Quán Cà Phê

5 món “cà phê động vật” nổi tiếng nhưng không phải ai cũng dám uống

Thông thường, quy trình nuôi trồng và chế biến cà phê ra thành phẩm đều do con người phụ trách 100%. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cà phê do động vật “sản xuất”, thậm chí còn được công nhận chất lượng ngon và độc đáo hàng đầu thế giới – mặc dù chúng có thể đi liền với những mặt trái không mấy đẹp đẽ.

Các loại hạt cà phê này đều có điểm chung là trải qua quá trình tác động bởi hệ tiêu hóa của động vật. Cái tên quen thuộc nhất có lẽ là cà phê chồn, nhưng đó chưa phải là tất cả. Dưới đây là danh sách tổng hợp 5 loại “cà phê động vật” độc lạ, gắn liền với từng khu vực đặc trưng trên thế giới.

1. Kopi Luwak – Cà phê chồn

  • Nguồn gốc: Indonesia
  • Động vật: Chồn hương
  • Đặc trưng: Vị mộc mạc, cân bằng, ít đắng
  • Giá: Tối đa $1300/kg

Đứng đầu bảng xếp hạng danh tiếng là cà phê chồn Kopi Luwak tới từ Indonesia. Loài chồn hương tại đây thường tìm ăn quả cà phê thơm ngon, sau đó tiêu hóa và thải hạt ra ngoài. Những hạt này sẽ được nhặt lại, vệ sinh sạch sẽ để chế biến thành đồ uống như bình thường.

cà phê động vật, cà phê chồn, 5 món “cà phê động vật” nổi tiếng nhưng không phải ai cũng dám uống

Nhờ các enzyme đường ruột tác động lên hạt cà phê trong quá trình tiêu hóa mà nước cốt chiết xuất khi pha có kết cấu và hương vị mượt mà khó quên. Xét tới quy trình thu hoạch thủ công và phụ thuộc nhiều vào hành vi tự nhiên của động vật, đó là lý do khiến mức giá của Kopi Luwak trở nên cao ngất ngưởng như vậy.

Tuy nhiên, chính sức hút này đã lôi kéo nhiều chủ đồn điền cà phê nghĩ ra một cách đen tối, nhằm trục lợi tiền bạc nhiều nhất có thể: Thay vì chờ chồn hương ngoài tự nhiên ăn cà phê để lấy hạt, họ bắt hàng loạt cá thể chồn về bỏ chuồng, ép chúng ăn cà phê liên tục để tạo ra nguồn hạt cà phê chồn nhiều hơn.

Vì vậy, rất nhiều tổ chức đã đứng ra lên án, kêu gọi người tiêu dùng hãy luôn thông thái khi chọn nguồn mua uy tín với quy trình hợp pháp, không tiếp tay cho những cơ sở nuôi nhốt tàn nhẫn.

2. Black Ivory – Cà phê voi

  • Nguồn gốc: Thái Lan
  • Động vật: Voi
  • Đặc trưng: Vị cỏ cây, đậm đà, hơi hướng socola
  • Giá: Tối đa $2000/kg

cà phê động vật, cà phê chồn, 5 món “cà phê động vật” nổi tiếng nhưng không phải ai cũng dám uống

Tương tự như cà phê chồn, cà phê voi cũng được làm ra theo cách tương tự: Voi ăn quả cà phê và thải ra phần hạt chưa được tiêu hóa hết, được lượm lại và xử lý.

Khác với chồn hương, hệ tiêu hóa đường ruột của voi lại tác động đến hạt cà phê theo một kiểu khác, cho hương vị đậm đà riêng biệt.

Điểm tích cực được ghi nhận là nỗ lực kiểm soát đạo đức về việc nuôi nhốt động vật, đặc biệt là với loài quý hiếm như voi, đến từ thương hiệu Black Ivory Coffee. Phát triển từ chính quê hương Thái Lan, họ là đại diện đầu tiên và nổi tiếng nhất toàn cầu về cà phê voi, công khai cam kết nhiều điều khoản về nuôi thả tự nhiên và bảo vệ loài voi, tích cực lên án mọi dấu hiệu ngược đãi chúng.

3. Cà phê khỉ

  • Nguồn gốc: Ấn Độ
  • Động vật: Khỉ vàng
  • Đặc trưng: Vị thanh chua nhẹ, ngậy hoặc đậm nét socola
  • Giá: Tối đa $150/kg

cà phê động vật, cà phê chồn, 5 món “cà phê động vật” nổi tiếng nhưng không phải ai cũng dám uống

Dù cùng được làm ra với sự trợ giúp của động vật, nhưng cà phê khỉ chắc sạch sẽ hơn phần nào: Những chú khỉ ăn cà phê chỉ lọc nuốt thịt quả, còn hạt sẽ nhổ ra ngoài. Nếu có nơi nào nhầm lẫn rằng cà phê khỉ ra lò theo “đường khác”, hãy biết rằng đó không phải sự thật đâu nhé.

Chikmagalur – thành phố Ấn Độ nổi tiếng với nhiều rừng rậm và bãi biển – là khu vực sinh sống ưa thích của khỉ vàng, cũng là nơi được người dân địa phương phát hiện ra loại cà phê đặc biệt này. Những hạt cà phê do khỉ vàng nhổ ra được lên men nhờ enzyme trong nước dãi của chúng, cũng có tác dụng lên hương vị sau chiết xuất.

Dù vậy, chất lượng của cà phê khỉ chưa được đánh giá quá cao và đặc biệt như cà phê chồn hay voi, nên độ quý hiếm và mức giá không bị thổi lên quá lớn.

4. Cà phê dơi

  • Nguồn gốc: Costa Rica
  • Động vật: Dơi
  • Đặc trưng: Nét vị hoa quả, ngọt dịu
  • Giá: Tối đa $100/kg

cà phê động vật, cà phê chồn, 5 món “cà phê động vật” nổi tiếng nhưng không phải ai cũng dám uống

Giống như cà phê khỉ, những hạt cà phê thu hoạch từ loài dơi cũng bị hiểu lầm là thành quả sau khi chúng tiêu hóa thức ăn. Trên thực tế, dơi chỉ ăn nhân thịt quả và bỏ lại phần hạt cứng.

Điểm thú vị là các hạt cà phê dơi không cần phải lượm vương vãi trên mặt đất. Ngược lại, chúng vẫn gắn chặt vào cuống quả trên cây như bình thường, bởi dơi chỉ bám vào cây, nhấm nháp quả ngay tại chỗ, không vặt đứt khỏi cành. Khi hút nhân cà phê, nước dãi của dơi phủ đầy lên quả, lâu dần sẽ tạo điều kiện biến đổi tính chất của hạt.

5. Cà phê chim

  • Nguồn gốc: Brazil
  • Động vật: Chim Penelope jacucaca
  • Đặc trưng: Thơm vị hạt quả hoặc hoa hồi
  • Giá: Tối đa $800/kg

cà phê động vật, cà phê chồn, 5 món “cà phê động vật” nổi tiếng nhưng không phải ai cũng dám uống

Loài động vật cuối cùng được nhắc đến là chim jacu (Penelope jacucaca), đến từ khu vực Nam Mỹ, cụ thể là Brazil. Đây cũng là quốc gia trồng và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, tập trung rất nhiều đồn điền.

Chim jacu thích tìm kiếm nguồn dinh dưỡng từ quả cà phê, nuốt vào rồi thải hạt ra để người lượm lại. Nước cốt pha từ cà phê chim được nhận định khá sánh quyện, thơm mùi giống như hoa hồi.

Mặt trái của cà phê động vật

Dù trải qua quy trình sản xuất và chế biến tỉ mỉ, các loại cà phê động vật đang vấp phải những soi mói và chỉ trích ở nhiều khía cạnh.

Trước hết, về mặt danh tiếng và chất lượng, nhiều chuyên gia cho rằng họ đã nếm thử kỹ lưỡng để đi đến kết luận: Cà phê động vật không hề đặc biệt quá mức để được tôn sùng. Trong các buổi thử nghiệm so sánh hương vị, kết quả cho thấy cà phê specialty cao cấp không hề lép vế, thậm chí vượt điểm của cả cà phê chồn – loại cà phê động vật được tôn vinh nhiều nhất.

Ngoài ra, chuẩn mực đạo đức trong việc khai thác hành vi và môi trường sống của động vật cũng là vấn đề chưa có lời giải dứt điểm. Hầu hết các lứa cà phê chồn hiện nay đều có nguồn cung từ các trang trại nuôi nhốt, ép chồn ăn cà phê hàng ngày để thu hoạch hạt. Dù vẫn có những thương hiệu sạch, hoạt động lành mạnh, an toàn, coi trọng đời sống tự nhiên của loài vật, nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ để dập tắt những tranh cãi.

Đăng bởi: Lại Tiến Dũng

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก