Mekong Miền Tây

Các tiểu vùng đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long

Xét trên yếu tố tự nhiên và đặc thù văn hóa, xã hội, không gian du lịch Miền Tây Nam Bộ có thể chia thành 4 tiểu vùng: Vùng duyên hải phía Đông gồm Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh với sản phẩm chủ đạo là du lịch sông nước miệt vườn gắn với làng nghề, nghỉ tại nhà dân, di tích lịch sử văn hóa, cách mạng. Vùng Đồng Tháp Mười gồm Long An, Đồng Tháp với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái rừng đặc dụng ngập nước điển hình. Vùng Tứ Giác Long Xuyên gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang với sản phẩm nổi trội là du lịch tham quan sông nước, du lịch với mục đích thương mại, du lịch tâm linh lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cuối cùng là vùng bán đảo Cà Mau gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với sản phẩm du lịch chủ lực là tham quan điểm cực Nam tổ quốc, du lịch sinh thái rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với dân tộc Khmer.

Vùng duyên hải phía Đông

Cụm duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long gồm 4 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh đây là bốn địa phương gắn liền nhau chung một điểm đến. Vùng đất này được bao bọc bởi các nhánh sông: sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và sông Hậu. Những dòng sông uốn lượn thơ mộng chở nặng phù sa đã bồi đắp cho miền duyên hải này nên những ruộng đồng bao la thẳng cánh cò bay, những vườn cây ăn trái bạt ngàn, bốn mùa trĩu quả. Du khách đến đây sẽ cảm nhận không gian rộng lớn của màu xanh cây trái, ruộng đồng, với không khí trong lành của đồng quê thanh bình.

Hành trình từ thành phố Hồ Chí Minh đến cụm liên kết bốn tỉnh rất dễ dàng khi hạ tầng giao thông vùng quê sông nước đã được đầu tư khang trang và thuận lợi. Du khách đi ô tô theo đường cao tốc từ TP.HCM -Trung Lương chỉ mất khoảng 1 giờ, nếu đi theo quốc lộ 1A thì mất khoảng 1 giờ 20 phút là đến.

Tiền Giang

Tỉnh Tiền Giang (68km) là tỉnh đầu tiên của cụm vựa trái cây lớn nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nơi đây hội tụ của ba vùng sinh thái; nước ngọt phù sa, rừng ngập mặn và vùng ngập phèn Đồng Tháp Mười, Tiền Giang có ưu thế và thuận lợi riêng để phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.

miền tây nam bộ, miền tây, du lịch miền tây, đồng bằng sông cửu long, điểm du lịch miền tây, các điểm du lịch miền tây, các tiểu vùng đặc trưng của đồng bằng sông cửu long

Chèo thuyền tham quan Cù Lao Thới Sơn – Tiền Giang

Các điểm đến đã khẳng định trên bản đồ du lịch Tiền Giang: cù lao Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho) kết hợp tham quan trại rắn Đồng Tâm, chùa Vĩnh Tràng; làng cổ Đông Hòa Hiệp; chợ nổi Cái Bè (huyện Cái Bè); Miệt vườn Cái Bè vựa trái cây lớn vào bậc nhất cả nước, vườn cây ăn quả cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy);… Tiếp tục hành trình, tham quan Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười cùng với Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (huyện Tân Phước). Gắn với các điểm đến đó còn phải kể đến các hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc miệt vườn sông nước: đờn ca tài tử, lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội làng cổ,… hết sức hấp dẫn và tạo nét đặc sắc riêng cho du lịch Tiền Giang.

Bến Tre

Cầu Rạch Miễu xây dựng xong vào năm 2009, đi qua sông Tiền là đến huyện Châu Thành – tỉnh Bến Tre. Bến Tre được mệnh danh là quê hương xứ dừa cũng là vương quốc cây trái, hoa kiểng, cây giống cung cấp cho cả nước và các nước lân cận. Quê hương Bến tre còn giữ được nét hoang sơ đặt trưng của đồng bằng Nam bộ với hệ thống nhiều cồn nổi như: Cồn Phụng, cồn Quy (Tân Thạch- Châu Thành), cồn phú Đa (Chợ Lách), cồn Ốc (Hưng Phong), …Du khách đến đây, không chỉ tham quan cảnh sông nước, thưởng thức trái cây ngon và đặc sản trên cồn mà còn được trải nghiệm làng nghề thủ công truyền thống.

miền tây nam bộ, miền tây, du lịch miền tây, đồng bằng sông cửu long, điểm du lịch miền tây, các điểm du lịch miền tây, các tiểu vùng đặc trưng của đồng bằng sông cửu long

Trải nghiệm đi xe ngựa khám phá Cồn Phụng – Bến Tre

Những vườn trái cây trĩu quả quanh năm ở Miệt vườn Cái Mơn – Chợ Lách, miệt vườn Tân Phú bao giờ cũng có sức hút đặc biệt với du khách. Ngoài ra, các làng nghề truyền thống của người dân Bến Tre cũng là điểm đến thú vị như: Làng nghề hoa kiểng Cái Mơn, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, kẹo dừa Bến Tre. Những điểm du lịch về nguồn ở Bến Tre được du khách quan tâm như: Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu, Di tích Căn cứ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi, Nhà cổ Huỳnh Phủ…Ngoài ra còn có những điểm du lịch hấp dẫn khách như: vườn chim Vàm Hồ, bãi biển Thừa Đức, bãi biển Thạnh Hải….Biển ở Bến Tre là biển phù sa với cảnh sắc thiên nhiên đẹp hoang sơ.

Trà Vinh

Trên đường đi Trà Vinh, đến đỉnh cầu Hàm Luông, đây là cây cầu được bắt qua sông Hàm Luông, là một nhánh của dòng sông Mêkong hiền hòa, mọi người sẽ vô cùng thú vị và đầy ngạc nhiên khi mình đang ở trong giữa một rừng dừa bạt ngàn; tiếp theo Quốc lộ 60 khoảng 30 km qua sông Cổ Chiên sẽ đến địa phận tỉnh Trà Vinh.

miền tây nam bộ, miền tây, du lịch miền tây, đồng bằng sông cửu long, điểm du lịch miền tây, các điểm du lịch miền tây, các tiểu vùng đặc trưng của đồng bằng sông cửu long

Chùa Vàm Rây – Ngôi chùa Khmer có kiến trúc độc đáo – Ảnh: Nguyen The Duong

Trà Vinh là vùng đất gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm với nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc truyền thống lâu đời. Nơi đây nổi tiếng với những ngôi chùa Khmer có kiến trúc độc đáo như: chùa Âng, Chùa Hang, chùa Cò, chùa Vàm Ray. Ngoài ra còn có cảnh đẹp thiên nhiên rừng ngập mặn, nhiều cồn, cù lao nằm giữa sông Tiền, sông Hậu như: ao Bà Om, bãi biển Ba Động (huyện Duyên Hải), cù lao Long Trị (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh); cù lao Tân Qui (huyện Cầu Kè); du lịch cộng đồng Cồn Chim (huyện Châu Thành) và các lễ hội đặc sắc như: lễ hội Nghinh Ông Nam Hải, lễ chùa Ông Bổn, lễ hội Ok-Om-Bok, lễ Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer. Điểm đặc trưng khác biệt của du lịch Trà Vinh so với các tỉnh trong khu vực duyên hải phía Đông sông Cửu Long là phát triển du lịch sinh thái miệt vườn nhưng kết hợp với mô hình nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ (đánh bắt tôm, câu cua, thưởng thức hải sản) trên cù lao, cồn nổi ven biển.

Vĩnh Long

Xuôi về tỉnh Vĩnh Long, du khách chỉ mất một giờ đồng hồ là đến thành phố Vĩnh Long (60 km) đây là một trong bốn tỉnh liên kết không có du lịch biển nhưng với du lịch sông nước miệt vườn đã nổi tiếng lâu nay.  Vĩnh Long có vị trí nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cùng những vườn cây ăn trái rất đa dạng như: Chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, bưởi… Bên cạnh đó, cảnh quan sông nước và khí hậu mát mẻ trong lành quanh năm nên Vĩnh Long là địa phương thu hút rất đông du khách. Các sản phẩm du lịch Vĩnh Long chủ yếu là du lịch sinh thái miệt vườn ở cù lao Dài (huyện Vũng Liêm), cù lao Mây (huyện Trà Ôn) và cù lao An Bình (huyện Long Hồ). Tham quan các di tích văn hóa, lịch sử tâm linh nổi tiếng ở Vĩnh Long như: Đình Long Thanh (phường 5, thành phố Vĩnh Long), Văn Thánh Miếu (phường 4, thành phố Vĩnh Long), Chùa Phật Ngọc Xá Lợi (xã Tân Ngãi, TP. Vĩnh Long), khu tưởng niệm Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (xã Long Phước, huyện Long Hồ)… Du lịch làng nghề tại làng nghề bánh tráng Cù lao Mây huyện Trà Ôn, làng nghề sản xuất gạch – gốm huyện Long Hồ – Mang Thít, làng mai Phước Định huyện Long Hồ…

miền tây nam bộ, miền tây, du lịch miền tây, đồng bằng sông cửu long, điểm du lịch miền tây, các điểm du lịch miền tây, các tiểu vùng đặc trưng của đồng bằng sông cửu long

Du khách đạp xe trên cu lao An Bình – Vĩnh Long

Đặc biệt đến thăm các tỉnh duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long bạn đừng quên thưởng thức đặc sản, ẩm thực nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang); bưởi Da Xanh, măng cụt Cái Mơn, sầu riêng Chín Hóa, dừa dứa, bánh tráng, bánh phồng, các món ăn từ dừa (Bến Tre); bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình, sầu riêng RI 6 (Vĩnh Long); tôm khô Vinh Kim, bánh tét Trà Cuôn, bánh canh Bến Có (Trà Vinh),  thưởng thức hải sản tươi sống thì xuống huyện Thạnh Phú, huyện Ba Tri – tỉnh Bến Tre hay Ba Động của tỉnh Trà Vinh…

Đến đây du khách sẽ tiếp tục đi về các tỉnh của cụm phía Tây đồng bằng sông Cửu Long theo quốc lộ 1A như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang hay Đồng Tháp. Từ đây du khách có thể đi đường thủy theo dòng Mêkông đi Châu Đốc và sang Nongpenh Campuchia hoặc sang sông hậu về các tỉnh cụm phía Tây Đồng Bằng Sông Cửu Long đến mũi Cà Mau.

Đồng Tháp Mười

Vùng Đồng Tháp Mười thuộc địa bàn 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp, và một phần tỉnh Tiền Giang. Ngày nay tiểu vùng này chỉ còn Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (Tiền Giang), Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng (Đồng Tháp), Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Khu Du lịch làng nổi Tân Lập, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (Long An) là giữ được phần nào cảnh quan vùng đất phèn trũng với cây tràm là chủ yếu cùng vài trăm loài chim, loài cá vốn có của sông Me Kông, của Đồng bằng sông Cửu Long. Dù không nhiều, nhưng những khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên ấy là vô cùng quý giá, là sản phẩm du lịch sinh thái không thể thiếu của Đồng Tháp Mười. Môi trường sinh thái Đồng Tháp Mười đã ban tặng sản vật hết sức đa dạng và phong phú cho cư dân địa phương. Ẩm thực Đồng Tháp Mười gắn liền với lịch sử khai mở vùng đất này. Với phong cách hoang dã dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên các món ăn du khách phải thưởng thức: mắm kho bông súng, cá rô đồng kho tộ, cá gói lá sen nướng, cá hấp lá duối, chuột đồng quay lu, chuột đồng luộc cơm mẻ, rắn hầm tỏi, lẩu lươn… rồi nhấm nháp ly rượu sen, rượu mật ong tinh khiết…

Long An

Nằm ở khu vực giao thoa giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ, Long An được xem là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là du lịch sinh thái vùng Đồng Tháp Mười. Đừng chân ở Long An du khách sẽ tham quan làng nổi Tân Lập, khu Ramsar Láng Sen, Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười. Khi đến nơi đây vào mùa nước nổi, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian của vương quốc chim cò với mật độ dày đặc, thực vật mênh mông.

miền tây nam bộ, miền tây, du lịch miền tây, đồng bằng sông cửu long, điểm du lịch miền tây, các điểm du lịch miền tây, các tiểu vùng đặc trưng của đồng bằng sông cửu long

Con đường xuyên rừng tràm tại Làng nổi Tân Lập

Nhắc đến du lịch Long An không thể không nhắc đến hai con sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông mang phù sa bồi đắp cho những vườn trái cây trĩu quả quanh năm. Ngoài ra du khách đến Long An có thể chiêm ngưỡng nét đẹp cổ xưa của những căn nhà cổ khắp 3 miền tại Khu du lịch Làng cổ Phước Lộc Thọ, tọa lạc xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa. Không gian văn hóa 3 miền với những nét đặc trưng cùng cảnh tái hiện hoạt động mua – bán ở các khu chợ truyền thống, chợ nổi tại Khu du lịch Happyland (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) cũng là vui chơi giải trí hấp dẫn cho du khách. Hình ảnh chủ đạo của tỉnh Long An sẽ là cây tràm, ẩm thực gắn với cây hẹ nước.

Đồng Tháp

Điểm kết thúc hành trình là Đồng Tháp – quê hương đất Sen hồng. Du lịch Đồng Tháp khách tham quan Khu Di tích lịch sử văn hóa khảo cổ quốc gia đặc biệt Gò Tháp, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, nổi bật nhất là Vườn Quốc gia Tràm Chim – Khu Ramsar 2000 của thế giới, thứ 4 của Việt Nam nơi bảo tồn nhiều loài chim quý hiếm. Ngoài ra Đồng Tháp còn có các điểm du lịch hấp dẫn như: khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Xẻo Quýt (Cao Lãnh), Chùa Kiến An Cung , nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, vườn quýt hồng Lai Vung …

miền tây nam bộ, miền tây, du lịch miền tây, đồng bằng sông cửu long, điểm du lịch miền tây, các điểm du lịch miền tây, các tiểu vùng đặc trưng của đồng bằng sông cửu long

Du khách quan sát các loài chim tại Vườn quốc gia Tràm Chim

Ngoài ra, Đồng Tháp còn khá nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: làng hoa Sa Đéc (Sa Đéc), làng Chiếu Định Yên, Nem Lai Vung… với các lễ hội lớn như: Lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Lễ hội ông bà Đỗ Công Tường, Lễ hội Gò Tháp, Lễ hội hoa Sa Đéc… là điểm nhấn thu hút du khách. Hình ảnh thiên nhiên hoang sơ với dấu ấn chủ đạo là hoa sen và ẩm thực chế biến từ sen. Ngoài ra còn có các món ăn khác như: nem lai vung, hủ tiếu Sa Đéc, bánh phồng tôm Sa Giang …cũng là những món ăn tạo nên hương vị đặc biệt của Đồng Tháp mà không phải nơi nào cũng có.

Vùng Tứ Giác Long Xuyên

Các địa phương thuộc Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên gồm: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Đây là vùng trũng tự nhiên, nằm ở phía đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long hiện cũng là vựa lúa lớn nhất cả nước. Chỉ cần du lịch Miền Tây quanh vùng tứ giác Long Xuyên, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị của đồng bằng sông Cửu Long thu nhỏ: có sông, có núi, có rừng, có biển đảo, có chợ nổi, làng bè, cù lao, có văn hóa Kinh, Chăm, Hoa, Khmer…

Thành phố Cần Thơ

Cần Thơ là thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, đầu mối giao thông nối liền giữa các địa phương trong vùng. Được thiên nhiên ưu đãi, Cần Thơ có nguồn tài nguyên rất đặc trưng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt bao phủ xung quanh với những điểm du lịch hấp dẫn.

miền tây nam bộ, miền tây, du lịch miền tây, đồng bằng sông cửu long, điểm du lịch miền tây, các điểm du lịch miền tây, các tiểu vùng đặc trưng của đồng bằng sông cửu long

Đi Chợ Nổi Cái Răng là một trải nghiệm thú vị cho du khách

Quận Ninh Kiều, quận trung tâm của Thành phố có hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp, trung tâm hội nghị chất lượng cao; trung tâm thương mại, khu mua sắm hiện đại; hệ thống nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi giải trí phong phú, đa dạng… Quận cũng có nhiều điểm tham quan như: Bến Ninh Kiều, Cầu đi bộ, Chùa Ông, Khám Lớn, Nhà lồng chợ Cần Thơ… và có các khu chợ đêm sầm uất cho khách du lịch Cần Thơ vui chơi ăn uống về đêm.

Quận Cái Răng nổi tiếng với chợ nổi Cái Răng, một trong những nền văn hóa chợ nổi độc đáo và đặc trưng của thành phố miền sông nước, đã được giới thiệu, bình chọn trên nhiều tạp chí du lịch có uy tín của thế giới (Rough Guide, Youramazingplaces). Đây cũng là sản phẩm du lịch đặc thù, tạo điểm nhấn đặc trưng cho ngành du lịch Cần Thơ. Trong các Tour Cần Thơ thì hoạt động chủ yếu hiện nay của loại hình này gồm có: đi thuyền thưởng ngoạn cảnh quan, tìm hiểu, trải nghiệm đời sống, sinh hoạt của cộng đồng thương hồ, thưởng thức ẩm thực…

Quận Bình Thủy phát triển các loại hình du lịch văn hóa – lịch sử với hệ thống làng cổ, nhà cổ, đình, chùa cổ như: nhà cổ Bình Thủy, Đình Bình Thủy, Chùa Hội Linh, Chùa Nam Nhã, Chùa Long Quang, Cơ quan Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang, Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa… Đặc biệt, thời gian qua, mô hình du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn gồm các hoạt động độc đáo như: biểu diễn cá lóc bay, tham quan vườn trái cây, tìm hiểu sinh kế, trải nghiệm cuộc sống cùng cư dân địa phương, homestay… để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Quận Thốt Nốt được biết đến với hệ sinh thái tự nhiên độc đáo Vườn cò Bằng Lăng – một trong những sân chim lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, với hàng chục ngàn cá thể chim, cò sinh sống. Cù lao Tân Lộc được mệnh danh là “đảo ngọt” với những vườn mận An Phước trĩu quả, nhiều loại hoa kiểng, hệ thống nhà cổ hàng trăm năm. Thốt Nốt cũng thu hút du khách với những làng nghề lâu đời như làng lưới Thơm Rơm, bánh tráng Thuận Hưng, xóm thúng Thuận An…

Miệt vườn Phong Điền nổi danh với những vườn trái cây xum xuê trĩu quả, có nhiều khu du lịch sinh thái, điểm vườn, homestay, là sự lựa chọn lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên. Ngoài ra, huyện còn có các điểm du lịch khác rất được du khách quan tâm như: Chợ nổi Phong Điền, Khu di tích Giàn Gừa, Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam…

An Giang

Đi theo quốc lộ 91, từ trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 65km là đến TP Long Xuyên – tỉnh An Giang. Trong 4 địa phương thuộc tứ giác Long Xuyên thì An Giang có diện tích lớn nhất và là nơi tiếp giáp với nước bạn Campuchia có khá nhiều điểm tham quan đặc sắc.

miền tây nam bộ, miền tây, du lịch miền tây, đồng bằng sông cửu long, điểm du lịch miền tây, các điểm du lịch miền tây, các tiểu vùng đặc trưng của đồng bằng sông cửu long

Rừng tràm Trà Sư điểm du lịch hấp dẫn ở An Giang

Xuất phát từ TP. Long Xuyên, cửa ngõ ra vào tỉnh An Giang, du khách có thể trải nghiệm du lịch sinh thái ở Cù Lao Ông Hổ xã Mỹ Hòa Hưng, tham quan Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Ngược lên TP. Châu Đốc có miếu Bà Chúa Xứ núi Sam trung tâm hành hương lớn nhất Miền Tây Nam Bộ cực kỳ linh thiêng, làng nổi cá bè Châu Đốc ở ngã 3 sông Châu Đốc giao với sông Hậu. Du lịch Châu Đốc còn có các danh thắng tuyệt đẹp như: lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Phước Điền… Nơi đây nổi tiếng với các mặt hàng khô, mắm truyền thống.

Rẽ qua xứ lụa Tân Châu du khách trong và ngoài nước sẽ bị thu hút từ nét văn hóa đặc sắc làng Chăm An Giang hay kiến trúc của ngôi thánh đường Hồi Giáo, thưởng thức những món ăn truyền thống của người Chăm như: tung lò mò, cà ri, bánh bò…

Về cù lao Giêng (Chợ Mới) những vườn cây trái san sát, thấp thoáng vang vọng những tiếng chuông cổ của nhà thờ cù lao Giêng, tham quan các công trình văn hóa và mỹ thuật tiêu biểu xứ Nam Bộ và Tây phương như Tu viện Chúa Quan Phòng, Tu viện Phanxico, Chùa Phước Thành ….

Vào Tịnh Biên khách thăm rừng tràm Trà Sư hoang sơ, đi cáp treo núi Cấm, đi chợ biên giới Tịnh Biên, xem đua bò…Sau đó khách tiếp tục đến huyện Tri Tôn thăm lại Khu di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc, đồi Tức Dụp, Ô Tà Sóc. Từ đây, du khách có thể sang TP. Hà Tiên (Kiên Giang) tắm biển.

Đầu nguồn biên giới An Phú ghé thăm Búng Bình Thiên, nơi được mệnh danh là viên ngọc xanh giữa vùng biên giới với mặt hồ mênh mông, xanh mát và tìm hiểu văn hóa Chăm kết hợp sinh thái và tham gia các hoạt động như: đánh bắt cá, chèo xuồng…

Tại các điểm du lịch An Giang: Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, TX. Tân Châu, Chợ Mới… còn có những đặc sản, làng nghề truyền thống độc đáo để du khách làm quà cho người thân và bạn bè như: đường thốt nốt, khô mắm, sản phẩm vải thổ cẩm đặc trưng của đồng bào Chăm, Khmer…

Kiên Giang

Kiên Giang là địa phương phát triển du lịch mạnh nhất hiện nay. Với điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng gồm rừng, núi, sông, suối, bờ biển dài, nhiều bãi tắm đẹp, hàng trăm hòn đảo và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Kiên Giang cũng là tỉnh duy nhất ở miền nam có nhiều núi đá vôi chạy tới sát biển tạo nên cảnh quan thiên nhiên hết sức kỳ thú, độc đáo, riêng có. Du lịch Kiên Giang phân thành 4 vùng trọng điểm gồm Phú Quốc, Hà Tiên – Kiên Lương, Rạch Giá – Kiên Hải – Hòn Đất và U Minh Thượng.

miền tây nam bộ, miền tây, du lịch miền tây, đồng bằng sông cửu long, điểm du lịch miền tây, các điểm du lịch miền tây, các tiểu vùng đặc trưng của đồng bằng sông cửu long

Kiên Giang nổi tiếng với du lịch biển đảo. Ảnh: Hòn Sơn

Phú Quốc được quy hoạch đầu tư phát triển thành khu du lịch cao cấp của cả nước, khu vực Đông Nam Á và thế giới. Hòn đảo Ngọc này có địa hình độc đáo, với dải núi trùng điệp một màu xanh cây rừng ngút mắt chạy dài từ Bắc xuống Nam đảo, mang trên mình rừng nguyên sinh phong phú các loài động vật, thực vật. Những bãi tắm đẹp, cát trắng, cát vàng, làn nước biển trong xanh hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế như: Bãi Trường, Bãi Sao, Bãi Khem, Bãi Dài… và hệ thống 26 đảo lớn, nhỏ khác nhau xung quanh, tạo thêm sự sống động cho bản đồ du lịch Phú Quốc. Những món ẩm thực đặc trưng, đặc thù của núi rừng, biển đảo độc đáo, hấp dẫn du khách thưởng thức khi đặt chân đến đảo như: rượu sim, gỏi cá trích, nấm tràm và đặc biệt là hồ tiêu, nước mắm, gà rẫy Phú Quốc…

Về vùng Hà Tiên – Kiên Lương đầy ắp tình đất – tình người, “đẹp như xứ thơ” với Tao đàn Chiêu Anh Các mở hội vào Rằm tháng Giêng hằng năm. Cảnh đẹp thiên nhiên nơi vùng biên ải này, với danh thắng Mũi Nai, Hòn Trẹm, chùa Hang, núi Bình San, đầm Đông Hồ, núi Tô Châu, Đá Dựng, Thạch Động… tạo ấn tượng trong lòng người khi tận mắt nhìn. Cùng với đó, những hang động trên núi đá vôi, hệ thống các quần đảo Hải Tặc, quần đảo Bà Lụa… gắn với nhiều chuyện kể, tích xưa tạo nên những giá trị nhân văn cho Hà Tiên – Kiên Lương, lay động lòng người khi đặt chân đến.

Đến với Rạch Giá – Kiên Hải, mọi người không khỏi ngạc nhiên trước công trình lấn biển đã hoàn thành, đang xây dựng khu đô thị ven biển hiện đại đầu tiên vùng Tây Nam bộ. Nơi thành phố biển này, rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử có giá trị, những công trình kiến trúc độc đáo kết hợp hài hòa giữa 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer, thông qua các lễ hội dân gian thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm như: Đình thần Nguyễn Trung Trực, chùa Tam Bảo, chùa Phật Quang, chùa Quan Đế, chùa Khmer… Tiếp đến, quần đảo Nam Du, đảo Hòn Tre, huyện đảo Kiên Hải với cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, môi trường trong lành đang được nhiều du khách tìm đến khám phá, thưởng ngoạn.

Ghé Vườn Quốc gia U Minh Thượng nằm trong hệ thống Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang, du khách có dịp khám phá hệ sinh thái rừng nhiệt đới ngập nước, đầm lầy than bùn còn lại ở Việt Nam thuộc loại hiếm trên thế giới. Nơi đây phát triển nguồn tài nguyên động thực vật đa dạng, phong phú, nhiều loài động vật được ghi trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới như: rái cá lông mũi, mèo cá, bồ nông chân xám, già đãy Java, tê tê…

Hậu Giang

Hậu Giang nằm ở phía Tây Nam sông Hậu, nơi trung chuyển giao lưu giữa các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang với trung tâm của vùng là thành phố Cần Thơ. Hậu Giang là tỉnh mới chia tách, ngành du lịch Hậu Giang còn khá non trẻ so với các tỉnh khác. Vì vậy mà cảnh vật nơi đây vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ chưa bị du lịch hóa. Điểm nổi bật của Hậu Giang là những đồng lúa bạt ngàn, một vùng quê ngọt ngào hoa trái và sản vật như: Khóm Cầu đúc, Bưởi năm roi Phú Thành, quýt đường Long Trị, cam xoàn Phụng Hiệp, cá thát lát Hậu Giang. Người Hậu Giang chất phát, đôn hậu, hiền hòa và giàu lòng mến khách. Vùng đất này có sự cộng cư của các dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer… nên có sự giao thoa về văn hóa, đa dạng, phong phú về tín ngưỡng, phong tục, tập quán. Hậu Giang còn được biết đến với những nét họp chợ độc đáo “chợ nổi Ngã Bảy”, hay với viên ngọc xanh Lung Ngọc Hoàng, Thiền viện Trúc Lâm, rừng tràm Vị Thủy. Đồng thời, Hậu Giang còn là nơi ghi dấu chiến công vang dội như: Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, di tích lịch sử văn hóa Chiến thắng Cái Sình, di tích lich sử văn hóa Tầm Vu… Hậu Giang còn có Kênh xáng Xà No huyền thoại – Con đường lúa gạo lớn sầm uất nhất Đông Dương.

miền tây nam bộ, miền tây, du lịch miền tây, đồng bằng sông cửu long, điểm du lịch miền tây, các điểm du lịch miền tây, các tiểu vùng đặc trưng của đồng bằng sông cửu long

Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Lung Ngọc Hoàng

Hàng năm, vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn sông Mekong tràn về Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, tạo nên “mùa nước nổi” là thời điểm đẹp nhất trong năm ở miền Tây. Miền Tây mùa nước nổi thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, nhưng tùy năm mốc này sẽ đến sớm hoặc muộn hơn. Vẻ đẹp dịu êm, yên bình cùng những sản vật phong phú, đa dạng của miền Tây trong mùa lũ này sẽ quyến rũ và níu chân bất cứ ai yêu thiên nhiên và thích sự trải nghiệm, khám phá. Cảnh tượng sông nước mênh mông xa thẳm với những loài hoa thôn dã quen thuộc đặc trưng cho vùng sông nước như vàng ruộm rặng điên điển ven sông, nao lòng với bông súng tím hoặc tinh khôi sắc trắng bông súng đồng,… đều khiến cho du khách cảm thấy thanh bình, thích thú. Du lịch Miền Tây mùa nước nổi, đừng quên thưởng thức những món ăn dân dã, đồng quê nhưng đậm đà đến khó quên như: lẩu cá linh bông điên điển, bông súng mắm kho, ba khía, cá rô, cà na dầm…

Bán Đảo Cà Mau

Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau bao gồm các địa phương Sóc Trăng; Bạc Liêu; Cà Mau. Đây đều là những tỉnh nằm sát với biển và có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất nước. Một vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế; người dân thì thân thiện, phóng khoáng, đậm khí chất miền Tây sẽ là một lực hút không nhỏ đối với du khách khi đặt chân đến đây.

Sóc Trăng

Từ Ngã Bảy – tỉnh Hậu Giang theo Quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp là đến thị xã Ngã Năm – tỉnh Sóc Trăng hoặc theo quốc lộ 1A sẽ tới thành phố Sóc Trăng.

Sóc Trăng là một tỉnh ven biển nằm ở cuối hạ lưu sông Hậu sông Hậu, cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt với các cù lao lớn, nhỏ nối tiếp nhau dài hơn 50 km dọc theo bờ sông Hậu. Trên những cù lao ấy là những vườn cây trái sum suê, trĩu quả. Tiêu biểu là cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách), khu du lịch sinh thái biển Hồ Bể (thị xã Vĩnh Châu), biển Mỏ Ó (huyện Trần Đề)… là những nơi hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.

miền tây nam bộ, miền tây, du lịch miền tây, đồng bằng sông cửu long, điểm du lịch miền tây, các điểm du lịch miền tây, các tiểu vùng đặc trưng của đồng bằng sông cửu long

Chùa Dơi – Sóc Trăng

Tuy nhiên, du lịch Sóc Trăng là điểm đến thật sự lôi cuốn bởi đây là vùng đất của những ngôi chùa nổi tiếng, độc đáo như chùa Ma-ha-túp (Chùa Dơi), chùa Kh’leang, chùa Đất Sét, Chùa Som Rong, Chùa Phật học 2, Chùa Ông Bổn (TP Sóc Trăng), chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu – xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên)…. Sóc Trăng còn có nhiều điểm tham quan hấp dẫn khác, như vườn cò Tân Long, chợ nổi Ngã Năm (thị xã Ngã Năm), vườn nhãn Vĩnh Châu (thị xã Vĩnh Châu)…Bên cạnh đó, Sóc Trăng có nhiều lễ hội tiêu biểu, như Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo, lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Thác Côn, Lễ hội cúng Phước Biển…. Trong đó, đặc sắc nhất và được mong chờ nhất là lễ hội Óc Om Bóc – Đua ghe Ngo hay còn gọi là lễ cúng Trăng của đồng bào Khmer, được tổ chức vào dịp rằm tháng 10 âm lịch hằng năm. Ẩm thực Sóc Trăng cũng là một trong những điều hấp dẫn du khách khi đến khám phá vùng đất này. Ở Sóc Trăng có những món ăn nổi tiếng như bánh pía, bánh cống, bún nước lèo, cốm dẹp, canh chua cá ngát nấu bần… Từ Sóc Trăng, du khách có thể đi lại các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khá dễ dàng và nhanh chóng với nhiều tuyến quốc lộ được mở rộng và xây dựng mới.

Bạc Liêu

Bạc Liêu hấp dẫn du khách cả từ những di tích lịch sử, điểm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh gắn liền với cảnh quan và các câu chuyện cổ xưa. Khu Quán âm Phật đài, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, quảng trường Hùng Vương, nhà hát Cao Văn Lầu (nhà ba nón lá), cánh đồng điện gió Bạc Liêu, vườn chim, vườn nhãn cổ, chùa Xiêm Cán hay nhà thờ Tắc Sậy … là những điểm tham quan luôn hút khách. Bạc Liêu còn là vùng đất nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh thông qua những giai thoại ăn chơi của công tử Bạc Liêu. Ngày nay, với cụm nhà công tử Bạc Liêu với kiến trúc độc đáo cùng những địa điểm du lịch Bạc Liêu nêu trên, mảnh đất này càng hấp dẫn đối với du khách.

miền tây nam bộ, miền tây, du lịch miền tây, đồng bằng sông cửu long, điểm du lịch miền tây, các điểm du lịch miền tây, các tiểu vùng đặc trưng của đồng bằng sông cửu long

Điểm tham quan gắn liền với giai thoại công tử Bạc Kiêu

Cà Mau

Từ Bạc Liêu, du khách chỉ mất khoảng 1 tiếng 30 phút để đến đất mũi Cà Mau. Cà Mau là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có rừng, có biển, có hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, là những điều kiện rất thuận lợi để tỉnh phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa với những nét đặc trưng của người dân vùng sông nước. Đã đặt chân đến đây, bạn nhất định phải check-in tại Mũi Cà Mau, nơi đặt cột mốc tọa độ GPS 0001 (cây số 0). Bạn có thể tiếp tục hành trình cuả mình đến Rừng U Minh, sân chim Ngọc Hiển hay trải nghiệm du ngoạn trên sông Trẹm….

miền tây nam bộ, miền tây, du lịch miền tây, đồng bằng sông cửu long, điểm du lịch miền tây, các điểm du lịch miền tây, các tiểu vùng đặc trưng của đồng bằng sông cửu long

Rừng ngập mặn ở Mũi Cà Mau

Các điểm du lịch Cà Mau nổi tiếng khác có thể nhắc tới là: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu du lịch Khai Long, Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Đầm Thị Tường, các vườn chim tự nhiên, điểm du lịch cộng đồng tại Khu vực Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, khu vực các huyện U Minh, Trần Văn Thời… Bữa ăn của bạn sẽ không thể thiếu các món ngon từ ba khía, cua.

Chắc hẳn sau khi trở về từ miền Tây, du khách sẽ khó quên được những con đường làng bình yên, cánh đồng lúa bát ngát và những con sông lênh đênh cùng điệu hò ngọt ngào sâu lắng.

Đăng bởi: Võ Thị Kim Viên

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก