Bắc Kinh

Mộng Vàng Bắc Kinh (phần 1)- Tử Cấm Thành uy nghiêm và cố cung đầy bí mật

Kiểu đến Bắc Kinh mới thấy mình như… nhà quê lên tỉnh vậy, tay xách nách mang đủ loại hành lý, co ro đứng trước cổng nhà ga Beijing West giữa trời Bắc Kinh lúc đó là 2-3 độ. Mình bắt đầu chuyến khám phá Bắc Kinh với 1 địa danh mà từ thời bé tí mình đã mơ được đặt chân đến – Tử Cấm Thành.

Mua vé nhanh, tiết kiệm vào Tử Cấm Thành

Khi đã chọn được thời điểm tốt để đi và xác định chắc chắn mình đi thì ít nhất 1 tuần, mình nghĩ là nên đặt luôn vé, đề phòng bất trắc. Vé sẽ nên mua online, chứ đừng để đến đấy mới mua nha các tình yêu. Lí do là bởi vì dân người ta đi Tử Cấm Thành đông, bâu vào mua vé cực kinh khủng luôn.

Giá vé Tử Cấm Thành là bao nhiêu?

Giá vé vào Tử Cấm Thành thì rẻ lắm, 60 tệ nếu như bạn đi vào tháng 4-> tháng 10 và 40 tệ nếu đi vào tháng 11-> tháng 3 năm sau.

Có thể mua vé vào Tử Cấm Thành ở đâu?

Có thể qua các đại lí ở Trung Quốc hoặc các trang web đặt vé online. Mình thì vẫn mua ở đây, giá là 59 tệ :)) rẻ hơn 1 tệ hehe.

Còn bạn nào có tài khoản Wechat và có liên kết với ngân hàng Trung Quốc thì có thể hoàn toàn mua vé tại Tử Cấm Thành luôn. Ở đấy người ta đặt QR code khắp mọi nơi, có thể scan để trả tiền bất kì lúc nào với Wechat. Mình phải công nhận là đây là hình thức hay nhất, nhanh nhất và cũng văn minh nhất mình thấy ở các nước (không chỉ ở Trung Quốc). Có lẽ khi người ta quá đông và khó quản lí, người ta luôn nghĩ ra được các cách giải quyết vấn đề tốt.

mộng vàng bắc kinh (phần 1)- tử cấm thành uy nghiêm và cố cung đầy bí mật

Thanh toán bằng QR code ở Tử Cấm Thành

Di chuyển đến Tử Cấm Thành

Tử Cấm Thành là địa điểm tham quan rất là nổi tiếng, nên chẳng quá khó để các bạn đến được đây. Tuy nhiên, không phải là cứ đi vu vơ là bạn sẽ tới đây đâu, mọi thứ đều có hoạch định cả. Kiểu gì thì kiểu bạn cũng sẽ phải qua cái cổng Vũ Môn (cửa phía Nam của Cố Cung). Và có rất nhiều cách để bạn đi đến đấy.

mộng vàng bắc kinh (phần 1)- tử cấm thành uy nghiêm và cố cung đầy bí mật

Con duong den tu cam thanh

  • Cách 1: Đi thẳng từ Thiên An Môn vào. Cách này dễ, và đông người nhất, đi chậm, lâu do phải rà soát an ninh nhiều. Và với cách này, mình sẽ không thấy được cái hào trước Tử Cấm Thành và hình dáng tòa thành soi bóng nước như trong ảnh stock đâu. Chỉ thấy các cánh cổng cao cao thiệt cao thôi.
  • Cách thứ 2: Đi vào từ phía bên trái, từ công viên Zhongshan. Cách này thì khá ít người đi và bạn sẽ đỡ bị đông.
  • Cách thứ 3: Đi vào từ phía bên phải, đường Donghuamen. Từ đây sẽ nhìn được toàn cảnh Tử Cấm Thành và cái hào nước đẹp, nhất là trong mùa thu khi không có gió thổi và nước phẳng lặng.

Thường mọi người sẽ đến quảng trường Thiên An Môn trước và đi qua cổng chủ tịch Mao cho nên các bạn khi tìm đường thì hãy search từ khoá là Tiananmen nhé. Bạn nhập từ khoá vào bất kì app chỉ đường nào cũng sẽ tìm được cách thức đến đây.

Mình thì thấy ở gần Thiên An Môn nhất có Tiananmen East và West station. Cả Metro và xe bus đều có tên giống nhau. Mọi người có thể hỏi đường đến 2 cái trạm này, khi bước ra sẽ là quảng trường Thiên An Môn luôn.

Nếu bạn nào mà kiểu muốn mấy cái bước chân là ra được Thiên An môn thì xin hãy chọn 1 cái hostel hay hotel ngay trong khu phố cổ hay còn gọi là khu Hutong của Bắc Kinh ấy.

Mình thì ở 1 cái khách sạn tên là Leo hostel Beijing, nó hơi xa 1 chút nên phải đi metro đến chỗ Tiananmen East station. Khuyên thật là nên ở khu gần Vương Phủ Tỉnh và gần chỗ này, đi lại tiện hơn mà náo nhiệt hơn nhiều ấy. Và vì mình chưa thấy quảng trường Thiên An Môn bao giờ nên mình chọn luôn cách đầu tiên: đi từ Quảng Trường Thiên An Môn.

mộng vàng bắc kinh (phần 1)- tử cấm thành uy nghiêm và cố cung đầy bí mật

Đường đến Thiên An Môn thì cứ search 2 cái bến Tian Anmen West và East là ra

Khám phá các bí mật của Tử Cấm Thành

Và sau 1 vài phút đi bộ mình đã đến trước Thiên An Môn… và như dự đoán, chỗ này… đông kinh khủng!!! Thôi thì đã lỡ thì phải đi thôi, mình bắt đầu lao mình vào dòng người như kiến cỏ để vào cố cung.

Quảng trường Thiên An Môn- Chứng nhân lịch sử đẫm máu

Thật ra trước lúc đến quảng trường Thiên An Môn, mình có đọc kha khá về những câu chuyên đẫm máu về cái quảng trường “tai tiếng” này. Mà kinh nhất chính là vụ thảm sát của chính quyền Trung Quốc trong cuộc biểu tình năm 1989 của sinh viên Trung Quốc ở chính nơi này. Không bàn đến lịch sử không lấy gì làm đẹp của cái quảng trường này, xét về nhiều khía cạnh, ở đây cũng không quá đẹp :|.

Sự thật thì cái chỗ này mang sặc mùi “Trung Cộng”. Từ cổng Thiên An Môn treo ảnh chủ tịch Mao, đến hai bên là hàng chữ ” Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa muôn năm” và 1 bên là ” “Đại đoàn kết nhân dân thế giới muôn năm”

mộng vàng bắc kinh (phần 1)- tử cấm thành uy nghiêm và cố cung đầy bí mật

Thiên An Môn rực rỡ dưới trời xanh, nhưng nhìn chung kiến trúc không có gì đặc biệt

Có điều mình thấy lạ nhất là trước cổng đang treo 2 lá cờ: 1 là cờ Nhật, 1 là cờ Trung Quốc, lấp ló đằng sau là Mao Trạch Đông, công nhận là hơi “tréo ngoe”. Nhìn trên ảnh mình chụp là zoom ra thôi chứ sự thật cái cổng nó đông đến phát khiếp ntn cơ:

mộng vàng bắc kinh (phần 1)- tử cấm thành uy nghiêm và cố cung đầy bí mật

Cờ Trung Quốc và cờ Nhật Bản treo cùng nhau trên quảng trường Thiên An Môn

Đến gần hơn cái cổng lịch sử này, sẽ thấy được 1 vài phần của Cố Cung lấp ló đằng xa. Vì chỗ này rất đông và luôn luôn đông nên các bạn nhớ cẩn thận tư trang, đồ đạc mang theo người thật kĩ nhé.

Cố cung- Tử Cấm Thành được xây dựng nên bởi 1 người… Việt Nam

Khi bắt đầu bước vào sân, cảm nghĩ đầu tiên là… wow, hóa ra là đây, cái cảm giác các quan vào trầu vua là như thế này. Kiểu 1 cái sân to rộng ở trước mắt và 1 lô lốc người làm mình quên không để ý: ở đây chẳng có cái cây nào! Theo như tư duy của người xưa thì thiết kế không cây nhằm đảm bảo không có tên thích khách nào núp được trên cây mà vào được đây. Và người thiết kế ra cái sân này cùng 1 phần trong toàn bộ công trình “nhiều tuổi” này lại là 1 người con dân của nước Việt Nam ta mấy trăm năm trước. Người đó có tên là Nguyễn An.

Từ 1 chàng trai trẻ đất Đại Việt, đã từng xây dựng Thăng Long thành dưới thời nhà Trần, vì thế nước sa cơ lỡ vận mà bị giặc Minh bắt sang Trung Quốc, bị biến thành hoạn quan, cắt đứt đường về nhưng cuối cùng ông vẫn tỏa sáng nhờ tài năng và đức độ của mình. Thậm chí vì sự nghiệp cứu độ thiên tai mà ông qua đời, trong người không có gì ngoài 1 nén vàng trong túi.

Cái cảm giác tự hào khi được chiêm ngưỡng 1 trong những biểu tượng của Trung Quốc nhưng được thiết kế bởi người… Việt Nam thúc giục mình trong từng bước chân tiến vào Tử Cấm Thành lạnh lẽo kia, mặc cho chung quanh rất nhiều, rất đông người.

Sơ đồ Tử Cấm Thành và… cách tham quan ở đây

Nhưng phải nói cái Tử Cấm Thành này quả là quá rộng! 1 Người bình thường vào đây kiểu gì cũng chết lạc luôn! Nên thật sự bội phục các bạn thích khách đột nhập được vào đây đó. Và mình nghĩ sơ sơ nếu tham quan hết Cố Cung này ấy, các bạn phải mất cả ngày mất. Vì thế, mình cần phải sắp xếp lịch trình vào đây gọn gàng, trong 3-4 tiếng thôi. Vì thờ gian cũng ko có quá nhiều, nên mình quyết định sẽ đi theo chiều dọc, qua những điện chính, vòng vèo qua khu bảo tàng và cuối cùng kết thúc ở vườn thượng uyển.

mộng vàng bắc kinh (phần 1)- tử cấm thành uy nghiêm và cố cung đầy bí mật

Bản đồ tử cấm thành và những nơi mình đã đến- source: chinahighlights.com

Thật ra cách tham quan này không ổn lắm :(, mình cũng bị miss rất nhiều thứ hay ho trong cố cung, nhưng trong thời gian hạn chế, thì đó là những gì mình có thể cố gắng để “nhét” vào lịch trình của mình. Thực tế thì mấy cái điện chính nhìn hơi chán :(, ko khác gì việc bạn vào Gyeongbokgung ở Seoul, tức là hầu như mọi thứ cứ trống không, vô vị và bạn chẳng thể sờ hay ngó gì được. Tuy nhiên thì những cái bảo tàng bên trong Cố Cung đã khiến cho mọi thứ thú vị hơn đôi chút.

Những nơi mình đã “kinh qua”:

  • Vũ Môn– Chính là cái cổng đầu tiên, to nhất, còn có tên gọi là Meridian Gate.
  • The Golden Water Bridges: 5 cây cầu Kim Thuỷ bắc qua con rạch nhỏ trước Taihe gate (Thái Hoà môn).
  • Thái Hoà môn (Taihe Gate): đây là cánh cổng mà quan lại đều phải bước qua để vào triều đây.
  • Điện Thái Hòa: Đây là nơi vua thực hiện các nghi lễ quan trọng.
  • Điện Bảo Hòa: đây là nơi các hoàng đế thay triều phục
  • Điện Càn Thanh: Chính là nơi vua quan thượng triều đây.
  • Bảo tàng đồng hồ: điện Phụng Tiên.
  • Khố phòng: kho báu của hoàng đế từng ở đây :3.
  • Cung Khôn Ninh: Nơi ở của hoàng hậu.
  • Ngự hoa viên: Chính là vườn thượng uyển đây mà.

Mình sẽ đi sâu hơn vào những nơi mình thích nhất nhé, những chỗ khác thì thật ra nhìn na ná giống nhau, với không có gì để ngắm lắm.

Hóa ra, các hoàng đế Trung Quốc đã từng ngự ở ngai vàng này

Mình đã từng vào cấm cung ở Huế, Gyeongbokgung ở Hàn Quốc và thấy qua 1 số các ngai vàng trong các phim Trung Quốc rồi nên lần này đến Tử Cấm Thành kì vọng khá nhiều ở đây :(. Ít nhất thì cũng được ngắm tận mắt ngai vàng, hoặc nếu thích có thể mặc áo bào lên …. ngồi 1 tí ;).

Ấy thế nhưng có lẽ với người TQ, đây là nơi quá tôn nghiêm nên bạn chỉ được… ngưỡng vọng và chụp ảnh ở ngoài chứ chẳng được vào trong. Điện Càn Thanh là nơi trang nghiêm nhất, và ở đó từ mấy trăm năm rồi vẫn giữ nguyên bức thư pháp Chính Đại Quang Minh.

mộng vàng bắc kinh (phần 1)- tử cấm thành uy nghiêm và cố cung đầy bí mật

Đây là ngai vàng của hoàng đế nhà Thanh ở điện Thái Hòa

Nhưng đấy là phải lọt qua tầng tầng lớp lớp hàng rào người thì mình mới ngắm được 1 bức ảnh ntn đây :(, chứ sự thật là chạ được như mình tưởng tượng.

Hơi thất vọng với các cung và các ngôi điện trung tâm này. Mình nghĩ các bạn nên đi lướt mấy cái chỗ này, mà nên tập trung vào những cái chi tiết bên ngoài trang trí điện:

  • Tượng sư tử
  • Tượng hạc
  • Tượng rùa
  • Tượng rồng
  • Điêu khắc rồng gỗ trên xà nhà, cột trụ
  • Những con thú kì quái “ngồi” trên các mái ngói của điện

mộng vàng bắc kinh (phần 1)- tử cấm thành uy nghiêm và cố cung đầy bí mật

Điêu khắc trong Tử Cấm Thành

Thật ra những con thú kỳ quái đó chính là… con của rồng :v. Sau khi đọc và tìm hiểu và nghe thuyết minh của hướng dẫn viên… đoàn khách khác, mình mới biết điều này. Nghe tên của chúng rất khó nhớ, nhưng chúng thường xếp thành 1 hàng 9 con “ngồi” chiễm trệ trên mái ngói của các điện chính, đằng sau là rồng bay phượng múa. Này nghe nói là phát sinh từ truyền thuyết “Long Sinh Cửu Phẩm” của người Trung Quốc. Với cả thiên tử ở bển được ví như “con trời” là rồng trong loài người cơ mà :v. Nên cái này cũng đúng thôi.

mộng vàng bắc kinh (phần 1)- tử cấm thành uy nghiêm và cố cung đầy bí mật

Long sinh cửu phẩm trên mái ngói của điện Thái Hòa

Đúng là hoàng thượng, đến bảo tàng cá nhân cũng toàn quốc bảo nhân gian

Vì quá chán với mấy cái điện nên mình nhanh chóng tìm ngay chỗ để giải tỏa, đó chính là mò vào đống kho báu trong quốc khố của hoàng thượng Trung Quốc. Và nổi bật nhất cũng như được phép ngắm nghía tham quan là điện Phượng Tiên, nơi có lưu trữ bộ sưu tập đồ sộ các loại đồng hồ đông tây kim cổ của hoàng đế Thuận trị, được gìn giữ đến bây giờ.

Có cả thảy 200 cái đòng hồ từ thời nhà Thanh và trời ơi, còn cổ hơn, và đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau : Pháp, Đức, Anh, … và nhiều loại đồng hồ có kích cỡ lớn nhỏ khác nhau.

mộng vàng bắc kinh (phần 1)- tử cấm thành uy nghiêm và cố cung đầy bí mật

Bộ sưu tập Đồng hồ ở Cố Cung. Đây là 1 trong những cái đồng hồ siêu bự trong bộ sưu tập này.

Rất nhiều thứ đã bị phá huỷ và mất tích sau các cuộc chiến loạn nên độ hoành tráng giảm đi so với hồi xa xưa rất nhiều (nghe đồn là bảo vật đã bị Tưởng Giới Thạch cuỗm hết và mang vào National Palace Museum ở Đài Loan , mà tiêu biểu chính là các bộ sưu tập cá nhân của hoàng đế Càn Long, vốn chiếm 1 lượng bảo vật vô cùng lớn).

Ngoài điện Phụng Tiên ra thì bảo tàng Cố Cung còn rất nhiều thứ văn vật, nhiều bộ sưu tập khác rất có giá trị, tiếc là mình không được xem hết.

Mình mê đắm đến nỗi suýt nữa quên mất phải qua thăm hậu cung của hoàng đế Trung Hoa cơ đấy. Nhưng vì tình yêu với các cuốn tiểu thuyết cung đấu và ao ước được 1 lần xuyên không, mình lại tiếp tục dấn thân.

Xuyên nhanh đến Hậu Cung của các vua Minh Thanh

Từ bảo tàng đồng hồ, mình quay lại đường chính ngạch, đi vòng lại Càn Thanh Cung- nơi đã từng 1 thời là nơi ở của Hoàng đế để đến Khôn Ninh cung, nơi ở của Hoàng Hậu. Sau đó mới đến khu vườn thượng uyển mà 2 bên là các cung của phi tần.

Tổng cộng nội cung của hoàng đế Minh, Thanh có 12 điện phân thành khu Đông và khu Tây hay còn gọi là Đông lục cung và Tây lục cung. Nên Hoàng hậu mới có tên gọi là người đứng đầu lục cung là vậy.

Ngoài ra còn có các cung như Từ Ninh cung- dành cho Thái hậu, Thọ Khang cung- dành cho phi tần của tiên đế, Phụng tiên (chính là nơi để lưu trữ bảo bối đồng hồ hiện tại)… Thật ra có nhiều nơi bị cháy và phá hủy do chiến loạn nên h sẽ không đầy đủ.

Bạn nào có thời gian rảnh thì tìm Trữ Ttú cung để xem các tú nữ thời xuyên được tuyển vào như thế nào nhé. Nhưng nói chung mình nghĩ chẳng có gì vui đâu, vì bảo vật làm gì còn, và cũng ko có ghi lại quá trình tuyển cung nữ mà cho mình tham khảo đâu.

Vườn thượng uyển trong Tử Cấm Thành, có điều gì đặc biệt?

Mình đi vu vơ trong khu nội cung mà ở giữa chính là cái ngự hoa viên. Và điều mình thấy là ở đây cũng chẳng có nhiều cây như mình nghĩ. Mà hơn nữa, cái hoa viên này toàn hòn non bộ thôi. Mình đến vào mùa thu nên mình rất kì vọng khắp Bắc Kinh ngập trong sắc vàng, nhưng mà đúng là chọn sai thời điểm, nên ở trong Cố Cung này cây vẫn xanh lè loẹt luôn.

Nếu so với Chuyết Chính Viên ở Tô Châu thì vườn này nói thật là… không bằng. Mới mình nghe kể lại là Viên Minh Viên- ngự hoa viên đích thực do Ung Chính thiết kế thì đã bị phá hủy, nên cái ngự hoa viên hiện tại chỉ là “tàn dư” mà thôi! Chính vì thế nên nó ko hoành tráng như ở Tô Châu đâu.

Thời điểm nào đẹp nhất đến Cố Cung?

Nói thực là chỗ này quá đông, bất kể thời gian nào trong năm, bất kể thời tiết, cho nên có lẽ mình chỉ nên chọn khoảng thời gian nào… đỡ đông nhất, chứ đừng mơ mà có 1 mình ta 1 cõi ở cái đất Bắc Kinh, mà đặc biệt là ở khu di tích lịch sử nổi tiếng nhất Trung Quốc này nhé

Những lễ hội, ngày lễ lớn cần tránh

Trước khi chọn thời điểm đi du lịch Trung Quốc thì mình nghĩ các bạn nên xem xem tránh các khoảng thời gian này ra để đỡ mất công chen chúc:

  • Dịp lễ hội 1/5
  • Tết Đoan Ngọ (cuối tháng 6)
  • Dịp lễ Trung Thu ở Trung Quốc
  • Dịp quốc khánh Trung Quốc

Đây là những thời điểm kiểu cả tỉ dân Trung Quốc họ sẽ… đi chơi, đi nghỉ, nên việc họ đến Bắc Kinh là chuyện quá thường. Nên tránh xa các ngày này ra nhé. Còn bạn nào ưa thích đám đông, muốn náo nhiệt và trải nghiệm các lễ hội thì mình nghĩ là tết Đoan Ngọ và Trung Thu nên đến thử nha, cả Tết nguyên đán nữa.

Xuân , hạ hay thu, đông? Mùa nào thích hợp nhất?

mộng vàng bắc kinh (phần 1)- tử cấm thành uy nghiêm và cố cung đầy bí mật

Tuyết phủ trắng xóa ở Cố Cung vào mùa đông

Mỗi mùa đều có cái hay của nó các bạn nha, mình thấy đi mùa nào cũng ok, quan trọng là bạn đi với mục đích gì:

  • Ngắm hoa lệ rơi :3, đặc biệt là anh đào: tháng 4 (tầm 2 tuần đầu) là thời gian đẹp nhất
  • Ngắm lá liễu rủ bóng mặt hồ, hoa khoe sắc thắm, và đặc biệt là muốn đi cung điện mùa hè thì nên đi tháng 5-6 (chứ 7-8 nóng chết cha chết mẹ)
  • Ăn cua, xem cúc, thưởng thu, ngước lên xào xạc lá hạnh rơi vàng thì nên đi du lịch Bắc Kinh vào 2 tuần đầu tháng 11 nhé.
  • Trải nghiệm cái lạnh giá đến buốt xương hay ngắm hàn mai trong tuyết thì đi tháng 1- mùa đông nha các bạn.

Rốt cuộc thì đi Tử Cấm Thành mùa nào đẹp nhất?
Nhưng nói thật thì mấy cái cảnh hoa lá, hàn mai hay là anh đào gì đó ở Tử Cấm Thành… ko có mấy mà cũng chẳng đẹp :)) vì ở đó làm gì có cây mấy. Khi mình định ngắm lá vàng ở Tử Cấm Thành thì cái mình thấy vẫn là lá xanh và hoa lá ko quá nhiều, cũng ko đẹp như mình nghĩ. Nên là cảnh tuyết rơi có lẽ là đặc sắc nhất đó các bạn, mà mùa đông thì auto bớt đông rồi, lại còn được giảm giá hí hí. Nhưng ai mà không chịu được cái lạnh thì không nên đi mùa đông, vì đông cứng luôn đó nha.

Cố cung mở cửa vào giờ nào?

Tử Cấm Thành sẽ mở hầu như các ngày trong tuần, trừ thứ 2 và giờ giấc mở cửa sẽ thay đổi theo mùaTháng 4- tháng 10: từ 8:30 đến 5h chiều (ngừng cho vào lúc 4h30)
Tháng 11- tháng 3: 8:30 đến 4h30 chiều (ngừng cho vào lúc 3h40)

Đi Cố Cung lúc nào là đỡ đông nhất?

Mình khuyên là nên đến đây lúc sáng sớm, và hãy là 1 trong số người đầu tiên vào cố cung nhé. Lí do thì càng đi sớm, mình càng được ngắm nhiều và chỉ đơn giản là mình ghét đông đúc thôi.

Nói suy cho cùng, với mình cố cung (Tử Cấm Thành) nó chỉ giống như 1 cái bảo tàng, mà nhưng hơi hối hận vì mình chưa đi toàn bộ cái “bảo tàng” đó. Thực sự hi vọng là được trải nghiệm Cố Cung thêm ở những góc nhìn khác mà rất nhiều recommend:

  • Đi 2 bên, không đi các điện ở trung tâm
  • Leo trên lầu quan sát ở công viên Jingshan để ngắm nhìn toàn cảnh cố cung.

Hẳn là nếu góc nhìn khác thì có thể sẽ đẹp hơn nhiều. Dù sao đây cũng là 1 trong những địa điểm du lịch Trung Quốc nổi tiếng nhất.

Nếu bạn đi Bắc Kinh cùng với các địa điểm khác nhau thì hãy tham khảo kinh nghiệm đi các tỉnh Trung Quốc với mình nehs.

Cửu Trại Câu- Thành Đô

Phương hoàng cổ trấn

Ô trấn

Tô Châu Hàng Châu

Đăng bởi: Nguyễn Thị Thu Thủy

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก