Hải Dương

Hải Dương có gì?

Hải Dương là một tỉnh nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng, Hải Dương là một tỉnh có tiềm năng du lịch dồi dào. Hải Dương còn được biết đến như là một trung tâm văn hóa từ thời xa xưa cho đến giờ với những công trình kiến trúc, những nét văn hóa đậm đà bản sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chính vì thế, các địa điểm du lịch Hải Dương ngày nay vẫn còn giữ được “hồn xưa” của vùng đất nơi có con sông Kinh Thầy chảy qua. Hải Dương có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm danh lam thắng cảnh đẹp tại Hải Dương trong bài viết sau đây nhé.

Côn sơn – Kiếp Bạc – Hải Dương

Cách Hà Nội chừng 80 km, Côn Sơn – Kiếp Bạc là khu di tích lịch sử gắn liền với tên tuổi các anh hùng, danh nhân văn hóa đất Việt như Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi.

hải dương có gì?

Côn sơn – Kiếp Bạc – Hải Dương

Du khách thập phương đến với Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương, trước hết vì đây là một vùng danh lam cổ kính nổi tiếng. Khoảng 600 năm trước, Nguyễn Phi Khanh (thân phụ Nguyễn Trãi) đã mô tả nơi đây: “Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày, hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới” (Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem).

Ngày nay, di tích Côn Sơn được tu tạo và bổ sung thêm nhiều nét mới, khiến phong cảnh càng thêm thơ mộng và huyền diệu. Du khách đến Côn Sơn vào bất cứ mùa nào cũng thấy không khí mát lành, bởi nơi đây có thảm thực vật lý tưởng. Vào những ngày đầu xuân mưa lất phất, cây cối đua nhau nảy lộc, trời đất Côn Sơn hòa quyện với nhau. Đi dưới mặt đất mà tay như với được những áng mây bồng bềnh. Leo lên sườn núi, bước chân du khách lẫn trong mây.

Đã đến Côn Sơn, du khách không thể không leo lên sườn núi Kỳ Lân thơ mộng. Tương truyền, vào một sớm mùa thu, có một số thi nhân rẽ cỏ, vén hoa tìm đường lên núi. Trên đường đi, họ nghe như có tiếng nói cười lao xao từ đỉnh núi vọng xuống. Nhưng đến nơi tịnh không một bóng người, chỉ thấy một bàn cờ đang đánh dở. Đứng ở đỉnh núi cao giữa bao la đất trời, mọi người cho rằng các tiên đã xuống đây chơi cờ, múa hát, khi thấy người vội bỏ đi không kịp mang theo bàn cờ. Vì thế, đỉnh núi được gọi là Bàn Cờ Tiên.

hải dương có gì?

Côn sơn – Kiếp Bạc – Hải Dương

Kiếp Bạc là tên ghép của hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc), đây là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lập căn cứ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Kiếp Bạc nằm gần Lục Đầu Giang – nơi hội tụ của sáu con sông. Nếu đi tham quan đền Kiếp Bạc dịp 15 đến 20 tháng 8 âm lịch hàng năm du khách có thể tham gia vào lễ hội mùa thu của Côn Sơn – Kiếp Bạc đồng thời tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống được người dân ở đây lưu giữ.

Kiếp Bạc nằm trên một khu đất bằng giữa thung lũng núi Rồng. Tam quan đền Kiếp Bạc như bức cuốn thư “Lưỡng long chầu nguyệt” bề thế. Hơn 700 năm trước, đây là nơi Trần Hưng Đạo hội quân sau chiến thắng. Ngày trên sông đông vui. Đêm về trên sông càng tưng bừng. Đèn treo, hoa kết, mở hội hoa đăng trong mấy ngày liền. Người ta thả đèn, thả những khúc chuối trên cắm nến và vàng hoa. Đèn màu xanh đỏ, nến sáng bập bùng, trôi nổi theo con sóng xuôi về biển. Người xem hội như được trở về chốn cũ vườn xưa với những danh tướng, những binh sĩ đời Trần.

Đền Kiếp Bạc nhìn ra con sông Thương (còn gọi là sông Lục Đầu). Thời Trần, nơi đây là bến Bình Than. Đi thuyền trên sông Bình Than lịch sử, giữa dòng, còn đó cồn cát dài 200m, gọi là Cồn Kiếm, do Trần Hưng Đạo để lại thanh kiếm báu cho đời sau giữ gìn Tổ quốc. Sau lưng đền Kiếp Bạc, là núi Trán Rồng sừng sững, bên tả có núi Bắc Đẩu, bên hữu là núi Nam Tào ba bề ôm lấy Kiếp Bạc hùng vĩ.

Trong quần thể di tích này còn có đền thờ Nguyễn Trãi được khởi công xây dựng ngày 14/12/2000 tại chân núi Ngũ Nhạc, có suối Côn Sơn ôm lấy ngôi đền, uốn lượn mềm mại từ phải qua trái. Nếu đến thăm đền vào dịp hè du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp thơ mộng của đền, có tiếng suối chảy rì rầm, chim hót trên cao, những đồi thông xanh ngắt xung quanh đền. Tất cả tạo nên một ngôi đền vừa thiêng liêng, vừa thơ mộng.

Đền Tranh – Hải Dương

Đền Tranh hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh nằm ở gần bến đò Tranh, Tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại thời Lê và Nguyễn, nay thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, thờ vị thần sông nước coi khúc sông. Đây là một ngôi đền lớn thờ nhân vật mang tính huyền thoại theo tín ngưỡng dân gian.

hải dương có gì?

Đền Tranh – Hải Dương

Tương truyền, Quan lớn Tuần Tranh là viên quan phủ Ninh Giang. Ngày xưa, tại bến sông Tranh, có hai con rắn dữ thường nổi lên quấy phá. Một hôm, chúng bắt đi nàng hầu xin đẹp của quan. Vị quan này khởi kiện Diêm Vương. Rắn bị xử thua phải mang cả dòng họ dời đi nơi khác. Từ đó bến sông sóng yên nước lặng, nhân dân nhớ ơn vị quan phủ mà lập đền thờ, tôn là vị thần bảo vệ khúc sông.

Thời Trần, tại vùng ngã ba sông Tranh giao với sông Luộc, người dân đã lập ra một ngôi đền thờ vị thủy thần cai quản khúc sông này. Ngôi đền này ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ nằm sát bến sông, vì vậy thường bị tác động của thủy triều và dòng nước xoáy. Do bờ sông thường bị xói lở nên đến năm 1935, người dân lập một đền thờ mới tại làng Tranh Xuyên (nay thuộc thị trấn Ninh Giang). Ngôi đền mới này vẫn được dân chúng giữ tên gọi là Đền Tranh.

hải dương có gì?

Đền Tranh – Hải Dương

Đến giữa thập kỷ 40 của thế kỷ XX, đền Tranh được tôn tạo với quy mô khá lớn, kiến trúc theo kiểu Trùng thiềm điệp ốc với những cung và gian thờ khác nhau. Năm 1946, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, nhiều hạng mục ngôi đền bị tháo gỡ.

Đến những năm 60 của thế kỷ XX, đền được chuyển về phía bắc của thị trấn Ninh Giang cách đền cũ khoảng 300m, nay thuộc địa phận thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang. Đền Tranh qua ba lần chuyển dời cùng nhiều lần trùng tu tôn tạo, đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử và tích hợp được nét đẹp của văn hóa Việt. Căn cứ vào hệ thống bia ký tại đền cho biết, vào năm Tự Đức thứ 5 (1852) đền đã có nhiều người công đức để tu tạo.

Nửa thế kỳ trôi qua, thị trấn đã trải qua những thăng trầm qua hai cuộc chiến tranh, đền Tranh được dựng lại và tôn tạo trên địa phận thôn Tranh Xuyên xã Đồng Tâm. Không những đền được tôn tạo lại rất bề thế uy nghiêm mà còn được mở rộng rất nhiều, bên cạnh còn có chùa Tranh mới được xây dựng thêm. Không chỉ ngày hội mà ngày thường khách đến lễ cũng rất đông.

Di tích lịch sử văn hóa đền Dọc – Hải Dương

Đền Dọc thuộc thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) là một ngôi đền cổ thờ bà Vũ Thị Đức, người đã có công giúp vua Lê đánh giặc. Đền đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hoá từ năm 2005.

hải dương có gì?

Di tích lịch sử văn hóa đền Dọc – Hải Dương

Theo cuốn Thần tích do Nguyễn Bính phụng soạn vào mùa xuân năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và các tài liệu còn lưu giữ tại chùa, đền Dọc được xây dựng vào thời Hậu Lê, thờ thánh mẫu Vũ Thị Đức, người có công nuôi 2 con “tâm nhân mình xà”, hiệu là Hắc Long Quân và Bạch Long Quân, tương truyền đã hiển linh phù vua Lê đánh giặc cuối thế kỷ 15.

Trong kháng chiến chống Pháp, đền Dọc là nơi trú quân của du kích và bộ đội địa phương đánh giặc trên đường 391, điển hình là trận đánh ngày 10/12/1948 đã gây cho địch nhiều tổn thất. Để ngăn chặn lực lượng du kích và bộ đội của ta, địch đã đốt và san phẳng ngôi đền. Suốt một thời gian dài đền trở thành khu hoang tàn, nhân dân không nơi thờ cúng. Hầu hết các sắc phong của Thánh Mẫu đều bị thất lạc, chỉ còn lưu giữ được 3 sắc phong của triều đại Lê – Nguyễn, đó là: năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767), Duy Tân năm thứ 3 (1090), Khải Định năm thứ 9 (1924). Đến năm 1989, nhân dân trong thôn đã quyên góp tiền của, vật liệu dựng được 3 gian hậu cung, 5 gian tiền tế, 5 gian nhà khách. Mặt bằng đền có kiến trúc hình chữ Đinh (T); mái tiền tế bao gồm hệ thống hoành, rui bằng gỗ lim chắc chắn, lợp ngói mũi truyền thống, bờ nóc, bờ cánh mềm mại; trên mái đắp lưỡng long trầu nguyệt và lạc long; xung quanh khu di tích vẫn giữ được 2 ao như xưa kia, có cây xanh, cảnh quan khá đẹp.

Tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Mẫu, hằng năm nhân dân trong thôn thường tổ chức lễ hội truyền thống từ ngày 11 đến ngày 13 tháng giêng (âm lịch). Trong đó, ngày 11 rước kiệu Đức Thánh Mẫu, Đức Thánh Ông và hai Đức Thánh Tử từ đền về đình làng, ngày 13 rước ngược trở lại. Trong lễ hội, thôn còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian. Với bề dày lịch sử, năm 2005, đền Dọc được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hoá.

Những năm gần đây, cán bộ và nhân dân trong thôn Lạc Dục luôn quan tâm đến việc bảo tồn đền Dọc. Nhân dân trong thôn đã công đức trên 1,3 tỷ đồng xây dựng và tu bổ đền Dọc với kết cấu nhà tiền bái 5 gian, 8 mái và hậu cung. Tòan bộ công trình đền Dọc đã được khánh thành vào cuối năm 2009, đáp ứng lòng mong mỏi của cán bộ và nhân dân.

Quần thể di tích Đền Cao An Phụ – Hải Dương

Khu di tích đền Cao An Phụ hay còn được biết đến với tên gọi An Phụ Sơn từ là nơi thờ An Sinh vương Trần Liễu – thân phụ của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Đồng thời, ông là anh trai của Trần Thái Tông – vị vua đầu tiên của triều Trần (1225-1400).

hải dương có gì?

Quần thể di tích Đền Cao An Phụ – Hải Dương

Năm 1237, triều đình cắt đất các xã trong đó có xã An Phụ ban cho Trần Liễu làm thái ấp và phong làm An Sinh vương. Trần Liễu cùng phu nhân là Thiên Đạo Quốc Mẫu đã có công sinh thành và dạy dỗ Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trở thành vị anh hùng dân tộc văn võ song toàn, có công lao to lớn trong ba cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông. Cuộc đời An Sinh vương sống đạm bạc, lấy dân làm gốc, được nhân dân trong vùng hết lòng kính phục nể trọng. Vào tháng 4 năm Nguyên Phong thứ nhất (5/1251), An Sinh Vương Trần Liễu mất, hưởng thọ 41 tuổi. Người ta thờ ông tại ngôi đền trên đỉnh núi này.

Đền tọa lạc trên đỉnh núi An Phụ dài 17km thuộc phường An Sinh, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Quần thể di tích, lịch sử và danh thắng An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương là 1 trong 85 di sản quốc gia đặc biệt được xếp hạng.

Nơi đây là vùng đất phong thuỷ hữu tình, là một trong những cảnh đẹp mang nhiều giá trị văn hóa hiếm có tại Việt Nam. Từ đỉnh núi An Phụ nhìn Đông Bắc, ta sẽ thấy dãy Yên Tử sừng sững uy nghi. Phía Tây Bắc là Động Kính Chủ được mệnh danh: Nam thiên đệ lục động với dòng sông Kinh Thầy nổi tiếng. Còn phía Tây Nam mở ra một miền châu thổ mênh mông ngút ngàn.

hải dương có gì?

Quần thể di tích Đền Cao An Phụ – Hải Dương

Đền được xây dựng vào thời Trần theo kiểu kiến trúc “tiền nhất hậu đinh”, gồm tiền tế, trung từ và hậu cung. Tại gian tiền tế còn lưu giữ những cổ vật và bộ hoành phi câu đối nói về công tích của An Sinh vương Trần Liễu. Hậu cung là nơi thờ tượng Ngài và 2 con gái của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tức Đệ Nhất Vương Cô, Đệ Nhị Vương Cô. Trong khuôn viên đền, đặc trưng nhất là các cây cổ thụ 600 – 700 năm tuổi và Giếng Ngọc quanh năm đầy ắp nước, là minh chứng cho sự trường tồn của di tích này.

Cũng tại quần thể di tích này, tượng đài Trần Hưng Đạo cũng được tạc bằng đá xanh uy nghi, sừng sững với độ cao 12,7m. Tượng hoàn thành vào năm 1998, thể hiện hình ảnh oai phong của Ngài sau khi hoàn thành 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông thắng lợi. Bên cạnh là bức phù điêu Ngài được làm bằng đất nung có chiều dài 45m, cao 2,5m, gồm 526 mảng khắc vô cùng tinh xảo.

Những năm gần đây, đền được đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo, mở rộng phạm vi thành quần thể di tích bao gồm các hạng mục như chùa Tường Vân, Nghi Môn ngoại, Nghi Môn nội. Tại khu di tích đền Cao An Phụ còn có chùa Tường Vân hay Chùa Cao, được xây dựng vào thế kỷ thứ XIII dưới thời triều Trần. Ngôi chùa có 2 cây đại trên 700 năm tuổi và được tu sửa nhiều lần trở nên khang trang hơn.

Hằng năm, vào ngày 1-4 ÂL là ngày mất của Ông, đền Cao An Phụ lại tấp nập du khách thành kính dâng hương tưởng nhớ đến An sinh vương Trần Liễu và Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cùng gia tộc. Đây cũng là thời gian thu hút rất nhiều người đến đây trẩy hội, tham quan, chiêm bái những giá trị truyền thống và văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, khu di tích danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải dương) có quan hệ mật thiết với đền Cao An Phụ thường được đưa vào lịch trình du lịch cùng của đông đảo khách thập phương hành hương về thắp hương tưởng niệm.

Động Kính Chủ – Hải Dương

Động Kính Chủ (còn gọi là động Dương Nham) nằm ở sườn núi phía Nam của núi Dương Nham thuộc thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Động Kính Chủ được xếp vào hàng Nam thiên đệ lục động (động thứ 6 của trời Nam), là danh xưng do vua Lê Thánh Tông (1446 – 1497) phong tặng động Kính Chủ.

hải dương có gì?

Động Kính Chủ – Hải Dương

Động Kính Chủ có độ cao 20m so với triền ruộng chân núi, cửa động hướng Nam, đầy đủ ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, là nơi cư trú thuận lợi của những người tiền sử. Ngoài động Kính Chủ, núi Dương Nham còn có nhiều hang động kỳ thú như hang Vang, hang Luồn, hang Trâu, hang Tiên Sư…

Ở đây còn thấy hình động vật được khắc trên vách đá và công cụ lao động của người xưa. Trong động Kính Chủ có chùa thờ Phật, thờ Minh Không thiền sư, Lý Thần Tông, Huyền Quang tôn giả và có nhiều tượng tạc bằng đá mô tả những sự kiện điển hình trong kinh Phật.

Nhiều danh nhân, vua chúa, trí giả, sư sãi, quan lại cũng đến thăm động và đều xúc cảm trước vẻ đẹp kỳ ảo của thiên nhiên, của núi sông. Những cảm xúc đó đã được những người thợ đá ở đây ghi lại trên 40 tấm bia ở vách động. Tất cả giống một bảo tàng nhỏ lưu giữ các văn bia và các tác phẩm điêu khắc của thợ đá ở đây đã 7 thế kỷ qua. Đây là một di sản không phải hang động nào cũng có.

Động Kính Chủ sớm được con người tôn tạo, bảo vệ và cùng với những cảnh quan của dãy Dương Nham trở thành một thắng cảnh ở cửa ngõ miền Đông Bắc đất nước, liền kề miền châu thổ sông Hồng.

Văn miếu Mao Điền – Hải Dương

Văn miếu Mao Điền, được xếp hạng di tích lích sử quốc gia năm 1992. Nơi đây thờ Khổng Tử và tôn vinh các bậc nho học tiêu biểu cho truyền thống văn hiến của tỉnh Hải Dương. Địa danh Mao Điền theo văn bia ghi lại mang ý nghĩa : Mao là cỏ lau, Điền là ruộng cấy. Như vậy, từ xa xưa Mao Điền là một vùng đất bằng phẳng có nhiều cỏ lau.

hải dương có gì?

Văn miếu Mao Điền – Hải Dương

Văn miếu Mao Điền nguyên là Văn miếu trấn Hải Dương xưa. Di tích được khởi dựng vào thời Lê Sơ (TK XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, Phủ Thượng Hồng (nay thuộc xa Vĩnh Tuy, huyện Binhf Giang). Công trình gồm 5 gian Bái đường và 3 gian Chính Tẩm đặt trên một gò đất cao. Đồng thời với Văn miếu là trường thi Hương của trấn Hải Dương, được xây dựng tại xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng.

Văn miếu và trường thi trấn Hải Dương có một lịch sử vẻ vamg. Tại đây đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, tiến sỹ nho học đứng vào hàng đầu cả nước. Nếu chỉ tính số người đỗ Đại khoa trong 185 kỳ thi (từ 1075 – 1919), cả nước có 2898 tiến sỹ thì trấn Hải Dương có 637 vi, trong số 46 Trạng Nguyên, Hải Dương có l2 người. Đặc biệt là Hải Dương còn có ” Lò tiến sỹ xứ Đông” thuộc thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang. Tại đây có 39 vị tiến sỹ nho học qua các thời kỳ lịch sử. Sau khi đỗ đạt, hầu hết các vị Đại khoa đều mang hết tài năng của mình để xây dựng đất nước.

hải dương có gì?

Văn miếu Mao Điền – Hải Dương

Trong thời đại phong kiến, hệ thống cơ sở thờ tự Khổng Tử và tôn vinh các Đại khoa nho học được xây dựng ở hầu hết các địa phương. Tại Kinh đô và các trấn (lộ, xứ) có các văn miếu , còn các làng xã có các Văn chỉ.Tuỳ theo sự học phát triển mà các địa phương xây dựng Văn miếu, Văn chỉ với các quy mô khác nhau.

Văn miếu Mao Điền tồn tại khá nguyên vẹn tới năm 1947, đến năm 1948, giặc Pháp chiếm đóng và lập quận Mao Điền. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Văn miếu được sử dụng làm nơi chứa lương thực và vật tư của Nhà nước. Do năm tháng và chiến tranh, vào những năm 1980 – 1990, Văn miếu Mao Điền bị xuống cấp rất nghiêm trọng, hầu hết đồ thờ tự bị phá huỷ hoặc thất lạc. Năm 1991, cán bộ và nhân dân xã Cẩm Điền đã đóng góp công sức tu bổ cấp thiết di tích. Năm 1992, Bộ VHTT đã ra Quyết định số 97/QĐ-VH xếp hạng Văn miếu Mao Điền là di tích lịch sử quốc gia.

Hải Dương có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Hải Dương – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Nguyễn Thị Ngọc Nhi

YOLO! Khám phá các huyện ở Hải Dương

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก