Khám Phá

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu – Bảo tàng nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ”

Cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng chừng 2,5km về hướng Đông tại đường Ninh Bình, phường 2 thành phố Bạc Liêu. Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu là nơi yên nghỉ của gia đình cố nhạc sĩ lừng danh Cao Văn Lầu, đặc biệt đây là nơi ghi dấu cuộc đời, sự nghiệp của cố nhạc sĩ; đồng thời là nơi bảo tồn, trưng bày và lưu niệm nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ”.

Ban đầu, khu lưu niệm cố nhạc sĩ là khu mộ của gia đình cố nghệ sĩ có diện tích rộng gần 3 hecta gồm: mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu, mộ bà Trần Thị Tấn – vợ của nhạc sĩ, mộ song thân nhạc sĩ Cao Văn Lầu – ông Cao Văn Giỏi và bà Võ Thị Tài. Toàn thể diện tích khu mộ này thuộc quyền sở hữu của gia đình cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và được con cháu trong gia đình quản lý, xây dựng, tu bổ.

Năm 1997, khu mộ được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu công nhận là di tích văn hóa – lịch sử cấp tỉnh.

Năm 2008, di tích được chính quyền cấp phí tu bổ một số hạng mục như cổng, tường bao quanh, nhà che; nhà trưng bày, nhà bảo vệ di tích …  và xây dựng thêm sân khấu ngoài trời với mục đích đón tiếp khách khách du lịch gần xa.

khu lưu niệm nhạc sĩ cao văn lầu – bảo tàng nghệ thuật “đờn ca tài tử nam bộ”

Khu mộ gia đình cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Khoảng một năm sau, nhân kỷ niệm 90 năm ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” do chính tay nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác (15 tháng 8 âm lịch năm Kỷ Sửu, nhằm ngày 29 tháng 9 năm 2009); Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã chính thức công nhận Di tích văn hóa – lịch sử một Cao Văn Lầu thành khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Đến ngày 29 tháng 10 năm 2013, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mở rộng Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu với tổng mức 71,799 tỷ đồng.

Mục đích đầu tư xây dựng khu lưu niệm này là để tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu; bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật “Đờn ca tài tử” – loại hình nghệ thuật đã được kiểm kê và đưa vào di sản Viện Âm nhạc Việt năm 2010 và được Bộ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2012.

Bên cạnh mục đích này, việc xây dựng khu lưu niệm cũng là cách để khẳng định Bạc Liêu là một trong những “chiếc nôi” hình thành và phát triển đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng và nghệ thuật cải lương nói chung.

Trong quá trình hoàn thiện công trình, nhân dân tỉnh Bạc Liêu nói riêng và Nam Bộ nói chung đã nhận một tin vui khi UNESCO quyết định công nhận nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ” của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể thế giới  vào lúc 15 giờ 47 phút (theo giờ Việt Nam) ngày 05/12/2013 tại phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hòa Azerbaijan.

  • Xem thêm: Địa điểm du lịch Bạc Liêu du khách nhất định phải ghé

Khu Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu – điểm tham quan hấp dẫn nhất Bạc Liêu

Sau quá trình quy hoạch, xây dựng vào hoàn thiện khu lưu niệm theo bảng thiết kế gồm nhiều hạng mục như: Cổng chính; nhà trưng bày về thân thế sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Nhà Trưng bày Đờn ca tài tử cải lương (được cải tạo lại); nhà sân khấu biểu diễn loại hình đờn ca tài tử; khu hành chính làm việc của Ban quản lý di tích …  trên tổng diện tích 12.500 mét vuông. Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã trở thành điểm du lịch “son” của tỉnh Bạc Liêu.

khu lưu niệm nhạc sĩ cao văn lầu – bảo tàng nghệ thuật “đờn ca tài tử nam bộ”

Tổng thể kiến trúc khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Đến đây, trong không gian rộng lớn được bao trùm bởi văn hóa, nghệ thuật và lịch sử; bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những biểu tượng của nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ” như 12 loại đàn (đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, ban bầu, guitar phím lõm, đàn tỳ bà, … ); 20 bản tổ (3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bản Oán, 7 bản Bắc lớn) được tạc trên đá xung quanh biểu tuyệt đài “Nguyệt cầm”, tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu ngồi ôm cây đàn kim ngân nga bài “Dạ cổ Hoài Lang”; …

Qua đài biểu tượng đi thẳng vào nhà trưng bày thứ nhất là nơi lưu dấu những tư liệu quý như ảnh chụp một số tham luận về việc bảo tồn và phát huy giá trị bản “Dạ cổ hoài lang”; quá trình hình hành nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ” từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

khu lưu niệm nhạc sĩ cao văn lầu – bảo tàng nghệ thuật “đờn ca tài tử nam bộ”

Biểu tượng đài Nguyệt cầm

Bên cạnh những tài liệu là phục trang sân khấu cải lương của các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như GS. TS Trần Văn Khê, TS. NSND Bạch Tuyết, NSƯT Minh Vương. Cùng một số nhạc cụ cổ nhạc gồm cây đờn cò của giáo sư Trần Văn Khê; cây đàn guitar phím lõm của nhạc sĩ ưu tú Văn Giỏi sử dụng từ năm 1976, cây đàn guitar phím lõm của ông Hai Ngưu mà nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã mượn khi đến Sài Gòn vào năm 1963; dàn nhạc lễ gồm cò, gáo, tranh, trống, trống cơm, tum, chập chõa…

Ngoài ra, nhà trưng bày thứ nhất là nơi trưng bày hình ảnh một số nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu của quê hương Bạc Liêu như NSND Phùng Há – mẹ của nghệ thuật sân khấu Cải Lương, người gắn liền với câu chuyện tình với Hắc – Bạch công tử giàu nhất xứ Nam Kỳ thi nhau đốt tiền; Nữ hoàng sân khấu – nghệ sĩ Thanh Nga, Tiến sĩ, nghệ sĩ Bạch Tuyết – người được mệnh danh là Cải lương chi bảo, nghệ sĩ Út Trà Ôn – người được mệnh danh là “Vua vọng cổ” với bài “Tình anh bán chiếu”, NSND Ngọc Giàu, NSND Bích Sơn – một tron tứ đại mỹ nhân cùng cô Ngọc Giàu, cô Thanh Nga và cô Thanh Hương.

Tiếp tục đến nhà trưng bày thứ hai – nơi dành riêng để nói về cuộc đời và sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Tại nhà trưng bày thứ hai này, có một không gian riêng thờ tượng bán thân của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu với hai câu đối “Dạ Cổ lưu truyền, Dạ Lang tuyệt tác”. Cuốn hút hơn là hai bên gian thờ là những bản nhạc do chính cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu viết ra.

khu lưu niệm nhạc sĩ cao văn lầu – bảo tàng nghệ thuật “đờn ca tài tử nam bộ”

Góc trưng bày hình ảnh cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Cũng trong nhà trưng bày này, có bức tượng sáp được làm bằng silicon giống hệt người thật được đặt bên Thái Lan về. Xung quanh bức tượng sáp là các tủ trưng bày những hiện vật nhạc cụ, hình ảnh vợ con của nhạc sĩ … Đặc biệt trong không gian trưng bày còn nói về sự phát triển của bài “Dạ cổ hoài lang” từ nhịp 2 lên nhịp 64 của các soạn giả như nhịp 4 của Trịnh Thiên Tư, nhịp 8 của Lư Hòa Nghĩa, nhịp 16 của Mộng Vân, nhịp 32 của Trần Tấn Hưng và nhịp 64 của Lý Khi.

Bằng những gì tuyệt nhất nói về ý nghĩa văn hóa, lịch sử của nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ” và cuộc đời sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu thật sự là điểm tham quan hấp dẫn nhất Bạc Liêu. Chính vì điều này mà khi có dịp đến đây, bạn đừng quên ghé thăm khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Thông tin tham quan khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu

  • Địa chỉ: khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu – đường Ninh Bình – phường 2 – thành phố Bạc Liêu – tỉnh Bạc Liêu.
  • Thời gian: từ 7h30 – 17h30 hàng ngày.
  • Giá vé:

–    Người lớn: 10,000 vnđ/ người.

–    Trẻ em: 5,000 vnđ/ người.

Tóm tắt về cuộc đời và sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tên thường gọi Sáu Lầu) sinh ngày 22 tháng 12 năm 1890 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An (nay là xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).

Năm 1896 (khi Cao Văn Lầu được 4 tuổi), ông Chín Giỏi (cha ruột nhạc sĩ Cao Văn Lầu) bị địa chủ áp bức nên đã cùng vợ và sáu đứa con nhỏ xuống ghe bỏ đi tìm đất khác sinh sống.

Gia đình ông chuyển từ Long An đến tá túc trên đất của một người bà con ở Gia Hội (Bạc Liêu) đến. Sau 9 tháng đi làm mướn cật lực mà không đủ ăn, gia đình ông lại phải dời sang Xà Phiên (nay thuộc Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), khẩn hoang làm ruộng.

Về Hậu Giang, gia đình ông bỏ công bỏ sức khai hoang được 40 công đất nhưng lại bị bọn địa chủ chiếm lấy. Ấm ức không biết làm gì, gia đình ông lại dời đi về Họng Chàng Bè (Giá Rai, Bạc Liêu) để tiếp tục khẩn hoang, nhưng rồi cũng về tay người khác.

Xót cảnh trắng tay của ông chín Giỏi, hương sư Chơn ở làng Vĩnh Lợi tổng Thạnh Hòa, cho ông cất một căn chòi lá ở trên đất công điền gần chùa Vĩnh Phước An (nay thuộc phường 2, thị xã Bạc Liêu) để làm thuê, cày bừa kiếm ăn từng bữa. Hàng ngày thấy vợ chồng ông chín Giỏi làm lụng vất vả nuôi con mà không đủ, Hòa thượng Minh Bảo (? – 1912), trụ trì chùa Vĩnh Phước An thấy thương nên đề nghị cho Sáu Lầu vào chùa ở để chia sẻ gánh nặng. Trong thời gian ở chùa, Sáu Lầu được các sư chỉ dạy chữ nho, lo việc kinh kệ cho chùa.

Năm 1903, ông chín Giỏi đến xin sư Minh Bảo cho Cao Văn Lầu được phép trở về nhà để học chữ Quốc ngữ. Nhưng chỉ học đến “lớp nhì năm thứ hai” (tức lớp 4 ngày nay) thì Sáu Lầu phải thôi học vì nhà gặp thêm cảnh khó: anh đi ở rể, chị lấy chồng, cha già yếu … Do vậy mà khi mới 15 tuổi, Cao Văn Lầu phải thay cha và anh chị đi làm những việc nặng nhọc để nuôi gia đình.

Lúc bấy giờ ờ xóm Rạch Ông Bổn có thầy hai khị, tên thật Lê Tài Khí, người bị mù, tàn tật nhưng có ngón đàn rất tuyệt, dân trong vùng ai cũng nể. Vốn yêu thích từ lâu, cộng thêm lòng mến mộ, Cao Văn Lầu nhờ cha dẫn đến thầy Hai Khị để xin học đàn mỗi đêm. Thầy Hai Khị xem qua thấy Sáu Lầu là người có tố chất nên đã nhận; và chỉ trong thời gian ngắn, Sáu Lầu đã sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống lễ; và trở thành một nhạc sĩ nòng cốt trong ban cổ nhạc của thầy.

khu lưu niệm nhạc sĩ cao văn lầu – bảo tàng nghệ thuật “đờn ca tài tử nam bộ”

Chân dung cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Được thầy Hai Khị giới thiệu, năm 1912 Cao Văn Lầu bắt đầu đi hát cùng chú Sáu Thìn và cô Phấn với bài Tứ đại oán Bùi Kiệm thi rớt. Phục vụ nghệ thuật được hơn một năm, khi vừa tròn 25 tuổi (1915), Cao Văn Lầu vâng lệnh cha mẹ cưới hỏi cô Trần Thị Tấn – cô gái nết na ở điền Tư Ô (Chung Bá Khánh) chỉ mới 16 tuổi. Cũng trong thời gian này, ông sáng tác được một bản ngắn mang tên Bá điểu, sau đổi lại Thu Phong rồi được soạn giả Trịnh Thiên Tư đặt thêm lời ca và có tên mới là Mừng khi gặp bạn.

Hai năm sau (năm 1917), ông sáng tác thêm một khúc gồm 22 câu, theo một chủ đề của thầy Nhạc Khị đề xướng là “Chinh phụ vọng chinh phu” (chủ đề được rút ra từ bản Nam ai “Tô Huệ chức cẩm hồi văn”) nhưng chưa kịp sửa chữa và trình thầy thì gặp nghịch cảnh đau lòng. Vợ ông đã ba năm mà vẫn chưa có dấu hiệu thai nghén, theo tục xưa, cha mẹ buộc ông phải trả vợ về nhà cha mẹ ruột.

Không thể trái lời, ông đành trả vợ về bên ngoại nhưng hễ có dịp chơi đờn ở đám tiệc là ông ghé về thăm vợ, có bao nhiêu tiền ông đưa cho bà hết. Tiễn ông về, bà phải nhìn cho đến khi bóng ông khuất dạng mới thôi. Thời gian đó, mỗi đêm người ta lại thấy ông Sáu Lầu ngồi ôm đờn thẫn thờ và không lâu sau Dạ cổ hoài lang ra đời.

Xa vợ, nỗi nhớ da diết dâng đầy, từng đêm buồn bã làm bạn với cây đờn đã vô tình cho ông niềm cảm hứng soạn bài “Dạ cổ Hoài Lang”. Bài hát được soan đúng 22 câu theo 5 hợp âm, tuy nhiên sau khi người bạn đồng môn tên Ba Chột nghe và đóng góp ý. Ông đã bỏ bớt 2 câu trùng lắp, bài nhạc còn chẵn 20 câu nhịp đôi.

Tết Trung Thu năm Mậu Ngọ (15 tháng 8 âm lịch, nhằm ngày 19 tháng 9 năm 1918), ông cùng các bạn đến thăm thầy, luôn tiện trình bày bản nhạc chưa có tên trên. Trong đêm trình bày cho thầy nghe, còn có nhà sư Nguyệt Chiếu. Nghe xong, thầy Hai Khị cùng nhà sư Nguyệt Chiếu khen ngợi, rồi nói sư Nguyệt Chiếu nói: ”… tuy nhạc và lời ca còn vài điểm bất nhất, nhưng cái chung vẫn diễn tả được tâm tư của nàng Tô Huệ. Vậy cứ theo tích này mà đặt tên cho bài là “Dạ cổ hoài lang” (Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng). Kể từ đêm đó, bài ca này được loan truyền nhanh chóng.

Điều đáng nói khi bài “Dạ cổ Hoài Lang” này ra đời thì cũng là lúc vợ ông thụ thai, vui hơn cả là đứa con đầu lòng này là con trai. Đây là kết quả cho một tình yêu quá mãnh liệt mà ông và vợ ông dành cho nhau. Từ đó, cả hai về sống với nhau rồi có thêm 6 người con nữa (5 trai, 2 gái).

Năm 1919, ông làm nhạc công trong gánh hát cải lương của Ba Xú (Bạc Liêu) đi trình diễn nhiều nơi và được nhiều người mến mộ.

Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia Mặt trận Liên Việt ở ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Đặc biệt, năm 1957 ông nhận nhiệm và hoàn thành xuất sắc trong vụ cứu một số cán bộ chủ chốt bị thực dân Pháp bắt.

Từ năm 1918 đến năm 1974, nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác thêm 10 bản nữa, nhưng đa phần chỉ lưu hành ở Bạc Liêu.

Sau bao năm cống hiến hết mình cho nghệ thuật để lại cho đời một kho tàng quý giá trong nghệ thuật truyền thống. Vào lúc 13 giờ ngày 13 tháng 8 năm 1976, nhạc sĩ Cao Văn Lầu trút hơi thở cuối cùng tại quê hương thứ hai Bạc Liêu, thọ 85 tuổi.

Đăng bởi: Thị Ngọc Huyền Hoàng

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก