• Cỗ xe thám hiểm Nam Cực khổng lồ trở thành thất bại lớn

    Cỗ xe thám hiểm Nam Cực khổng lồ trở thành thất bại lớn
    Cỗ xe thám hiểm Nam Cực khổng lồ trở thành thất bại lớn
    Cỗ xe thám hiểm Nam Cực khổng lồ trở thành thất bại lớn

    Xe Tuyết Nam Cực (ASC) được chế tạo để thúc đẩy vận chuyển trong chuyến thám hiểm Dịch vụ Nam Cực của Mỹ (1939 – 1941) nhưng không thành công.

    Xe ASC được phát triển dưới sự chỉ đạo của chuẩn đô đốc Richard Byrd, một nhà thám hiểm nổi tiếng người Mỹ. Người phụ trách thứ hai là tiến sĩ Thomas Poulter.

    Poulter trở về sau chuyến thám hiểm châu Nam Cực năm 1934 với ý tưởng về một phương tiện vận tải khổng lồ giúp khám phá vùng đất này. Ông hình dung nó như một cỗ xe không thể ngăn cản, giúp di chuyển đường dài trên những dải băng tuyết rộng lớn, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

    Ngày 29/4/1939, Poulter và Quỹ Nghiên cứu của Viện Công nghệ Armor trình bày kế hoạch với các nhà chức trách ở Washington D.C. Quỹ này tài trợ cho xe ASC với số tiền ước tính 150.000 USD. Quá trình chế tạo bắt đầu vào ngày 8/8/1939 và kéo dài 11 tuần.

    Thiết kế của Xe Tuyết Nam Cực (ASC). Ảnh: Rare Historical Photos

    Được thiết kế đặc biệt để vượt qua các khe nứt, cỗ xe có phần nhô ra dài ở hai đầu và bánh xe có thể co lên. Cỗ xe dài 17 m, rộng 4,6 m, nặng khoảng 20 tấn, phù hợp cho 4 – 5 người ở trong một năm với thực phẩm, nhiên liệu và trang thiết bị.

    Ngoài khu sinh hoạt, cỗ xe còn có phòng thí nghiệm khoa học, phòng tối xử lý ảnh, phòng động cơ và một phòng máy nhỏ. Mỗi bánh xe có đường kính 3 m, nặng 318 kg, làm từ một loại cao su đặc biệt không nứt vỡ kể cả trong điều kiện siêu lạnh.

    Mỗi bánh xe có thể được điều khiển độc lập bằng động cơ riêng, cho phép ASC di chuyển trên địa hình khó và vượt qua các khe nứt rộng 4,5 m. Cỗ xe có tốc độ trung bình 16 – 21 km/h, trong khi tốc độ tối đa là 48 km/h. Tầng trên đủ rộng để chở một chiếc máy bay nhỏ.

    Người lái và chủ thuê sẽ ngồi trong phòng điều khiển được nâng cao ở đầu xe. Dưới phòng điều khiển, bên dưới lối đi nhỏ, là phòng máy, hệ thống làm tan tuyết và các loại máy phát điện, máy bơm, tời kéo. Ngay phía trước bánh trước là phòng động cơ chứa 2 động cơ diesel Cummins với công suất 300 mã lực.

    Cỗ xe khổng lồ đi qua đường phố trước khi nghỉ chân ở Framingham, bang Massachusetts, năm 1939. Ảnh: Rare Historical Photos

    Ngày 24/10/1939, ASC lần đầu tiên nổ máy tại Công ty Pullman, phía nam Chicago. Từ đây, các tài xế đưa chiếc xe mới đi qua vùng Trung Tây. Họ lái thử trên những đụn cát dọc theo hồ Michigan, phía bắc Indiana, sau đó lái qua Ohio, Pennsylvania, New York. Trong hành trình, các con đường bị cấm lưu thông vì cỗ xe đồ sộ cần cả hai làn để di chuyển. Điều này gây ùn tắc nghiêm trọng và cũng thu hút rất đông người xem.

    Cuối cùng, ASC đến thành phố Boston, bang Massachusetts, và khởi hành tới châu Nam Cực vào ngày 15/11/1939 trên tàu USCGC North Star. Theo kế hoạch, cỗ xe phải đến Nam Cực và theo dõi cực quang. Nhưng đầu tháng 1/1940, khi cùng đoàn thám hiểm Dịch vụ Nam Cực của Mỹ đến căn cứ Little America ở vịnh Cá Voi, châu Nam Cực, cỗ xe đã gặp rất nhiều vấn đề.

    Đoàn thám hiểm phải xây một bờ dốc bằng gỗ để xe xuống khỏi tàu. Trong lúc chạy xuống, một bánh xe làm gãy bờ dốc. Đoàn thám hiểm reo hò khi Poulter đưa cỗ xe thoát khỏi bờ dốc, nhưng sau đó im bặt khi nó không thể di chuyển qua tuyết và băng.

    Những chiếc lốp lớn, nhẵn, không đường gờ, vốn được thiết kế cho loại xe đầm lầy lớn. Giờ chúng chìm sâu tới gần 1 m trong tuyết, quay tự do và gần như không thể đưa xe tiến về phía trước. Đoàn thám hiểm đã gắn 2 lốp dự phòng vào bánh trước và lắp xích ở bánh sau nhưng không khắc phục được việc thiếu lực bám.

    Sau đó, họ phát hiện lốp xe tạo ra nhiều lực bám hơn khi đi lùi. Kết quả, hành trình dài nhất mà chiếc xe thực hiện được là 148 km – lái lùi hoàn toàn. Ngày 24/1/1940, Poulter trở về Mỹ, trao lại cho F. Alton Wade phụ trách một phần đoàn thám hiểm.

    Xe ACS bị bỏ lại ở châu Nam Cực ngày 22/12/1940. Ảnh: Rare Historical Photos

    Dù về cơ bản là một sự thất bại, từ thiếu lực bám đến động cơ yếu, cỗ xe vẫn là một căn cứ vững chắc để sống và làm việc toàn thời gian. Chất làm mát động cơ đi qua cấu trúc của cabin, làm ấm hiệu quả bên trong xe, bất chấp điều kiện lạnh giá khắc nghiệt. Các nhà khoa học tiến hành những thí nghiệm địa chấn, đo đạc tia vũ trụ và lấy mẫu lõi băng trong lúc sống trên xe.

    Poulter muốn trở lại châu Nam Cực và trang bị cho ACS những bộ phận cải tiến, nhưng khi vướng vào Thế Chiến II, Mỹ đã tập trung ngân sách cho cuộc chiến. Cỗ xe bị bỏ lại ở căn cứ Little America III ngày 22/12/1940. Lần cuối cùng chiếc xe được tìm thấy là vào năm 1958, khi một đoàn thám hiểm quốc tế “khai quật” nó dưới lớp tuyết dày 7 m, bên trong vẫn nguyên vẹn như những gì đoàn thám hiểm ban đầu để lại.

    Những chuyến thám hiểm sau đó không còn phát hiện dấu vết của ACS. Nhiều khả năng cỗ xe đang nằm dưới đáy Nam Đại Dương hoặc bị chôn sâu dưới băng tuyết. Băng ở châu Nam Cực liên tục chuyển động và thềm băng cũng không ngừng tiến ra biển.

    Xem thêm bài có từ khoá:

    nam cực,

    cực quang,

    pullman,

    new york,

    vũ trụ