Quán Cà Phê

Đừng uống cà phê nếu bạn gặp 12 dấu hiệu sức khỏe đáng chú ý này

Không thể phủ nhận sự thật rằng cà phê mang đến rất nhiều lợi ích tích cực cho sức khỏe, từ tăng cường chức năng cho tới phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, đây không phải loại đồ uống phù hợp cho tất cả mọi người.

Một vài chứng bệnh hoặc tình trạng sức khỏe cá biệt có thể trở nên trầm trọng hơn nếu bị ức chế bởi caffeine. Sau đây là 12 trường hợp đáng lưu ý, chắc chắn sẽ khiến bạn nghĩ lại về quyết định uống cafe của mình nếu mắc phải một trong số chúng.

1. Hội chứng ruột kích thích (IBS – irritable bowel syndrome)

IBS tập hợp nhiều triệu chứng rối loạn hệ tiêu hóa – phổ biến là đau bụng, đầy hơi, khó tiêu hoặc tiêu chảy – với tần suất tái phát thường xuyên, thậm chí kéo dài hàng ngày, tuần hoặc tháng, khó chữa dứt điểm và gây ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng cuộc sống.

Tác động kích thích đường ruột của caffeine trong cà phê có thể là nhẹ với người bình thường. Tuy nhiên, nó có thể trở nên trầm trọng và khó đoán với những ai mắc hội chứng IBS, chắc chắn sẽ không mang lại nhiều kết cục tốt đẹp đâu…

tác hại của cafe, tác dụng của cafe, giải ngố, đừng uống cà phê nếu bạn gặp 12 dấu hiệu sức khỏe đáng chú ý này

(Ảnh: US News Health)

2. Bệnh cườm nước (glaucoma)

Bệnh nhân mắc chứng cườm nước (còn có tên gọi khác là thiên đầu thống hoặc bệnh tăng nhãn áp) sẽ có áp lực trong mắt cao hơn bình thường, dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác. Hậu quả xảy ra có thể là mất thị lực nếu bạn không phát hiện và điều trị sớm.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ caffeine và rủi ro tăng nhãn áp. Dù không phải lúc nào uống cafe cũng khiến hiện tượng này xảy ra, nhưng các nhà khoa học vẫn khuyến cáo không nên liều lĩnh nạp quá nhiều caffeine khi đang mắc bệnh cườm nước.

3. Hội chứng bàng quang tăng hoạt (overactive bladder syndrome)

Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến cho thấy bạn không nên uống cafe, và nó có mối liên hệ khá mật thiết đến tác dụng phụ của caffeine gây kích thích hệ bài tiết.

Triệu chứng dễ thấy của người có bàng quang nhạy cảm hơn bình thường bao gồm: tiểu gấp, tiểu nhiều lần (trong thời gian ngắn), tiểu đêm, són tiểu. Điều này xảy ra do bàng quang hoạt động quá mức, co bóp đột ngột không tự chủ.

Với những ai được chẩn đoán mắc chứng bàng quang tăng hoạt, chắc chắn họ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về quyết định uống cafe tùy hoàn cảnh và tình huống trong cuộc sống. Chẳng hạn, một chuyến đi dài bằng ô-tô hay xe khách sẽ không phải lựa chọn đúng đắn ngay sau khi dùng xong một cốc cafe đâu nha.

4. Rối loạn nhịp tim

Caffeine không có tính chất cố hữu gây nguy hiểm cho tim mạch – đây là vấn đề thu hút rất nhiều sự chú ý và tranh luận, nhưng nay đã có lời giải cuối cùng từ các chuyên gia (các bạn có thể tham khảo tại mục 11 trong bài viết này).

Tuy vậy, tiêu thụ quá nhiều caffeine lại là một câu chuyện khác. Trên hết, mức độ “quá nhiều” ở đây có thể dao động theo mỗi cá nhân, tùy vào cơ địa, tuổi tác, hoặc các triệu chứng và tình trạng sức khỏe riêng biệt.

Do đó, nếu bạn hoặc người thân có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch nhưng vẫn muốn thưởng thức cà phê hoặc các loại đồ uống chứa caffeine, hãy dành thời gian gặp bác sỹ chuyên khoa để nghe tư vấn liều lượng chính xác và an toàn nhất có thể.

5. Phụ nữ có thai

Cà phê không phải món đồ uống bắt buộc kiêng khem đối với phụ nữ mang bầu. Tuy nhiên, liều lượng caffeine nạp vào cơ thể cần được chú ý hết sức sát sao, bởi sức khỏe nhạy cảm của mẹ lẫn thai nhi đều dễ bị ảnh hưởng một cách khó lường.

tác hại của cafe, tác dụng của cafe, giải ngố, đừng uống cà phê nếu bạn gặp 12 dấu hiệu sức khỏe đáng chú ý này

(Ảnh: Fallon Michael)

(Đọc thêm tại bài viết tổng hợp chi tiết lý do và khuyến cáo dành cho các mẹ bầu uống cafe hoặc dùng để chia sẻ cho người thân nha)

Trước đây, 200mg/ngày tạm coi là mức độ caffeine có thể chấp nhận dành cho thai phụ nếu có nhu cầu uống cafe. Dù vậy, nhiều bằng chứng mới hơn cho thấy gần như không có ngưỡng an toàn nào, từ đó khuyến cáo mọi mẹ bầu cần nghiêm túc cân nhắc ý định dùng đồ uống có chứa caffeine.

6. Phụ nữ đang cho con bú

Đừng vội nghĩ rằng sinh con xong là các mẹ bầu có thể thoải mái uống cafe như trước. Thực chất, khi em bé còn chưa cai sữa, caffeine hoàn toàn có thể hòa vào sữa mẹ khi cho bú – chắc chắn không phải một điều tốt cho hệ tiêu hóa và sức khỏe chung của trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, vì caffeine có một phần tác dụng kích thích lợi tiểu, người mẹ có thể bị ảnh hưởng bởi các dấu hiệu thiếu nước/mất nước (do vừa cho con bú, vừa đi tiểu nhiều). Do vậy, đây vẫn nên là vấn đề nên kiêng cữ, ít nhất cho tới giai đoạn trẻ cai sữa.

7. Rối loạn giấc ngủ

Nhiều thông tin khuyến cáo không nên sử dụng cà phê sau 3h chiều, bởi thời gian trung bình để cơ thể xử lý hết caffeine là 6 tiếng. Việc uống cà phê quá muộn có thể khiến chất lượng giấc ngủ của bạn bị ảnh hưởng, đặc biệt không tốt cho những ai cần tĩnh tâm, thư giãn nghỉ ngơi.

Một số chuyên gia đã xác nhận tác động của caffeine là khác nhau tùy cơ địa, lý giải cho việc có những người dù uống cà phê đêm muộn vẫn ngủ ngon như thường. Thế nhưng, không phải ai cũng được trời độ cho làm chủ được sức mạnh này, nên đừng quá tự tin mà phí phạm cả ngày hôm sau mệt mỏi vì thiếu ngủ.

Ở một diễn biến khác, nếu bạn thuộc tuýp “cú đêm không chuyên” – tức rất thích thức đêm nhưng chưa đủ thích nghi, thường xuyên cảm thấy vật vờ vào hôm sau – thì đừng tìm đến cafe như một cách chống chế. Thay vào đó, chỉ còn một giải pháp cuối cùng: Ngủ bù là trên hết!

Caffeine bên trong cà phê không phải thuốc thần, chỉ có thể kích thích sự tỉnh táo của bạn tới một mức độ nhất định. Khi đã quá tải, cơ thể bạn sẽ “biểu tình” và trở nên mệt mỏi vượt khả năng ức chế của caffeine, buộc bạn phải dành thời gian nghỉ ngơi bù trước khi mọi thứ trở nên trầm trọng hơn.

tác hại của cafe, tác dụng của cafe, giải ngố, đừng uống cà phê nếu bạn gặp 12 dấu hiệu sức khỏe đáng chú ý này

(Ảnh: Kinga Cichewicz)

  • 7 lý do vì sao uống cà phê xong vẫn luôn mệt mỏi (dù có thể bạn không thực sự thiếu ngủ)
  • “Giờ vàng” uống cafe trong ngày: Không phải buổi sáng thức dậy đâu nhé!
  • Say cafe là gì? 14 cách chữa say cafe hiệu quả mọi lúc mọi nơi

8. Tâm lý dễ lo âu & hoảng loạn

Những người mắc chứng lo âu và dễ mất bình tĩnh, không kiểm soát và trấn an bản thân tốt sẽ không nên uống nhiều cà phê.

Như có đề cập trong bài viết tổng hợp về tác hại của cà phê đối với cơ thể, caffeine một mặt giúp kích thích não bộ tỉnh táo, mặt khác lại gây ảnh hưởng một phần tới tâm trạng, khiến người uống dễ trở nên căng thẳng, lo lắng hay bồn chồn – nhất là khi chưa quen uống hoặc uống quá nhiều cà phê.

9. Tiêu chảy

Tác động của caffeine lên hệ tiêu hóa bài tiết không chỉ khiến người uống đi “hái hoa” nhiều hơn mà cả đi “vũ trụ” cũng vậy. Điều này đôi khi sẽ có lợi nếu bạn là người quan tâm tới tần suất đi vệ sinh, hoặc muốn kiểm soát thời điểm vào WC xả lũ theo đúng ý mình.

Tuy vậy, nó sẽ trở thành cơn ác mộng cho những ai mắc chứng tiêu chảy lại còn bị kích thích vào WC nhanh hơn cần thiết. Nếu bụng dạ chưa tốt, đừng mạo hiểm mà hãy cân nhắc kỹ càng quyết định uống cà phê của mình nhé.

10. Động kinh

Với những người không may mắc bệnh mãn tính hoặc do tuổi tác dẫn tới tình trạng thần kinh bất ổn định, thói quen sử dụng cà phê cũng cần được xem xét nghiêm túc. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc uống cà phê với nguy cơ lên cơn co giật hay động kinh ở các bệnh nhân tương ứng.

Dù vậy, rủi ro này được cho là chỉ tăng cao khi tiêu thụ caffeine liều lượng lớn. Kết luận trên cũng không áp dụng một cách giống nhau cho mọi trường hợp hay mọi cá thể.

11. Dưới 12 tuổi

Mình không chắc một bạn nhỏ ở độ tuổi thiếu niên sẽ chủ động tìm đọc được bài viết này, nhưng vẫn cần cho vào list để người lớn tiếp thu và lưu ý. Nếu bạn có trẻ em trong nhà, hãy khuyến cáo hạn chế hết sức đồ uống chứa caffeine (chủ yếu gồm trà, nước ngọt, cà phê) – đặc biệt là ở độ tuổi 12 trở xuống.

tác hại của cafe, tác dụng của cafe, giải ngố, đừng uống cà phê nếu bạn gặp 12 dấu hiệu sức khỏe đáng chú ý này

(Ảnh: Annie Spratt)

Tác dụng phụ của caffeine sẽ trầm trọng và khó đoán hơn nhiều đối với trẻ em, biểu hiện qua một số hậu quả phổ biến:

  • Cơ thể trẻ nhỏ chưa đủ trưởng thành để đối phó với triệu chứng tiêu cực như bồn chồn, căng thẳng, nhịp tim tăng, say cà phê.
  • Caffeine kích thích não bộ và làm quên đi cơn đói, khiến trẻ em không thèm ăn, nạp thiếu chất dinh dưỡng cần thiết ở độ tuổi phát triển.
  • Cà phê và các loại nước ngọt có tính acid cao, không tốt cho sức khỏe răng lợi còn non nớt của trẻ nhỏ.

12. Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản

Trào ngược dạ dày là dấu hiệu phổ biến xuất hiện sau khi ăn, nhưng chỉ tùy tình huống và sẽ khó xảy ra nếu bạn ăn uống điều độ.

Mặt khác, một số người mắc bệnh trào ngược dạ dày (Gastroesophageal Reflux Disease – GERD) sẽ gặp triệu chứng trầm trọng hơn: Lượng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản tăng cao quá nhiều, kéo theo những hậu quả khác bao gồm ợ nóng, khó nuốt, đau ngực, ho sặc…

Thông tin nghiên cứu trước đó đã chỉ ra bằng chứng rằng caffeine (bất kể từ cà phê hay các đồ uống khác) có thể giảm áp lực hiệu quả của cơ thắt thực quản dưới. Phần cơ này đóng vai trò làm chốt chặn kết nối thực quản với dạ dày. Vì vậy, khi cơ thắt hoạt động kém hiệu quả hơn, bạn sẽ khó kiểm soát tác động của trào ngược dịch dạ dày lên thực quản.

Trên đây là 12 dấu hiệu cho thấy bạn không nên uống cà phê, hoặc ít nhất là trong tình trạng nên kiêng hoặc cân nhắc liều lượng tiêu thụ caffeine của mình. Mong rằng mỗi người sẽ luôn cập nhật những kiến thức đúng đắn nhất để sở thích không gây khó dễ đến sức khỏe hoặc thói quen khác trong cuộc sống.

Đăng bởi: Lê Bảo Ngọc

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก