Trekking

Kinh Nghiệm TREKKING NGỌC LINH – Khối Núi Huyền Thoại

kinh nghiệm trekking ngọc linh – khối núi huyền thoại

Khối Ngọc Linh Liên Sơn bao trùm 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, bắt đầu từ ngọn Ngọc Lum Heo ở tây bắc cho đến ngọn Ngọc Rơ phía đông nam. Trong đó, Ngọc Linh là đỉnh núi cao nhất (2.605 m). Nếu như đỉnh Phanxipang của dãy Hoàng Liên Sơn được người ta biết đến là đỉnh núi cao nhất Việt Nam thì Ngọc Linh lại được biết đến như một ngọn núi linh thiêng của huyền thoại bao đời nay, là dãy núi đồ sộ thứ 2 tại Việt Nam sau Hoàng Liên Sơn. Những câu chuyện xung quanh Ngọc Linh khiến người ta cảm thấy e ngại chốn rừng thiêng nước độc kì bí, ẩn chứa nhiều hiểm nguy nhưng cũng dấy lên sự tò mò làm nhiều người muốn chinh phục.

kinh nghiệm trekking ngọc linh – khối núi huyền thoại

Chóp Ngọc Linh (2605m) do đoàn phượt Kon Tum đặt năm 2015

Sau một tháng tìm hiểu cũng như hoàn thành các công tác chuẩn bị cho chuyến đi nhóm chúng tôi gồm 5 người, điều đặc biệt là mỗi người đến từ một nơi khác nhau từ Bắc Ninh, Nam Định, Quảng Bình, Đà Nẵng đến Quãng Ngãi nhưng có cũng một mục tiêu đó là chinh phục bằng được ngọn núi này. Có 2 cách để đến Ngọc Linh, một là từ làng Long Năng, xã Ngọc Linh, huyện Đắc Glei, tỉnh Kon Tum, hai là từ xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Hiện tại bây giờ chỉ có thể đi theo hướng xã Ngọc Linh, nhóm đã đi tiền trạm cung Nam Trà My nhưng vấp phải nhiều trở ngại lớn như việc không xin được giấy phép, không có người dẫn đường và cung đường rất khó.

1. Lộ trình

Đoàn xuất phát từ Đà Nẵng lúc 13:00 chạy theo hướng Nam Giang – Đại Hồng –  Khâm Đức và qua đèo lo xo huyền thoại để đến được xã Ngọc Linh. Ở Đại Hồng có một ngọn núi hết sức đặc biệt và may mắn mình đã từng đặt chân đến đó. Tuy đoạn đường lên đỉnh rất khó, nhiều dốc cao vẫn có thể chạy xe máy nhưng xế phải thật chắc tay. Đến được đỉnh bạn sẽ phải ngỡ ngàng khi nhìn thấy khối đá có hình mặt người cùng những vách đá dựng đứng chẳng khác gì lưỡi quỷ ở Pha luông. Chỉ đứng nhìn từ xa mà lòng cứ nao nao muốn lên lại đỉnh Am Thông.

kinh nghiệm trekking ngọc linh – khối núi huyền thoại

“Lưỡi quỷ” tại đỉnh Am Thông

kinh nghiệm trekking ngọc linh – khối núi huyền thoại

Tượng đá hình mặt người

Tiếp tục chạy về hướng Khâm Đức dọc đường mòn Hồ Chí Minh có khá nhiều điểm đẹp để nghỉ chân và nhóm mình chọn thác nước gần Khâm Đức ở km số 136.

kinh nghiệm trekking ngọc linh – khối núi huyền thoại

Thác nước tại Khâm Đức ( 136km)

Qua đèo lo xo cực nguy hiểm có rất nhiều khúc cua và nhiều xe lớn chạy rất nhanh. Khi vào được địa phận huyện Đắc Glei sẽ thấy 1 hướng rẽ lên xã Ngọc Linh.

kinh nghiệm trekking ngọc linh – khối núi huyền thoại

Luôn luôn quan sát bảng chỉ dẫn để rẽ vào xã Ngọc Linh

Ở đoạn này chỉ có 39km đến xã thế nhưng phải mất hơn 2 tiếng chạy xe vì đường rất xấu nhiều ổ gà nhưng với mình đây là đoạn đường đẹp nhất có thể ngắm dãy núi đồ sộ Ngọc Linh bao phủ bởi mây trời.

kinh nghiệm trekking ngọc linh – khối núi huyền thoại

Cảnh đồi núi hoang sơ tại xã Ngọc Linh

Đến được trường dân tộc bán trú Ngọc Linh thì trời cũng tối, đoàn gặp được thầy hiệu phó hết sức thân thiện sắp xếp cho nhóm chỗ ngủ, nấu nướng. Đến sáng những cơn mưa đầu ngày mang cái cảm giác lành lạnh đến xã này, tranh thủ xuống bếp nấu ăn đồ đạc để chinh phục đỉnh Ngọc Linh. Cùng lúc các em nhỏ cũng đã thức dậy ăn sáng để đến lớp học, mình đã ngỡ ngàng khi thấy 2 em gái nhỏ tầm lớp 5-6 thức dậy rất sớm từ lúc 4 giờ sáng để nấu nước, hai nồi nước to gấp 3 lần em nhưng em không ngần ngại thao tác rất nhanh.

kinh nghiệm trekking ngọc linh – khối núi huyền thoại

Tuy nguy hiểm nhưng đó lại là công việc hằng ngày của các em nhỏ

Nhóm có thời gian trò chuyện với các em cùng các thầy cô nhiều hơn trong khi chờ A Mát – người dẫn đường của nhóm. Được biết mỗi tháng nhà nước chu cấp cho mỗi em 460 ngàn đồng kèm 15 kg gạo, với chi phí hạn hẹp này mỗi sáng các em chỉ có thể ăn mì tôm với cơm nguội từ tối qua. Lặng người khi thấy các em vẫn ăn uống ngon lành, từ em lớn đến em nhỏ đều tự rửa bát rất độc lập.

Phòng ngủ của các em nhỏ

Không còn nhiều thời gian nhóm tranh thủ xuất phát lúc 7 giờ 30 và để đến được nhà Mát ở làng Long Năng mất 30 phút băng qua những thửa ruộng bậc thang đường khá lầy lội. Đến nhà Mát gặp được cả vợ anh và 2 đứa con nhỏ quây quần bên bếp lửa, đoàn phân chia lại đồ đạt và xuất phát ngay. Với Fansipan tuy cao nhất nhưng độ khó không bằng Ngọc Linh, phải liên tục vượt qua nhiều con dốc dựng đứng, những con suối chảy siết đoàn nghĩ chân khá nhiều lần, cũng vì thế mà vắt cắn không thương tiếc mặc dù luôn luôn kiểm tra nhưng không hiểu nó chui vào bằng cách nào. Cũng may được thời tiết ủng hộ, không còn những cơn mưa như trút nước thay vào đó là những tia nắng ấm. Có rất nhiều địa hình khác nhau nhưng chung một điểm là rất khó để vượt qua. Với thảm thực vật thì khỏi phải nói các loài lan rừng, nấm,  rừng thông, bụi gai,… Có đồi hoa đỗ quyên trắng vào tháng 1- 2 sẽ đồng loạt nở trắng xóa cả rừng.

Những đám mây xuyên kẽ núi càng làm Ngọc Linh thêm huyền bí

Băng qua các ruộng bậc thang để đến chân núi Ngọc Linh

Cả đoạn đường luôn gặp những con dốc đứng trơn trượt thế này

Gậy leo núi là vật không thể thiếu, có thể tận dụng thân cây trên đường đi

Vượt con suối chảy siết đầy nguy hiểm, là con suối lớn duy nhất nên phải tháo giày nếu bạn không muốn đi tiếp bằng đôi giày đầy nước

Mất 6 tiếng để đến được đỉnh, ở đoạn này gần như không có lối mòn nữa phải phát cây rừng để đi, sức lực không còn cả nhóm chỉ có thể dùng tinh thần, ý chí quyết tâm để động viên nhau. Chạm vào đỉnh Ngọc Linh trong niềm vui sướng đến muốn khóc, khoát trên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng cùng nhau hát vang quốc ca Việt Nam.

Cả đoàn lên đến đỉnh trong niềm hân hoan, vui sướng

Không quên viết lại danh sách nhóm để vào trong chai, mình thấy trong chai có khá nhiều mẩu giấy danh sách các nhóm đã chinh phục thành công. Thời tiết xấu dần với những cơn mưa rừng, gió càng lúc càng lớn, đoàn nhanh chóng rút về. Tưởng nghĩ đường về sẽ dễ dàng hơn nhưng không hề vẫn khó như thường, mình đã trượt chân rất nhiều lần khi qua những con dốc siêu trơn. Không biết tại sao đoạn đường về không con vắt nào cắn cả có lẽ vì không dừng lại nhiều. “ Mạnh mẽ lên”, “ cố gắng lên” những câu nói bên tai tiếp thêm động lực. Về đến nhà Mát cũng tối khuya chỉ ăn vội vài miếng rồi ngủ. Chờ đến sáng hôm sau về lại trường.

2. Kinh nghiệm leo núi

Để xin giấy phép leo núi Ngọc Linh rất khó phải lên tận tỉnh Kon Tum để xin giấy, đoàn nên chuẩn bị từ sớm trước ngày đi khoảng 15 ngày. Nếu không xin được giấy thì không sao, liều một lần và luôn chuẩn bị tinh thần bị kiểm lâm đuổi về bất cứ lúc nào, nhưng bạn có thể xin được giấy tạm trú tạm vắng ở xã Ngọc Linh, với giấy này bạn sẽ không bị trục suất khỏi Ngọc Linh.

Thuê Porter: anh Mát là người có kinh nghiệm dẫn các đoàn nhiều nhất ở làng nên đoàn hoàn toàn tin tưởng, số điện thoại A Mát: 01698258971, chi phí 250 ngàn 1 ngày. Nói sơ về anh một tí, gia đình a khá nghèo, vợ đi chăm gà cho người ta, anh thì làm rừng có 2 con nhỏ một trai một con gái lớn học lớp 3, đoàn nào có ý định chinh phục Ngọc Linh mang theo ít áo quần cũ cho anh nha.

Đoạn từ đèo lò xo đến xã Ngọc Linh hiếm thấy cây xăng, bạn nên đổ đầy bình từ thành phố và ở Khâm Đức. Kĩ hơn đoàn nên chuẩn bị 1,5l xăng phòng trường hợp xe nào trong đoàn hết xăng đột ngột.

Nến xác định leo núi 2 ngày 1 đêm hay đi trong ngày để phân bổ thời gian cho hợp lí. Đi trong ngày thì nên xuất phát leo lúc 4 giờ sáng, nếu ở lại thì 8 giờ xuất phát cũng không sao, cố gắng cắm trại ở hang gần suối tiện lấy nước cũng như tránh gió nhưng diện tích khá hẹp chỉ chưa được 10 người, đoàn đông nên di chuyển sang đồi cỏ ở chân núi sẽ dễ dàng hơn. Nhưng mình khuyên nhóm đi sau nên đi về trong ngày vì lý do sau:

  • Có rất nhiều vắt, rắn độc.
  • Mưa rừng, gió lớn
  • Nhiệt độ thấp
  • Nhóm sẽ không có giấc ngủ sâu cũng như an toàn, không đảm bảo sức khỏe.

Mang thức ăn gọn nhẹ, dễ chế biến nhưng đầy dưỡng chất

Mang theo đầy đủ dụng cụ cần thiết ví dụ như:

  • Dây thừng 20-30m, vừa để dựng lều vừa để giúp các thành viên vượt dốc cao, băng suối dễ dàng.
  • Bột lưu huỳnh, khi dừng lại chỗ nào đó để nghỉ ăn uống nên rải bột này xung quanh chỗ ngồi để tránh rắn. Bột này rẻ 1 kg tầm 15 ngàn.
  • Cồn nước và bếp, nếu bạn có ý định ở lại đêm trong rừng vì củi khô hoàn toàn không có.
  • Nước uống nên pha C sủi hoặc orezol bù nước và không cần mang nhiều vì ở đây suối nhiều.

A Mát đi rất nhanh vì thế các bạn nên bám sát hoặc muốn dừng nghỉ phải nói trước với anh nếu không các bạn rất dễ lạc.

Không nên mang theo máy ảnh cơ chỉ cần 1 máy quay lộ trình gopro nhỏ gọn.

Khi dừng nghỉ phải kiểm tra dưới chân trên người xem có vắt không, bỏ ít bông vào tai tránh vắt bu vào rất nguy hiểm.

Các leader phải test sức khỏe cho các thành viên thật kĩ, đưa ra các bài tập về sức bền, chú ý tập bài về mũi chân tránh chuột rút.

Mang theo tỏi cho vào balo các thành viên.

Kiểm tra xe trước ngày đi.

3. Các món đồ dùng chung cho cả đoàn

  • Bạt, tấm nilon khổ lớn 5x5m (2 tấm)
  • Lều cá nhân loại 2-3 người
  • Cồn nước + bếp cồn
  • Xoong nồi
  • Bột lưu huỳnh tránh rắn
  • Thuốc bôi, xịt chống muỗi, vắt
  • Bộ đàm
  • Dây dù
  • Bộ dụng cụ vá xe

4. Các món đồ cá nhân mang theo

– Võng (có mùng), chăn mền, túi ngủ (Chú ý vì tối ngủ đỉnh phụ trời rất lạnh)

– Áo mưa bộ loại quần áo rời nhau, vải mưa khổ lớn để che võng, áo mưa balo. – Dao đa năng – Quẹt lửa, đèn pin siêu sáng – Giày, dép leo núi.
– Quần áo để thay, áo ấm, mũ, khăn quàng, găng tay hạt ( 2 đôi ), tất chân, bó gấu chân.

– Các loại thuốc cảm, giảm sốt, đau bụng, tiêu chảy, bông băng, oxy già, thuốc tím, dầu gió, Salonpas gel, DEP,… – Đồ dùng vệ sinh cá nhân (khăn, bàn chải, kem đánh răng, giấy vệ sinh).
– Đồ ăn dặm: các bạn nên mua socola hoặc Chocopie, lương khô để vừa đi vừa ăn lấy sức.

Hoàng Yến

Đăng bởi: HOÀNG Chử Đức

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก