Hải Dương Lễ Hội

Hải Dương có lễ hội gì?

Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, một trung tâm văn hóa và danh lam thắng cảnh với nhiều di tích lịch sử nhất ở Việt Nam vẫn còn được gìn giữ. Vùng đất chứa đựng rất nhiều điều bí ẩn và vô cùng nhiều lễ hội hàng năm. Hải Dương có lễ hội gì? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các lễ hội dân gian độc đáo, hấp dẫn ở Hải Dương nhé.

Lễ hội đền Kiếp Bạc – Hải Dương

Đã thành thông lệ, hàng năm, từ ngày 15 – 20/8 âm lịch, tỉnh Hải Dương lại long trọng tổ chức lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc. Đây là lễ hội truyền thống thu hút du khách của cả một vùng, không chỉ trong tỉnh Hải Dương mà còn nhiều tỉnh, thành lân cận như: Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… Lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm như một nét văn hóa đặc trưng của đất và người Hải Dương.

hải dương có lễ hội gì?

Lễ hội đền Kiếp Bạc – Hải Dương

Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương là quần thể di tích đặc biệt quan trọng. Nơi đây đã gắn bó mật thiết với cuộc đời và sự nghiệp của các vị Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và là chốn tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Không chỉ gắn với các dấu ấn lịch sử, Côn Sơn – Kiếp Bạc còn được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan kỳ thú; hội tụ nhiều giá trị văn hoá phi vật thể đặc sắc thông qua lễ hội và các nghi lễ…

Điểm nhấn lớn nhất của quần thể khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi và đền Kiếp Bạc. Chùa Côn Sơn nằm dưới chân núi Côn Sơn, từ thế kỷ thứ 14 nơi đây đã trở thành chốn tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt. Đây là nơi lưu giữ những kỷ niệm về cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang của các anh hùng, danh nhân tiêu biểu của dân tộc ta như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán… và đặc biệt là Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Tại đây, ông đã dốc tâm huyết viết bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ “Bình Ngô Đại Cáo.”

Đền thờ Nguyễn Trãi là một trong những công trình trọng điểm nằm trong quần thể khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc. Ngôi đền chính tựa lưng vào Tổ Sơn, hai bên tì vào hai dãy núi Ngũ Nhạc và Kỳ Lân, là tả Thanh Long và hữu Bạch Hổ, phía trước có hồ nước rộng, tiếp theo là núi Trúc Thôn đối diện với núi Phượng Hoàng, xa là dãy núi An Lạc tạo nên thế núi lớp lớp điệp trùng… Đền thờ Nguyễn Trãi được xây dựng gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái – thân mẫu của Nguyễn Trãi.

Đền Kiếp Bạc được xây dựng để tưởng nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đối với dân tộc. Đền được xây dựng ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc, trên nền dinh cư cũ của ông. Đền tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Đền Kiếp Bạc cùng với hai ngôi đền trên núi Bắc Đẩu và Nam Tào được ví như một “cõi thiên bồng giữa hạ giới”. Ngày giỗ Đại Vương hàng năm trở thành ngày hội chính của đền Kiếp Bạc. Đây đã trở thành một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, được gìn giữ hơn 7 thế kỉ nay.

hải dương có lễ hội gì?

Lễ hội đền Kiếp Bạc – Hải Dương

Hàng năm ở Côn Sơn – Kiếp Bạc có hai kỳ lễ hội truyền thống mùa xuân và mùa thu. Lễ hội mùa thu thường được tổ chức từ ngày 16/8 âm lịch (là ngày giỗ Nguyễn Trãi) tới ngày 20/8 âm lịch (ngày giỗ Trần Hưng Đạo). Trải qua nhiều thế kỷ, lễ hội truyền thống Côn Sơn – Kiếp Bạc đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, thể hiện sự sáng tạo, tâm nguyện của hàng triệu đồng bào từ mọi miền đất nước; xuân, thu nhị kỳ đã về đây cùng thành kính bày tỏ ước vọng bồi đắp tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, ý chí bảo vệ nền độc lập dân tộc của cha ông trao truyền lại và trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc và ước nguyện của nhân dân mọi miền đất nước hướng về cội nguồn.

Với những giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc đó, tháng 5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt.

Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm nay diễn ra từ 25/9 đến 5/10, khác biệt so với mọi năm khi Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc được Chính phủ trao bằng công nhận Khu di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó là các hoạt động đầy ý nghĩa như: tưởng niệm 712 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; 570 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; tôn vinh công lao to lớn của các Anh hùng dân tộc, Danh nhân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Tại lễ hội có nhiều nghi thức tế lễ và diễn xướng dân gian nổi tiếng như: Lễ rước cỗ tiến Thánh, Lễ hội quân trên sông Lục Đầu, Lễ cầu an và hội hoa đăng, tục hầu Thánh, Lễ ban ấn của Đức Thánh Trần, các trò chơi dân gian…

Hãy một lần đắm mình trong không gian linh thiêng để nhận ra cuộc sống dù có bận bịu, vẫn có một cõi riêng lễ hội để ta trở về với cội nguồn, với thiên nhiên kỳ thú.

Hội đền Gốm – Hải Dương

Đền Gốm thờ phó tướng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư thuộc thôn Linh Giàng, xã Cổ Thành, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Người dân địa phương vẫn ca câu ca dao quen thuộc về đền Gốm:

“Đền thờ Nhân Huệ anh hùng
Vân Đồn vang dội giặc Nguyên rụng rời”

hải dương có lễ hội gì?

Đền Gốm – Hải Dương

Trải qua những năm tháng lịch sử, di tích đền Gốm đã nhiều lần được trùng tu tôn tạo lại. Đền được xây dựng thế kỷ 14. Đến thế kỷ 17,18 thời Lê đền được trùng tu lại, kiến trúc theo kiểu chũ đinh gồm 3 lớp nhà gồm 5 gian đại bái, 5 gian trung từ, 3 gian hậu cung. Cuối thế kỷ 19, thực dân pháp tiến đánh vùng Phả lại, Chí Linh, di tích đền gốm cũng bị chúng đốt dỡ. Năm 1933, nhân dân thập phương công đức đầu tư trùng tu lại toàn bộ ngôi đền. Kết cấu kiến trúc được giữa nguyên như cũ gồm 3 lớp nhà. Riêng nhà đại bái trước 5 gian đã được mở rộng thên hai gian đầu hồi để làm miếu cô. Trong thời gian gần đây, di tích đã nhận đuợc sự quan tâm của các cấp chính quyền ngày cang được tôn tạo khang trang hơn.

Hàng năm, mỗi độ thu về, từ 13 đến 21 tháng 8 âm lịch nhân dân địa phương tổ chức lễ hội đền Gốm tưởng niệm danh nhân Trần Khánh Dư thu hút hàng vạn người từ nhiều địa phương trở về trong cảnh: “Trên bến, dưới thuyền” đông vui nhộn nhịp. Ca dao xưa làng Gốm còn ghi nhận không khí tưng bừng của ngày hội muôn màu, muôn sắc của một vùng quê:

“ Gốm trông giang thuỷ hữu tình
Càng nhìn, càng thấy vẻ sinh tuyệt vời
Dưới sông thuyền chạy ngược xuôi
Trên bờ phố Gốm hết lời ngợi ca
Đêm đèn đốt tựa sao sa
Đền thờ Nhân Huệ nguy nga lẫy lừng
Nhân dân nô nức tưng bừng
Đón rằm tháng tám hội mừng đua chen”

Lễ hội đền Gốm diễn ra liên tục 7 ngày đêm. Khách về dự hầu hết là ngư dân ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng… Trong quan niệm tín ngưỡng dân gian cho rằng: Trần Khánh Dư là một tướng thuỷ quân, từng đánh thắng quân Nguyên Mông nhiều trận trên sông, biển nên thường diễn lại một số tích truyện dân gian như: rước nước, bơi chải… cầu mong để người đi biển an toàn và thu được nhiều cá, tôm, sản vật, và may mắn không bị mưa bão… Đây là một nét đẹp văn hoá truyền thống của cư dân Đông Bắc cần được bảo tồn.

Hội đền Bia – Hải Dương

Đền Bia thờ Tuệ Tĩnh và tấm bia ghi di nguyện của vị danh y. Đền xây từ thời Lê, trùng tu vào các năm 1936, 1993, 2006. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (năm 1974). Địa chỉ: thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

hải dương có lễ hội gì?

Đền Bia – Hải Dương

Lễ hội Đền Bia được tổ chức ngày 1/4 âm lịch hằng năm để giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh vị Thánh thuốc Nam, người có công mở đường nghiên cứu, xây dựng nền Y học dân tộc của nước nhà, với phương châm “ Nam dược trị Nam nhân”… Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, quê ở thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng. Xưa kia lễ hội thường kéo dài. Tư liệu cho biết dịp Thánh ứng lần thứ nhất (năm 1830) phải hết 4 ngày mới rã đám.

Ngày mùng 1 tháng 4: mở đầu bằng lễ rước kiệu từ đền Trung ra đền Thượng. Một tốp thanh niên múa cờ, bát biểu dẫn đường, sau đó đến đội chiêng, trống, tiếp theo là kiệu rước bát hương, được hai người cầm lọng che hai bên và 12 chàng trai khiêng do các giáp lựa chọn, tuổi từ 18 đến 30, mặc áo màu đỏ. Các chức sắc làng, xã mặc áo lương, đội khăn xếp đi sau. Cỗ kiệu thứ hai được 4 người khiêng, trên long đình đặt hòm sắc, có các vị trong hội đồng tộc biểu của làng, giáp theo sau. Cuối cùng là đoàn các cụ, các bà mặc áo dài, vấn khăn đội lễ vật và đám đông đi theo. Lễ vật gồm lợn luộc cả con, mâm xôi, trầu, rượu và hoa quả, đèn hương… chủ yếu là sản vật quê hương. Khi đoàn rước đến đền Bia, kiệu được đặt trên sân chính và lễ tế thánh bắt đầu, đội tế nam gồm 15 người, chủ tế là tiên chỉ của làng.

Ngày mùng 2 tháng 4: đền Trung, đền Thượng mở cửa cho dân tự do lễ bái và xin thuốc. Tương truyền ai vào đền Bia bứt lá đặt lên lễ thánh sau đó mang về sắc uống đều khỏi bệnh, cho nên các nơi kéo đến rất đông, dân làng đem ra đền đủ các loại lá tre dây, ngải cứu, cúc tần, lá mít, lá bưởi… để bán. Năm 1830 có hàng vạn người đến lễ và xin thuốc thánh, dân địa phương phải làm nhà sàn xung quanh đền để phục vụ. Không khí nhộn nhịp suốt ngày đêm, trong làng chỉ có cụ già và trẻ nhỏ, còn tất cả đều ra đền phục vụ lễ hội.

Ngày mùng 3 tháng 4: dân địa phương và các nơi vẫn đến đặt lễ thánh và xin thuốc. Làng tổ chức một số trò chơi dân gian tranh giải thưởng như đánh cờ, bịt mắt bắt dê, đi cầu kiều. Buổi tối còn có biểu diễn hát chèo đến khuya.

Ngày mùng 4 tháng 4: dân làng rước kiệu bát hương và hòm sắc trở lại đền Trung và làm lễ tạ thánh, sau đó rã đám và đóng cửa đền.

Từ đó lễ hội hàng năm vẫn được duy trì và tổ chức đầy đủ lệ bộ nhưng người đến dự không đông bằng lần đầu. Hội đồng tộc biểu đặt lệ: nhà có đại tang không được dự rước kiệu, ai ăn thịt chó không được vào đền làm lễ, nếu làm sai sẽ bị làng phạt.

hải dương có lễ hội gì?

Hội đền Bia – Hải Dương

Hơn một thế kỷ sau, vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936) tương truyền có Thánh ứng lần thứ hai, lễ hội cũng được tổ chức 4 ngày, từ mùng 1 tháng 4 đến ngày mùng 4 tháng 4 như dịp thứ nhất. Nhưng lần này người đến lễ và xin thuốc đông hơn rất nhiều, mỗi ngày có tới hàng vạn người từ trong Nam, ngoài Bắc đổ về, tất cả những thứ lá gì trong đền cũng đều được coi là thuốc quý chữa bách bệnh. Nhân dân địa phương càng cho là hiện tượng “hiển thánh”.

Cho đến ngày nay lễ hội vẫn diễn ra bình thường nhưng không đông như năm 1936 nữa. Năm 1962 đền Trung giải hạ, từ đó lễ hội tập trung vào đền Bia là chính. Năm 1992 xã Cẩm Văn thành lập Chi hội Đông y, chuyên sản xuất, kê đơn bốc thuốc nam, bắc. Hội viên khá đông, địa điểm đặt tại đền Bia, xung quanh trồng nhiều dược thảo, hoạt động có hiệu quả tốt, phát huy truyền thống của Tuệ Tĩnh.

Hội đền Quan Lớn Tuần Tranh – Hải Dương

Đền Tranh hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh nằm ở gần bến đò Tranh, Tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại thời Lê và Nguyễn, nay thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, thờ vị thần sông nước coi khúc sông. Đền Tranh hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh nằm ở gần bến đò Tranh, Tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại thời Lê và Nguyễn, nay thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, thờ vị thần sông nước coi khúc sông. Đây là một ngôi đền lớn thờ nhân vật mang tính huyền thoại theo tín ngưỡng dân gian.

hải dương có lễ hội gì?

Đền Tranh – Hải Dương

Ngôi đền này ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ nằm sát bến sông, vì vậy thường bị tác động của thủy triều và dòng nước xoáy. Do bờ sông thường bị xói lở nên đến năm 1935, người dân lập một đền thờ mới tại làng Tranh Xuyên (nay thuộc thị trấn Ninh Giang). Ngôi đền mới này vẫn được dân chúng giữ tên gọi là Đền Tranh.

Trong dân gian truyền tụng là” đền thiêng lắm, linh ứng lắm, cầu gì được lấy”nên hang năm kỳ mở hội, khách thập phương từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định vv… về trẩy hội khá đông. Lễ hội được mở từ ngày 25/2 âm lịch( hiện nay là 14/2 ÂL). Ngày rước thần có những ông đồng bà đồng “xiên lình” qua má để tỏ phép lạ của con người khi linh ứng nhập. Thanh đồng Nguyễn Thanh Tâm(ông đồng hay xuất hiện trong các cuộc hầu đồng biểu diễn ở Kiếp Bạc, Lảnh Giang) người Kim Thành, Hải Dương là người có rất nhiều canh hầu ở đền.

hải dương có lễ hội gì?

Hội đền Quan Lớn Tuần Tranh – Hải Dương

Đền Tranh một năm có ba mùa lễ hội. Hội tháng 2, từ ngày 10-20 / 2, trọng hội vào 14 – ngày sinh của quan lớn Tuần Tranh, đây là hội chính hàng năm. Hội tháng 5, từ ngày 20-26 / 5, trọng hội vào 25 – ngày hoá của Đức thánh. Lễ hội đền Tranh có quy mô rộng lớn, thu hút khách nhiều tỉnh phía Bắc, một trong những hội lớn của Hải Dương, có sức hấp dẫn lạ thường, đặc biệt với các bà các cô ở các thành phố, bởi thế khách thập phương đến đây rất đông. Không chỉ trong những ngày hội (thường kéo dài tới 7 ngày) mà những ngày thường cũng không ít khách đến lễ và không thể thiếu tiết mục hát chầu văn.

Nửa thế kỳ trôi qua, thị trấn đã trải qua những thăng trầm qua hai cuộc chiến tranh, đền Tranh được dựng lại và tôn tạo trên địa phận thôn Tranh Xuyên xã Đồng Tâm. Không những đền được tôn tạo lại rất bề thế uy nghiêm mà còn được mở rộng rất nhiều, bên cạnh còn có chùa Tranh mới được xây dựng thêm. Không chỉ ngày hội mà ngày thường khách đến lễ cũng rất đông.

Hội Đền Sinh – Hải Dương

Di tích Đền Sinh – đền Hóa tọa lạc trên sườn núi Ngũ Nhạc thôn An Mô xã Lê Lợi thị xã Chí Linh. Đền là một công trình kiến trúc cổ, tựa lưng vào núi Ngũ Nhạc nhìn ra hướng Đông Bắc giữa bạt ngàn cây rừng xen lẫn những đồi vải thiều xum xuê. Đền Sinh thờ nơi sinh, đền Hóa thờ nơi hóa của tướng quân Chu Phúc Uy – thiên thần thời tiền Lý ( 544)

hải dương có lễ hội gì?

Đền Sinh – Hải Dương

Ngày nay tại đền Sinh, đền Hoá, hàng năm cứ đến tháng Năm và tháng Tám âm lịch. Vùng đất An Mô lại náo nhiệt, tưng bừng cho không khí vào hội.

Lễ hội tháng năm là lễ hội chính tại đền Sinh, đền Hoá. Từ khắp các mọi miền đất nước khách hành hương về với lễ hội đền Sinh, đền Hoá, mang theo những tâm tư, những ước nguyện của mình để về với chốn tâm linh. Tại lễ hội đền Sinh, đền Hoá ngoài những nghi lễ bắt buộc, thường niên còn có nhiều hình thức nghi lễ thiêng liêng mang tính đặc trưng, tiêu biểu mà không một di tích nào có được. Đó là lễ đón bóng Thánh, lễ ban khước, hội thi hát văn diễn xướng hầu Thánh…

Về phần lễ:

  • Ngày 6/5 là lễ Cáo Yết: với ý nghĩa xin phép đức Thánh được mở hội ngày
  • Ngày 7/5 là lễ Mộc Dục (tắm tượng) sau đó là lễ An Vị tượng.
  • Tối ngày 7/5 khai mạc hội thi hát văn diễn xướng hầu Thánh.
  • Vào giờ Dần, ngày 8/5 là lễ đón bóng Thánh

Hoà chung không khí của phần lễ, thì các hoạt động của phần hội cũng diễn ra rất sôi động. Với các trò chơi dân gian truyền thống như: Đấu vật, kéo co, cờ ngưòi, chọi gà…Biểu diễn các làn điệu cổ như: Hát chầu văn, hát chèo, quan họ Bắc Ninh. Các giải giao hữu thể thao như: cầu lông, bóng bàn, bóng đá…Tất cả các hoạt động vui chơi giải trí đó đã thu hút hàng ngàn người tham gia.

Trải qua hàng ngàn năm, hầu hết các phong tục lễ hội đặc sắc và quan trọng vẫn được nhân dân nhiệt tâm gìn giữ và truyền lại như: Tục hát chầu văn dâng Mẫu, dâng Thánh, cúng lễ bằng lợn đen xôi trắng, phụ nữ không được vào trong cung cấm, dâng lễ vào cung cấm chỉ có lễ chay; những người ăn thịt chó, đi viếng đám ma không vào lễ đền; kiêng dùng tên huý hai chữ “Phi Bồng”…

hải dương có lễ hội gì?

Hội Đền Sinh – Hải Dương

Hội thi diễn xướng hầu thánh ở đền Sinh, đến Hoá được diễn ra từ đêm ngày mùng 7 tháng 5 đến đêm ngày 12 tháng 5 âm lịch, hoặc từ đêm ngày mùng 10 tháng tám đến đêm ngày 15 tháng tám dưới sự thẩm định của ban tổ chức lễ hội, ban giám khảo, ban nghiên cứu giám sát . Nội quy của cuộc thi được quy định rất cụ thể và nghiêm ngặt: không được tung tiền trong khi hầu, không được mượn bóng Thánh để truyền phán nhảm nhí hay yểm tà bắt ma, xiên lềnh lên đai, thắt cổ…. Mỗi canh hầu thi không quá hai tiếng, thanh đồng tự chọn 5 đến 7 giá đồng để diễn xướng. trong không gian, màu sắc lung linh, huyền ảo các thanh đồng hoá thân vào bóng các vị thánh trong điện thờ mẫu để sát quỷ trừ tà ban tài tiếp lộc cho con nhang đệ tử và du khách thập phương. Giây phút thăng hoa nhất là lúc các vị Thánh đã nhập vào thanh đồng trong những điệu múa quay cuồng, trong những lời ca tiếng hát ngọt ngào của các cung văn, thanh đồng và cả người xem như chìm đắm trong cảnh bồng lai, những lo âu, vất vả trăn trở nghĩ suy của cuộc sống đời thường bỗng nhiên tan biến. Một không khí thần tiên, kỳ diệu lan toả khắp đền Sinh đền Hoá.

Hội thi hát văn diễn xướng hầu Thánh tại đền Sinh, đền Hoá được đánh giá là một hội thi thành công, mang lại nhiều giá trị: giá trị tâm linh, giá trị tinh thần, giá trị văn hoá, giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn. Thi Hát văn diễn xướng hầu Thánh góp phần vào việc bảo tồn và nghiên cứu một loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian truyền thống, một loại hình văn hoá phi vật thể của dân tộc.

Hội đền Quát – Hải Dương

Đền Quát tức là đền thờ Yết Kiêu, một gia nô trung thành của Trần Hưng Đạo, tại tả ngạn sông Đò Đáy (sông Quát) thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, Gia Lộc. Nguyễn Hữu Thế, hiệu là Yết Kiêu là con ông Nguyễn Hữu Hiệu, quê tại Hạ Bì. Mẹ là Vũ Thị Duyên, người làng Lôi Động, huyện Thanh Hà.

hải dương có lễ hội gì?

Đền Quát – Hải Dương

Sau khi Yết Kiêu qua đời, nhân dân lập đền thờ và được tôn làm Thành hoàng, tổ chức lễ hội kỷ niệm ông vào 15 tháng giêng. Thông lệ, hội bắt đầu từ 10-20 tháng giêng. Trước cách mạng, Hạ Bì có 8 giáp và 9 hà chài. Mỗi hà làm ăn một phương, chỉ đến tết và lễ hội mới về làng. Hàng năm, từ ngày 14-20 tháng giêng tổ chức lễ hội. Từ năm 1976 đến nay, Lễ hội đền Quát (lễ hội đền Yết Kiêu) được chuyển sang mùa thu vào 2 ngày 14-15/8 âm lịch để hưởng ứng lễ hội Côn sơn – Kiếp Bạc.

Lễ hội đền Quát (lễ hội đền Yết Kiêu) chứa đựng giá trị văn hóa đặc sắc, đề cao tinh thần thượng võ của dân tộc. Trong những ngày diễn ra lễ hội, du khách từ các tình thành phụ cận về thăm quan, tưởng niệm.

hải dương có lễ hội gì?

Hội đền Quát – Hải Dương

Theo lệ làng xưa kia, từ ngày 9 tháng giêng, người dân thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương tổ chức “lễ mộc dục”. Lễ được tổ chức vào buổi tối do Ban khánh tiết đền tổ chức trước sự chứng kiến của chức sắc trong làng. Đây là hoạt động có ý nghĩa tâm linh đặc biệt mở đầu lễ hội với mục đích vệ sinh sạch sẽ thần tượng và đồ thờ để tổ chức lễ hội.

Ngày 10 tháng giêng, dân làng chế biến lễ chay và lễ mặn dâng thánh từ nông sản địa phương. Lễ chay gồm 6 chiếc oản lớn chế biến từ 4,5kg gạo nếp, 1 chai rượu trắng, 6 đĩa chè khó, 1 nải chuối tiêu, 1 đĩa trầu cau.

Ngày 11 tháng giêng, theo lệ làng, 12 giáp phải làm lễ mặn gồm một con lợn, một mâm xôi trắng, một chai rượu và một đĩa trầu cau.
Từ ngày 12-14 tháng giêng, các vị có phẩm hàm làm cỗ trực nhật. Vào những năm có “Phong đăng hòa cốc” dân làng Hạ Bì có lệ làm cỗ hộp để dâng thánh. Đây là loại cỗ đặc biệt của đền Quát (đền Yết Kiêu) thường có 3 cặp bánh chưng, 1 con gà trống trên 2kg, 10 tấm mía dóc sẵn, 1 con cá chép, 1 nải chuối tiêu, 1 chai rượu trắng, 1 cơi trầu cau.

hải dương có lễ hội gì?

Hội đền Quát – Hải Dương

Tâm lễ đền Quát là lễ rước thủy và rước bộ. Lễ rước thủy được tiến hành trang trọng. Từ sáng sớm ngày 14 tháng Giêng, các hà chài chuẩn bị sẵn một chiếc thuyền lớn, trang trí lộng lẫy, sắp xếp hoa lễ, cờ biển và một choé để đựng nước. Ban khánh tiết chọn cử 01 người cao tuổi, đức độ thay mặt dân làng và các hà chài xuống thuyền ra giữa dòng sông lấy nước sạch vào để làm nước dâng cúng thánh suốt trong thời gian lễ hội. Lễ rước bộ được tiến hành vào ngày 15 tháng giêng. Ban khánh tiết chuẩn bị: Cờ thần, trống chiêng, bát cửu, đội bát âm, kiệu long đình… để thực hiện lễ rước.

Ngày hôm sau, dân làng mở hội thi bơi chải từ ngày 16-18 tháng giêng. Đây là hoạt động độc đáo, hấp dẫn và vui nhộn nhất ở hội đền Quát (hội đền Yết Kiêu). Ngày 20 tháng giêng tàn hội, các hà chào tạm biệt cố hương, trở về với sông nước quăng chài lưới hẹn mùa xuân năm tới lại về trẩy hội.

Hội chùa Côn Sơn – Hải Dương

Lễ hội chùa Côn Sơn, còn gọi là Lễ hội Côn Sơn hay Lễ hội chùa Hun, bắt nguồn từ ngày giỗ Trúc Lâm đệ tam Tổ – Huyền Quang (thế kỷ XIV), thường được tổ chức tại chùa Côn Sơn (Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự), nằm dưới chân núi Côn Sơn, tục gọi là chùa Hun.

hải dương có lễ hội gì?

Chùa Côn Sơn – Hải Dương

Trong những năm gần đây, Lễ hội chùa Côn Sơn được cộng đồng cư dân phường Cộng Hòa, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương cùng với Ban Quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, từ ngày 15 đến ngày 22.

Từ thời Lê Sơ, lễ hội chùa Côn Sơn đã được tổ chức rất quy củ. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Phong tục ở đây, cứ đến đầu mùa xuân, trai gái đến chùa dâng hương hàng tuần mới tan, đó là thắng hội của một phương”. Đầu thế kỷ XX, lễ hội bị thu hẹp lại, hầu như chỉ là việc nội bộ của tăng ni và cư dân xã sở tại. Lễ hội bị gián đoạn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ và được khôi phục vào năm 1968. Năm Canh Thân (1980), Lễ hội chùa Côn Sơn được tổ chức long trọng nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi.

Phần nghi lễ:

– Lễ dâng hương khai hội: diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng, tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả và tôn vinh công đức to lớn của Thiền phái Trúc Lâm.

– Lễ rước nước, mộc dục: đây là một nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Côn Sơn, diễn ra vào sáng ngày 16 tháng Giêng, ngay sau khi kết thúc lễ dâng hương khai hội. Năm 2008, lễ mộc dục chùa Côn Sơn được phục dựng, thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia.

– Lễ Mông Sơn thí thực: diễn ra vào tối ngày 17 tháng Giêng tại sân chùa Côn Sơn. Đàn Mông Sơn thí thực bao gồm: đàn chính và đàn tiến cúng Phật. Đây là một trong những nội dung quan trọng được phục dựng thành công trong Đề án nâng cấp Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc giai đoạn 2006 – 2010.

– Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc: diễn ra vào sáng ngày 17 tháng Giêng tại Trung Nhạc miếu, trên núi Ngũ Nhạc, do các pháp sư thực hiện. Vật phẩm gồm lễ chay (hoa quả, các loại bánh), lễ mặn (xôi, thịt), ngoài ra, còn có đồ mã và ngũ cốc… Tế trời đất tại Ngũ Nhạc để cầu phúc, tránh hoạ, mong cho mùa màng bội thu, quốc thái, dân an.

hải dương có lễ hội gì?

Hội chùa Côn Sơn – Hải Dương

Các sinh hoạt văn hóa dân gian trong lễ hội:

Ngoài các nghi lễ gắn với tôn giáo, tín ngưỡng, Lễ hội chùa Côn Sơn còn hấp dẫn đặc biệt đối với du khách bởi các sinh hoạt văn hóa mang tính đặc thù, tiêu biểu như:

– Đu tiên: được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 18 tháng Giêng. Hình thức phổ biến là đu đôi, với từng cặp thanh niên (một nam, một nữ) cùng lên đu so tài.

– Thư pháp: vào những ngày hội, các cụ đồ và các vị cao tăng thường viết chữ Hán – Nôm tặng cho du khách. Hiện nay, câu lạc bộ Hán – Nôm của tỉnh Hải Dương đã về đây viết chữ để phục vụ cho du khách khi đến chùa.

– Đấu vật: là tâm điểm thu hút khách thập phương khi về dự Lễ hội chùa Côn Sơn từ bao đời nay.

– Hát quan họ: được tổ chức vào những ngày diễn ra lễ hội từ ngày 16 đến ngày 20 tháng Giêng, tại cổng chùa Côn Sơn.

Côn Sơn thuộc chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm, một Thiền phái mang tư tưởng tự cường dân tộc. Lễ hội chùa Côn Sơn là một trong những lễ hội lớn của vùng châu thổ Bắc Bộ cũng như của cả nước. Từ lâu, việc tham gia lễ hội hằng năm đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa – tâm linh của cộng đồng.

hải dương có lễ hội gì?

Hội chùa Côn Sơn – Hải Dương

Lễ hội chùa Côn Sơn chứa đựng và phản ánh nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa dân tộc, giúp các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về đời sống, tín ngưỡng, phong tục tập quán gắn liền với khu di tích đặc biệt quan trọng này, nhằm góp phần gìn giữ di sản văn hóa của cha ông ta để lại cho các thế hệ.

Lễ hội chùa Côn Sơn còn là dịp tôn vinh các bậc tiền nhân có công xây dựng Thiền phái Trúc Lâm, xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm… Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, lễ hội được cộng đồng tổ chức mang tính chất như cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ trẻ bồi đắp thêm lòng tự hào về truyền thống quê hương, đất nước. Đặc biệt, lễ hội đã gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của lễ hội, năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội chùa Côn Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Lễ hội truyền thống.

Lễ hội đền Cao – Hải Dương

Đền Cao nằm trong khu di tích đền Cao thờ 5 vị tướng họ Vương đã có công lao lớn giúp vua Lê Đại Hành đánh đuổi giặc Tống xâm lược năm 981. Sau khi giành thắng lợi, 5 vị tướng quân họ Vương xin phép vua được ở lại quê nhà chịu tang cha mẹ và mất tại đây. Để tưởng nhớ công đức của 5 vị tướng họ Vương nhân dân địa phương đã xây đền Cao để thờ phụng đến ngày này.

hải dương có lễ hội gì?

Đền Cao – Hải Dương

Tại Đền Cao hàng năm thường có nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn về cả phần lễ và phần hội, lôi kéo rất nhiều du khách từ mọi miền đất nước đổ về tham quan và tham gia.

Theo tục lệ đền Cao, ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm gọi là ngày “phơi sắc”. Những đồ thờ trong gian hậu cung được đem ra phơi. Điều đặc biệt là dù những ngày trước có mưa to gió lớn thế nào nhưng đúng ngày 15 tháng 3 nhất định sẽ có nắng để phơi. Theo ghi nhận của người dân quanh đền, hàng chục năm nay không năm nào không phơi được sắc.

Không như những ngôi đền khác, đền Cao không thờ tượng mà thờ bài vị của thần. Bài vị được khoác áo, gọi là áo ngự, đội mũ giống như tượng thật. Mỗi năm vào ngày 21 tháng Giêng âm lịch, áo ngự được thay mới. Khi thay áo, chiếc áo cũ được cắt nhỏ thành hàng trăm mảnh nhỏ coi như bùa bình an phát cho người dân và khách thập phương về dự lễ.

hải dương có lễ hội gì?

Lễ hội đền Cao – Hải Dương

Một trong những nguyên tắc được tuân thủ nghiêm ngặt trong hơn 1000 năm qua là khi thắp hương trong đền Cao chỉ được thắp hương màu đen. Đây là tập tục bắt buộc đối với người dân và du khách khi tới đền Cao. Sở dĩ có tập tục này vì thời điểm 5 vị tướng quân họ Vương giúp vua đánh tan quân xâm lược và được phong tước hiệu, khi đó 5 ngài vẫn chưa mãn tang cha mẹ. Do vậy, tục thắp hương đen trong đền tượng trưng cho 5 vị mặc quần đen, áo đen để tang cha mẹ, thể hiện lòng chí hiếu của con cái. Ngoài thắp hương đen, lễ dâng và thờ trong đền chỉ dùng lễ chay. Tục truyền rằng, khi xưa cha mẹ của 5 anh em họ Vương khi lập đàn cầu tự cũng thắp hương đen, cúng lễ chay. Khi cha mẹ mất, 5 người con để tang cha mẹ cũng chỉ thắp hương đen và cúng lễ chay. Phong tục thắp hương đen và thờ lễ chay là nét độc đáo còn truyền cho tới ngày nay ở đền Cao.

Về phần lễ có nhiều hoạt động nghi lễ trang trọng như: lễ mộc dục, lễ rước kiệu từ đền Cao, đền Bến Cả, đền Bến Tràng về đền Cả, lễ tế hội đồng, lễ khai hội truyền thống đền Cao, lễ rước bộ, lễ tế yên vị, lễ ban “Khước Thánh”, lễ tế đập đất, vật đập đất…

Về phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và trò chơi dân gian đặc sắc, hấp dẫn như: Hội thi giã bánh giầy, nấu chè kho; biểu diễn nghệ thuật mừng lễ hội; biểu diễn nghệ thuật Múa rối nước; tổ chức các trò chơi dân gian như: kéo co, nhảy bao bố; giải vật truyền thống.

Hội chơi pháo đất – Hải Dương

Chơi pháo đất, một trò chơi dân gian của những người nông dân Hải Dương, thường diễn ra từ đầu năm đến hết tháng 4 âm lịch.Những trận đấu pháo thường niên giữa các làng thường được tổ chức ở sân kho, sân đình vào những ngày rằm và mùng một hàng tháng.

hải dương có lễ hội gì?

Hội chơi pháo đất – Hải Dương

Theo những người chơi pháo đất lâu năm, đất để đánh pháo ở xã Nghĩa An là tốt nhất tỉnh. Các xã khác thường đến đây mua đất làm pháo. Đây là loại đất thịt ngoài ruộng không lẫn tạp chất. Sau khi lấy đất về, mọi người dùng dao thái vụn rồi đem phơi nắng cho khô, sau đó đập và giã thật nhuyễn cho đến khi đất dẻo quánh là được.

Khi vào cuộc chơi, các pháo thủ dùng chân dậm lên quả đất cho thành hình bầu dục rồi sau đó dùng tay nặn. Khâu làm manh hay còn gọi là viền mép pháo cũng rất công phu. Pháo thủ dùng khăn vải thấm nước rồi vắt khô để lau mép pháo, dùng hai tay bấm manh pháo cho đều. Tiếp đó dùng dao bằng cật tre khía sâu vào rãnh của manh pháo cho đứt hẳn rồi lại dùng đất phủ kín vết cắt đó. Ở phần mõm pháo, pháo thủ rạch một đường dài khoảng 5cm, gọi là ngắt manh, nơi để manh pháo bung ra. Ngắt manh xong, người làm pháo chỉnh cho pháo cân đối lần cuối rồi chuẩn bị gieo pháo.Trung bình mỗi quả pháo đất nặng khoảng 80 kg.

hải dương có lễ hội gì?

Hội chơi pháo đất – Hải Dương

Mỗi trận đấu có 4 sòng và mỗi sòng có 20 lần gieo pháo, trong một sòng, mỗi pháo thủ chỉ được gieo 1 pháo. Đội thắng ở một sòng thi đấu phải có tổng số thước các pháo cộng lại lớn hơn đội khác từ 2 thước pháo trở lên (một thước pháo bằng 40cm). Pháo đất khi nổ thì hai manh pháo phải bung ra, manh pháo nào bị đứt làm hai đoạn là bị loại.

Ở Hải Dương, ngoài xã Minh Đức (Tứ Kỳ), còn có một số xã có trò chơi pháo đất khá phát triển như Quang Khải (Tứ Kỳ), Nghĩa An, Ứng Hoè, Bồ Dương, Kiến Quốc (Ninh Giang).

Hải Dương có lễ hội gì? Trên đây là danh sách những lễ hội tại Hải Dương đặc sắc mà bạn nên tham gia khi du lịch tới miền đất này. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn cuộc sống, những phong tục, tập quán của con người nơi đây. Chúc các bạn có những chuyến du lịch trải nghiệm Hải Dương thật thú vị nhé.

Đăng bởi: Bảo Nguyên Hồ

YOLO! Khám phá các huyện ở Hải Dương

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก