Quán Cà Phê

Chọn mua hạt cà phê

Specialty coffee luôn là lựa chọn nguyên liệu hàng đầu để tạo nên hương vị chuẩn mực nhất (xem lại giải thích về khái niệm specialty coffee TẠI ĐÂY).

Nếu còn e ngại chi phí mua specialty coffee, hãy cùng làm một vài phép tính đơn giản như sau:

  • Giá tiền cafe ngoài tiệm pha từ hạt specialty: 60.000đ – 100.000đ/cốc (có thể cao hơn tùy không gian, thương hiệu và công thức)
  • Giá tiền cafe ngoài tiệm pha từ hạt không phải specialty: 30.000đ – 60.000đ/cốc
  • Giá tiền specialty coffee nguyên hạt tự mua: 1.000.000đ – 1.200.000đ/kg

Một cữ pha pour-over tại nhà thường dùng 20-30g cà phê với 400-500ml nước. Xét tỷ lệ tương quan với với tiền vốn tự mua hạt specialty, bạn chỉ tốn khoảng 20.000đ – 40.000đ cho cốc cà phê to gần bằng chai Lavie.

Với ưu điểm như vậy, việc gì chúng ta phải rụt rè mà bỏ qua cơ hội thưởng thức sự tinh tế từ specialty coffee nhỉ 😋

nguyên liệu craft coffee, chọn mua hạt cà phê

(Ảnh: Oak Bond Coffee)

Dĩ nhiên, công thức trên chưa bao gồm tiền mua phụ kiện và dụng cụ pha chế. Nhưng khi xác định pha tại nhà lâu dài, bạn sẽ hưởng lợi không chỉ từ độ chênh lệch chi phí cộng dồn, mà còn là giá trị trải nghiệm đa dạng về cà phê.

(*) Nếu vẫn cảm thấy specialty coffee hơi mắc, hãy ưu tiên mua hạt rang mộc từ nhà rang uy tín, được công nhận về chất lượng. Tuy điểm số lý thuyết không bằng specialty coffee, những lứa hạt này vẫn đáp ứng kỳ vọng của bạn, đủ sức tạo ra hương vị thơm ngon hơn nhiều uống cà phê ngoài tiệm.

Mua hạt cà phê specialty coffee ở đâu?

Mọi người có thể tìm mua nguyên liệu cà phê nói chung và specialty coffee nói riêng tại 2 nguồn chính: Quán cafe hoặc xưởng rang (áp dụng cả mua trực tiếp và online).

Các tiệm cafe lớn có thể hoạt động 2 trong 1, tự sở hữu quy trình rang và sơ chế cà phê của riêng mình, càng tiện lợi hơn khi hỏi mua nguyên liệu.

Những cửa hàng nhỏ hơn (không có sẵn quy trình rang cà phê) thường đặt nguyên liệu specialty coffee từ các xưởng rang có tiếng. Hãy lịch sự trao đổi, họ sẽ thoải mái chia sẻ thông tin để bạn tự liên hệ nguồn cung ứng.

Đôi khi, bạn sẽ bắt gặp những cá nhân chào bán cà phê trên mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử. Nếu chưa biết rõ họ đại diện cho thương hiệu quán cafe hay nhà rang nào, hãy check kỹ đánh giá và review sản phẩm trước khi đặt mua nhé.

nguyên liệu craft coffee, chọn mua hạt cà phê

(Ảnh: Andrew Spencer)

Dấu hiệu nhận biết quán cafe bán specialty coffee

Tiệm cafe chuyên về specialty coffee có thể mang một, một vài hoặc tất cả đặc điểm trong danh sách dưới đây.

Tự quảng bá chất lượng specialty coffee

Nếu từ khóa “specialty coffee” được công khai trên menu, mạng xã hội, biển hiệu… hay mọi loại hình nội dung cung cấp bởi cửa hàng, đó là dấu hiệu khá chắc chắn để bạn yên tâm về chất lượng dịch vụ.

Rất hiếm khi xảy ra trường hợp cửa hàng không dùng nguyên liệu specialty nhưng vẫn cố tình lòe khách. Khả năng bị tố giác bởi người am hiểu kiến thức về cà phê là cực cao, cộng thêm hiệu ứng lan truyền của Internet có thể khiến uy tín thương hiệu “bốc hơi” trong vài ngày, hậu quả bị tẩy chay là điều tất yếu.

Barista hiểu biết sâu rộng

Hầu hết mọi barista làm việc tại specialty coffee shop đều có niềm đam mê lớn với cà phê, nắm rõ thông tin về nguyên liệu được dùng (từ nguồn gốc, sắc thái hương vị, cách pha phù hợp tùy lứa hạt).

Nếu cửa hàng có barista không ý thức được về tính chất nguyên liệu, 99% đó không phải nơi bán specialty coffee. Xác suất 1% còn lại có thể do quy trình đào tạo nhân viên sơ sài, vẫn là điểm trừ lớn khiến khách không hài lòng về tay nghề barista và trải nghiệm chuẩn vị specialty coffee.

nguyên liệu craft coffee, chọn mua hạt cà phê

(Ảnh: Tyler Nix)

Nhiều đồ pha cà phê thủ công

Nếu lần đầu đến một quán cafe mà thấy trên quầy đặt nhiều loại bình pour-over hoặc đồ pha thủ công, đó rất có thể là một tiệm specialty coffee.

Chỉ đồ pha thủ công mới có thể giúp barista chủ động điều chỉnh ra hương vị cà phê đúng ý, nên đây là đặc trưng dễ thấy tại các thương hiệu specialty coffee. Ngược lại, những quán cafe thông thường sẽ chỉ tập trung vào máy pha hiện đại, tự động hóa gần như mọi quy trình, nhưng cũng đánh mất một phần chất nghệ của bàn tay con người.

Đôi khi, một số quán specialty coffee cũng có thể trang bị song song cả phụ kiện thủ công và máy pha tự động. Vì thế, đừng chỉ dựa vào mỗi dấu hiệu này để đánh giá mà hãy chủ động hỏi kỹ hơn nhé.

Giới thiệu xuất xứ nơi trồng cà phê

Cà phê specialty thường được phân loại bởi xuất xứ – tức địa điểm trồng và cung ứng nguyên liệu – nhằm giúp các tín đồ chuyên sâu hiểu qua về nguyên liệu trước khi order.

Nếu công thức cafe trong menu được đính kèm tên các địa danh châu Mỹ như Ethiopia, Guatemala… (nơi chuyên sản sinh ra những giống specialty Arabica ngon nức tiếng), bạn hẳn đang ghé thăm một tiệm specialty coffee thực thụ rồi đó.

Khu bán phụ kiện cà phê

Các quán cà phê specialty rất hay dành ra một diện tích nhỏ để bán phụ kiện như bình pha, hạt cà phê đóng gói sẵn, cốc đựng và các dụng cụ liên quan khác.

Tuy nhiên, nhiều chuỗi thương hiệu lớn (không bán specialty coffee) hiện nay đã học tập cách bài trí này, đặt kệ tủ bày bán phụ kiện tương tự.

Dù vậy, nếu để ý kỹ, bạn vẫn có thể nhìn thấy sự khác biệt rõ rệt: Khu bán đồ của quán specialty coffee thường bày sản phẩm liên quan trực tiếp đến quá trình pha (bình pour-over, giấy lọc, nguyên liệu); còn các cửa hàng phổ thông sẽ tập trung nhiều hơn vào đồ lưu niệm và quà tặng.

Kỹ năng Latte Art thành thục

Đồng ý rằng Latte Art đã và đang ngày một trở nên phổ biến hơn, xuất hiện ở rất nhiều tiệm cafe nói chung – miễn là barista đủ kỹ thuật vẽ Art trên lớp bọt sữa. Thế nhưng, độ hoàn thiện và xuất sắc của Latte Art tại các specialty coffee shop vẫn ở một tầm khác biệt.

Tạo hình độc đáo, nét vẽ liền mạch gọn gàng, thậm chí là sự nhiệt tình của barista khi sẵn sàng làm custom art theo ý khách – tất cả đều là những đặc điểm đáng tiền ít nơi sánh được.

nguyên liệu craft coffee, chọn mua hạt cà phê

(Ảnh: Nathan Dumlao)

4 “red flag” khi mua hạt cà phê specialty

Những bạn mới tìm mua specialty coffee rất dễ đặt niềm tin nhầm vào sản phẩm không như ý. Nếu nguồn bán nguyên liệu dính 4 “điềm gở” sau, hãy cân nhắc kỹ để tránh vừa mất tiền lại vừa rước bực vào người nhé.

Cà phê đựng trong hộp/lon cứng

Hầu hết mọi lứa hạt specialty coffee khi đưa ra thị trường đều được chứa bằng túi giấy hoặc túi nhựa tổng hợp dạng mềm, tích hợp khóa kéo đảm bảo kín khí.

Mặt khác, hộp cứng hoặc lon lại không phải đặc trưng thường thấy về cách đóng gói specialty coffee, cần kiểm tra rõ hơn trước khi quyết định mua.

Không có thông tin nguồn gốc hạt

Với specialty coffee, xuất xứ trồng của hạt không khác gì một tấm căn cước bắt buộc, vừa giúp người bán tự tin quảng bá về đặc trưng vùng trồng, vừa giúp người mua hình dung tốt hơn về tính chất hương vị của lứa hạt.

Thông tin nguồn gốc của hạt phải được công khai cụ thể trên bao bì giấy gói, thường gồm “tên quốc gia + khu vực trồng trực thuộc quốc gia”.

nguyên liệu craft coffee, chọn mua hạt cà phê

(Ảnh: Salome Watel)

Nếu sản phẩm bạn mua không cung cấp đủ các dữ liệu trên, hoặc thông tin lạ (tên vùng không rõ ở đâu), hoặc chỉ có tên quốc gia mà không ghi khu vực địa lý cụ thể (ghi mỗi “Brazil” hay “Colombia”), đó có thể là điểm nghi vấn đáng xem xét.

Tẩm ướp vị nhân tạo

Specialty coffee tiêu chuẩn chỉ được bán nguyên hạt nguyên chất, không thêm phụ phẩm nhân tạo hay thành phần gia tăng cường độ hương vị. Nếu nhận thấy bất kỳ thông tin nào liên quan đến những hạng mục trên thì “quay xe” ngay và luôn nha.

Phân loại mức độ rang lạ lẫm

Thông thường, mỗi gói hạt sẽ luôn đính kèm thông tin về cách thức và mức độ rang sơ chế (light roast, medium roast, dark roast).

Trong trường hợp bắt gặp những khái niệm rang màu mè (như “bold”, “full-bodied”…) hay cố tình ăn theo tên các vùng văn hóa nổi tiếng về cà phê (như “French roast”, “Italian roast”…), nhiều khả năng bạn đang đặt niềm tin sai chỗ. Một người bán specialty coffee có tâm sẽ luôn tự tin về chất lượng sản phẩm, không cần vẽ ra những tên gọi bắt tai để bẫy khách hàng như vậy.

Đăng bởi: Hiền Nguyễn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก