Nhật Bản

Năm tác phẩm của Kawabata Yasunari cho những tín đồ yêu cái đẹp

Trong ba tác gia Nhật Bản đoạt giải Nobel Văn chương danh giá, ngoài Kazuo Ishiguro là người Anh gốc Nhật thì có lẽ, Kawabata Yasunari là tác giả thuần Nhật gần gũi nhất với độc giả Việt Nam. Văn chương của ông đẹp và buồn một cách sâu lắng nên độc giả vừa dễ tiếp nhận, cũng vừa dễ cảm thông; không mang tính cực đoan trong văn của Mishima Yukio sau này. Vậy, nếu bạn là một người yêu văn chương, hay đơn giản hơn, là một người yêu cái đẹp, thì hãy cùng JAPANKURU chìm vào vẻ đẹp thế giới ngôn từ qua năm cuốn sách dưới đây của Kawabata nhé.

1. Hồ

Trước hết, cần phải làm rõ một điều rằng, tiểu thuyết Hồ của Kawabata Yasunari viết vào năm 1954 khác rất xa và không có chút xíu liên hệ nào với tiểu thuyết Hồ của Banana Yoshimoto sau này.

năm tác phẩm của kawabata yasunari cho những tín đồ yêu cái đẹp

*Cre: Bloganchoi

Đó là cuốn sách trước được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Shincho từ tháng 12/1954 và sau đó được nhà xuất bản Shinchosha tập hợp lại in thành sách vào tháng 4/1955. Hồ kể về Gimpei, một gã đàn ông luôn mặc cảm với đôi chân xấu xí. Vì thế, gần trọn cuộc đời, Gimpei luôn khao khát, thậm chí là nảy sinh ham muốn bệnh hoạn tới những cô gái mang vẻ đẹp hắn không sao có được. Và cũng bởi sự bệnh hoạn ấy, Gimpei từ một thầy giáo trở thành một kẻ thất nghiệp sau cuộc tình gian díu với chính học sinh gã. Để hiện tại, gã như càng chìm sâu thêm vào nỗi ẩn ức vô hình mà đi theo những người phụ nữ có đôi bàn chân đẹp trong vô thức.

Được đánh giá là tác phẩm đánh dấu độ chín muồi trong văn nghiệp Kawabata, tiểu thuyết Hồ chuyển tải trọn vẹn tâm thức sáng tạo của ông. Như cách ông xây dựng lên không gian nghệ thuật như tạo tác bằng những dòng tâm trạng đan xen giữa vụn vỡ ở ký ức, nghi ngờ trong hiện tại và vô định nơi tương lai mờ xám. Hay cách ông xây dựng lên hàng loạt các nhân vật, ai cũng có những ẩn ức đau thương về sự sống, cái chết, nỗi cô đơn, niềm đau khổ, tình yêu, dục tính. Hơn cả, đó chính là tâm thức của một thế hệ, một lớp người Nhật Bản, vừa bước ra từ đau thương chiến tranh, đang oằn mình trước vết sẹo chưa lành lẫn biến động thời cuộc.

Không chỉ vậy, Mizuumi – Hồ còn là tác phẩm của phạm trù cái đẹp. Gimpei mang mặc cảm xấu xí chính bởi khát khao cái đẹp. Những người phụ nữ trên trang viết Kawabata nói chung, trang văn của Hồ nói riêng, luôn là những người đẹp. Và câu chữ của Kawabata, luôn đẹp một vẻ đẹp đượm buồn, khắc khoải: “[…] thì tình cảnh của hắn bây giờ thật bi đát, ngay cả tâm hồn hắn cũng rách tả tơi. Đang là một buổi chiều mùa xuân, vậy mà nước mắt chỉ chực ứa ra từ đôi mí suy kiệt như đang ở giữa cơn gió lạnh”, “Gimpei bắt đầu nghe thấy tiếng mưa trên tán lá của hàng ngân hạnh. Tiếng mưa dường như vô cùng nặng hạt, vô cùng ngắt quãng, giống như những hạt mưa đá đã tan chảy một nửa hoặc những hạt nước rớt xuống từ giọt gianh.”

2. Xứ tuyết.

Cũng như nhiều bạn đọc khác, tác phẩm đầu tiên tôi biết tới khi tiếp xúc với Kawabata Yasunari là Xứ tuyết. Nhưng đọc xong Xứ tuyết, phải mất một thời gian rất dài, tôi mới có thể lắng lại cảm xúc sau khi đã hoàn toàn bị choáng ngợp trước ngôn ngữ văn chương quá đỗi đẹp và tinh tế của tác giả.

năm tác phẩm của kawabata yasunari cho những tín đồ yêu cái đẹp

*Cre: Khúc Chung

Nếu xét nội dung, Xứ tuyết là một tác phẩm có cốt truyện hết sức đơn giản: Mối tình vụng trộm kéo dài giữa Shimamura – một lãng tử được thừa kế khối tài sản khổng lồ đủ để anh ta sống đời dư dật, vô lo vô nghĩ – với Komako – một geisha nơi xứ tuyết mà anh thường đến nghỉ ngơi. Tuy nhiên, trong một lần tới lại xứ tuyết như thói quen mọi năm, Shimamura đã gặp gỡ Yoko và từ rung cảm, anh đã xiêu lòng trước cô gái mang vẻ đẹp vừa thơ ơ, vừa đượm buồn man mác ấy. Nhưng cái hay, cái tài của Kawabata là đã biến cốt truyện đơn giản đó thành một thiên tiểu thuyết bất hủ về cái đẹp trong nội tâm con người: Một chàng lãng tử, dành trọn một đời kiếm tìm vẻ đẹp không chỉ ở mặt thể xác, ngoại vi mà còn là nét đẹp thẳm sâu trong tâm hồn. Một cô gái geisha trẻ trung, tài hoa, nhiệt huyết, khao khát yêu, được yêu và được nói lên những cảm xúc mâu thuẫn, giằng xé, thiêu đốt tâm hồn cô. Hay cô gái có tên Yoko mang vẻ đẹp thanh tao, thoát tục nhưng cũng đầy u buồn của người phụ nữ, như Komako nói, có trở ngại về mặt tâm lý. Ba con người, mang ba cá tính đối lập nhưng đều gặp nhau trong nỗi cô đơn, trong tình yêu cái đẹp, tại vùng suối nước nóng tuyết phủ trắng xóa. Tất cả, như một định mệnh của sự giao hợp giữa người và cảnh.

Và nhắc tới chữ “đẹp” ở Xứ tuyết, thật sự không thể bỏ qua những câu văn dịch tỉ mỉ và trau chuốt của dịch giả Lam Anh. Thật sự, nếu bạn yêu văn chương Kawabata, yêu Xứ tuyết, bạn sẽ không thể không yêu những văn dịch như ẩn chứa cả thơ, cả nhạc này: “Nhớ lại cảnh tuyết buổi sớm phản chiếu trong gương hồi mùa đông năm trước, Shimamura nhìn về phía tấm gương, thì thấy trong gương lượn lờ những bông tuyết càng lúc càng phồng to như cánh hoa lạnh giá, tạo thành những vạch trắng xung quanh Komako đang lau vùng gáy trong bộ trang phục có cổ áo bửa rộng”; “Xe sợi trong tuyết, dệt vải trong tuyết, giặt vải trong nguồn nước tuyết tan, rồi phơi vải trên tuyết. từ động tác xe sợi đầu tiên đến công đoạn cuối cùng dệt xong tấm vải, mọi việc đều diễn ra trong tuyết. Trong sách người xưa đã viết rồi, rằng phải có tuyết mới có vải chijimi, hay chijimi là sinh ra nhờ tuyết.”

3. Ngàn cánh hạc.

Ngoài thể hiện cái đẹp đơn thuần, văn chương của Kawabata còn thể hiện những nét văn hóa hết sức đặc trưng của Nhật Bản. Với Hồ là văn hóa thả đom đóm vào lễ hội mùa hè. Với Xứ tuyết là văn hóa dệt vải trong tuyết để tạo ra loại vải đặc trưng chỉ riêng vùng xứ tuyết mới có. Và với Ngàn cánh hạc, đó lại là văn hóa trà đạo, những chén trà thuần khiết được thường thức nơi cửa thiền, qua các giai đoạn như một dạng nghi thức thanh cao.

năm tác phẩm của kawabata yasunari cho những tín đồ yêu cái đẹp

*Cre: Facebook IPM

Nhưng bữa tiệc trà trong thế giới của Ngàn cánh hạc lại mở ra cả một không gian dục tính, của những hư ảo đã xa, của những nỗi buồn lẫn cảm tình mang tính truyền đời, thế hệ. Kikuji,gặp lại tình nhân cũ của cha anh là Chikako Kurimoto để rồi sau tất cả, lại chỉ còn anh và Kurimoto đứng cạnh nhau. Cùng với Kurimoto, Kikuji gặp một người nhân tình cũ khác của cha là bà Ota và đã nảy sinh mối quan hệ xác thịt với bà khi Ota nhận ra bóng hình người tình cũ ở chàng trai trẻ. Kurimoto muốn gán ghép Kikuji với cô gái nhà Inamura – Yukiko song bản thân anh, lại có cảm tình với Fumiko, con gái của bà Ota khi nhận thấy hình ảnh người mẹ ở cô gái trẻ.

Giữa những mâu thuẫn, giằng xé của muôn vàn mối quan hệ tình ái phức tạp trong Ngàn cánh hạc, Kawabata, vẫn như trước, không phán xét, không đứng trên quan điểm luân thường hay đạo lý để quy kết đúng sai. Điều ông hướng tới vẫn luôn là cái đẹp, một vẻ đẹp lạc bước trong sự cô đơn, buồn thảm. Cái chết vẫn hiện hữu trên trang văn Kawabata, mỗi cá nhân đều như đắm mình trong dục tính để cố quên đi những nghiệt ngã của cuộc đời. Nhưng trên tất cả, kể cả ở nơi nhơ nhớp, bẩn thỉu nhất, trước biến động ngày một mạnh mẽ của thời cuộc đang cuốn trôi những giá trị văn hóa tốt đẹp, thì hình ảnh “ngàn cánh hạc” vẫn hiện lên, mang tới bình yên cho Kikuji, và cho cả tâm hồn người văn sĩ vẫn mãi chìm vào niềm đơn độc, lẫn mỗi độc giả, tìm về chữ “mỹ” trong văn chương. “Màn pha trà bài bản, không sai sót. Có thể thấy sự sang trọng toát ra qua tư thế chính xác từ ngực xuống đầu gối. Cành lá non hắt bóng lên tấm cửa lùa sau lưng cô gái, như phản chiếu nhẹ nhàng lên vai và tay áo kimono tươi tắn. Mái tóc cô cũng như đang chiếu sáng lung linh.”

4. Những người đẹp say ngủ.

Được đánh giá là kiệt tác cho thời kỳ sau của văn nghiệp Kawabata Yasunari, Những người đẹp say ngủ mang chất trầm lắng của con người từng trải từ cốt truyện đến cách xây dựng nhân vật. Nhưng dẫu có thay đổi tới đâu, thì luôn có một yếu tố xuyên suốt văn chương Kawabata: vẻ đẹp và sự nâng niu, trân trọng cái đẹp.

năm tác phẩm của kawabata yasunari cho những tín đồ yêu cái đẹp

*Cre: Giới thiệu & review sách Nhã Nam

Khác với các sáng tác thời kỳ trước, nhân vật chính trong Những người đẹp say ngủ (và cả trong những tác phẩm thời kỳ sau) không còn là một chàng lãng tử trẻ trung nào nữa; mà họ đã trở thành những người đàn ông trung niên hay luống tuổi, đang dần bước về phía dốc sau cuộc đời.

Ông lão Eguchi, theo lời giới thiệu của một người bạn, tìm tới ngôi nhà của Những người đẹp say ngủ. Ban đầu chỉ là vì hiếu kỳ, nhưng càng về sau, thời gian ông quay trở lại ngôi nhà này ngày một rút ngắn lại. Đúng với tên Những người đẹp say ngủ, mỗi đêm Eguchi lại ở cùng với một cô gái khác nhau song chưa một lần, cô gái bên cạnh ông tỉnh giấc, họ đã ngủ say dưới tấm chăn, trong trạng thái hoàn toàn khỏa thân. Và từng đêm như thế, quá khứ thanh xuân của Eguchi lại dội về cùng ham muốn thôi thúc mãnh liệt trong Eguchi: được giao tiếp, được đánh thức cô gái hay đơn giản là được ngủ như cô gái bên cạnh. Cho tới ngày, một sự cố xảy ra.

Quả thực, so với vẻ đẹp trong văn chương thời kỳ trước của Kawabata với những Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc hay tác phẩm mang tính giao thời như Hồ thì Những người đẹp say ngủ mang sự lắng sâu của một tâm hồn đã trải qua đủ cung bậc đau khổ một đời người. Vì thế, tính dục trong câu chuyện không quá lộ rõ, mà nó chìm lắng để dấy lên những khao khát mãnh liệt hơn nơi ẩn ức con người: khao khát thấu hiểu, khao khát giao tiếp, khao khát được thể hiện cái tôi, tìm về một chỗ đứng sau tất cả bôn ba của kiếp đời.

Vì thế, câu văn Kawabata, tới đây càng thêm đẹp, sâu sắc và đa nghĩa hơn bao giờ hết: trong cách ông miêu tả vẻ đẹp của từng cô gái để khéo léo gợi lên ký ức vẫn ngủ yên nơi tâm hồn Eguchi; trong từng câu thoại bâng quơ về tiếng động mỗi đêm Eguchi tới khu nhà trọ; hay trong những dòng suy nghĩ nội tâm của một ông lão vẫn chưa mất hẳn bản năng đàn ông như Eguchi: “[…] Eguchi bỗng rơi vào một tâm trạng u buồn chứa lẫn niềm bi cảm. Nhưng trên cả u buồn hay bi cảm là sự ê chề như đã hóa băng của tuổi già. Và rồi, nó chuyển thành nỗi niềm yêu thương dành cho cô gái đang đem đến một cảm giác ấm cúng tươi trẻ”, “Mặt biển nhìn qua ô cửa sổ, những con sóng bạc đầu gần bờ đang lấp lánh trong nắng sáng.”

5. Đẹp và buồn.

Nếu để nói tác phẩm nào thể hiện rõ nhất tuyên ngôn sáng tác của Kawabata Yasunari, có lẽ không thể không nhắc đến Đẹp và buồn. Tựa sách, cũng như gói trọn nét đặc trưng nhất trong văn chương Kawabata: nỗi sầu bi man mác ẩn trong vẻ đẹp nao lòng của con chữ. Thậm chí, Kawabata dường như đã mượn lời nhân vật, để nói tới tuyên ngôn của mình: “không đặt vấn đề đạo lý hay không đạo lý, chỉ một mực đề cao cái đẹp mà thôi.”

năm tác phẩm của kawabata yasunari cho những tín đồ yêu cái đẹp

*Cre: Giới thiệu & review sách Nhã Nam

Cũng như nhiều sáng tác khác của Kawabata Yasunari, Đẹp và buồn có một cốt truyện vô cùng đơn giản: Cuộc ngoại tình giữa Oki với một cô gái Otoko khi đấy mới 16 tuổi đã khiến cô gái mang thai và buộc cô phải phá đi cái thai đó. Sau nỗi đau mất con, gia đình Otoko rời tới Kyoto. Để rồi 20 năm sau, Oki lại tới Kyoto để tìm Otoko như tìm về một cố nhân. Nhưng chính hành động này của ông ta, lại kéo dài thêm bi kịch thế hệ giữa hai người.

Và lần nữa, nếu độc giả chỉ nhìn vào cốt truyện, soi xét mối quan hệ giữa các nhân vật thì sẽ chỉ thấy những xấu xa, ti tiện, hận thù, hèn đớn… của con người. Nhưng nếu thật đắm mình trong tác phẩm, hẳn, bất cứ ai cũng sẽ như quên đi vấn đề “đạo lý hay không đạo lý” mà chìm vào vẻ đẹp câu văn của Kawabata. Mỗi lần ông miêu tả cảnh vật, những địa điểm nổi tiếng của vùng cố đô Kyoto: hồ Biwa, chùa Nisonin, núi Arashi vào mùa xuân, những đồi chè xanh mướt,…: “Oki đứng trên đỉnh đồi say ngắm ráng chiều tím biếc. […] Sắc tím trên bầu trời phía Tây mỗi lúc một loang dần lên cao. Có lẽ sương đang giăng, nhưng màu tím đậm đến nỗi sương trông như mây mỏng. Hoàng hôn tím là cảnh hiếm thấy. Màu nhạt tối dần chuyển sang màu đậm, nhòe nhoẹt như ai cầm cây cọ lướt trên mặt giấy ướt.” Cùng với đó và vẻ đẹp của con người, những người phụ nữ Nhật Bản thập niên 60 của thế kỷ XX, vừa mang nét đẹp truyền thống, vừa mang vẻ đẹp hiện đại: “Thật ra màu áo hơi buồn lại làm khuôn mặt đẹp như hoa của cô gái rực rỡ hơn. Có gì rất trẻ trung trong sự hòa hợp các màu, trong hình thể những con chim, và ngay trong những bông tuyết đang nhảy múa.”

Nhưng đẹp đó mà Kawabata vẫn không giấu nổi nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn khắc khoải trong tâm hồn con người về những bi kịch thế hệ kéo dài từ quá khứ, mãi cho đến hiện tại. Bi kịch tiếp nối bi kịch, mà tạo lên vòng tròn luẩn quẩn như nghiệp vay – trả mà đời người phải gánh trên vai. Tuy nhiên, tả nỗi buồn mà văn chương Kawabata vẫn trau chuốt và đẹp đến lạ: “Chiều xuân ấy đầy sa mù… Và em như trôi bập bềnh trong làn sương mỏng xanh nhạt đang buông xuống khu vườn…”

Có thể bạn sẽ thích:

Không còn là con người, Izumi Kurosawa – Ngẫm về tình thân trong gia đình Nhật Bản

Tạm kết

Nằm trong dòng chảy của văn học hiện đại Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, sáng tác của Kawabata Yasunari vừa mang nét chung khi không nằm ngoài tâm thức của con người nước Nhât thời hậu chiến: chìm vào cuộc khủng hoảng căn cước mạnh mẽ ở tâm hồn. Nhưng tác phẩm của ông, vẫn có thể tạo thành nhánh riêng nơi dòng dòng chảy chung ấy: Chính nhờ chất đẹp và buồn man mác, khắc khoải thấm đẫm trong những câu văn giản dị mà trau chuốt, giàu chất thơ, chất nhạc.

Japankuru Team

Đăng bởi: Thư Hoàng

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก