Khám Phá Trải Nghiệm

Rong ruổi sông nước Trà Sư

Tôi yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên vẻ đẹp hoang dã và sông nước thơ mộng của Trà Sư khi tình cờ xem được bài báo cách đây vài năm. Đi theo tiếng gọi con tim, tôi tìm về với rừng tràm Trà Sư vào những ngày đầu tháng chín, cũng là thời điểm đầu mùa nước nổi đẹp nhất trong năm.

rong ruổi sông nước trà sư

Với diện tích trên 845 ha, hệ thống cây tràm được trồng phủ xanh chiếm hơn 80% đóng vai trò vô cùng quan trọng cho hệ sinh thái rừng.

Từ trung tâm thành phố Châu Đốc, trên chiếc xe máy bon bon trên cung đường đến rừng tràm cách 22km, chúng tôi thi thoảng bắt gặp những cánh đồng lúa xanh mướt với hàng cây thốt nốt mọc giữa ruộng đặc trưng ở An Giang. Chưa đầy 45 phút sau, chúng tôi đã tới được địa điểm trong mơ.

Hoàn tất thủ tục mua vé vào cổng và thả bộ qua một đoạn cầu tre với thảm lục bình mọc chen chúc phía dưới. Không nán chân lại quá lâu, bởi ai cũng muốn nhanh chóng đến bến thuyền, nơi bắt đầu chuyến hành trình khám phá những bí ẩn của Trà Sư.

Chẳng phải lần đầu đi thuyền, nhưng tôi không kiềm được phấn khích khi chiếc xuồng gắn động cơ mà người dân ở đây gọi là tắc ráng khởi động. Âm thanh vang lên như tiếng còi báo hiệu với khu rừng ngập mặn có những người bạn phương xa ghé thăm. Từ bến thoáng đãng, xuồng rẽ vào con rạch nhỏ với nhiều cây tràm mọc dưới nước cao ngất ngưỡng đan vào nhau như mái vòm che mát cho du khách.

rong ruổi sông nước trà sư
rong ruổi sông nước trà sư

Sau khi qua khỏi “mái vòm tràm”, chúng tôi được các chị mặc trang phục áo bà ba, đội nón lá truyền thống Nam Bộ đón và đổi sang chiếc xuồng nhỏ hơn được chèo bằng tay. Tiếp tục tiến sâu bên trong để đến với những khu vực đẹp nhất của rừng tràm, ngôi nhà sinh sống ôn hòa của hơn 70 loài chim và 140 giống thực vật, chưa kể nhiều loại cá và động vật khác.

Chiếc xuồng nhẹ nhàng lướt qua thảm bèo tấm xanh mơn mởn phủ kín cả mặt nước. Thời điểm tháng 7 đến tháng 11 là lúc nước lũ về mang theo nguồn dinh dưỡng và thức ăn phong phú thu hút nhiều loài chim về làm tổ và kiếm ăn ngay trên các cây tràm. Chính vì thế, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh một vài chú cò đang đứng tám chuyện gần đó. Hay ba bốn chị trích cồ và anh cồng cộc đứng rải rác kiếm ăn trên mặt nước. Anh chị lái xuồng giới thiệu tên cụ thể của từng loài chim xuất hiện trong tầm mắt, vài loài lần đầu chúng tôi được chiêm ngưỡng bằng mắt.

Không gian yên tĩnh bốn bề, chỉ nghe tiếng dầm khua con nước từng nhịp, và tiếng chim xa xa vọng lại. Thời khắc đó, ai cũng im lặng quan sát những thước phim sống động khi thuyền lướt qua, thu lại trong tầm mắt sự bình dị và gần gũi của thiên nhiên đặc trưng rừng ngập mặn ở vùng Tây sông Hậu Giang.

rong ruổi sông nước trà sư
rong ruổi sông nước trà sư

Thật khó lòng tin đây từng là vùng trũng hoang bị nhiễm phèn nặng, rồi sau đó được trồng tràm thử nghiệm để góp phần cải tạo đất và ngăn lũ đầu nguồn. Mãi đến năm 2003, nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên và kinh tế của khu vực này, chính quyền tỉnh An Giang đã thành lập khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư và phát triển thành khu du lịch sinh thái như ngày nay.

Bên cạnh trải nghiệm độc đáo bằng xuồng, trên đường trở ra, chúng tôi ghé Vọng gác – đài quan sát với độ cao đủ để bạn phóng tầm mắt và chiêm ngưỡng sự bao la của khu sinh thái. Nếu may mắn qua kính viễn vọng được lắp đặt sẵn, bạn có thể thấy được một số loài chim đang đậu lấp ló sau những lùm cây tít xa nữa đấy. Nếu muốn, bạn có thể ăn trưa tại đây với các món ăn đặc trưng của miền Tây như lẩu cá linh bông điên điển, cá lóc nướng trui, gà đốt lá trúc, v.v… . Đặc biệt, cây “Cầu Tre Vạn Bước” dài nhất Việt Nam hoàn thành năm 2020 hứa hẹn góp phần cho chuyến đi Trà Sư thêm phần ấn tượng và đáng nhớ.

rong ruổi sông nước trà sư

Tôi luôn tin rằng thiên nhiên luôn là liều thuốc chữa lành những tổn thương tinh thần một cách kỳ diệu nhất. Hy vọng Trà Sư luôn giữ được nét bình dị hoang dã riêng vốn có để không chỉ là ngôi nhà của muôn loài động thực vật mà còn là nơi chữa lành và truyền nguồn năng lượng tích cực đến những trái tim yêu thiên nhiên.

Địa chỉ: Ấp Văn Trà, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Thời gian đón khách: 7:00 -18:00 từ thứ Hai đến Chủ nhật.

Writer: Trần Thảo

Photo: Internet

Đăng bởi: Tiến Nguyễn Thịnh

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก