Miền Nam

Nam Du – viên ngọc mới của cực Nam ( phần 2 )

Nếu ở phần 1 chúng ta đã cùng đi qua các địa điểm nổi tiếng trên hòn đảo Nam Du, thì phần 2 sẽ hướng dẫn các bạn đến với Nam Du thế nào cũng như thưởng thức những món ăn ngon nơi đây.

Thời điểm lý tưởng

Nên đi Nam Du vào mùa khô trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 hàng năm. Thời tiết đẹp nhất là trong khoảng từ tháng 1 đến 3 do lúc này biển khá êm, những bạn bị say sóng cũng sẽ giảm được nhiều khó chịu khi di chuyển bằng tàu.

Các vùng biển của Kiên Giang không chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lượng mưa do bão gây ra chiếm tỉ trọng lớn. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4-11 hàng năm.

Di chuyển

Từ Sài Gòn (hoặc các tỉnh khác) có thể bắt xe chất lượng cao trực tiếp tới với TP Rạch Giá. Từ đây các bạn tiếp tục hành trình trên tàu để ra với Nam Du. Để đến được Nam Du phương tiện duy nhất có thể sử dụng là tàu, tùy vào điều kiện thời gian của mỗi người mà các bạn có thể tự lựa chọn cho mình hãng vận tải thích hợp.
Các hãng tàu đi đảo Nam Du:

Ngọc Thành (tàu cao tốc)

– Giờ xuất bến: Rạch Giá lúc 8h15 và Nam Du lúc 12h15
– Thời gian di chuyển: 2 tiếng

Sông Hồng (tàu cao tốc Helen, Goffrey)

– Giờ xuất bến: Rạch Giá lúc 8h10 và Nam Du lúc 12h10
– Thời gian di chuyển: 2 tiếng

Hồ Hải (tàu thường)

– Giờ xuất bến: Rạch Giá lúc 9h và Nam Du lúc 14h – Thời gian di chuyển: 5 tiếng – Điện thoại: 077 3863019.

Nam Du – viên ngọc mới của cực Nam ( phần 2 )
Bản đồ di chuyển bằng tàu từ Rạch Giá đến Nam Du
 

Để khám phá các hòn xung quanh Hòn Lớn và tham quan một số địa điểm đẹp, các bạn nên thuê tàu để di chuyển. Trên đảo đang có một số cá nhân cho thuê tàu (nếu không thuê được các bạn có thể ra thẳng bến tàu, tìm bất kỳ tàu cá nào của người dân, thống nhất giá cả và các địa điểm muốn đi).

Xe máy đi Hải Đăng Nam Du và Bến Ngự:

Xe ôm: rất nhiều trên đảo, giá ngày cuối tuần, ngày lễ là 80.000 đồng/khứ hồi lên hải đăng; 50.000 đồng/khứ hồi đến Bến Ngự. Nếu chỉ lên hải đăng một lượt, giá là 50.000 đồng.

Thuê xe máy: bạn có thể nhờ nhà trọ nơi bạn ở hoặc xe ôm thuê hẳn một chiếc xe, giá khoảng 150.000 – 200.000 đồng/ngày tha hồ vi vu được cả hai nơi hải đăng và Bến Ngự, cả bãi cây Mến nữa (lưu ý đường qua bãi Cây Mến đang làm rất khó chạy).

Nghỉ ngơi

Trên Hòn Lớn hiện tại có một số nhà nghỉ mở ra để phục vụ khách du lịch, trước khi ra đảo các bạn có thể liên hệ trước để đặt phòng. Trong trường hợp tất cả đều không còn phòng, các bạn cứ thoải mái ra ngoài đảo rồi liên hệ với một số nhà dân để được giúp đỡ về chỗ nghỉ. Giá nhà nghỉ dao động từ 200.000 đến 350.000 đồng/phòng/đêm. Nhà nghỉ có kèm các dịch vụ ăn uống, cho thuê tàu xe đi quanh đảo. Đặc biệt có phục vụ máy lạnh nên khách không phải lo lắng trong những ngày nắng nóng.

Gợi ý lịch trình đi phượt Nam Du

Đây chỉ là lịch trình tham khảo để các bạn có thể thoải mái khám phá đảo, nếu bạn không có nhiều thời gian thì có thể chủ động rút ngắn hoặc kéo dài lịch trình này cho phù hợp với riêng mình.

Ngày đầu tiên: Sài Gòn – Rạch Giá

– Tối bắt xe khách chất lượng cao từ Sài Gòn đi Rạch Giá
– Các bạn đi từ các tỉnh khác tự túc phương tiện tới Sài Gòn

Ngày thứ 2: Rạch Giá – Nam Du

– Xe tới Rạch Giá vào sáng sớm, mua vé tàu cao tốc đi Nam Du (nếu đi vào dịp lễ, các bạn có thể chủ động mua vé sớm hơn)
– Tới Nam Du, nhận phòng, ăn trưa và nghỉ ngơi, thuê xe máy để chiều đi chơi

Chiều bắt đầu hành trình khám phá đảo

– Đi viếng chùa bà Chúa Xứ trên đảo – Lên thăm Hài Đăng Nam Du – Tới bãi Cây Mến, đây là bãi biển đẹp với hàng dừa xanh và bãi cát trắng. – Tiếp tục đi thăm các bãi Ngự, bãi Chệt
– Tối về nghỉ ngơi, cắm trại nếu muốn

Ngày thứ 3: Nam Du – Hòn Ngang – Hòn Mấu

– Sáng di chuyển từ Hòn Lớn qua Hòn Ngang tham quan các lồng bè nuôi cá – Tiếp tục khởi hành đi Hòn Mấu, nơi đây có 5 bãi biển vô cùng tuyệt đẹp – Trưa nghỉ ăn tại Hòn Mấu (có thể mang theo đồ ăn) – Tắm biển và dạo chơi tự do – Chiều có thể di chuyển đi tham các hòn khác của Nam Du
– Tối di chuyển về lại Hòn Lớn

Ngày thứ 4: Nam Du – Rạch Giá – Sài Gòn

– Sáng làm thủ tục trả phòng – Mua một số loại đặc sản, đồ lưu niệm về làm quà – Lên tàu khởi hành về Rạch Giá
– Từ Rạch Giá bắt xe trở lại Sài Gòn.

Một số chú ý trong chuyến du lịch đảo Nam Du

Dân quần đảo Nam Du đều dùng điện máy phát. Để không mất liên lạc với người thân và muốn có những bức ảnh lưu niện nơi “heo hút” này, bạn nhớ sạc pin điện thọai và máy ảnh hoặc máy quay phim khi máy phát điện hoạt động lúc 17h – 22h.

Nếu đến nơi này từ tháng 1 đến cuối tháng 3, thời điểm nước ngọt được xem như vàng, bạn nhớ tiết kiệm nuớc tối đa để chia sẻ nỗi khổ của người dân. Trong những ngày ở Nam Du có thể bạn phải tự mua nước ngọt với giá 6.000 đồng/50 lít để sinh hoạt.

Các món ăn ngon và đặc sản

Ra biển thì đương nhiên đặc sản của biển là hải sản rồi, tuy nhiên ở đây cũng có đầy đủ các món ăn bình thường để phục vụ du khách. Nếu muốn cắm trại ngoài đảo bạn có thể chuẩn bị và mua thức ăn từ trước và mang theo từ Rạch Giá. Ngoại trừ hải sản còn lại thực phẩm ở ngoài đảo đều phải chuyển từ đất liền ra nên giá sẽ cao hơn trong đất liền một chút nha các bạn.

Cá xanh xương nướng bẹ chuối

Cá xanh xương còn có tên là cá nhái, một loài cá biển, thân tròn và dài, mỏ nhọn giống như cá lìm kìm. Con to có thể dài cả thước và nặng 2-3 kg. Gọi là cá xanh xương vì da cá có màu xanh, khi nhìn vào thấy xương cá hiện lên màu xanh xanh.

Người ta chọn những con cá thật tươi từ biển mới mang về, cạo rửa sạch nhớt rồi dùng bẹ chuối xiêm ốp lại, quấn dây thật kỹ. Sau đó chất củi lên nướng cho đến khi nào bẹ chuối bị héo, khô là cá chín. Khi ăn, mở bẹ chuối ra, thịt cá nứt da, dậy mùi thơm lựng, dễ dàng chinh phục bất kỳ dân đất liền sành ăn từ Nam chí Bắc. Thịt cá không chỉ ngọt mà còn dai dai, cuốn với bánh tráng ăn kèm với rau rừng như lá cách, lá lớp, đinh lăng, cải trời, đọt bứa… tạo nên một bản sắc riêng của vùng biển đảo, ít nơi nào có được.

Nam Du – viên ngọc mới của cực Nam ( phần 2 )

Sò điệp nướng mỡ hành

Sò điệp là một loại hải sản quen thuộc với phần cùi thịt trắng ngà thơm ngon mà không dai, thích hợp cho cả xào lẫn rang và là một trong những loại nguyên liệu thực phẩm để chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như: Sò điệp rang muối tiêu, sò điệp nướng mỡ hành, sò điệp hấp cuộn miến.

Nam Du – viên ngọc mới của cực Nam ( phần 2 )

Mực trứng vừa câu hấp gừng Mực trứng được đánh bắt trong mùa sinh sản nên trong bụng chứa nhiều trứng, số lượng con mực có trứng chiếm đến trên 70%. Theo chuyên gia, mực trứng là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng. Mực trứng là loại thực phẩm dễ chế biến thành nhiều món ăn ngon nên rất được ưa chuộng. Mực trứng có thể làm món mực trứng chiên ớt, chiên xù xốt thơm, chiên bơ, nướng tương ớt hoặc sa tế… nhưng nổi bật nhất vẫn là mực trứng hấp gừng vì mùi vị ngọt của mực không bị mất mà dễ thực hiện, ăn lại không ngán.

Nam Du – viên ngọc mới của cực Nam ( phần 2 )

 

Canh chua cá bớp

Vùng biển phía Tây của Kiên Giang khá nổi tiếng với nghề nuôi cá Bớp lồng bé. Đây là loài cá có thân hình thoi dài, màu đen trông khá giống cá lóc. Canh chua cá bớp miệt biển Tây này không giống canh chua ở đất liền. Canh chua cá bớp ở đây nấu với me tươi hoặc me muối chung với sả bằm và nghệ đâm nhỏ. Để món ăn thêm phần hấp dẫn, người ta cho măng tươi hoặc măng chua vào.

Nam Du – viên ngọc mới của cực Nam ( phần 2 )

Khô cá

Phương thức phơi khô là một cách giữ thực phẩm cổ nhất của nhân loại. Khô cá có thể để hằng năm mà không bị hư. Cách thức phơi khô khá thô sơ nhưng hữu hiệu, thường được ngư dân áp dụng để giữ các mẻ cá đánh về nếu không tiêu thụ kịp. Khô cá cũng có lợi điểm là dễ chuyên chở hơn là cá tươi. Ở Nam Du mọi loại khô trên quần đảo Nam Du được người dân làm những con cá còn tươi nguyên và là một đặc sản khá thú vị với khách du lịch.

Nguồn Tổng Hợp
 

 

Đăng bởi: Lê Thị Thu Huệ

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก