Khám Phá Trải Nghiệm

Thưởng ngoạn bức bình phong Nam Giới – Quỳnh Viên

1. Danh thắng Nam Giới – Quỳnh Viên ở đâu

Nam Giới – Quỳnh Viên nằm bên Cửa Sót, một trong bốn cửa biển lớn của tỉnh Hà Tĩnh. Cửa Sót có tọa độ 180 27’54’’ vĩ độ Bắc và 1050 55’30’’ kinh độ Đông, Cửa Sót xưa kia có tên gọi là cửa Dương Luật vì dòng chảy qua làng Dương Luật (Thạch Hải) giữa núi Nam Giới và rú Mốc.

thưởng ngoạn bức bình phong nam giới – quỳnh viên

Nam Giới – Quỳnh Viên

Từ bến cảng Cửa Sót (huyện Thạch Hà) đi thuyền máy chưa đầy mười phút, du khách đã đặt chân lên dãy núi Nam Giới. Đây là một dãy núi dài, từ bao đời sừng sững uy nghi, dù nắng hay mưa vẫn ngút ngàn màu xanh bất tận. Núi Nam Giới không chỉ có chim thú, hoa thơm cỏ lạ mà còn có cả những ngôi chùa cổ kính. Dưới chân núi rì rào sóng vỗ, mơn man bờ cát trắng càng tô thêm vẻ đẹp biển và núi. Thích nhất là vào những sớm bình minh, mặt trời rải nắng hồng vào cây vào sóng, vào những con thuyền cưỡi sóng xa khơi…

thưởng ngoạn bức bình phong nam giới – quỳnh viên

Núi Nam Giới

2. Lịch sử danh thắng Nam Giới – Quỳnh Viên

Cách đây 200 năm, sông Sót đổi dòng đi xuống Kim Đôi (Thạch Kim) đã tạo nên Cửa Sót ngày nay. Cửa Sót có tài liệu gọi là cửa Nam Giới (Nam Giới Hải môn) một cửa biển rộng 700m, có cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ gắn với nhiều truyền thuyết và huyền thoại.

Dãy núi Nam Giới có hình dáng như một chiếc thuyền nằm úp, dân gian thường gọi là rú Sót hay rú Bể, nơi đây xưa kia là biên giới của quốc gia Đại Việt với Chăm Pa và có vị trí chiến lược quan trọng vào thế kỷ X. Trên núi Nam Giới có ngọn Long Ngâm vươn dài ra tận biển như bức bình phong án ngữ phía đông bắc thành phố Hà Tĩnh. Ở đây, mỗi mũi đá, con khe đều có hình dáng riêng, nên người xưa nhìn vào cảnh vật đã tưởng tượng ra nhiều tên gọi như: đá Trống, đá Hến, đá Nhọn, đá Giường, đá Trứng gà, đá Am, đá Lố, đá Ngựa chìm v.v… cùng những mẫu chuyện lý thú mà dân gian vẫn truyền tụng từ thuở Hùng Vương.

thưởng ngoạn bức bình phong nam giới – quỳnh viên

Hồn thiêng Nam Giới

Phía tây núi Long Ngâm có đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi xưa gọi là đền Linh Cổ (trống thiêng). Mặt trước có miếu thờ Thánh Mẫu. Phía trên núi có ngọn Hỏa Hiệu xưa kia là nơi đốt lửa báo hiệu khi có giặc. Về sau, trên núi còn xây dựng hải đăng để định hướng cho tàu thuyền xa khơi. Dưới núi có miếu thờ Cá Ông. Phía đông núi còn có ngôi cổ tự là chùa Quỳnh Viên, tương truyền đời Hùng Vương là nơi Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã tu tiên đắc đạo.

thưởng ngoạn bức bình phong nam giới – quỳnh viên

Phong cảnh hữu tình

Địa danh Quỳnh Viên hay Quỳnh Sơn chính là tên xưa nhất của núi Nam Giới: “Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên” (Nghĩa là: Ngọn núi nổi tiếng này xưa gọi là Quỳnh Viên). Có thể thấy rằng chỉ trên một ngọn núi với không gian hẹp nhưng có 4 di tích là đền Chiêu trưng, đền Thánh Mẫu, miếu Ngư Ông và chùa Quỳnh Viên cho thấy bề dày lịch sử văn hóa của mảnh đất này.

3. Nam Giới được ví như một bức bình phong

Người xưa đã ví núi Nam Giới như một bức bình phong, trong bức bình phong tưởng chừng như trầm tịch, cô liêu lại chẳng bao giờ ngưng lặng âm thanh. Từ thuở hồng hoang, khi bình minh lên đã nghe ríu rít chim gọi đàn, trong chiều tà đã nghe tiếng vượn hú gọi con. Chim và thú được núi Nam Giới nuôi dưỡng và núi cũng đẹp hơn, lãng mạn hơn, khi được góp thêm làn nhạc của muôn loài. Dường như đã sinh ra núi lớn thường có nhiều hang động. Núi Nam Giới cũng vậy. Trời đất đã ban cho dãy núi dài nhiều hang đá kỳ vĩ. Suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, tiếng suối chảy róc rách hòa nhịp với tiếng sóng ngoài khơi vỗ bờ, khiến bao cảnh vật bị thôi miên trong một thế giới tiên cảnh.

thưởng ngoạn bức bình phong nam giới – quỳnh viên

Nhìn từ trên cao

4. Phong cảnh sơn thủy hữu tình của Nam Giới – Quỳnh Viên

Danh thắng Nam Giới – Quỳnh Viên có phong cảnh sơn thủy hữu tình thật đáng sánh với những danh sơn bậc nhất Hoan Châu. Vùng đất chỉ có biển, núi, khe suối tự nhiên như hòa quyện vào nhau cũng là địa danh lịch sử đã từng là nơi in dấu chân các bậc đế vương, đoàn binh hành quân vào Nam ra Bắc cũng như các bậc tao nhân mặc khách, nhân sĩ trí thức như: vua Lê Thánh Tông, Bùi Dương Lịch, Lưu Công Đạo và nhà thơ Tản Đà. Họ đến đến danh thắng huyền thoại này và lưu lại những vần thơ bất hủ, vua Lê Thánh Tông khi tuần du phương Nam đặt chân đến Nam Giới với cảm xúc dạt dào đã viết nên hai câu thơ vừa lãng mạn vừa hùng tráng trong bài “Nam Giới Hải môn lữ thứ”:

“Đêm qua tỉnh mộng giang hồ

Cưỡi bè những muốn lên xô cửa trời”

Đến với Nam Giới – Quỳnh Viên du khách không chỉ được đắm mình vào cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp của một danh thắng mà còn được đến một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa đã đi vào sử sách.

thưởng ngoạn bức bình phong nam giới – quỳnh viên

Ngọn hải đăng trên núi Nam Giới

thưởng ngoạn bức bình phong nam giới – quỳnh viên

Khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên

thưởng ngoạn bức bình phong nam giới – quỳnh viên

Tổng thể khu resort Quỳnh Viên từ trên cao

Hiện nay, dưới chân núi Long Ngâm, một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng có tên Quỳnh Viên Resort đã được hình thành có kiến trúc độc đáo, hiện đại hài hòa với thiên nhiên cùng nhiều dịch vụ hoàn hảo đảm bảo phục vụ du khách gần xa đến tham quan nghỉ dưỡng. Hãy lên kế hoạch cho chuyến đi thưởng ngoạn danh thắng này bạn nhé!

Đăng bởi: Nguyễn Việt Hoàng

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก