻ cái trên đảo. Mỗi đôi vợ chồng được cấp một gian nhà. Các nhân viên trên đảo thường lấy việc chăm sóc khỉ làm vui, tuy đảo cách đất liền không xa nhưng họ cũng ít khi về đất liền, vì công việc bảo vệ khỉ và an ninh trên đảo không kể đêm ngày. Những đứa trẻ khi lên 5 tuổi là lại rời bố mẹ trên đảo để về ở với ông bà trên bờ để đi học. Hàng tháng, anh em mới về đất liền được đôi ba lần thăm con chớp nhoáng rồi lại ra đảo. Đảo trưởng Long cười vui: “May mà tất cả các con anh em trên đảo đều ngoan, học giỏi”. Trên đảo, công tác vệ sinh phòng dịch cho khỉ luôn được đề cao, nên đảo không đón khách du lịch, vì khỉ có cơ thể sinh học gần giống con người rất dễ mắc các căn bệnh của người, khỉ mắc bệnh không thể chiết vaccine được. Mặt khác khỉ trên đảo sống bán hoang dã, nên nếu có sự xuất hiện đông người kéo dài nhiều ngày chúng sẽ sợ và bỏ đi đảo khác. Do vậy, những người đặt chân lên đảo chỉ có các nhà nghiên cứu, khách của Bộ Y tế và hãn hữu lắm là các nhà báo. Tuy đất trên đảo màu mỡ nhưng không trồng được rau. Vì hễ trồng là chỉ qua được một đêm là khỉ phá sạch. Phó trưởng đảo Nguyễn Huy Phương cho hay: “Khỉ rất hoang dã, nên những gì không thuộc về tự nhiên là chúng tìm cách phá. Năm 1996, đảo mua về 500 cây dừa trồng xung quanh đảo, nhưng chỉ qua một đêm lũ khỉ nhổ sạch, nhưng nếu cây mọc tự nhiên trên đảo thì chúng không động đến”. Quần áo anh em giặt phơi cũng phải trông chừng, nhất là quần áo có màu sặc sỡ, khỉ rất thích ăn cắp rồi mang lên cây xé tan tành.

đảo rều

Thủy triều đang lên trên đảo Rều – Ảnh: Sưu tầm

Vậy là gần trọn một ngày lang thang trên đảo, tôi lại trở về đất liền trên con tàu của ngư dân là người chuyên chở hoa quả cho đảo. Chỉ một loáng con tàu cập bến Vũng Đục, với cảnh tấp nập vốn có của TP Cẩm Phả. Tôi nhìn lại phía biển đảo Rều chỉ còn là mầu xanh lờ mờ nhưng không hề lẫn với mầu xanh của biển. Nơi đó có những con người đang phải lãng quên cuộc sống ồn ào trên đất liền, để ngày đêm bảo vệ sự bình yên cho những con khỉ phục vụ cho công tác y tế cứu người.

Đăng bởi: Đỗ Hương Giang

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก