Nam Định

Nam Định có gì?

Nam Định là mảnh đất xinh đẹp, với rất nhiều dấu ấn lịch sử được lưu giữ như các kiến trúc cổ kính, đền, chùa… Bên cạnh đó, mảnh đất này cũng sở hữu rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, thu hút du khách từ khắp mọi nơi tới tham quan. Nam Định có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Nam Định trong bài viết sau đây nhé.

Đền Trần – Nam Định

Khu di tích Đền Trần Nam Định là ngôi đền thờ 14 vị vua nhà Trần cùng gia quyến và các quan lại có công phù tá. Nơi đây còn nổi tiếng với Lễ dâng hương khai ấn Đền Trần đầu xuân và Hội Đền Trần tháng tám âm lịch hàng năm.

nam định có gì?

Đền Trần – Nam Định

Khu di tích đền Trần – Nam Định bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa, có kiểu dáng chung và quy mô ngang nhau. Phía trước có cổng ngũ môn. Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ là đền Thiên Trường.

Đền Thiên Trường thường gọi Đền Thượng, tọa lạc ở vị trí trung tâm của khu di tích Đền Trần Nam Định. Đền được xây trên nền Thái Miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ tộc của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc. Kiến trúc Đền Thiên Trường hiện nay gồm có tiền đường, trung đường, chính tẩm, thiêu hương, 2 dãy tả hữu vu, 2 dãy tả hữu ống muống, 2 dãy giải vũ Đông Tây. Tổng cộng có 9 tòa, 31 gian. Khung đền được dựng bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch.

Tiền đường là nơi để ban thờ và bài vị của các quan có công lớn phù tá nhà Trần. Trung đường đặt bài vị của 14 hoàng đế nhà Trần. Chính tẩm thờ tự 4 vị thủy tổ họ Trần, và các phu nhân, hoàng phi. Tòa thiêu hương (kinh đàn) đặt ban thờ và bài vị của các công thần nhà Trần.

Đền Cố Trạch thường gọi là Đền Hạ, nằm ở mặt Đông của khu di tích Đền Trần Nam Định. Tiền đường đặt bài vị 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa. Trung đường thờ bài vị và tượng của Trần Hưng Đạo, 4 người con trai, Phạm Ngũ Lão và các tả hữu tướng quân. Chính tẩm đặt bài vị cha mẹ, Trần Hưng Đạo và vợ (công chúa Thiên Thành), 4 con trai và 4 con dâu, con gái và con rể.

Thiêu hương (kinh đàn) đặt long đình, trong có tượng Trần Hưng Đạo cùng 9 pho tượng Phật. Gian tả vu đặt bài vị Trương Hán Siêu, Phạm Thiện Nhân và các văn thần triều Trần. Gian hữu vu đặt bài vị các võ thần triều Trần, bài vị Trần Công và các thân nhân họ Trần.

Đền Trùng Hoa nằm ở mặt phía Tây của khu di tích Đền Trần. Đền được xây dựng mới từ năm 2000, trên nền cung Trùng Hoa xưa – nơi các hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị thái thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng được đúc bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Tòa thiêu hương đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian tả vu thờ các quan văn. Gian hữu vu thờ các quan võ.

Hàng năm, tại khu di tích Đền Trần Nam Định sẽ diễn ra 2 lễ hội lớn, đó là Lễ khai ấn Đền Trần đầu xuân và Hội Đền Trần tháng tám, thu hút đông đảo người dân địa phương cùng du khách thập phương về dự, tri ân công đức của 14 vị vua Trần và cầu mong những điều tốt đẹp.

Cột Cờ Nam Định – Nam Định

Xây dựng vào thế kỷ XIX, cùng thời với cột cờ ở kinh thành Huế năm 1807, cột cờ Hà Nội năm 1812 và cột cờ ở thành Bắc Ninh năm 1838. Căn cứ theo một số tư liệu thì cột cờ Thành Nam Định xây cùng thời với cột cờ Hà Nội. Công trình này đã được bổ sung thêm nhiều như phía trên đỉnh, nên mãi đến năm Quý Mão (1843) mới hoàn tất.

nam định có gì?

Cột Cờ Nam Định – Nam Định

Cột cờ thành Nam Định cao 23,84m, kiến trúc cao nhất trong Thành Nam được xây vào năm Gia Long thứ 11 (1812) ở phía Nam nội thành, cách Vọng Cung khoảng 100m. Cột cờ được xây trên hai tầng bệ, cột hình vuông thu dần từ dưới lên. Tầng dưới cùng hình vuông mỗi cạnh dài 16,33m, cao 2,40m. Hai phía Đông và Tây của tầng một có hai cầu thang xây bằng gạch 10 bậc dẫn lên tầng hai. Tầng này mỗi cạnh dài 11,42m, cao 3,10m. Bốn mặt bệ đều xây lan can, trổ bốn cửa. Trên khuôn cửa Đông có hai chữ Nghênh húc (đón ánh ban mai). Khuôn cửa Nam có hai chữ Hướng quang (hướng theo đức sáng).

Thân cột cờ cao 12,65m thu dần từ dưới lên với hai phần: Phần dưới hình trụ bát giáp, mỗi cạnh 2,20m, phần trên hình tròn đường kính đáy 3,25m. Từ phía Nam có cửa đi vào trong thân cột cờ, có cầu thang soáy ốc 54 bậc, được rọi bằng ánh sáng tự nhiên từ các cửa hình hoa thị trải đều ở mỗi cạnh trụ thân cột để dẫn lên đỉnh. Cột cờ xây bằng gạch nung già, màu đỏ sẫm có kích thước 0,30 x 0,14 x 0,07m. Các góc vuông của hai tầng bệ xây bằng một loại gạch chuyên một đầu vát 450, còn các góc 1200 của thân cột trụ bát giác là một loại gạch riêng. Gạch lát nền kích thước 0,28 x 0,28 x 0,07m, màu nâu đen.

Cột cờ Thành Nam Định gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng. Ngày 27/3/1883, tàu chiến của Pháp từ sông Đào bắn phá vào trong thành. Tại cột cờ ở độ cao 11m về phía Nam còn một vết đạn cắm sâu vào 4cm, đường kính 6cm. Thời kỳ hoạt động bí mật, nhiều cán bộ, đảng viên vẫn lấy cột cờ làm nơi liên lạc và sinh hoạt để bàn kế chỉ đạo phong trào. Năm 1967, Nam Định bị máy bay giặc Mỹ đánh phá ác liệt. Đỉnh cột cờ là nơi tổ quan sát máy bay do đồng chí La Vĩnh Hào – Tự vệ nhà máy dệt chỉ huy làm nhiệm vụ viễn tiêu.

Ngày 11 tháng 6 năm 1972, khu vực cột cờ bị sập do máy bay Mỹ ném bom. Cột cờ Thành Nam đã được bộ văn hóa thông tin ra quyết định số 313 ngày 28/4/1962 công nhận là di tích lịch sử – Văn hóa cấp nhà nước. Cột cờ Thành Nam với gần hai thế kỷ tồn tại đã chứng kiến biết bao sự thay đổi của đất nước và quê hương. Đây là nơi đã gắn bó với nhiều thế hệ tuổi thơ Nam Định và trên hết nó là niềm kiêu hãnh của mỗi người dân Nam Định.

Nhà Thờ Đổ – Nam Định

Nhà thờ đổ Nam Định, hay còn gọi là nhà thờ Trái Tim nằm bên cạnh bờ biển Xương Điền, thuộc xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Xưa đây là một quần thể gồm nhiều nhà thờ lớn nhỏ, do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế, nhưng bị nước biển xâm lấn vào năm 1996.

nam định có gì?

Nhà Thờ Đổ – Nam Định

Tới giờ, chỉ còn một nhà thờ đổ nát giữa khung cảnh hoang vu. Thế nhưng chính sự hoang tàn, trơ trọi giữa thiên nhiên thanh bình lại có sức hút lạ kỳ, làm người ta cứ chùng chình, muốn ngắm nghía thật lâu, rồi mới lưỡng lự rời đi.

Theo năm tháng, sóng gió của biển đã và đang bào mòn, phá hủy công trình này. Các họa tiết, kiến trúc bên trong nhà thờ đã bị phai mòn. Các bức tường của nhà thờ đã bị đổ nát. Cây cỏ, rêu phong mọc đầy trong nhà thờ. Những dấu tích nay trơ trọi như một ốc đảo giữa sự bao quanh của nước biển.

Tuy nhiên vẻ điêu tàn và vắng vẻ này đã khiến nhà thờ đổ trở thành điểm đến hứa hẹn của những người yêu thích sự mới lạ cũng như thu hút rất nhiều cặp uyên ương tới đây để chụp ảnh cưới.

Khung cảnh đẹp nhất ở nhà thờ là vào lúc bình mình minh xuống và hoàng hôn lên, khoảnh khắc mà ánh sáng vẫn còn le lói, trời và đất vẫn chìm trong khúc giao thời giữa đêm và ngày, có gì đó mơ hồ khó tả. Đến đây các bạn không những được hít thở không khí mang hơi biển vào sớm mai mà còn được chiêm ngưỡng cảnh sinh hoạt thường ngày thú vị của những ngư dân vùng biển.

nam định có gì?

Nhà Thờ Đổ – Nam Định

Hàng ngày, người dân nơi đây vẫn quăng chài kéo lưới và lấy nhà thờ đổ Nam Định làm nơi nghỉ chân những lúc giải lao. Bãi biển cạnh nhà thờ là địa điểm tấp nập thuyền bè đánh cá ra vào. Ngoài tận hưởng không khí làng chài, bạn còn có thể thưởng thức hải sản tươi sống ngay tại chân nhà thờ đổ.

Đồ biển ở đây rất phong phú, điển hình như: tôm, cua, ghẹ, cá khoai, ốc, sò luộc và đặc biệt là mực chiên giòn chấm tương ớt – món ăn rất dễ gây nghiện đối với những du khách tới đây. Bạn có thể mua hải sản ngay tại bãi biển và nhờ người nấu sau đó ăn ngay tại bãi cát. Vừa được thưởng thức đồ biển tươi ngon, vừa ngắm nhìn nhịp sống của những người ngư dân thân thiện và thấm thía không khí đặc trưng của làng chài.

Nếu bạn đang mong mỏi tìm kiếm một địa điểm du lịch không quá xa, không mất quá nhiều thời gian để tránh đi cái ồn ã, xô bồ của Hà Nội thì nhà thờ đổ Nam Định hứa là một lựa chọn lý tưởng. Chỉ cách Hà Nội khoảng 150 km, cách thành phố Nam Định khoảng 40km, nhà thờ đổ Nam Định với vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc đến ngất ngây đang chờ đợi bạn.

Khu Di Tích Phủ Dầy – Nam Định

Quần thể di tích Phủ Dầy gồm hơn 20 đền, phủ, chùa, lăng,… nằm trải đều trong một không gian đẹp với cảnh quan thiên nhiên phong phú, có núi có sông xen giữa ruộng đồng màu mỡ thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Di tích Phủ Dầy đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá.

nam định có gì?

Khu Di Tích Phủ Dầy – Nam Định

Hàng năm, khách thập phương về Phủ Dầy rất đông, mong được trút bỏ mọi lo toan của cuộc đời, để vơi đi mọi ưu tư, phiền muộn, hướng tâm hồn đến cái chân, thiện, mĩ. Không chỉ vậy, về với Lễ hội Phủ Dầy, khách thập phương còn được tận mắt tham quan và chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc độc đáo do bàn tay và khối óc tài hoa của cha ông ta để lại trên mảnh đất văn hiến – nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố địa lý – lịch sử – văn hoá để phát tích, tồn tại và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu.

Kiến trúc ở Phủ Dầy hội tụ những nét đặc sắc, độc đáo của kiến trúc dân tộc cùng nhiều cổ vật quý như đồ thờ tự, văn bia, sắc phong,… Phủ Dầy được bắt đầu xây dựng từ thời Lê Cảnh Trị (1663 -1671). Sau nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, bổ sung, mở rộng, nâng cấp, đến nay đã trở thành một quần thể điện đài hoàn chỉnh, tương xứng với vị thế của tín ngưỡng thờ Mẫu, với lòng ngưỡng vọng Mẫu Liễu Hạnh của du khách thập phương trong mỗi chuyến du lịch tâm linh về với Phủ Dầy.

nam định có gì?

Khu Di Tích Phủ Dầy – Nam Định

Khu di tích thờ bà chúa Liễu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử của điện thần Việt Nam (Thánh Tản Viên, Thánh Dóng, Chử Đồng Tử, bà chúa Liễu Hạnh). Phủ Dầy là một quần thể di tích gồm ba di tích chính: phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng bà Chúa Liễu. Phủ Tiên Hương là một công trình đẹp được xây dựng từ thời Lê – Cảnh Trị (1663 – 1671) và đã qua nhiều lần trùng tu. Phủ Tiên Hương có 19 toà với 81 gian lớn nhỏ, mặt phủ quay về phía tây nam nhìn về dãy núi Tiên Hương. Trước phủ có hồ và một sân rộng, có 3 toà nhà dàn hàng ngang hai tầng, tách mái đó là phượng du nơi đón khách tới hành hương. Một hồ bán nguyệt có lan can thấp bao quanh, có bình phong và hai cầu vượt đều bằng đá chạm khắc hình con rồng với móng vuốt sinh động tinh xảo. Phủ có 4 lớp thờ (4 cung): đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ.

Các cung đều được tập trung các nghệ thuật chạm khắc tinh vi, thể hiện đủ các mảng đề tài: rồng, phượng, hổ… Chính cung (cung đệ nhất) có một khám thờ khảm trai, bề thế và tinh xảo. Đây chính là nơi đặt 5 pho tượng có giá trị mỹ thuật cao của thế kỷ thứ 19. Phủ Vân Cát là một di tích quan trọng thuộc quần thể di tích Phủ Dầy. Phủ nằm trên vùng đất cao rộng trên hai mẫu đứng biệt lập phía Tây Bắc làng, không bị thổ cư che khuất cảnh quan rất đẹp. Ba phía đông, bắc, nam là ruộng, phía tây có con đường cái nên không gian thoãng dãng và bề thế.

Phủ Vân Cát được xây dựng trên khu đất rộng gần 1ha, mặt quay về hướng tây bắc. Phủ Vân Cát hiện nay có 7 toà với 30 gian lớn nhỏ. Phía trước có hệ thống cửa ngọ môn với 5 gác lầu, phía ngoài ngọ môn có hồ bán nguyệt, giữa hồ là nhà thủy lâu, 3 gian, mái cong. Phủ Vân Cát cũng có 4 cung như ở phủ Tiên Hương. Trung tâm là nơi thờ chúa Liễu, bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là đền thờ Lý Nam Đế. Trước Phủ Vân Cát là một phương du được làm giữa hồ nước mà nền được bó đá cẩn qui đẹp mắt, xung quanh có hành lang với nhiều mảng hoạ tiết như hoa chanh, voi chầu, các mảng trạm đá trúc mai..kì công. Hai phía bắc – nam có cầu đá mà dầm cầu có hoạ tiết trạm bầu rượu túi thơ, mặt cầu là những phiến đá xanh viền kép theo dáng cong cong, càng làm cho phương du thêm đẹp đẽ. Toà Đệ Tứ gồm 5 gian lớn làm theo kiểu chồng diêm hai tầng, 8 mái cong cong như cánh hoa sen vươn đều hình dung đây là bông sen vươn lên thật đẹp. Những hàng bẩy vừa có dáng cong cong, trạm trổ các đề tài thông mai, cúc, trúc hoá long sống động. Hệ thống văn bia ở Phủ Vân Cát rất có giá trị về lịch sử đặt dưới ngũ vân lâu ba tầng ở mặt tiền. Cùng với hệ thống đồng trụ tường hoa khiến tổng công trình nội trùng thiềm, ngoại chữ quốc ở đây bố cục chặt chẽ – là di tích xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Lăng Bà Chúa Liễu được xây dựng vào năm 1938. Lăng được xây dựng bằng đá xanh, chạm trổ đẹp, với diện tích 625m², gồm có cửa vào lăng theo hướng Đông Tây, Nam Bắc. Các cửa đều có trụ cổng trên đắp hình bông sen. Giữa lăng là ngôi mộ khối bát giác, mỗi cạnh chừng 1m. Toàn lăng có 60 búp sen hồng trông xa như một hồ sen cạn.

nam định có gì?

Khu Di Tích Phủ Dầy – Nam Định

Lăng xây theo kiểu hình vuông mỗi cạnh 24m, từ ngoài vào trong tạo năm lớp tường hoa theo cấp độ khác nhau, tường trong cao hơn tường ngoài, tuy chiều cao tương hoa đều 1m mà vẫn thấy rõ sự vươn dần lên phần mộ, và bốn mặt tường hoa đều có cửa lên mộ, mỗi cửa lại có một bình phong làm kiểu cuốn thư, đục trạm hoa lá cách điệu nghệ thuật. Lăng Mẫu hiện nay đã trở thành một di tích không thể thiếu được khi mỗi khách hành hương vê với lễ hội Phủ Dầy.Và ngày càng nhiều các du khách về thăm quan dâng hương lên mộ phần bày tỏ tấm lòng thành kính đối với Mẹ. Di tích Phủ Dầy có giá trị rất cao về trình độ kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Đến với Phủ Dầy vừa để thưởng ngoạn cảnh đẹp, vừa là dịp Mẫu ban cho điều lành và sự may mắn.

Phủ Quảng Cung – Nam Định

Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) nay thuộc thôn Tiến Thắng xã Yên Đồng, Ý Yên, tỉnh Nam Định. Phủ Quảng Cung là một trong những trung tâm của Đạo Mẫu Việt Nam thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất. Đây là một quần thể “Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh” đã được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng năm 2005.

nam định có gì?

Phủ Quảng Cung – Nam Định

Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Quảng Cung hiện nay bao gồm: Phủ chính thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại thôn Tiến Thắng (trước đây là thôn Quảng Nạp) và khu quần thể di tích Đền Đáy tại thôn Nam Đồng thuộc địa phận xã Yên Đồng, Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Quảng Cung đã được đón nhận Bằng bảo trợ di sản của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam vào ngày 6/4/2011.

Lễ hội Phủ Quảng Cung được tổ chức từ ngày mùng 1 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch.

Ngày 11/4, tỉnh Nam Định đã tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận di lích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho di tích Phủ Quảng Cung (hay còn gọi là Phủ Nấp) thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên.
Đây là một trong những nơi thờ phụng ghi dấu lần giáng sinh đầu tiên của Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng Việt Nam.

Nằm cách Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định khoảng 7km, Phủ Quảng Cung thuộc thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên được xây dựng trên nền nhà sinh ra Tiên Mẫu ngay sau khi bà mất.

Theo “Vân Hương Thánh Mẫu tam thế giáng sinh,” Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất vào đêm mùng 6/3 năm Giáp Dần (1434) thời Lê Thái Tông. Và đến năm Quý Tỵ (1473), niên hiệu Hồng Đức năm thứ tư (Lê Thánh Tông), ngày 30/2, Phạm Thị Tiên Nga, tức Thánh Mẫu Liễu Hạnh hóa về Thượng giới.

Người dân trong vùng ấp Quảng Nạp nhớ ơn đức hạnh của bà đã cùng xây dựng đền miếu Quảng Cung, ngày đêm phụng thờ. Các vua triều Lê và triều Nguyễn sau này đã sắc phong, rồi cho nhân dân mở rộng tôn tạo thành Phủ Quảng Cung nguy nga tráng lệ.

Trong Phủ vẫn còn đôi câu đối ghi lại dấu ấn này: “Hồng Đức tứ niên sơ lập miếu/Duy Tân ngũ tuế sửa linh từ” nghĩa là “Năm thứ tư niên hiệu Hồng Đức 1743 lập miếu thờ, năm thứ năm niên hiệu Duy Tân sửa lại đền thiêng.

Phủ Quảng Cung được xây dựng cách đây gần 6 thế kỷ và đã trải qua nhiều lần tôn tạo. Do tác động của thiên nhiên và chiến tranh, Phủ bị xuống cấp nhiều.

Đến năm 1973, nhân dân địa phương đã hạ giải công trình để lấy vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi của xã. Năm 1994, được sự quan tâm của tỉnh, huyện và Ủy ban Nhân dân xã Yên Đồng, cùng với sự tri ân công đức của nhân dân địa phương và quý khách thập phương, Phủ Quảng Cung đã được phục dựng lại trên nền đất phủ xưa.

Trong Phủ Quảng Cung hiện nay còn giữ được pho tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh bằng đồng và 64 que thẻ in ấn bằng gỗ… Đặc biệt, tượng Mẫu Liễu Hạnh được xem là một trong những tác phẩm độc đáo nhất trong hệ thống các điêu khắc thờ Mẫu ở Việt Nam.

Không giống như tượng Mẫu Liễu được thờ tại các nơi khác, tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Nấp có nhiều điểm khác biệt, độc đáo. Mẫu Liễu có dáng ngồi xếp bằng rất khoan thai trong trang phục giản dị, nét mặt bình thản. Các nếp áo được tạo tác một cách giản dị với hai lớp áo choàng ở ngoài và một chiếc yếm đào phía bên trong làm cho pho tượng trở nên sống động, gần gũi.

Phủ quang Cung với lịch sử lâu đời qua sự giữ gìn và bảo tồn của người dân địa phương là niềm tự hào của Huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Nhà Lưu Niệm Cố Tổng Bí Thư Trường Chinh – Nam Định

Di tích nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh ở thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường. Đây là quê hương, nơi sinh trưởng của đồng chí Trường Chinh, người học trò suất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người con ưu tú của quê hương Nam Định.

nam định có gì?

Cố Tổng Bí Thư Trường Chinh – Nam Định

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu sinh ngày 9/2/1907, trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học. Ông nội là Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng , một sĩ phu yêu nước, thân phụ là Đặng Xuân Viện một người có trình độ học vấn cao và luôn say mê nghiên cứu. Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh trước đây là ngôi nhà được ông nội xây dựng năm Nhâm Dần niên hiệu Thành Thái thứ 4 (1902), cho người con trai của cụ là ông Đặng Xuân Viện ( Bốn Đễ). Đồng chí Trường Chinh là con trai cả của ông Đặng Xuân Viện được sinh ra và lớn lên rồi xây dựng gia đình cũng chính tại ngôi nhà này.

Ngôi nhà lưu niệm là nơi lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh suốt từ năm 1928 đến thời kỳ chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954). Nơi đây có thời kỳ đã từng là cơ sở in tài liệu, sách báo, tuyên truyền phục vụ cách mạng. Đồng thời còn là nơi nuôi giấu đồng chí Trường Chinh trong những lần về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng tại quê nhà.

nam định có gì?

Nhà Lưu Niệm Cố Tổng Bí Thư Trường Chinh – Nam Định

Nhà được làm bằng gỗ lim quay về hướng nam trên một khu đất rộng 531m², có 5 gian, bộ vì kèo làm kiểu thượng chồng rường hạ bẩy kẻ, mái lợp ngói nam và hệ thống tường hồi, tường hậu được xây gạch thất. Trong số 5 gian nhà, 2 gian buồng phía Đông và phía Tây có bức vách thuận ngăn cách với 3 gian phòng khách ở giữa. Trước đây bức thuận có ngưỡng cao, lắp cánh cửa ô, từ năm 1944 được thay thế bằng cánh cửa quân bài và hệ thống ngưỡng cũng được hạ thấp tạo nên không gian rộng rãi. Phía trước có tường hoa, sân gạch và một ao nhỏ nằm sát ở phía ngoài đường giong. Bờ ao có một số cây lưu niên. Giáp đường là hàng dậu bằng tre được xén ngay ngắn. Lối vào là cổng gạch được xây dựng khá cổ kính.

Đặc biệt sau những năm đồng chí Trường Chinh, nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà cách mạng, nhà tư tưởng lớn của Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng bộ và nhân dân Nam Định phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống uống nước nhớ nguồn, bằng những việc làm thiết thực đã ra sức tôn tạo, giữ gìn khu nhà lưu niệm ngày một khang trang hơn. Hiện nay khu nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh có các hạng mục sau: Nhà lưu niệm (nhà thờ), nhà khách, nhà lợp bổi được phân bổ theo tòa ngang dãy dọc có sân vườn, cây lưu niên, ao nước nhỏ được bao bọc trong tường xây dậu trúc khép kín mạng đậm phong cách truyền thống.

Chùa Cổ Lễ – Nam Định

Chùa Cổ Lễ có tên chữ là Quang Thần tự thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, một di tích lịch sử – văn hoá, thắng cảnh nổi tiếng vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, được lập vào thế kỷ thứ XII thời Lý. Chùa dựng trên một nền đất vuông, có sông nhỏ và hồ bao quanh. Chùa Cổ Lễ ngoài thờ Phật, còn thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, người đã từng chữa cho vua Lý Thần Tông thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo.

nam định có gì?

Chùa Cổ Lễ – Nam Định

Chùa đầu tiên bằng gỗ theo lối kiến trúc cổ, tuy nhiên đã bị đổ nát. Năm 1902, chùa được xây dựng lại theo kiến trúc “Nhất Thốc Lâu Đài” với những yếu tố kiến trúc Gothique giống như các nhà thờ Công giáo có khá nhiều ở khu vực lân cận. Sau đó, chùa đã được trùng tu nhiều lần, vật liệu xây dựng là gạch, vôi vữa, mật mía, giấy bản tạo nên độ cố kết vững bền của toàn bộ kiến trúc ngôi chùa.

nam định có gì?

Tháp cữu phẩm liên hoa chùa Cổ Lễ – Nam Định

Ngôi tháp Cửu Phẩm Liên Hoa nằm trước cổng chùa được xây dựng năm 1926 – 1927, có 8 mặt, 12 tầng, cao 32m. Đế tháp được đặt trên lưng một con rùa lớn, đầu quay vào trong chùa. Con rùa nằm giữa một hồ nước hình vuông, xung quanh có 4 hòn giả sơn khá lớn nằm ở 4 góc, bên cạnh có 4 con voi to bằng voi thật. Tháp có cầu thang 98 bậc xoắn ốc lên đến đỉnh, từ đỉnh tháp ta có thể ngắm toàn cảnhquanh vùng. Tương truyền rằng tín đồ phật tử, khách hành hương lên đến bậc thứ 98 này, sờ tay vào bức tượng trên đỉnh tháp thì cuộc sống sẽ luôn gặp may mắn

Từ ngôi tháp, đi qua một chiếc cầu cong ba nhịp, mặt cầu lát gạch là tới một tòa nhà gọi là Phật giáo Hội quán. Bên trái hội quán là đền thờ Trần Hưng Đạo và hai tiến sĩ họ Đào người làng Cổ Lễ là Bảng nhãn Đào Sư Mỗ và Tiến sĩ đệ tam giáp Đào Toàn Mỗ. Gần đó là đền thờ Bà chúa Liễu Hạnh. Từ hội quán, qua hai chiếc cầu có mái che là đến chính điện. Chính điện được thiết kế theo kiến trúc hài hòa giữa phong cách truyền thống và hiện đại. Trong chùa có tượng Phật sơn son thiếp vàng bằng gỗ cao 4m đặt ở trên tầng cao phải đi theo những cầu thang nhiều bậc ở hai bên mới lên đến nơi.

Ở giữa sân chùa có một chuông đồng lớn đặt trên gò đất hình vuông. Chuông cao 4,2m, đường kính 2,2m, thành dày 8cm, nặng 9 tấn, thành chuông dày 8cm. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Chuông này chưa được đánh lần nào nhưng dân gian truyền miệng khi đánh lên thì cả tỉnh và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng ngân của chiếc đại hồng chung này.

Trong chùa còn có một chiếc trống bằng đồng, một quả chuông đúc năm 1799 và những chiếc thuyền dùng để bơi thi. Chùa Cổ Lễ là sự kết hợp tinh hoa giữa kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố của phong cách kiến trúc phương Tây, vì lẽ đó mà ngôi chùa trở thành một danh lam nổi tiếng ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Chùa Keo Hành Thiện – Nam Định

Chùa Keo nằm ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi.

nam định có gì?

Chùa Keo Hành Thiện – Nam Định

Không gian chùa là là cả một khu kiến trúc cổ to lớn, bề thế với 13 tòa rộng gồm 121 gian nối tiếp nhau soi bóng xuống mặt hồ lung linh huyền diệu. Hai bên đường kiệu lát gạch, kề liền hai dãy hành lang, mỗi dãy gồm 40 gian bề thế.

Tương truyền, nguyên thủy chùa do Thiền sư Dương Không Lộ xây dựng ở ven sông Hồng từ năm 1061 dưới thời Lý Thánh Tông, tại hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).

Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang tự, đến năm 1167 mới đổi thành Thần Quang tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo.

Sau gần 500 năm tồn tại, năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy, nơi có chùa. Một bộ phận dân cư dời đi nơi khác, lập thành làng Hành Thiện, xây dựng nên ngôi chùa Keo mới, thường được gọi là chùa Keo Dưới (Keo Hạ) hay chùa Keo Hành Thiện (nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định).

Một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình, về sau cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Trên (Keo Thượng).

nam định có gì?

Chùa Keo Hành Thiện – Nam Định

Ban đầu, chùa được xây dựng tạm trên nền đất của làng. Năm Hoằng Định thứ 13 (1612), chùa được tu sửa hoàn chỉnh và có dáng dấp như ngày nay. Trong 400 năm tiếp theo, chùa nhiều lần được tu bổ lớn như vào các năm Cảnh Trị thứ 9 (1671), Chính Hoà thứ 25 (1704), Thành Thái thứ 7 (1896) và đặc biệt từ năm 1962 chùa Keo đã được nhà nước công nhận là tích lịch sử văn hoá, nên đã được tôn tạo nhiều lần.

Được khởi công xây dựng trước, kiến trúc chùa Keo Hành Thiện có ảnh hưởng rất lớn đến chùa Keo ở Thái Bình. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt nước trong xanh, soi bóng tháp chuông mái cong uy nghiêm, thơ mộng.

Tuy không có gác chuông chồng diêm 3 tầng 12 mái đồ sộ như chùa Keo Thái Bình, gác chuông chùa Keo Hành Thiện cũng là một sự kết hợp hài hòa của kiến trúc tam quan nội 5 gian, làm theo kiểu chồng diêm, cao 7m50.

Dáng vẻ thanh thoát với mái cong, bờ cánh kẻ bảy uốn lượn. Phía dưới là 8 đại trụ và 16 cột quân được đặt trên đá tảng chạm khắc hoa văn cánh hoa sen nở.

Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị của thế kỷ 17 thời Hậu Lê. Đó là những án thư, sập thờ, tượng pháp nhiều chuông khánh, văn bia cổ, hoàng văn phi đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo.

Sau chùa là đền Thánh thờ Đức Thánh Tổ Đại pháp thiền sư Không Lộ, người chữa khỏi bệnh cho vua Lý Nhân Tông.

Đền và chùa Thọ Vực – Nam Định

Đền và chùa Thọ Vực thuộc xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, là công trình tín ngưỡng đã được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc cấp quốc gia theo quyết định số 65-VH/QĐ ngày 16/01/1995. Đền và chùa Thọ Vực không chỉ là quần thể di tích có giá trị về mặt văn hóa tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật, mà còn có ý nghĩa về mặt lịch sử. Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thời kỳ tiền khởi nghĩa, di tích đền và chùa Thọ Vực là nơi hội họp, nơi hoạt động và trú ẩn của các tổ chức Cộng sản trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trải qua thời gian, đền và chùa Thọ Vực vẫn là quần thể công trình tín ngưỡng linh thiêng được nhân dân địa phương tôn tạo gìn giữ.

nam định có gì?

Đền và chùa Thọ Vực – Nam Định

Đền Thọ Vực được xây dựng từ lâu đời, để làm nơi phụng thờ 5 vị thánh – thần, gồm: Hai vị Thần Hoàng làng và các vị Nam Hải Đại Vương (Thục Phán An Dương Vương thứ 18), thánh Trân Thái Chưỡng phu nhân (đệ tam cung phi), tướng công Đông Hải. Trong tín ngưỡng dân gian ở địa phương, đây là những người có công ngăn trừ tai họa, khai thiên lập địa, tiếng thiêng hiển hách và luôn phù trợ cho cuộc sống muôn người yên ấm. Đền Thọ Vực đã trải qua nhiều lần trùng tu, lần tôn tạo quy mô nhất là vào năm Tự Đức 1848, đền được xây dựng hoàn chỉnh bằng gỗ lim, lợp ngói nam. Đến năm 1924, đền Thọ Vực một lần nữa được xây dựng lại to cao như ngày nay, chất liệu gạch ngói bê tông, công trình do cụ Hàn Hiệt thiết kế và thi công.

Chùa Thọ Vực được xây dựng và hoàn thành vào tháng 3 năm 1724 niên hiệu Bảo Thái. Cũng sang đầu thế kỷ 20, Hòa thượng Thích Tâm Tín đã đứng ra quyên góp tài vật xây dựng chùa khang trang như ngày nay. Riêng tam quan chùa đã bị đổ trong trận bão ngày 24/6/1929, Hòa thượng đã cho xây dựng lại, cao lên 3 tầng. Đền và chùa Tho Vực là một quần thể di tích có quy mô thiết kế theo kiến trúc cổ truyền. Các họa tiết, văn bia, câu đối và phù điêu cổ kính. Đặc biệt nơi đây còn gìn giữ được nhiều đồ thờ tự, tượng pháp có giá trị nghệ thuật cao, được làm bằng gỗ, đồng, gang… đây là những di vật quý mà ít nơi nào bảo lưu được.

Chùa Xuân Trung – Nam Định

Chùa Xuân Trung tên chữ là Linh Quang tự (chùa Linh Quang) thuộc xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường. Căn cứ theo tư liệu “Trà Lũ xã chí” do Cử nhân Lê Văn Nhưng biên soạn vào đời vua Khải Định năm thứ nhất (1916) thì chùa Xuân Trung được khởi dựng vào năm 1720 thời vua Lê Dụ Tông. Người có công lao đầu tiên trong việc xây dựng chùa là ông Đào Công Canh, quê làng Nguyệt Giám xã Minh Tân huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình. Ngôi chùa ban đầu có quy mô kiến trúc nhỏ bé, mái lợp bổi, tường bao quanh đắp đất. Năm 1785, chùa Xuân Trung mới chính thức được xây dựng một cách khang trang. Đến đời vua Gia Long năm thứ 2 (1803), chùa đã có một quy mô bề thế, lớn trên 80 gian lớn nhỏ. Bài minh văn trên khánh đá soạn khắc vào đời vua Tự Đức năm thứ 33 (1880), hiện treo tại gác khánh đã ca ngợi cảnh đẹp của chùa như sau: “Chùa Linh Quang nằm ở thôn Trung, xã Trà Lũ, huyện Giao Thủy, phủ Xuân Trường là một thắng cảnh đẹp trong vùng, là nơi muôn màu tụ hội”.

nam định có gì?

Chùa Xuân Trung – Nam Định

Qua bao thời gian hình thành và phát triển, chùa Xuân Trung luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng thế hệ nhà sư và nhân dân địa phương quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Chùa Xuân Trung hiện nay, ngoài thờ Phật còn thờ Thiền sư thời Lý là Nguyễn Minh Không (1076-1141). Thiền sư quê ở Đàm Xá (Điềm Xá) thuộc đất Tràng An, tên thật là Nguyễn Chí Thành. Thuở nhỏ làm nghề đơm đó, sau ngài xuất gia đi tu ở chùa Quốc Thanh, lấy hiệu là Minh Không. Nguyễn Minh Không là người có trình độ học vấn uyên thâm nổi tiếng về pháp thuật, có xu hướng tu mật giáo: “Có phép lạ bay trên không, đi trên mặt nước, hàng long phục hổ”.

Truyền thuyết kể lại rằng, Vua Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, tâm thần rối loạn, mình mẩy loang lổ, miệng luôn gầm rú như một mãnh hổ. Các vị danh y đều bó tay, Quốc mẫu, Hoàng hậu đều lo sợ. Nghe tiếng tăm của Thiền sư Không Lộ, Quốc mẫu đích thân mời ngài về cung chữa bệnh. Thiền sư dùng pháp thuật chữa khỏi bệnh cho vua. Vua phong ngài làm Quốc sư và ban nhiều bổng lộc. Công trình kiến trúc chùa Xuân Trung hiện nay được xây dựng theo kiểu “nội chữ đinh ngoại chữ quốc”, mặt quay về hướng tây trên một diện tích 6125 m2.

Tổng thể công trình gồm nhiều hạng mục, quy mô đồ sộ, bề thế còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc nghệ thuật thời hậu Lê thế kỷ XVII – XVIII. Nằm về phía trước chùa là hệ thống tam quan xây kiểu chồng diêm hai tầng bốn mái, lợp ngói nam. Hai bên tam quan còn có gác chuông và gác khánh, được xây theo kiểu “cổng làng” với các đao góc uốn cong mềm mại. Sau tam quan, qua một sân rộng lát gạch đỏ sạch sẽ là đến chùa chính. Công trình làm kiểu chữ đinh gồm bái đường 5 gian dài 13 m, rộng 8,70 m, tam bảo 5 gian dài 12 m, rộng 5,30 m. Bộ khung của công trình được làm bằng gỗ lim theo kiểu “giá chiêng” với các cấu kiện: Câu đầu, quá giang, xà nách, bẩy tiền, bẩy hậu đều gia công theo dạng tròn.

Đây là một nét đặc biệt trong kiến trúc của thời Hậu Lê thế kỷ XVII – XVIII còn bảo lưu được tại di tích. Bên cạnh chùa chính còn có đền thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, phủ thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh, phía sau là nhà tổ và bao quanh là hệ thống nhà khách, tăng phòng… Tất cả đã tạo thành một tổng thể khép kín hoàn chỉnh đã làm tăng thêm giá trị kiến trúc nghệ thuật cho khu di tích. Từ những giá trị tiêu biểu về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, chùa Xuân Trung xã Xuân Bắc đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật.

Chùa Nghĩa Xá – Nam Định

Chùa Nghĩa Xá (Chùa Viên Quang) là một di tích có quy mô rộng lớn, bề thế. nội công ngoại quốc, trên khu đất rộng khoảng 500 m2. Chùa đã được di chuyển và sửa chữa nhiều lần nhưng dấu ấn thời kiến trúc thời Hậu Lê còn in khá đậm nét trong phong cách xây dựng và phong cách trạm khắc như 2 bộ cánh cửa nhà Tiền Bái, hàng chục chân tảng đá hoa sen khu mộ tháp bằng đá… Ở đây còn tấm bia thời Lý khắc năm 1122 là một trong những tấm bia quý hiếm ở địa phương. Ngoài ra, ở chùa còn ba cỗ kiệu Bát cống, nhiều nhang án và sấu gỗ trạm khắc thời Hậu Lê có giá trị về mặt nghệ thuật. Chùa Nghĩa Xá còn có một thắng cảnh nhiều người biết đến.

nam định có gì?

Chùa Nghĩa Xá – Nam Định

Chùa Nghĩa Xá hiện nay thờ Phật và các vị Thánh Tổ. Nguyên trước chùa thờ cả Thiền Sư Tuệ Tĩnh. Theo các cụ ở địa phương, trước năm 1949 chùa rất nhiều tượng phật, sau bị giặc Pháp huỷ hoại. Hiện nay, gian tiền bái thờ tượng Phổ Hiền và Quan Công gian đọ nhị có toà Cửu Long gian Thượng Điện thờ bốn pho tượng Quan Âm, một pho tượng A Di Đà ngồi tư thế toạ thiền. Phía trên cùng của thượng điện thờ 3 tượng tam thế. Nếu nhìn từ ngoài vào thượng điện thì gian bên cạnh (phía phải). Có bài vị thờ vua Lý Thần Tông, gian tiếp cạnh có bài vị thờ Lục Thượng Thái Sư. Cạnh tượng điện về phía trái có bài vị thờ Giác Hải thiền sư và một gian giáp cạnh có bài vị thờ Nguyễn Minh Không. Phía sau toà thượng điện này có 4 gian (lợi dụng mái thượng điện) có 4 pho tượng tương ứng những người được thờ bài vị ở phía ngoài. Trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, ở di tích đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ. Năm 1946, thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa, chùa Nghĩa Xá là nơi dân quân nằm nghỉ, tập luyện hàng năm trời. Cũng trong thời gian này nhà sư Nguyễn Thanh Tác trụ trì tại chùa đã cởi áo Cà Sa tham gia vệ quốc đoàn để chống lại thực dân Pháp.

Thời kỳ năm 1947 – 1948, chùa Nghĩa Xá là nơi tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Nam Định liên tục đi về để tổ chức cuộc mít tinh quần chúng. Có những cuộc mít tinh lớn như cuộc mít tinh lực lượng 3 huyện miền nam tỉnh là Xuân Trường, Giao Thuỷ và Hải Hậu. Nhân kỷ niệm ngày quốc tế lao động mùng 1/5/1950 lá cờ Đảng đã tung bay trên gác chuông chùa mặc dù lúc này nơi đây vẫn còn vùng địch tạm chiếm. Chùa Nghĩa Xá (Viên Quang) là một trong những di tích có giá trị của tỉnh Nam Định.

Hàng năm, vào ngày 1/3 âm lịch chính quyền địa phương và nhân dân xã Xuân Ninh lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống nhằm tôn vinh ý nghĩa lịch sử văn hoá của khu di tích, đồng thời qua đó cũng khơi gợi ý thức tự hào của nhân dân địa phương và lòng hảo tâm của khách địa phương trong và ngoài xã để sửa sang và tôn tạo cho khu di tích ngày một khang trang hơn, sạch đẹp hơn.

Đền An Cư – Nam Định

Đền An Cư xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định là di tích được nhân dân địa phương xây dựng để ghi dấu công lao khai hoang lấn biển do vị thủy tổ Phúc Diễn khởi xướng vào những năm cuối thế kỷ XIV.

nam định có gì?

Đền An Cư – Nam Định

Theo cuốn thần phả hiện lưu giữ tại di tích thì vị thủy tổ Phúc Diễn thuộc dòng dõi Vũ Hồn quê gốc ở Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương. Ông là con trai cụ Phúc Điền, người có công khai sáng ra mảnh đất Bình Cư nay là xã Xuân Ngọc huyện Xuân Trường. Thủy tổ Phúc Diễn là người thuộc dòng dõi trâm anh được học hành lại có trí thông minh hơn người. Ông nhận thấy mảnh đất Bình Cư khó có thể làm ăn khá giả nên cần phải khai phá xuống vùng biển phía nam. Trong nhiều năm liền, dưới sự chỉ đạo của thủy tổ Phúc Diễn cùng với sự cố gắng của nhân dân nên đã khai khẩn được một vùng đất rộng lớn. Dân làng đặt tên cho vùng đất mới là An Cư với hàm ý ăn ở ổn định. Công lao của thủy tổ Phúc Diễn đối với nhân dân nơi đây vô cùng to lớn, bởi vậy sau khi mất ông được suy tôn là “Khai cơ tổ” (ông tổ mở mang miền đất mới). Nhân dân thờ phụng ông như một vị thần ở trong đền.

Hiện nay, tại đền còn lưu giữ được đôi câu đối ghi lại công trạng của ông: “Linh địa khởi lâu đài, lễ nhạc y quan kim cổ thịnh. An Cư hưng miếu vũ thanh danh phong vật địa nhân long “. (Dựng lâu đài ở đất linh thiêng, lễ nhạc áo mũ xưa nay đều hưng thịnh. Chấn hưng miếu vũ tại An Cư, thanh danh phong vật, đất người đều phồn thịnh).

Đền An Cư hiện nay được làm quay về hướng đông nam gồm nhiều hạng mục xây dựng đăng đối. Trước đền là hệ thống nghi môn tạo thành ba cổng ra vào. Cổng giữa tạo dáng bởi hai đồng trụ cao trên 7 mét, hai cổng bên xây đối xứng kiểu chồng diêm tám mái lợp giả ngói ống. Công trình chính của đền xây thành ba lớp tạo thành mặt bằng hình chữ tam bao gồm: Tiền đường, trung đường và hậu cung. Tòa tiền đường có 5 gian cao rộng, tất cả các cấu kiện gồm: Xà, vì kèo, câu đầu đều làm bằng gỗ lim. Nâng đỡ bộ mái là tường xây và hệ thống cột xây gạch chắc chắn. Tại gian chính giữa tiền đường đắp nổi bức cuốn thư trên viết ba chữ Hán “Khai cơ tổ” (ông tổ mở mang miền đất mới). Tiếp đến là 5 gian trung đường được xây liền với tiền đường. Bộ mái trung đường làm kiểu cuốn vòm gắn ngói nam.

Gian giữa trung đường treo bức cửa võng sơn son thếp vàng chạm đề tài long, ly, quy, phượng cùng hoa lá mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hội làng An Cư ngoài các nghi thức tế lễ, rước kiệu, làng còn tổ chức nhiều trò chơi như đấu vật, bơi chải, cờ tướng, tổ tôm điếm… Đặc biệt trong hội làng An Cư trò chơi đấu vật và bơi chải thì không năm nào thiếu. Đây là hình thức để dân làng rèn luyện sức khỏe, hăng say lao động sản xuất. Từ xa xưa sới vật An Cư đã rất nổi tiếng, vào ngày hội làng có nhiều đô vật từ nhiều địa phương về đăng ký tham gia thi đấu như: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tây, Hải Phòng… Do đó, hội làng An Cư luôn luôn náo nhiệt mang tinh thần thượng võ của một làng quê ven biển. Đến với xới vật An Cư, các đô vật ở mọi miền đất nước đều biết đến miếng “đánh gồng”. Đó là miếng võ hiểm duy chỉ có An Cư mới áp dụng thành công.

Trước đó vào thời Nguyễn, An Cư có đô vật Kình đã dùng miếng đánh gồng để thi đấu ở Thanh Hóa và hạ đo ván nhiều đối thủ, giành được chức quán quân khiến cho các đô vật khác phải nể phục. Hiện nay, tinh thần thượng võ trong dân làng vẫn luôn được địa phương duy trì và phát triển. Toàn thôn An Cư hiện có trên 30 đô vật, trong đó xới vật xóm 4, xóm 16 là nổi tiếng nhất, hàng năm đóng góp cho thể thao tỉnh Nam Định nhiều vận động viên tiêu biểu. Lễ hội truyền thống tại đền An Cư là một nét sinh hoạt văn hóa rất thiết thực, có ý nghĩa giáo dục truyền thống, động viên quần chúng nhân dân hăng say lao động sản xuất. Chắc chắn lễ hội truyền thống tại đền An Cư sẽ lôi cuốn được sự quan tâm của đông đảo nhân dân xa gần góp phần phát huy tốt giá trị của một di tích đã được Nhà nước công nhận.

Nam Định có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Nam Định – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Thầy Khôi Dạy Toán

YOLO! Khám phá các huyện ở Nam Định

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก