Hàn Quốc

An Ik-tae, người sáng tác quốc ca Hàn Quốc

Quốc ca nói chung là một bài hát ái quốc khơi gợi và tán dương lịch sử, truyền thống và đấu tranh của nhân dân quốc gia đó, được chính phủ của một đất nước công nhận là bài hát chính thức của quốc gia, hoặc được người dân sử dụng nhiều thành thông lệ. Vậy bạn biết gì về Quốc ca Hàn Quốc và tác giả không? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Bản nhạc “Symphonic Fantasy Korea” ra đời, cất tiếng vang khắp muôn nơi

Ngày 20/2/1938, nhận lời mời của Dàn nhạc giao hưởng đài phát thanh Ireland, nhà soạn nhạc kiêm chỉ huy dàn nhạc An Ik-tae đã đến sân khấu của nhà hát cổ Gaiety với một tác phẩm hết sức bi tráng. Đây là lần đầu tiên “Symphonic Fantasy Korea” (Hanguk Hwansanggok) ra mắt công chúng và bằng những giai điệu trữ tình, bản nhạc đã giống như một bài thơ tự sự hoành tráng mang phong cách của nhạc giao hưởng, thể hiện lại cả một quá trình lịch sử của Hàn Quốc, từ giai đoạn thủy tổ Dangun khai quốc cho đến khi đất nước bị ngoại xâm, rồi niềm vui đón mừng độc lập sau những năm tháng dày công đấu tranh của dân tộc.

hàn quốc, văn hóa hàn quốc, an ik-tae, người sáng tác quốc ca hàn quốc

Dù “Symphonic Fantasy Korea” bấy giờ chỉ là bản nhạc mới ra mắt công chúng, nhưng An Ik-tae đã có thể chỉ huy cả dàn nhạc biểu diễn một cách thành thục mà không cần nhạc phổ, qua đó có thể thấy, ông đã trải qua một quá trình thai nghén, gọt giũa và trau chuốt rất nhiều cho tác phẩm của mình. Khán thính giả đến xem chật kín và mọi người đều cảm động trước màn chỉ huy đầy nhiệt huyết của An Ik-tae cũng như giai điệu hợp xướng ở phần sau của bản nhạc, giai điệu hiện đã trở thành quốc ca của Hàn Quốc. Bắt đầu từ đó cho đến ngày Hàn Quốc được giải phóng năm 1945, An Ik-tae luôn đưa lên sân khấu bản “Symphonic Fantasy Korea” mỗi khi ông đích thân chỉ huy dàn nhạc. Do vậy, có thể thấy, nhờ An Ik-tae mà quốc ca của Hàn Quốc từ rất sớm đã cất tiếng vang xa khắp nơi trên thế giới, thậm chí cả khi tổ quốc của ông vẫn còn nằm dưới ách thống trị của thực dân Nhật.

Thần đồng âm nhạc đến với thế gian

An Ik-tae sinh ngày 5/12/1906 tại Bình Nhưỡng (Pyeongyang), trong một gia đình khá giả. Nhờ bố mẹ kinh doanh quán trọ mà từ nhỏ An Ik-tae đã có điều kiện kinh tế để tiếp cận với âm nhạc. Đặc biệt, có thể nói, chiếc vi-ô-lông mà người anh du học ở Nhật mua về cho ông chính là yếu tố góp phần cuốn hút ông đến với con đường âm nhạc. An Ik-tae có tài năng xuất chúng tới mức được mọi người gọi là thần đồng âm nhạc. Năm 1914, ông nhập học vào trường phổ thông Jongno của thành phố Bình Nhưỡng và học về kèn trompet (trumpet), sau đó hoạt động như một thành viên của dàn nhạc giao hưởng tại trường trung học Sungsil của thành phố Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, khi An Ik-tae đang học ở trường trung học Sungsil, thì diễn ra phong trào độc lập 1/3, một phong trào chống lại thực dân Nhật trên bán đảo Hàn Quốc. Ông đã tham gia ủng hộ phong trào này và bị đuổi học. Việc học hành bị gián đoán, song, phần vì ý muốn của bản thân, phần vì hoàn cảnh xô đẩy, An Ik-tae đã sang Nhật, nhập học vào trường trung học Seisoku ở Tokyo nhờ vào tài năng đặc biệt về âm nhạc của mình. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục vào trường Âm nhạc quốc gia Nhật Bản, học chuyên ngành xe-lô (cello). An Ik-tae đã trở nên nổi tiếng, các đợt nghỉ giữa kỳ, ông đều về nước, tổ chức biểu diễn độc tấu tại Seoul và Bình Nhưỡng. Năm 1930, có cơ hội đi du học ở Mỹ, ông đã lựa chọn vào chuyên ngành xe-lô (cello) và chuyên ngành sáng tác tại các trường Âm nhạc Cincinnati và đại học Âm nhạc Philadelphia. Thời điểm này, cảnh tượng thấy được trong một hội diễn âm nhạc nhỏ tổ chức tại nhà thờ của người Hàn tại San Francisco đã khiến cho An Ik-tae khó có thể quên được trong suốt cuộc đời của mình.

Sáng tác quốc ca Hàn Quốc trong khi du học tại Mỹ

An Ik-tae chứng kiến giáo dân trong nhà thờ của người Hàn tại Mỹ treo Taegeukgi (Thái cực kỳ), quốc kỳ của Hàn Quốc lên và cất cao giọng, hát vang bài “Auld lang syne” với nỗi nhớ quê hương da diết. An Ik-tae thấy họ muốn biểu hiện tinh thần ái quốc, song chưa có bài hát nào phù hợp và thật tiếc khi họ phải thể hiện nỗi lòng mình qua “Auld lang syne”, một bài dân ca của Scotland. Từ đó An Ik-tae đã quyết tâm sáng tác nên quốc ca Hàn Quốc và ông đã hoàn thành phần một của bản nhạc vào năm 1935, năm ông tốt nghiệp đại học âm nhạc Philadelphia.

Sang châu Âu, năm 1936 tại Viên, Áo, ông theo học chỉ huy dàn nhạc với nhạc trưởng nổi tiếng thế giới Felix Weingartne nhưng lúc này ông vẫn không quên tâm niệm sáng tác quốc ca của mình. Ông đã sáng tác thành công bản “Symphonic Fantasy Korea” tổng cộng gồm tất cả 3 phần, trong đó có “Aegukga (Ái quốc ca)” nằm ở chương cuối là phần hợp xướng với những lời ca như “Đại Hàn muôn năm”, thể hiện tinh thần đấu tranh giành độc lập của người dân Hàn.

hàn quốc, văn hóa hàn quốc, an ik-tae, người sáng tác quốc ca hàn quốc

Quốc ca của Hàn Quốc đã ra đời từ đó. Nó được lấy ra từ phần 3 của bản nhạc, có tên gọi là “Ái quốc ca” và chính thức được công nhận là quốc ca vào năm 1948, song song với việc thành lập chính phủ Đại Hàn Dân Quốc. Sau chiến tranh Triều Tiên, năm 1958, bản nhạc đã có thêm phần 4 miêu tả về niềm vui độc lập và cảnh thảm khốc của cuộc chiến năm 1950. Đầu nhạc phổ có đoạn viết thể hiện tình cảm rất đỗi yêu quý tác phẩm “Symphonic Fantasy Korea” của tác giả:

“Ôi! Hàn Quốc, tổ quốc của ta ơi, ta nhớ người khôn xiết.
Nhớ giang sơn gấm vóc tươi đẹp, nhớ những giai điệu nhạc nên thơ.”

Đặc biệt, đoạn hợp xướng của bản nhạc luôn được An Ik-tae cho thể hiện bằng tiếng Hàn, ngay cả những khi đi biểu diễn ở nước ngoài, cho thấy nỗ lực của ông trong việc quảng bá tên tuổi của Hàn Quốc ra thế giới.

Người đi tiên phong trong việc đưa âm nhạc Hàn Quốc đến với thế giới

Thực tế, không chỉ là nhà soạn nhạc, sáng tác ra “Ái quốc ca”, quốc ca của Hàn Quốc, An Ik-tae còn là một nhạc trưởng nổi tiếng, chỉ huy tới hơn 200 dàn nhạc ở các khu vực châu Âu và châu Mỹ, là người đi tiên phong trong việc đưa âm nhạc Hàn Quốc đến với sân khấu của thế giới. Năm 1955, sau 25 năm rời khỏi Hàn Quốc, ông đã quay trở về, làm nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc biểu diễn bản “Symphonic Fantasy Korea”. Sau đó, ông thường xuyên đi lại giữa Hàn Quốc và Tây Ban Nha, nơi ông từng là nhạc trưởng thường trực của dàn nhạc tại đây, tổ chức nên các đại hội âm nhạc quốc tế, thắp sáng cho tinh thần dân tộc của Hàn Quốc. Ngày 16/9/1965, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện nhỏ ở Barcelona, Tây Ban Nha.

Tuy đã qua đời nhưng cho đến nay An Ik-tae vẫn luôn sống trong lòng người dân Hàn Quốc. Bài “Ái quốc ca” mà ông sáng tác vẫn luôn cháy bỏng, cất cao tiếng hát mỗi khi Hàn Quốc đứng ở vị trí hàng đầu thế giới trên một lĩnh vực nào đó, hay khi Hàn Quốc gặp phải khó khăn, hoạn nạn, có những nỗi đau, niềm thương tiếc. Sáng tác của ông đã biến tất cả người dân Hàn Quốc trở thành những con người đồng tâm nhất trí, cùng nhau sống vì một tổ quốc tươi đẹp.

Đăng bởi: Nguyên Đỗ

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก