Khám Phá

Nghệ thuật và kỹ thuật Chăm

Hướng tới Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đồng bào Chăm lần thứ V – Phú Yên năm 2019.   – Hội họa: Căn cứ vào những mô típ điêu khắc Chăm trên các bệ thờ và các trang trí chân tháp, tường và cửa tháp, chúng ta có thể hình dung được nền hội hoạ của Champa trước đây cũng thuộc mảng nghệ thuật phát triển khá cao. Hôm nay, người Chăm chỉ còn giữ lại được qua những đám đình và lễ nghi tôn giáo, hai mô típ hội họa sau: Một là  paning, loại màn vẽ tranh trang trí sinh hoạt xã hội hay đồng áng rất sinh động mang nặng nhân sinh quan Chăm. Bức tranh có nhiều sắc và đường nét rất đặc trưng Chăm để sử dụng làm “phông” trong các lễ Rija. Bức Ciim hơng một loại tranh đặc biệt dùng trong đám tang của người Chăm theo Bàlamôn. Ngoài ra chúng ta lấy làm thích thú được chiêm ngưỡng các bức tranh sơn dầu của họa sĩ kiêm điêu khắc gia dân tộc Chăm Đàng Năng Thọ đã có dịp trưng bày tại Hà Nội. Qua các mảng màu rực rỡ và mạnh mẽ trên các tác phẩm của anh, người ta nhận ra những dấu ấn rõ nét của hội họa Champa xa xưa. Gần đây, nữ họa sĩ Chế Kim Trung cũng có những tác phẩm rất độc đáo mang đậm nét bản sắc dân tộc đoạt vài giải thưởng khu vực.
 

nghệ thuật và kỹ thuật chăm
Bảo tàng điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng   – Về điêu khắc: Viện bảo tàng tại thành phố Đà Nẵng (Viện bảo tàng Parmentier), nay mang tên “Viện Bảo tàng mĩ thuật điêu khắc Chăm”. Tham quan Viện Bảo tàng này, chúng ta thán phục những đường nét điêu khắc thật tinh vi, sắc sảo của hàng trăm bức tượng cổ Champa từ thế kỉ thứ VII đến thế kỉ thứ XIV: Bò Thần Kapil nằm gác cửa Viện như bò thật, tượng vũ nữ Apsara, uyển chuyển, duyên dáng, thần kì khiến người ta liên tưởng đến La Joconde!… Các tác phẩm điêu khắc được thể hiện trên đá mà không khô cứng, lạnh lùng, trái lại rất sinh động, mỗi phong cách điêu khắc có một vẻ đẹp khác nhau thể hiện được bản sắc dân tộc và tài năng của người nghệ sĩ. Ông Kazik, kiến trúc sư BaLan, trưởng đoàn trùng tu cụm tháp Mỹ Sơn, vì quá say mê kỹ thuật kiến trúc và mĩ thuật điêu khắc Chăm mà không tiếc lời ca ngợi và đánh giá rằng: “Người Champa là bậc thầy về mĩ thuật điêu khắc trên đá”.   – Kiến trúc: Qua những di tích đền đài mà người Chăm để lại dọc dãy đất miền Trung Việt Nam, các nhà nghiên cứu đánh giá là người Chăm đã đạt tới trình độ cao về nghệ thuật kiến trúc. Vào thế kỉ thứ VII, người Chăm đã biết xây tháp mà hôm nay những nhà khoa học trên thế giới vẫn thán phục và đặt nhiều câu hỏi xung quanh nghệ thuật kiến trúc này. Trước hết là về vật lý: tại sao, vào thời điểm chưa có công thức của Newton mà người Chăm lại xây được tháp khá đồ sộ mà không bị lún hay lệch? Họ đã sử dụng công thức vật lý nào khác? Về hóa học các tháp được xây bằng gạch nung chín nhưng không vữa để làm chất kết dính, như thế thì người Chăm đã dùng chất gì thay thế? Về kỹ thuật, những viên gạch được đúc với kỹ thuật cao: rất trơn láng, rắn chắc, và đặc biệt là chống được sự bào mòn của gió biển (mang chất muối mặn). Đó là một kỹ thuật đặc sắc mà hôm nay chúng ta vẫn chưa tìm ra cách đúc viên gạch chịu đựng được hàng thế kỉ đối với thời tiết khắc nghiệt của duyên hải miền Trung. Về nghệ thuật xây tháp, các tháp Chăm được đánh giá ngang hàng với các di tích Angkor của Campuchia hay các đền tháp khác của Đông Nam Á.   – Thuỷ lợi: Hiện nay tại những cánh đồng Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết hãy còn dấu vết một hệ thống thủy lợi rất hoàn chỉnh, chứng tỏ người Chăm hiểu biết rất nhiều điều về kỹ thuật thủy lợi nói riêng và kỹ thuật nông nghiệp nói chung. Tại Ninh Thuận, người ta vẫn nhắc tới hệ thống thủy lợi Mương Đực, Mương Cái Chăm cũng như đập Nha Trinh nổi tiếng (Banơk Cakling). Đập Marên và đập Katew vẫn còn phát huy tác dụng. Ở Phú Yên, nơi có đồng lúa nước rộng nhất miền Trung, người xưa đã để lại một hệ thống thủy lợi của đập đồng Cam (tức đập đồng Chàm) đồ sộ nhất lúc bấy giờ. Hệ thống thuỷ lợi tại xứ Panduranga cũ là do PoKlaung Girai (thế kỉ XII) và Po Rome (thế kỉ XVII) để lại được các nhà khoa học hôm nay đánh giá rất cao: Trong lúc khoa học thủy lợi còn rất lạc hậu, người Chăm vẫn có cách riêng để đo được độ cao – thấp của các loại địa hình hầu đào mương dẫn nước một cách suôn sẻ đáng thán phục!
 
nghệ thuật và kỹ thuật chăm
Nghề dệt của người Chăm ở An Giang – Về nghề thủ công và dệt: Từ xa xưa và ngay ở thập kỉ 40 của thế kỉ trước, người Chăm đã quen sống tự cung cấp. Trong thời kì kinh tế khó khăn của thời chiến chống Pháp 1945 – 1954, người Chăm tự trồng bông vải để làm ra đủ sợi dệt ra vải hầu phục vụ cho may mặc. Về các vật dụng, người Chăm tỏ ra rất kỹ xảo và khéo léo trong việc bện thừng và dây thuyền, đan chiếu bằng lá dừa. Những vật dụng thông thường như thúng, mủng, gùi, chiết các loại, người Chăm vẫn tự làm, và làm một cách mĩ thuật.   Ngày nay những sản phẩm dệt (hàng thổ cẩm) của phụ nữ Chăm palei Caklaing thuộc tỉnh Ninh Thuận gồm đủ loại để phục vụ cho đám đình, phong tục và tiêu dùng như: Khăn, dằn, khăn bàn, jih dalah, vv… có đủ thứ hoa văn, đan xen đủ màu sắc được giới tiêu thụ trong và ngoài nước đánh giá là có thẩm mĩ cao. Ngoài ra phải ghi nhận những sản phẩm thêu thùa để xuất khẩu của người Chăm Châu Đốc cũng rất mĩ thuật được người nước ngoài rất ưa chuộng.
  – Về nghề kim hoàn: Nghề kim hoàn là một nghề rất phát triển và từ rất sớm ở xứ Champa cổ. Như vậy, chúng ta đã biết được là vào thế kỉ thứ V nghề kim hoàn của Champa  đã phát triển rực rỡ. Qua sử liệu và bia kí, vào những thế kỉ tiếp theo, nghề kim hoàn càng phát triển mạnh và có tầm quan trọng đặc biệt qua chủ trương đối ngoại, đối nội, phục vụ cho vương quyền, thần quyền Champa…Chăm là những thợ thủ công rất giỏi về nghệ thuật đúc tượng và làm đồ dùng bằng kim loại quý. Họ dát vàng và bạc thành những hộp đựng trầu cau, bình đựng vôi, đựng xương, những bình đựng nước, những chuôi kiếm hay dao găm… “họ gõ, dọt rồi chạm gọt những hình trang trí lộng lẫy thể hiện vẩy cá, hoa lá, thú vật kì dị được ít nhiều cách điệu hóa. Họ nạm kim cương, ngọc hồng, ngọc vàng, ngọc lam, ngọc trai, xếp đặt thành mũ miện, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, và những vòng trang sức khác mà ta chỉ biết tên mà thôi”. Y.T Theo Báo Du lịch

Đăng bởi: Hưng Trương

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก