Khám Phá Trải Nghiệm

Hòn Khói

Nằm cách thị trấn Ninh Hòa khoảng 10 cây số về hướng đông bắc, Hòn Khói, một địa danh thuộc huyện Ninh Hòa, mà trong lòng nhiều người Ninh Hòa mơ hồ như là xa lắm.

Theo các cụ ngày xưa, địa danh Hòn Khói có từ thế kỷ 18. Cái thời tàn quân nhà Minh bên Tàu không chịu khuất phục triều Mãn Thanh, nên dùng tàu bè xuôi Nam tìm đất sống.

hòn khói

Bình minh tại Hòn Khói – Ảnh: Sưu tầm

Một số có quyền chức, giàu có, có tàu thuyền to lớn thì vào lập nghiệp tận miền Nam, như Mạc Cửu lập xứ Hà Tiên. Còn một số ít nghèo khổ lang thang trên biển cả lâu ngày trở thành hải tặc. Thỉnh thoảng vào các hải đảo cướp bóc lương thực. Thời bây giờ triều đình nhà Nguyễn ra lệnh cho địa phương, khi nào có giặc Tàu Ô vào cướp bóc, thì dân làng đốt lửa trên đỉnh núi, cho khói lên cao, để quan sở tại biết mà kịp thời đem binh lính đến tiếp cứu. Không rõ có phải từ đó mà vùng đất này mang tên HÒN KHÓI ?

hòn khói

Đồng muối bao la – Ảnh: Sưu tầm

Trong thời Pháp thuộc, người Pháp gọi vùng này là Hone-Coché. Một ngôi nhà lầu, bề thế nhất lúc bấy giờ được người Pháp xây dựng lên ở đây có tên là Douanes et Régies de Hone-Coché (Sở Thương Chánh Hòn Khói). Ngôi nhà được kiến trúc theo kiểu biệt thự của Pháp khá đẹp, nằm trên một ngọn đồi trông ra biển rất yên tĩnh và thơ mộng, nên sau này trở thành nơi hò hẹn của nhiều cặp tình nhân.

Vì vậy người ta còn gọi đó là Lâu Ðài Tình Ái hoặc Lầu Ông Hoàng (khác với Lầu Ông Hoàng của Hàn Mặc Tử ở Phan Thiết). Rất tiếc, trải qua nhiều thời kỳ chiến tranh, ngôi nhà đã bị hư hỏng nặng nề. Bây giờ đã trở thành hoang phế. Chính quyền mới dựng lên phía trước một tấm bia, không phải để ghi lại những cuộc tình thơ mộng, mà là kỷ niệm một chiến thắng của Việt Minh thời trước.

hòn khói

Những người dân làm muối tất bật – Ảnh: Sưu tầm

Trước kia, khoảng trước năm 1930, Hòn Khói là Tổng Phước Hà Ngoại, trực thuộc huyện Vạn Ninh, gồm có các làng Ðông Hà (Rớ), Ðông Hòa ( Xóm Bà Ðỏi), Ðông Hải (mũi Hòn Khói), Ðông Cát (xóm Cát), Bình Tây (xóm Ðò), Thạnh Danh, Phú Thọ và Bá Hà (Cồn Cạn). Hòn Khói nằm cách Vạn Giả khoảng 50 cây số đường biển, cách Ninh Hòa 10 cây số đường bộ. Nhưng thời xưa, ông bà chúng ta di chuyển từ nơi này đến nơi khác chỉ bằng bộ hoặc xử dụng phương tiện duy nhất là ghe thuyền.   Xem thêm: Các khách sạn tại Phú Thọ   Thời đó, từ Hòn Khói lên Vạn Giả, đêm nào cũng có ghe đò (một đêm đi lên, một đêm đi về). Bến ghe đò nằm tại Bình Tây, kẻ đi người về tấp nập nên làng này được nhiều người biết đến. Và cũng vì thông thương dễ dàng, nên có nhiều người Hòn Khói lập gia đình với người Vạn Ninh. Trong gia phả của nhiều người Vạn Ninh bây giờ có gốc gác từ Hòn Khói.  

hòn khói
Những người dân làm muối tất bật – Ảnh: Sưu tầm   Xem thêm: Khách sạn tại Khánh Hòa

Trong khi ấy, từ làng Phú Thọ (Hòn Khói) lên Ninh Hòa chỉ dùng đường bộ, băng qua Chánh Thanh, sườn núi Hòn Hèo, rồi leo qua đèo Hà Thanh (đèo Bánh Ít) đến đầu làng Phước Ða. Lúc ấy cả đoạn đường này còn là rừng rậm, lại nhiều thú dữ. Vì vậy, Hòn Khói tuy gần Ninh Hòa hơn Vạn Ninh, nhưng vì giao thông trắc trở, nên Hòn Khói khi ấy trực thuộc huyện Vạn Ninh là hợp tình hợp lý.

Ðến năm 1930, Hòn Khói mới được sáp nhập vào huyện Ninh Hòa, sau cuộc đấu tranh khởi đầu từ năm 1927 do ông trợ (giáo) Chước lãnh đạo đòi giảm sưu thuế. Ngày nay, Hòn Khói có 4 xã : Xã Ninh Hải (gồm các thôn Ðông Hà, Ðông Hòa, Ðông Hải, Ðông Cát và Bình Tây, xã Ninh Diêm (gồm các thôn Thạnh Danh, Phú Thọ, Chánh Thanh và Chánh Bình), xã Ninh Thủy (gồm các thôn Bá Hà, Ngân Hà và Thủy Ðầm), xã Ninh Phước (gồm các thôn Ninh Tịnh, Ninh Yển, Mỹ Giang và Ðầm Vân).

hòn khói

Những người dân làm muối tất bật – Ảnh: Sưu tầm

Ngày trước, mặc dù ba mặt quanh Hòn Khói đều là biển cả và sông ngòi, nhưng dân chúng ở đây 90% lại làm nghề ruộng muối. Vì nghề này có lợi tức cao hơn nghề cá, do bán được muối cho Tây, cho dù giá muối thời ấy do người Pháp ấn định rẻ mạt.

Ngày nay, Hòn Khói vẫn phát triển nghề làm muối. Xã Ninh Thủy có nhà máy Ciment, xã Ninh Phước có nhà máy đóng tàu Huyndai. Tại xã Ninh Phước dự trù sẽ xây dựng hải cảng Ðầm Vân (Mỹ Giang) để thuận tiện cho việc xuất cảng muối, ciment và hải sản…

hòn khói

Những người dân làm muối tất bật – Ảnh: Sưu tầm

Hòn Khói còn có Dốc Lết, một địa điểm du lịch khá nổi tiếng, nằm bên những đồi cát trắng tinh, sáng chiều di chuyển và biến dạng theo chiều gió trông rất ngoạn mục. Muốn qua bên kia xem biển, du khách phải vượt qua những đồi cát lớn, cao như những bức trường thành. Khi bước đi, bàn chân lún xuống sâu, muốn tiếp tục, phải ngồi xuống và lết đi. Do đó người dân bản xứ gọi nơi đây là Dốc Lết.

Hải sản ở Cồn Cạn (Bá Hà) nhiều vô số. Nào cá thu, cá bè, cá chù, tôm mực, cua ghẹ, sò ốc… Nước mắm và mắm ruốc ở đây khá nổi tiếng, được bán khắp nơi: Ban Mê Thuột, Phú Yên, Bình Ðịnh v.v… Hiện nay, tại Phú Thọ, có một khu trồng rau khá lớn, không những đủ cung cấp cho cả Ninh Hòa, mà còn đem bán ở Nha Trang.

hòn khói

Những người dân làm muối tất bật – Ảnh: Sưu tầm

Người dân Hòn Khói tuy nghèo, sống xa xôi, nhưng có truyền thống hiếu học. Ngay từ thập niên 1940, lúc Hòn Khói còn rất hiếm người có điều kiện đi học, mà đã có cụ bà Lê Bút, người làng Phú Thọ, là một trong số bảy người phụ nữ đầu tiên trong huyện Ninh Hòa đậu bằng Primaire (tiểu học Pháp-Việt – Certificat d’Étude Primaire Complémentaire Indochinoise). Ðến đầu thập niên 1960, phong trào học hành ở đây bùng lên cao, nhà nào cũng cố gắng lo cho con cái theo học ở Nha Trang, Sài Gòn. Trong số nhiều người thành đạt, có một số được nhiều người biết đến: bác sĩ Lê Ánh, giáo sư Phạm Chân, giáo sư Ðỗ Trung Hiếu v.v…

hòn khói

Những người dân làm muối tất bật – Ảnh: Sưu tầm

Có dịp đến Nha Trang, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan Hòn Khói, để có thể tận mắt chứng kiến những người dân nơi đây tất bật với công việc làm muối, tận hưởng bầu không khí trong lành của biển, của bãi tắm luôn lộng gió, hòa mình vào thiên nhiên, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống để có những ngày nghỉ tuyệt vời nơi đây.

Đăng bởi: Nguyễn Toàn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก