Hưng Yên

Hưng Yên có gì?

Du lịch Hưng Yên không có nhiều danh lam thắng cảnh như những nơi khác nhưng nét văn hóa tâm linh nơi đây thì vô cùng đặc sắc. Với những du khách ưa thích khám phá tâm linh, tìm hiểu những câu chuyện cổ xung quanh các ngôi đền, miếu, chùa thì Hưng Yên là một địa điểm quá thích hợp. Hưng Yên có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Hưng Yên trong bài viết sau đây nhé.

Đền Mẫu – Hưng Yên

Tọa lạc tại đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên – đền Mẫu (hay còn được gọi là Hoa Dương Linh Từ) là một trong những nơi thờ cúng linh thiêng của tỉnh Hưng Yên, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trên cả nước.

hưng yên có gì?

Đền Mẫu – Hưng Yên

Đền Mẫu thờ bà Dương Quý Phi là hoàng hậu cuối cùng của triều Tống Trung Hoa, đây là điểm khác biệt hiếm thấy trong các ngôi đền cổ của người Việt, thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân 2 nước Việt – Trung. Đền Mẫu được xây dựng vào năm 1278 ban đầu chỉ có một gian để thờ bà Dương Quý Phi, tương truyền đền xây trên thế “ngọa long” cùng cảnh hồ bán nguyệt trên đê sông Hồng, tạo nên thế “Sơn Diễu Thủy” hiền hòa, êm ả, thực là “Linh địa nhân hòa”.

Cùng với sự phát triển của phố Hiến đền Mẫu ngày nay đã quy mô với 30 gian, lưu giữ được 15 đạo sắc phong của các triều vua Lê, Nguyễn cùng hai cỗ kiệu “Cửu Long, Ngũ Phượng” và nhiều bia, kí, câu đối ca ngợi cảnh trí, tấm gương tiết liệt của Dương Quý Phi như: “Nhai sơn chính khí đồng thiên hạ. Hồ Nguyệt linh thanh tự cổ kim”. Bằng những giá trị của di tích, ngày 24/4/1984 Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Hưng công nhận là di tích danh thắng. Ngày 30/3/1990, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Hằng năm đền mở hội vào ngày mùng 10 đến 15 tháng 3 âm lịch; thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách thập phương với các hoạt động múa lân, rước kiệu, rước nước và một số trò chơi dân gian.

Đền Thiên Hậu – Hưng Yên

Đền Thiên Hậu (Thiên Hậu thượng phố) nằm trên đường Trưng Trắc, phường Quang Trung, Thị xã Hưng Yên được xây dựng năm 1640 do 40 dòng họ người Trung Quốc ở Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến quyên góp tiền của xây dựng nên. Đền thờ Bà Lâm Tức Mặc, được nhân dân gọi là Thần Biển, đền mang đậm nét kiến trúc cổ của Trung Quốc… Đền Thiên Hậu đã được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử – cấp quốc gia năm 1990.

hưng yên có gì?

Đền Thiên Hậu – Hưng Yên

Đền Thiên Hậu được 40 dòng họ người Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến ở Trung Quốc xây dựng vào năm 1640. Đền được xây dựng theo lối kiến trúc Trung Hoa trên nhiều phương diện, như Tam quan, nhà tế, mái đền, đao góc và kết cấu vì kèo. Đền được thiết kế, đục đẽo trang trí hoa văn sẵn từ Trung Quốc, rồi chở sang Việt Nam cất dựng.

Đền thờ Bà Lâm Tức Mặc, là con gái thứ 6 của Lâm Nguyệt, người Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, sinh ngày 23 tháng 3 âm lịch, vào thời Tống Kiến Long nguyên niên (960). Theo truyền thuyết khi sinh ra, Bà đã có hương thơm ngào ngạt, hào quang rực rỡ. Lớn lên trong lúc nhân dân bị mất mùa, đói kém, bà đã phát hiện ra một thứ dong biển dùng nấu thạch làm thức ăn cứu đói cho dân. Bà còn tìm ra một thứ dầu ăn gọi là ma mộc, rút từ loại cây thuộc họ vừng giúp dân nghèo vượt qua những trận đói kéo dài.

Đến đời Tống Ung Hi tứ niên (987), ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch bà không bệnh tật, tự nhiên qua đời. Tương truyền rằng bà mất vào một ngày có “Quần tiên tấu nhạc”. Bốn chữ “Bạch nhật phi thăng” khắc ở kiệu trong đền đã nói lên điều đó. Bà thường hiển linh để cứu hộ thuyền bè gặp nạn, nên nhân dân tôn Bà làm Thần Biển, một số nơi dọc bờ biển nước ta có đền thờ Bà.

hưng yên có gì?

Đền Thiên Hậu – Hưng Yên

Đền Thiên Hậu có mặt tiền Tam quan cao và rộng, tường bao hai bên trang trí các ô vuông bằng gạch men hoa màu xanh lam rất đẹp. Sân trước nhà tiền đường có hai con nghê chầu làm bằng chất liệu đá hoa cương được tạc khá sinh động, thềm được lát bằng đá khối lớn. Đền chính được xây bằng gạch Bát Tràng, mái đền lợp ngói ống, đầu đao cong nhẹ hình đuôi cá. Cánh cửa tiền đường được khắc hình các quan văn võ theo hầu tô sơn xanh đỏ. Trên các vì kèo ở gian tiền tế, cũng khắc các tích chuyện rút ra từ Tam Quốc hoặc Tây Du.

Ngày nay, đền còn lưu giữ 32 sắc phong và nhiều bức đại tự liên quan tới việc đi sông biển và ngợi ca tài danh của vị nữ thần. Ngoài gian thờ chính, hai gian bên còn có bàn thờ cha mẹ và anh ruột bà cùng bàn thờ các dòng họ người Hoa đã có công xây dựng và tôn tạo đền. Hàng năm, đền Thiên Hậu mở hội vào ngày 23 tháng 3 âm lịch (chính hội) là ngày sinh và ngày 9 tháng 9 là ngày hóa của Bà. Vào những ngày này, bà con người Hoa, người Việt đến dự tế lễ, rước kiệu rất đông vui và trang trọng. Lễ vật được dâng lên là những món ăn truyền thống của người Hoa như bánh Dong Câu, kẹo Sìu, bánh Rùa, bánh Tô Châu.

Đền Thiên Hậu là một trong số rất ít công trình kiến trúc cổ của người Trung Hoa ở Phố Hiến còn bảo tồn tới ngày nay. Với mục đích gìn giữ và tuyên truyền quảng bá tới đông đảo quần chúng nhân dân, tỉnh Hưng Yên đã cho trùng tu đền Thiên Hậu khang trang đẹp đẽ hơn.

Đền Dạ Trạch – Hưng Yên

Đền Dạ Trạch gắn với sự tích về đầm Dạ Trạch. Truyền rằng tại vị trí Chử Đồng Tử cùng 2 người vợ hóa tiên bay về trời sụt xuống thành một cái đầm lớn. Người dân cho là thần linh ứng, gọi đó là Dạ Trạch (đầm hình thành sau một đêm) và lập đền thờ. Trong dân gian, đền còn có tên gọi khác là đền Hóa.

hưng yên có gì?

Đền Dạ Trạch – Hưng Yên

Đền Dạ Trạch có mặt chính diện hướng về phía đông, mái khắc hình rồng phượng rất đẹp. Đền có 3 gian, trong đó hậu cung là gian có thiết kế đẹp nhất. Đến đây bạn sẽ có cảm giác như đang được đứng trong một khoang thuyền hoàng gia.

Từ ngoài vào, bạn có thể nhìn thấy đầu tiên là bàn thờ thổ công miếu đình, tượng quan võ, sau đó đến ban thờ các vị thân sinh của Chử Đồng Tử, bàn thờ Bế ngư thuyền quan, bàn thờ Triệu Việt Vương.

Chính giữa hậu cung là gian thờ Đức thánh Chử Đồng Tử cùng 2 người vợ. Ngoài ra còn có tượng thờ 2 con ngựa một trắng, một đỏ, được cho là vật cưỡi của đức thánh và 2 vị phu nhân khi đi chữa bệnh cho người dân. Ngoài ra, đền Dạ Trạch còn có lầu chuông, 2 dãy nhà 9 gian, 2 bia đá, hồ bán nguyệt. Đền cũng cất giữ nhiều câu đối, hoành phi ghi lại sự tích Chử Đồng Tử – Tiên Dung – Hồng Vân.

hưng yên có gì?

Đền Dạ Trạch – Hưng Yên

Riêng đền Triệu Việt Vương có diện tích 148 m2, được phục dựng trên nền gạch cũ sau nhiều lần bị giặc phá hủy. Triệu Việt Vương hay Triệu Quang Phục (524 -571) là người kế tục vua Lý Nam Đế, có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, giữ độc lập cho nước Vạn Xuân. Khi thua trận năm 571 trước Lý Phật Tử, ông tự vẫn ở sông Đáy. Khu đền thờ này có 3 phần, bao gồm dãy tả vu, hữu vu và đền thờ chính. Khuôn viên còn có giếng ngọc, lầu chuông độc đáo.

Đền Dạ Trạch được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1989. Đây cũng là một trong những điểm du lịch tâm linh ở Hưng Yên mà du khách không thể bỏ qua.

Đền Đào Nương – Hưng Yên

Đền Mẫu hay đền Đào Nương là một trong 17 di tích lịch sử văn hóa quốc gia của huyện Tiên Lữ, nằm bên đường 39B, cách thị xã Hưng Yên khoảng 6km. Đền Đào Nương thuộc xã Đào Đặng, tổng Cao Cương, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu ngày xưa, ngày nay nằm trên địa phận làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thị xã Hưng Yên.

hưng yên có gì?

Đền Đào Nương – Hưng Yên

Đào Nương tên thật là Đào Thị Huệ, sống vào khoảng cuối thế kỷ XV. Nàng ca nhi họ Đào nhan sắc xinh đẹp, hát hay múa khéo, tiếng đồn tài hoa dậy khắp mọi nơi. Năm ả Đào 18 tuổi, nhà Minh mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” xâm lược nước ta, chúng đóng đồn trại ở tận các thôn xóm, vơ vét của cải, giết hại lương dân. Đàn ông bị bắt làm phu dịch, đàn bà bị bắt làm nô tì. Chúng kéo đến làng Đào Đặng, dân chúng bỏ chạy cả, nàng ca nhi họ Đào và mấy chị em chậm chân không trốn được đành chịu ở lại. Chúng bắt nàng phải múa hát, hầu hạ trong các dịp yến tiệc. Nhờ có tài nghệ xuất sắc, các nàng làm cho chúng có phần vị nể, biến nhà ca lâu thành nơi đi lại, nghỉ ngơi.

Nàng Đào Thị khéo chiều chuộng, làm cho chúng tin cẩn, không đề phòng gì nữa. Quân Minh cứ thế kéo đến biến nhà Đào Thị thành chỗ tập trung chè chén suốt đêm. Rượu tiệc no say, chúng lăn ra ngủ. Vừa sợ lạnh, vừa sợ muỗi đốt, (xưa kia vùng này lau sậy um tùm, muỗi nhiều như chấu) chúng nảy ra “sáng kiến” làm những chiếc túi bằng bao tải gai. Đêm đến là chui vào ngủ, buộc túi lại sáng mai mở túi ra. Đào Thị nhiều lần được chúng giao cho việc thắt và mở túi. Quen với việc, nàng đã nghĩ ra kế để giết giặc.

Nàng bí mật tìm các bô lão và trai tráng đang ẩn nấp trong làng, ước hẹn cứ đêm khuya giặc đã ngủ say, anh em đến khiêng từng túi vất xuống sông. Khi vất xuống sông lại buộc thêm đá, nút thắt chặt phía ngoài, dù chúng có tỉnh dậy cũng chịu chết đuối, làm mồi cho cá. Cứ như thế, quân số của giặc ngày càng hao hụt mà không biết duyên cớ tại đâu, cuối cùng chúng tin rằng vùng đất này “động”, “nghịch”, “linh thiêng”.. không thể ở được, chúng sợ hãi liền nhổ trại kéo đi. Dân làng Đào Đặng được trở về làm ăn sinh sống.

hưng yên có gì?

Đền Đào Nương – Hưng Yên

Khi nàng Đào Thị mất, dân làng tưởng nhớ công lao to lớn đã lập đền thờ Bà. Đất nước thanh bình, vua Lê Thái Tổ phong bà làm “Phúc thần” cho sửa lại nhà thờ và cấp ruộng cúng tế hàng năm. Ngôi đền ả Đào nay vẫn còn ở trước chợ làng Đào Xá, đã trở thành di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng, niềm tự hào của nhân dân trong vùng.

Vì bà Đào Thị Huệ được suy tôn là một trong những vị sư tổ nghề hát chèo của nước ta, nên trong những ngày hội làng không thể thiếu được những làn điệu chèo truyền thống cùng những tiếng “tom, chát” của tiếng trống đế chèo.

Lễ hội hàng năm được tổ chức từ ngày mồng 1 đến mồng 6 tháng 2 âm lịch. Lễ hội được tổ chức tưng bừng, đông vui và nhộn nhịp. Dân làng tổ chức nhiều cuộc vui như đấu vật, ném vòng… đặc biệt là hội chọi gà và thi hát chèo.

Chùa Thái Lạc – Hưng Yên

Chùa Thái Lạc thuộc xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên còn lưu giữ được các bức phù điêu gỗ tinh xảo từ thời Trần và sở hữu kiến trúc gỗ độc đáo hiếm thấy ở Việt Nam.

hưng yên có gì?

Chùa Thái Lạc – Hưng Yên

Chùa Thái Lạc được xây dựng từ thời Trần, được trùng tu, tôn tạo lớn hai lần vào thời Mạc và Hậu Lê. Chùa thờ thần Pháp Vân trong Tứ Pháp nên còn có tên tự là Pháp Vân. Chùa được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm Tam quan, sân chùa, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu. Chùa được bài trí theo kiểu “Tiền Thần hậu Phật”, nghĩa là tượng Tứ Pháp được đặt lên trên tượng Phật.

Thượng điện chùa Thái Lạc là một trong những công trình gỗ cổ nhất Việt Nam, có từ thế kỷ XIV. Qua những lần trùng tu, một số cấu kiện bị hư hỏng đã thay đổi, nhưng kiến trúc, kết cấu vẫn hoàn toàn giữ nguyên và giữa các xà cột chính là các phù điêu gỗ còn nguyên vẹn. Ở Thượng điện chùa Thái Lạc còn giữ được bộ vì gỗ còn khá nguyên vẹn. Đây là kiểu kiến trúc khá hiếm, chỉ thấy ở chùa Thái Lạc, chùa Bối Khê và chùa Dâu. Các vì kèo gỗ ở đây đều có kích thước vừa phải, chúng là những bộ phận trụ chống chủ yếu, được nối với nhau bằng những đường xà dọc và các đường hoành để tạo thành một khung cốt vững chắc, nhằm đỡ toàn bộ lực đè của mái nhà.

hưng yên có gì?

Chùa Thái Lạc – Hưng Yên

Điểm đặc biệt nhất của chùa Thái Lạc là 20 bức phù điêu chạm trổ (bức cổn); qua thời gian, nay chỉ còn 16 bức là còn tương đối nguyên vẹn. Những bức chạm trổ này được gắn giữa các xà dọc thượng và xà dọc hạ, có tác dụng che kín các lớp kiến trúc và để trang trí. Những bức chạm mô tả tiên nữ đánh đàn, thổi sáo, dâng đào, tiên nữ cưỡi phượng, thổi tiêu, kéo nhị… Những nét chạm khắc bằng đục vào các thớ gỗ mà mềm mại, uyển chuyển tinh xảo, huyền ảo như tranh vẽ bằng bút. Các bức chạm được sắp xếp từ gian ngoài vào gian trong chùa, được đặt ở những nơi hứng ánh sáng tự nhiên từ trên mái chùa hoặc ánh sáng từ đèn nến trong điện, khiến cho vẻ đẹp của các bức chạm càng lung linh huyền ảo hơn.

Không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của cư dân trong vùng, chùa Thái Lạc còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tinh thần của người dân. Trước kia, đây là nơi nhân dân trong vùng tổ chức các lễ cầu đảo mỗi khi hạn hán. Hàng năm, chùa mở lễ hội Tứ Pháp (lễ hội cầu mưa), có tổ chức tế lễ và rước kiệu Tứ Pháp và nhiều hoạt động độc đáo, thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan. Người dân tin rằng, thông qua lễ hội thì sẽ được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Chùa Hương Lãng – Hưng Yên

Chùa Hương Lãng, còn gọi là chùa Lạng thuộc thôn Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm. Tương truyền chùa do Thái hậu Ỷ Lan xây dựng từ thế kỷ XI. Chùa có quy mô lớn, trên diện tích ngót một héc ta, gồm nhiều tòa, bố cục kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”. Từ ngoài vào là Tam quan, có ba lối vào, rồi bậc tam cấp dẫn lên một nền phẳng. Từ cấp này lên cấp thứ hai cũng có ba lối lên. Cấp thứ ba là khu chính, bao gồm nhà tăng, nhà hội đồng, phật điện. Đáng tiếc là chùa bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp, từ năm 1955 bắt đầu được trùng tu lại.

hưng yên có gì?

Chùa Hương Lãng – Hưng Yên

Chùa Hương Lãng hiện còn lưu giữ nhiều di vật thời Lý, rất đặc sắc và độc đáo. Giá trị nổi bật là tượng sư tử, còn gọi là ông Sấm. Tượng được tạo bằng phiến đá lớn, dài 2m80, rộng 1m50, cao 0m90 dùng làm bệ cho một pho tượng nào đó nay không còn nữa. Hai đầu của phiến đá chạm khắc thành hình đầu và phía sau của con sư tử. Mặt sư tử tạo tác dũng mãnh, mũi to căng tròn, cặp mắt lồi như hai quả trứng, vầng trán cao. Mông sư tử căng tròn, trang trí dày đặc hoa văn xoắn ốc và hoa cúc dây. Chùa có mười đôi tay vịn bằng đá, chạm phượng và chồn, hoa cúc dây; bốn cột đá vuông bốn góc đỡ các xà bằng đá của công trình trước đây và nhiều tảng đá chân cột chạm khắc cánh sen và hoa cúc.

hưng yên có gì?

Chùa Hương Lãng – Hưng Yên

Ngoài ra chùa Hương Lãng còn một tấm bia đá ghi lại việc trùng tu chùa vào thế kỷ 16. Tượng sư tử, các bức tay vịn bằng đá là những tác phẩm điêu khắc đá vô giá của thời Lý hiện còn trên đất nước ta.

Vì những giá trị về văn hóa – lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, chùa Hương Lãng đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 13-3-1974.

Đền Đậu An – Hưng Yên

Nằm trên mảnh đất hình đầu rồng, được bao bọc bởi hồ nước trong xanh in bóng những cây nhãn lồng cổ thụ, đền Đậu An là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng các thiên thần.

hưng yên có gì?

Đền Đậu An – Hưng Yên

Ngôi đền tọa lạc tại thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Đền được dựng theo phong cách kiến trúc đình, đền của vùng đồng bằng Bắc Bộ, thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Ngũ Lão Tiên ông cùng các vị Thiên tiên, Địa tiên.

Theo thần tích lưu giữ tại đền, xưa kia làng Chạ Xá (An Xá ngày nay) là một vùng đất sình lầy, hoang vu, có nhiều thú dữ. Vào năm thứ hai trước Công Nguyên, Ngọc Hoàng đã phái Thiên tiên, Địa tiên và Ngũ Lão Tiên ông xuống hạ giới hướng dẫn dân lành diệt thú dữ, khai phá vùng sình lầy này để trồng lúa nước, đồng thời dựng đền Thụy Ứng Quán để cầu Trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Để tưởng nhớ công ơn của Ngọc Hoàng, Ngũ Lão Tiên ông cùng các vị Thiên tiên, Địa tiên, người dân địa phương đã trùng tu, mở rộng đền thành đền Đậu An để thờ phụng vua cha Ngọc Hoàng và các vị thần.

hưng yên có gì?

Đền Đậu An – Hưng Yên

Đền Đậu An có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 tòa tiền tế, thượng điện và hậu cung. Chất liệu tạo nên ngôi đền được tạc từ những khối đá nguyên khối. Phần lớn nguyên liệu làm đền là từ gỗ lim nhưng tại cung Đệ nhất và Đệ nhị của tòa thượng điện lại được làm bằng đá, có tấm nặng tới hàng chục tấn được các nghệ nhân và thợ thủ công đương thời chạm khắc long cuốn tinh xảo từ cột trụ, câu đối, hoành phi tới bức tường.

Trải qua bao biến động của lịch sử cùng với thời gian, ngôi đền vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận ngày nay. Ngoài kiểu kiến trúc cổ kính, đền Đậu An còn lưu giữ được nhiều di tích cổ có giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ. Nổi bật và đặc sắc nhất phải kể đến tòa tháp Cửu trùng (chín tầng tháp cổ) bằng đất nung được xây dựng từ thời Lý – Trần.

Tương truyền đây là ngọn tháp có lối kiến trúc và họa tiết khá độc đáo. Người dân trong xã cho rằng tháp cao chín tầng biểu thị chín tầng mây cao vời vợi của chốn thần tiên, là con đường “thăng thiên, giáng trần” của Ngọc Hoàng thượng đế và các đấng thiên thần, là nơi giao hòa giữa trời và đất.

Bên cạnh đó, đền Đậu An không chỉ nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và bề dày lịch sử mà phần lễ hội hàng năm cũng có nhiều điều thú vị và khác biệt. Hàng năm, từ mùng 6 – 12/4 (âm lịch), lễ hội được diễn ra với các nghi lễ truyền thống, làm náo nức lòng người gần xa.

Văn Miếu Xích Đằng – Hưng Yên

Được xây dựng từ đầu thế kỷ 17, Văn miếu Xích Đằng là nơi tôn vinh nền học vấn của người dân Phố Hiến và vẫn giữ nguyên nét cổ kính sau gần 400 năm. Tọa lạc tại thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, Văn miếu Xích Đằng là điểm quan trọng trong quần thể di tích Phố Hiến. Xây dựng từ cuối thời Lê – thế kỷ 17 (khoảng năm 1701) và trải qua đợt trùng tu lớn vào năm 1839 (năm Minh Mạng thứ 20), Văn miếu Xích Đằng nay vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc cổ.

hưng yên có gì?

Văn Miếu Xích Đằng – Hưng Yên

Khuôn viên Văn miếu rộng 6.000 m2, bao gồm các công trình kiến trúc tam quan, lầu chuông, lầu khánh, hai dải vũ, khu chính và khu tháp thờ. Tam quan Văn miếu xây dựng theo kiến trúc “chồng diêm hai tầng tám mái”. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc vẫn giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng và còn được lấy làm biểu tượng tỉnh Hưng Yên.

Hai bên sân là lầu chuông và lầu khánh. Trong đó, lầu chuông treo quả chuông bằng đồng đúc năm 1804 còn lầu khánh mắc một chiếc khánh đá, dựng năm 1803. Phần tiếp theo là hai dải vũ, xây theo kiến trúc 5 gian, xưa kia là nơi các quan để cỗ kiệu, sửa soạn mũ áo trước khi vào lễ Khổng Tử. Ngày nay, nơi này trưng bày những hình ảnh về giáo dục và du lịch tỉnh.

Theo bài văn khắc trên chuông, từ năm 1804, Hưng Yên đã có văn miếu nhưng phải đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839), Văn miếu Xích Đằng mới xây dựng lại với quy mô to đẹp, bề thế như ngày nay.

Tòa chính được xây theo kiến trúc kiểu chữ Tam, gồm ba tòa tiền tế, trung từ và hậu cung. Bên trong tòa chính là nơi thờ Khổng Tử, nhà giáo Chu Văn An, các vị thánh hiền nho giáo và dựng 9 tấm bia ghi danh các vị học sĩ đỗ đạt cao.

hưng yên có gì?

Văn Miếu Xích Đằng – Hưng Yên

Những tấm bia đá dựng hai bên tòa chính nằm trong số các hiện vật quý giá nhất Văn miếu Xích Đằng còn giữ lại. Hơn 200 vị khoa bảng được vinh danh trên bia đá. Người có học vị cao nhất là các trạng nguyên Tống Trân (thôn An Cầu, huyện Phù Cừ,) đời Trần hay Nguyễn Kỳ (huyện Đông An), triều Mạc. Còn người có chức vụ cao nhất là Lê Như Hổ, quận công triều Mạc.

Bên cạnh thờ Khổng Tử, Văn miếu Xích Đằng còn thờ Chu Văn An – một thầy giáo ở thời Trần, đồng thời là người được lịch sử tôn vinh “ông tổ đạo Nho”. Hai bức tượng đồng lấy mẫu tượng từ Văn miếu Quốc Tử Giám và cung tiến năm 2003.

Văn miếu xưa có hai mùa lễ hội. Trọng hội là ngày 10/2 và 10/8. Cứ vào các ngày trọng hội, những vị nho học và quan đầu tỉnh phải đến Văn miếu tế lễ để thể hiện nề nếp nho phong, tôn sư trọng đạo làm gương cho con cháu, cầu mong sự nghiệp giáo dục ngày càng tiến bộ. Ngày nay, hàng năm, vào dịp mùng 4-5 Tết, Văn miếu lại tổ chức lễ hội với các hoạt động như hát ca trù, cho chữ đầu xuân./.

Chùa Chuông – Hưng Yên

Nếu như Văn Miếu Xích Đằng được xem là biểu trưng của Phố Hiến, Hưng Yên, thì Chùa Chuông, ở thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, chính là “Phố Hiến đệ nhất danh lam”. Tại chùa vẫn còn lưu giữ đậm nét những dấu tích của vùng đất Phố Hiến xưa với những hiện vật lịch sử quý giá.

hưng yên có gì?

Chùa Chuông – Hưng Yên

Tương truyền vào năm đại hồng thủy, có quả chuông vàng trên chiếc bè trôi vào bãi sông thuộc địa phận thôn Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên xưa (nay thuộc phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên). Các nơi đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được. Chỉ có bô lão thôn Nhân Dục mới kéo được chuông. Dân làng cho là trời Phật giúp đỡ bèn góp công của dựng chùa, xây lầu treo chuông. Mỗi lần đánh chuông, tiếng vang xa hàng vạn dặm. Do vậy chùa có tên chữ là Kim Chung Tự (chùa chuông vàng).

Chùa Chuông khởi dựng từ thời Lê (thế kỷ 15) và qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo về sau nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ 17). Trong “Hưng Yên tỉnh nhất thống chí” của Trịnh Như Tấu có ghi “Chùa Chuông – phố Hiến nổi tiếng danh lam”. Năm 1992, chùa Chuông tỉnh Hưng Yên được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Quần thể kiến trúc chùa có bố cục hài hòa, theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, bao gồm các hạng mục: Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, lầu chuông và 2 dãy hành lang… Mặt tiền chùa quay hướng Nam, đó là hướng của “Bát Nhã” và “Trí Tuệ”.

Các công trình nằm cân xứng trên trục nối từ Tam quan đến nhà Tổ. Cổng Tam quan xây theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, có các họa tiết, hoa văn trang trí như hình rồng đắp nổi, bức phù điêu về thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh ở Tây Trúc… Qua cổng Tam quan là tới cây cầu đá xanh được dựng vào năm 1702, bắc qua ao mắt rồng. Nối tiếp là con đường độc đạo được lát đá xanh dẫn thẳng đến Tiền đường, theo quan niệm nhà Phật là con đường chân chính dẫn dắt con người thoát khỏi bể khổ.

hưng yên có gì?

Chùa Chuông – Hưng Yên

Tiền đường gồm 5 gian 2 chái, kiến trúc theo kiểu con chồng đấu sen. Tiếp đến là khoảng sân nhỏ, giữa sân có cây hương đá gọi là “Thạch trụ”, trên bốn mặt có khắc chữ Hán ghi công đức của nhân dân đóng góp tu sửa chùa. Thượng điện cũng gồm 5 gian 2 chái, kết cấu giống Tiền đường. Bên trong được bài trí nhiều pho tượng được tạo tác công phu như: tượng Tam Thế, các vị Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Phật Thích Ca, Phật A Di Đà…

Qua Thượng điện là tới hai dãy hành lang đối xứng nhau, có đặt rất nhiều tượng được xếp theo thứ tự. Đầu tiên là nhóm tượng phác họa về động “Thập điện Diêm Vương” diễn tả cảnh nhục hình mà con người phải trải qua nơi âm giới theo triết lý nhân quả của nhà Phật. Tiếp đến là tượng Bát Bộ Kim Cương, sau là “Thập Bát La Hán” với 18 vị được tạo tác rất biểu cảm trên từng nét mặt. Cuối dãy hành lang là tượng Đức Ông, đứng cạnh có Già Lan – Chân Tể và tượng Đức Thánh Hiền, đứng cạnh có Diệm Nhiên – Đại Sỹ.

Chùa Chuông còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như hoành phi, câu đối… đặc biệt là tấm bia đá “Kim Chung Tự thạch bi ký” dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Trên bia ghi danh những người công đức, và mô tả Phố Hiến thời hưng thịnh. Vào các ngày 15/1, 8/4, 15/4, 15/7 âm lịch hàng năm, lễ hội chùa Chuông thành phố Hưng Yên được tổ chức, thu hút nhân dân trong vùng và du khách thập phương về dự.

Chùa Nôm – Hưng Yên

Chùa Nôm Hưng Yên nằm gọn trong quần thể di tích làng Nôm thuộc xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên. Theo truyền thuyết kể lại rằng do ngôi chùa được dựng nên ngay giữa một rừng thông đại thụ nên nơi đây còn được gọi với cái tên nữa là Linh Thông cổ tự.

hưng yên có gì?

Chùa Nôm – Hưng Yên

Về với chùa Nôm Hưng Yên chắc chắn bạn sẽ được khám phá nhiều điều thú vị về một kiến trúc chùa cổ của Việt Nam. Bên cạnh đó du khách có thể kết hợp tham quan nhiều địa danh nổi tiếng trong làng Nôm như cầu Nôm, đình Tam Giang, chợ Nôm,…

Tuy là một địa danh nổi tiếng ở Hưng Yên nhưng chùa Nôm được xây dựng từ lúc nào thì vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Hiện tại có hai tấm bia đặt bên trong khuôn viên chùa ghi chép lại lịch sử trùng tu: vào năm 1680 thời Hậu Lê, sau khi lên ngôi nhà vua đã cho xây lại chùa. Tiếp theo vào các năm 1962, 1697, 1698 ngôi chùa được tu sửa lại hành lang, tiền đường và hậu cung. Đến năm 1700 (năm Chính Hòa 21) tu sửa lại các cột trụ trong chùa, mở rộng sân và tạo thêm tượng. Năm 1796 tiếp tục mở rộng hành lang và xây gác chuông.

hưng yên có gì?

Chùa Nôm – Hưng Yên

Trải qua biết bao biến cố lịch sử cùng nhiều lần tu sửa nhưng do tác động của thiên tai, lũ quét, chùa Nôm có một số phần bị xuống cấp nghiêm trọng. Những hình thái kiến trúc nguyên sơ đã không được giữ trọn vẹn. Vì thế mãi đến năm 1998, chính quyền địa phương bắt tay cùng Đại Đức Thích Đồng Huệ góp sức, kêu gọi tôn tạo lại chùa. Ngày nay chùa Nôm đã được xây dựng khá mới nhưng những nét kiến trúc cổ kính vẫn luôn tồn tại trong khuôn viên rộng lớn. Vào tháng 2, năm 1994 chùa Nôm Hưng Yên đã được Bộ văn hóa thông tin chứng nhận “Di tích lịch sử văn hóa”.

Hưng Yên có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Hưng Yên – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Khương Thị Ninh Hải

YOLO! Khám phá các huyện ở Hưng Yên

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก