Khám Phá

Thời sự văn hóa du lịch

Những ngày vừa qua, chuyện du khách bị “chặt chém” trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 được đăng tải tràn ngập trên các báo, nhất là các trang mạng, đã khiến dư luận bức xúc, lo ngại. Đã có không ít thông tin “tố khổ” về tình trạng giá cả các loại dịch vụ du lịch ở hầu khắp các điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam đồng loạt tăng cao trong mấy ngày nghỉ lễ. Nào là giá phòng nghỉ, giá hải sản ở bãi biển Nhật Lệ (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) tăng 15-20% so với thời điểm trước nghỉ lễ. Nào là giá thuê phòng ở bãi biển Quất Lâm, Hải Thịnh (tỉnh Nam Định), Vũng Tàu… đắt gấp đôi; rồi phí trông xe ở Khu du lịch Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) cũng tăng gấp mấy ngày thường…

thời sự văn hóa du lịch
Điển hình là giá giữ xe ở Khu du lịch Bãi Cháy (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) tăng một cách vô tội vạ: 50.000 đồng/xe máy, 100.000 đồng một lượt gửi ô tô! Và như lệ thường, lĩnh vực dịch vụ vận chuyển cũng không bỏ lỡ cơ hội “hành” khách. Nhiều nhà xe tự ý đẩy giá vé lên trên dưới hai lần so với niêm yết trước đó. Cụ thể, xe từ TP Ninh Bình đi Hà Nội tăng từ 55.000 đồng lên 120.000 đồng/người/vé, xe Thái Bình đi Hà Nội từ 60.000 đồng tăng lên 100.000 đồng, Nam Định đi Hà Nội từ 50.000 đồng tăng lên 100.000 đồng/người/vé… Ngoài ra là nạn chạy xe lòng vòng, “bán” khách… Chuyện khó chịu như thế làm người dân ngao ngán liên tưởng tới mấy câu ám chỉ khá quen thuộc, đại loại như “làm một mùa, ăn cả năm”, hay “mài dao chín tháng…”! Đáng lo ngại ở chỗ, tình trạng trên diễn ra khi dư vị buồn của những hành vi ứng xử thiếu văn hóa với du khách nước ngoài xảy ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… thời điểm trước kỳ nghỉ lễ vẫn còn nguyên tính thời sự. Thực ra tình trạng đeo bám, chèo kéo, “chặt chém” du khách (bất kể đó là “tây” hay “ta”), không phải mới mẻ gì mà từ lâu đã là chuyện “biết rồi, nói mãi” ở nước ta. Tuy nhiên, với số lượng vụ việc đang ngày càng gia tăng, vi phạm ngày càng công khai, trắng trợn, có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào (chứ không chỉ vào dịp nghỉ lễ), đồng thời trải trên diện rộng từ Bắc chí Nam… nếu nhìn nhận chuyện này như là “con sâu bỏ rầu nồi canh” e sẽ thiếu chính xác, có phần ngụy biện. Thực tế cho thấy tình trạng “bắt chẹt” khách du lịch, từ dịch vụ vận chuyển, đi lại cho tới bữa ăn hay giá phòng – tóm lại là gần như tất tật những khâu dịch vụ liên quan – đã trở nên phổ biến trong nhiều năm gần đây, được xem như một thứ dịch bệnh kinh niên trong ngành “công nghiệp không khói” của Việt Nam.
thời sự văn hóa du lịch
Nạn “chặt chém”, ép giá đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế xã hội nói chung và ngành du lịch nước nhà nói riêng. Không chỉ gây thiệt hại về doanh thu, mà cung cách làm du lịch kiểu “chụp giật” như vậy đã làm xấu đi hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Càng nghiêm trọng hơn khi những chuyện “chướng tai, gai mắt” đó lại liên tục tái diễn đúng vào thời điểm bắt đầu mùa cao điểm của Năm Du lịch Đồng bằng sông Hồng 2013! Bởi vậy, việc dư luận đã có không ít ý kiến, trong đó có cả đánh giá của “người trong cuộc”, khẳng định rằng tình trạng “chặt chém” du khách là… “quốc nạn” cũng chẳng phải quá lời! Tuy nhiên, ngoài nạn chặt chém, ép giá, hoạt động du lịch ở nước ta lâu nay còn tồn tại không ít yếu kém, bất cập khác. Đó là hệ thống cơ sở hạ tầng ở nhiều địa phương còn yếu và thiếu, chưa được đầu tư xứng với tiềm năng, cung chưa đáp ứng được cầu, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, sản phẩm du lịch đơn điệu, thiếu bản sắc, không tạo ra được sự khác biệt… Trên các diễn đàn thỉnh thoảng lại bắt gặp những lời bình than phiền về tình trạng phòng nghỉ ở chỗ này chỗ nọ không được trang bị tiện nghi, tiện ích tối thiểu như truyền hình cáp, wifi… có nơi còn sử dụng ti vi đời cũ, màn hình nhỏ, thậm chí vẫn trang bị những đôi dép… bị cắt mũi (để du khách đi lại trong nhà)! Xét ở một góc độ thì đó là những biểu hiện của cung cách làm du lịch “ăn xổi, ở thì”, manh mún. Chưa hết, như lãnh đạo ngành du lịch từng thừa nhận, dường như chúng ta chỉ lo mở nhiều lễ hội, làm rầm rộ một cách thái quá nhằm kéo khách đến trong vài ba ngày, còn hiệu quả lâu dài… đến đâu thì đến! Hậu quả là sau đó, môi trường bị ô nhiễm, chất lượng dịch vụ vẫn yếu kém, nạn “chặt chém”, đeo bám du khách… vẫn tồn tại. Không ít du khách than phiền về việc rất khó tìm ra một món đồ lưu niệm là hàng “made in Việt Nam” và mang ý nghĩa đặc trưng của địa phương, trong khi những sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc được bày bán tràn lan tại Hạ Long, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hội An… hay những điểm du lịch, danh thắng nổi tiếng khác. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách du lịch đến Việt Nam 4 tháng vừa qua chỉ đạt 2,4 triệu lượt người, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2012.
thời sự văn hóa du lịch
Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra thủ phạm gây ra tình trạng suy giảm, thất thu của ngành du lịch, ngoài suy thoái kinh tế toàn cầu thì sự nghèo nàn, đơn điệu của các sản phẩm du lịch, nạn “chặt chém” cùng lối hành xử thiếu văn hóa với du khách… chính là những nguyên nhân quan trọng. Không chỉ mất điểm với khách quốc tế, những yếu kém nội tại của ngành “công nghiệp xanh” còn khiến nhiều người Việt Nam quay lưng lại với du lịch nước nhà. Kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, không ít điểm đến nổi tiếng đã rơi vào tình trạng vắng khách. Điển hình là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong 5 ngày nghỉ lễ TP Vũng Tàu đã đón khoảng 170.000 lượt du khách, nhưng đa số là khách lẻ, đi – về trong ngày. Đặc biệt, ngày 30-4 nhiều khách sạn ở thành phố biển vẫn treo bảng “còn phòng” và ra sức mời chào khách. Tương tự, trong số 13.000 lượt người đến Khu du lịch Bình Châu (huyện Xuyên Mộc,) chỉ có khoảng 2.800 khách lưu trú. Còn ở Khu du lịch và khách sạn Thùy Dương (huyện Đất Đỏ) cũng chỉ có khoảng 400 khách lưu trú, dù có tới hơn 5.000 người đến tắm biển. Nguyên nhân vắng khách lưu trú được xác định là do giá thuê phòng và một số dịch vụ du lịch đã được cơ quan chức năng của tỉnh cho phép điều chỉnh theo hướng… tăng cao trong dịp lễ, thế nên phần lớn du khách đã chọn phương án đi về trong ngày và mang theo đồ ăn thức uống. Sự thưa vắng ở Vũng Tàu trong kỳ nghỉ lễ vừa qua làm nhiều người liên tưởng tới tình trạng tương tự từng xảy ra ở bãi biển Cửa Lò trước đây. Như lãnh đạo địa phương này đã thừa nhận thì đó là hậu quả của tình trạng buông lỏng quản lý, để cho giới kinh doanh thỏa sức “chặt chém” du khách. Những năm gần đây, việc Nhà nước cho phép điều chỉnh chính sách lao động theo hướng tăng ngày nghỉ, cộng dồn ngày nghỉ bù trong những dịp lễ, tết hay ngày kỷ niệm lớn của đất nước đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Kinh tế xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cũng ngày càng được cải thiện… Những thay đổi tích cực đó đã thúc đẩy nhu cầu du lịch của người dân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu, chất lượng dịch vụ còn bộc lộ nhiều yếu kém, đặc biệt là tình trạng ép giá, tăng giá vô tội vạ ở nhiều địa phương, ngày càng có nhiều người Việt chọn phương án đi du lịch nước ngoài, nhất là những tour ngắn ngày ở các nước trong khu vực, thường có giá thành rẻ hơn nhưng chất lượng dịch vụ lại cao hơn trong nước, vốn “đã đắt lại còn mua bực vào người”! Cần hiểu rằng du lịch không chỉ là ăn, uống, ngủ, nghỉ, tham quan… là ngành “công nghiệp không khói” để thu tiền, mà nó là lĩnh vực hội tụ văn hóa, văn minh, là một trong những phương thức quan trọng xây dựng hình ảnh đẹp về đất nước, con người của từng quốc gia. Cùng với sự đổi mới của đất nước, trong những năm gần đây ngành du lịch cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ môi trường… Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển du lịch – đặc biệt là sự ra đời của Luật Du lịch năm 2005, Chiến lược phát triển du lịch năm 2001-2010 và hiện đang thực hiện giai đoạn đầu của Chiến lược phát triển du lịch năm 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 – đã từng bước đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp lý, tiến tới đáp ứng những yêu cầu mới của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định, hoạt động của ngành du lịch trong những năm vừa qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, yếu tố thiếu bền vững. Nguyên nhân trước hết là do chủ trương, chính sách về phát triển du lịch chưa thực sự đi vào cuộc sống. Không ít địa phương còn buông lỏng quản lý, giám sát, dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, làm du lịch với tư duy “mùa vụ”, “ăn xổi”, manh mún, thiếu chuyên nghiệp… Những biểu hiện phát tác gần đây cho thấy cần phải có một cuộc “đại phẫu” để ngăn ngừa, tiến tới xóa bỏ kịp thời, nếu không những “căn bệnh thâm căn cố đế” ấy sẽ trở thành quốc nạn thực sự. Để hướng tới mục tiêu chiến lược là tăng trưởng, phát triển ổn định, bền vững, qua đó đưa “công nghiệp không khói” thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, cần phải có những giải pháp đồng bộ, sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành, địa phương. Còn trước mắt, ngành du lịch và các cơ quan chức năng, các địa phương cần nhanh chóng có những hành động cụ thể để khôi phục và khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam nói riêng cũng như hình ảnh một đất nước thanh bình, thân thiện, mến khách. Đối với những chuyện tiêu cực vừa diễn ra, thiết nghĩ việc lãnh đạo ngành du lịch trực tiếp xin lỗi du khách là cần thiết và nên làm, song một hành động đơn lẻ như vậy là chưa đủ để có thể lấy lại được thể diện quốc gia. Để lập lại trật tự trong hoạt động du lịch, xây dựng được văn hóa du lịch cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý, ngăn chặn những hành vi “chặt chém”, ép giá, lừa đảo, ứng xử kém văn hóa với du khách, bằng một chế tài thực sự nghiêm khắc kết hợp với lực lượng thực thi pháp luật chuyên ngành (cảnh sát du lịch) có đủ năng lực, trách nhiệm thực hiện trọng trách. Phải quyết liệt chấm dứt nạn “chặt chém”, xóa bỏ cách làm du lịch kiểu “ăn xổi, ở thì”.
Báo Hà Nội Mới

Đăng bởi: Nguyễn Lê Tường Vy

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก