Khám Phá

Lì xì đầu năm và những điều cần tránh

Cách đón Tết xưa và Tết nay đã có ít nhiều thay đổi nhưng phong tục lì xì đầu năm vẫn được gìn giữ và được xem như nét văn hóa đặc sắc, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Lì xì đầu năm từ lâu đã trở thành một nghệ thuật sống đẹp của người Việt. Dù đi bất cứ đâu thì cứ đến Tết mọi người lại quây quần, sum họp bên gia đình, lì xì trẻ nhỏ để chúc chúng năm mới ngoan ngoãn, học hành tấn tới, mừng tuổi ông bà với mong ước chúc thọ, cầu mong ông bà sống vui, sống khỏe với con cháu. Tuy nhiên, nhận lì xì và lì xì thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết.  

lì xì đầu năm và những điều cần tránh

Ngày Tết mọi người sum họp, quây quần bên gia đình và lì xì đầu năm  

Lì xì đầu năm – nét văn hóa truyền thống tốt đẹp

Cứ đến ngày 1 Tết, người người nhà nhà lại xúng xính trong những bộ quần áo mới, sửa soạn để đi chúc Tết người thân, bạn bè. Đối với những đứa trẻ thì có lẽ điều chúng háo hức nhất đó là màn lì xì đầu năm mới. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, phong tục Tết ngày nay của người Việt đã có đôi phần thay đổi so với Tết xưa nhưng nét văn hóa truyền thống lì xì đầu năm thì vẫn được lưu truyền và giữ gìn cho đến tận ngày nay. Tục lệ lì xì đầu năm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tương truyền cứ vào đến giao thừa thì lại có một con yêu quái xuất hiện xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ say khiến chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì vậy, các ông bố bà mẹ thường phải thức thâu đêm để canh không cho yêu quái làm hại đến con mình.
Một năm nọ cũng vào đúng đêm giao thừa, cặp vợ chồng đã hơn 50 tuổi, sau bao nhiêu năm trông ngóng với sinh hạ được một mụn con trai. Ông bà rất lo lắng con yêu quái sẽ đến quấy nhiễu con trai mình. Tám vị tiên nọ đi ngang qua ngôi làng biết được câu chuyện liền hóa thành những đồng tiền ngay trên đầu giường đứa trẻ nằm. Cặp vợ chồng thấy thế thì gói ghém cẩn thận những đồng tiền đó lại cho vào một miếng vải đỏ và đặt dưới gối cậu con trai. Khi con yêu quái gian ác đến thì miếng vải đỏ này lóe lên khiến yêu quái sợ hãi và phải bỏ chạy.  

lì xì đầu năm và những điều cần tránh
Lì xì có nguồn gốc từ Trung Quốc, lan ra nhiều nước Á Đông và trở thành nét văn hóa đẹp ngày Tết Câu chuyện này được lan truyền ra ngoài, bà con thấy vậy, rất vui mừng và đều làm theo để trừ yêu, diệt tà. Lâu dần, nó trở thành tục lì xì đầu năm của người lớn dành cho những đứa trẻ với mong muốn đem lại may mắn, điềm lành.
Số tiền trong bao lì xì nhiều hay ít không quan trọng vì đó được coi như món quà tinh thần vô giá dịp đầu năm mới, tượng trưng cho năm mới sung túc và tốt đẹp.  

Những điều nên làm và nên tránh trong tục lì xì đầu năm

Đã từ rất lâu rồi, lì xì đầu năm đã là một tục lệ không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán. Mừng tuổi không chỉ giới hạn trong ngày 1 tết mà nó còn có thể kéo sang ngày mùng 2, 3 cho đến hết ngày mùng 10 Tết. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được những điều nên làm, nên tránh trong tục lì xì đầu năm để thể hiện hết những ý nguyện sâu xa, tốt lành từ xa xưa. Dưới đây là một số điều cần lưu ý mà các bạn nên biết.  

Phong bao lì xì có màu đỏ

Phong bao lì xì mang rất nhiều ý nghĩa. Nó tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua để tránh xích mích không đáng có. Điều quan trọng hơn cả, màu đỏ của phong bao tượng trưng cho như ý cát thường, an khang thịnh vượng trong suốt cả năm.   

lì xì đầu năm và những điều cần tránh
Phong bao lì xì màu đỏ tượng trưng cho may mắn, tài lộc cả năm
Trên thực tế thì ý nghĩa của việc mừng tuổi chính là tặng chiếc phong bao lì xì màu đỏ chứ không phải là tiền bạc ở bên trong. Vì vậy, hãy chọn những chiếc phong bao có màu đỏ rực rỡ để mang lại may mắn, tài lộc cho cả người nhận và người lì xì nhé!  

Sử dụng tiền mới trong bao lì xì

Ông cha ta quan niệm rằng: Năm mới thì mọi thứ mới mẻ sẽ mang đến cả năm tươi mới, tốt lành. Vì vậy, người ta thường sắm sửa quần áo mới, trang trí nhà cửa bằng những đồ mới để hợp với khí trời đang chuyển mình sang năm mới. Lì xì đầu năm cũng không ngoại lệ. 
Ngoài việc mua những phong bao mới thì tiền ở bên trong bao lì xì cũng nên là tiền mới để thể hiện sự tôn trọng của mình đối với người nhận và hơn hết nó thể hiện sự thành tâm chúc cho trẻ nhỏ, người già một năm mới tràn ngập những điều tốt lành, bỏ lại sau lưng những chuyện không hay của năm cũ.  

Nên để số tiền chắn trong bao lì xì

Theo quan niệm Á Đông, số chắn mang lại nhiều ý nghĩa may mắn hơn là số lẻ. Chính vì thế, để số tiền chẵn trong bao lì xì cũng có thể ngầm hiểu được là bạn đang cầu chúc may mắn đến cho người nhận.  

Không mở bao lì xì trước mặt người tặng

Trong văn hóa của người châu Á thì việc mở một món quà trước mặt người tặng chúng là điều rất thiếu tôn trọng. Bởi vậy, việc mở phong bao lì xì trước mặt người tặng là việc làm được xem là thiếu lịch sự, lễ phép. Chính vì thế, bạn nên dặn dò cẩn thận trẻ nhỏ khi nhận được lì xì đầu năm và đừng quên kèm theo lời cảm ơn, sự trân trọng đối với người mừng tuổi.  

lì xì đầu năm và những điều cần tránh
Lì xì đầu năm còn thể hiện đạo lý “kính già, yêu trẻ” của người Việt
Lì xì đầu năm không chỉ là một nét văn hóa tốt đẹp trong ngày Tết Nguyên Đán mà quan trọng hơn hết nó còn mang tính giáo dục, kế thừa thể hiện đạo lý kính già, yêu trẻ của người Việt và gắn kết mọi người lại với nhau hơn. Lành Trần Theo Báo Thể Thao Việt Nam

Đăng bởi: Huỳnh Ngọc Thạch

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก