Hưng Yên Lễ Hội

Hưng Yên có lễ hội gì?

Hưng Yên là một tỉnh có nền văn mình lúa nước lâu đời. Các lễ hội truyền thống nơi đây phản ánh rõ nét về phong tục tập quán cũng như văn hóa xã hội của người nông dân xưa kia. Song song với đó là nên văn hóa tâm linh vô cũng đặc sắc với số lượng lớn các ngôi đền, chùa cổ kính đang còn tồn tại nơi đây. Hưng Yên có lễ hội gì? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các lễ hội dân gian độc đáo, hấp dẫn ở Hưng Yên nhé.

Lễ hội Đền Mẫu – Hưng Yên

Đền Mẫu, thành phố Hưng Yên là danh thắng trong Quần thể di tích Phố Hiến nổi tiếng, lâu nay được xem là chốn ước nguyện linh thiêng. Ngôi đền sở hữu vẻ đẹp kiến trúc, vừa cổ kính uy nghi vừa gần gũi với tâm linh người dân.

hưng yên có lễ hội gì?

Lễ hội Đền Mẫu – Hưng Yên

Đền Mẫu Hưng Yên thờ Dương Quý Phi, được tán xưng là Dương Thiên Hậu. Theo sử sách và Ngọc Phả truyền lại, thì bà là vợ vua Tống Đế Bính. Năm 1279, quân Nguyên xâm lược nước Tống, vua và hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam. Trên đường chạy, họ bị tướng nhà Nguyên là Trương Hoằng Phạm bắt được. Vua Tống cùng một số phi tần không chịu khuất phục đã nhảy xuống biển tuẫn tiết, xác của Dương Quý Phi trôi vào bãi cát, được nhân dân chôn cất chu đáo và lập đền thờ.

Lễ hội truyền thống đền Mẫu tổ chức từ ngày 10 đến 13 tháng 3 âm lịch. Mở đầu là buổi tế long trọng do các quan viên làng Mậu Dương thực hiện. Hôm sau tổ chức rước nước từ sông Hồng về làm lễ mục dục. Buổi rước sôi động nhất là rước liềm và rước du.

Rước liềm tổ chức vào ngày 12/3, đám rước xuống đình Hiến và trở về đền chính. Đi đầu là cờ, trống chiêng, long đình, bát bửu, lộ bộ, có đội múa lân, múa rồng. Đám rước đi một đoạn thì dừng lại để biểu diễn múa cờ. Bốn thanh niên cầm 4 cờ, múa theo nhịp trống, lúc nhanh, lúc chậm. Sau mỗi tiếng trống, người múa cờ “hứ” một tiếng to và dài (nên được gọi là trò “tùng hứ”).

hưng yên có lễ hội gì?

Lễ hội Đền Mẫu – Hưng Yên

Đám rước du được tổ chức vào ngày hôm sau. Đám rước đi quanh phố. Đi trong đám rước cũng như hôm rước liềm. Trong đám rước, rồng vàng uốn lượn từ đầu đến cuối đám rước, có múa “Con đi đánh bồng”. Đám rước đi đến đâu hai bên đường các gia đình đốt pháo nổ không dứt. Trong ngày hội, sân đền tổ chức thi đấu cờ, quân cờ là nam thanh nữ tú. Tổ chức thi đấu tổ tôm điếm, chọi gà; buổi tối hát chầu văn.

Lễ hội Đền Mẫu Hưng Yên luôn được xem là ngày hội linh thiêng bậc nhất tại Việt Nam nhằm thể hiện lòng tôn thờ của người dân và du khách thập phương đối với bậc Thánh Mẫu và đối với các nét đẹp tín ngưỡng cổ xưa. Nếu có cơ hội ghé thăm Hưng Yên vào khoảng thời gian này thì nhất định đừng bỏ lỡ lễ hội quan trọng này nhé.

Hội Nam Trì – Hưng Yên

Hàng năm, cứ đến ngày mồng 8 tháng 3 âm lịch, người dân làng Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên lại tưng bừng mở hội Nam Trì. Đây là một lễ hội tế thần đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Đối tượng được người dân nơi đây suy tôn là ba vị Thành hoàng làng: Bảo, Lang, Biền, là những người đã có công trừ ác, làm thuốc chữa bệnh cho người dân trong vùng.

hưng yên có lễ hội gì?

Hội Nam Trì – Hưng Yên

Lễ hội Nam Trì có nguồn gốc từ 3 bị thần là Bảo, Lang, Biền; Nguyễn Danh Lang hiệu là Lang Công, tướng ba đời nhà Triệu nước Nam Việt; Thừa tướng 4 đời nhà Triệu; Lữ Gia hiệu là Bảo Công; Tướng quốc Cao Biền. Khi Lang Công, Bảo Công, công chúa Hùng vương Lâu nương (Phu nhân Lữ Gia) chết, người dân trong làng đã xây miếu phụng thờ. Sau khi Cao Biền chết, người dân phụng thờ cùng hai bị Bảo, Lang. Lễ hội Nam Trì còn gắn liên với một vị Thánh địa lý của Việt Nam là Tả Ao Vũ Đức Huyền, là người đã có công giúp dân Nam Trì dựng lại làng xóm, xây dựng đình chùa nên người dân đã phụng thờ ông để tỏ lòng biết ơn.

Hội Nam Trì là một nghi lễ tôn giáo tế Thần, xuất hiện từ thời thượng cổ. Lễ hội này vừa mang tính chất tín ngưỡng, vừa là văn hóa cộng đồng làng xã. Sau khi các Thần ở đây được tôn lên làm Thành Hoàng nên lễ hội được tổ chức theo nghi lễ tế Thành Hoàng. Đây là lễ hội chung của ba làng là Nam Trì, Bảo Tàng và Đới Khê.

hưng yên có lễ hội gì?

Hội Nam Trì – Hưng Yên

Lễ hội thường diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Từ ngày mồng 8/3, người dân đã cùng nhau dọn hai khu đền miếu, rước Thần về sở Công đồng để làm lễ yết cáo, sau đó rước đi các nơi để làm lễ tắm Thánh. Ngày 09/3 là ngày lễ chính. Ngày 10/3 là làm lễ lại, lễ đón Cao Vương. Ngày 12/3, cả ba làng cùng làm lễ tạ.

Lễ vật được dâng lên Thành Hoàng gồm trâu, bò, lợn, gà, xôi, rượu, bánh mật. Phần hội diễn ra trong 10 ngày, người dân cùng ca hát, chơi cờ, đấu vật. Khi rã đám thì ba làng cùng dọn đình, sau đó rước Thần về làm lễ.

Lễ hội cầu mưa – Hưng Yên

Lễ hội cầu mưa được tổ chức từ ngày 6 đến 8 tháng 4 hàng năm, tại chùa Pháp Vân, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm. Lễ hội cầu mưa gắn với hệ thống thờ Tứ Pháp và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa để người dân có mùa màng bội thu cuộc sống được ấm no hạnh phúc.

hưng yên có lễ hội gì?

Lễ hội cầu mưa – Hưng Yên

Chùa Pháp Vân (còn có tên gọi là Thái Lạc) là một ngôi cổ tự có từ thời Lý nằm trong quần thể chùa thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện). Tương truyền rằng, cứ mỗi khi trời hạn hán thì người dân nơi đây lại làm lễ cầu mưa; vì vậy lễ hội không được tổ chức thường xuyên hàng năm. Đến năm 2005 trở lại đây lễ hội cầu mưa mới thực sự trở thành ngày hội vui nhất của người dân nơi đây. Trong ngày này, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) tại đồng bằng Bắc Bộ nó còn là dịp để gia đình quây quần xum họp, bàn chuyện làm ăn, phát triển sản xuất, chăn nuôi, cày cấy…

Tứ pháp là danh từ để chỉ 4 nữ thần trong tín ngưỡng Việt Nam gồm: Mây, Mưa, Sấm và Chớp, đại diện cho các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong xã hội nông nghiệp. Theo các nhà khoa học, tín ngưỡng Tứ Pháp được định hình và phát triển trong buổi đầu Phật giáo du nhập vào nước ta, thể hiện ý thức độc lập, tự chủ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và kết nối tinh thần đoàn kết toàn dân trong việc chống lại sự đồng hóa phong kiến phương Bắc.

Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là hiện tượng tín ngưỡng bản địa của nước ta mang đậm màu sắc của nền văn minh lúa nước kết hợp với Phật giáo. Những cư dân trồng lúa luôn cần nước. Trong 4 nhu cầu thiết yếu mà người nông dân Việt Nam đã tổng kết là “nước, phân, cần, giống” thì nước là hàng đầu. Mà ở khu vực nhiệt đới gió mùa này, nói đến nước là nói đến mưa. Chính vì thế mà khi Phật giáo mới truyền nhập vào Việt Nam, thì tại trung tâm đầu tiên là Luy Lâu, tức vùng chùa Dâu, nó đã gắn kết với sự sùng bái 4 nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Các hội chùa Tứ Pháp cho ta thấy một cách sống động sự tiếp hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng cầu mùa của người nông dân Việt Nam vẫn diễn ra…

hưng yên có lễ hội gì?

Lễ hội cầu mưa – Hưng Yên

Theo truyền thống, tại chùa Pháp Vân, lúc có hạn hán, người ta rước tượng Pháp Vân ra khỏi chùa, cùng với tượng của các bà Pháp Lôi, Pháp Vũ ở các chùa gần đó đến chùa Ôn Xá (được gọi là chùa Un) – nơi thờ bà Pháp Điện để làm lễ cầu mưa.

Lễ rước diễn ra như sau: đi đầu đoàn rước kiệu là đội múa rồng. Tiếp đến là những người tham gia rước kiệu, họ là những người khỏe mạnh, cưởi trần, đóng khố. Đặc biệt trong lễ hội không thể thiếu đoàn nhạc. Người dân đứng hai bên đường chờ đoàn rước kiệu đi qua thì té nước, làm như thế là để cầu may, những ai được dính nước sẽ được may mắn. Mọi người cùng nhau chui qua kiệu mong được sức khỏe và bình an

Theo truyền thuyết người dân kể lại, bà (Pháp Điện) chỉ được ở trong chùa không được đi ra ngoài, bởi nếu ra ngoài cửa chùa thì sẽ bị hạn hán, bà Pháp Điện nhìn về hướng nào nơi đó sẽ bị cháy… nên đội rước bà Pháp Điện chỉ chạy ra đến cửa chùa chào các chị (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi) rồi lại quay vào.

Cũng giống như các lễ hội của cư dân nông nghiệp, lễ hội cầu mưa là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn liền với đời sống tinh thần của người làm nông nghiệp. Là lễ hội được bắt nguồn từ nông nghiệp và phục vụ mục đích nông nghiệp nên trong tâm thức của người nông dân, mở hội cầu mưa cũng là một công việc cần thiết và quan trọng như bất kỳ khâu sản xuất nào.

Lễ hội Đền Tân La – Hưng Yên

Đền Tân La tọa lạc tại thôn Đoàn Thượng, xã Bảo Khê thờ bà Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục, một vị tướng tài ba xuất sắc của Hai Bà Trưng vào những năm 40 sau công nguyên. Bà vừa lo chiêu dụ tướng sĩ, tích trữ lương thảo, luyện tập võ nghệ vừa lo tổ chức khai hoang lập ấp, mở làng.

hưng yên có lễ hội gì?

Lễ hội Đền Tân La – Hưng Yên

Với tài đức của mình, Thục Nương được nhân dân cảm phục, tôn vinh là Bát Nàn tướng quân (tức là người dẹp loạn cứu dân). Sau khi Hai Bà Trưng lên ngôi vua đã phong cho bà là “Đông Nhung đại tướng quân”.Khu vực đền Tân La của xã Bảo Khê ngày nay là nơi Đông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục đã cùng binh sĩ giao chiến với giặc nhiều trận. Sau vì thế giặc mạnh bà đã tử trận tại tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Vì vậy mà tại xã Bảo Khê – TPHY và huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình đều lập đền thờ Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục.

Năm 1991 đền Tân La thuộc xã Bảo Khê đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và nghệ thuật cấp quốc gia. Hàng năm từ ngày 15-17/3 âm lịch nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của vị nữ tướng tài ba, đức độ.

Tại lễ hội, các nghi thức tế, lễ diễn ra trang nghiêm và thành kính. Lễ hội Đền Tân La là một trong những lễ hội trên địa bàn thành phố Hưng Yên còn chứa đựng nhiều dấu ấn mang đậm tính chất lễ hội vùng quê đồng bằng sông hồng như đông đảo các quầy hàng lưu niệm ven đường, các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ tướng, kéo co và biểu diễn văn nghệ. Lễ hội đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tới chiêm bái, tế lễ.

Hội đền Kim Đằng – Hưng Yên

Đền Kim Đằng nằm ở trung tâm thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Xưa kia, nơi đây là trang Đằng Man, tổng An Tảo, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam thượng. Tương truyền, đền được xây dựng trên mảnh đất Đinh Điền chọn làm đại bản doanh với thế “Thanh Long, Bạch Hổ chầu về”.

hưng yên có lễ hội gì?

Hội đền Kim Đằng – Hưng Yên

Đền Kim Đằng thờ Tướng quân Đinh Điền cùng phu nhân là Phan Thị Môi Nương. Theo cuốn “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: Tướng quân Đinh Điền quê ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là con nuôi của Đinh Công Trứ (thân phụ Đinh Bộ Lĩnh). Từ thuở nhỏ ông đã làm bạn “cờ lau tập trận” của Đinh Bộ Lĩnh. Khi đã trở thành Vạn Thắng Vương, Đinh Bộ Lĩnh giao cho Đinh Điền chỉ huy 10 đạo quân đi thu phục các sứ quân khác. Khi đến trang Đằng Man, thấy địa thế đẹp, ông liền cho dựng đại bản doanh, chọn 3 người họ Phan, họ Phạm và họ Nguyễn ở trang Đằng Man làm gia tướng và chọn người con gái họ Phan tên là Môi Nương làm vợ. Phu nhân Tướng quân Đinh Điền cũng đã nhiều lần tham gia đánh giặc cùng chồng. Sau khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, xét công lao đã phong Đinh Điền làm Đại tư đồ cùng coi Quốc sự.

Ngày 17.11 (âm lịch) năm Kỷ Mão (979), Đinh Điền và phu nhân từ trần. Nhân dân trại Đằng Man nhớ ơn người đã lập đền thờ trên nền doanh trại, 3 gia tướng của Đinh Điền cũng được phối thờ tại đây.

Hàng năm, lễ hội Đền Kim Đằng được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 11 âm lịch để tưởng nhớ tới ngày mất của tướng quân Đinh Điền và phu nhân. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài tổ chức rước kiệu còn có các trò chơi dân gian truyền thống như: chọi gà, múa lân, hát nói, hát trống quân, múa rối nước… để góp phần dựng xây tình đoàn kết xóm thôn, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội đền Ghênh – Hưng Yên

Đền Ghênh tọa lạc tại thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Văn Lâm, Hưng Yên. Ngôi đền được xây dựng từ năm 1115 và trở thành nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử của Hoàng Thái Hậu Nguyên Phi Ỷ Lan. Bà là một người phụ nữ tài đức vẹn toàn, là bậc mẫu nghi thiên hạ được nhiều người sùng bái vì suốt đời lo cho nước cho dân.

hưng yên có lễ hội gì?

Lễ hội đền Ghênh – Hưng Yên

Hoàng Thái Hậu Nguyên Phi Ỷ Lan có tên thường gọi là Lê Thị Khiết. Bà là một thôn nữ xinh đẹp thông minh và là người phụ nữ duy nhất của quốc gia hai lần nhiếp chính thay vua trị vì đất nước. Vào năm 25 tuổi, vua Lý Thánh Tông bận chinh chiến ở biên cương nên bà đã cùng các quan đại thần bàn bạc và đưa ra những quyết sách táo bạo nhằm khắc phục nạn đói đang hoành hành. Ngoài ra bà còn đưa ra một số chính sách đẩy mạnh sản xuất, trừng trị nghiêm khắc những quan lại tham ô, phản loạn thừa lúc vua rời cung đi đánh giắc để tranh ngôi.

Năm 1072 khi Thái tử nối ngôi vua Lý Thánh Tông còn nhỏ tuổi, bà cùng thái úy Lý Thường Kiệt đã giúp triều đình giữ vững kỷ cương để đánh tan những âm mưu xâm chiếm của quân Tống. Chính Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan đã có công đưa loại hình ca múa dân gian vào cung đình. Đặc biệt bà khuyến khích phát triển nông nghiệp, đắp đê chống lụt, phát triển nghề thủ công, làm thủy lợi và cấm giết trâu bò cày. Bà là người rất quan tâm đến những người dân nghèo, lấy tiền của triều đình để chuộc lại các cô nương nhà lành đã phải bán mình để trả nợ và tìm chồng cho họ.

Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan qua đời vào ngày 25/7/1117, hưởng dương 73 tuổi. Sau khi mất bà được rước về Kinh đô rồi hỏa táng. Tro cốt được đưa về quê nhà Lý ở phủ Thiên Đức. Để tưởng nhớ công đức của vị Hoàng Thái Hậu giàu lòng nhân ái, người dân làng Văn Lâm đã tôt chức các lễ vào đúng ngày sinh và mất của bà.

Lễ hội đền Ghênh Hưng Yên thường được diễn ra trong 3 ngày của tháng 3 âm lịch hàng năm. Trong thời gian diễ ra lễ hội có nhiều hoạt động sôi nổi như: dâng hương tưởng nhớ Hoàng Thái Hậu Nguyên Phi Ỷ Lan, giao lưu văn nghệ, hát quan hộ, thi đánh cầu lông, cờ tướng, bóng chuyền cùng nhiều trò chơi dân gian khác.

Hội Phù Ủng – Hưng Yên

Đến hẹn lại lên, vào đầu tháng Giêng âm lịch hàng năm, du khách trong và ngoài tỉnh lại nô nức về dự lễ hội đền Phù Ủng (huyện Ân Thi) để tưởng nhớ tướng quân Phạm Ngũ Lão, một danh tướng có công giúp nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên – Mông bảo vệ bờ cõi nước nhà.

hưng yên có lễ hội gì?

Hội Phù Ủng – Hưng Yên

Phạm Ngũ Lão là danh tướng thời Trần với nhiều chiến công hiển hách. Ông là biểu tượng cho khí phách, tinh thần và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Tưởng nhớ vị tướng tài danh, đền thờ Phạm Ngũ Lão đã được người dân làng Phù Ủng lập nên trên nền nhà cũ của gia đình ông. Để tưởng nhớ công đức của ông và khơi dậy niềm tự hào về truyền thống của cha ông đối với thế hệ trẻ, hàng năm, dân làng lại tổ chức lễ hội truyền thống (lễ hội đền Phù Ủng). Lễ hội cũng là dịp để người dân thành kính dâng hương cầu chúc cho năm mới gặp nhiều may mắn.

Nét độc đáo của Lễ hội đền Phù Ủng được thể hiện ngay trong phần Lễ mở đầu với nghi thức rước công chúa Tĩnh Huệ từ phủ chúa về lăng Phạm Tiên Công để trình ông và rước về đền Phạm Ngũ Lão để trình cha. Tham gia đoàn rước có các đội cờ lễ, múa lân, rồng, bài vị, đội khiêng kiệu hoa, khiêng kiệu công chúa. Sau nghi lễ rước truyền thống từ phủ chúa về đền, dân làng và du khách tổ chức lễ dâng hương, ôn lại thân thế, sự nghiệp và công lao của Tướng quân Phạm Ngũ Lão với đất nước. Điểm đặc biệt tại Lễ hội đền Phù Ủng là trong lễ rước, hàng nghìn người dân và khách thập phương đã chen nhau chui qua gầm kiệu với tâm niệm những ước muốn của mình trong năm mới sẽ trở thành hiện thực. Phần Lễ còn được tổ chức trang trọng với các nghi thức cổ truyền như đại lễ, tế nội tán, ngoại tán…

hưng yên có lễ hội gì?

Hội Phù Ủng – Hưng Yên

Sau phần Lễ là phần Hội với các trò chơi dân gian, những môn thể thao, vui chơi tương truyền là do tướng quân Phạm Ngũ Lão nghĩ ra để rèn luyện sức khỏe, ý chí cho binh sĩ như: Thi vật cù, cờ tướng… và các hoạt động khác như múa rối, hát trống quân, hát chèo, hát quan họ… Thu hút du khách thập phương nhất có lẽ là phần hội thi vật cù. Cù hình tròn, làm bằng gỗ sơn đỏ. Sân chơi là một bãi rộng chia làm 2 bên đông và tây, giữa sân kẻ một vạch ngang, chính giữa vạch đào một lỗ đặt quả dầu, hai đầu sân mỗi bên đào một lỗ. Mỗi đội có 8 quân và 1 tổng, đầu chít khăn, đóng khố. Mỗi đội đóng khố một màu khác nhau. Trước khi chơi, hai đội xếp thành hai hàng làm lễ trước cửa đền. Trọng tài cầm cù đặt ở hố giữa sân, phát hiệu lệnh, hai bên giành nhau cướp bỏ vào lỗ của đối phương, bên nào cho vào lỗ của bên kia là thắng cuộc.

Những năm gần đây, Lễ hội đền Phù Ủng còn có các trò chơi dân gian như: Chọi gà, múa rối, kéo co, xin chữ đầu xuân, nhảy mô đống… thu hút đông đảo du khách đến xem và tham gia. Bên cạnh các trò chơi dân gian, một số hoạt động thể thao như bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng… diễn ra sôi nổi giúp người dân được hòa mình vào lễ hội cũng như có dịp vui chơi, nghỉ ngơi, cầu mong một năm may mắn an lành.

Với những hoạt động phong phú cả trong phần Lễ và phần Hội, Lễ hội truyền thống đền Phù Ủng tại huyện Ân Thi (Hưng Yên) thực sự chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc. Lễ hội đền Phù Ủng không chỉ là dịp tưởng nhớ công lao của danh tướng Phạm Ngũ Lão mà còn có ý nghĩa to lớn trong giáo dục cho những thế hệ sau về ý chí vươn lên, về tinh thần yêu nước và những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Lễ hội Chử Đồng Tử – Hưng Yên

Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung hay còn gọi là lễ hội tình yêu, diễn ra từ ngày mùng 10 đến ngày 12 tháng 2 (Âm lịch) tại đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền Hóa Dạ Trạch (xã Dạ Trạch) thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, tưởng nhớ về một tình yêu bất tử, tôn vinh công lao của Đức thánh Chử cùng nhị vị phu nhân đã mở mang bờ cõi, cứu nhân độ thế.

hưng yên có lễ hội gì?

Lễ hội Chử Đồng Tử – Hưng Yên

Theo truyền thuyết, đền Đa Hòa là nơi tác thành mối lương duyên kỳ ngộ giữa chàng trai nghèo họ Chử với nàng công chúa Tiên Dung xinh đẹp – con vua Hùng Vương thứ 18. Đền Hóa Dạ Trạch là nơi Đức thánh Chử cùng nhị vị phu nhân “hóa” về trời. Cứ 3 năm một lần, lễ hội lại được tổ chức với quy mô lớn, thu hút hàng vạn du khách thập phương trong cả nước về tham dự.

Lễ hội còn giữ được rất nhiều nghi lễ cổ truyền vô cùng độc đáo. Nổi bật là lễ rước Thành Hoàng làng của 9 làng thuộc Tổng Mễ xưa về đền Đa Hoà. Lễ rước nước vô cùng đặc sắc với sự tham gia của đoàn thuyền rồng khổng lồ lướt sóng ra giữa dòng sông Hồng lấy nước về lễ Thánh. Đoàn rước uy nghi, trang phục chỉnh tề, trang trọng, sắc màu rực rỡ cùng tiếng chiêng, tiếng trống giục dã làm náo nức cả dòng người trẩy hội. Lễ rước nước là một nghi thức tâm linh rất đặc sắc, biểu hiện tín ngưỡng của cư dân sống ở ven sông Hồng với nền văn minh lúa nước, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

hưng yên có lễ hội gì?

Lễ hội Chử Đồng Tử – Hưng Yên

Hoà cùng dòng người trảy hội, du khách còn được thưởng thức điệu múa “Đĩ đánh bồng”. Đó là những chàng trai hóa thân thành gái, trang phục sặc sỡ, đội khăn mỏ quạ, khoác trống cơm nhảy múa, lúng liếng cười, “lẳng lơ như con đĩ đánh bồng” làm cho không khí lễ hội càng trở nên náo nhiệt.

Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn nghệ, thể thao hấp dẫn: Cờ tướng, bơi chải, hát trống quân, đập niêu đất…

Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung mang giá trị văn hóa sâu sắc, là bức tranh về đời sống phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm trước. Đồng thời là bài ca về lòng hiếu thảo, đề cao vai trò của người thầy thuốc, phản ảnh ước mơ bình dị của người dân trong xã hội phong kiến, với mong muốn được tự do yêu đương, tự do hôn nhân vượt khỏi lễ giáo gò bó.

Đến với lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung, hòa trong không khí dòng người trẩy hội, bao bộn bề lo toan dần như tan biến, đọng lại là những tiếng cười, là niềm vui, là sự gắn kết cộng đồng trong mỗi người. Trải nghiệm những nét đẹp văn hóa truyền thống trong lễ hội, mỗi du khách sẽ thấy mình lạc quan, yêu đời hơn, cảm thấy cuộc sống tốt đẹp, có ý nghĩa và sống hướng thiện hơn.

Hưng Yên có lễ hội gì? Trên đây là danh sách những lễ hội tại Hưng Yên đặc sắc mà bạn nên tham gia khi du lịch tới miền đất này. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn cuộc sống, những phong tục, tập quán của con người nơi đây. Chúc các bạn có những chuyến du lịch trải nghiệm Hưng Yên thật thú vị nhé.

Đăng bởi: Trương Thủy

YOLO! Khám phá các huyện ở Hưng Yên

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก