Nhật Bản

Những bộ phim của Shinkai Makoto nên xem trong dịp “ở nhà một mình”

Trong những ngày “ở nhà cũng là yêu nước” thì đọc sách hay xem phim trở thành hoạt động được nhiều người lựa chọn để tranh thủ quãng thời gian nghỉ ngơi dài sau bao ngày học tập, làm việc miệt mài. Nhưng, đọc gì, xem gì đây? Vậy, nếu bạn vẫn đang băn khoăn với câu hỏi này thì hãy cùng Japankuru, điểm qua những bộ phim của Shinkai Makoto để xem trong những ngày codonqua ta “ở nhà một mình” này nhé.

những bộ phim của shinkai makoto nên xem trong dịp “ở nhà một mình”

*Cre: Moveek

  1. Tenki no Ko.

những bộ phim của shinkai makoto nên xem trong dịp “ở nhà một mình”

*Cre: Lostbird

Có lẽ, chẳng gì hợp lý hơn khi tiết trời đã vào giữa tháng 4 mà vẫn còn xuất hiện những cơn mưa lây rây, trời chuyển lạnh sâu, buốt giá; chúng ta cùng xem lại bộ phim Tenki no Ko – Đứa con của thời tiết và cùng cầu ngày nắng bừng lên để xua đi virus Corona.

Tenki no Ko, bộ phim mới nhất của Shinkai Makoto, khởi chiếu vào ngày 30 tháng 8 năm 2019 là câu chuyện về Tokyo, thành phố của những cơn mưa mãi không dứt. Đã có rất nhiều người cùng nhau cầu nguyện nhưng mưa vẫn rơi hết ngày này sang ngày khác. Trong bối cảnh đó, Morishima Hotaka, một thiếu niên 16 tuổi, do chán ngấy cuộc sống hiện tại ở miền quê hẻo lánh, đã quyết định bỏ nhà lên Tokyo, như tìm tới miền đất hứa. Nhưng đến Tokyo rồi, sức ép cơm áo gạo tiền lẫn sự cô đơn bủa vây liền đổ dồn lên Hotaka.

Trong hoàn cảnh đấy, Hotaka nhận lời viết bài cho một tạp chí chuyên về các chuyện huyền bí và những cơn mưa không ngừng ở Tokyo trở thành đề tài để cậu tìm hiểu, viết bài. Quá trình làm việc thu thập tin tức, Hotaka gặp gỡ một cô gái tên Amano Hina. Hina có khả năng đặc biệt: từ lời cầu nguyện của cô, thời tiết có thể chuyển mưa thành nắng. Nhưng rồi, khả năng này của Hina có thực mang lại hạnh phúc hay sẽ kéo đến tai ương cho cô và mối quan hệ mới chớm nở giữa cô và Hotaka?

Bộ phim dài 111 phút, thể hiện rất rõ phong cách làm phim cũng như lối mòn tư duy nghệ thuật của Shinkai Makoto vào thời điểm hiện tại: Cốt truyện xoay quanh chuyện tình “tuổi teen” giữa các nhân vật chính vẫn là những cô bé, cậu bé độ tuổi vị thành niên. Tình tiết đơn giản, không có quá nhiều yếu tố bất ngờ. Điểm đặc sắc nhất xuyên suốt thời lượng của tác phẩm là những cảnh phim đẹp, hoành tráng, bắt mắt như mỗi lúc Hina cầu nắng lên hay trường đoạn Hodaka gặp lại Hina. Cùng với đó là âm nhạc lôi cuốn, như cuốn đi theo cảm xúc khán giả.  Vì thế, trong quá trình công chiếu, Tenki no ko nhận về vô vàn ý kiến trái chiều.

Tuy nhiên, đến cuối cùng, đây vẫn là một tác phẩm đẹp trong từng hình ảnh về một nước Nhật vừa hiện đại, vừa cổ kính. Hiện đại trong sự phát triển của thành phố Tokyo hiện lên như miền đất đầy hứa hẹn; cổ kính trong những tạo vật truyền thống: cánh cổng Torri, những khung bậc đá phủ đầy rêu phong, những câu chuyện thần thoại vẫn lưu truyền từ bao đời. Một tác phẩm đẹp trong tư tưởng về khát vọng tự do lẫn trách nhiệm của tuổi trẻ. “Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” (Thơ Xuân Diệu), vậy sao, ta mãi phải sống đời nhàm chán, sao không dám tiến bước theo đuổi ước mơ, theo đuổi tình yêu đích thực. Đồng thời, Tenki no Ko còn ẩn chứa thông điệp về việc bảo vệ môi trường và khích lệ lớp trẻ gìn giữ, tìm về cội nguồn những nét văn hóa truyền thống của đất nước.

Và trước biến động toàn cầu của đại dịch SARS Covid-2, giá trị thông điệp qua từng cảnh phim của Tenki no Ko lại càng thêm ý nghĩa.

  1. Kanojo to Kanojo no Neko (1999).

những bộ phim của shinkai makoto nên xem trong dịp “ở nhà một mình”

*Cre: Kanpai

Nếu như Tenki no Ko là tác phẩm mới nhất của Shinkai Makoto tính tới thời điểm hiện tại thì Kanojo to Kanojo no Neko – Nàng và con mèo của nàng (1999) lại là một trong những tác phẩm đầu tay của vị đạo diễn tài ba này. Nếu bạn muốn tìm về một Shinkai Makoto với phong cách làm phim rất khác bây giờ: ngắn gọn, giản dị mà súc tích, ẩn ý thì Kanojo to Kanojo no Neko chính là đáp án bạn cần tìm.

Bộ phim với thời lượng gói gọn trong 5 phút là câu chuyện về Nàng – một cô gái sống độc thân, vào ngày mưa nọ đã đưa về nhà một chú mèo con, đặt tên là Chobi. Và câu chuyện, được kể từ góc nhìn, bằng chính giọng kể của chú mèo ấy về cuộc sống thường ngày của hai người trong quãng thời gian một năm Chobi sống cùng Nàng.

Cả thước phim là một màu đen trắng, cốt truyện cũng đơn giản, chỉ là những lời tự sự của chú mèo Chobi về quãng thời gian chảy trôi theo chiều tuyến tính của cuộc sống giữa chú ta và người con gái chú gọi là Nàng mà thôi. Nhưng chính sự tối giản trong cách kể, trong từng sự vật xuất hiện trên từng khung hình mà lại làm nên một Kanojo to Kanojo no Neko đẹp như một bức tranh thủy mặc được vẽ bằng nghệ thuật vẽ mây nảy trăng, lời ít mà ý nhiều.

Nàng là nhân vật chính nhưng không một lần lộ mặt. Mọi vật dụng Nàng dùng tất cả chỉ là duy nhất: nuôi một chú mèo, trong căn nhà có một chiếc ô, một chiếc điện thoại, một chiếc ghế,… Tất cả như gợi lên nỗi cô đơn, trống trải trong không gian, cũng như tâm hồn con người. Nàng, là chủ của chú mèo Chobi, nhưng Nàng (một đại từ mang nghĩa phiếm chỉ) cũng có thể là bất cứ ai. Nàng, chính như đại diện cho cả một thế hệ, cả một lớp người Nhật Bản vào phút giao thời: Cô đơn, đơn độc giữa vòng xoáy cuộc đời, cứ thế cuốn con người đi mãi không ngừng. Nhưng dẫu chìm trong nỗi cô đơn, thì người ta, vẫn luôn hướng đến ngày mai, bằng một trái tim khắc khoải yêu thương và hi vọng.

Một tác phẩm nhẹ nhàng, sâu lắng, đậm chất tình và chất đời như Kanojo to Kanojo no Neko (1999), hẳn sẽ như một tách cà phê sữa, sưởi ấm tâm hồn người xem, trong những ngày codonqua này.

  1. 5cm/s

những bộ phim của shinkai makoto nên xem trong dịp “ở nhà một mình”

*Cre: Chuuni Otaku

Ai đó từng nhận định rằng, khi ở một mình quá lâu hay có thật nhiều thời gian rảnh rỗi, con người thường có xu hướng hoài niệm quá khứ về những người đã mãi trở thành kỉ niệm nơi thẳm sâu ký ức. Vậy, nếu bạn đã tiến tới tâm trạng này, thì 5cm/s chính là tác phẩm hợp hoàn cảnh cùng bạn đồng hành nhớ về “cố nhân”, một người ta đã từng thương, mà nay như lạc bước.

Có thể nói, 5cm/s chính là bộ phim đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ nhất trong tư duy nghệ thuật của Shinkai Makoto, cả về cách ông xây dựng kịch bản lẫn tạo dựng đồ họa.

Trước tiên, về kịch bản, 5cm/s là câu chuyện trải dài theo sự phát triển của một con người, Toono Takaki, từ những năm 90 của thế kỷ XX cho tới hiện tại. Thời tiểu học, Takaki gặp gỡ và trở thành bạn thân với cô bạn cùng lớp Shinohara Akira. Khi tốt nghiệp, Akira chuyển tới Tochigi, những lá thư trở thành phương tiện liên lạc giữa hai người bạn. Cho tới lúc, Takaki biết sắp phải chuyển tới Kagoshima, cậu quyết định tự mình đến gặp Akira. Mặc dù đường đi trắc trở, tàu của Takaki bị trì hoãn nhiều lần do bão tuyết khiến cậu tới Tochigi rất muộn thì Akira vẫn ở đó đợi chờ. Hai người ở cả đêm bên nhau, trao nhau nụ hôn đầu tiên, và khi ấy, Takaki nhận ra, có lẽ, chẳng bao giờ hai người có thể gặp lại. Lá thư Akira mang theo, cô bé đã chẳng đủ dũng khí, trao cho cậu bạn thân vào giây phút hai người chia tay.

Thời gian chảy trôi, mỗi năm qua đi nhưng mối tình thơ ấu và bóng hình Akira, chưa một lần thôi khiến tâm trí Takaki khắc khoải. Cậu vẫn thường nhìn vào điện thoại, soạn những tin nhắn mà chẳng thể gửi đi. Để cho, người con gái từng yêu thầm cậu, chỉ có thể ở bên cậu mà dõi theo vì biết rằng, điều Takaki muốn nắm lấy, như  không nằm ở thực tại. Để cho, đến khi tốt nghiệp đi làm, thậm chí có người yêu, nỗi nhớ vô hình vẫn không ngừng thiêu đốt tâm trí Takaki khiến mối tình giữa cậu và bạn gái tan vỡ, và bản thân cậu đã phải xin nghỉ việc vì suy sụp.

Trong một lần, giữa những bước đi vô định trên đường, Takaki lướt qua một người con gái. Linh tính như mách bảo, cậu quay người lại nhưng xe lửa chạy ngang đã chắn tầm nhìn hai người. Tới khi xe lửa đi qua, người con gái kia đã đi mất, chỉ còn lại những cánh hoa anh đào, bay trong gió.

Cả câu chuyện, là một phần cuộc đời của Takaki, được kể theo trình tự thời gian. Nhưng cách dựng phim của Shinkai Makoto khi đan xen những mảng thời gian giữa hiện thực – quá khứ cùng các khoảng trắng vô tận trong mối quan hệ giữa các nhân vật đã tạo nên những phân cảnh phim đầy ám ảnh. Những tình cảm chôn sâu không thể nói, những cảm xúc mong manh, vô hình của Akari khi nhìn vào bức thư chưa gửi, của Takaki khi nhìn vào điện thoại hay của cô bạn thời trung học đã lặng thầm theo dõi Takaki… tất cả hiện lên, xoáy sâu vào lòng khán giả. Phim của Shinkai Makoto, chỉ khi lời ít và sử dụng tối đa lợi thế của mặt ngôn ngữ hình ảnh, mới khơi dậy được tình cảm mãnh liệt của người xem và chạm với sâu thẳm tâm thức con người.

Đặc biệt, cảnh phim cuối, vốn thường được tạo để “gỡ nút” cho vấn đề được nêu trước đấy lại trở thành cao trào đẩy cảm xúc người xem lên đỉnh điểm: trong khoảnh khắc đoàn tàu chạy qua, ký ức ùa về tạo lên nút giao tâm tưởng giữa hai con người đã từng khắc khoải đợi chờ, mong ngóng, giữa những yêu thương đã mãi là dang dở.

Con đường tàu chạy, hoa anh đào bay rợp trời tạo lên những khung hình đầy chất thơ mà cũng đầy đau đớn. Con tàu kia, như đường chân trời Takaki chẳng thể bước qua; như quá khứ, đã mãi là dĩ vãng đi về nơi xa ngái. Con tàu ấy đã tạo lên kết cấu đầu cuối tương ứng cho tác phẩm. Mở ra câu chuyện đầy ngang trái, khắc khoải giữa Takaki – Akari và xuất hiện cuối phim, để đóng lại đau thương kí ức, để con người, có thể nhìn về tương lai. Còn vận tốc rơi của hoa anh đào là 5cm/s, cũng như cách ta lặng lẽ bước qua đời nhau, chẳng để lại gì ngoài những vụn vỡ, hoài vọng. Cũng như kỉ niệm, cứ lặng lẽ rơi, thấm dần vào miền vô thức.

Tôi vẫn nhớ, đã từng có những so sánh đặt 5cm/s của Shinkai Makoto bên cạnh Rừng Na Uy hay Phía Nam biên giới, phía Tây măt trời của Haruki Murakami để thấy tâm thức chung của con người Nhật Bản thời hiện đại: Vẫn luôn sống trong những ẩn ức cô đơn, hoài tiếc về một thời quá vãng, về những con người, đã mãi là ký ức mờ xa.

Và đây, hẳn cũng là tâm thức chung của tôi, bạn, của những con người sống thời hiện đại. Ai đó đã từng nói rằng: “Có thể bạn chỉ mất một phút để say mê một người, một giờ để thích một người và một ngày để yêu một người, nhưng phải mất cả một đời để quên được một người.” Quên đi ai đó đã đểl ại vết hằn sâu trong ký ức là điều dường như không thể. Chỉ là, ta lựa chọn để đối mặt với quá khứ ra sao mà thôi.

Vì thế, trước sự dày dặn về mặt nội dung khi tạo lên những cá nhân điển hình cho ẩn ức cả mộ thế hệ, sự sâu sắc về mặt ngôn ngữ điện ảnh, 5cm/s, vẫn luôn là đỉnh cao sự nghiệp của Shinkai Makoto trong lòng tôi.

  1. Kotonoha no Niwa

những bộ phim của shinkai makoto nên xem trong dịp “ở nhà một mình”

*Cre: Spiderum

Vào những ngày mưa, Akizuki Takao, một học sinh 15 tuổi nuôi ước mơ trở thành thợ đóng giày, thường trốn học tiết đầu, tới một khu vườn kiểu Nhật để phác thảo lên những mẫu giày. Ngày nọ, Takao tới khu vườn quen thuộc, cậu tình cờ gặp một phụ nữ ra dáng nhân viên công sở, ngồi uống bia một mình và lặng ngắm mưa rơi. Hai người không nói với nhau lời nào, nhưng khi từ biệt, người phụ nữ ấy đã cất tiếng đọc một bài thơ tanka làm Takao cảm thấy bối rối, khó hiểu. Họ cứ liên tục gặp nhau trong những ngày mưa như thế và dần trở nên thân thiết. Và, Takao đã không biết rằng, người phụ nữ đó là Yukino Yukari, giáo viên môn Văn học cổ điển ở trường của cậu, cho tới ngày, hai người chạm mặt nhau ở trường rồi Takao biết được, những nỗi đau khổ mà Yukari phải chịu đựng…

Bối cảnh đó, đã mở ra mối tình đầy ngang trái giữa cậu học trò 15 tuổi Takao với cô giáo Yukari đó trong bộ phim Kotonoha no Niwa – Khu vườn ngôn từ. 46 phút của phim, là đầy ắp những suy tư, nỗi niềm của hai con người: một chàng trai trẻ ấp ủ khao khát tự do gửi gắm vào giấc mộng chưa thành, một cô gái đang dần chìm vào niềm đơn côi, u uất của thăng trầm cuộc sống. Hai mảnh đời, hai tâm hồn đồng điệu ở sự cô đơn nhưng khác nhau ở cách họ đối diện trước đau thương của cuộc đời. Họ đã vô tình lạc bước, tìm đến nhau trong một khu vườn truyền thống, trải lòng với nhau qua những lời thơ cổ truyền. Khu vườn ngôn từ, bởi thế, không chỉ là thước phim tiếp tục đánh dấu phong cách làm phim của Shinkai Makoto khi tạo dựng lên những cảnh phim đầy chất thơ, chất nhạc mà còn thể hiện việc ông đã tinh tế trong miêu tả tâm lý con người hiện đại, đồng thời, gửi gắm những giá trị truyền thống của Nhật Bản qua ngôn ngữ điện ảnh như thế nào.

Và, xem Khu vườn ngôn từ, lắng nghe những vần thơ vang vọng, liệu những tâm hồn đang “nản chí” vì phải “ở nhà một mình”, có ai muốn tìm lại những vần thơ cổ truyền, du dương của dân tộc Việt Nam, để tìm tòi, học hỏi mà từ đó trân trọng và gìn giữ chăng?

Tạm kết

Trong thời điểm không có nhiều lựa chọn cho hoạt động vui chơi giải trí, thì ở nhà và xem lại những thước phim của Shinkai Makoto, cũng là một cách để ta xây dựng, nuôi dưỡng thêm cho bản thân một tâm hồn đẹp. Nhưng, nếu đại dịch Covid 19 vẫn buộc ta phải cách ly, thì không chừng, sau những ngày thực hiện giãn cách, câu đầu tiên lúc ta gặp không không phải là câu hỏi: “Lâu quá không gặp?” mà chính là câu hỏi: “Kimi no Nawa – Tên cậu là gì?”.

(còn tiếp)

Mọt

Đăng bởi: Mạnh Hùng Trần

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก