Hà Tĩnh

Hà Tĩnh có gì?

Hà Tĩnh là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có phía Bắc giáp Nghệ An, phía Nam giáp Quảng Bình, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp biển Đông. Với khí hậu điển hình là nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mùa hè nắng nóng, mùa đông rét cắt da cắt thịt. Vì vậy, khi nhắc tới Hà Tĩnh khiến nhiều người liên tưởng đến một vùng đất có điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Hà Tĩnh thiếu đi những cảnh đẹp nên thơ, hút hồn du khách mỗi dịp tới mảnh đất miền Trung này. Hà Tĩnh có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm danh lam thắng cảnh đẹp tại Hà Tĩnh trong bài viết sau đây nhé.

Danh thắng chùa và núi Thiên Cầm – Hà Tĩnh

Quần thể di tích danh thắng Chùa và núi Thiên Cầm nằm về phía bắc địa phận thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên cách thành phố Hà Tĩnh 27km về phía Đông nam. Xuất phát từ thành phố Hà Tĩnh, du khách đi theo Quốc lộ 1A đến thị trấn Cẩm Xuyên rẽ trái theo đường tỉnh lộ DT4 khoảng 12km là đến danh thắng chùa và núi Thiên Cầm.

hà tĩnh có gì?

Danh thắng chùa và núi Thiên Cầm – Hà Tĩnh

Thiên Cầm thuộc đất Kỳ La xưa, nhiều thư tịch cổ từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX đã viết về ngọn núi này. Núi Thiên Cầm cao 108m, có hình dáng như một cây đàn tỳ bà, chân núi lấn ra sát biển, phần còn lại nằm trên đất liền chia ngọn núi làm hai phần, dân gian quen gọi là Cùm Nậy, Cùm Con. Hòn Cùm là ngọn núi đẹp. Nhìn ra biển, nước tiếp liền trời, triều lên, sóng lượn như đàn rồng xanh đùa giỡn. Nắng sớm chiếu xuống, sườn núi ánh lên rực rỡ muôn màu. Đá hiện ra những hình dáng kỳ lạ được dân gian đặt cho những tên gọi là “Đá nóc nhà” “Đá lò rượu” “Đá lợn, mạ lợn con” này là “Đá tiên đánh cờ”, “Đá trống” “Đá chiêng”… lại có hang động ăn sâu vào lòng núi, gió thổi vào thành tiếng nhạc du dương… Núi Thiên Cầm cũng gắn với nhiều huyền thoại truyền thuyết kỳ thú.

Truyền thuyết kể rằng, Vua Hùng thứ XIII một lần đi tuần du phương Nam, lên chơi núi thấy phong cảnh tuyệt đẹp, lại có nhiều dấu chân to lớn in trên đá phiến và nghe tiếng đàn thánh thót trên không. Vua lấy làm lạ, cho vời người trong vùng đến hỏi chuyện. Các phụ lão thưa rằng : “Dấu chân ấy là Tiên trên trời xuống chơi núi để lại, còn tiếng đàn kia là Tiên gảy trên trời. Nhà vua liền gọi tên núi là “Thiên Cầm” – “Đàn trời”. Bên cạnh đó, núi Thiên Cầm cũng gắn với một giai đoạn lịch sử đen tối trong lịch sử dân tộc và kết cục bi thương của vương triều nhà Hồ (1400-1407). Tại ngọn núi này, sau khi nhà Hồ thất bại trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, cha con Hồ Quý Ly chạy vào vùng đất Kỳ La và bị bắt tại núi Thiên Cầm. Vì thế, người ta giải thích chữ Thiên Cầm – Đàn Trời, thành Thiên Cầm – Trời bắt. Ngày nay, ở vùng này còn có cái giếng gọi “Giếng Tàu” tương truyền do quân Minh đào và con “Đường bắt” nơi Hồ Quý Ly bị bắt. Hiện ở xóm Yên Thọ còn có cồn thờ “Đường bắt” hàng năm có tế lễ, nhưng không rõ thờ cúng ai. Còn “hang Hồ Quý Ly” thì không ai biết đích xác cửa vào xưa kia ở đâu, có phải cửa hang phía bắc núi hiện nay không? Truyền thuyết là vậy.

hà tĩnh có gì?

Danh thắng chùa và núi Thiên Cầm – Hà Tĩnh

Trên núi Thiên Cầm trước đây có ngôi miếu thờ sơn thần ở về phía tây, miếu Thánh Mẫu thường gọi đền Nhà Bà ở về phía nam, phía đông có chùa Cầm Sơn. Sách Cẩm Xuyên phong thổ ký của Lê Huy Tiềm soạn năm 1930 chép: “trên núi có chùa cổ”. Nhưng chép sớm nhất về chùa này là vua Lê Thánh Tông, trong bài thơ “Kỳ La hải môn lữ thứ” nhà vua viết: “Bên trái cửa bể Kỳ La có ngọn núi sừng sững kỳ tú. Trên núi có ngôi chùa”. Như vậy, chùa Cầm Sơn chậm nhất cũng đã có từ thế kỷ XV. Chùa được trùng tu lần thứ ba vào năm Ất Hợi, đời vua Tự Đức (1875). Sau cách mạng (1945), tượng Phật đưa về hợp tự tại chùa Yên Lạc và chùa Gon, xã Cẩm Phúc, còn chuông lớn “Cầm sơn tự chung” thì bị giặc Tàu ô cướp đưa đi.

Núi Thiên Cầm xưa nay vẫn là thắng cảnh sơn thủy hữu tình, đứng trên núi phóng tầm mắt có thể thấy được toàn cảnh khu du lịch và các đảo gần bờ như hòn Én, hòn Bơớc án ngữ xa xa. Dưới chân núi Thiên Cầm là bãi biển Thiên Cầm cát trắng phẳng lỳ, nước biển trong xanh. Từ ngàn xưa, tiếng sóng biển, tiếng gió dội vào vách núi, hòa quyện vào nhau để tạo bản nhạc kỳ vỹ của thiên nhiên. Núi non, biển cả và những sự tích kỳ bí đã tạo cho Thiên Cầm sự bí ẩn đầy mê hoặc, hấp dẫn quyến luyến du khách gần xa.

Đèo Ngang ( Hoành Sơn Quan) – Hà Tĩnh

Đèo Ngang nằm ở ranh giới của hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và là một danh thắng vốn đã nổi tiếng từ xưa. Nơi đây không chỉ nổi tiếng từ khi Thanh Quan nữ sĩ “Bước tới Đèo Ngang…” để lại bài thơ bất hủ mà đã nổi tiếng từ thời hoàng đế Lê Thánh Tông nam chinh đi qua đây để lại những vần thơ đề vịnh, sau đó còn có nhiều tao nhân mặc khách danh tiếng từ Nguyễn Thiếp, Nguyễn Nễ, Bùi Dương Lịch, hoàng đế Thiệu Trị… đến Nguyễn Trường Tộ, Cao Bá Quát, từ Lê Văn Huân, đến Xuân Thủy, Phạm Tiến Duật… tiếp tục ghi lại cảm xúc khi qua nơi này. Đèo Ngang không chỉ là nguồn cảm hứng của các thi nhân mà còn để lại dấu ấn sâu đậm trong lời ca tiếng hát của quần chúng cần lao:

“Trèo đèo hai mái chân vân
Lòng về Hà Tĩnh dạ ái ân Quảng Bình”

hà tĩnh có gì?

Đèo Ngang – Hà Tĩnh

Đèo Ngang nằm trên quốc lộ 1A, vắt qua dãy Hoành Sơn (núi Ngang), một chi núi của Trường Sơn Bắc mọc lấn ra tận biển Đông với điểm chót là mũi Đao, mũi Độc. Khối Hoành Sơn chiếm diện tích khoảng 1.500km2, có ngọn Ba Cốc cao tới 823m, nhưng chiều cao trung bình chỉ khoảng 400m và ở Đèo Ngang 256m. Hoành Sơn là biên giới tự nhiên Việt – Chiêm xưa, nay là địa giới hành chính giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đồng thời đó cũng là ranh giới khí hậu: Hà Tĩnh thuộc khí hậu bắc, mùa đông có gió mùa đông bắc mạnh còn mùa hè thì gió Lào nóng dữ dội. Lượng mưa ở Hoành Sơn rất lớn, 3000mm/năm và bão cũng rất nhiều. Trong khi đó, Quảng Bình chỉ cách hơn 10km đã mang rõ đặc điểm của khí hậu nam: gió đông bắc rất yếu.

Hoành Sơn Quan được xem như một chứng tích lịch sử đặc biệt, một điểm nhấn cho vẻ đẹp của dãy núi Hoành Sơn. Trên đỉnh đèo Ngang hiện còn “Cổng Trời” di tích của cửa ải Hoành Sơn Quan bằng gạch đá được xây vào năm 1833, thời vua Minh Mạng để kiểm soát việc qua đèo. Hoành Sơn Quan, tức cửa Hoành Sơn ở đỉnh Đèo Ngang, cao hơn 4m, hai bên có thành đăng dài hơn 30m, ở trên cửa đắp nổi ba chữ Hoành Sơn Quan, hai phía đào núi thành 1.000 bậc. Hoành Sơn Quan giờ đây tuy không nguyên vẹn, nhưng vẫn uy nghi, phong trần nơi đầu núi góc biển.

Đèo Ngang có khe Đá Bàn (Bàn Thạch) chảy về sườn núi phía nam vào đất Quảng Bình. Từ 150 năm trước, Cao Bá Quát đến tắm ở đây và đã ngâm mấy câu thơ (dịch):

“Sáng lên đứng Hoành Sơn,
Chiều xuống tắm Bàn Thạch,
Nhặt đá cầm trong tay,
Non sông chưa đầy vốc”.

Còn khe Đá Hạt (Hạt Thạch) thì đổ xuống sông Trí, chảy ra cửa khẩu.

hà tĩnh có gì?

Đèo Ngang – Hà Tĩnh

Từ khi người ChămPa lập quốc vào thế kỷ thứ II, Hoành Sơn trở thành biên giới tự nhiên Việt – Chàm và Đèo Ngang là cửa quan hiểm yếu. Người Lâm Ấp lập đồn đắp lũy dọc theo đỉnh núi dài tới 30km từ Xuân Sơn (Kỳ Lạc) qua Thần Đầu đến Ngưu Sơn (Kỳ Nam bây giờ). Theo các sách xưa thì “lũy cổ Lâm Ấp” có thể do chúa Chiêm là Phạm Văn xây dựng vào khoảng những năm 345-357. Về sau, người Chàm, người Việt đều sửa chữa lại, đến nay vẫn còn nhiều đoạn thành đá cao.

Quả thật thiên nhiên ở đây là một kiệt tác của tạo hóa: Non nước Hoành Sơn cảnh trí tuyệt vời, hùng vĩ và thơ mộng. Lịch sử cũng để lại dấu ấn đậm nét trên mặt đất và trong ký ức con người.

hà tĩnh có gì?

Đèo Ngang – Hà Tĩnh

Từ bên “phế lũy Lâm Ấp” một nghìn sáu trăm năm tuổi trên đỉnh núi nhìn xuống đám “xóm chài mái lá”, “ruộng lạc triều dâng” lúc vua Lê Thánh Tông qua đây vào thế kỷ XV, ta sẽ gặp những làng xóm đông vui, đồng lúa, đồng tôm hứa hẹn và cả một thị tứ Mũi Đao đang hình thành… Men theo những bậc đá rêu phong lên “Hoành Sơn Quan”, bỏ lại phía sau con đường nhựa vấn quanh núi, cùng con đường hầm hiện đại xuyên sơn 495m dài, ta đang ngược dòng thời gian, bước trên con đường bộ ông Ngô Tử An mở vào thế kỷ thứ X… Còn hai ngôi miếu thờ bà chúa Liễu ở hai phía chân đèo lại nhắc đến huyền thoại về vị Thánh Mẫu bất tử, lần đầu tiên giáng trần đã mở một quán hàng bên đường để thử thách nhân tâm, trừng trị kẻ bất lương, giúp đỡ người trung thực…

Hôm nay, những âm thanh của cuộc sống hiện đại vẫn hòa với âm hưởng nghìn xưa, tiếng bước chân đi mở đất, tiếng sắt thép của cuộc giao tranh, tiếng chim hót, thông reo, tiếng thi ca của mọi thời đại. Dừng chân nơi Hoành Sơn Quan, giữa núi non bao la hùng vĩ, với không gian thoáng đãng, làm cho lòng người dạt dào cảm xúc. Nơi đây thực sự là điểm dừng chân lý tưởng cho các du khách trên con đường thiên lý từ Bắc vào Nam.

Danh thắng Nam Giới – Quỳnh Viên – Hà Tĩnh

Nam Giới – Quỳnh Viên cách thành phố Hà Tĩnh 19km về phía đông bắc. Từ thành phố Hà Tĩnh theo đường tỉnh lộ DT 26 đi về hướng đông bắc khoảng 12km qua bãi tắm Thạch Hải rẽ trái theo hướng đông bắc khoảng 7km là đến danh thắng Quỳnh Viên – Nam Giới. Đây là một địa điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh hấp dẫn có nhiều tiềm năng của tỉnh Hà Tĩnh.

hà tĩnh có gì?

Danh thắng Nam Giới – Quỳnh Viên – Hà Tĩnh

Nam Giới – Quỳnh Viên nằm bên Cửa Sót, một trong bốn cửa biển lớn của tỉnh Hà Tĩnh. Cửa Sót có tọa độ 180 27’54’’ vĩ độ Bắc và 1050 55’30’’ kinh độ Đông, Cửa Sót xưa kia có tên gọi là cửa Dương Luật vì dòng chảy qua làng Dương Luật (Thạch Hải) giữa núi Nam Giới và rú Mốc. Cách đây 200 năm, sông Sót đổi dòng đi xuống Kim Đôi (Thạch Kim) đã tạo nên Cửa Sót ngày nay. Cửa Sót có tài liệu gọi là cửa Nam Giới (Nam Giới Hải môn) một cửa biển rộng 700m, có cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ gắn với nhiều truyền thuyết và huyền thoại. Dãy núi Nam Giới có hình dáng như một chiếc thuyền nằm úp, dân gian thường gọi là rú Sót hay rú Bể, nơi đây xưa kia là biên giới của quốc gia Đại Việt với Chăm Pa và có vị trí chiến lược quan trọng vào thế kỷ X.

Trên núi Nam Giới có ngọn Long Ngâm vươn dài ra tận biển như bức bình phong án ngữ phía đông bắc thành phố Hà Tĩnh, ở đây mỗi mũi đá, con khe đều có hình dáng riêng, nên người xưa nhìn vào cảnh vật đã tưởng tượng ra nhiều tên gọi như: đá Trống, đá Hến, đá Nhọn, đá Giường, đá Trứng gà, đá Am, đá Lố, đá Ngựa chìm.v.v… cùng những mẫu chuyện lý thú mà dân gian vẫn truyền tụng từ thuở Hùng Vương. Phía tây núi Long Ngâm có đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi xưa gọi là đền Linh Cổ (trống thiêng), mặt trước có miếu thờ Thánh Mẫu, phía trên núi có ngọn Hỏa Hiệu xưa kia là nơi đốt lửa báo hiệu khi có giặc, về sau trên núi còn xây dựng hải đăng để định hướng cho tàu thuyền xa khơi, dưới núi có miếu thờ Cá Ông.

Phía đông núi còn có ngôi cổ tự là chùa Quỳnh Viên, tương truyền đời Hùng Vương là nơi Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã tu tiên đắc đạo. Địa danh Quỳnh Viên hay Quỳnh Sơn chính là tên xưa nhất của núi Nam Giới: “Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên” (Nghĩa là: Ngọn núi nổi tiếng này xưa gọi là Quỳnh Viên). Có thể thấy rằng chỉ trên một ngọn núi với không gian hẹp nhưng có 4 di tích là đền Chiêu trưng, đền Thánh Mẫu, miếu Ngư Ông và chùa Quỳnh Viên cho thấy bề dày lịch sử văn hóa của mảnh đất này.

hà tĩnh có gì?

Danh thắng Nam Giới – Quỳnh Viên – Hà Tĩnh

Danh thắng Nam Giới – Quỳnh Viên có phong cảnh sơn thủy hữu tình thật đáng sánh với những danh sơn bậc nhất Hoan Châu. Vùng đất chỉ có biển, núi, khe suối tự nhiên như hòa quyện vào nhau cũng là địa danh lịch sử đã từng là nơi in dấu chân các bậc đế vương, đoàn binh hành quân vào Nam ra Bắc cũng như các bậc tao nhân mặc khách, nhân sĩ trí thức như: vua Lê Thánh Tông, Bùi Dương Lịch, Lưu Công Đạo và nhà thơ Tản Đà. Họ đến đến danh thắng huyền thoại này và lưu lại những vần thơ bất hủ, vua Lê Thánh Tông khi tuần du phương Nam đặt chân đến Nam Giới với cảm xúc dạt dào đã viết nên hai câu thơ vừa lãng mạn vừa hùng tráng trong bài “Nam Giới Hải môn lữ thứ”:

“Đêm qua tỉnh mộng giang hồ
Cưỡi bè những muốn lên xô cửa trời”

Đến với Nam Giới – Quỳnh Viên du khách không chỉ được đắm mình vào cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp của một danh thắng mà còn được đến một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa đã đi vào sử sách. Hiện nay, dưới chân núi Long Ngâm, một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng có tên Quỳnh Viên Resort đã được hình thành có kiến trúc độc đáo, hiện đại hài hòa với thiên nhiên cùng nhiều dịch vụ hoàn hảo đảm bảo phục vụ du khách gần xa đến tham quan nghỉ dưỡng.

Ngã ba Đồng Lộc – Hà Tĩnh

Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, giao điểm của Quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 thuộc địa phận xã Đồng Lộc; là tượng đài về ý chí sắt đá và sự hi sinh cao cả của Lực lượng TNXP trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

hà tĩnh có gì?

Ngã ba Đồng Lộc – Hà Tĩnh

Từ cuối tháng 4/1965, quốc lộ 1A bị chia cắt hoàn toàn, hàng hóa vận tải bằng đường bộ chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải đi qua Ngã ba Đồng Lộc. Từ đây, Ngã ba Đồng Lộc trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ trên toàn tuyến Quân khu 4.

Trong suốt 7 tháng “ném bom hạn chế” trong năm 1968, địch đã tập trung đánh phá vào Ngã ba Đồng Lộc với một khối lượng bom đạn rất lớn, song các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ chiến đấu ở đây vẫn kiên cường bám trụ trận địa, tổ chức đánh địch hiệu quả. Lúc cao điểm ở nơi này có tới 1,6 vạn người, chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong phá bom, mở đường. Nhờ hỏa lực mạnh của Trung đoàn pháo cao xạ 210 kết hợp với các cụm hỏa lực 12,7 ly của dân quân tự vệ trong khu vực đã tạo thành lưới lửa dày đặc trên vùng trời Ngã ba Đồng Lộc, đảm bảo an toàn cho việc thông xe, thông đường chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.

Trong những ngày đọ sức quyết liệt với bom đạn kẻ thù, tại Ngã ba Đồng Lộc đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường. Trong đó điển hình là 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Với tinh thần đảm bảo thông suốt cho con đường vận tải chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam, quân và dân Đồng Lộc đã đoàn kết một lòng chiến đấu bắn rơi 19 máy bay Mỹ; phá hủy 1.780 quả bom nổ chậm, bom từ trường; góp 974.240 ngày công để thông tuyến, làm đường mới; huy động 42.620 người phục vụ chiến đấu; đào đắp 95.209m3  gỗ; cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy… làm thất bại hoàn toàn âm mưu cắt đứt con đường vận tải chiến lược Bắc – Nam qua Đồng Lộc của đế quốc Mỹ. Nơi đây đã trở thành huyền thoại trong những năm chống Mỹ cứu nước của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh.

hà tĩnh có gì?

Ngã ba Đồng Lộc – Hà Tĩnh

Hiện Khu di tích thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc được xây dựng trên diện tích 0,6km2, bao gồm các hạng mục:

Tượng đài Chiến thắng được khánh thành vào ngày 15/7/1998 là biểu tượng cho sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần vươn lên của lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội, công nhân giao thông, công an, dân quân…  Xung quanh tượng đài là những bức phù điêu miêu tả không khí sôi nổi, khẩn trương lấp hố bom, bắn máy bay địch, phá bom… dẫn đường cho xe qua của các lực lượng trên Ngã ba Đồng Lộc.

Cột biểu tượng lưu niệm của ngành Giao thông vận tải nằm ngay chính giữa Ngã ba, được khánh thành ngày 26/3/1992. Nằm gần đối diện với cột biểu tượng, cạnh chân núi Trọ Voi là nhà bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của ngành Giao thông vận tải ghi danh và tưởng niệm 842 anh hùng liệt sỹ của ngành đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn Hà Tĩnh.

Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng năm 1998, khắc tên 1.950 anh hùng, liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.

Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Ngày 15/7/1990, 10 ngôi mộ được chuyển về dưới chân núi Trọ Voi, cách nhà bia tưởng niệm 30m. Hố bom cạnh nơi 10 chị hy sinh vẫn nằm nguyên vị trí cũ.

Nhà truyền thống thanh niên xung phong toàn quốc trưng bày 228 hiện vật gốc, trên 248 ảnh, tư liệu cung cấp cho người xem thấy cuộc sống lao động, chiến đấu của thanh niên xung phong trên mọi ngả đường với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Địch phá một, ta làm mười”.

Phòng trưng bày truyền thống Ngã ba Đồng Lộc có một sa bàn điện tử miêu tả cảnh tượng khốc liệt của chiến trường Đồng Lộc gần 50 năm trước cũng như ý chí sắt đá, can trường của quân và dân ta tại “Tọa độ chết” này. Nhà trưng bày có những hiện vật rất đáng quý như bức thư chị Võ Thị Tần gửi mẹ, bộ quần áo của chị Xuân, dây điện và thỏi nam châm phá bom của anh Vương Đình Nhỏ, bát ăn của các chị, sổ lý lịch, sổ ghi bài hát của chị Hường, ảnh phục chế 10 cô gái thanh niên xung phong, ảnh gốc chụp từ máy bay cảnh tượng Đồng Lộc, mảnh bom từ trường, hàng chục quả bom còn sót lại sau chiến tranh, súng 12ly7… và một số hiện vật ngoài trời như: máy bay AD6, pháo 57,37, gat 63,57, máy ủi…

Tháp chuông Đồng Lộc được khánh thành ngày 2/1/2011. Đây là công trình tri ân của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ cha anh, đồng thời là công trình giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, bồi đắp đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tháp gồm 7 tầng, 8 mái, cao 37m, trên đỉnh tháp có treo quả chuông nặng 5,7 tấn. Du khách có thể theo bậc cầu thang (hình xoắn ốc) để lên đến đỉnh tháp, ngắm nhìn toàn cảnh Ngã ba Đồng Lộc hay hướng mắt ra xa để chiêm ngưỡng khung cảnh đất trời Can Lộc.

Cụm tượng 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong được đặt ở vị trí gần trung tâm trên triền núi Mũi Mác. Bên trái là 3 hố bom có sẵn. Cụm tượng cao 7,5m, dài 15,5m, rộng 5m, diễn tả cảnh tượng 10 chị lao ra mặt đường với các hố bom nham nhở. Các chị được khắc họa trong các tư thế khác nhau: người cầm xẻng, người kéo xe bò, còn chị Tần – Tiểu đổi trưởng tay vẫn cầm súng quan sát cho đồng đội, một tay cầm cờ giơ lên cao chỉ dẫn cho các đoàn xe vận tải đi qua.

Ngày 9/12/2013, Khu di tích thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc được Nhà nước công nhận là Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại, trở thành cái nôi nuôi dưỡng lòng yêu nước và giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân ta, đặc biệt là cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Núi Hồng (Hồng Lĩnh) – Hà Tĩnh

Núi Hồng – Hồng Lĩnh có nghĩa là núi lớn, có diện tích khoảng 30km2 nằm trên địa bàn ba huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh. Tương truyền núi Hồng Lĩnh có 99 đỉnh, ngọn cao nhất 678m, tùy theo hình dáng mà con người đặt tên cho các đỉnh núi như: Thiên Tượng, Ngũ Mã, Sư tử, Hàm rồng, Lập phong, lại có nhiều đỉnh được đặt tên theo truyền thuyết, cổ tích như: Rú Cơm, Rú Cà, Tháp Son, Hương Tích, Lão quân, Trần Soa, Liệt Sơn…

hà tĩnh có gì?

Núi Hồng (Hồng Lĩnh) – Hà Tĩnh

Núi Hồng Lĩnh có nhiều khe suối mặc dù không sâu nhưng không bao giờ cạn, nước ở đây trong vắt và chảy róc rách quanh năm. Có rất nhiều tên khe, tên núi nổi tiếng được dân gian lưu truyền và đi vào sử sách như: Khe Hạ Vàng, khe Hoa, khe Tượng, khe Hoàng ngưu, suối Tiên. Trên núi lại có các mạch nước ngầm tích tụ thành nhiều hồ tự nhiên như: Bàu Kim Cương nằm ở lưng chừng núi rộng đến 30 mẫu, có vực Thuồng Luồng sâu đến nổi dân gian truyền là không đáy, hồ Thiên Tượng, Bàu Tiên ở sát chân núi rộng hàng trăm mẫu quanh năm nước xanh trong vắt. Trong núi có tám dải đường truông dài ngắn, thông từ tây sang đông, từ bắc xuống nam, truông Cộng Khánh từ Kẻ Lách vào Kẻ Treo xưa là tượng lộ (đường voi chiến đi để tránh cầu), đây chính là con đường Truông Hống – Đò Cài ngày xưa Đại thi hào Nguyễn Du đi từ Tiên Điền sang Trường Lưu gặp gỡ bạn bầu giao lưu, nghe hát ví giặm.

Hồng Lĩnh không chỉ đẹp bởi núi non kỳ vĩ mà còn nổi tiếng bởi huyền thoại cổ tích như chuyện Ông Đùng hay Ông Khổng Lồ đã gom nhặt những quả núi mọc lẻ tẻ ở vùng châu thổ sông Lam và sông La xếp thành dãy núi Hồng Lĩnh. Ông Đùng còn đào quặng sắt ở Hồng Lĩnh và dạy cho dân các làng Minh Chàng – Minh Lương làm nghề rèn và được truyền cho đến ngày nay.

Theo truyền thuyết thì Hồng Lĩnh còn là kinh đô của nước Việt cổ – Việt Thường thị. Cũng theo truyền thuyết thì vua Kinh Dương vương trước khi mở nước đã xem phong cảnh Hồng Lĩnh, thấy núi non hùng vĩ nên đã chọn nơi đây làm Kinh đô. Tại đây, Kinh Dương vương đã kết duyên cùng Thần Long về sau sinh ra Long Vương (tức Lạc Long Quân). Dẫu đó là truyền thuyết nhưng đã khắc vào ngọn núi này những dấu ấn lịch sử thật sâu đậm. Ngoài ra, xung quanh vùng đất này thời gian gần đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ học từ thời đại đồ đá mới, đồ đồng và đồ sắt đã cho thấy từ rất xa xưa vùng đất này đã có cư dân Việt cổ sinh sống. Theo dòng lịch sử dân tộc hàng nghìn năm, Hồng Lĩnh đã chứng kiến biết bao sự kiện bi hùng, tích tụ khí chất của con người xứ Nghệ để trở thành một vùng văn hóa – Văn hóa Hồng Lam.

hà tĩnh có gì?

Núi Hồng (Hồng Lĩnh) – Hà Tĩnh

Hồng Lĩnh ngày nay vẫn sừng sững uy nghi như hàng triệu năm trước, trấn giữ phong ba cho vùng đất Hà Tĩnh. Điểm xuyết cho cảnh trí thiên nhiên còn là những công trình nhân tạo, trên núi Hồng Lĩnh có những di tích lịch sử văn hóa vô giá, nhiều ngôi chùa nổi tiếng đến nay như: chùa Hương Tích, chùa Thiên Tượng, chùa Long Đàm, chùa Chân Tiên. Bao quanh dãy núi Hồng Lĩnh là những làng quê nổi tiếng và ở đó từ bao đời nay luôn xuất hiện những danh nhân kiệt xuất làm rạng danh đất và người Hà Tĩnh như: cha con Trạng nguyên Sử Hy Nhan, Sử Đức Huy, Đô đài ngự sử Bùi Cầm Hổ, Đại thi hào Nguyễn Du, Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.

Người dân Hà Tĩnh hôm nay đang tô điểm thêm cho cảnh sắc Hồng Lĩnh, dưới chân núi là các khu đô thị, làng mạc được hình thành dân cư đông đúc kinh tế văn hóa phát triển. Đến với danh thắng núi Hồng Lĩnh, du khách được trải nghiệm khám phá một vùng đất có nhiều cảnh đẹp, di tích văn hóa lâu đời, chắc chắn sẽ lưu lại những ấn tượng sâu sắc, một nét chấm phá mới trong bản đồ du lịch Hà Tĩnh.

Hồ và Chùa Long Đàm – Hà Tĩnh

Quần thể di tích danh thắng Hồ và Chùa Long Đàm thuộc địa phận xã Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh. Từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh, đi về hướng bắc theo quốc lộ 1A khoảng 30km là đến thị xã Hồng Lĩnh. Từ quốc lộ 1A ngược sườn núi Thiên Tượng – Ngàn Hống hơn 1km, ở độ cao 170m so với mực nước biển là đến chùa Long Đàm.

hà tĩnh có gì?

Hồ và Chùa Long Đàm – Hà Tĩnh

Chùa Long Đàm do nhân dân làng Ngọc Sơn tạo lập và cung phụng từ đầu thời Lê. Tương truyền, xưa có một con rồng bơi lặn trong đầm, một hôm trời mưa to, rồng cuộn bay lên, để sót lại nhiều ngọc minh châu dưới đầm. Đêm thanh thường trông thấy ánh sáng vằng vặc, vì thế người ta dựng chùa lên, gọi là Long Đàm. Chùa nổi tiếng một thời về “một vùng cõi tĩnh, gió mát trăng trong” (Hoan Châu phong thổ ký – Trần Danh Lâm). Từ xưa tới nay, chùa Long Đàm vẫn ở trên ngọn núi Thiên Tượng, Ngàn Hống. Ngọn Thiên Tượng sừng sững, là đệ nhị danh thắng của núi Hồng.

Chùa Long Đàm xứng đáng là địa chỉ du lịch tâm linh bởi trước hết ở địa thế đẹp. Núi Hống là dãy núi hùng vĩ ở Hà Tĩnh, đáng được xếp vào bậc nhất các danh sơn. Dãy núi vượt thời gian tự khẳng định mạch non sông mà tạo hóa đã đặt bày đáng được ca tụng và lưu truyền muôn thuở. Ngàn Hống không chỉ là một dãy núi kì vĩ với hình dáng thiên tạo của nó mà còn kỳ ảo trong huyền thoại nhuốm màu sắc hiện thực và lịch sử. Từ sự tích ông khổng lồ xếp núi cho đến huyền thoại vua Hùng thứ nhất chọn nơi đây dự định xây dựng kinh thành. Từ trên những ngọn núi, dòng khe và những vùng ven chân Ngàn Hống có nhiều di chỉ đồ đá mới, thời đại đồ đồng, đồ sắt được tìm thấy chứng tỏ sự hiện diện của con người ở vùng đất này rất sớm.

Núi Thiên Tượng (nằm trong quần thể dãy ngàn Hống) là ngọn núi khá cao, dáng núi hùng vĩ thuộc phía Tây dãy Hồng Lĩnh. Chùa Long Đàm tọa lạc lưng chừng núi, nơi con đường quốc lộ 1A chạy gần sát. Mé tả có sông Lam, mé hữu là cánh đồng làng mạc trù phú nổi lên với ngọn núi Ngọc Sơn nơi có đền Song Trạng.

Trước mặt và phía tây nam là thị xã Hồng Lĩnh tươi trẻ. Bao quanh ngọn Thiên Tượng là các ngọn Đồng Dương, Mồng Gà, Cột Cờ. Thế núi nhấp nhô, mây phủ mờ ngọn. Từ đây có thể trông xuống thị thành thôn xóm, ruộng đồng. Xa xa, sông Lam như dải lụa mềm vòng quanh, uốn khúc. Tất cả tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Phong cảnh Hồng Lam đã trở thành biểu tượng của xứ sở này và in đậm trong tâm hồn của người dân nơi đây.

Không chỉ tọa lạc ở một địa thế đẹp, ngôi chùa còn thu hút du khách bởi kiến trúc và các họa tiết hoa văn tại đây. Chùa trước đây hình chữ nhị, bao gồm Thượng điện và Hạ điện. Hạ điện đắp nổi hai ông tướng cưỡi kỳ lân, nét tượng sắc sảo thể hiện trình độ kỹ thuật cao của các nghệ nhân xưa. Mặt trước hạ điện là ba cửa gỗ đóng theo lối cổ đẹp và vững chắc. Thượng điện liền với hạ điện, thông thoáng đều chung đường ngang với nhau. Tại đây lưu giữ nhiều tượng Phật cổ đẹp, có niên đại khoảng từ thời Nguyễn.

hà tĩnh có gì?

Hồ và Chùa Long Đàm – Hà Tĩnh

Năm 2001, chùa được tu bổ, tôn tạo lại. Toàn bộ khuôn viên của chùa rộng 30.000m2, ngoảnh mặt về phía Nam. Chùa dựa lưng vào dãy núi Thiên Tượng, có độ cao 170m so với mực nước biển. Xét về phong thủy, đây là hướng tốt mong được “dương khánh” “âm siêu”, mùa hạ mát mẻ, mùa đông ấm áp. Phía bên trái có hai con suối gọi là khe Gác Chuông chảy từ trên núi Thiên Tượng hợp lưu tại đây như hai con rồng chụm đầu vào nhau uốn lượn, phía trước là một không gian rộng lớn, thoáng đãng, rất hợp cho du khách tới vãn cảnh. Từ đây, hướng về phía Nam, cả không gian mênh mông như thu vào trong mắt, cảm giác thật thanh thản, yên bình.

Hồ Long Đàm nằm trong khuôn viên của chùa. Theo các cụ cao niên kể lại, hồ trước kia rộng, có diện tích khoảng 2000m2, trải ra gần hết mặt phía Đông của chùa, nước lúc nào cũng trong xanh, mát mẻ quanh năm. Hồ Long Đàm bây giờ do phù sa bồi lấp đã nhỏ hơn ngày xưa nhiều, với diện tích khoảng 150m2.

Xung quanh hồ được phủ nhiều cây xanh như bồ đề, các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả. Nằm xem kẽ là những khu đất trồng những cây thuốc quý và hoa. Tất cả tạo nên khung cảnh u tịch, thâm nghiêm nhưng cũng rất đẹp mắt. Du khách đến đây, được vãn cảnh chùa và hòa mình vào thiên nhiên rộng lớn, thoáng đãng, quên đi mọi ưu tư muộn phiền của cuộc sống.

Với những lợi thế về địa lý, thiên nhiên… và kiến trúc đẹp, họa tiết tinh tế sẵn có, kết hợp các biện pháp khai thác đồng bộ và dài hơi, di tích Hồ và Chùa Long Đàm xứng đáng trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan, hành hương, tế lễ.

Thác Vũ Môn – Hà Tĩnh

Thác Vũ Môn là địa danh được nhiều người mong muốn tìm đến khám phá bởi dòng thác tựa dải lụa mềm mại từ trời cao đổ xuống, mang vẻ đẹp tự nhiên, hiền hòa, thơ mộng. Cùng với đó là những câu chuyện huyền bí, kỳ vĩ với truyền thuyết hàng năm cá chép thi vượt thác để hóa rồng được lưu truyền.

hà tĩnh có gì?

Thác Vũ Môn – Hà Tĩnh

Thác Vũ Môn thuộc địa phận xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh có độ cao 1.280 m so với mực nước biển, dòng chảy đổ xuống hơn 200m, thác có 4 cấp nước, mỗi cấp nước có hình chài và các cấp nước chênh nhau từ 25- 86m, lòng thác rộng 27,5m, lượng nước nhiều, quanh năm không cạn.

Ngay ở chân thác Vũ Môn có những tảng đá lớn gối lên nhau hình thành nên các hang hốc, từ chân thác chảy xuôi qua các khe đá, hốc đá tạo thành các vòng xoáy, vực nước tuyệt đẹp. Dưới chân thác còn có những phiến đá lớn, trong đó, nổi bật là phiến đá rộng, phẳng, tương truyền được coi là “bàn cờ tiên”.

hà tĩnh có gì?

Thác Vũ Môn – Hà Tĩnh

Tại đỉnh thác ngược về thượng nguồn hướng về phía nước bạn Lào là dòng sông Trắng, nước đổ xuống thác khoảng 12-15m, hai bên dòng sông là đồi thoải, địa hình tương đối bằng phẳng với diện tích mỗi bên khoảng 70 ha chạy dọc theo chiều dài đến cột mốc biên giới trên 1,5 km.

Không những đẹp về khung cảnh, khí hậu mát mẻ, thác Vũ Môn còn ẩn chứa nhiều truyền thuyết huyền bí. Đặc biệt, câu chuyện Cá chép hóa rồng: “Mồng Bảy cá đi ăn thề, mồng Tám cá về vượt thác Vũ Môn” được lưu truyền trong dân gian. Hằng năm, cứ đến ngày tám tháng tư, cá chép vượt thác, con nào qua được thì hóa rồng.

Gắn với huyền thoại, những người dân địa phương truyền tai nhau rằng, nếu vào ngày cá chép vượt thác mà trời mưa, nước thác về nhiều, cá vượt thác hóa rồng, đồng nghĩa với năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; còn ngược lại, sẽ là một năm đại hạn khốn khó, người dân cần có phương án phòng bị.

Với vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên ban tặng, bí ẩn bởi những truyền thuyết và điều kiện địa lý, khí hậu thời tiết như thế, thác Vũ Môn quả là một viên ngọc quý chưa có sự can thiệp của bàn tay con người. Hiện nay, đây là địa điểm khám phá ưa thích của những bạn trẻ.

Hồ Kẻ Gỗ – Hà Tĩnh

Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia hồ Kẻ Gỗ nằm về phía Tây của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), cách thành phố Hà Tĩnh gần 20km và thị trấn Cẩm Xuyên 14km, có tổng diện tích tự nhiên 35.159ha, trong đó khu bảo tồn 24.801ha, rừng phòng hộ 10.358ha, trải dài trên ba huyện Cẩm Xuyên (chủ yếu), Kỳ Anh và Hương Khê.

hà tĩnh có gì?

Hồ Kẻ Gỗ – Hà Tĩnh

Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia hồ Kẻ Gỗ có một hệ động thực vật rất phong phú với gần 400 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ, 47 loài thú, 298 loài chim, 100 loài bò sát lưỡng cư, trong đó có 18 loài thú được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Tại đây đã tìm thấy quần thể của 5 loài chim đặc hữu có vùng phân bố hẹp, đó là Gà Lôi lam mào đen, Gà Lôi Hà Tĩnh, Trĩ sao, Khướu mỏ dài và Chích choạc màu xám, trong đó Gà Lôi lam mào đen và Gà Lôi Hà Tĩnh là hai loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu. Về thực vật có 567 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 367 chi và 117 họ, phổ biến tại tầng cây bụi có các loại cây trong họ Cau dừa với các loài chủ yếu như Lá nón, Song, Mây, Cau rừng, Lụi; tại tầng thảm dưới có Quyết, Bồn bồn và các loài cây thuộc họ Ô rô…

Đặc biệt, vùng rừng hồ Kẻ Gỗ còn sở hữu hơn 40 loài cây thân gỗ, trong đó có nhiều loài gỗ quý như: Táu, Gụ, Chò chỉ, Kim giao, Sến, Lát hoa…, nhiều loài gỗ có tên trong sách đỏ Việt Nam như: Lim xanh, Sến mật, Gụ, Vàng tâm, Dổi, Trường, Trín, Bời lời vàng… Rừng Kẻ Gỗ cũng là nơi phát triển các loài mộc lan, phong lan đẹp và quý như Quế hương, Tai tượng, Tai trâu, Đuôi chồn, Phượng vĩ, Nghinh xuân…

hà tĩnh có gì?

Hà Tĩnh có gì

Hồ Kẻ Gỗ là công trình đại thủy nông nằm trong lòng khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Kẻ Gỗ, được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/1976 và đưa vào sử dụng ngày 26/3/1979. Hồ được thiết kế gồm một đập chính bằng đất đồng chất cao 37,4m, dài 970m và 3 đập phụ cùng tràn xả lũ. Chiều dài hồ gần 29km với đoạn rộng nhất gần 3km, dung tích hữu ích 345 triệu mét khối nước, mực nước hồ đạt đến độ sâu chừng 20m. Từ lòng hồ, nước theo kênh chính chảy về các kênh nhánh tưới cho hơn 20.000ha lúa mùa và các loại cây trồng khác thuộc huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh và phía Bắc huyện Kỳ Anh, biến những vùng đất khô cằn sỏi đá, hoang hóa bạc màu thành những cánh đồng xanh tốt, đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân ở Hà Tĩnh.

Từ một công trình thủy nông với mục đích điều tiết nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, hồ Kẻ Gỗ đã trở thành nơi cung cấp nguồn thủy sản dồi dào, tạo nên một vùng cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, tạo tiền đề cho các dự án phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Hà Tĩnh có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Hà Tĩnh – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Phạm Thị Thu Hiền

YOLO! Khám phá các huyện ở Hà Tĩnh

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก