Khám Phá

Long lanh đáy nước hồ Anapji

Một chú cá quẫy đuôi xua tan vẻ trầm mặc lưu cữu trên mặt hồ, nhắc tôi nhớ rằng mình đang đứng trong một thế giới thật. Còn thứ đang phản chiếu dưới ánh đèn thanh mảnh cùng làn nước không một gợn sóng kia trên hồ Anapji là một thế giới khác, nhưng ở dưới nước. Thế giới vàng son dưới nước Trời mùa Đông âm gần 10oC không ngăn nổi tôi đứng ở Anapji (thành phố Gyeongju, Hàn Quốc)  bốn tiếng đồng hồ, từ lúc trời còn rạng đến khi mặt hồ lung linh ánh đèn. Bình thường, có lẽ không ai dành nhiều thời gian đến thế cho cái hồ nhân tạo mà chỉ cần nửa tiếng là đi dạo hết một vòng. Nhưng chỉ khi nhìn thấy những gì hiện ra trên mặt nước, người ta mới hiểu hết cái hồn của Anapji, nơi từng thuộc về một quần thể cung điện giữa thời vàng son của những vương triều quý tộc xưa.
 

long lanh đáy nước hồ anapji
Một thế giới khác dưới nước ở hồ Anapji khi đêm về Nằm ở giữa cố đô Gyeongju, hồ Anapji về đêm là một khu vườn ánh sáng. Giữa mùa đông giá lạnh, ánh vàng từ những ngọn đèn hắt lên từ dưới đáy hồ rọi sáng những mái đình cong vút, kiêu hãnh vươn lên giữa màu đêm cao vời vợi. Chỉ khi ánh sáng ngập tràn Anapji, người ta mới hiểu dụng ý khi ba hòn đảo nhỏ được xây giữa mặt hồ. Trên mặt nước lặng như tờ, những nhánh thông ngả mình soi bóng, bắt đầu dệt thế giới trong gương bằng thứ ánh sáng dịu dàng như tơ. Điều huyền diệu của Anapji không phải là thứ bí mật phải vất vả tìm mới thấy, chỉ cần đủ thời gian để cảm nhận cho hết. Dưới bầu trời mênh mông yên tĩnh đêm mùa Đông, những đáy nước thăm thẳm gọi Anapji trở về từ một thời xa xưa nào đó, nơi một thế giới mà người ta chỉ có thể đứng đây và ngắm nhìn, chứ không thể chạm vào. Khoảnh khắc khi người ta nhận ra thế giới nơi mình đang đứng đã hòa làm một với những mái nhà, hàng cột và nhánh cây in hình dưới nước, cả vũ trụ cũng như mở ra đến vô tận. Vàng son có thể đã khép từ rất lâu, nhưng mỗi đêm, khi ánh sáng được thắp lên, dòng thời gian lại đưa về đây một quá vãng xa xăm mà Anapji chưa bao giờ mất.
 
long lanh đáy nước hồ anapji
Những mái đình cổ kiểu Hàn được phục chế gần như nguyên vẹn tại hồ Anapji Trong quá khứ, hồ Anapji đã từng là một thế giới hoang dã thu nhỏ được xây dựng vào năm 674 trước Công Nguyên theo lệnh vua Munmu, thuộc triều đại Silla. Bên trong những bức tường vững chãi của pháo đài Wolseung, người ta trồng những thứ hoa tươi và đưa vào đây rất nhiều loài thú quý hiếm. Có thể nói mặt hồ nhân tạo này từng tồn tại như một khu vườn được chăm chút rất tinh xảo, và chỉ dành riêng cho những thành viên trong hoàng tộc. Trải qua những nỗi thăng trầm thời gian, Anapji từng có thời nằm trong đống đổ nát cùng với tòa thành. Cho đến cách đây gần 40 năm, công cuộc khai quật đã tìm ra những dấu tích quan trọng của hồ. Từ đó, nỗ lực khôi phục của người Hàn đã hồi sinh Anapji cùng với hào quang mà một thời tưởng chừng đã đi xa mãi. Một Hàn Quốc cổ kính  Những ai đã dành thời gian để đến Gyeongju đều có cơ hội để thấy một Hàn Quốc rất khác ở thành phố phía Nam, nơi từng là cố đô thuộc triều đại Sillat rong vòng 992 năm. Vẻ trầm mặc, cổ kính bao trùm lên những dải tường gạch dài nơi toà thành cổ, trên mái chùa Bulguksa cong vút sơn son thếp vàng, hay những mái nhà tranh nơi ngôi làng 500 tuổi Yangdong. Gyeongju là “bảo tàng không có tường”, nơi người ta được sống ngay giữa lịch sử và những giá trị văn hóa trường tồn qua hàng trăm, hàng ngàn năm. Cố đô này cũng là nơi mà ngay trên lối mòn băng qua những thuở ruộng trồng cải, người ta có thể chiêm ngưỡng đài thiên văn lâu đời nhất châu Á, hay ngắm nhìn những ngọn đồi vốn là lăng mộ Hoàng Gia ngay cạnh các con đường vun vút xe chạy.
 
long lanh đáy nước hồ anapji
Bên trong những ngọn đồi phủ cỏ này thực chất là những lăng mộ Hoàng Gia được xây dựng rất kỳ công Gyeongju cho người ta cái cảm giác được trở về quá khứ, khi ngay giữa những con đường lớn nhất thành phố nhộn nhịp người và xe là những mái nhà mô phỏng của cả ngàn năm trước. Quán cà phê, nhà hàng, quầy thông tin du lịch hay thậm chí cả một ngân hàng…cũng mang cái dáng vẻ ngàn xưa với mái ngói kiểu cổ. Quá khứ và hiện tại hòa quyện với nhau như một cách để người Gyeongju vừa tự hào về những điều huy hoàng đã có trong quá khứ, vừa không ngừng hướng tới một tương lai xán lạn phía trước.
long lanh đáy nước hồ anapji
Đạp xe thăm thú ở thành cổ Gyeongju Với với một người xa lạ khi đến Gyeongju, không có gì tuyệt vời hơn là được sống trong một căn nhà cổ bằng gỗ và ngày ngày dạo chơi giữa thành phố bằng chiếc xe đạp nhỏ. Điều giản dị nhất mà bạn có thể học được, là cảm nhận hơi lạnh mỗi sớm mai khi đẩy cánh cửa gỗ dán giấy để mở cửa căn phòng, hoặc nói “An nyoung ha seh yo” (xin chào) với một người hàng xóm ở ngay căn nhà sát vách bằng cách leo lên sân thượng bé con con. Craig, người bạn New Zealand đã từng sống bảy năm trong khu phố cổ của Gyeongju nói với tôi rằng, anh yêu thành phố này chính vì những điều giản dị như thế. Bởi Hàn Quốc ở đây là một Hàn Quốc rất khác
long lanh đáy nước hồ anapji
Một ngân hàng hiện đại lợp mái cổ kiểu Hàn giữa trung tâm thành phố Gyeongju
long lanh đáy nước hồ anapji
 Bulguksa, thành tựu của kiến trúc Phật giáo Silla, đồng thời là ngôi đền được xếp vào hàng lớn và đẹp nhất Hàn Quốc
long lanh đáy nước hồ anapji
Cuộc sống trôi chầm chậm dưới những mái ngói trăm tuổi ở làng Yangdong
long lanh đáy nước hồ anapji

long lanh đáy nước hồ anapji
Seokguram, nơi lưu giữ bức tượng Phật bằng đá bên trong hang động
long lanh đáy nước hồ anapji
Chờ xe buýt trên đường phố Gyeongju
long lanh đáy nước hồ anapji

Một phụ nữ lớn tuổi bán cá trong chợ Seongdong MTG

Đăng bởi: Ngọc Ánh

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก